Thiếu và yếu về nguồn nhân lực là một trong những nguyên nhân khiến cho ngành công nghiệp vật liệu nước ta chưa thể đáp ứng được nhu cầu của cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đây là một trong những vấn đề mà Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức ngày 10/4, tại TPHCM.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Thực tiễn trên thế giới cho thấy, bất kỳ quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển thì phải có ngành công nghiệp vật liệu phát triển. Bởi đây là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu dùng của xã hội.
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Dù vậy, phải thừa nhận ngành công nghiệp vật liệu của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra.
Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí.
“Một trong những nguyên dẫn đến thực trạng này là chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, đòi hỏi chúng ta cần có tư duy và cách tiếp cận mới”, đồng chí Trần Tuấn Anh nói.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng cần làm rõ vai trò của ngành công nghiệp vật liệu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực trạng của ngành này ở nước ta; thực trạng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam; những rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những nút thắt trong phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu; phân tích, đánh giá để bắt kịp xu thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu trên thế giới; những đề xuất, kiến nghị về chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu…
Cùng với chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu thì công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định công nghệ vật liệu mới được xác định là một trong bốn công nghệ cao được ưu tiên từ năm 2001.
Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu, cập nhật được các công nghệ mới, tiên tiến của các nước phát triển. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều chủng loại vật liệu mới từ nguồn nguyên liệu trong nước với chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại, đáp ứng một phần nhu cầu của các ngành sản xuất và góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh.
“Trong thời gian tới, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vật liệu, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu, chủ động phát triển các ngành kinh tế”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết thêm.
Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nhấn mạnh trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục sứ mạng tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng, là nơi đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục đại học góp phần đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các diễn đàn, hội thảo chuyên sâu do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức để tổng hợp ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế phục vụ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022 để ban hành Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118