Trước tiên, có thể thấy văn hóa Việt Nam có bề dày truyền thống mấy nghìn năm lịch sử, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhiều biến cố thăng trầm nên kết tinh và lắng đọng được nhiều giá trị tích cực, như truyền thống yêu nước và lòng dũng cảm, khả năng thích ứng cao với sự thay đổi của hoàn cảnh, sự khoan dung, tinh thần cộng đồng, sự nhân ái, lạc quan và hồn hậu, trọng nghĩa tình, sự cần cù, siêng năng. Hiện nay, Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến như một đất nước thanh bình, hiện đại, trẻ trung và năng động, một thành viên tích cực trong các hoạt động hợp tác quốc tế cho hòa bình và phồn vinh chung trên toàn cầu. Hơn nữa, bối cảnh chuyển đổi mang tính bước ngoặt của Việt Nam, sự “va đập” giữa cái mới và cái cũ tạo nên một lực hấp dẫn đặc biệt của văn hóa Việt Nam. Nền văn hóa hiện tại đang hướng đến việc kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị mới, hướng tới tương lai, như dân chủ, hiện đại, nhân văn, khai phóng, khoan dung, rộng mở… Nhận diện được đặc tính, phẩm chất cơ bản này của văn hóa Việt Nam trong truyền thống và hiện đại sẽ có ý nghĩa tích cực, để chuyển hóa thành “sức mạnh mềm” của đất nước, tạo sức thuyết phục đối với bạn bè quốc tế.Thứ hai, Việt Nam có nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc, được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử. Nguồn tài nguyên văn hóa Việt Nam dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao trên nhiều phương diện, được công nhận cả ở tầm khu vực và quốc tế là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Hệ thống di sản văn hóa phong phú, cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng là những tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như tạo dựng thương hiệu, vị thế của văn hóa Việt Nam.Thứ ba, các văn bản pháp lý về quản lý văn hóa của nước ta từng bước được hoàn thiện. Trong thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa phù hợp với tình hình mới. Nhiều luật quan trọng liên quan đến văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật khác góp phần hoàn thiện thể chế văn hóa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Nhiều chiến lược ngành đã được phê duyệt, làm căn cứ để triển khai các hoạt động văn hóa trong thực tiễn.Thứ tư, chủ trương “xã hội hóa” hoạt động văn hóa đã thu được những kết quả thiết thực, bước đầu huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội. Xã hội hóa được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến sản phẩm văn hóa, xây dựng cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Sự đa dạng hóa về các chủ thể văn hóa, sự chuyển đổi từ nguồn lực đơn tuyến của Nhà nước cho văn hóa đến sự nhập cuộc, hiệp lực và phối hợp đa chiều, đa thành phần từ nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội cho các hoạt động văn hóa; thúc đẩy sự đa dạng trong loại hình, ý tưởng, xu hướng và phong cách của các biểu đạt văn hóa, đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần phong phú hơn.Thứ năm, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; có sự thể nghiệm nhiều phương thức, hình thức biểu đạt mới làm phong phú thể loại, phong cách sáng tác và sản phẩm nghệ thuật với các đề tài, chủ đề được mở rộng bên cạnh những nỗ lực bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống. Một số tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh đã nhận được giải thưởng cao trong nước và quốc tế; việc ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào việc sản xuất sản phẩm văn hóa từng bước được thực hiện, nhiều dự án văn hóa nghệ thuật đã khuyến khích được những sáng tạo mới của các cá nhân nghệ sĩ, thu hút sự quan tâm của giới trẻ và đưa ra những cách nhìn mới về những vấn đề của cuộc sống đương đại.
Thứ sáu, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện là tiền đề góp phần thúc đẩy việc hình thành thị trường tiêu dùng văn hóa với nhu cầu ngày càng lớn. Văn hóa, từ một lĩnh vực bị xem là chủ yếu mang nặng yếu tố tuyên truyền đang dần trở thành một lĩnh vực có giá trị kinh tế, mang lại lợi nhuận cho xã hội. Đặc biệt, hoạt động du lịch được đẩy mạnh, trong đó tiềm năng văn hóa được khai thác và tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.
