Chống hàng giả bằng công nghệ QR Code: Cần sự phối hợp Nhà nước – Doanh nghiệp

Các chuyên gia khẳng định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một trong những giải pháp chống hàng giả, bảo vệ doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bên để thúc đẩy hoạt động này.

Tem QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm là giải pháp thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu muốn biết tường tận về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của người tiêu dùng, từ khâu sản xuất cho đến quá trình vận chuyển, bảo quản trước khi đến tay khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tạo dựng và định vị được thương hiệu “chính hãng” trong tâm trí người tiêu dùng.

Xét dưới góc độ của doanh nghiệp, tem QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm là bí quyết gia tăng hiệu quả truyền thông và bán hàng trong thời buổi hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan gây ra tâm lý lo ngại đến người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ dễ dàng xử lý các lô hàng kém chất lượng hoặc hàng giả và giúp cho việc kiểm soát hàng hóa đưa vào thị trường diễn ra minh bạch, rõ ràng, qua đó hạn chế lượng hàng kém chất lượng, hàng giả lưu thông trên thị trường. Từ đó giúp người tiêu dùng được tiếp cận một hệ thống cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ nhất, truy xuất nguồn gốc về sản phẩm từ khâu sản xuất, nguyên liệu, đóng gói và vận chuyển phân phối.

Hiện nay, mặc dù đã có một số mô hình mã số mã vạch (MSMV) nhưng số doanh nghiệp, số lượng hàng hóa của Việt Nam ứng dụng công nghệ MSMV vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn thấp. Ông Trần Giang Khuê, Phụ trách Văn phòng phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho rằng, các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu. Khó khăn trước hết là nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng các biện pháp chống hàng giả bằng phương pháp cũ, trong khi đó công nghệ làm hàng giả ngày càng tinh vi.

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua tem, nhãn trên sản phẩm hoặc qua hồ sơ lưu trữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của cơ quan chức năng cũng còn nhiều hạn chế bởi tem, nhãn thông thường không thể hiện đầy đủ thông tin truy xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như chưa xây dựng hoặc thực hiện các chương trình bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa đầy đủ, còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm còn mang tính tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ.

Ông Khuê cho rằng, ngoài việc Nhà nước có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, các doanh nghiệp cũng cần tạo dựng thương hiệu và ứng dụng MSMV để tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Từ đó người tiêu dùng mới yên tâm và tin tưởng với sản phẩm mà mình mua.

“Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc triển khai truy xuất nguồn gốc thông qua công nghệ QR Code, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, cùng một phần mềm nhưng check được sản phẩm này nhưng lại không check được sản phẩm kia vì thiếu đồng bộ”, ông Khuê nói.

Thực tế cho thấy rằng, hiện nay việc sử dụng công nghệ MSMV vào việc chống hàng giả cũng đang có rất nhiều vấn đề đáng bàn. Trong đó, phải nói đến là việc triển khai tem truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế: Mã vạch áp dụng phục vụ truy xuất nguồn gốc chưa được chuẩn hóa về hình thức và nội dung, thiếu các quy định cụ thể đối với việc khai báo, giám sát và đảm bảo thông tin truy xuất nguồn gốc. Các giải pháp đọc tem chưa thân thiện, phổ thông dẫn đến tình trạng tem nơi đọc được thông tin nơi không, gây hiểu lầm không đáng có đối với người tiêu dùng.

Trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm 2017, Bộ KH&CN khẳng định đã nghiên cứu và tìm hiểu kinh nghiệm triển khai trên thế giới và thấy được các tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn liên quan đến hoạt động truy xuất nguồn gốc của Tổ chức Mã số mã vạch Quốc tế GS1 mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đại diện cho Việt Nam là thành viên chính thức và các tổ chức quốc tế khác là nền tảng cơ bản để xây dựng các văn bản quản lý đối với tem truy xuất nguồn gốc.

Theo đó, việc quy định thống nhất về hình thức, nội dung đối với tem truy xuất nguồn gốc nguồn gốc để không nhầm lẫn với các dấu hiệu khác trên sản phẩm, quy định về kích thước, chất lượng tem để đảm bảo có thể đọc được, quy định về các giải pháp đọc tem truy xuất nguồn gốc, quy định về trách nhiệm của các tổ chức cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc… sẽ được Bộ KH&CN triển khai trong thời gian tới.

 

Việt Nam sắp ban hành tiêu chuẩn về QR Code trong lĩnh vực thanh toán

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, hiện Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, xây dựng Dự thảo ban hành Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam” làm cơ sở cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (ngân hàng), tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT triển khai theo một chuẩn kỹ thuật chung.

Theo ông Dũng, điều này sẽ giúp đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu, tránh việc lãng phí nguồn lực, thời gian, chi phí và giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể phát sinh.

Thanh toán QR Code là một hình thức thanh toán đơn giản, các ngân hàng và đơn vị chấp nhận thanh toán không cần đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng ban đầu và có thể dễ dàng mở rộng triển khai với chi phí thấp; người dùng có thể thanh toán một cách nhanh chóng, tiện lợi ngay trên thiết bị di động.

Bộ tiêu chuẩn cơ sở này sẽ làm cơ sở cho các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai ứng dụng QR Code theo một chuẩn kỹ thuật chung, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu.

Thanh toán QR Code là một hình thức thanh toán đơn giản và thu hút được nhiều sự chú ý của các tổ chức tài chính cũng như người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Với hình thức thanh toán này, các ngân hàng và đơn vị chấp nhận thanh toán không cần đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng ban đầu và có thể dễ dàng mở rộng triển khai với chi phí thấp. Người dùng có thể thanh toán một cách nhanh chóng, tiện lợi ngay trên thiết bị di động.

Đến nay, tại Việt Nam đã có một số ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung cấp giải pháp thanh toán qua thiết bị di động, qua QR Code ra thị trường. Có thể kể đến các ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, Techcombank, TPBank…

Là một phương thức thanh toán đơn giản, tiện lợi, thị trường Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng để phát triển thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua QR Code.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các thành viên Hội đồng để hoàn chỉnh Dự thảo và tiến hành các thủ tục để sớm trình Thống đốc Nhân hàng NHà nước ký ban hành. Đồng thời, sau khi Quyết định, cơ quan này vẫn cần tiếp tục theo dõi tình hình triển khai; nghiên cứu, đề xuất các vấn đề phát sinh trong thực tế liên quan tới hoạt động thanh toán qua QR Code tại Việt Nam.

 

Bộ Công Thương đề xuất thêm ‘chuẩn’ cho siêu thị, VCCI lên tiếng phản đối

Bộ Công Thương vừa có dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối. Góp ý về dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (VCCI) cho rằng  dự thảo hướng tới mục tiêu “cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối”.

Tuy nhiên, quy định dự kiến tại Nghị định lại được thiết kế theo hướng thêm nhiều ràng buộc một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (ví dụ quy định về khuyến mại, quảng bá, cách đặt tên siêu thị, trung tâm thương mại …) mà không rõ mục tiêu quản lý nhà nước cụ thể, lại có thể dẫn tới sự can thiệp, cản trở bất hợp lý hoạt động của doanh nghiệp.

Cũng như vậy, dự thảo dự kiến một số quy định khống chế đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại, ví dụ yêu cầu về nhân sự là người Việt Nam, yêu cầu số lượng gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam…Suy đoán là dự kiến này nhằm mục tiêu “bảo đảm năng lực cạnh tranh quốc gia”. Tuy nhiên, dự kiến này dường như chưa tính tới thực tế là hiện đã có Nghị định 09/2018/NĐ-CP điều chỉnh các hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài?.

Dự thảo cũng đề xuất các quy định về siêu thị và trung tâm thương mại, như “tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh; xây dựng, phòng cháy chữa cháy; an ninh, an toàn; vệ sinh môi trường…”. Theo VCCI, các quy định này có tính chất như một dạng điều kiện kinh doanh, trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư. VCCI cho rằng việc đặt ra nhiều yêu cầu đối với hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại trong khi chưa đánh giá một cách cụ thể tác động của các quy định này đối với hoạt động kinh doanh này có thể khiến chính sách chưa phù hợp, cản trở đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó là một số đề xuất quy định có tính chất can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể như đơn vị kinh doanh khai thác  phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Theo VCCI, việc phê duyệt phương án kinh doanh của Ủy ban nhân dân là sự can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Hơn nữa, xét về tính minh bạch, đây được xem là một dạng giấy phép tuy nhiên không rõ về tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép này.

Dự thảo quy định “những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình (nông dân, thợ thủ công…) và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng dành cho người kinh doanh không thường xuyên tại chợ và phải chấp hành Nội quy chợ”. Quy định này dường như đang can thiệp vào mối quan hệ dân sự giữa doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ với người thuê địa điểm kinh doanh và quy định này vô hình trung sẽ không khuyến khích nhà đầu tư vào chợ.

Một số tiêu chuẩn, quy định chưa thiết thực

Bên cạnh những khúc mắc đã trình bày trên, VCCI lo ngại một số quy định không rõ mục tiêu quản lý nhà nước và có nguy cơ biến tướng thành điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Cụ thể, dự thảo quy định về Tiêu chuẩn siêu thị, trung tâm thương mại trong đó có một số giới hạn tối thiểu về diện tích, các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, an ninh, an toàn…

“Quy định này cần xem xét lại ở nhiều khía cạnh, ví dụ việc đưa ra tiêu chí để phân biệt tiêu chí, trung tâm thương mại để làm gì? Những cơ sở kinh doanh không đáp ứng tiêu chí này nhưng vẫn gọi là siêu thị, trung tâm thương mại thì những lợi ích công cộng nào bị ảnh hưởng?”, VCCI đặt vấn đề.

Dự thảo cũng đề xuất quy định “thời gian mở cửa: siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10:00 sáng đến 22:00 tối” là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần/không nên can thiệp.

Cũng theo VCCI, quy định giới hạn về đợt bán hàng giảm giá, các quy định ràng buộc về giảm giá tại dự thảo Nghị  định là chưa hợp lý. Lý do, siêu thị hay trung tâm thương mại không phải là hoạt động đặc thù để đi ngược lại/có chính sách quy định riêng về khuyến mại, trong khi chính sách khuyến mại chung đã có.

Ngoài ra, các quy định giới hạn về khuyến mại tại siêu thị, trung tâm thương mại là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Nếu lo ngại các đợt giảm giá tại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo pháp luật cạnh tranh, chứ không phải kiểm soát riêng theo cách này.

 

Chất độc Phthalate sẽ bị ‘quản chặt’ trong đồ chơi trẻ em

Trong dự thảo soát xét Quy chuẩn về An toàn đồ chơi trẻ em – QCVN 03:2009/BKHCN, Phthalate được đưa vào quản lý giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại. Theo đó đồ chơi trẻ em đạt chuẩn không được có hàm lượng phthalate vượt quá 0,1 %.

Cảnh giác với đồ chơi trẻ em chứa Phthalate

Mới đây một loạt các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen không an toàn vì chứa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tại các nước phương Tây, các sản phẩm có chứa những chất độc hại này bị người tiêu dùng tẩy chay dữ dội. Tuy nhiên, với khoảng 80% đồ chơi trẻ em có xuất xứ Trung Quốc có mặt trên thị trường Việt Nam, người tiêu dùng nên cảnh giác với những loại đồ chơi trôi nổi và chưa được kiểm định chất lượng.

Theo Hệ thống cảnh báo nhanh các sản phẩm phi thực phẩm nguy hiểm (RAPEX) của Liên minh châu Âu (EU), các món đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc mà tổ chức này “cấm cửa” tại thị trường EU là những sản phẩm có chứa chất phthalate, thường tấn công người dùng qua đường hô hấp và nếu trẻ ngậm, nhai càng nguy hiểm hơn.

Trước đó, tổ chức này cũng đưa ra khuyến cáo những miếng dán đồ chơi hoạt hình Trung Quốc nằm trong danh sách nguy hiểm. Ngoài chất Phthalate, lượng cadmium trong các món đồ chơi này vượt quá cao so với mức an toàn. Đặc biệt, cadmium nếu tích lũy trong cơ thể sẽ làm hỏng các cơ quan, thậm chí dẫn đến ung thư.

Tại Việt Nam, kết quả kiểm nghiệm miếng dán đồ chơi Trung Quốc của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) cho thấy, chất Phthalate vượt ngưỡng an toàn cho phép 480 lần. Sản phẩm bóng hơi của Trung Quốc cũng có hàm lượng phthalate vượt mức cho phép gấp 400 lần. Trước đó, mẫu búp bê đầu hình trái cây qua thử nghiệm của cơ quan này cũng cho kết quả chất phthalate quá cao. Chuyên gia của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cũng từng đưa ra khuyến cáo, với những đồ chơi vượt quá mức an toàn cho phép của những hóa chất độc hại như phthalate, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua.

Theo chuyên gia hóa học Đặng Trần Côn, phthalate là hóa chất được sử dụng khá phổ biến trong công nghiệp nhựa và được phát hiện là một trong những nguyên nhân gây rối loạn nội tiết, đặc biệt là hệ sinh dục nam giới…

Theo các chuyên gia, với những mẫu có hàm lượng các chất độc hại này gấp hàng trăm, mấy trăm lần cho phép, không chỉ gây độc hại cho trẻ khi ngậm hay cầm, nắm mà còn có thể gây nhiễm độc qua đường hít thở không khí. Khi đó, hệ miễn dịch và thần kinh của trẻ có thể bị tổn thương vĩnh viễn.

Lập thêm “hàng rào” ngăn chất độc hại trong đồ chơi cho trẻ em

Theo bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, từ năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành QCVN 03:2009/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em. Trong quy chuẩn này quy định các yêu cầu về chỉ tiêu cơ lý, yêu cầu về khả năng chống cháy, về giới hạn xâm nhập của các độc tố cũng như yêu cầu về các hợp chất hữu cơ có trong đồ chơi trẻ em cùng các phương pháp thử tương ứng và yêu cầu về quản lý.

“Tuy nhiên, do tính chất đa dạng của sản phẩm đồ chơi cũng như sự phát triển không ngừng của mặt hàng này nên sau thời gian gần 10 năm áp dụng, nội dung của quy chuẩn này đã không còn đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về quản lý và cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp’, bà Hà cho biết.

Bên cạnh việc bổ sung yêu cầu cho tính an toàn của đồ chơi có nam châm và từ tính, đồ chơi cánh quạt, chong chóng, đồ chơi dùng điện… thì trong thời gian vừa qua, vấn đề an toàn hóa cho sản phẩm đồ chơi đặc biệt được quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em, là đối tượng chính sử dụng đồ chơi. Một trong các chỉ tiêu được quan tâm nhiều hơn cả là hàm lượng một số este phthalate có trong các vât liệu bằng chất dẻo của đồ chơi mà qua thực tế kiểm tra có nhiều đồ chơi không đáp ứng yêu cầu an toàn.

Do đó, trong dự thảo soát xét, bổ sung QCVN 03:2009/BKHCN, Phthalate được đưa vào quản lý giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại. Theo đó đồ chơi trẻ em đạt chuẩn không được có hàm lượng Phthalate vượt quá 0,1 %.

“Việc sửa đổi này là vô cùng cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em trên thị trường tránh bỏ sót những sản phẩm gây mất an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng’, bà Hà cho hay.

Đánh giá về việc quản chặt hơn các chất độc hại có trong đồ chơi nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn cho trẻ nhỏ, theo các chuyên gia y tế đây là việc cần thiết và cấp bách nhằm ngăn chặn tác hại khôn lường của chất này trong đồ chơi dành cho trẻ nhỏ.

Hiện, dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em – soát xét QCVN 03:2009/BKHCN đang được lấy ý kiến rộng rãi để dự thảo quy chuẩn được hoàn thiện trước khi ban hành.

 

Chuyên gia: Tiêu chuẩn và chất lượng là sự sống còn cho xuất khẩu

Những yếu tố nền tảng mà doanh nghiệp Việt cần xây dựng để có thể thâm nhập thị trường và phát triển bền vững là phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm.

Đó là quan điểm của bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao khi đề cập đến những thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trước những cơ hội ở thị trường mới – thị trường xuất khẩu nước ngoài.

Bà Hạnh cho rằng, doanh nghiệp Việt muốn thâm nhập thị trường và vươn ra xuất khẩu cần xây dựng nền tảng bền vững như: phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm, phải nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu là tài nguyên bản địa cộng với tác động của công nghệ

“Lâu nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ Việt Nam về nông sản, thực phẩm thường chỉ xuất nguyên liệu thô hay làm gia công là chính nên thường không bị “xét” giấy thông hành, căn cước. Trừ thủy sản là có tiêu chuẩn rõ ràng, lại trong tay nhiều “đại gia”, còn doanh nghiệp nhỏ hiện khó vào thị trường cao giá này. Ngoài ra, người nông dân và doanh nghiệp nhỏ cũng chưa hiểu hết về tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hay của nước mình”, bà Hạnh nêu thực trạng.

“Thực tế chứng minh, các doanh nghiệp mạnh xuất khẩu tốt là do họ biết xây dựng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và biết ứng dụng công nghệ tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ cũng đến lúc cần xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và tạo ra giá trị gia tăng từ ứng dụng công nghệ để thúc đẩy nông sản, thực phẩm Việt Nam đi ra thế giới. Đây là yếu tố căn cơ để doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nông nghiệp phát triển bền vững”, bà Kim Hạnh cho biết thêm.

Mặc dù đánh giá cao kết quả xuất khẩu trong thời gian qua, nhưng PGS.TS. Phạm Tất Thắng – Chuyên gia trong lĩnh vực thương mại lưu ý, vẫn còn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khi ra thị trường nước ngoài không đảm bảo chất lượng bị trả về. Do vậy, việc nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu là việc cần phải làm ngay.

Theo đánh giá của PGS.TS. Phạm Tất Thắng, tiêu chuẩn hàng hóa của Việt Nam hiện nay không hòa nhập và thấp xa so với tiêu chuẩn của thế giới. Chính vì thế cần phải điều chỉnh lại các bộ tiêu chuẩn, đồng thời phải cập nhật cho được những thay đổi về rào cản kỹ thuật đối với từng mặt hàng ở từng thị trường để cung cấp một cách thường xuyên cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Trong khi các quốc gia đã dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật thì rào cản kỹ thuật ở nước ta vẫn chưa được chú ý một cách đúng mức. Việc ý thức để đảm bảo không bị vấp phải hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được thường xuyên, chưa trở thành sự sống còn của các doanh nghiệp, nên cần phải thay đổi”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ.

