Lan tỏa những giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu
Bước sang năm thứ ba của hành trình, sau nhiều chuyến điền dã khắp các vùng miền, gặp gỡ nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa, hơn 20 tập phim đầu tiên của Dự án “Mẹ Việt – Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” đã hoàn thành, bước đầu mang đến cho công chúng cái nhìn tương đối tổng thể, cơ bản về giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trên thế giới, hiếm có tín ngưỡng thể hiện rõ tâm tư, tình cảm, đạo đức của một dân tộc như tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Ấy là nhân sinh quan tích cực hướng đến mong muốn, tâm nguyện tốt đẹp dành cho bản thân, gia đình ngay trong đời sống thực tại; từ đó làm toát lên những giá trị đẹp về truyền thống uống nước nhớ nguồn, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng dân tộc… Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Mẫu và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu còn được coi như bảo tàng văn hóa sống của người Việt, nơi có thể tìm thấy cả kho tàng truyền thuyết, thần tích, thần thoại về các vị thánh, thần…; tính đa dạng của các hình thức văn học truyền miệng, nghệ thuật kiến trúc, trang trí mỹ thuật, diễn xướng âm nhạc, ca hát, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống… Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại, tín ngưỡng này cũng đang gặp nhiều thách thức khi xuất hiện không ít biểu hiện biến tướng, thương mại hóa như bị lợi dụng để bói toán, mê hoặc hay hiện tượng “đồng đua đồng đú” mang tính mê tín dị đoan. Thêm nữa là tình trạng thiếu hiểu biết hoặc hiểu chưa đủ, chưa đúng về giá trị và thực thành nghi lễ của một bộ phận công chúng. Đó là lý do khiến những người nặng lòng với loại hình tín ngưỡng này quyết tâm theo đuổi dự án “Mẹ Việt – Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt”, mong muốn qua những thước phim có thể xây dựng kho tư liệu sinh động bằng hình ảnh về loại hình tín ngưỡng nội sinh của người Việt, từ đó kéo gần công chúng đến với những giá trị gốc của di sản.
Dự án được xác định thực hiện dài hơi với 108 tập phim (mỗi tập có thời lượng 12 đến 15 phút), chia thành năm phần với những mảng nội dung bổ trợ nhau. Nếu phần một tập trung nói về nguồn gốc, quá trình phát triển tín ngưỡng; phần hai bàn đến vai trò của tứ phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam, tứ phủ; thì phần ba đi sâu giới thiệu các nghi thức, giá trị đặc sắc của tín ngưỡng. Trong khi đó, phần bốn hệ thống hóa các vị thánh trong tín ngưỡng, những người thực hành tín ngưỡng, hát văn, hầu dâng, làm trang phục, đồ lễ, đồ mã…; phần năm bàn về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội đương đại. Bà Đàm Lan, Chủ nhiệm dự án chia sẻ, bàn về những nội dung nêu trên, đã có nhiều công trình, sách vở nghiên cứu. Song hầu hết các công trình mới chỉ hướng đến một khía cạnh hay một giá trị cụ thể. Hơn nữa, khi văn hóa đọc gặp nhiều thách thức, việc lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống cũng cần cách tiếp cận phù hợp ở thời đại nghe – nhìn. Và “Mẹ Việt – Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt”, xê-ri phim đầu tiên chuyển tải tới cộng đồng những thông tin vừa tổng quan, vừa chi tiết về giá trị tâm linh, văn hóa và lịch sử của tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những hướng đi để từ đó, người xem biết tự bảo vệ mình trước những mặt trái và biết thực hành tín ngưỡng đúng đắn. Dù mới đi được khoảng một phần năm chặng đường, nhưng những thước phim đầu tiên đã thể hiện sự dày công đầu tư chất xám khi mỗi tập, bằng nhiều cách đều cố gắng giải quyết thấu đáo một nội dung cơ bản, cụ thể như: người Việt thờ gì, tại sao lại là tam, tứ phủ, tại sao lại hầu đồng, hầu bóng…
Bên cạnh xê-ri phim, dự án còn thường xuyên mang đến những chương trình bên lề như tọa đàm, triển lãm, biểu diễn nhằm giới thiệu những nét tinh hoa của tín ngưỡng thờ Mẫu tới cộng đồng. Sau ba chương trình được tổ chức trong năm 2018 khẳng định giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu với đời sống người Việt, lý giải tại sao việc thực hành tín ngưỡng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mới đây nhất, cuối tháng 1-2019, dự án tiếp tục “trình làng” chương trình “Cầm ca chúc thánh – Tinh hoa hội tụ”. Đây là chương trình chuyên biệt đầu tiên giới thiệu về hát văn, loại hình âm nhạc dành riêng cho không gian tâm linh, có sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc và cả những nghệ nhân bậc thầy của làng hát văn. Đây cũng là sự kiện mở màn cho chuỗi chương trình trong khuôn khổ dự án giới thiệu về những giá trị cụ thể mà tín ngưỡng thờ Mẫu tam, tứ phủ đóng góp cho văn hóa dân tộc.
Nói về quá trình thực hiện dự án, bà Đàm Lan cho biết, đây là dự án phi lợi nhuận thực hiện vì cộng đồng, nhận được sự quan tâm ủng hộ rộng rãi của đông đảo người thực hành tín ngưỡng, các thầy đồng, cung văn… Đồng hành cùng dự án còn là sự góp sức của Hội đồng cố vấn nội dung với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi là không ít thách thức. Ngoài việc phải sắp xếp lịch trình di chuyển dày đặc khắp các tỉnh, thành phố để sưu tầm tư liệu thực hiện phim, khó khăn lớn là dự án không có một hệ thống tài liệu đầy đủ, trong khi tín ngưỡng thờ Mẫu mang yếu tố vùng miền và tính tự vận động, biến đổi theo lịch sử phát triển đất nước. Nên làm thế nào để vẫn tôn trọng lịch sử, khoa học, văn hóa và tâm linh, từ đó xây dựng bức tranh tổng thể về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đòi hỏi những người làm dự án phải nghiên cứu, chắt lọc dựa trên sự tư vấn của những nhà nghiên cứu, sự trợ duyên của những người thực hành tín ngưỡng tại các đền, phủ hay những người giữ thần phả, văn bản cổ…
Bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính. Đây cũng là lý do khiến dự án dự kiến hoàn thành trong 5 năm nhưng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, những người thực hiện khẳng định quyết tâm hoàn thành dự án, bám sát giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của tín ngưỡng. Bên cạnh phát sóng trên nền tảng số, dự án dự kiến sẽ phối hợp với một số kênh truyền hình để có thể lan tỏa rộng nhất những thước phim tư liệu sinh động về tín ngưỡng thờ Mẫu tới đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137