Ngày 15 tháng 12 vừa qua, Hội nghị lần thứ 3 nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Hội nghị với chủ đề “Tạo động lực chung hành động giảm ô nhiễm nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức thu hút được sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Mỗi năm trên thế giới có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa. Riêng ở Việt Nam mỗi năm trung bình có hơn 3,8 triệu tấn rác thải trong đó phần lớn là túi nylon. Trung bình mỗi hộ gia đinh Việt Nam sử dụng hơn một cấn túi nylong mỗi tháng, 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau 1 lần sử dụng. Rác thải nhựa dùng một lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa rất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy qua đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật.

Vì thế, các quốc gia trên thế giới cùng hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa dự kiến sẽ thông qua vào năm 2024, Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa Việt Nam đã tích cực phối hợp với các đối tác xây dựng mạng lưới kết nối chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp thực hiện việc quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Trong những năm qua, NPAP Việt Nam đã xây dựng và mở rộng mạng lưới với sự tham gia của gần 200 tổ chức, doanh nghiệp, từ đây chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm về các vấn đề liên quan đến đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, sáng tạo để giảm ô nhiễm nhựa, huy động tài chính và đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải nhựa, ô nhiễm nhựa.

Tại hội nghị, các đại biểu của Việt Nam và quốc tế đã cùng trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề trong đó đặc biệt tập trung nghị sự tìm hướng giải quyết ô nhiễm nhựa ở Việt Nam. Cũng trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra lễ ra mắt Nhóm kỹ thuật về Bình đẳng giới và Phát triển bao trùm NPAP, do Đại sư quán Canada tại Việt Nam và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì. Mục tiêu của Nhóm kỹ thuật này sẽ tập trung giảm thiểu ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa thông qua thúc đẩy các giải pháp can thiệp về giới và vấn đề bao trùm, với cân nhắc kỹ vai trò của phụ nữ và nam giới, và các nhóm xã hội khác nhau trong hỗ trợ thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa.

Nguyễn Lan Hương