6/9

Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn

Việc sửa đổi Luật TC&QCKT hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác tiêu chuẩn.

Trong báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Luật TC&QCKT), Bộ KH&CN xác định nhiều vấn đề, chính sách trọng tâm. Trong đó, có chính sách tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác tiêu chuẩn. Đối với chính sách này, Bộ KH&CN cũng nêu rõ những vấn đề bất cập, hạn chế, giải pháp và tác động của các giải pháp.

Xác định vấn đề bất cập

Vấn đề 1: Quy định về xuất bản, phát hành TCVN

Về thẩm quyền xuất bản, phát hành TCVN: Khoản 1 Điều 21 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định Bộ Khoa học và Công nghệ giữ quyền xuất bản, phát hành TCVN.

Điểm d, đ khoản 2 Điều 9 Thông tư 11/2021/TT-BKHCN ngày 18/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quy định như sau:

“d) Bộ, ngành có thể xuất bản, phát hành TCVN do mình tổ chức xây dựng dự thảo, sau khi có sự thống nhất với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về hình thức xuất bản phát hành, bảo đảm chính xác về nội dung, ký hiệu tiêu chuẩn và chịu trách nhiệm về bảo vệ bản quyền tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài và quy định pháp luật liên quan.

đ) Tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành TCVN khi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đồng ý bằng văn bản”.

Như vậy, quy định về xuất bản, phát hành tại Thông tư 11/2021/TT-BKHCN linh hoạt hơn so với quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, hay nói cách khác, “quyền xuất bản, phát hành tiêu chuẩn quốc gia” của Bộ Khoa học và Công nghệ được hiểu theo nghĩa rộng hơn.

Vì vậy, quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cần phải được sửa đổi, bổ sung để tránh gây nhầm lẫn về thẩm quyền đối với hoạt động xuất bản, phát hành đồng thời, mang tính bao quát và linh hoạt hơn trong hoạt động này để đảm bảo thu hút được nguồn lực xã hội tham gia.

Vấn đề 2: Khó khăn khi tra cứu, tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Các tổ chức, cá nhân cần phải mua TCVN để tiếp cận, sử dụng, vì vậy, ảnh hưởng đến công tác phổ biến, áp dụng TCVN. Việc tra cứu thông tin tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài còn nhiều hạn chế dẫn đến sản phẩm hàng hoá của các tổ chức, cá nhân sản xuất trong nước khó tiếp cận trên thị trường quốc tế. Thông tin các QCVN được đăng tải trên trang web của từng bộ ngành xây dựng QCVN dẫn đến việc các tổ chức, cá nhân khó tra cứu, đôi khi các thông tin chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ.

Vấn đề 3: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài

Hiện nay, việc xây dựng TCVN, TCCS chủ yếu dựa trên việc tham khảo, chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tuy nhiên, việc sử dụng các tiêu chuẩn này trong nhiều trường hợp chưa đảm bảo tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật hiện hành và các cam kết tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Mục tiêu giải quyết vấn đề

Sửa đổi, bổ sung quy định về xuất bản, phát hành tại Điều 21 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thành quản lý và khai thác tiêu chuẩn, bao gồm cả hoạt động xuất bản, phát hành tiêu chuẩn; đồng thời, quy định Bộ Khoa học và Công nghệ việc hướng dẫn hoạt động quản lý và khai thác tiêu chuẩn để đảm bảo hoạt động này hiệu quả, tuân thủ pháp luật và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

Đối với việc tra cứu, tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Tạo cơ chế tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuận lợi hơn; Đối với bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài: Quy định nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Giải pháp giải quyết vấn đề

Có hai phương án đối với vấn đề này:

Phương án 1: Giữ nguyên các chính sách như hiện nay.

Phương án 2: Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật theo hướng như sau:

- Về xuất bản, phát hành tiêu chuẩn: Sửa đổi, bổ sung Điều 21 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật theo hướng cho phép Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể việc quản lý, khai thác TCVN.

- Về tra cứu, tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật theo hướng quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối tổng hợp, cập nhật danh mục TCCS, TCVN, QCVN, QCĐP, các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài và các tài liệu kỹ thuật khác; có chính sách hỗ trợ, phát hành miễn phí TCVN cho các nhóm đối tượng phù hợp, có nhu cầu tiếp cận.

- Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài: Bổ sung khoản 2 Điều 21 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định: “Cơ quan đại diện của Việt Nam tham gia tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực về tiêu chuẩn thực hiện việc xuất bản, phát hành tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực theo quy định của tổ chức đó, bảo đảm tuân thủ các quy định về bản quyền tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, nước ngoài”.

Đánh giá tác động của giải pháp

Phương án 1:
a) Tác động kinh tế

- Đối với cơ quan nhà nước:

+ Về xuất bản, phát hành TCVN và việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Có ảnh hưởng vì theo quy định như hiện hành thì cơ quan quản lý nhà nước mất thời gian, chi phí trong việc giải thích, hướng dẫn; việc quy định chỉ có Bộ Khoa học và Công nghệ có quyền xuất bản, phát hành TCVN tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật dễ gây nhầm lẫn, ảnh hưởng việc thu hút nguồn lực tài chính tham gia xây dựng, xuất bản, phát hành tiêu chuẩn.

+ Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài: Các vi phạm về sở hữu trí tuệ xảy ra ảnh hưởng đến các cam kết trong điều ước quốc tế.

- Đối với tổ chức, cá nhân:

+ Về xuất bản, phát hành TCVN và việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Tổ chức, cá nhân khó tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhiều trường hợp tốn chi phí để mua tiêu chuẩn sử dụng.

+ Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài: Các vi phạm về sở hữu trí tuệ dẫn đến khả năng rủi ro sẽ bị kiện vì xâm phạm bản quyền, gây thiệt hại về kinh tế.

b) Tác động xã hội

- Đối với cơ quan nhà nước: Không giải quyết được vấn đề bất cập về sự phối hợp của các cơ quan trong xuất bản, phát hành TCVN và việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật như đã nêu ở trên; ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với các đối tác quốc tế, khu vực, nước ngoài trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi các tiêu chuẩn do họ xây dựng bị sao chép, áp dụng tràn lan mà không được sự cho phép của các tổ chức này hoặc được phép của cơ quan được các tổ chức này ủy quyền về quản lý và khai thác tiêu chuẩn.

- Đối với tổ chức, cá nhân:

+ Khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; ảnh hướng đến uy tín của tổ chức doanh nghiệp nếu vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ.

c) Tác động về giới

Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt.

d) Tác động về thủ tục hành chính:

Giải pháp này không phát sinh thủ tục hành chính vì vẫn giữ nguyên quy định hiện hành.

đ) Tác động tới hệ thống pháp luật

- Bộ máy nhà nước: Giải pháp không có tác động đến bộ máy nhà nước, tuy nhiên, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn cơ sở không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước.

- Các điều kiện bảo đảm thi hành: Giải pháp này không có tác động tới các điều kiện cần thiết để bảo đảm việc thi hành. Tuy nhiên, giải pháp này ảnh hưởng đến hoạt động phối hợp giữa các cơ quan trong việc phổ biến tiêu chuẩn.

- Quyền cơ bản của công dân: Giải pháp này chưa đáp ứng đầy đủ quyền tiếp cận thông tin của công dân.

- Phù hợp với hệ thống pháp luật: Giải pháp này chưa hoàn toàn phù hợp với quy định tại Thông tư 11/2021/TT-BKHCN về xuất bản, phát hành tiêu chuẩn.

- Tương thích với các Điều ước quốc tế: Giải pháp này không phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Phương án 2:

a) Tác động kinh tế

- Đối với cơ quan nhà nước:

+ Về xuất bản, phát hành TCVN và việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Giảm thiểu thời gian, chi phí trong việc giải thích, hướng dẫn; thu hút nguồn lực tài chính tham gia xây dựng, xuất bản, phát hành tiêu chuẩn. Tuy nhiên, có thể tăng chi phí từ ngân sách nhà nước do cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

+ Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài: Đảm bảo tuân thủ các điều ước quốc tế, cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên, giúp phát triển kinh tế.

- Đối với tổ chức, cá nhân:

+ Về xuất bản, phát hành TCVN và việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm thiểu chi phí để mua tiêu chuẩn.

+ Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài: Việc tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ giúp các tổ chức cá nhân giảm thiểu rủi ro bị xử phạt vì xâm phạm bản quyền.

b) Tác động xã hội

- Đối với cơ quan nhà nước:

+ Tăng hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước.

+ Công tác tuyên truyền, phổ biến TCVN, QCVN được đẩy mạnh.

+ Quy định Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc quản lý, khai thác tiêu chuẩn quốc gia tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và quy định cụ thể vấn đề này tại các văn bản dưới luật sẽ đảm bảo được tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn của hoạt động này.

- Đối với tổ chức, cá nhân, công chúng: Dễ dàng tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu cá nhân.

c) Tác động về giới

Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt.

d) Tác động về thủ tục hành chính:

Giải pháp này không phát sinh thủ tục hành chính.

đ) Tác động tới hệ thống pháp luật

- Bộ máy nhà nước: Việc sửa đổi quy định liên quan không tác động đến tổ chức các cơ quan nhà nước.

- Các điều kiện bảo đảm thi hành: Giải pháp này cần phải có một số điều kiện liên quan đến cơ sở vật chất để bảo đảm thi hành như phải có hệ thống cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Quyền cơ bản của công dân: Giải pháp này đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.

- Phù hợp hệ thống pháp luật: Việc sửa đổi pháp luật theo giải pháp này đảm bảo thống nhất với các quy định hiện hành.

- Tương thích với các Điều ước quốc tế: Bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Kiến nghị lựa chọn phương án

Từ những phân tích nêu trên, Dự thảo sửa đổi Luật TC&QCKT lựa chọn sửa đổi theo phương án 2 là phương án đem lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.

TCTCĐLCL

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91