RCEP có thể loại bỏ 85% dòng thuế đối với hàng hóa giữa 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và 6 quốc gia khác, đề xuất này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều thị trường mới và rộng lớn hơn cho các quốc gia trong khu vực.

RCEP là thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN với 6 quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với khu vực này gồm Trung Quốc, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Theo đề xuất mới sẽ loại bỏ 65% các dòng thuế đối với hàng hóa ngay khi hiệp định có hiệu lực. 20% các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm dần về mức 0% trong vòng 10 năm tiếp theo theo lộ trình. Điều này đồng nghĩa 85% dòng thuế sẽ được loại bỏ trong khuôn khổ hiệp định RCEP.

Kể từ tháng 1 năm 2010, hầu hết các loại thuế trong ASEAN đã về mức 0%. Cụ thể, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,65% dòng thuế trong khi các thành viên khác là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cũng cắt giảm 98,86% các dòng thuế về mức từ 0-5%.

Đây chỉ là sự khởi đầu cho một chuỗi các cuộc tham vấn tiếp theo trong quá trình đàm phán. Các phản hồi và đề xuất sẽ được báo cáo lên Ủy ban Thuế quan và các vấn đề liên quan để xác định hướng đi trong các phiên đàm phán tiếp theo cho RCEP.

ASEAN và các đối tác thương mại của mình kỳ vọng RCEP sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Mục tiêu của RCEP là “tạo ra một thỏa thuận thương mại toàn diện nhằm tăng cường hội nhập kinh tế giữa các thành viên liên quan. Các vấn đề chính đang được đàm phán liên quan đến thương mại hàng hóa – dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế – kỹ thuật và giải quyết tranh chấp”.

Lợi ích tiềm tàng của RCEP bao gồm đơn giản hóa quy định về xuất xứ hàng hóa trong các FTA. Nó cũng tìm kiếm giải pháp điều chỉnh các ưu đãi thông thường để cho phép các doanh nghiệp dễ dàng tận dụng các ưu đãi thuế quan sẵn có mà không phải thực hiện kiểm tra lại với mỗi nước liên quan. Điều này đồng nghĩa rằng RCEP sẽ mang lại những lợi ích xa hơn so với từng FTA riêng lẻ mà ASEAN đã ký kết.