Bộ Tài chính Thái Lan vừa kiến nghị lên chính phủ nước này một số biện pháp nhằm biến Thái Lan trở thành trung tâm thương mại quốc tế của ASEAN khi Cộng đồng chung khu vực này được hình thành vào cuối năm 2015. Theo tính toán, khi trở thành trung tâm thương mại quốc tế khu vực Thái Lan có thể sẽ kiếm được tới 120 tỷ baht mỗi năm và tạo ra nguồn thu khoảng 17 tỷ baht cho ngân sách nhà nước. Trước đây, Thái Lan từng nỗ lực thực hiện mục tiêu này bằng các biện pháp liên quan tới thuế để hỗ trợ việc thành lập các Trung tâm hoạt động khu vực.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểu này cũng được các nước khác trong khu vực thực hiện và thậm chí còn có sự ưu đãi hơn nên không có nhiều nhà đầu tư nước ngoài thực sự muốn thiết lập trung tâm hoạt động khu vực ở Thái Lan.Thông thường các Trung tâm hoạt động khu vực sẽ liên qua tới các lĩnh vực như quản lý tài chính, thương mại quốc tế, hoạt động nghiên cứu quốc tế và liên doanh. Singapore và Malaysia là hai nước tạo được nhiều ưu đãi về những lĩnh vực này hơn Thái Lan.

Singapore dẫn đầu khu vực với khoảng 1.800 trung tâm hoạt động khu vực. Tiếp theo là Malaysia với 800 trung tâm và Thái Lan mới chỉ có khoảng 120 trung tâm kiểu này.So với hai nước trên, Thái Lan không những chưa linh hoạt và chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các trung tâm kiểu này mà còn có chế tài xử phạt khắt khe hơn đối với những ai không thực hiện đúng cam kết. Điều này đã khiến cho Thái Lan không trở thành điểm dừng chân ưa thích đối với các đối tác nước ngoài.Ngoài ra, Thái Lan cũng chưa tạo ra sự đặc quyền gắn liền với quản lý tài chính hay quản lý bảo hiểm rủi ro. Dự kiến các biện pháp mới do Bộ Tài chính đề xuất sẽ sửa đổi những hạn chế này nhằm cải thiện tính hấp dẫn của Thái Lan đối với việc thành lập các trung tâm hoạt động khu vực.