Năm 2014, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục sẽ là thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Chúng tôi ước tính, có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (khoảng 10%) trong năm 2014, tức là thêm khoảng 2,5 tỷ USD. Đây là điều không khó vì thị trường Hoa Kỳ cực lớn và có nhu cầu đa dạng. Điều quan trọng nhất là Việt Nam có đủ hàng để xuất cho Hoa Kỳ hay không!
Đối với TPP, việc Việt Nam quyết định tham gia đàm phán có nhiều lợi ích. Trong đó, lợi ích lớn nhất là mở cửa thị trường, chẳng hạn như dệt may, giầy dép.
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ, mỗi năm xuất khẩu khoảng 7,5 tỷ USD, chiếm 50% tổng xuất khẩu dệt may của Việt Nam ra nước ngoài; giày dép khoảng 2,2 tỷ USD/1 năm. Hai mặt hàng này đã chiếm khoảng một nửa tổng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Trong đàm phán TPP, chương về mở cửa thị trường liên quan đến dệt may, họ đang muốn áp dụng quy tắc xuất xứ tính từ sợi. Theo đó, yêu cầu các mặt hàng xuất khẩu vào các nước TPP thì phải từ sợi trở đi từ các nước TPP.
Tuy nhiên, trong TPP nổi lên vấn đề: Nếu không có nguyên liệu như vải, sợi để làm các sản phẩm mà không mua được từ các nước TPP, phải mua từ nước khác thì sao? Hoa Kỳ đề xuất sáng kiến là “thiếu hụt nguồn cung”. Hai bên định ra thiếu hụt nguồn cung thường xuyên và thiếu hụt nguồn cung tạm thời. Tạm thời là bao nhiêu năm? Trong bao nhiêu năm đó thì các nước TPP sẽ vươn lên để cung cấp nguyên vật liệu đó? Nguồn cung thường xuyên và nguồn cung tạm thời đều được đưa vào TPP. Hai vấn đề đó, Việt Nam đều tận dụng được.
Tận dụng thứ hai là mở cửa thị trường sẽ giảm thuế. Ví dụ như mặt hàng da giày của Hoa Kỳ, hiện chỉ còn duy nhất 1 công ty với khoảng 1.200 công nhân nhưng vẫn muốn bảo hộ. Họ không muốn giảm thuế cho mặt hàng giày dép và vẫn muốn đánh thuế cao, có những mặt hàng đánh thuế lên đến 65%. Nếu như vào TPP, Hoa Kỳ buộc phải giảm thuế, thậm chí đề nghị đưa thuế suất bằng 0% ngay lập tức khi được tham gia. Khi giảm thuế thì Việt Nam sẽ tăng được xuất khẩu.
Chẳng hạn, Tập đoàn sản xuất đồ thể thao lớn như Nike hiện đã có 76 nhà máy tại Việt Nam chuyên sản xuất từ giày dép, quần áo, thiết bị thể thao. Từ Việt Nam xuất đi khoảng 2 tỷ USD trên các thị trường trên thế giới và khi xuất vào Hoa Kỳ chịu thuế cao. Việt Nam đóng thuế cho Hoa Kỳ rất nhiều. Khi thuế giảm xuống bằng 0%, giày sẽ giảm giá xuống, người tiêu dùng hưởng lợi, xuất khẩu được nhiều. Như vậy doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ TPP.