Các doanh nghiệp của Việt Nam không có cách nào khác là phải vươn lên để có được sản phẩm đảm bảo được yêu cầu của các thị trường thế giới – PGS.TS. Phạm Tất Thắng nhìn nhận đồng thời quả quyết: “Nếu các doanh nghiệp vượt qua được điều này coi như đã được cấp giấy thông hành cho sản phẩm hàng hóa vươn ra khắp thế giới, đảm bảo đáp ứng tốt sự phát triển trong bối cảnh hội nhập”.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Vụ trưởng, Phụ trách Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ( Bộ KH&CN), đối với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hiện nay đã có trên 10.500 TCVN, mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực đạt trên 49% và hơn 700 QCVN, góp phần đắc lực vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, là công cụ đắc lực phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông Khôi cũng cho rằng, với kết quả hàng trăm TCVN được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, trong đó có TCVN về nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, chè, cà phê, hạt điều, rau quả, an toàn thực phẩm… góp phần tích cực vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Khôi cũng nhìn nhận bên cạnh những kết quả tích cực, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật còn tồn tại một số hạn chế như: Đối tượng điều chỉnh QCVN trong một số lĩnh vực thường bị chia nhỏ, manh mún, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế điều chỉnh theo các nhóm đối tượng, dẫn tới tình trạng số lượng QCVN khá cao (trên 700 QCVN); việc phân công trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giữa các Bộ, ngành theo quy định hiện hành đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn quản lý. Mặt khác, do đặc thù hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam theo cơ chế Top-Down, đa phần nguồn lực xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đều tập trung tại các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn tới sự tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của khu vực tư nhân còn hạn chế, thụ động, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực tiêu chuẩn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với sự phát triển mạnh của các thành phần kinh tế xã hội.

 

Đồ chơi trẻ em: Lo sợ độc hại, đồ chơi ‘Made in Vietnam’ được nhiều người lựa chọn

Hiện trên thị trường bày bán khá nhiều chủng loại đồ chơi. Hàng cao cấp được nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Úc, Hàn, Đức… có giá thành khá cao được bày bán tại các cửa hàng chuyên đồ xách tay và các trung tâm thương mại. Hàng bình dân chủ yếu có nguồn gốc từ Việt Nam và Trung Quốc chiếm tới 90% thị trường.

Trước sự xuất hiện tràn lan của các mặt hàng đồ chơi trẻ em không rõ xuất xứ, kém chất lượng khiến người tiêu dùng lo ngại, nhất là các bậc phụ huynh khi những mặt hàng này ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em. Nắm bắt được xu hướng và tâm lý của người dùng, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước tập trung sản xuất, quảng bá sản phẩm của mình dựa trên mục tiêu an toàn cho người tiêu dùng.

Theo khảo sát, tại các quầy đồ chơi của nhiều hệ thống siêu thị như Co-op Mart, Big C, Maximark xuất hiện nhiều mẫu đồ chơi “Made in Việt Nam”. Thậm chí, có nơi chỉ chuyên bán các loại đồ chơi xuất xứ Việt Nam. Hầu hết các sản phẩm có màu sắc tươi sáng, chi tiết sắc nét có giá khoảng từ 30 ngàn đến 150 ngàn đồng/bộ sản phẩm. Tất cả các sản phẩm trong hệ thống siêu thị đều được gắn dấu hợp quy CR – dấu thể hiện sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy, được kiểm tra an toàn trước khi lưu thông trên thị trường.

Ở phân khúc giá rẻ, các bộ đồ chơi lắp ráp, mô hình xe, nhân vật hoạt hình quen thuộc có giá từ 50.000 – 300.000 đồng/sản phẩm. Đặc biệt hơn là món đồ chơi vừa giải trí, vừa phát triển tư duy thông minh của trẻ được tiêu thụ mạnh như xếp hình, ghép chữ, bộ đất nặn… với giá trung bình dao động từ 150 ngàn đến 450 đồng.

Bên cạnh đó, những đồ chơi trí tuệ làm từ gỗ cũng được các bậc cha mẹ quan tâm với các sản phẩm đồ chơi gỗ thông minh mang tính giáo dục được đánh giá rất cao như đàn gỗ, lắp hình gỗ, mô hình khối,… do chủ yếu thiết kế mẫu mã còn đơn điệu và được làm thủ công nên sản phẩm không được bắt mắt khiến trẻ em không thích, mặc dù giá cả không đắt.

Trao đổi với PV, chị Hương – cán bộ Phòng Marketing của Công ty CP Đồ Chơi An Toàn Việt cho biết, tất cả các đồ chơi của công ty trước khi ra thị trường đều được đem đi kiểm định và đảm bảo chất lượng trước khi ra thị trường. Về chất lượng hạt nhưa, các sản phẩm của công ty đều là hạt nhựa nguyên sinh, không phải là hạt nhựa tái chế. Cùng với đó, trong khâu sản xuất, sản phẩm không thêm tạp chất và được pha chế phẩm màu theo đúng quy chuẩn an toàn.

Những năm gần đây, do lo lắng các chất độc hại có trong đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ nên nhiều bậc phụ huynh có xu hướng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam. Khá nhiều người hồ hởi cho rằng cảm thấy yên tâm với đồ chơi Việt Nam vì có nguồn gốc xuất xứ chứ không phải hàng trôi nổi độc hại.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến xuất xứ, chất lượng của các loại đồ chơi bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con em họ. Thiết nghĩ, đây cũng là điều thuận lợi cho những doanh nghiệp nội có thể chiếm được tình cảm của khách hàng bằng việc nghiên cứu đầu tư để sản xuất ra những sản phẩm tốt, mẫu mã đa dạng, kéo người Việt dùng hàng Việt.

  Xóa ‘rào cản’ xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Cần sự chung tay giữa các DN Việt

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao, đạt 50,81 tỷ USD vào cuối năm 2017. Việt Nam hiện là đối tác thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.

Một đặc điểm rất quan trọng trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tính chất bổ trợ cho nhau giữa hai nền kinh tế. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay vào thị trường này vẫn là các mặt hàng truyền thống như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử… Trong khi đó, các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao hay sản phẩm tiêu dùng cao cấp lại chiếm tỉ trọng không đáng kể.

Nhiều “rào cản” từ thị trường Hoa Kỳ

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, thách thức lớn đối với DN xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là do hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Ngoài luật liên bang, mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ lại có những quy định, luật định khác nhau.

Vì vậy, DN Việt Nam muốn đưa hàng vào thị trường Hoa Kỳ, cụ thể là tiểu bang nào, phải tìm hiểu luật, những quy định ràng buộc tại tiểu bang đó, cũng như luật Liên bang có liên quan.

Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới, phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông-lâm-thủy sản cũng ngày càng được Hoa Kỳ tăng cường áp dụng.

Những thay đổi trong chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam, khiến cho việc duy trì mức kim ngạch hiện tại, hay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ trở thành bài toán không dễ tìm ra lời giải đáp thỏa đáng.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương khuyến khích các DN Việt Nam cùng nhau phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ, thông qua đó mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ DN trong tiến trình này.

Thực tế trong thời gian qua, ngày càng nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá cũng như nâng điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng nhập khẩu.

Cần sự chung tay từ các doanh nghiệp

Thực tế, các DN xuất khẩu của Việt Nam đa phần là DN nhỏ và vừa (DNNVV) thường ít kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện thương mại, do đó việc đáp ứng các yêu cầu từ phía Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn. Một vấn đề nữa đó là chi phí thuê luật sư cho các vụ kiện cao, DN khó có thể đáp ứng. Hơn nữa, các vụ kiện cũng thường kéo dài, dẫn đến nhiều thiệt hại cho DN.

Chính vì vậy, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) lưu ý, khi DN bị kiện, việc đầu tiên là phải hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời phải có sự hợp tác của toàn thể các DN trong ngành.

Là ngành xuất khẩu trọng điểm vào thị trường Hoa Kỳ trong những năm qua, chia sẻ về cách thức vượt qua những rào cản của Hoa Kỳ đối với ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, VASEP luôn đồng hành cùng các DN tiến hành các biện pháp cụ thể nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm chất lượng và xem đây là giải pháp chiến lược để vượt qua thách thức và rào cản.

Đặc biệt, VASEP cùng các DN Việt Nam tích cực tìm hiểu và cập nhật thông tin để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cũng như cải tiến và khắc phục thiếu sót, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Liên quan tới vấn đề này, bà Virginia Foote, Hội đồng thành viên Amcham Hà Nội cho rằng các DN xuất khẩu của Việt Nam cần nâng cao giá trị cho hàng hóa xuất khẩu, cũng như định hướng thị trường trọng điểm một cách cụ thể hơn. Bên cạnh đó, để bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ, các DN Việt Nam nên liên kết, phối hợp, hợp tác với các DN bản địa của Hoa Kỳ để có thể nâng cao giá trị cho hàng hóa cũng như đáp ứng được các “hàng rào” tiêu chuẩn kỹ thuật.

  Quốc hội thông qua dự thảo Luật TDTT sửa đổi với tỷ lệ đồng thuận cao

Sáng 14/6, ĐBQH tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã bấm nút thông qua dự thảo Luật TDTT sửa đổi.

Quy định trách nhiệm của nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi

Với tỷ lệ 93,84% phiếu tán thành, dự thảo Luật TDTT sửa đổi đã chính thức được ĐBQH bấm nút thông qua.

Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho hay, ngày 31/5/2018, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật TDTT sửa đổi.

Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Về môn bơi, nhiều ý kiến thống nhất không quy định bơi là môn học bắt buộc nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta. Bên cạnh đó, đặc thù của thể thao phải căn cứ vào sở thích, tố chất và sức khỏe của từng học sinh. Vì vậy, môn bơi cần được hình thành, phát triển theo nhu cầu, sở thích và theo hướng khuyến khích xã hội hóa.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần quy định bơi là môn học chính khóa trong nhà trường hoặc như một tiêu chí bắt buộc khi học sinh ra trường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn.

Tuy nhiên, với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi, giáo viên dạy bơi. Việc tổ chức cho học sinh học bơi sẽ làm phát sinh chi phí, tạo gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi.

“Tiếp thu ý kiến đại biểu, đồng thời đảm bảo tính khả thi của điều luật, tạo điều kiện thuận lợi phát triển môn bơi, Dự thảo đã quy định trách nhiệm của nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi (khoản 3 Điều 4; khoản 1 Điều 21; khoản 6 Điều 22). Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập do mình quản lý với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường”- Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu.

Kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện

Có ý kiến đề nghị bổ sung “nhà nước có chính sách huấn luyện đặc thù đối với các đối tượng thuộc hạt giống môn thể dục, thể thao để đẩy mạnh và phát huy những đối tượng có tiềm năng, đặc biệt đối với thể thao thành tích cao” vào khoản 2 Điều 31.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật TDTT hiện hành đã quy định Nhà nước có chính sách phát triển thể thao thành tích cao, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế.

Để triển khai quy định này, Chính phủ đã ban hành chính sách về chế độ đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên đang tập luyện, huấn luyện tại trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao, trường năng khiếu thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; chế độ dinh dưỡng, tiền công, chăm sóc y tế, trang thiết bị tập luyện, thi đấu đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao xuất sắc là người Việt Nam, được triệu tập tập huấn chuẩn bị tham dự và có khả năng giành huy chương tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), tham dự vòng loại và tham dự Đại hội thể thao Olympic (Olympic Games). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không quy định nội dung này.

Về doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao (Điều 55), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm bắt buộc phải có quy chế hoạt động thể thao mạo hiểm và có đủ điều kiện bảo hộ để phòng tránh rủi ro.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho hay, hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện là hoạt động thể thao được thực hiện trong điều kiện nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người.

Vì vậy, để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia, Dự thảo đã quy định kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện là loại hình kinh doanh có điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao… theo quy định của Chính phủ./.

  Chào đón công nghệ Blockchain

Cùng với quá trình hội nhập, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kinh tế số – nơi mà tác động công nghệ có thể lan đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội. Trong đó có công nghệ “chuỗi khối”- Blockchain.

Không khó để nhận ra sự háo hức của rất nhiều gương mặt trong hàng nghìn người cùng chen nhau để có được một suất vào cửa ở hội thảo Blockchain Festival diễn ra tại TPHCM ngày 24/5. Họ không phải là các nhà công nghiệp hay doanh nhân theo nghĩa truyền thống mà đa phần đều là những người trẻ và rất nóng lòng được tiếp cận với một trào lưu công nghệ đang trở thành từ khóa khá “hot” thời gian gần đây – công nghệ Blockchain (chuỗi khối).

Nói một cách đơn giản và ngắn gọn thì Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Công nghệ Blockchain có thể chống lại sự thay đổi dữ liệu và chỉ được bổ sung khi có sự đồng thuận của tất cả các “nút” trong hệ thống. Điều này có thể giúp hệ thống trao đổi dữ liệu vẫn có thể tiếp tục hoạt động bình thường và bảo mật thông tin khi một phần của hệ thống gặp rủi ro bị tấn công.

Trong cuộc chạy đua công nghệ này, dường như ngành tài chính đang vượt lên phía trước. Có thể dễ dàng nhận thấy bầu không khí ấy khi thông tin về các sản phẩm tài chính ứng dụng Blockchain xuất hiện ở khắp nơi, từ các cuộc gọi điện thoại cá nhân, email, tờ rơi giới thiệu dịch vụ, đến cả các quảng cáo online, offline; hoặc giả cũng không khó để nghe thấy những cuộc trò chuyện chớp nhoáng về các khoản đầu tư vào tiền ảo, vào bitcoin hay vào vô số những tài sản tài chính khác…

Tuy nhiên, nếu tạm gác lại những tranh cãi về sự rủi ro và tính pháp lý của một số hoạt động đang được cho là dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain như vừa kể thì Blockchain đang được giới kinh doanh và công nghệ nhìn nhận một cách hết sức nghiêm túc, với sự xuất hiện của những cái tên doanh nghiệp công nghệ mới toanh nhưng đã quy tụ được cả trăm nhân lực chuyên môn trình độ cao tại Việt Nam (Ininitive Blockchain Labs, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Blockchain Qnet…) hay các câu lạc bộ Blockchain ở tầm quốc gia, các cuộc thi dành cho Start-up muốn ứng dụng Blockchain…

Gần đây nhất là thông tin về việc HSBC Việt Nam thông báo Tập đoàn mẹ của họ đã cùng với ING Bank (Hà Lan) thực hiện thành công giao dịch tài trợ thương mại đầu tiên sử dụng công nghệ Blockchain cho Cargill – một tập đoàn quốc tế về nông nghiệp và thực phẩm. Nhờ công nghệ này, thời gian trao đổi chứng từ giữa các bên liên quan đã được rút ngắn về còn 24 giờ, thay vì mất từ 5 đến 10 ngày theo cách thức truyền thống.

Còn trong một cuộc hội nghị diễn ra hồi tháng 4 vừa qua của ngành logistics Việt Nam, Blockchain đã được đề cập với kỳ vọng có thể giúp các doanh nghiệp giám sát quá trình vận chuyển, tình trạng và tính xác thực của hàng hóa theo thời gian thực một cách chuẩn xác hơn.

Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Infinitive Blockchain Labs nhận định những lĩnh vực dẫn đầu về ứng dụng Blockchain sẽ là công nghệ tài chính (fintech), giáo dục, y tế và logistics.

Lên khung pháp lý cho blockchain: Cần ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp

Cùng với quá trình hội nhập, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kinh tế số – nơi mà tác động công nghệ có thể lan đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Theo TS. Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc tiếp cận và khai thác công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là các công nghệ có tính đột phá như Blockchain có vai trò hết sức quan trọng dù là một công việc không dễ dàng.

 

Công nghệ không chỉ tạo ra những hiệu quả đặc biệt mà trong một số trường hợp cũng đồng thời phá vỡ các cấu trúc kinh doanh truyền thống, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều tập thể… Chính vì vậy, làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên cũng như có cách tiếp cận, có tiêu chí phù hợp để công nghệ đi vào thực tế là thách thức của nhiều quốc gia, kể cả các nước tiên tiến như G20 nói chung và Việt Nam nói riêng suốt thời gian qua.

Hiện các cơ quan chức năng đang xúc tiến nghiên cứu chính sách cho blockchain với chủ trương là mỗi mô hình blockchain khác nhau sẽ có những yêu cầu và các vấn đề cần cân nhắc khác nhau. Trong đó, những yếu tố có tính pháp lý sẽ được quan tâm gồm có: môi trường kết nối các doanh nghiệp không qua bên thứ 3, nguyên tắc kiểm soát tính tin cậy, cách thức xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan, hiệu năng của hệ thống…

“Những người xây dựng chính sách cho Blockchain của Việt Nam đang rất cần lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia lẫn giới kinh doanh trong và ngoài nước để công nghệ Blockchain được áp dụng phù hợp với phúc lợi và sự thịnh vượng chung của xã hội”, ông Đào Đình Khả cho biết.

Ông Lê Ngọc Giang (Phòng Luật Dân sự và Kinh tế, Bộ Tư pháp) – một trong những chuyên gia soạn thảo khuôn khổ pháp lý đối với tiền ảo cũng cho biết “từ góc nhìn của người xây dựng chính sách, có thể nói chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của Blockchain. Vì vậy, Việt Nam đang nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ để phát triển công nghệ này. Trong đó, một số lĩnh vực ưu tiên có thể sẽ được quan tâm nhiều hơn và có chính sách khuyến khích trước.”

Theo nhận định của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới, trong đó có World Bank, Blockchain hiện là một trong số 12 hai trụ cột đang giúp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra tại nhiều nước và bước đầu có những kết quả đáng khích lệ.

  Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020 lĩnh vực Thể dục thể thao

Ngày 23/5/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020 thuộc lĩnh vực Thể dục thể thao. TS. Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì cuộc họp.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BVHTTDL ngày 29/7/2013 và Thông tư số 04/2016/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập các Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020 gồm 4 lĩnh vực: Văn hóa, Thể dục thể thao, Du lịch và Thư viện.

Hội đồng lĩnh vực Thể dục thể thao có TS. Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên gồm: TS. Trần Đức Phấn, ThS. Đinh Nguyễn Phương Thảo, ThS. Nguyễn Thị Hồng Liên, ThS. Phạm Phương Thảo, ThS. Ngô Ngọc Hà, PGS.TS. Phạm Hồng.

Lĩnh vực Thể dục thể thao có 05 Dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia TCVN, gồm:

1. ” Thiết bị bể bơi – Phần 6: Yêu cầu an toàn và phương pháp thử đối với ván quay vòng.

- Thiết bị bể bơi – Phần 7: Yêu cầu an toàn và phương pháp thử đối với gôn bóng nước.

- Thiết bị bể bơi – Phần 8: Yêu cầu an toàn cụ thể bổ sung và phương pháp thử đối với thiết bị cho các hoạt động giải trí trên mặt nước.

- Thiết bị bể bơi – Phần 9: Yêu cầu an toàn và phương pháp thử đối với cầu nhảy cứng, cầu nhảy mềm và các thiết bị liên quan.

- Thiết bị bể bơi – Phần 10: Yêu cầu an toàn và phương pháp thử đối với sàn di động hồ bơi và vách ngăn di động” do Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh là đơn vị chủ trì

2. “Thảm thể thao – Phần 1: Thảm thể dục dụng cụ, các yêu cầu về tính an toàn.

