Cơ hội và thách thức đặt ra với sự phát triển văn hóa Việt Nam những năm sắp tới

Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế giúp văn hóa Việt Nam có được cơ hội quảng bá rộng rãi trên thế giới. Văn hóa Việt Nam phát triển trong bối cảnh công nghệ thông tin có những bước phát triển như vũ bão, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng mở ra khả năng giao lưu, hợp tác và phát triển toàn diện về văn hóa, nâng cao cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Khoa học – công nghệ, truyền thông đại chúng phát triển mang đến cho người dân khả năng sáng tạo và thụ hưởng các sản phẩm văn hóa mới nhanh chóng, hiệu quả và có tính tương tác cao.Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số tạo ra những thuận lợi cho sự phát triển văn hóa Việt Nam, giúp chúng ta khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số. Công nghệ số, in-tơ-nét phát triển kéo theo khả năng tiếp cận các nội dung văn hóa trở nên dễ dàng và không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia, điều này cũng đòi hỏi sự khác biệt, độc đáo trong nội dung, ý tưởng của các sản phẩm văn hóa như là một ưu thế cạnh tranh quan trọng. Các nước phát triển trên thế giới đang chuyển nhanh sang nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, công nghệ số hóa và sự số hóa các nội dung văn hóa(1). Những thay đổi này đã đem lại những cơ hội lớn về khả năng giảm thiểu chi phí sản xuất, góp phần tạo ra các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm mới, đòi hỏi những hành động nhạy bén và sự thích ứng liên tục với sự thay đổi của môi trường. Sự chuyển đổi kỹ thuật số và tinh thần kinh doanh đưa ra những cơ hội, khả năng và thách thức mới cho ngành văn hóa về phương thức hoạt động.Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã và đang tạo ra sự tích cực xã hội và tích cực văn hóa cho người dân, là cơ hội thúc đẩy tinh thần tự quản, năng lực làm chủ của nhân dân trong việc tổ chức các hoạt động và sáng tạo văn hóa. Người dân ngày càng được khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội và hoạt động văn hóa với tư cách như những nhân tố chủ động, từ hoạch định đến đánh giá các vấn đề xã hội và văn hóa, thậm chí là người đồng kiến tạo xã hội và văn hóa cùng với bộ máy nhà nước. Yếu tố nội sinh của sự phát triển xã hội và văn hóa được tăng lên cao, phần nào đó thể hiện vai trò tăng lên của người dân so với Nhà nước trong nhiều vấn đề xã hội và văn hóa.Chủ trương hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, toàn diện của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho văn hóa Việt Nam hội nhập và phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, văn hóa Việt Nam có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Đặc biệt, công nghiệp văn hóa đang được định hướng là một trong những ngành trụ cột của kinh tế. Kinh tế đang trên đà phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đã hình thành nên một thị trường tiêu dùng/hưởng thụ văn hóa với nhu cầu ngày càng lớn, là cơ sở quan trọng thúc đẩy văn hóa phát triển.Đua ghe Ngo –  lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long, tổ chức định kỳ hai năm/lần tại tỉnh Sóc Trăng

Bên cạnh những cơ hội, văn hóa Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức, đó là:

Thách thức trong việc hoàn thiện thể chế văn hóa. Để có thể hỗ trợ sự đa dạng và năng động của văn hóa (mà không can thiệp quá đà và giới hạn sức sáng tạo), chúng ta cần hoàn thiện các chính sách thuế và quy định pháp luật về kinh doanh nghệ thuật và thị trường, như quyền sở hữu trí tuệ, hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy sự tham gia vào phát triển văn hóa của các đối tác và nguồn lực khác nhau. Thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa hay công nghiệp sáng tạo như một giải pháp để phát triển văn hóa. Xây dựng các cơ chế thúc đẩy phát huy nguồn lực, nhằm tạo nên sự hiệp lực, hợp tác chặt chẽ trong văn hóa, thúc đẩy sự điều phối, kết hợp giữa Nhà nước, các nhà tài trợ, thành phần tư nhân để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững, tăng trưởng, cạnh tranh và cải tổ trong lĩnh vực văn hóa.

Thách thức trong việc chuyển đổi mô hình từ quản lý tập trung sang mô hình phân cấp quản lý văn hóa phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó, chức năng của Chính phủ đã chuyển theo hướng làm văn hóa sang quản lý văn hóa, từ quản lý vi mô sang quản lý vĩ mô, từ quản lý trực tiếp sang quản lý gián tiếp… Thách thức trong việc tiếp tục đổi mới tư duy lãnh đạo văn hóa của Đảng theo hướng cởi mở, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các chủ thể văn hóa. Xây dựng các chủ trương, đường lối, nghị quyết bám sát thực tiễn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu phát triển bền vững; có sự phân quyền rõ ràng giữa Đảng và chính quyền trong triển khai thực hiện. Gia tăng việc kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá trong quá trình thực hiện. Đổi mới tư duy quản lý văn hóa dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa - nghệ thuật quốc gia, các việc còn lại giao cho cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện.

Thách thức về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh nguồn lực dành cho văn hóa, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tương xứng với vai trò và vị thế của văn hóa khi đặt trong quan điểm phát triển bền vững đất nước. Thách thức về năng lực đổi mới sáng tạo, trong việc cải cách lĩnh vực văn hóa để làm cho văn hóa trở nên phát triển bền vững hơn; trong đó có những thách thức mới về việc nâng cao năng lực quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường, về kỹ năng kinh doanh. Một trong những yêu cầu mới của lĩnh vực văn hóa là cần thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ hơn với công chúng/người tiêu dùng, doanh nghiệp và cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức về những các giá trị khác nhau của văn hóa.

Thách thức của bối cảnh nền kinh tế số, của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông đa phương tiện và kỹ thuật số, thị trường tự do, lĩnh vực văn hóa cần tạo ra sự khác biệt và ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ trong việc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Sự bùng nổ về thông tin, truyền thông đi kèm với làn sóng giao thoa, du nhập văn hóa với nhiều yếu tố văn hóa mới, có mặt tích cực nhưng cũng có không ít tiêu cực, trong khi trình độ cán bộ và phương tiện kỹ thuật để quản lý những vấn đề mới mẻ này còn hạn chế, dẫn đến sự lúng túng, bị động trong tổ chức thực hiện.

Thách thức từ toàn cầu hóa văn hóa như là một quá trình lưu thông mà thông qua đó, các nền văn hóa dân tộc đang ngày càng hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau. Toàn cầu hóa văn hóa có nguy cơ làm mất bản sắc văn hóa dân tộc nếu chúng ta không nâng cao sức mạnh nội sinh trong văn hóa, tiến hành hiện đại văn hóa nhưng không xa rời các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Bối cảnh toàn cầu hóa đặt ra thách thức cần xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú cho văn hóa Việt Nam, củng cố nội lực, tạo sức đề kháng trước những cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài, xử lý tốt các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế; xử lý tốt các xung đột văn hóa nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa.

Thách thức trong việc xử lý hài hòa nhiều mối quan hệ khác nhau của văn hóa, như mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại…

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60