Ngày 25 tháng 7 năm 2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng sản phẩm chủ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, chủ đề Hội thảo khoa học này đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 13/7/2018. Hội thảo với sự tham dự của Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại khu vực phía Nam, TS. Từ Mạnh Lương Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, TS. Từ Mạnh Lương đã tóm tắt một số nội dung và kết quả trao đổi thảo luận của Hội thảo đã tổ chức tại Hà Nội  và phát biểu đề dẫn với các nội dung chính cần được thảo luận tại Hội thảo như: (1) Cách hiểu về “sản phẩm chủ lực của ngành” phải có tác động lớn đến ngành hoặc phạm vi, lãnh thổ, ngoài ra cũng có sản phẩm chủ lực cũng có thể mang tính chất nội bộ của Bộ, của đơn vị và có thể triển khai theo hình thức đề tài khoa học cấp bộ; (2) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có sự chuẩn bị để kịp tổng hợp gửi Bộ Khoa học và Công nghệ nhu cầu xây dựng sản phẩm chủ lực; (3) Dự kiến một số nội dung Bộ VHTTDL sẽ đăng ký Bộ KHCN tổng hợp báo cáo Chính phủ để được đưa vào chương trình hành động trên phạm vi quốc gia.
 
Tại hội thảo, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cũng đã có những ý kiến rất tập trung và cụ thể đối với từng lĩnh vực hoạt động nhằm đánh giá và từng bước thực hiện hóa những sản phẩm chủ lực của ngành, của đơn vị.
 
PGS.TS. Vũ Ngọc Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố. Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin về việc ứng dụng công nghệ trong việc tạo chu trình khép kín phục vụ đào tạo nhân lực, từ việc sử dụng công nghệ ở trường quay đến việc thể hiện sản phẩm điện ảnh tại rạp chiếu phim của trường. Hiệu quả thiết thực của việc này là số sinh viên đăng ký học ngành đạo diễn tăng….
 
PGS. TS. Đặng Hà Việt – Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành TDTT làm tiền đề để xây dựng giáo trình điện tử phục vụ giảng dạy (thảo luận, kiểm tra kiến thức, ôn thi), nghiên cứu, tra cứu phát hiện “đạo văn”…; cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu trong quá trình tập luyện của vận động viên. Ngoài ra vấn đề cung cấp thông tin các sự kiện thể thảo trong phạm vi một thành phố để khách du lịch được biết và tham gia…
 
ThS. Võ Quốc Thắng – Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cũng cấp thông tin việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong đào tạo nguồn nhân lực cho thể thao thành tích cao của Trung tâm và cũng mong muốn việc tăng cường phối hợp giữa nhà quản lý và các huấn luyện viên và các nhà khoa học thể thao nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện. Ông Trần Chí Quân - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Cần Thơ cũng đồng quan điểm và mong muốn áp dụng khoa học, công nghệ cao trong tuyển chọn vận động viên, đặc biệt chú ý đến tính chất thể trạng vận động viên, để lựa chọn môi trường tập luyện phù hợp.
 
PGS. TS. Nguyễn Thế Dũng – Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh trao đổi với đại biểu tham dự Hội thảo về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ của nhà trường như xây dựng phần mềm quản trị đại học của trường (bằng nguồn vốn của Bộ, của trường và xã hội hóa) và cũng đặt ra vấn đề xây dựng thư viện điện tử ngành văn hóa có thể liên thông với các trường đại học cùng ngành, chuyên ngành đào tạo… Đồng quan điểm, PGS. TS. Lâm Nhân (Phó hiệu trưởng nhà trường) cũng đặt ra việc cần phải thực hiện hóa ứng dụng thành tựu của CMCN lần thứ 4 bằng việc làm cụ thể như: Xem kết quả ứng dụng là tiêu chí quan trọng để đánh giáa chất lượng đề tài. PGS.TS. Lâm Nhân đã đề xuất Bộ VHTTDL tổ chức cuộc thi cho sinh viên các trường thuộc Bộ VHTTDL để sáng tạo thông qua xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh…
 
PGS.TS. Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh trao đổi về tính cấp thiết phải ứng dụng công nghệ để làm công cụ thực hiện hóa ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật. Với bề dày hơn 100 năm kể từ ngày thành lập trường (năm 1913), nhà trường có kho tác phẩm mỹ thuật đồ sộ và đã từng bước được số hóa. Nhận thức được tầm quan trọng trong thích ứng với CMCN lần thứ 4, nhà trường đã mạnh dạn mở mã ngành Thiết kế mỹ thuật truyền thông đa phương tiện. PGS. TS. Nguyễn Văn Minh cũng đề xuất Bộ mở cuộc thi dành cho sinh viên các trường thuộc Bộ VHTTDL xây dựng ứng dụng trên điện thoại. NGND. GS. TS. Nguyễn Xuân Tiên cũng đã nêu vấn đề sử dụng máy CNC trong điêu khắc, dùng robot để thay thế con người trong tạo lập tác phẩm nghệ thuật trong những môi trường gây nguy hiểm cho con người…
 
Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến của đại diện Lãnh đạo đơn vị, các nhà khoa học. TS. Từ Mạnh Lương đánh giá cao chất lượng buổi hội thảo, cảm ơn và ghi nhận tất cả các ý kiến của đại biểu. Các ý kiến này sẽ được Vụ KHCNMT tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ trong thời gian tới./.
Viết Huy.