- Thảm thể thao – Phần 2: Thảm nhảy cao và nhảy sào, các yêu cầu về tính an toàn.

- Thảm thể thao – Phần 3: Thảm Judo, các yêu cầu về tính an toàn.

- Thảm thể thao – Phần 4: Xác định độ hấp thụ lực va chạm.

- Thảm thể thao – Phần 5: Xác định độ ma sát nền.

- Thảm thể thao – Phần 6: Xác định độ ma sát bề mặt.

- Thảm thể thao – Phần 7: Xác định độ cứng tĩnh lực.” do Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì

3. “Thiết bị thể dục dụng cụ – Yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử.

- Thiết bị thể dục dụng cụ – Bục nhảy chống – Yêu cầu và phương pháp thử.

- Thiết bị thể dục dụng cụ – Lưới bật – Yêu cầu an toàn chức năng và phương pháp thử” do Trường Đại học Thể dục thể thao Tp. Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì

4. ” Thiết bị leo núi – Phanh trống – Yêu cầu an toàn và phương pháp thử

- Thiết bị leo núi – Dụng cụ nối – Yêu cầu an toàn và phương pháp thử

- Thiết bị leo núi – Neo ma sát – Yêu cầu an toàn và phương pháp thử

- Thiết bị leo núi – Bộ dây treo – Yêu cầu an toàn và phương pháp thử

- Thiết bị leo núi – Ròng rọc – Yêu cầu an toàn và phương pháp thử

- Thiết bị leo núi – Mũ bảo hiểm cho người leo núi – Yêu cầu an toàn và phương pháp thử.” do Viện Khoa học Thể dục thể thao là đơn vị chủ trì

5. “Thiết bị bảo vệ võ thuật – Phần 1: Yêu cầu chung và phương pháp thử

- Thiết bị bảo vệ võ thuật – Phần 2: Các yêu cầu bổ sung và phương pháp kiểm tra đối với người được bảo vệ mu bàn chân chân, bảo vệ gối và bảo vệ cẳng tay

- Thiết bị bảo vệ võ thuật – Phần 3: Các yêu cầu bổ sung và phương pháp kiểm tra bảo vệ thân người (giáp ngực)

- Thiết bị bảo vệ võ thuật – Phần 4: Các yêu cầu bổ sung và phương pháp kiểm tra bảo vệ đầu

- Thiết bị bảo vệ võ thuật – Phần 5: Các yêu cầu bổ sung và phương pháp kiểm tra trang phục và bảo vệ bụng

- Thiết bị bảo vệ võ thuật – Phần 6: Các yêu cầu bổ sung và các phương pháp kiểm tra dành cho bảo vệ ngực của nữ

- Thiết bị bảo vệ võ thuật – Phần 7: Các yêu cầu bổ sung và các phương pháp kiểm tra và bảo vệ cho găng tay và chân” do Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng là đơn vị chủ trì.

  Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020 lĩnh vực Du lịch

Ngày 23/5/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020 thuộc lĩnh vực Du lịch. TS. Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì cuộc họp.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BVHTTDL ngày 29/7/2013 và Thông tư số 04/2016/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập các Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020 gồm 4 lĩnh vực: Văn hóa, Thể dục thể thao, Du lịch và Thư viện.

Hội đồng lĩnh vực Du lịch có TS. Từ Mạnh Lương, Chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên gồm: TS Hà Văn Siêu, ThS. Đinh Nguyễn Phương Thảo, ThS. Nguyễn Thị Hồng Liên, ThS. Phạm Phương Thảo, ThS. Ngô Ngọc Hà, Ts. Phạm Lê Thảo.

Lĩnh vực Du lịch có 04 Dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia TCVN, gồm:

1. “Địa điểm tổ chức MICE đối với khách sạn” do Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch là đơn vị chủ trì

2. “Biển báo an toàn dưới nước và cờ an toàn bãi biển- Phần 1: yêu cầu đối với biển báo an toàn dưới nước sử dụng ở nơi làm việc và công cộng” Biển báo an toàn dưới nước và cờ an toàn bãi biển – Phần 2: yêu cầu  đối với cờ an toàn bãi biển – Màu sách, hình dáng, ý nghĩa và tính năng” do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch là đơn vị chủ trì

3. “Du lịch và dịch vụ liên quan – Du lịch công nghiệp – Yêu cầu về cung cấp dịch vụ “, do Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì

4. “Biệt thự du lịch – Xếp hạngt” do Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch là đơn vị chủ trì

Sau khi nghe các đại diện đơn vị chủ trì trình bày Thuyết minh Dự án, Hội đồng đã họp và đánh giá nội dung, phương pháp và kết quả dự kiến của dự án. Hội đồng đã bỏ phiếu và kiến nghị các dự án được đưa vào thực hiện năm 2019-2020. Kết quả của Hội đồng được lập thành biên bản và kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt.

  Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020 lĩnh vực Văn hóa

Ngày 23/5/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020 thuộc lĩnh vực Văn hóa. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chủ trì cuộc họp.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BVHTTDL ngày 29/7/2013 và Thông tư số 04/2016/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập các Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020 gồm 4 lĩnh vực: Văn hóa, Thể dục thể thao, Du lịch và Thư viện.

Hội đồng lĩnh vực Văn hóa có TS. Đặng Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội đồng, ThS. Đinh Nguyễn Phương Thảo, Phó Chủ tịch, các Ủy viên gồm: TS. Nguyễn Thế Hùng, ThS. Nguyễn Thị Hải Nhung, ThS. Nguyễn Thị Hồng Liên, ThS. Phạm Phương Thảo, ThS. Ngô Ngọc Hà.

Lĩnh vực Văn hóa có 04 Dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia TCVN, gồm:

1. “Mỹ thuật – thuật ngữ và định nghĩa: do Trường Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì

2. Văn hóa dân tộc – Thuật ngữ và định nghĩa” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đơn vị chủ trì

3. “Kho hiện vật bảo tàng – Yêu cầu kỹ thuật”, do Cục Di sản Văn hóa là đơn vị chủ trì

4. “Khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích kiến trúc-nghệ thuật” do Viện Bảo tồn di tích là đơn vị chủ trì

Sau khi nghe các đại diện đơn vị chủ trì trình bày Thuyết minh Dự án, Hội đồng đã họp và đánh giá nội dung, phương pháp và kết quả dự kiến của dự án. Hội đồng đã bỏ phiếu và kiến nghị các dự án được đưa vào thực hiện năm 2019-2020. Kết quả của Hội đồng được lập thành biên bản và kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt.

  Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020 lĩnh vực Thư viện

Ngày 23/5/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020 thuộc lĩnh vực Thư viện. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chủ trì cuộc họp.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BVHTTDL ngày 29/7/2013 và Thông tư số 04/2016/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập các Hội đồng tư vấn xét chọn dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia năm 2019-2020 gồm 4 lĩnh vực: Văn hóa, Thể dục thể thao, Du lịch và Thư viện.

Hội đồng lĩnh vực thư viện có TS. Đặng Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội đồng, ThS. Đinh Nguyễn Phương Thảo, Phó Chủ tịch, các Ủy viên gồm: ThS. Nguyễn Thị Hồng Liên, ThS. Phạm Phương Thảo, ThS. Ngô Ngọc Hà, ThS. Kiều Thúy Nga, TS. Đỗ Văn Hùng.

Lĩnh vực Thư viện có 01 đề xuất xây dựng Dự án tiêu chuẩn quốc gia “Thông tin và tư liệu – Yêu cầu đối với đóng bìa sách, tạp chí, xuất bản phẩm định kỳ và các tài liệu khác để lưu trữ và sử dụng thư viện – Phương pháp và vật liệu (xây dựng trên cơ sở chấp nhận ISO 14416:2003)”

Sau khi nghe đại diện đơn vị chủ trì trình bày Thuyết minh Dự án, Hội đồng đã họp và đánh giá nội dung, phương pháp và kết quả dự kiến của dự án. Hội đồng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt.

  Cần phải có những chính sách cụ thể đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên phạm vi toàn quốc trong xu thế CMCN lần thứ tư

Ngày 22 tháng 5 năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tác động cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch”, Thứ trưởng TS. Đặng Thị Bích Liên đã chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông; các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu thuộc Bộ, cơ sở đào tạo… Hội thảo tập trung thảo luận nội dung xoay quanh tác động, nhận diện cơ hội, rủi ro và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trên phạm vi toàn quốc, từ đó đề xuất giải pháp nhằm tiếp cận và thích ứng với cuộc CMCN lần thứ 4 được cho là đã và đang diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam.

Tham dự hội thảo có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông; các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu thuộc Bộ, cơ sở đào tạo… Hội thảo tập trung thảo luận nội dung xoay quanh tác động, nhận diện cơ hội, rủi ro và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trên phạm vi toàn quốc, từ đó đề xuất giải pháp nhằm tiếp cận và thích ứng với cuộc CMCN lần thứ 4 được cho là đã và đang diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam.

Hội thảo cũng tập trung thảo luận chính sách phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam. Ngày 16 tháng 01 năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW đã đặt mục tiêu phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong xu thế phát triển của cuộc CMCN lần thứ 4 với nhiều thành tựu về công nghệ như internet kết nối vạn vật (IoT), kết nối dữ liệu lớn (big data), kinh tế số chia sẻ, các công nghệ không dây,… đã tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với ngành du lịch. CMCN lần thứ tư đã làm thay đổi phương thức quản lý, cung cấp dịch vụ, quảng bá cũng như công tác quản lý các chủ thể hoạt động du lịch tại Việt Nam.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó đặt mục tiêu đến năm 2030, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó đóng góp của một số ngành cụ thể như sau: Ngành điện ảnh đạt Khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt Khoảng 125 triệu USD); Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt Khoảng 31 triệu USD; Ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD; Ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 3.200 triệu USD; Ngành du lịch văn hóa chiếm 15 – 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch. Trong xu thế ứng dụng và phát triển thành tựu công nghệ của thế giới đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh, công nghệ in 3D, công nghệ thực tế ảo, công nghệ truyền thông băng thông rộng tốc độ cao và không bị giới hạn bởi phạm vi địa lý… các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội và thách thức không hề nhỏ.

Đối với ngành thể thao, thành tựu của CMCN lần thứ thứ tư công nghệ gen, công nghệ vật liệu, nano, công nghệ mô phỏng, kết nối và chia sẻ dữ liệu lớn… đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho hoạt động thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao. Công nghệ sinh học (biological technology) được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực dinh dưỡng thể thao; phân tích gen trong tuyển chọn, đánh giá trình độ tập luyện của vận động viên thể thao, công nghệ nano (Nanotechnology) được ứng dụng trong các thiết bị kiểm tra đánh giá về mặt y sinh học (sinh lý, sinh hoá, sinh cơ) trong thể thao…

Đối với lĩnh vực gia đình, cuộc CMCN lần thứ tư được dự báo có những tác động lớn đến thị trường lao động, đặc biệt là lao động giản đơn thay vào đó là thiết bị công nghệ cao ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa. Máy móc sẽ thay thế con người làm công việc trong gia đình, thậm chí thay được chức năng sinh lý của con người. Sự phát triển của điện thoại thông minh, IoT, khai thác và chia sẻ dữ liệu lớn bằng công nghệ truyền dẫn không dây… đã và đang tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giá trị của gia đình…

Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – TS. Từ Mạnh Lương cũng đã tóm tắt nội dung chính báo cáo “Tác động, nhận diện cơ hội, rủi ro và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch” và Chuyên đề “Chính sách phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam”. Đây là 2 nhiệm vụ Ban Kinh tế Trung ương giao Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch thực hiện và là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tổng hợp trình Bộ Chính trị trong trong thời gian tới.

Mặc dù việc tiếp cận thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4 đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là rất khó khăn vì các công nghệ này chủ yếu xuất phát từ các nước phát triển, có nền tảng khoa học, công nghệ rất cao. Các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại trải rộng và khá trừu tượng, liên quan đến nhiều ngành nghề nên việc xác định đối tượng và giải pháp thích ứng là khó khăn. Tuy nhiên, tại Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học cũng đã trao đổi, kiến nghị nhiều nội dung có giá trị về thực tiễn và lý luận.

Cuối Hội thảo, Thứ trưởng – TS. Đặng Thị Bích Liên đã đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các đầu mối: Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao, Cục Bản quyền tác giả, Vụ Gia đình, Vụ Kế hoạch, Tài chính, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Trung tâm Công nghệ thông tin, Văn phòng Bộ và đặc biệt là Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong thời gian ngắn đã nỗ lực để từng bước triển khai và hoàn thành đúng hạn nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, để nội dung báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngắn gọn, súc tích và đúng yêu cầu, Thứ trưởng chỉ đạo các đầu mối khẩn trương hoàn thiện nội dung và gửi Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ để kịp gửi Ban Kinh tế Trung ương theo đúng kế hoạch./.

  Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – 10 năm hình thành và phát triển

Ngày 16/5/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Gặp mặt các nhà khoa học nhân Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18-5 và Lễ trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2017. Nhân dịp này, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng long trọng tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và phát triển.

Tham dự buổi Lễ có TS. Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên BCH TW  Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TS. Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, nhà quản lý trực thuộc Bộ, và hơn 20 Giáo sư, Phó Giáo sư được trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn năm 2017.

Các vị đại biểu đã được xem video clip báo cáo 10 năm hình thành và phát triển Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Trong 10 năm qua Vụ chức năng, nhiệm vụ của Vụ đã dần được hoàn thiện, đội ngũ cán bộ không ngừng nâng lên về số lượng và chất lượng hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị được Lãnh đạo Bộ giao.

Về công tác quản lý nhà nước đã tham mưu, xây dựng trình ban hành các văn bản quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và môi trường

Về công tác chuyên môn, Vụ đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ đột xuất được Chính phủ, Bộ trưởng giao; Đẩy mạnh công tác phổ biến, hướng dẫn, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, giám sát đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và bảo vệ môi trường đã đạt được một số kết quả góp phần vào thực hiện Chiến lược, quy hoạch và quản lý, xây dựng chế độ, chính sách của ngành; Đối mới nhận thức ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của Bộ; Hoàn thành chuyển đổi hoạt động của các Viện Nghiên cứu trực thuộc Bộ sang phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 54/2008/NĐ-CP;Tích cực tham gia hoạt động liên ngành: Ban chỉ đạo liên ngành về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Ban chỉ đạo thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư KYOTO …

Với sự phấn đấu và nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức trong 10 năm qua, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thực sự trưởng thành và không ngừng lớn mạnh, được Chính phủ, Lãnh đạo Bộ ghi nhận và tặng thưởng như Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen và Cờ thi đua của Bộ …

Cũng trong buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã phát biểu chúc mừng các nhà khoa học nhân Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam. Đồng thời Bộ trưởng cũng chúc mừng và đánh giá cao những kết quả đạt được của tập thể cán bộ, công chức Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong 10 năm qua đối với công tác khoa học, công nghệ và môi trường của Bộ.

  Hội nghị về CMCN lần thứ 4 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch khu vực phía Nam

Ngày 04 tháng 5 năm 2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc họp và trao đổi các nội dung liên quan đến việc tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch. TS. Từ Mạnh Lương – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Phó trưởng Ban Chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Đề án của Ban Kinh tế Trung ương “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã chủ trì buổi họp.

Đến dự buổi họp có đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và phụ cận. Nội dung buổi họp nhằm trao đổi, phổ biến các nhiệm vụ về tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tình hình triển khai Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư; Triển khai Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020.

Trước đó, ngày 17/4/2018 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch với thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc Bộ khu vực Hà Nội./.

  Quy định hoạt động đối với môn Lặn biển thể thao giải trí

Ngày 05/4/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Thông tư số 21/2018/TT-BVHTTDL Quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Lặn biển thể thao giải trí. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động tập luyện, thi đấu và tổ chức tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Lặn biển thể thao giải trí tại Việt Nam.

Thông tư này quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đáp ứng yêu cầu hoạt động tập luyện và thi đấu môn Lặn biển thể thao giải trí; Tiêu chuẩn cơ sở, vật chất, trang thiết bị luyện tập và thi đấu thể thao thành tích cao môn Lặn biển thể thao giải trí được thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thể dục, thể thao.

Theo Thông tư, các quy định về cơ sở vật chất gồm:

1. Khu vực lặn biển phải có đầy đủ hệ thống phao tiêu, biến báo được định vị phù hợp với tọa độ trên bản đồ. Phao tiêu, biển báo phải có màu sắc tương phản với màu nước và cảnh quan môi trường dể dễ quan sát.

2. Có phương tiện thủy nội địa vận chuyển người lặn biển, người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ và các trang thiết bị, dụng cụ môn Lặn biển thể thao giải trí.

3. Có khu vực tập kết phương tiện thủy nội địa và neo đâu phương tiện thủy nội địa.

4. Có phòng thay đồ, gửi đồ, nhà tắm, khu vực vệ sinh cho người lặn biển; có túi sơ cứu theo quy định của Bộ Y tế

5. Có sổ theo dõi người lặn biển bao gồm những nội dung chủ yếu: Họ và tên, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, tình trạng sức khỏe của người lặn biển, địa chỉ và số điện thoại liên hệ khi cần thiết.

6. Có bảng nội duy lặn biển quy định nội dung chủ yếu: Giờ tập luyện, các đội tượng không được tham gia, biện pháp đảm bảo an toàn.

Ngoài ra còn các quy định về trang thiết bị, bảo đảm an toàn, mật độ hướng dẫn tập luyện, tập huấn nhân viên chuyên môn…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2018./.

  Quy định hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu môn Patin

Ngày 03/4/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BVHTTDL Quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Patin. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu và tổ chức tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Patin tại Việt Nam.

Thông tư này quy định Hoạt động tập luyện và thi đấu môn Patin trong nhà, trong sân tập phải đáp ứng các yêu cầu như:

Diện tích sân phải trừ 300 m2 trở lên; Bề mặt sân đối với khu vực bằng phẳng, dốc trượt và mô hình chướng ngại vật phải nhẵn, không trơn trượt; đối với dốc trượt, mô hình chướng ngại vật và các góc cạnh phải được xử lý đúng kỹ thuật thiết kế chuyên dùng và được trang bị bảo hiểm bảo đảm an toàn, không gây nguy hiểm cho người tập luyện; các quy định về mặt sàn đến trần nhà, không gian tập luyện, khu vực vệ sịnh, bảng nội quy….

Ngoài ra còn các quy định về trang thiết bị, mật độ hướng dẫn tập luyện, tập huấn chuyên môn

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm 2018./.

 

Quy định hoạt động tập luyện, thi đấu đối với môn Quần vợt

Ngày 20/3/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Thông tư số 19/2018/TT-BVHTTDL Quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Quần vợt. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tổ chức tập luyện, thi đấu môn Quần vợt tại Việt Nam.

Phạm vi điều chỉnh cảu Thông tư này quy định về điều kiện chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu môn Quần vợt; Tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao môn Quần vợt thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thể dục, thể thao.

Theo đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện phải đạt các điều kiện sau:

1. Mặt sân phẳng, không trơn trượt, có độ dốc thoát nước và được phủ bằng sơn, cỏ, đất nện hoặc chất tổng hợp.

2. Kích thước sân Quần vợt: Sân đơn: Chiều dài 23,77m, chiều rộng 8,23m. Sân đôi: Chiều dài 23,77m, chiều rộng 10,97m.

3. Lưới chắn bóng quan sân, bảo đảm khoảng cách từ mép biên ngang đến lưới chắn ít nhất là 4m và khoảng cách mép biên dọc đến lưới chắn ít nhất là 3m.

4. Độ chiếu sáng trên sân bảo đảm từ 150 Lux trở lên.

5. Có túi sơ cứu theo quy định của Bộ Y tế; có khu vệ sinh, thay đồ và nơi cất đồ cá nhân.

6. Có bảng nội quy quy định những nội dung chủ yếu sau: Giờ tập luyện; đối tượng không được tham gia tập luyện; biện pháp bảo đảm an toàn khi tập luyện.

Thông tư cũng quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị thi đấu, mật độ hướng dẫn tập luyện, tập huấn nhân viên chuyên môn….

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm 2018./.

  Hơn 50 nghìn lượt người vào Lăng viếng Bác dịp nghỉ lễ

Nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2018) và 132 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 – 1/5/2018), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp 50.943 lượt khách, trong đó có 11.488 lượt khách nước ngoài vào Lăng viếng Bác.

Mặc dù số lượng khách đến viếng đông hơn so với những ngày thường, song Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trong Cụm Di tích Lịch sử – Văn hóa Ba Đình, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn đồng bào, khách quốc tế vào Lăng viếng Bác và tham quan các di tích, công trình văn hóa trong khu vực.

Đặc biệt trong ngày 1/5, Ban Quản lý Lăng đã phục vụ miễn phí nước uống và bánh mỳ cho mọi người đến viếng Bác.

  Tuần văn hóa du lịch tại Lào Cai với chủ đề “Sắc màu cao nguyên trắng”

Tuần văn hóa du lịch Bắc Hà 2018 với chủ đề “Sắc màu cao nguyên trắng” sẽ diễn ra từ ngày 01 – 09/6/2018 tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Chương trình do UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông,… Hiệp hội Du lịch tỉnh, Liên đoàn Mô tô, Xe đạp thể thao tỉnh Lào Cai tổ chức.

Trong Tuần Văn hóa Du lịch sẽ có các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như: Giải đua xe đạp Bắc Hà (Lào Cai) – Xín Mần (Hà Giang) từ ngày 1-3/6, tổng chiều dài đường đua là 40 km, dự kiến thu hút 100 vận động viên tham gia; Lễ hội đường phố diễn ra từ 20h45 ngày 2/6 tại một số tuyến phố chính của thị trấn Bắc Hà; Lễ hội mận – trưng bày nông sản địa phương diễn ra từ 3-6/6 tại khu vực cổng Dinh Hoàng A Tưởng với 20 gian hàng trưng bày và bán các mặt hàng nông sản thực phẩm, đặc sản vùng cao như mận Tam hoa, gạo khẩu Nậm Xít, chè hữu cơ Tuyết San Bản Liền, rau an toàn, mật ong, nấm hương… của các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Yên (Lào Cai) và Xín Mần (Hà Giang).

Đồng thời, các hoạt động hưởng ứng Tuần Văn hóa Du lịch của Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tại Dinh Hoàng A Tưởng từ ngày 3-9/6 như trình diễn nghề thủ công truyền thống, trình diễn ẩm thực vùng cao, tổ chức trò chơi dân gian; Giải đua ngựa truyền thống diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/6; tham quan các Làng du lịch cộng đồng tại Na Hối, Thải Giàng Phố, Tà Chải, Bản Phố, Bảo Nhai; tổ chức hoạt động dù lượn tại núi Quan Thần Sán – Hồ Na Cồ trong ngày 3/6;  khám phá chợ phiên Bắc Hà (ngày 3/6). Lễ bế mạc Tuần Văn hóa Du lịch Bắc Hà 2018 sẽ diễn ra vào 20h ngày 9/6.

Tuần văn hóa nhằm giới thiệu, quảng bá những sản phẩm du lịch, hàng thủ công, văn hóa ẩm thực, sản phẩm đặc hữu khác của các dân tộc vùng cao, qua đó làm nổi bật sức sáng tạo, nét văn hóa truyền thống tinh tế các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Bắc Hà nói riêng; khuyến khích hoạt động bảo tồn, sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống, thúc đẩy sự tham gia của chính cộng đồng các dân tộc vùng cao để thu hút du khách, phát triển du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo; thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Bắc Hà đến với du khách trong và ngoài nước.

  Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2018: Thu hút hơn 15 nghìn lượt khách tham dự

Theo báo của huyện Mèo Vạc (Hà Giang), trong hai ngày diễn ra Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2018, huyện đã đón gần 15 nghìn khách du lịch.

Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2018 được tổ chức với quy mô cấp huyện diễn ra trong hai ngày 11-12/5 (tức ngày 26-27/3 âm lịch), với nhiều hoạt động truyền thống đặc sắc, tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Trong khuôn khổ Lễ hội Chợ tình Khâu Vai, du khách được thưởng thức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, tái hiện truyền thuyết “Chuyện tình Khâu Vai”. Ngoài ra, du khách còn đến dâng hương tại “miếu Ông”, “miếu Bà” nơi thờ chàng Ba và nàng Út ; nghe những câu hát đối giao duyên, điệu múa đặc sắc, tiếng khèn Mông gọi bạn.

Đặc biệt, đến lễ hội, du  khách còn tham gia các hoạt động trải nghiệm cưỡi ngựa trên “Cung đường tình yêu”; trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của đồng bào vùng cao và thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Trong hành trình khám phá chợ tình Khâu Vai, du khách còn có dịp ghé thăm các địa danh nổi tiếng của Hà Giang như: Cổng trời Quản Bạ, Cột cờ Lũng Cú, đỉnh Mã Pí Lèng, Dinh thự họ Vương, Phố cổ Đồng Văn…

Năm nay, chợ tình truyền thống diễn ra đúng dịp Liên hoan hát Then – đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 và công bố quy hoạch khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang. Đây là thời điểm thuận lợi để Hà Giang đón du khách trong, ngoài nước đến thưởng ngoạn phiên chợ độc đáo này.

Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, góp phần xây dựng và phát triển những chuẩn mực đạo đức xã hội, mang đậm tính nhân văn cao đẹp của dân tộc. Đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng của nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc, tạo điểm nhấn để quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Mèo Vạc và chợ tình Khâu Vai nói riêng, vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung.

  Khách du lịch đến Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

Liên quan đến vụ việc du khách Trung Quốc tại Nha Trang mặc áo in hình bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò khi nhập cảnh vào Việt Nam, ngày 15/5, trao đổi với báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định du khách khi đến Việt Nam phải tuân thủ mọi quy định pháp luật của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết sau khi xảy ra sự việc, Tổng cục Du lịch đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa. Trong tuần tới, Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu Bộ VHTT&DL có văn bản gửi chung cho các địa phương để chỉ đạo và quản lý về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hoan nghênh tất cả khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam. Tuy nhiên, du khách khi đến Việt Nam phải tuân thủ mọi quy định pháp luật của Việt Nam. Các địa phương đón khách quốc tế phải tuyên truyền cho khách du lịch, các công ty du lịch chấp hành tốt các quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương phải chỉ đạo công ty lữ hành quốc tế đưa khách vào Việt Nam, các công ty lữ hành Việt Nam đón khách quốc tế, trong đó có khách Trung Quốc, phải tuân thủ quy định này.

Rút kinh nghiệm từ câu chuyện của Khánh Hòa, các địa phương khác phải quan tâm, quản lý ngay từ khi khách vào cửa khẩu, không để những vụ việc tương tự tiếp tục tái diễn. Vụ việc nhóm du khách ở Khánh Hòa chỉ là hiện tượng của một đoàn nhưng sau này cần chủ động trong quản lý, không để bùng phát thành những câu chuyện khác. Quan trọng hơn cả là không để hiện tượng này ảnh hưởng đến việc hợp tác du lịch giữa hai quốc gia, quan hệ giữa hai nước, ông Tuấn cho biết.

Về trách nhiệm của công ty đưa khách Trung Quốc đến Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng đơn vị này chưa lường hết được mọi chuyện; cần được chấn chỉnh và rút kinh nghiệm. Từ câu chuyện này, các đơn vị du lịch cần rút kinh nghiệm để nâng cao ý thức, quản lý du khách thật tốt. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền hướng dẫn du khách tuân thủ những quy định pháp luật của Việt Nam.

Sở Du lịch Khánh Hòa đã xử lý mọi việc rất tốt, nhẹ nhàng, nhưng rõ ràng là cần chủ động để có những giải pháp ứng phó thật tốt.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết thêm trước đây đã có trường hợp khách mang bản đồ không có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài mang vào Việt Nam nhưng đều được phát hiện và thu lại, không để phát tán.

Còn “hình thức bản đồ có hình lưỡi bò in trên áo thì đây là lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh về giải pháp, các địa phương phải chủ động ngăn ngừa, không để tái diễn việc này. Sự việc tại Khánh Hòa vừa qua là sau khi khách nhập cảnh vào Việt Nam, cởi áo khoác ngoài thì các lực lượng chức năng mới phát hiện được…

Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng nêu rõ việc phát hiện những hành vi chưa đúng quy định pháp luật dù ở vị trí nào, địa phương nào, cũng cần chủ động giải quyết, tịch thu và tiêu hủy (hiện vật).

Những hình ảnh như bản đồ có hình lưỡi bò gây ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh, chủ quyền của Việt Nam nên mỗi hành vi xảy ra ở mức độ nào, lĩnh vực nào thì xử lý theo quy định cụ thể. Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng đã đề Bộ Ngoại giao, Bộ Công an… phối hợp cùng xử lý những vấn đề liên quan.

Đưa tin về vụ việc nói trên, theo VOV, tối 13/5,  có một chuyến bay xuất phát từ Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đến sân bay quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh, khi đứng ở khu vực bên ngoài, nhóm khách này đã cởi áo khoác, lộ ra bên trong áo phông in bản đồ có hình “đường lưỡi bò”. Tổng cộng có 14/40 người trong đoàn khách mặc loại áo này.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, cơ quan chức năng đã liên hệ công ty tổ chức tour du lịch, yêu cầu khách không được mặc loại áo có in hình “đường lưỡi bò”.

Đây là đoàn khách du lịch do Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Aladin Việt Nam, có trụ sở ở thành phố Nha Trang tiếp nhận.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo việc du khách Trung Quốc mặc áo có in hình “lưỡi bò” tại sân bay quốc tế Cam Ranh.

  Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp nông thôn

Sáng 18.5, tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp nông thôn”.

Tham dự hội thảo có hơn 150 đại diện Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VHTTDL, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành…

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo.

Nhiều năm trở lại đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp là điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách. Tại TPHCM, nhu cầu khách du lịch tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20% – 30%.

Tại Quảng Nam, năm 2017 du lịch nông nghiệp đón khoảng 300 nghìn lượt khách (trong tổng số gần 6 triệu lượt khách tham quan du lịch), chiếm gần 5% tổng lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh. Một số tour đã trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Nam như “Một ngày làm nông dân ở làng rau Trả Quế”; “Du lịch làng rau An Mỹ”, du lịch rừng dừa nước Cẩm Thanh…

Theo ông Lương Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay: “Việt Nam với nền du lịch bản địa lâu đời, với truyền thống văn hóa độc đáo… có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái như cho du khách nước ngoài trực tiếp tham gia trồng lúa, quay tơ dệt lụa, thưởng thức các bài hát, điệu nhạc của người nông dân, được sống trong môi trường nông thôn Việt Nam. Tôi tin rằng trong vài năm tới, Việt Nam sẽ bùng nổ du lịch sinh thái, mang lại giá trị gia tăng cho nông dân bên cạnh những giá trị từ trồng trọt, chăn nuôi…”

Ngoài nêu lên những mặt tích cực của du lịch sinh thái nông nghiệp, hội thảo còn chỉ ra nhiều sản phẩm du lịch hiện nay chưa đạt yêu cầu như: nhiều khu du lịch sinh thái còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản; Cơ sở hạ tấng, cơ sở vật chất chưa đáp ừng được hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao…

Ông Ngô Hoài Trung, Phó Tổng cục Du lịch, khẳng định: Thời gian qua ngành du lịch khai thác những lợi thế về nông nghiệp để tạo các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp mang giá trị gia tăng cao chưa được nhều. Để khắc phục và phát huy tốt các tiềm năng sinh thái nông nghiệp, ngành du lịch và ngành nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn. Đồng thời cần có những người biết dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp mang tính đặc thù và hấp dẫn, khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, góp phần đưa du lịch sinh thái nông nghiệp phát triển đột phá, hiệu quả.

  Hơn 38.600 du khách tham quan Khu di tích Kim Liên

Trong vòng 3 ngày từ 17-19/5, hơn 38.600 du khách đã tham quan Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nhân dịp kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018).

Theo thống kê, từ ngày 17-19/5, mỗi ngày trung bình có khoảng hơn 12.000 lượt khách đến thăm Khu di tích Kim Liên.

Khu di tích đón 880 đoàn, trong đó có hơn 221 người là khách nước ngoài. So với thời điểm này năm 2017, lượng du khách đến thăm Khu di tích là 787 đoàn với 20.171 lượt người, trong đó khách nước ngoài là 212 người. Như vậy, năm nay, lượng du khách đến với Khu di tích tăng hơn 18.000 lượt người.

Theo ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên, du khách đến thăm Khu di tích Kim Liên tăng hơn nhiều so với thời điểm này năm 2017 do ngày sinh nhật Bác 19/5 trùng vào ngày nghỉ cuối tuần nên người dân có thời gian đi tham quan. Đồng thời Khu di tích phối hợp với các sở, ban, ngành làm tốt công tác truyền thông và công tác chuẩn bị về mọi mặt như tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; an toàn thực phẩm, đào tạo nguồn nhân lực… Thêm nữa Lễ hội làng Sen được tổ chức tại Khu di tích Kim Liên từ ngày 16-19/5 với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Liên hoan tiếng hát làng Sen, thi người đẹp làng Sen, hội trại thanh niên… đã thu hút rất đông khách đến tham quan và vui chơi lễ hội.

Từ ngày 10 – 20/5, Ban quản lý Khu di tích đã phải điều động 100% quân số làm việc; làm thông tầm vào các ngày cao điểm, mở cửa thêm một giờ cuối buổi chiều để phục vụ du khách…

Theo dự tính năm 2018, Khu di tích Kim Liên sẽ đón hơn 1,8 triệu du khách.

  Tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam bảo đảm hiệu quả, thiết thực

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý phương án đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án và quy định cụ thể việc tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam; chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt trên 5,5 triệu lượt người, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước.

So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến nước ta tăng 25,2%, do trong tháng 4 có nhiều hoạt động nhằm thu hút khách quốc tế như: Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam tại Hà Nội; Ngày hội du lịch TPHCM; Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội; Lễ hội Ẩm thực và văn hóa châu Á 2018 tại Hà Nội và Quảng Ninh. Trong tháng 4/2018, khách đến từ châu Á tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước; từ châu Âu tăng 5,3%; từ châu Mỹ tăng 20,4%; từ châu Úc tăng 10,2%; từ châu Phi tăng 14%.

  Quảng bá du lịch miền trung tại Thái Lan

Ngày 23/5, ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình phối hợp tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Nghệ An-Hà Tĩnh-Quảng Bình tại tỉnh Udon Thani, thủ phủ vùng Đông Bắc Thái Lan.

Đây là hoạt động quan trọng nhằm tăng cường công tác quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và những giá trị văn hóa truyền thống của các tỉnh Bắc Trung Bộ đến với nhân dân và du khách tại thị trường Thái Lan.

Tham dự chương trình có khoảng 70 doanh nghiệp, công ty lữ hành, khách sạn của hai nước cùng đông đảo bà con Việt kiều và bạn bè Thái Lan.

Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện các Sở Du lịch đã giới thiệu với các đối tác Thái Lan những tiềm năng, thế mạnh của du lịch miền Trung, đặc biệt là ba tỉnh nói trên.

Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình là các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam với các địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử nổi tiếng cho đến các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá hang động đặc sắc.

Các di sản thế giới được UNESCO công nhận như: Di sản thiên nhiên Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình, Di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng khiến 3 tỉnh này trở thành những điểm đến yêu thích của du khách quốc tế và khu vực, trong đó có Thái Lan. Bên cạnh đó, việc Việt Nam và Thái Lan có kết nối cả bằng đường bộ (qua Lào, Campuchia), đường không và đường biển, đều rất thuận lợi cho hợp tác phát triển du lịch.

Đại diện các cơ quan quản lý du lịch các tỉnh Đông Bắc Thái Lan cho biết: Với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng và các hoạt động quảng bá rộng rãi, các tỉnh miền trung Việt Nam ngày càng trở thành lựa chọn yêu thích của khách du lịch Thái Lan. Ngược lại, vùng Đông Bắc Thái Lan cũng đón hàng chục nghìn lượt du khách Việt Nam mỗi năm, nhất là khi tại đây hoàn thành các khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các tỉnh Nakhon Phanom và Udon Thani.

Tại chương trình, các doanh nghiệp, công ty lữ hành hai nước đã kết nối, trao đổi, giới thiệu các sản phẩm du lịch, tìm biện pháp đẩy mạnh việc tổ chức, khai thác, phát triển tour, tuyến và tăng cường hợp tác trao đổi khách trong thời gian tới.

Trước đó, vào tối 21/5, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình cũng đã phối hợp tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình tại Lào.

  Kết nối du lịch Gia Lai và TP.HCM

Ngày 28/5, tại TP. Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai năm 2018.

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 15 năm triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay đã có 26 nhà đầu tư của TP.Hồ Chí Minh đầu tư vào tỉnh Gia Lai với 27 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng  hơn 6.300 tỷ đồng trên các lĩnh vực: nông-lâm nghiệp, thủy điện, khu dân cư, thương mại… Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị của TP.Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tỉnh Gia Lai về nghiệp vụ y tế, khoa học-công nghệ, thể dục-thể thao, thương mại-du lịch, đào tạo cán bộ, xây dựng các mô hình xóa đói giảm nghèo,…

Trong khi đó, các doanh nghiệp từ Gia Lai đã đầu tư 22 dự án vào TP.Hồ Chí Minh với tổng vốn trên 29.500 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực: cao ốc, văn phòng và căn hộ; hiện nay các dự án đang tiếp tục triển khai có hiệu quả.

