26/4/2022

Bộ VHTTDL đồng ý với đề xuất tỉnh Bình Thuận đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023

Sáng ngày 26/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong dẫn đầu về đề xuất đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023.

Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu; cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Năm DLQG là sự kiện văn hóa – kinh tế – xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia và quốc tế, đồng thời cũng là sự kiện du lịch thường niên lớn nhất của ngành Du lịch Việt Nam, đã được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước trong những năm qua. Các chương trình, sự kiện thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông, khách du lịch trong nước và quốc tế cũng như nhân dân cả nước. Thông qua các sự kiện du lịch, văn hóa và thể thao của các Năm DLQG, hoạt động kinh doanh du lịch được phát triển gắn với bảo tồn và khai thác văn hóa bản địa và tài nguyên tự nhiên.

Các công trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và đội ngũ lao động cũng gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Thông qua Năm DLQG, diện mạo của các địa phương đăng cai tổ chức đã thay đổi tích cực, sản phẩm du lịch cũng vì thể được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Năm DLQG cũng góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng lượng khách tới các địa phương.

Ngày 16/02/2022, UBND tỉnh Bình Thuận đã gửi văn bản về Bộ VHTTDL đề xuất đăng cai Năm DLQG 2023 với chủ đề “Bình Thuận – hội tụ xanh”.

Sau khi nghiên cứu, qua theo dõi thực tế và trên cơ sở văn bản đề nghị của tỉnh Bình Thuận, Tổng cục Du lịch nhận thấy tỉnh Bình Thuận có sự quan tâm, đầu tư và mong muốn đẩy mạnh phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tháng 10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) đã ra Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung quyết tâm đề xuất đăng cai Năm  DLQG.

Thời gian qua, Bình Thuận đã là một trong địa phương nổi lên và trở thành điểm sáng phát triển có sức hấp dẫn du lịch, có kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều sự kiện du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế như lễ hội khinh khí cầu quốc tế, cuộc thi Hoa hậu Đại dương, Festival thuyền buồm quốc tế, Giải lướt ván buồm quốc tế…

Cho đến nay, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh được đầu tư và phát triển mạnh. Bên cạnh đó có nhiều dự án hạ tầng, kết nối giao thông đang và sẽ được đầu tư, xây dựng đưa vào hoạt động, tạo thuận lợi cho khách du lịch đến với Bình Thuận. Đây chính là điều kiện cần thiết để tạo ra cú hích, giúp du lịch địa phương phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới cũng như đăng cai sự kiện như Năm  DLQG.

Tổng cục trưởng cũng  lưu ý các các hoạt động trong Năm DLQG không chỉ dừng ở hoạt động, sự kiện văn hoá/lễ hội mà cần tăng cường hoạt động chuyên môn mang đậm yếu tố kinh tế du lịch và đầu tư, đặc biệt phải thu hút sự vào cuộc của các doanh nghiệp và điểm đến; các sự kiện hoạt động gắn với du lịch MICE, những sự kiện quốc tế có sức ảnh hưởng và lan tỏa khu vực và toàn cầu. Liên kết hiệu quả với các địa phương lân cận để kết nối, xây dựng sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm đã có; tổ chức truyền thông, quảng bá trong mối liên kết với các địa phương trong vùng và hướng tới du khách trong và ngoài nước.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận thông tin thêm về kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực du lịch của tỉnh. Ngoài hệ thống giao thông dọc bờ biển, kết nối các điểm du lịch ven biển với các đô thị, tạo sự thuận lợi cho phát triển du lịch nói riêng và kinh tế Bình Thuận nói chung, Trung ương cũng đã thống nhất hỗ trợ Bình Thuận sớm hoàn thành một số dự án hạ tầng lớn như: đường cao tốc, đường ven biển đoạn đi qua địa bàn tỉnh, cảng hàng không Phan Thiết. Tỉnh cũng tăng cường thu hút đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn, không ngừng đa dạng sản phẩm du lịch.

Lao động trong toàn ngành Du lịch của Bình Thuận hiện nay có khoảng 22.300 người, khoảng 70-80% đã qua đào tạo bồi dưỡng, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ khách. Tuy nhiên, để phát triển trong tương lai và tổ chức Năm DLQG cần phối hợp để thu hút thêm nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã có sự quan tâm, đầu tư và mong muốn đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đồng thời, khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong việc đề xuất đăng cai Năm DLQG 2023.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị, Năm DLQG phải tạo ra kết quả cụ thể về tăng đầu tư du lịch và lượng khách du lịch đến Bình Thuận. Đây là lần đầu tiên Bình Thuận tổ chức đăng cai Năm DLQG nên cần quyết tâm cao, đầu tư mạnh mẽ để làm tốt, lựa chọn các yếu tố mới, kêu gọi sự vào cuộc của các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông, tìm kiếm các sự kiện quốc tế vào Việt Nam đưa về nơi tổ chức Năm DLQG để tạo ra cực tăng trưởng tốt về du lịch.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt ủng hộ và đánh giá cao sự chủ động của Bình Thuận trong việc đề xuất đăng cai Năm DLQG 2023. Thứ trưởng đánh giá, địa phương có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển du lịch. Bình Thuận đã có nhiều gắn kết với Ninh Thuận, Lâm Đồng và thời gian tới cần tiếp tục liên kết với các địa phương để phát triển du lịch bền vững, đa dạng hơn.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự chủ động và quyết tâm của tỉnh đề xuất đăng cai tổ chức Năm DLQG 2023. Qua việc Bình Thuận coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ cột kinh tế lớn của tỉnh thể hiện tỉnh đã xác định rõ tiềm năng, thế mạnh và có hướng đi lâu dài để phát triển du lịch.

Bộ trưởng đồng ý Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm DLQG 2023 và đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ VHTTDL bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, tiếp tục phát huy điểm mạnh, khắc phục khó khăn, thu hút đầu tư để có hạ tầng du lịch đồng bộ. Đặc biệt là phải xác định được thế mạnh và thương hiệu của du lịch Bình Thuận. Đồng thời, có sự tham gia vào cuộc của các cấp, ngành; sẵn sàng đầu tư, khai thác các thế mạnh sâu hơn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ VHTTDL sẽ đồng hành với Bình Thuận để vượt qua khó khăn, chuẩn bị tốt các nội dung, hoạt động, tổ chức các sự kiện xứng tầm quốc gia. Các sự kiện đó phải góp phần quảng bá hình ảnh Bình Thuận nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung; có tính kết nối liên vùng như với các tỉnh duyên hải miền Trung, TP.HCM và các tỉnh thành khác trên cả nước… chứ không chỉ là sự kiện đơn lẻ của tỉnh. Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Du lịch và các đơn vị liên quan của Bộ phối hợp với tỉnh Bình Thuận thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Năm DLQG 2023 và sớm hoàn thiện Đề án, Kế hoạch tổ chức.

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn

https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/40830

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100