Nhằm tăng cường công tác xử lý SIM kích hoạt sẵn và thực hiện nhiệm vụ triển khai các quy định của Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 29/4/2021, tại Hà Nội, các doanh nghiệp viễn thông gồm: Viettel; VNPT, Mobiphone đã ký kết nội dung bổ sung của bản Kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn và xử lý SIM rác năm 2019. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã tới dự và chứng kiến lễ ký kết giữa các doanh nghiệp.
Trước đây, trong giai đoạn 2019-2020, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì và hướng dẫn, điều phối các nhà mạng cùng thống nhất thực hiện việc thu hồi và ngăn chặn SIM nghi ngờ kích hoạt sẵn thông qua các tiêu chí, nội dung đã cam kết tại Bản kế hoạch xử lý SIM rác đã được ký kết từ tháng 6/2019. Trên cơ sở đó, các nhà mạng đã triển khai nhiều biện pháp như áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc hỗ trợ nhận diện khách hàng (KYC) từ tháng 4/2020, dừng phát triển SIM mới tại điểm ủy quyền từ tháng 6/2020, nâng cấp AI sinh trắc học từ tháng 9/2020.
Các giải pháp này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, các doanh nghiệp đã xử lý, thu hồi hàng chục triệu SIM có dấu hiệu nghi ngờ kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Kết quả này cũng đã được Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội ghi nhận, đánh giá trong báo cáo thẩm tra đối với báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông vào cuối năm 2020. Theo đó, tình trạng SIM rác đã được ngăn chặn đáng kể, việc truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về SIM rác, tin nhắn rác đã được triển khai và đem lại kết quả tích cực. Cho đến nay, một số lượng lớn SIM rác đã bị thu hồi, số lượng SIM rác kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối ngày càng giảm
Tuy nhiên, trong đầu năm 2021, tình hình SIM rác có dấu hiệu phức tạp trở lại, trước tình trạng nói trên, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông đã trao đổi, tiến tới thống nhất bổ sung thêm các biện pháp tăng cường xử lý SIM rác đối với bản kế hoạch đã ký kết năm 2019. Theo đó, việc kích hoạt thuê bao từ nay được thực hiện trên hệ thống tập trung của doanh nghiệp, do chính nhân viên của doanh nghiệp thực hiện, nhân viên đại lý, kênh chuỗi chỉ được hỗ trợ bán hàng, nhập liệu thông tin thuê bao (nếu có); triển khai các giải pháp công nghệ như video call để xác thực khách hàng trước khi quyết định kích hoạt thuê bao; bổ sung trách nhiệm xử lý cá nhân, đơn vị của doanh nghiệp nếu để xảy ra sai phạm,….
Việc ký kết này là kết quả của việc chung tay, thống nhất của các nhà mạng trong việc chung tay xử lý SIM rác. Tại buổi ký kết, đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông đều đã thể hiện sự quyết tâm trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn và xử lý SIM rác, tạo tiền đề cho việc phát triển các dịch vụ mới, không gian mới như Mobile Money.
Bên cạnh việc triển khai các biện pháp theo bản kế hoạch đã được ký kết, trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 49/2017/NĐ-CP nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cũng như các nội dung, biện pháp của doanh nghiệp trong việc xử lý SIM rác; đồng thời Bộ cũng sẽ phối hợp trao đổi với Bộ Công an thúc đẩy việc kết nối đối soát thông tin giữa CSDL thuê bao với CSDL dân cư.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, để giải quyết tình trạng SIM rác, năm 2019, 3 nhà mạng lớn đã cùng ký kết thỏa thuận ngăn chặn SIM rác, SIM kích hoạt sẵn. Năm 2020, Cục Viễn thông đã cùng các doanh nghiệp triển khai thêm các giải pháp như dừng đưa SIM mới ra đại lý và dừng bán SIM trên hệ thống của các nhà bán lẻ như FPT Shop hay Thế giới di động. Các giải pháp này sau đó đã thực sự tác động rất lớn tới thị trường. Tình trạng SIM rác tại Việt Nam vì vậy đã có sự chuyển biến rõ rệt. Số liệu thống kê của Cục Viễn thông cho thấy, trong thời gian qua các nhà mạng đã thu hồi tới 26 triệu SIM rác.
Tuy vậy, trong những tháng đầu năm 2021, theo khảo sát của Cục Viễn thông cho thấy, hiện tượng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn đang có dấu hiệu quay trở lại. Tỷ lệ thuê bao mới trong 3 tháng đầu năm 2021 tăng 10%, cao hơn hẳn tốc độ bình quân trong cả năm 2020 (6%). Để triển khai Mobile Money, một trong những yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo chính xác thông tin thuê bao. Do đó, các doanh nghiệp viễn thông cần thống nhất giải pháp cả về cơ chế cũng như công nghệ.
Cũng theo ông Lê Văn Tuấn, Cục Viễn thông đánh giá cao sự hợp tác của các doanh nghiệp và đề nghị sau buổi ký kết này, các nhà mạng sẽ thực hiện nghiêm túc thỏa thuận đã được ký và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, với việc ký kết hợp tác, các doanh nghiệp đã thể hiện cam kết và quyết tâm của mình một cách rõ ràng hơn. Theo thỏa thuận, sẽ có một quy chế xử phạt nội bộ nghiêm khắc. Bộ TT&TT sẽ căn cứ vào mức độ thực thi để đánh giá cam kết và quyết tâm của các nhà mạng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cũng đề nghị tổ công tác dưới sự điều phối của Cục Viễn thông có biện pháp để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm và đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp. Điều này sẽ đảm bảo một môi trường bình đẳng để các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nghiêm túc thỏa thuận này.
Thứ trưởng Phan Tâm hy vọng sự quyết tâm của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, thực chất trong vấn đề quản lý thông tin thuê bao di động trả trước, từ đó xóa sạch tình trạng SIM rác, tin nhắn rác. Chỉ như vậy mới có thể tạo ra một môi trường không gian mạng an toàn, tin cậy./.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118