Ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú, cho biết nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang vào Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm nhằm đón đầu TPP. Đây là những doanh nghiệp FDI có thế mạnh về vốn và công nghệ. Do đó, có khả năng DN sản xuất sợi, vải trong nước sẽ bị cạnh tranh không chỉ về xuất khẩu mà còn cả về cung ứng cho nội địa. Ngoài ra, DN FDI cũng có thế mạnh về vốn nên sẵn sàng trả lương cao để thu hút kỹ sư giỏi, nhân lực có tay nghề từ các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, bên cạnh những thuận lợi về giảm thuế, TPP cũng đem lại rủi ro cạnh tranh về thị trường và nguồn nhân lực.

Chính vì vậy, Phong Phú cũng phải chuẩn bị bằng việc mở rộng đầu tư dệt kim với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn; đồng thời đầu tư nhà máy sợi với quy trình công nghệ và chỉ số sợi cao hơn, chất lượng tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cụ thể, Phong Phú dự kiến đầu tư mở rộng một dây chuyền dệt kim tại Nha Trang với vốn đầu tư 400 tỉ đồng vào năm 2015 để cung cấp vải dệt kim cho thị trường trong nước; đồng thời hợp tác với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn xây dựng hạ tầng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân để phục vụ cho sản xuất dệt nhuộm. Dự kiến 2015 -2016, Phong Phú sẽ đầu tư một dây chuyền kéo sợi 20.000 cọc sợi, sản xuất sợi 100% cotton chải kỹ, với sản lượng ước 3.200 tấn/năm. Năm 2018 -2019, đầu tư một nhà máy kéo sợi 20.000 cọc chuyên dùng cho vải dệt kim cao cấp.

Không chỉ các DN dệt may mà những DN ở các lĩnh vực khác cũng phải đương đầu với thách thức khi gia nhập TPP, EU… Nhiều DN cho biết đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước để nâng cao sức cạnh tranh cho DN. “Cụ thể là chúng tôi đã tái cấu trúc lại DN, đánh giá lại nguồn lực và có một chiến lược nhất định, rõ ràng. Đó là thực phẩm phải được truy xuất nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng, cũng như giá cả và năng suất”, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết.