21/ Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại với EU

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam thăm và làm việc tại Liên minh châu Âu (EU) và Đức từ ngày 4-10/3/2017 nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU thông qua vận động EU sớm ký kết, phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Đồng thời, chuyến công du này cũng nhằm hối thúc EU công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam và phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU.

Bên cạnh đó, chuyến thăm này, diễn ra trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tổ chức Friedrich Naumann (FNF, Đức), cũng nhằm tiếp cận, tìm hiểu đánh giá của giới nghiên cứu, học giả và các doanh nghiệp về chính sách của EU trong lĩnh vực đầu tư, phòng vệ thương mại, chống bán phá giá…

Trong chuyến công tác, đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm việc với Nghị viện châu Âu, Cơ quan phụ trách đối ngoại của châu Âu, Tổng vụ Hợp tác Phát triển và Tổng vụ Thương mại của Ủy ban châu Âu, Bộ Ngoại giao Đức, Phòng Thương mại Công nghiệp châu Âu, Hiệp hội giới chủ… và ký Bản ghi nhớ hợp tác với Tổ chức FNF giai đoạn 2017–2019.

Trong các buổi làm việc với các cơ quan chức năng của EU, hai bên đã trao đổi về thực trạng và các biện pháp để thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, thương mại, đầu tư. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với EU; mong muốn tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ toàn diện với EU thông qua phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định PCA; đề nghị hai bên nỗ lực hoàn tất rà soát pháp lý để có thể sớm ký và phê chuẩn Hiệp định EVFTA, công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam cùng thời điểm ký Hiệp định. Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị EU ủng hộ hợp tác tiểu vùng sông Mekong; xem xét hỗ trợ tài chính dự án hợp tác giữa tỉnh Tulcea (Romania) và Bến Tre trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Danube để đưa dự án trở thành dự án hải đăng trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM).

Đại diện của Tổng vụ Thương mại và Tổng vụ Hợp tác Phát triển thuộc Ủy ban châu Âu và Cơ quan Đối ngoại châu Âu đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của quan hệ EU-Việt Nam; nhất trí sẽ cùng phối hợp chặt chẽ để triển khai PCA, trước mắt là đẩy nhanh việc tổ chức Phiên họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – EU. Chia sẻ quan điểm cho rằng EVFTA sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cả hai bên, EU khẳng định sẽ tích cực phối hợp với Việt Nam thúc đẩy quá trình ký kết và phê chuẩn EVFTA, hướng tới thực thi Hiệp định trong năm 2018 và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam có thể tận dụng tốt những cơ hội mà EVFTA mang lại. Về quy chế kinh tế thị trưởng cho Việt Nam, EU cho biết đang có những điều chỉnh về pháp lý liên quan tới quy định chống bán phá giá và trợ cấp thương mại, theo đó tất cả đối tác thương mại của EU, trong đó có Việt Nam, sẽ được đối xử bình đẳng trong các vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp thương mại của EU.

Chia sẻ lo ngại trước những thách thức toàn cầu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, hai bên đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề phát triển bền vững và nhất trí phối hợp thực hiện hiệu quả Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, du lịch sinh thái…

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã có các cuộc gặp với Nghị sĩ của Ủy ban Thương mại Quốc tế và Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu (EP). Các Nghị sĩ hoan nghênh nỗ lực cải cách tư pháp, pháp luật, phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam, thông qua việc tham gia nhiều công ước quốc tế quan trọng; mong muốn Việt Nam tiếp tục cải cách và đổi mới, hứa sẽ xem xét tích cực các đề xuất của ta liên quan đến việc phê chuẩn EVFTA.

Đoàn cũng đã dành thời gian tìm hiểu đánh giá của các học giả và hiệp hội doanh nghiệp châu Âu về chiều hướng chính sách thương mại của EU trong bối cảnh chủ nghĩa dân tuý và các biểu hiện bảo hộ thương mại có chiều hướng gia tăng và tác động đến quan hệ kinh tế – thương mại Việt Nam – EU, trong đó có EVFTA… Qua trao đổi, các học giả và đại diện các hiệp hội đều bày tỏ lạc quan về triển vọng của EVFTA, nhất trí sẽ cùng phối hợp với phía Việt Nam thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn EVFTA, đáp ứng mong đợi của doanh nghiệp hai bên.

Tại Đức, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2017-2019 giữa Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tổ chức FNF. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời hy vọng hai bên sẽ tiếp tục đưa hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất để đạt thêm nhiều kết quả tốt đẹp.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng đã có các cuộc làm việc với Tổng vụ Chính trị và Tổng vụ Hợp tác kinh tế và Phát triển bền vững, Bộ Ngoại giao Đức. Trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp giữa hai nước, Thứ trưởng đề nghị phía bạn: ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020–2021; thúc đẩy EU sớm ký chính thức EVFTA cũng như công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cùng thời điểm ký kết. Phía Đức đánh giá cao sự phát triển tích cực trong quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo…; khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp cùng Việt Nam thúc đẩy việc sớm ký kết EVFTA và EU công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ./.

Nguồn: TTXVN

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200