Nhận định của giới chuyên môn khi nói về việc phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai tại Hội nghị, cho rằng, Gia Lai có rừng nguyên sinh với hệ thống động thực vật phong phú, nhiều ghềnh thác, suối, hồ. Ngoài ra, Gia Lai còn có nền văn hóa lâu đời của đồng bào vùng cao, chủ yếu đồng bào Ja Rai, Ba Na thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, lễ hội truyền thống, thông qua y phục, nhạc cụ… rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch.

Loại hình du lịch tâm linh cũng là điểm nhấn phong phú với với tâm lý du khách. Trong khi đó, Gia Lai có thế mạnh sở hữu nhiều cồng chiêng nhất Tây Nguyên, nhiều bà con đồng bào còn lưu giữ, phát triển văn hóa cồng chiêng như là sứ mệnh văn hóa cộng đồng.

Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng cũng sẽ là loại hình du lịch khẳng định thường hiệu du lịch Gia Lai nếu có sự đầu tư chiều sâu, tập trung khai thác thế mạnh sản phẩm home-stay, đưa du khách thâm nhập vào cuộc sống đời thường của người dân địa phương.

Các đại biểu cũng cho rằng, Gia Lai cần chú trọng xây dựng thêm các sản phẩm vui chơi giải trí về đêm nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Việc hoạch định, xây dựng chiến lược thương hiệu du lịch điểm đến Gia Lai cần triển khai một cách chuyên nghiệp, đặt trong bối cảnh phát triển không chỉ của khu vực Tây Nguyên mà trên không gian phát triển tối thiểu đến năm 2030 của du lịch Việt Nam.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư giữa TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai năm 2018 là Hội nghị rất quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, các dự án trọng điểm, các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của tỉnh Gia Lai và TP.Hồ Chí Minh đến các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp để tìm hiểu, tiếp cận tiến tới xúc tiến đầu tư.

Đây còn là dịp để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước của 2 địa phương gặp gỡ, trao đổi về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, tìm giải pháp phù hợp thu hút đầu tư góp phần phát triển kinh tế – xã hội của hai địa phương.

  Du lịch thông minh tại Quảng Nam

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam về giải pháp tổng thể về du lịch thông minh, thu thập thông tin, các yêu cầu và đề xuất giải pháp về du lịch thông minh cho tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2025.

Theo VNPT giải pháp, lộ trình triển khai du lịch thông minh ở tỉnh Quảng Nam gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 2018 – 2019: Xây dựng cổng thông tin du lịch, ứng dụng trên thiết bị di động android, lOS, wifi công cộng, tích hợp quản lý cơ sở lưu trú trực tuyến, quản lý báo cáo và thu thập số liệu động, quản lý cơ sở dữ liệu văn hóa du lịch.

Giai đoạn 2020-2021: Đánh giá, mở rộng các hệ thống, bảo tàng điện tử, hệ thống thu thập, phản hồi, xây dựng các sản phẩm khác theo yêu cầu.

Giai đoạn 2022-2025: Làm thẻ thông minh, thanh toán không tiền mặt, booth du lịch tại một số điểm du lịch chính, phân tích dữ liệu du lịch hỗ trợ dự báo, ra quyết định, xây dựng các sản phẩm khác theo nhu cầu.

Ngoài ra, VNPT đề ra 6 bước triển khai: Tổ chức, thu thập thông tin, cập nhật dữ liệu, chạy thử và hiệu chỉnh, triển khai chính thức, hoàn thiện và mở rộng.

Du lịch thông minh là một thành phần trong đô thị thông minh, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch, tạo lợi ích tương hỗ giữa 3 đối tượng: Du khách, chính quyền, doanh nghiệp; xây dựng ngành du lịch chất lượng cao phục vụ du khách, thúc đẩy, đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững.

Hệ sinh thái và sản phẩm của du lịch thông minh gồm: Cổng thông tin du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, quản lý lưu trú, ứng dụng trên di động, quản lý giao thông, cứu hộ cứu nạn, thông tin thời tiết, thông tin dân cư, hệ thống phân tích số liệu và dự báo du lịch thông minh…

Mới đây, tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị phát triển du lịch 2018 với một trong những nội dung được quan tâm là thúc đẩy hạ tầng để tăng tốc ngành công nghiệp không khói.

Với hàng loạt danh thắng mang tầm cỡ thế giới như Đô thị cổ Hội An, Di tích thánh địa Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lào Chàm… và vị trí kề cận trung tâm kinh tế, hành chính là Đà Nẵng, Quảng Nam được xem là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch bậc nhất khu vực miền Trung.

Theo thống kê báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, năm 2017 tổng lượt khách tham quan lưu trú tại Quảng Nam ước đạt 5,35 triệu lượt khách, gấp 2,54 lần so với năm 2007 – 2017. Tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách tham quan lưu trú giai đoạn 2007-2017 ước đạt 9,8%/năm (khách quốc tế tăng bình quân 10,7%/năm, khách nội địa tăng bình quân 8,92%/năm). Số ngày lưu trú bình quân của khách năm 2007 là 2,17 ngày/khách, đến năm 2017 là 2,5 ngày/khách.

Phát triển du lịch là một trong các khâu đột phá của tỉnh. Từ năm 2018 trở đi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam quyết tâm thúc đẩy du lịch phát triển lên một tầm cao mới.

  Tổng Cục Du lịch vận hành giao diện mới cơ sở dữ liệu trực tuyến hướng dẫn viên du lịch

Được biết, từ năm 2008, Tổng cục Du lịch đã triển khai ứng dụng đồng bộ trên toàn quốc hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến hướng dẫn viên du lịch (www.huongdanvien.vn). Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng và trực tiếp quản lý người lao động – hướng dẫn viên du lịch đầu tiên ở Việt Nam với sự tham gia, kết nối và chia sẻ dữ liệu của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch trên toàn quốc.

Đến nay, sau 10 năm ứng dụng, hệ thống này đã và đang quản lý hơn 21.000 hồ sơ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa đang hoạt động trên toàn quốc, hơn 60 hồ sơ của các cơ sở đào tạo tham gia đào tạo ngắn hạn, kiểm tra, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và ngoại ngữ du lịch cùng hơn 15.000 hồ sơ học viên đã hoàn thành các khóa học, đã đạt trong các kỳ kiểm tra nghiệp vụ và ngoại ngữ do các cơ sở đào tạo này tổ chức.

Tuy nhiên với việc Luật Du lịch 2017 có hiệu lực 01/1/2018 với nhiều thay đổi liên quan đến hoạt động hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở đào tạo và khách du lịch, Tổng cục Du lịch đã “nâng cấp, xây dựng bổ sung cơ sở dữ liệu trực tuyến hướng dẫn viên du lịch” đáp ứng yêu cầu thực tế. Nổi bật là hệ thống cơ sở dữ liệu mã QR gắn với từng hướng dẫn viên được cấp thẻ, bổ sung tính năng bảo mật thông tin của hướng dẫn viên thông qua ứng dụng công nghệ mã QR, bổ sung tính năng điều chỉnh giao diện phù hợp với phương tiện sử dụng (điện thoại thông minh), bổ sung tính năng kết nối, tích hợp thông tin với các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch để kiểm tra điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên…

Qua đó, việc nâng cấp và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu hướng dẫn viên du lịch Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu Ngành du lịch./.

  Tổng cục Du lịch tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam tại Vienna, Áo

Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại châu Âu, ngày 22/6/2018, Tổng cục Du lịch tiếp tục chủ trì tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam (Roadshow) tại thủ đô Vienna của Áo.

Đây là lần đầu tiên du lịch Việt Nam hiện diện chính thức ở Áo, với Chương trình roadshow tổ chức tại Cung điện Niederösterreich rất nổi tiếng của thủ đô Vienna. Cung điện Niederösterreich được xây dựng vào cuối thế kỷ 15, từng là Tòa Hạ viện của Áo cho đến năm 1848. Sau đó, nơi đây trở thành một trong những công trình văn hóa, lịch sử và là nhà hát của những chương trình biểu diễn lớn tại Vienna. Với ý nghĩa lịch sử và văn hóa lâu đời của Cung điện, việc Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam được tổ chức tại đây cũng tạo nên một dấu ấn đặc biệt cho Du lịch Việt Nam.

Phát biểu chào mừng tại Chương trình, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ, đất nước Việt Nam sau những tháng ngày khó khăn dành độc lập đang vươn lên đầy sức sống, con người năng động, hiếu khách. Việt Nam không chỉ đứng hàng đầu thế giới về nhiều mặt hàng xuất khẩu mà du lịch Việt Nam còn tăng trưởng rất mạnh mẽ, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Đất nước, con người, văn hóa, tự nhiên của Việt Nam với bờ biển trải dài đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch từ châu Âu. Cũng như Thụy Sỹ, dân số Áo chỉ khoảng gần 9 triệu người nhưng thu nhập bình quân đầu người thuộc tốp cao trên thế giới, khoảng 50 nghìn USD/năm, Áo cũng là một thị trường khách có nhiều tiềm năng phát triển. Năm 2017, số lượng khách du lịch Áo đến Việt Nam đạt hơn 18 nghìn lượt, tăng 8,5% so với năm 2016.

Trong Chương trình lần này, đoàn nghệ sỹ của nhà hát múa rối Trung ương cũng đã mang đến cho các khách tham dự những tiết mục hết sức độc đáo. Những con rối qua ngón tay điều khiển điêu luyện của các nghệ sỹ đã thể hiện xuất sắc từ những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam như “Tây Nguyên”, “Ngày mùa” đến “Flamenco”, những bước nhảy rộn ràng trên nền nhạc nổi tiếng của châu Âu. Chương trình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam tổ chức tại một cung điện sang trọng của “Thủ đô âm nhạc thế giới” thật sự tạo ấn tượng cho các doanh nghiệp du lịch, các đại biểu và đối tác Áo về văn hóa, đất nước, con người và du lịch Việt Nam.

Tiếp theo sự kiện tại Áo, Chương trình roadshow Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục được tổ chức tại Budapest và Praha.

  Phát triển du lịch dựa vào tự nhiên

Xây dựng các chính sách, quy hoạch để quản lý và phát triển du lịch sinh thái bền vững; kinh nghiệm và mô hình hiệu quả của các quốc gia, các tổ chức trong việc phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và đa dạng sinh học; các giải pháp lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững đối với phát triển kinh tế-xã hội,… là các nội dung được thảo luận tại sự kiện bên lề quan trọng của GEF.

Trong chuỗi sự kiện bên lề tại tuần lễ Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 tại Đà Nẵng, Bộ TN&MT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức hội nghị về “Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững”.

Những trao đổi tại hội nghị nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và du lịch ở Việt Nam; chia sẻ những kinh nghiệm của thế giới về cách quản lý bền vững các khu vực được bảo tồn và phát triển hoạt động du lịch đảm bảo việc sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên mang lại hiệu quả kinh tế và đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học.

Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học lớn nhất thế giới: Có khoảng 10% số loài, trong khi diện tích đất chỉ chiếm chưa tới 1% trên thế giới. Nhu cầu quản lý một cách bền vững các khu vực được ưu tiên bảo tồn và tăng cường tài chính để bảo tồn đa dạng sinh học là rất cần thiết cho tương lai của nền kinh tế. Đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng để phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch.

Phân tích về mối quan hệ giữa du lịch và đa dạng sinh học, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, đa dạng sinh học có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người, không chỉ ở phạm vi của quốc gia, mà còn ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Các hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sự phong phú và đa dạng của rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển, các vùng đất ngập nước, các loài… đang mang lại các dịch vụ về văn hóa, điều tiết, cung cấp và hỗ trợ. Các giá trị dịch vụ hệ sinh thái này là nền tảng cho du lịch bền vững.

Ngược lại, các hoạt động du lịch bền vững góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, giúp bảo vệ môi trường sống của con người, đảm bảo sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động, thực vật.

Đồng thời, du lịch bền vững giúp phát triển kinh tế, cung cấp những lợi ích kinh tế-xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, cung cấp công ăn việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo. Phát triển du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cụ thể, Việt Nam là thành viên của nhiều công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như Công ước đa dạng sinh học (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR ), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES)…

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật trong nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng ngày càng hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và triển khai các luật rất quan trọng để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Du lịch, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,… cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều khu bảo tồn của Việt Nam có tầm quan trọng toàn cầu và khu vực được công nhận, bao gồm: 8 khu Ramsar, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu di sản thiên nhiên thế giới, 1 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 5 khu vườn di sản ASEAN. Hiện nay tại Việt Nam, có hơn 180 khu bảo tồn thiên nhiên và 63 vùng chim quan trọng (IBA). Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Việt Nam thu hút trên 30% lượng khách du lịch hằng năm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận về việc xây dựng các chính sách, quy hoạch để quản lý và phát triển du lịch sinh thái bền vững; kinh nghiệm và mô hình hiệu quả của các quốc gia, các tổ chức trong việc phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và đa dạng sinh học; các giải pháp lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững đối với phát triển kinh tế-xã hội; huy động sự tham gia cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên tại Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, thông qua hội nghị, Việt Nam muốn giới thiệu các giá trị đa dạng sinh học của mình, cũng như khẳng định du lịch bền vững có thể góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng độc đáo của Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các đối tác để thực hiện giải pháp hài hoà giữa bảo tồn và phát triển bền vững bao gồm phát triển du lịch bền vững.

Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật, xây dựng năng lực để bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên chú trọng đến các ưu tiên bảo tồn, vai trò của cộng đồng bản địa, góp phần phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và thực hiện các mô hình phát triển du lịch sinh thái, các mô hình hợp tác công-tư để thực hiện hài hòa mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch.

Đặc biệt, cần huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học để thực hiện thành công các cam kết quốc tế và mục tiêu quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học.

  Sáu tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế

Tổng cục Thống kê cho biết, khách quốc tế đến nước ta 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 7.891,5 nghìn lượt người, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nửa đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 6.369,6 nghìn lượt người, tăng 22,2%; đến bằng đường bộ đạt 1.348,2 nghìn lượt người, tăng 63,7%; đến bằng đường biển đạt 173,7 nghìn lượt người, tăng 1,7%.

Trong đó, khách quốc tế đến nước ta chủ yếu là từ châu Á với 6.067,2 nghìn lượt người, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt 2.568,8 nghìn lượt người, tăng 36,1%; Hàn Quốc 1.713,6 nghìn lượt người, tăng 60,7%).

Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1.087,5 nghìn lượt người, tăng 11%; khách đến từ châu Mỹ đạt 493 nghìn lượt người, tăng 13,5%; khách đến từ châu Úc đạt 223,1 nghìn lượt người, tăng 10%; khách đến từ châu Phi đạt 20,8 nghìn lượt người, tăng 22,2%.

Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm đạt 2.262,4 triệu lượt khách, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước và 100,2 tỷ lượt khách.km, tăng 10,6%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 260,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng mức và tăng 9,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 19,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 19,5%.

  Đà Nẵng tìm cách phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp

Ngày 29/6, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Bàn về sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp tại Đà Nẵng”.

Theo Sở NN&PTNT Đà Nẵng, tại Thành phố đến nay đã hình thành 6 cánh đồng lúa hữu cơ với diện tích gần 150 ha và đến năm 2020 sẽ đạt 500 ha. Vì vậy, việc tạo ra sản phẩm hữu cơ với sự phát triển đồng bộ, hiệu quả sẽ tạo ra được những điểm tham quan du lịch.

Đại diện Phòng Quy hoạch phát triển thương mại du lịch (Sở Du lịch Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua, Sở Du lịch Thành phố cùng với UBND huyện Hòa Vang và một số đơn vị lữ hành đã tổ chức khảo sát để tiến tới hình thành một số dịch vụ du lịch sinh thái làng quê, cộng đồng tại huyện này. Bước đầu, một số đơn vị đã đưa khách đến du lịch trải nghiệm ở làng Phong Nam (xã Hòa Châu), thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn).

Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp còn manh mún, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để thúc đẩy kinh tế phát triển. Vì vậy, Sở Du lịch đang phối hợp UBND huyện Hòa Vang, Sở NN&PTNT, Hội Lữ hành… tổ chức rà soát lại các tiềm năng, lợi thế để hình thành một số sản phẩm dịch vụ. Từ đó sẽ hình thành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư du lịch làng quê, làng nghề kết hợp đầu tư du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Là một trong hai xã của Đà Nẵng có đồng bào Cơ Tu sinh sống, xã Hoà Bắc đang xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn văn hoá người Cơ Tu thông qua các tour tham quan làng bản, thưởng thức ẩm thực truyền thống, xem múa cồng chiêng..

Hiện xã Hòa Bắc đã tổ chức cho bà con đi học nghề dệt, ẩm thực, văn nghệ để có thể làm du lịch chuyên nghiệp hơn. Xã cũng đang tích cực đầu tư cơ sở vật chất, nơi lưu trú để khách có thể trải nghiệm cuộc sống của đồng bào.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng việc xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, tính gắn kết chưa cao, nên rất sự kết nối của các cơ quan chức năng cũng như sự hỗ trợ đầu tư cần thiết và sự góp của các đơn vị lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ.

Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết cần phải xây dựng một kế hoạch rõ ràng, xác định cho được vùng nào có thể phát triển du lịch sinh thái, đồng thời tập trung tuyên truyền quảng bá có hiệu quả. Việc xây dựng thương hiệu du lịch phải gắn với chất lượng dịch vụ để tọa được sản phẩm du lịch an toàn. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các bên liên quan, các đơn vị lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ và cộng đồng để chung tay đưa sản phẩm vào thực tiễn.

Những đề xuất của địa phương sẽ được Bộ NN&PTNT tổng hợp rồi đưa ra định hướng và chính sách phát triển sinh thái nông nghiệp.

  Du lịch Việt Nam tham dự Diễn đàn Du lịch Mê Công (MTF) 2018: “Thay đổi cách tiếp cận về du lịch, Thay đổi cuộc sống”

Ngày 27-29/6/2018, tại Nakhon Phanom, Thái Lan đã diễn ra Diễn đàn Du lịch Mê Công (MTF) 2018. Đây là sự kiện du lịch thường niên lớn nhất trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), với sự tham gia của Cơ quan du lịch quốc gia các nước trong khu vực, gồm Cam-pu-chia, Trung Quốc, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam, các đối tác, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà nghiên cứu, phóng viên về du lịch trong khu vực trên toàn thế giới. Đoàn Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương dẫn đầu tham dự.

MTF 2018 có chủ đề Thay đổi cách tiếp cận về du lịch, Thay đổi cuộc sống (Transforming Travel, Transforming Lives), hướng đến phát triển du lịch bền vững và bao trùm. MTF 2018 thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như tình hình và định hướng thúc đẩy hợp tác du lịch trong GMS, triển khai Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực GMS, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thông qua chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo du lịch khu vực Mê Công (MIST) do Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ, hội thảo về phim và quảng bá các điểm đến du lịch và cuộc thi clip ngắn về các nước trong khu vực GMS do các cá nhân dự thi thông qua chiến dịch quảng bá số Khoảnh khắc Mê Công/Mekong Moments.

