12/ Trước xu thế bảo hộ mậu dịch: Cần thích ứng để khẳng định năng lực hội nhập
Nhận diện thực chất của làn sóng bảo hộ mậu dịch đang diễn ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dấu hiệu rõ nét nhất tại 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Anh. Tại Mỹ, một trong các hành động lập pháp đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại Trung Quốc, nền kinh tế số hai thế giới, vốn được xem là hưởng lợi từ thương mại tự do đang theo đuổi một chính sách giảm nhập khẩu triệt để trong khi cố gắng thúc đẩy xuất khẩu càng nhiều càng tốt. Còn tại châu Âu, nước Anh đã kiên quyết rời khỏi EU và tiến hành đàm phán lại toàn bộ những quy chế thương mại với châu Âu.
Câu hỏi được đặt ra là khi nền kinh tế thế giới vẫn đang hết sức ảm đạm và các nhà lãnh đạo những nền kinh tế lớn đều thống nhất thúc đẩy tự do thương mại để hồi phục, thì tại sao chủ nghĩa bảo hộ lại đang có dấu hiệu trở lại rõ rệt và ở một phạm vi rộng lớn hơn bao giờ hết?
Có nhiều kịch bản được đưa ra trong việc nhìn nhận phía sau vấn đề bảo hộ trên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng quan điểm là dường như các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không còn đặt nhiều niềm tin vào hiệu quả của tự do thương mại nữa.
Một số ý kiến cho là làn sóng bảo hộ mậu dịch tuy có thể mạnh lên trong 4 – 5 năm tới, tuy nhiên có thể mang tính đối phó nhiều hơn của các nền kinh tế lớn. Đáng chú ý là ý kiến của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng, việc người dân Mỹ mất việc làm không phải vì các hiệp định tự do thương mại mà chính là bởi những cải tiến trong công nghệ và xu thế này sẽ vẫn tiếp tục cho dù Mỹ có ký kết TPP hay không. Ở góc độ khác, ông Sesto Vecchi – một luật sư thương mại người Mỹ có hơn 35 năm hành nghề tại Việt Nam – nhận xét, TPP không phải là lý do để công nhân Mỹ mất việc làm bởi những công việc trong các ngành lao động như may mặc, giày dép và lắp ráp đơn giản đã biến mất từ lâu ở Mỹ. Còn chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận định, chủ nghĩa bảo hộ có thể hiện diện một thời gian nhưng sẽ không lâu, bởi chính quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trung lưu.
Nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập
Trước làn sóng của chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng cùng những hệ quả của nó, nhiều chuyên gia kinh tế đã không giấu được sự quan ngại cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam – vốn có độ mở rất cao và phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài (FDI)- luồng vốn có thể bị suy giảm sau khi Mỹ rút khỏi TPP.
Nhưng câu trả lời của Việt Nam là rõ ràng. Tại các diễn đàn kinh tế trong và ngoài nước mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đều khẳng định, Việt Nam coi việc tham gia TPP và các FTA khác là một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng, toàn diện, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập, liên kết kinh tế khu vực. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước để bảo đảm thực thi có hiệu quả cam kết của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.
Ngày 6/2/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Ngay trong năm 2017, Việt Nam đặt mục tiêu đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cụ thể là khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu.
Các chuyên gia cũng lưu ý, Việt Nam không phải đã hết dư địa để hội nhập mà ngược lại, nếu biết khai thác thì dư địa đó còn rất lớn. Ông Tôn Thất Thông – chuyên gia kinh tế người Đức gốc Việt – nhấn mạnh, Việt Nam vẫn còn các hiệp định thương mại song phương khác để không quá bị động. Ông Thông cũng cho rằng, đối sách của Việt Nam tới đây cần cân đối thương mại với Trung Quốc và quan tâm hơn đến thị trường châu Âu. Châu Âu tuy có thể chế chung cho 28 nước EU nhưng thực tế đi vào chi tiết từng thị trường thì hàng hóa Việt Nam lại có quyền tự do. Bởi vậy, “nếu Việt Nam chọn khoảng 5 nước châu Âu, mỗi nước đạt được khoảng 7 – 8% kim ngạch xuất khẩu thì về mặt ngoại thương, Việt Nam sẽ rất vững vàng cho dù có biến động gì của thị trường thế giới cũng không phải lo ngại” - ông Tôn Thất Thông nói.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với châu Âu, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, trong khi doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân chỉ có khoảng 11 – 12%. Nếu việc cải cách thể chế kinh tế Việt Nam cho phép huy động số lượng lớn hơn các doanh nghiệp này tham gia làm ăn với thị trường châu Âu thì rõ ràng tính cạnh tranh của Việt Nam sẽ tăng đáng kể.
Nguồn: Báo Công thương
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199