Thứ bảy, hợp tác quốc tế về văn hóa được đẩy mạnh, góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới, tạo nên “sức mạnh mềm” cho đất nước. Giao lưu văn hóa với nước ngoài ngày càng được mở rộng cùng với quá trình đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của Nhà nước ta, góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau, quảng bá cho hình ảnh đất nước, con người, văn hóa – nghệ thuật Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Thứ tám, công nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh. Hạ tầng mạng lưới viễn thông, In-tơ-nét tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Hoạt động của các cơ quan thông tấn báo chí cũng có nhiều đổi mới, tích cực hội nhập, học hỏi kinh nghiệm truyền thông của thế giới, có những bước phát triển vượt bậc, thông tin đa chiều, nội dung phong phú, góp phần nâng cao dân trí, mở mang trí tuệ, giúp người dân tiếp cận nhanh với những tri thức mới của nhân loại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.
Thứ chín, nhiều phong trào, cuộc vận động văn hóa được thực hiện và có những thành tựu nhất định, góp phần tạo môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống được tôn vinh, tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của người dân được phát huy, mở rộng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì văn hóa nước ta thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế.
Một là, tư duy quản lý văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Dấu ấn của tư duy bao cấp, “xin cho”, tư duy hành chính - mệnh lệnh, tác nghiệp vẫn còn nặng nề. Hiện nay các cơ quan quản lý vẫn còn ôm đồm nhiều công việc “làm văn hóa” hoặc bị sa đà vào các hoạt động văn hóa cụ thể, các công việc sự vụ, phong trào mà chưa thực sự phát huy được đầy đủ trách nhiệm, vai trò của xã hội, của cộng đồng, doanh nghiệp và các hiệp hội nghề nghiệp. Cơ chế quản lý vẫn chủ yếu mang tính tập quyền; tính chất phân quyền, phi tập trung hóa chưa cao. Các chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển văn hóa phần lớn được xác định và xây dựng từ cấp vĩ mô tỏa xuống các cấp vi mô, không được đề xuất và xây dựng từ dưới lên, từ thực tiễn cơ sở. Pháp luật chưa trở thành công cụ tối thượng để điều tiết, kiểm soát, điều chỉnh đời sống văn hóa. Nhận thức về văn hóa của các ngành, các cấp có lúc còn cứng nhắc, áp đặt, giáo điều. Trên thực tế, vị thế của văn hóa còn thấp, chưa thực sự được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác.
Hai là, Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi tiếp diễn, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, điều kiện khoa học, kỹ thuật của đất nước, nguồn nhân lực… còn nhiều hạn chế. Kinh tế phát triển chưa bền vững, có những ảnh hưởng đến sự phát triển các mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Thể chế văn hóa còn chậm đổi mới, thiếu đồng bộ. Việc ban hành luật vẫn còn những yếu kém. Một số văn bản quản lý vừa được ban hành đã có những bất cập, đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung. Việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa còn yếu nên nhiều quy phạm pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Việc thực thi nhiều quy định của pháp luật liên quan đến văn hóa còn lúng túng.
Ba là, nguồn nhân lực cho sự phát triển văn hóa còn yếu và thiếu các kỹ năng chuyên môn và quản lý, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, các kỹ năng quản trị kinh doanh. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý về văn hóa ở các cấp không theo kịp sự phát triển phong phú, đa dạng, và phức tạp của hoạt động văn hóa, dẫn tới lúng túng trong hoạch định chính sách, trong hướng dẫn tổ chức thực hiện, trong xử lý các vụ, việc vi phạm pháp luật và các chính sách về văn hóa.