Đặc biệt, phiên toàn thể tại MTF thảo luận các xu hướng lớn của du lịch thế giới, nhấn mạnh yêu cầu tiếp cận về phát triển du lịch theo hướng bền vững, có trách nhiệm, đề cao chất lượng tăng trưởng, hạn chế chất thải ra môi trường, nhất là chất thải nhựa, tạo việc làm bền vững cho người lao động tham gia vào chuỗi phát triển du lịch. Tại phiên toàn thể, các diễn giả và đại biểu cũng thảo luận về vai trò và tác động của nền kinh tế chia sẻ, nhất là tác động của sàn giao dịch Airbnb.

Tham dự MTF 2018, đoàn Việt Nam đã cập nhật về tình hình phát triển du lịch Việt Nam và các chủ trương, chính sách lớn trong năm 2017 và 2018 gắn với khu vực GMS. Các đại biểu đánh giá cao sự phát triển của du lịch Việt Nam trong thời gian qua và quan tâm đến số lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu.

Đoàn Việt Nam cũng tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến xu hướng phát triển du lịch trong khu vực và trên thế giới. Dự kiến trong thời gian tới, Việt Nam cùng ADB và các đối tác sẽ tiếp tục trao đổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch. Tham dự MTF 2018, đoàn Việt Nam cũng tích cực học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan và các đại biểu để hướng tới tổ chức thành công phiên họp nhóm công tác du lịch GMS (12/2018) và nhất là Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) (01/2019).

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Giải thưởng Sáng tạo xanh” lần thứ hai

Nhằm khích lệ giới trẻ nghiên cứu, tìm kiếm các mô hình, ý tưởng về bảo vệ tài nguyên và môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh đoàn các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức “Giải thưởng Sáng tạo xanh” lần thứ hai trên phạm vi toàn quốc.

“Giải thưởng Sáng tạo xanh” nhằm mục đích: tạo một sân chơi bổ ích, giúp tăng khả năng tư duy, sáng tạo và hình thành nhân cách tốt cho giới trẻ; tiến tới trở thành hoạt động thường niên trong học đường; thông qua các mô hình, ý tưởng sáng tạo về bảo vệ tài nguyên và môi trường sẽ làm gia tăng mối quan tâm của giới trẻ về bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, qua đó từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng; tìm kiếm các mô hình hiệu quả để hoàn thiện ứng dụng vào cuộc sống; biên tập thành các tài liệu, ấn phẩm để giới thiệu và phổ biến trong cộng đồng.

Đối tượng tham gia là tất cả thanh thiếu niên trong độ tuổi 06 – 30 là người Việt Nam có thể tham gia với tư cách cá nhân hoặc theo nhóm (mỗi nhóm tối đa 03 người), được chia thành các nhóm: Nhóm 1: Học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở; Nhóm 2: Học sinh Trung học phổ thông; Nhóm 3: Sinh viên các trường Trung cấp, Cao Đẳng, Đại học và các đối tượng khác có độ tuổi từ 19 – 30 tuổi.

Các tác phẩm tham dự gồm: (1) ý tưởng về bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững; (2) mô hình kèm theo, tập trung vào các nội dung chính sau: Tiết kiệm năng lượng; Sản phẩm thân thiện với môi trường; Bảo tồn Đa dạng sinh học; Tái chế, xử lý rác thải, nước thải, khí thải; Giải pháp về mặt chính sách, giáo dục tài nguyên, môi trường; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo vệ tài nguyên và môi trường; Các công trình khởi nghiệp của Thanh niên gắn với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khi hậu.

Các tác phẩm dự thi phải có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng. Tác phẩm dự thi yêu cầu phải có mô hình và thực hiện theo đúng ý tưởng của người dự thi; khuyến khích các tác phẩm có giá thành rẻ, kỹ thuật không phức tạp, định hướng dễ dàng và có tính ứng dụng cao trong thực tế. Các mô hình dự thi được làm từ vật liệu, nguyên liệu có sẵn trong nước, khuyến khích sử dụng các phế liệu trong sinh hoạt gia đình, học tập, trường lớp, sản xuất để làm ra vật dụng, các mô hình hữu ích, dụng cụ đa năng, các thiết bị máy móc, rô bốt, thiết bị tự động hóa, mô hình thông minh, ý tưởng sáng tạo trong các lĩnh vực nêu trên.

Tác phẩm bắt buộc phải có một bản thuyết minh kèm theo, trong đó nêu rõ ý tưởng sáng tạo, cách sử dụng, vận hành, tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng, hiệu quả kinh tế. Tác phẩm phải là các ý tưởng, sáng kiến, mô hình chưa đạt giải thưởng tại bất kỳ Cuộc thi nào. Tác phẩm tham dự phải đảm bảo không vi phạm bản quyền tác giả (trường hợp tác phẩm được giải thưởng bị phát hiện vi phạm bản quyền tác giả thì Ban Tổ chức thu hồi lại giải thưởng).

Tác phẩm được ghi họ tên tác giả, nhóm tác giả; ngày, tháng, năm sinh của đại diện; địa chỉ, số điện thoại liên lạc, thư điện tử tại tác phẩm và cung cấp bản sao Giấy khai sinh của người dự thi. Ngoài mô hình bắt buộc, khuyến khích tác phẩm thể hiện bằng hình ảnh hoặc phim phóng sự, phim hoạt hình về tác phẩm. Hình ảnh và phim sẽ được Ban Tổ chức đăng tải cùng bài viết trên Fanpage và Cổng Thông tin điện tử Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường. Phim gửi kèm phải được tác giả đăng tải trên Youtube và gửi đường link về địa chỉ thư điện tử: giaithuongsangtaoxanh@gmail.com.

Giải thưởng gồm 3 vòng: Sơ khảo, Chung khảo và Chung kết. Hội đồng Sơ khảo chọn ra 30 tác phẩm dự thi xuất sắc vào vòng Chung khảo, trong đó 09 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng Chung kết (mỗi nhóm 03 tác phẩm). Tại vòng Chung kết, các tác giả sẽ trình bày tác phẩm trực tiếp với Hội đồng Chung khảo. Tại đây, Hội đồng Chung khảo sẽ xem xét, đánh giá đối với từng tác phẩm và cho điểm để trao giải Nhất, Nhì, 21 tác phẩm được công bố và trao giải Ba, giải Khuyến khích (mỗi nhóm gồm: 03 giải Ba và 04 giải Khuyến khích) tại Đêm Chung kết và trao giải.

Để “Giải thưởng Sáng tạo xanh” lần thứ 2 năm 2018 được tổ chức thành công, đem lại hiệu quả trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố triển khai phổ biến rộng rãi thể lệ “Gải thưởng Sáng tạo xanh” tới các trường học, các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đồng thời, tùy điều kiện cụ thể phối hợp với Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Giải thưởng Sáng tạo xanh” cấp tỉnh, thành phố và gửi các tác phẩm xuất sắc tham dự “Giải thưởng Sáng tạo xanh” cấp quốc gia trước ngày 31/8/2018.

 

Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 40 của Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN

Từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 5 năm 2018, tại Singapore đã diễn ra Khóa họp thường niên lần thứ 40 của Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN (ASCMG). Được sự ủy quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn công tác của Việt Nam do Ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Khí tượng Thủy văn làm trưởng Đoàn đã tham gia Khóa họp thường niên lần thứ 40 của ASCMG. Tham dự Khóa họp gồm có các nước thành viên Đông Nam Á: Bru-nei, Cam-pu-chia, Lào, Ma-lai-xia; Mi-an-ma, Phi-lip-pin, Xinh-ga-po, Thái Lan, In-đô-nê-xia; các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; các tổ chức quốc tế: Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Ban Thư ký ASEAN.

ASCMG là một trong 09 Tiểu ban chuyên ngành của Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (ASEAN COST). Tiểu ban sẽ tổ chức khóa họp tại các nước thành viên trong khối ASEAN để đánh giá các hoạt động, chương trình, dự án thực hiện trong năm và đề xuất/thảo luận các dự án cho giai đoạn tiếp theo.

Mục đích của ASCMG là nâng cao năng lực cho các cơ quan khí tượng và vật lý địa cầu; cải thiện công tác dự báo và hệ thống cảnh báo sớm nhằm giảm nhẹ rủi ro do thiên tai có nguồn gốc từ khí tượng và địa vật lý; thiết lập các trung tâm phù hợp hỗ trợ yêu cầu của các nước thành viên trong lĩnh vực khí tượng, khí hậu, địa chấn, núi lửa, khói mù xuyên biên giới và các vấn đề liên quan khác về môi trường góp phần bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân trong khu vực.

Uỷ ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (ASEAN COST) được thành lập với mục đích thúc đẩy các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa các nước thành viên trong khối ASEAN. Việt Nam tham gia ASEAN COST từ năm 1995, ngay từ khi Việt Nam tham gia vào ASEAN.

Khóa họp thường niên lần thứ 40 của ASCMG được tổ chức nhằm tổng kết những hoạt động của ASCMG năm 2017 và trao đổi về các hoạt động trong năm 2018.

Được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thể hiện cam kết và nghĩa vụ của nước thành viên, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của ASCMG. Tại Khóa họp, Việt Nam đã được các nước thành viên cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Các điểm chính trong khóa họp lần thứ 40 này nhằm khuyến khích các hoạt động hợp tác giữa ASEAN và các đối tác đối thoại khác như WMO, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc xem xét và xác định quy trình, các tiêu chí đánh giá các đề xuất hoạt động sử dụng các quỹ ASTIF và ASEAN-DP cũng được các quốc gia thành viên quan tâm và bàn luận. Quy trình chi tiết và các vấn đề liên quan sẽ được bàn đến tại khóa họp COST, dự kiến tổ chức tại Chieng Mai, Thái Lan trong tháng 5 năm 2018.

Năm 2017, Tổng cục KTTV đã phối hợp với ASCMG tổ chức thành công Diễn đàn Nhận định khí hậu mùa khu vực Đông Nam Á lần thứ 9. Với sự tham gia của 65 đại biểu đến từ các nước thành viên, các nước đối tác như Hoa Kỳ, Australia, Vương Quốc Anh, Trung tâm Khí hậu APEC, Diễn đàn đã đưa ra được những nhận định cho khí hậu khu vực về nhiệt độ, lượng mưa,…

Năm 2018, Tổng cục đã cử cán bộ đăng ký dự tuyển Chương trình học bổng Khoa học, Công nghệ ASEAN dành cho các quốc gia thành viên ASEAN năm 2018.

Tại Khóa họp Đoàn Việt Nam đã cùng các nước thành viên, các nước đối tác, tổ chức quốc tế tích cực tham gia thảo luận. Đoàn Việt Nam cũng đã có một số báo cáo về hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần, hiện trạng về mạng lưới rada thời tiết.

Đồng thời, đoàn Việt Nam đã trình bày về kết quả đã đạt được trong hoạt động mà Việt Nam được giao chủ trì thực hiện “Dự án trình diễn Dự báo thời tiết nguy hiểm”. Cụ thể, từ ngày 19 đến ngày 30 tháng 3 năm 2018, trong khuôn khổ thực hiện Dự án trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP),Tổng cục KTTV đã phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới tổ chức Hội thảo huấn luyện “Dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á và công tác phục vụ truyền phát bản tin dự báo”. Tham dự Hội thảo có 9 giảng viên quốc tế, 02 giảng viên Việt Nam và 25 học viên đến từ các nước Cam-pu-chia, Lào, Phi-lip-pin, Thái Lan, Việt Nam. Ngoài ra, còn có khách mời tới tham luận của Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân.

Cũng trong khuôn khổ “Dự án trình diễn Dự báo thời tiết nguy hiểm”, năm 2019, Tổng cục KTTV sẽ phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới, Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo đào tạo cho các nước khu vực Đông Nam Á tham gia dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) của WMO.

Để nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, trong thời gian tới, Tổng cục KTTV sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị trong nước, quốc tế để đưa ra các đề xuất hợp tác trong khu vực phục vụ công tác phòng tránh thiên tai cho Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.

 

Triển khai Chương trình nghiên cứu kinh tế về BĐKH tại Việt Nam

Ngày 8/5, tại Hà Nội, Bộ TNMT phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã cùng tuyên bố triển khai Chương trình GEMMES, một chương trình nghiên cứu kinh tế về biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên được thụ hưởng chương trình này.

Chương trình nghiên cứu ứng dụng GEMMES được sáng lập với mục đích góp phần tạo thuận lợi cho những đối thoại chính sách công xoay quanh các vấn đề kinh tế vĩ mô gắn với BĐKH và chuyển đổi năng lượng. Theo ông Oliveier Sigaud – Phó Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, GEMMES đã được triển khai thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như Brazil, Bờ Biển Ngà, Tunissia, Colombia. Tại Châu Á, Pháp lựa chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên thụ hưởng bởi những tác động nặng nề của BĐKH tại đây. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng các chiến lược thích ứng mang tầm quốc gia, hướng các giải pháp ứng phó và tăng cường khả năng phục hồi theo quỹ đạo chung.

GEMMES Việt Nam cũng là nội dung chính của Bản Thỏa thuận khung được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Tổng giám đốc AFD, trong khuôn khổ chuyến công du Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi cuối tháng 3 vừa qua. Đây là trọng tâm hợp tác Pháp – Việt trong thời gian tới nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao hai nước. Qua đó, Pháp mong muốn khẳng định sự quan tâm và hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược dài hạn ứng phó BĐKH, triển khai thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, đáp ứng các cam kết quốc tế.

Theo đó, GEMMES tại Việt Nam sẽ triển khai ba nhóm hoạt động chính. Nhóm nghiên cứu khoa học – trọng tâm của chương trình, sẽ cung cấp dự báo thiệt hại do khí hậu gây ra, khuyến nghị, tham vấn chính sách về phương án thích hợp. Nhóm cơ quan quản lý gồm Bộ Tài nguyên và môi trường, AFD và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, có nhiệm vụ liên kết, cung cấp những dự báo và khuyến nghị đến các bộ, ngành liên quan về vấn đề khí hậu tại Việt Nam. Nhóm tuyên truyền công chúng gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trung ương Đoàn, cộng đồng Pháp – Việt, có nhiệm vụ phổ biến tác động của BĐKH, chiến lược nhằm tăng khả năng chống chịu và phục hồi.

“GEMMES sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT cùng Ủy ban Quốc gia về BĐKH nhằm ứng dụng những phương pháp nghiên cứu mới nhất về các tác động kinh tế của BĐKH. Qua đó, đưa ra những đánh giá về khả năng thiệt hại cũng như các quỹ đạo thích ứng của Việt Nam. Các đánh giá này sau đó sẽ tối ưu hóa các khoản đầu tư cho thích ứng ở cấp tỉnh và xác định vị thế quốc tế của Việt Nam trong đàm phán BĐKH”, ông Fabrice Richy, Giám đốc AFD cho biết.

  Chiến dịch bảo vệ môi trường để hoạt động du lịch xanh, sạch hơn

Nhiều hoạt động hưởng ứng, chung tay xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững sẽ diễn ra tại 5 tỉnh, thành phố ven biển miền Trung.

Hưởng ứng ngày Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5 và Ngày Môi trường thế giới 5/6, Bộ VHTT&DL phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tổ chức chiến dịch Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch với quy mô đồng loạt tại 5 tỉnh/thành phố ven biển miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng) từ ngày 18-26/5.

Mục tiêu của chiến dịch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước và của ngành về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ môi trường nói chung, môi trường du lịch nói riêng để phát triển du lịch bền vững; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân, đặc biệt là du khách tại các khu, điểm du lịch trong việc gìn giữ và xây dựng môi trường du lịch ngày càng văn minh, thân thiện, sạch đẹp.

Lễ phát động sẽ diễn ra vào 6h30 ngày 18/5 tại Quảng trường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Sau Lễ phát động, từ ngày 18-26/5, tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, TP. Đà Nẵng đồng loạt diễn ra các hoạt động hưởng ứng.

Trong khuôn khổ của chiến dịch diễn ra các hoạt động: Trao tặng 5 công trình thanh niên góp phần bảo vệ biển xanh, 10 suất học bổng cho con em ngư dân học giỏi vượt khó; 170 thùng rác với thông điệp “Thêm một thùng trác thêm sạch biển xanh”; hoạt động Giao lưu bóng đá giữa Hội Văn nghệ sĩ Hà Nội và Liên quân Đoàn Thanh niên và Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An; sự tham gia của các nghệ sĩ chung tay làm sạch biển xanh.

Chiến dịch ước tính sẽ thu hút trên 5.000 người thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau cùng tham gia.

Với mong muốn tạo nên dấu ấn và sức lan tỏa, sau chiến dịch “Biển Việt Nam xanh”, tại các địa phương sẽ diễn ra các hoạt động hưởng ứng, chung tay xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

  Lễ phát động bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch 2018

Ngày 18/5, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên đã phát động chiến dịch bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch. Hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên, các doanh nghiệp du lịch cùng đông đảo người dân của tỉnh Nghệ An cùng tham gia.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực để hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học 22/5/2018 và Ngày môi trường thế giới 5/6/2018 do Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tổ chức.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng và điều kiện để phát triển du lịch, đặc biệt là tài nguyên biển. Cả nước có 28/63 tỉnh với 123 huyện có bờ biển, với hơn 2.770 hòn đảo và các bãi tắm đẹp từ Bắc vào Nam với những đặc trưng khác nhau. Cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trải dọc bờ biển. Đây là những nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô giá thu hút khoảng 70% số lượng khách quốc tế đến với Việt Nam và 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch mỗi năm.

Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình phát triển du lịch biển, Việt Nam cũng đứng trước những thách thức khó khăn không nhỏ. Trước hết đến từ ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ quả của nó đã tác động trực tiếp đến việc đầu tư và phát triển du lịch biển trong những năm qua. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là tại các vùng nước ven bờ, các bãi tắm đã và đang tiếp tục gia tăng điều này không chỉ gây áp lực đến môi trường tự nhiên mà còn ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ VHTT&DL đã xác định phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn phát triển bền vững.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/02/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với du lịch Việt Nam là bảo vệ môi trường, khai thác bền vững tiềm năng và lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên.

Chiến dịch bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch “Biển Việt Nam xanh” năm 2018 với chủ đề: “Du lịch Xanh- phát triển bền vững” tại 5 tỉnh, thành phố ven biển miền Trung gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng từ ngày 18-26/5/2018. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng, doanh nghiệp, mỗi người dân và mỗi du khách.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên mong muốn hoạt động này sẽ được các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là các địa phương có bờ biển sẽ hưởng ứng bằng cách tổ chức các hoạt động thiết thực, làm sạch biển, đảo thân yêu của Tổ quốc, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho hay, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ môi trường nói chung, môi trường du lịch nói riêng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, du khách tại các khu, điểm du lịch trong việc gìn giữ và xây dựng môi trường du lịch ngày văn minh, thân thiện và sạch đẹp, góp phần phát triển du lịch bền vững.

