Đây là thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu người tiêu dùng, do đó để xâm nhập được thị trường này phải có chiến lược lâu dài

Gần 10 năm qua, Cholimex xuất khẩu mạnh sang Campuchia, Philippines, chủ yếu là ở kênh truyền thống, cũng đang hướng đến kênh hiện đại nhưng chưa thực hiện được. Hàng Thái đa dạng là đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Cholimex. Giá cả của Cholimex ngang hoặc thấp hơn hàng Thái nhưng Cholimex thấy cần phải tập trung nghiên cứu để có những dòng sản phẩm có khẩu vị phù hợp với dân địa phương. Nhựa Duy Tân hiện có hàng ở Campuchia và Myanmar nhưng phương thức là mua đứt bán đoạn với người đặt hàng ở nước ngoài và chủ yếu là các siêu thị, do vậy chưa có hàng ở kênh truyền thống.

Doanh nghiệp ABC được đối tác lớn từ Manila – Philippines đặt hàng từ năm 2012. Thương vụ này là một trong những chương trình xúc tiến tìm thị trường của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, hướng đến thị trường ASEAN và Trung Quốc. Tại Campuchia, ABC đã có gần 10 cửa hàng và có cả nhà máy sản xuất.

Năm 2000, Công ty Thiên Long xâm nhập Myanmar bài bản. Trên đường phố Yangon, sẽ thấy nhiều chiếc xe buýt lưu thông hoặc trạm chờ xe với hình ảnh quảng cáo cho sản phẩm văn phòng phẩm của Thiên Long. Theo ông Cổ Gia Thọ, thời đầu việc vận chuyển và thanh toán là rất khó khăn, có chuyến hàng bị mất. Sau đó, tìm được những đối tác tin cậy, đầu tư và làm chương trình thị trường. Hiện nay mỗi năm, Myanmar tiêu thụ khoảng 1 triệu USD sản phẩm, chiếm 10% tổng doanh số của Thiên Long ở thị trường nước ngoài. Tại Đông Nam Á, Thiên Long cũng đã đi từng bước một ở Thái Lan, Philippines, Indonesia, Lào và Campuchia. Riêng Singapore thì đang gặp khó vì hệ thống phân phối của họ đã phát triển từ lâu.

Giấy Sài Gòn bắt đầu xuất khẩu giấy tiêu dùng từ năm 2011. Năm 2014, công ty đã xuất 5.063 tấn. Tại khu vực Đông Nam Á, công ty đã xuất sang các nước Malaysia, Singapore, Philippines và Campuchia. Giấy công nghiệp dùng sản xuất bao bì carton đã xuất khẩu từ năm 2006. Thị trường tập trung là Malaysia, Singapore, Campuchia, Indonesia và các nước khác như Sri Lanka, Úc.

Năm 2001, Công ty Kinh Đô xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Đài Loan, Singapore, Campuchia, Lào, Nhật, Malaysia, Thái Lan. Tìm thêm thị trường mới thông qua việc phát huy nội lực, nghiên cứu thị trường nước ngoài, tham gia các hội chợ quốc tế về thực phẩm tại Singapore, Mỹ.

Trong các thị trường Đông Nam Á, Vinamit lại phát triển theo đường lan tỏa. Hàng hóa theo các thương lái Trung Quốc đi sang Myanmar và theo thương lái Lào đi sang Thái Lan. Sản phẩm kẹo bơ đậu phộng của Vinamit được ưa chuộng tại thị trường Malaysia, Indonesia. Các sản phẩm của ICP – Xmen bắt đầu thâm nhập 3 thị trường có kênh bán lẻ truyền thống mạnh là Myanmar, Malaysia và Campuchia bằng chiến lược chọn các thị trường chưa hoàn toàn phát triển để tận dụng lợi thế nước lên thuyền lên.

Theo: Nguoilaodong