Hơn một năm, sau khi thực hành Then được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (19/12/2019), các cơ quan chuyên môn, các tỉnh có Then… đang tiếp tục chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản bằng nhiều hành động thiết thực, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái và phát triển những tri thức về phong tục tốt đẹp nói chung, và Then nói riêng.Then – tiếng lòngTheo PGS.TS Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thì Then là tín ngưỡng do những người có khả năng đặc biệt, được gọi là pụt, sliên thực hiện, nhằm giúp con người biểu đạt mong muốn có sức khỏe, gia đình bình an, hạnh phúc.Tại các tỉnh vùng Việt Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang), đồng bào Tày, Nùng đều quan niệm, Then là những người có căn số, thông qua một số nghi lễ để bày tỏ mong ước của gia chủ với thế giới siêu nhiên. Người ta làm Then khi trong gia đình có người ốm đau, đó là Then chữa bệnh. Khi trong nhà có việc như xây nhà, bốc mộ, người ta làm lễ Then cầu an, giải hạn. Khi cha mẹ lên lão, con cái mời Then về làm lễ chúc sức khỏe để tỏ tấm lòng báo hiếu của con cái với bậc sinh thành.Còn trong quan niệm của người Thái ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La… như lời GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam chia sẻ, Then là biểu tượng của vua trời, vậy nên khi con người chết, linh hồn sẽ trở về với mường Then. Then được cử xuống trần gian để cứu nhân độ thế, ai đau ốm được Then cho thuốc, ai gặp rủi ro vận hạn thì Then giúp cầu an giải hạn, mường nào hạn hán thì Then cầu cho mưa thuận gió hòa.
Cả nam giới và nữ giới đều có thể trở thành nghệ nhân Then. Ở Lạng Sơn, nam giới làm Then được gọi là Then tậc, nữ giới làm Then gọi là mè Then. Một số vùng Cao Bằng, Giàng/Sàng là tên gọi của những người đàn ông làm Then, còn nữ giới là mè Vịt. Hiện nay, ở các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đang có một thế hệ khá đông Then trẻ, nhiệt huyết với nghề, họ chính là tài sản quý giá của văn hóa dân tộc.
Bảo tồn giá trị của Then
Mặc dù thời gian qua, công tác bảo tồn Then đã được triển khai khá tốt, nhưng vẫn phải tiếp tục tổ chức các dự án quay phim lại toàn bộ các nghi lễ Then cổ, sau đó lưu giữ tại các bảo tàng, để du khách có cơ hội tiếp cận đầy đủ một nghi lễ Then.
PGS.TS. Nguyễn Thị Yên chia sẻ: “Là người nghiên cứu Then từ nhiều năm nay, theo tôi thì, việc bảo tồn và phát huy giá trị Then có thể tiến hành dưới hai dạng: Bảo tồn nghi lễ Then trong đời sống văn hóa tín ngưỡng và bảo tồn nghệ thuật hát Then trong đời sống nghệ thuật”.
Với đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là truyền khẩu, nghệ nhân là nguồn sống của di sản, nên việc khuyến khích, động viên để các nghệ nhân có động lực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản là vô cùng quan trọng. Nhận thức được vấn đề đó, ở Lạng Sơn, địa phương này đã luôn chú trọng đến việc tôn vinh các nghệ nhân. Năm 2019, trong số 15 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu, thì có 3 Nghệ nhân Nhân dân đều là nghệ nhân Then. Đó là các cụ Mỗ Thị Kịt (SN 1922, dân tộc Tày ở huyện Bình Gia), Mông Thị Sấm (SN 1939, dân tộc Nùng ở TP. Lạng Sơn) và Nông Thị Lìm (SN 1945, dân tộc Tày ở huyện Cao Lộc).
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc Nhà nước phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân là sự ghi nhận, tôn vinh không chỉ bản thân nghệ nhân, mà còn là vinh dự của cả cộng đồng các dân tộc có tín ngưỡng Then.
Mới đây, tháng 12/2020, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã tổ chức phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân tiêu biểu. Trong 14 nghệ nhân được trao tặng, có 2 nghệ nhân Then ở Cao Bằng, là bà Hoàng Thị Lanh và Đinh Thị Nhâm.
Theo bà Hoàng Thị Nhuận, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Cao Bằng, việc vinh danh các nghệ nhân dân gian là vô cùng cần thiết. Hành động này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người đang giữ những tri thức về phong tục tập quán nói chung và Then nói riêng. Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng cũng sẽ tiếp tục thực hiện hồ sơ để đề nghị vinh danh các nghệ nhân điển hình khác.
Phát huy Then trong đời sống cộng đồng
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt Bình, cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện nay tồn tại 2 loại hình Then, đó là Then tín ngưỡng và Then văn nghệ. Then tín ngưỡng còn được gọi là Then cổ, đó là các nghi lễ Then cầu cúng, thực hành nghi lễ. Then văn nghệ hay còn được gọi là Then mới, đó là những bài Then cải biên dựa trên chất liệu của Then tín ngưỡng.
Cùng với sự hồi sinh của Then cổ, thì Then văn nghệ không chỉ tồn tại phổ biến ở các tỉnh có người Tày, Nùng, Thái sinh sống, mà ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng có các câu lạc bộ (CLB) Then. Đó là CLB Then Hương rừng Hà Nội, CLB hát Then – đàn Tính TP. Hồ Chí Minh, nơi quy tụ không chỉ các dân tộc có Then mà còn có cả người Kinh tham gia.
Còn ở Lạng Sơn hiện nay, có hơn 50 CLB hát Then – đàn Tính đang tồn tại. Trong đó nổi bật nhất, phải kể đến CLB Điếp Sli Then, CLB hát Then đàn Tính Cẩu Pung, CLB đàn và hát dân ca Boóc Vẻn, CLB hát Then Nộc Khảm Khắc, CLB hát Then đàn Tính Hoa Sim, CLB dân ca Nộc Én…
Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Thủy Tiên, một người có thâm niên mấy chục năm gắn bó với công cuộc bảo tồn và phát huy di sản Then của tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Các CLB đàn và hát dân ca đều nhận được sự đồng hành và hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn của ngành Văn hóa, hằng năm đều tổ chức giải, giao lưu giữa các câu lạc bộ để tạo sân chơi cho những người đam mê Then”.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60