 

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2018: Kỷ niệm 25 hành động vì đa dạng sinh học

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2018, với chủ đề “Kỷ niệm 25 hành động vì đa dạng sinh học” – “Celebrating 25 Years of Action for Biodiversity”, nhằm đánh dấu 25 năm công ước đa dạng sinh học ra đời và có hiệu lực.

Công ước Đa dạng sinh học được thông qua tại Hội Nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển bền vững năm 1992 tại Rio de Janero (Brazin) và chính thức có hiệu lực từ ngày 29 tháng 12 năm 1993. Đến nay trên phạm vi toàn cầu có 196 quốc gia là thành viên của Công ước. Ngày 22 tháng 5 hàng năm được lựa chọn là Ngày quốc tế về Đa dạng sinh học, để cả thế giới cùng hướng tới đa dạng sinh học với 03 mục tiêu chính của Công ước: i) bảo tồn đa dạng sinh học; ii) sử dụng bền vững các thành phần của đa dạng sinh học; iii) chia sẻ công bằng và hợp lý những lợi ích thu được từ việc sử dụng tài nguyên sinh học. Năm 2018 là năm đặc biệt, đánh dấu cột mốc ¼ thế kỷ thế giới đồng hành cùng Công ước đa dạng sinh học.

Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước Đa dạng sinh học ngày 17 tháng 10 năm 1994. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công cuộc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: xây dựng được hệ thống các cơ quan quản lý, khung chính sách và pháp luật về đa dạng sinh học; hệ thống các khu bảo tồn đã được thành lập; các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm được bảo vệ bằng pháp luật và thông qua các chương trình hành động; tiếp thu và đẩy mạnh thực hiện các vấn đề mới của bảo tồn đa dạng sinh học như an toàn sinh học, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích có được từ việc sử dụng nguồn gen….; nhận thức về tầm quan trọng và vai trò của đa dạng sinh học đối với cuộc sống và phát triển bền vững đất nước ngày càng được nâng cao.

Với sự phong phú và đa dạng về địa hình, kiểu đất, cảnh quan và khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhưng cũng đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của trái đất. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học cần một sự hợp tác đa bên, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội mới có thể thực hiện được mục tiêu đề ra của Công ước đa dạng sinh học cũng như mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học.

Để hưởng ứng các hoạt động Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức một số hoạt động chính:

Cuộc thi tranh biện với chủ đề: “Sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học” diễn ra vào 13h30 chiều ngày 22 tháng 05 năm 2018 tại Nhà văn hóa Học sinh, sinh viên, số 37 Trần Bình Trọng, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng TP.Hà Nội. Dự kiến có khoảng hơn 300 khách mời, từ các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, các bạn sinh viên đến từ các trường Đại học. Hội đồng giám khảo là những chuyên gia trong lĩnh vực đa dạng sinh học: Anh hùng đa dạng sinh học Đặng Huy Huỳnh, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng; ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cùng với đại diện lãnh đạo Tổng cục môi trường, Trưởng đại diện của UNDP. Cuộc thi cũng là cơ hội để khích lệ các sinh viên của các trường Đại học có thêm động lực học tập, nghiên cứu, sáng tạo, phát triển các ý tưởng, mô hình mới về đa dạng sinh học phục vụ cho phát triển bền vững.

Chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 25 năm hành động vì đa dạng sinh học sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 22 tháng 05 năm 2018 tại Nhà văn hóa học sinh, sinh viên, 37 Trần Bình Trọng, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà trưng, TP.Hà Nội. Đến dự buổi lễ có đại diện Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; Anh hùng đa dạng sinh học Đặng Huy Huỳnh; Giáo sư Nguyễn Lân Dũng; ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cùng với đại diện lãnh đạo Tổng cục môi trường, Trưởng đại diện của UNDP tại Việt Nam cùng hơn 300 khách mời. Chương trình là tổng hợp các tiết mục nghệ thuật, phóng sự, tọa đàm giúp khán giá có cái nhìn tổng quan về 25 năm bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Tham gia tọa đàm chúng ta được giao lưu, trao đổi với các vị khách mới đến từ Tổng cục Môi trường, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Trưởng đại diện UNDP, Anh hùng đa dạng sinh học Đặng Huy Huỳnh. Tọa đàm là dịp để nhà quản lý, nhà khoa học cùng thảo luận, phân tích, tìm ra cách thức bảo tồn, hướng tới phát triển bền vững đa dạng sinh học quốc gia.

 

Thông tin báo chí về Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu

Diễn ra từ ngày 27-28 tháng 6 năm 2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Furama ở Đà Nẵng, Việt Nam, Kỳ họp lần thứ 6 Đại Hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) sẽ tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách nhất trên toàn cầu hiện nay.

Đây là Kỳ họp được tổ chức bốn năm một lần với sự tham gia của các Bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác từ 183 quốc gia thành viên, cùng với Lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển khu vực, các tổ chức xã hội dân sự và Lãnh đạo doanh nghiệp để cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu.

Cách đây 01 tháng, gần 30 quốc gia đã cam kết dành 4,1 tỷ đô la Mỹ cho chu kỳ đầu tư bốn năm mới của quỹ GEF (gọi là GEF-7) bảo vệ tốt hơn nữa tương lai của hành tinh và sức khỏe con người.

Phần lớn các quốc gia đóng góp đã đẩy mạnh ủng hộ và hỗ trợ GEF. Điều này cho thấy sự cấp thiết của chương trình bảo vệ môi trường toàn cầu cũng như lòng tin đối với GEF trong việc giải quyết vấn đề này và đạt được nhiều kết quả thành công hơn nữa,” bà Naoko Ishii, Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch quỹ GEF cho biết.

Với tình hình sức khỏe môi trường toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng, GEF nhận được hỗ trợ rất lớn để thực hiện các nỗ lực về bảo vệ rừng, đất đai, nước, khí hậu và đại dương trên toàn thế giới, xây dựng các thành phố xanh, bảo vệ môi trường động vật hoang dã đang bị đe dọa, và khắc phục các mối đe dọa môi trường mới như ô nhiễm rác thải nhựa trên biển. Những chủ đề này sẽ là nội dung trong chương trình nghị sự của Hội nghị GEF.

Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng GEF với tất cả các phiên họp mở cửa để giới truyền thông tham dự (trừ trường hợp có thông báo khác) sẽ có các phát biểu của các đại biểu là Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ đương nhiệm và nguyên Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, các bài trình bày của chuyên gia và chuỗi hội nghị bàn tròn thảo luận về các chủ đề mới trong GEF-7.

Các phiên khai mạc toàn thể diễn ra vào ngày 27 tháng 6 sẽ đề cập đến thực trạng môi trường toàn cầu, tham vọng cần thiết để cải tổ các hệ thống hỗ trợ cách thức sinh hoạt, ăn uống, đi lại, sản xuất tiêu dùng của con người và vai trò của GEF-7 đối với sự thay đổi hệ thống cần thiết.

14 hội nghị bàn tròn cấp cao sẽ tập trung thảo luận sâu hơn về các chủ đề mới trong GEF-7 cũng như các vấn đề môi trường toàn cầu khác. Mỗi hội nghị bàn tròn sẽ có sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng và các Bộ trưởng nhằm thảo luận về thách thức, những công việc cần thực hiện, GEF cũng như các tổ chức khác có thể làm gì để giải quyết các vấn đề đó.

Trước khi Kỳ họp Đại hội đồng GEF-7 diễn ra, sẽ có các sự kiện quan trọng, bao gồm: Cuộc Họp của Hội đồng GEF lần thứ 54 trong các ngày từ ngày 24-26 tháng 6 và Cuộc Họp của Hội Đồng Quỹ Biến đổi Khí hậu Đặc biệt (SCCF)/Quỹ Ủy thác cho Các Nước Kém Phát triển (LCDF) lần thứ 24 và Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự. Chương trình tham quan các dự án GEF ở thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra vào ngày 29 tháng 6. Bên cạnh đó, các sự kiện bên lề và triển lãm cũng sẽ diễn ra trong suốt Tuần lễ Hội nghị.

 

Thông cáo báo chí về tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2018

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, biển luôn đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội, sâu đậm trong văn hóa, lối sống của các dân tộc Việt Nam. Là một quốc gia có nhiều tiềm năng về biển, với trên 3.260 km bờ biển, 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm trong tuân thủ luật pháp quốc tế, các cam kết, và hưởng ứng mạnh mẽ các sự kiện quốc tế về biển. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam đã quy định trong Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 ngày 25/6/2015 và hằng năm chúng ta đều tổ chức cùng với các hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới.

Biển và Đại dương đang và tiếp tục đóng vai trò quan trọng các hoạt động kinh tế – xã hội của thế giới; tuy nhiên cùng với đó sự gia tăng các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và đại dương đang kéo theo nguy cơ suy kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển. Hàng năm, hàng chục triệu tấn chất thải rắn đổ ra biển, các sự cố rò rỉ dầu, tràn dầu, hóa chất độc và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái biển, sức khỏe đại dương đang bị ảnh hưởng, đe dọa. Vì vậy, ngày Đại dương thế giới (8/6) năm nay có chủ đề: “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển” (Keep Oceans Blue) nhằm kêu gọi cộng đồng có trách nhiệm bảo vệ môi trường biển, khuyến khích các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và ngăn chặn rác thải nhựa trên biển.

Hưởng ứng kêu gọi của quốc tế, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01-8/06) và hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm nay, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc gắn với sức mạnh của thời đại để tập trung phát triển kinh tế biển, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; góp phần cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực bảo vệ, giữ gìn môi trường hòa bình, giữ mãi màu xanh của biển.

Quảng Ninh được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức sự kiện này ở cấp quốc gia. Dự kiến, lễ khai mạc cho chuỗi hoạt động này sẽ diễn tại Quảng trường Mặt Trời (phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vào 20 giờ ngày 31/5/2018 với các tiết mục: Văn nghệ “Chung tay giữ màu xanh của biển”; Tọa đàm “Thanh niên với phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam”; Phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc về biển đảo quê hương. Điểm nhấn của tuần sự kiện là Lễ phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2018 sẽ diễn ra sáng 01/6 tại khu Bến Do, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Đài truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng trực tiếp Lễ phát động và các hoạt động hưởng ứng ngay sau đó, như: thăm hỏi, tặng quà quần chúng nhân dân, lực lượng tham gia làm sạch biển; tổ chức lễ bàn giao công trình làm sạch biển, chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường biển, thu gom xử lý rác thải, chất thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo bền vững, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh,…

Cũng trong khuôn khổ tuần sự kiện (01-8/6), theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoạt động hưởng ứng sẽ đồng loạt diễn ra trên khắp cả nước. Tại các cơ quan, đơn vị sẽ treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới ở nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở làm việc…; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, chú trọng các hoạt động có tính lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức cộng đồng; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; lên án những hành vi khai thác, sử dụng bừa bãi, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiêm môi trường biển và hải đảo. Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải ven biển và trên các hải đảo, khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng như: trồng cây xanh chắn cát, chống xói lở và ngăn ngừa xâm nhập mặn, thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các địa phương đã sẵn sàng cho việc khai mạc sự kiện quan trọng này. Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm truyền thông tới cộng đồng để Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm nay đạt được hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.

 

Đề xuất sự kiện bên lề về rác thải đại dương trong khuôn khổ GEF 6

Trong khuôn khổ Hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 và các cuộc họp liên quan tổ chức tại Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tổ chức sự kiện bên lề về rác thải đại dương vào ngày 26/6/2018.

Sự kiện nhằm mục đích nêu bật những vấn đề liên quan đến rác thải đại dương trong khu vực (các nước xung quanh biển Đông, các biển Đông Á), các giải pháp mới về chính sách, cơ chế, công nghệ liên quan đến rác thải đại dương (nhựa) trong nền kinh tế tuần hoàn (giảm thiểu tại nguồn, tái chế, tái sử dụng,…), quản lý rác thải trên biển; Xác định những khó khăn chính hiện tại của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là quốc gia đang phát triển trong việc giảm thiểu nguồn rác thải đại dương, quản lý theo dõi, giám sát, xử lý rác thải đại dương.

Đồng thời, xác định một số yêu cầu về hợp tác trong khu vực và sự hỗ trợ nguồn lực, công nghệ cần thiết để theo dõi, giám sát, quản lý rác thải đại dương hiệu quả hơn; và sáng kiến xây dựng một dự án khu vực do GEF tài trợ nhằm hỗ trợ xây dựng và triển khai những chính sách, cơ chế liên quan.

Sự kiện cũng nhằm đóng góp vào nội dung trao đổi tại Phiên Tọa đàm bàn tròn cấp cao về Rác thải nhựa đại dương ngày 28/6/2018.

Tại sự kiện, các đại biểu sẽ trao đổi thông tin về tình hình rác thải đại dương, tác động và nguy cơ do rác thải đại dương gây ra trên thế giới, tập trung khu vực biển Đông, Đông Nam Á. Các đại biểu cũng sẽ bàn về các giải pháp cơ chế chính sách mới (về công nghiệp, tài chính) nhằm hạn chế lượng rác thải nhựa ra biển, hợp tác công tư (nhà nước – doanh nghiệp), ví dụ về Sáng kiến của Coca-Cola, thuế bao bì,… đặc biệt chú trọng gia tăng hiệu quả sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên trong nền kinh tế tuần hoàn.

Một nội dung chính khác của sự kiện là yêu cầu tăng cường hợp tác khu vực hiệu quả và nhu cầu hỗ trợ về nguồn lực, kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng lực ứng phó với rác thải nhựa đại dương.

Đồng thời, đề xuất chương trình, dự án, đề án cụ thể giữa các đối tác ở cấp khu vực hoặc quốc tế để điều phối, thực hiện kiểm soát và giảm thiểu rác thải đại dương phù hợp với ưu tiên, định hướng của GEF (có thể thí điểm với một số nước, trong đó có Việt Nam).

GEF6 và Dấu ấn Việt Nam

Trong 7 ngày (từ ngày 23/6 – 29/6), Hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (Hội nghị GEF6) sẽ diễn ra tại Đà Nẵng (Việt Nam). Việc Việt Nam đăng cai chủ trì Hội nghị GEF6 là sự kiện quốc tế quan trọng về môi trường, hi vọng tạo ra tiếng vang, tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên trường quốc tế.

* Thông điệp từ Việt Nam

Với vai trò là nước chủ trì, Hội nghị GEF6 thể hiện quyết tâm thể hiện vai trò chủ động, tích cực và vị thế của Việt Nam trong GEF toàn cầu, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, trong đó có việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị GEF6 còn truyền đạt thông điệp, quảng bá đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc của Việt Nam về môi trường mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Hội nghị GEF6 còn góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương và đa phương đồng thời tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, hóa chất, suy thoái đất, vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững. GEF6 cũng là cơ hội để giới thiệu các thành tựu đã đạt được của GEF Việt Nam cũng như đóng góp của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu; tạo dấu ấn về khả năng Việt Nam tổ chức một sự kiện lớn tầm quốc tế thông qua sự mến khách, chu đáo, chuyên nghiệp trên tất cả các mặt: nội dung, tuyên truyền, văn hóa, lễ tân, an ninh và an toàn; đồng thời, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam.

Hội nghị GEF6 có sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, với các chuỗi sự kiện bao gồm: Phiên họp Đại hội đồng GEF6; Phiên họp của Hội đồng GEF; hội nghị bàn tròn cấp cao (14 phiên); cuộc họp của các tổ chức dân sự xã hội; các cuộc họp kỹ thuật của các cơ quan thuộc GEF (08 cuộc họp); các sự kiện bên lề, các gian hàng triển làm (khoảng 50 sự kiện); tham quan thực địa các dự án do GEF tài trợ.

Thông qua các hoạt động này, Đại Hội đồng sẽ xem xét, phê chuẩn các định hướng giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay, xây dựng và tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược đầu tư, đồng thời phê duyệt, phân bổ nguồn lực cho các dự án môi trường giai đoạn 2018 – 2022.

Cũng tại Hội nghị này, với vai trò là nước chủ nhà, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký GEF đề xuất một số sáng kiến, hoạt động mang dấu ấn Việt Nam. Đó là, về mối quan hệ của lương thực, năng lượng và tài nguyên nước; về đô thị bền vững và có tính chống chịu; đề xuất các nội dung thảo luận mà Việt Nam và GEF cùng quan tâm, ưu tiên về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu…

Đồng thời, phát huy vai trò trong khu vực và cơ chế hợp tác đa phương, Việt Nam có thể thúc đẩy quan tâm chung của các nước thành viên đang phát triển về tăng trưởng xanh, quản lý bền vững nguồn nước và rừng, quản lý hóa chất và chất thải nguy hại, đẩy mạnh hợp tác công tư, sử dụng công cụ kinh tế trong giải quyết các vấn đề về bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt là tổ chức một số hoạt động như: Đối thoại giữa các nước thành viên GEF, các tổ chức thực hiện của GEF, Ban Tư vấn Khoa học Kỹ thuật của GEF về các lĩnh vực ưu tiên như biến đổi khí hậu, quản lý rừng bền vững, vùng nước quốc tế; Gặp gỡ, tiếp xúc song phương để làm sâu sắc hơn quan hệ với các thành viên GEF, trong đó chú trọng các đối tác chiến lược như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và các tổ chức thực hiện GEF quan trọng như WB, ADB, UNDP, UNEP; Tổ chức một số sự kiện bên lề về “Quản lý rác thải biển”, “Thúc đẩy tính chống chịu khí hậu và bền vững của các thành phố dễ bị tổn thương”; “Chia sẻ kinh nghiệm để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu”…; Trưng bày, triển lãm thành tựu của Việt Nam, các quốc gia thành viên khác và các cơ quan thực hiện GEF trong khuôn khổ thực hiện các dự án GEF…

* GEF Việt Nam đã huy động được hơn 450 triệu USD

Việt Nam là một trong những quốc gia gia nhập GEF từ những ngày đầu tiên (05/12/1994), đã và đang chủ động, tích cực triển khai các chính sách đổi mới của GEF như: xây dựng các dự án tổng hợp đa lĩnh vực, tham gia có hiệu quả các diễn đàn và các hoạt động đánh giá các dự án của GEF. Để điều phối các hoạt động hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối GEF của quốc gia.

Kể từ khi hoạt động, GEF Việt Nam đã vận động tài trợ được 457,18 triệu USD để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung. Trong đó có 56 dự án quốc gia với tổng kinh phí là 153,8 triệu USD và 47 dự án khu vực và toàn cầu với tổng tài trợ là 294 triệu USD; ngoài ra còn có 4 dự án từ Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF) cho 2 dự án quốc gia với tổng tài trợ là 8 triệu USD và 2 dự án khu vực/toàn cầu với tổng tài trợ là 917.431 USD.

