15/9
Xây dựng chính sách mới để khai thác hết tiềm năng sáng tạo của đội ngũ trí thức
Chiến lược mới được kỳ vọng sẽ đề xuất nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đột phá nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, đồng thời tận dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi sẵn có, chủ động đối mặt với những thách thức đặt ra đối với đội ngũ trí thức Việt Nam.
Ngày 14/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030.
Dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&CN chủ trì nghiên cứu xây dựng.
Chiến lược được kỳ vọng sẽ đề xuất nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đột phá nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, đồng thời tận dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi sẵn có, chủ động đối mặt với những thách thức đặt ra đối với đội ngũ trí thức Việt Nam. Qua đó, phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030.
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho biết, giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy vậy, Việt Nam vẫn tồn tại những điểm hạn chế, trong đó có tình trạng thiếu lao động trình độ cao cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành. Đây là yếu tố then chốt có tính quyết định tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.
Trước thực trạng phát triển của đội ngũ trí thức và yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030. Liên hiệp Hội Việt Nam coi đây là nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ trí thức góp phần thực hiện Kết luận số 52/KL-TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Góp ý vào dự thảo chiến lược, TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA cho rằng sau hơn 30 năm đổi mới, mặc dù đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn song sự phát triển kinh tế- xã hội chưa được như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân là chưa có nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá để khai thác hết tiềm năng sáng tạo của đội ngũ trí thức.
Theo TS. Phạm Văn Tân, nhìn chung các chính sách mới chỉ tập trung quan tâm nhiều tới đội ngũ trí thức trong khu vực Nhà nước (trí thức công chức, viên chức, trong lực lượng vũ trang). Trí thức trong khu vực doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và trí thức trong các tổ chức xã hội chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù lực lượng này chiếm tỉ lệ rất cao trong xã hội và là lực lượng chính tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo ở nước ta.
Bên cạnh đó, việc đầu tư tài chính cho KH&CN còn thấp, chưa đạt 0,5% tổng chi ngân sách Nhà nước và chưa đạt 0,7% GDP đã làm cho nền KH&CN chưa thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy cần phải quan tâm đầu tư thỏa đáng cho KH&CN để sớm tạo đột phá trong phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế của thời đại.
Phát triển đội ngũ trí thức là phải tập trung đầu tư cho phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo
Đồng quan điểm, TSKH. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA cho rằng, trong một thế giới toàn cầu hóa phát triển mau lẹ với những cơ hội và thách thức đan xen thì cuộc giành giật nhân tài KH&CN đang diễn ra gay gắt. Có được lực lượng nhân tài xuất sắc là điều kiện quyết định nắm được lợi thế trong cạnh tranh, phát triển nền kinh tế tri thức, khẳng định vị trí quốc tế.
Hiện nay, nước ta có một số lượng khá lớn các cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo trong và ngoài nước với ngành nghề đa dạng thuộc nhiều thế hệ. Trong một số lĩnh vực như y dược, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, khoa học cơ bản chúng ta có những nhóm, tập thể KH&CN khá mạnh đạt tầm khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, nhân lực KH&CN nói chung còn tản mạn, chưa được tập hợp để thực hiện nhiệm vụ KH&CN lớn quốc gia. Nhiều người sau khi được đào tạo rất cơ bản thì hoặc tìm cơ hội ở lại nước ngoài lâu dài, hoặc chuyển sang nghề khác. Đây là sự lãng phí tổn thất rất lớn.
Theo TSKH. Nghiêm Vũ Khải, có ba yếu tố chính để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực KH&CN, đó là đãi ngộ về thu nhập, môi trường hoạt động sáng tạo và sự tôn vinh. Ở nước ta, cả ba yếu tố này đều còn rất nhiều bất cập.
Người làm khoa học chủ yếu hưởng lương hành chính mà thường là quá thấp, chưa có thu nhập từ kết quả hoạt động KH&CN. Điều kiện, môi trường và văn hóa làm khoa học chưa khuyến khích đổi mới sáng tạo. Với nhiều lý do, nhà khoa học chưa được tôn trọng, phai nhạt dần lòng đam mê nghiên cứu, mất dần sự tự tin và hoài bão cống hiến.
Do đó, dự thảo Chiến lược cần thể hiện rõ quan điểm về đầu tư cho phát triển đội ngũ trí thức là phải tập trung đầu tư cho phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo mới là vấn đề cốt lõi, trong đó có đầu tư cải thiện thể chế, cơ sở hạ tầng và nghiên cứu ứng dụng. Từ đó nhà khoa học mới có công trình nghiên cứu, thành tựu và sự tôn vinh, cũng như tăng thu nhập để yên tâm lao động sáng tạo.
Báo Chính phủ
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91