Bốn là, đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển. Về tổng thể, mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách tương đối thấp so với các lĩnh vực khác, chưa tương xứng với thực tiễn, chưa đồng đều. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa nhìn chung còn kém phát triển và trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng còn thấp. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển thiết chế văn hóa trọng điểm còn chậm. Hệ thống thiết chế văn hóa vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm vùng, miền, với nhu cầu và nguyện vọng của người dân; nội dung hoạt động còn nghèo nàn, chưa thiết thực.
Năm là, chất lượng dịch vụ, sản phẩm văn hóa chưa cao; còn thiếu các thương hiệu văn hóa ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, thiếu những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, góp phần bồi bổ tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức. Tình trạng nhập khẩu, nhập siêu sản phẩm văn hóa nước ngoài vào Việt Nam vượt trội so với xuất khẩu văn hóa, việc tiếp thu sản phẩm văn hóa nước ngoài còn thiếu chọn lọc. Các sản phẩm văn hóa Việt Nam vẫn chưa thực sự sáng tạo, phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng, năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế còn thấp.
Gìn giữ nghề truyền thống_Ảnh: Tư liệu
Sáu là, bản sắc văn hóa dân tộc có nguy cơ bị phai nhạt. Nhiều dân tộc thiểu số đã và đang mất dần những nét văn hóa đặc sắc trong tiến trình phát triển, hội nhập, đời sống văn hóa nghệ thuật nghèo nàn. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được chú trọng kiểm kê và lập hồ sơ bảo vệ. Nhiều loại hình văn hóa – nghệ thuật chưa được quan tâm phát triển, trong đó có nhiều ngành nghệ thuật đỉnh cao và nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật công cộng, nghệ thuật mới.
Bảy là, môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Văn hóa ứng xử nơi công cộng, ở công sở, trong gia đình, nhà trường có nhiều bất cập. Sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nạn tham nhũng, hối lộ, làm ăn phi pháp, lối sống buông thả, sống gấp, thói cơ hội trong chính trị, gian lận trong học hành, bằng cấp,… diễn ra ngày càng phổ biến. Đạo đức nghề nghiệp sa sút, ngay cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh, như y tế, giáo dục, bảo vệ luật pháp, báo chí… Văn hóa gia đình chưa được chăm lo, củng cố. Văn hóa học đường có những biểu hiện đáng báo động. Các hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa, sự xuống cấp về đạo đức, suy thoái về lối sống, sự băng hoại các giá trị văn hóa đang có chiều hướng gia tăng. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn.
Tám là, hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác. Khoảng cách của nhiều vấn đề lý luận với cuộc sống hiện thực không những chưa được thu hẹp mà có xu hướng mở rộng thêm. Các công trình nghiên cứu chuyên sâu về lý luận văn học, nghệ thuật còn ít và chất lượng chưa cao; chưa giải đáp được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra. Hiện nay đang tồn tại hai thực tế trái ngược nhau: Một mặt, lý luận văn hóa bị lạc hậu, đi sau cuộc sống, hàng loạt câu hỏi cơ bản và cấp bách do thực tiễn đặt ra mà công tác lý luận chưa trả lời được, hoặc trả lời chưa thuyết phục; mặt khác, do thiếu sự dẫn dắt, chỉ đường, định hướng của lý luận đúng đắn, nên nhiều hiện tượng văn hóa diễn ra một cách tự phát, khiến cho chỉ đạo thực tiễn bị lúng túng, thụ động đối phó, không có đối sách rõ ràng, kịp thời và hiệu quả. Hoạt động phê bình văn nghệ chưa góp phần định hướng kịp thời, chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác, nhiều khi còn dễ dãi, né tránh, cảm tính trong phê bình và ngược lại, cũng xuất hiện kiểu phê bình áp đặt, triệt tiêu bản chất khoa học của phê bình văn nghệ; chưa phân tích phê phán đầy đủ những khuynh hướng sai trái, lệch lạc.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60