Trong Chu kỳ 6 của GEF, Việt Nam được phân bổ hơn 26 triệu USD cho 3 lĩnh vực: biến đổi khí hậu hơn 11 triệu USD, suy thoái đất hơn 1,5 triệu USD và đa dạng sinh học hơn 13 triệu USD. Đến hết năm 2016, Văn phòng GEF Việt Nam đã đồng thuận 15 dự án với số kinh phí trong STAR là 24,6 triệu USD (đạt 95%), trong đó GEF toàn cầu đã đồng thuận 6 dự án với tổng số kinh phí trong STAR là hơn 18,8 triệu USD (đạt 72%). Ngoài ra, trong Chu kỳ này, GEF còn tài trợ cho Việt Nam gần 15 triệu USD đối với các lĩnh vực: hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp. Tuy nhiên theo dự kiến của GEF toàn cầu, nguồn kinh phí chung trong GEF 6 sẽ điều chỉnh giảm 16%, do đó những dự án chưa được đồng thuận từ phía GEF toàn cầu sẽ gặp khó khăn trong quá trình phê duyệt.

 

Nhận diện sản phẩm xanh bằng điện thoại thông minh

TP. Hồ Chí Minh vừa chính thức khởi động dự án Nhận diện sản phẩm xanh – an toàn. Dự án nằm trong chuỗi hoạt động Chiến dịch Tiêu dùng xanh 2018.

Theo đó, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể nhận biết đâu là sản phẩm xanh – an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng. Ứng dụng trên điện thoại có tên là “tiêu dùng xanh”.

Phần mềm này sẽ hiển thị sản phẩm của các doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và những sản phẩm của các doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Riêng năm 2018, sản phẩm xanh sẽ được mở rộng là ngoài những sản phẩm của các doanh nghiệp xanh, có thêm sản phẩm đạt chứng nhận organic, sản phẩm hữu cơ.

Trong quá trình chơi, người dân sẽ thực hiện những thao tác lựa chọn nhanh sản phẩm nào theo mình là sản phẩm xanh. Kết quả, nếu người chơi chọn đúng được 80 – 100% sản phẩm xanh sẽ được tặng quà là một sản phẩm xanh bất kỳ hoặc sản phẩm tái chế handmade.

Việc tạo ra trò chơi tương tác trên điện thoại là hình thức mới nhằm tăng cường nhận diện của người dân đối với thương hiệu Việt, sản phẩm xanh, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng và sản phẩm Việt của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, thông qua hình thức game tương tác trên hệ thống điện thoại thông minh, các doanh nghiệp có thể quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của mình.

 

Lan tỏa các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Hưởng ứng ngày Ngày Môi trường thế giới (5/6), các địa phương trên cả nước đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động tích cực nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2018, tỉnh Bắc Kạn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Năm 2018, tỉnh hỗ trợ thùng rác cho 2 xã nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể và 1 trường học, gồm các điểm UBND xã Khang Ninh, UBND xã Nam Mẫu, Trường Mầm non xã Mỹ Phương (Ba Bể). Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức khách du lịch và cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tỉnh chú trọng tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, dưới hình thức tổ chức mít tinh, treo băng zôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa… tại các khu vực công cộng, đường phố, cơ quan, nơi đông người qua lại. Tại thành phố Bắc Kạn, các băng zôn, pano với chủ đề Ngày Môi trường thế giới được treo tại 11 địa điểm công cộng…

Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6 và thực hiện Tháng hành động vì môi trường, Sở TN&MT Tuyên Quang đã phối hợp với đoàn thanh niên huyện Hàm Yên triển khai các hoạt động trồng cây xanh; vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải nhựa, túi nilon; cấp phát túi thân thiện với môi trường cho người dân… Đã có gần 1.000 túi thân thiện với môi trường đã được cấp phát. Tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn trên địa bàn thành phố Tuyên Quang cũng đang thực hiện giảm thiểu túi nilon trong gói hàng cho khách nhằm giảm thiểu chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ túi nilon gây ra.

Thành đoàn Hà Nội cũng vừa tổ chức ra quân tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện “Ngày chủ nhật xanh” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni – lông”, với sự tham gia của gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, sinh viên, hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ. Ngay sau lễ ra quân, đã diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường như: Phát miễn phí túi xách thân thiện môi trường, đạp xe tuyên truyền, bóc xóa quảng cáo rao vặt trái phép, tập huấn công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu… Trong ngày 3/6, toàn bộ cơ sở Đoàn Thanh niên tại các khu dân cư, các trường đại học, cao đẳng, học viện trực thuộc Thành đoàn Hà Nội đồng loạt tổ chức những hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với Sở TN&MT, quận Lê Chân (Hải Phòng) đã  tổ chức mít tinh, ra quân hưởng ứng ngày Môi trường thế giới năm 2018 với chủ đề “Chống lại ô nhiễm chất thải nhựa – Nếu bạn không tái sử dụng thì hãy từ chối sử dụng”. Quận Lê Chân được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố lựa chọn là đơn vị tổ chức phát động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới tại phường Hồ Nam, với các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa cộng đồng như: Tổ chức mít tinh, treo băng-rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu theo chủ đề, chiến dịch ra quân hưởng ứng…

Sở TN&MT Đà Nẵng phối hợp UBND quận Hải Châu tổ chức Chương trình hành động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và phát động Chiến dịch “Tôi yêu thành phố” thu hút hơn 1.500 cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, công nhân viên các cơ quan, đơn vị và nhân dân quận Hải Châu tham gia dọn vệ sinh, làm sạch môi trường tại các “điểm nóng” ô nhiễm và tổ chức Cuộc thi “Chúng em vẽ thành phố xanh”.

Dịp này, UBND TP. Đà Nẵng đã phát động hưởng ứng Chiến dịch “Tôi yêu thành phố”. Đây là cơ hội để người dân thành phố sẽ tham gia bình chọn, trụyền thông, chia sẻ, lan tỏa thông điệp vệ phát triển xanh và bền vững bằng cách truy cập vào website http://welovecities.org/vi/da-nang (trang tiếng Việt) hoặc http://welovecities.org/da-nang (trang tiếng Anh). Địa phương nào có số lượng người bình chọn cao sẽ được vinh danh Thành phố Xanh được yêu thích nhất toàn cầu. Chiến dịch bình chọn diễn ra từ 7/5 đến 30/6/2018.

Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức ra quân Chiến dịch tình nguyện “Hoa phượng đỏ” lần thứ 13 năm 2018 với chủ đề “Chiến sĩ tình nguyện Hoa phượng đỏ trải nghiệm và trưởng thành” thu hút gần 40.800 học sinh, giáo viên trẻ toàn thành phố tham gia với nhiều hoạt động như tình nguyện xây dựng nếp sống văn minh đô thị và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu… Tại 24 quận, huyện, Thành đoàn thành phố cùng tổ chức Đoàn cơ sở tổ chức nhiều sân chơi bổ ích cho thiếu nhi, tổ chức các chuyến công tác xã hội, thăm, trao quà tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tổ chức các chương trình trải nghiệm, tập huấn kỹ năng cho học sinh… Được biết, Chiến dịch kéo dài đến ngày 1/7/2018.

 

Người phụ nữ Nhật Bản tâm huyết với môi trường Việt Nam

Bà Reiko Usuda, người Nhật Bản, hiện đang sống tại Hội An, Quảng Nam, dù đã 64 tuổi nhưng vẫn tâm huyết với công việc BVMT và các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Coi Hội An là quê hương thứ hai và xác định sẽ sống hết cuộc đời còn lại, bà ReiKo đã quyết định mở quán cà phê và tham gia nhiều hoạt động xã hội để chung tay hỗ trợ người nghèo, cải thiện chất lượng môi trường Việt Nam.

Hơn 20 năm làm Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nhật – Việt TP. Kawasaki, những chuyến đi Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, bà ReiKonhận thấy người dân ở nhiều nơi không có điều kiện sử dụng nước sạch, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; trẻ em nghèo không nơi nương tựa, không có điều kiện đến trường… Bà tự hứa, khi nghỉ hưu sẽ sang Việt Nam sinh sống để hiện thực hóa giấc mơ tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn và góp một phần nhỏ giúp Việt Nam cải thiện chất lượng môi trường. Năm 2009, bà về TP. Hội An mua mảnh đất rộng 200 m2 bên bờ sông Hoài với giá hơn 100.000 USD, để làm quán cà phê, bắt đầu những dự án tâm huyết của mình.

“U cafe” là quán cà phê sinh học đầu tiên tại Quảng Nam, do kiến trúc sư Arika Yoshida thiết kế theo mô hình sinh thái để tặng riêng cho bà ReiKo, được mọi người gọi là “ngôi nhà xanh”, “ngôi nhà sinh thái”. Kiến trúc bên ngoài của quán tương tự những ngôi nhà ở vùng quê Hội An, nhưng bên trong được thiết kế theo xu hướng xanh hiện đại, thân thiện với thiên nhiên, hạn chế chất thải gây ô nhiễm môi trường, thích hợp với biến đổi khí hậu. “U cafe” gồm hai tầng, không gian thoáng đãng, xanh mát, có hồ cá nhỏ và những bông hoa súng, tường xây bằng gạch trần, cầu thang gỗ, các cửa sổ, cửa đi… đều làm theo mẫu từ Nhật Bản. Mái nhà cũng được thiết kế như một bể nước lớn, hứng nước mưa để sử dụng.

Điểm đặc biệt của “U café” là hệ thống xử lý nước thải (XLNT) bằng công nghệ sinh học, gồm 5 hầm. Hầm đầu tiên là nơi chứa toàn bộ lượng nước thải của khu vực nhà ăn, nhà vệ sinh, khi đến một mức nhất định, nước thải tự tràn qua hầm số 2. Nhiệm vụ hầm số 2 có nhiều ống nước tạo lực đẩy chuyển động mạnh, giúp cho việc trao đổi nước và không khí, sự phân giải chất thải được thực hiện dễ dàng nhờ oxygen hòa tan. Tiếp đó, nước thải được đẩy qua hầm số 3 có chứa các vi sinh vật tự làm sạch nguồn nước. Đến hầm số 4 và 5, nước thải đã được xử lý sạch, một phần được tái sử dụng theo vòng tròn khép kín, rất tiết kiệm, khoa học; Một phần dùng cho việc làm sạch các hồ cá trong vườn; Lượng nước còn lại được bơm lên hồ chứa ở tầng 1 và tầng 3, phục vụ các hệ thống làm mát tự nhiên. Các bể lọc ở tầng trệt cũng có nhiệm vụ XLNT qua sử dụng lần hai đạt độ an toàn trước khi thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, để hạn chế sử dụng năng lượng, bà cho xây tường bằng hai lớp gạch, khoảng cách ở giữa sẽ giúp giữ nhiệt, mùa đông, phòng luôn ấm, mùa hè, phòng mát mẻ, không cần sử dụng điều hòa. Bà Reiko cũng thường xuyên gửi thư mời sinh viên các trường đại học đến “U cafe” để trao đổi về vấn đề sinh thái môi trường bền vững, giúp sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của môi trường đối với sức khỏe con người và ý nghĩa của công tác BVMT. Ngoài ra, bà còn tích cực hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh thực hiện Chiến dịch bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà – TP. Đà Nẵng. Tại “U café”, bà dành khoảng không gian của phòng khách để trưng bày hình ảnh, poster in hình các loài linh trưởng quý hiếm trên những món quà lưu niệm gửi đến du khách. Hiện “U café” là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà nghiên cứu môi trường và hàng trăm sinh viên của nhiều trường đại học Nhật Bản, Việt Nam đến tham quan, thảo luận về những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều đáng quý là “U cafe” được mở ra với mục đích góp phần vào công tác từ thiện, xã hội, đến nay, số tiền đầu tư vào kinh doanh cà phê chưa thể tính toán lời lãi, cái lãi lớn nhất của bà là được sống, làm việc ở nơi yêu quý và kết nối, hỗ trợ, tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn cũng là mục tiêu sống của bà Reiko, bà thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề, dạy ngôn ngữ và kỹ năng ứng xử cho trẻ em nghèo, trẻ em đường phố. Từ năm 2003 đến nay, thông qua chương trình hợp tác viện trợ, bà Reiko kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức Nhật Bản hỗ trợ 10.000 xe đạp cùng thiết bị văn phòng phẩm giúp trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa tại hàng chục trường học ở Quảng Nam, Đà Nẵng; Đặt mua vải của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang đưa về đính hạt đá, tạo ra sản phẩm là những túi xách độc đáo, bán lấy tiền hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế; Kết nối với các tổ chức “Ngôi làng toàn cầu”, “Giúp đỡ nạn nhân chiến tranh” cùng nhiều doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện khác, đến Việt Nam giúp đỡ trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ và xây dựng các dự án BVMT… Những công việc bà đã, đang làm hàng ngày không phải một người bạn quốc tế nào cũng có thể làm được. Những chương trình hoạt động xã hội thiết thực, thấm đẫm tình người đã khắc họa nên chân dung người phụ nữ Nhật Bản hết mình vì mọi người, vì xã hội. Một dáng vẻ bình dị, ẩn sâu bên trong là trái tim nhân hậu, một tấm lòng cao cả như bà Usuda Reiko thật có nhiều điều đáng để ta suy ngẫm, học hỏi. Với riêng người dân Hội An, việc bà đến với mảnh đất này không phải là “đến” mà là “sự trở về” của người con xa xứ, thể hiện tình hữu nghị, sự gắn kết, như là “tiền duyên” giữa người Việt và người Nhật.

 

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về môi trường

Ngay từ đầu năm 2018, các hoạt động hợp tác đa phương và song phương về BVMT đã được Tổng cục Môi trường tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Tổng cục đã chủ động và tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường như tổ chức Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về giáo dục môi trường lần thứ 10 tại Việt Nam, chuẩn bị Hội nghị Cấp cao ASEAN 32 và các Hội nghị liên quan tại Singapore; phối hợp tổ chức thành công Hội nghị đối thoại chính sách môi trường Việt Nam – Nhật Bản; chuẩn bị nội dung và tham dự các sự kiện trong khuôn khổ hoạt động hợp tác môi trường Việt Nam – Hàn Quốc (Bao gồm: (i) Gặp mặt song phương Bộ trưởng môi trường Việt Nam – Hàn Quốc; (ii) Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Hàn Quốc; (iii) Diễn đàn hợp tác môi trường Việt Nam – Hàn Quốc); phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế chuẩn bị tổ chức các sự kiện bên lề của Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu 2018. Bên cạnh đó, Tổng cục đã chủ động, tích cực xây dựng các đề xuất dự án về nâng cao năng lực đàm phán và thực thi các cam kết quốc tế về vấn đề môi trường trong thương mại quốc tế.

 

Việt Nam kiên trì với sáng kiến xây dựng khu công nghiệp sinh thái

Là một trong những dự án được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), chỉ sau 3 năm thí điểm triển khai mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái, 72 doanh nghiệp tại Việt Nam đã tiết kiệm được hơn 70 tỷ đồng nhờ tiết giảm được lượng chất thải ra môi trường cũng như tận dụng hiệu quả tài nguyên để sản xuất sạch hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong 10 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam có bước tăng trưởng nhanh, trong đó có vai trò đóng góp quan trọng của các KCN. Tính đến tháng 12/2017, Việt Nam có 326 KCN, khu chế xuất. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp đang gây ra nhiều thách thức đối với môi trường và sức khỏe con người. Hiện nay, 13% các khu công nghiệp đang hoạt động chưa có nhà máy xử lý nước thải, 18% chất thải công nghiệp là chất thải nguy hại. Phần lớn các KCN sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát thải bẩn và nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh KCN. Chính vì vậy, việc xây dựng, hình thành mô hình KCN sinh thái là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ.

Theo đuổi Chiến lược xanh hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và giảm phát thải, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam với tổng vốn viện trợ không hoàn lại trên 4,5 triệu USD từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) được thực hiện trong thời gian 2015-2018.

Dự án có mục đích chuyển đổi các khu công nghiệp đang hoạt động thành khu công nghiệp sinh thái, triển khai thí điểm tại 3 KCN của Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại mỗi KCN thí điểm, các công ty phối hợp với nhau và phối hợp với cộng đồng địa phương nhằm giảm tác động không tích cực tới môi trường và giảm chi phí sản xuất.

Tham gia dự án, doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ theo quy trình hoàn thiện, cụ thể: đánh giá về sử dụng hiệu quả năng lượng, sản xuất sạch hơn và quản lý hóa chất; tư vấn và hỗ trợ lập hồ sơ vay vốn để đối mới công nghệ theo quy định của tổ chức tín dụng; vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính có cam kết tài trợ cho dự án và các tổ chức khác có liên quan; hoàn trả tối đa 35% giá trị khoản vay từ Quỹ Tín dụng Xanh của SENCO và các quỹ khác của GEF. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật  của doanh nghiệp được tham gia các hoạt động đào tạo tăng cường năng lực trong khuôn khổ dự án như đào tạo về công nghệ sản xuất sạch hơn, về phương thức sản xuất…

Không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và hoạt động công nghiệp, dự án còn góp phần cải thiện hiệu quả tài nguyên, thông qua việc giảm sử dụng nguyên liệu thô, nước và năng lượng. Dự án làm giảm tác động môi trường tiêu cực của các KCN, cải thiện tình hình môi trường ở các vùng lân cận, cải thiện sức khỏe người lao động cũng như chất lượng cuộc sống cho cộng đồng bằng việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ: Đây là dự án đa lĩnh vực công nghiệp đầu tiên của Việt Nam được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) cho các lĩnh vực: Quản lý hóa chất, giảm biến đổi khí hậu và hợp tác quốc tế. Mặc dù còn nhiều rào cản tuy nhiên kết quả của Việt Nam đã được các tổ chức, quốc gia thành viên GEF đánh giá cao, đồng thời thể hiện chiến lược phát triển kinh tế bền vững.

Bà Trần Thanh Phương – Quản lý Dự án Quốc gia về các KCN sinh thái cho biết: chỉ sau 3 năm thí điểm triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái, 72 doanh nghiệp tại các KCN ở Đà Nẵng, Cần Thơ và Ninh Bình đã tiết kiệm được hơn 70 tỷ đồng nhờ tiết giảm được lượng chất thải ra môi trường cũng như tận dụng hiệu quả tài nguyên để sản xuất sạch hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Việt Nam đang dần chuyển sang mô hình mới về tăng trưởng và phát triển kinh tế dựa trên nền kinh tế tuần hoàn. KCN sinh thái là một mô hình của nền kinh tế tuần hoàn tức là hướng đến một nền kinh tế khép kín, đầu thải ra của một cá thể trong nền kinh tế này thì có thể được sử dụng một cá thể khác trong nền tế, góp phần giảm thiểu chất thải ra môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hoạt động sản xuất trong KCN.”- Bà Trần Thanh Phương chia sẻ.

KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) là một thí điểm thành công của dự án chuyển đổi sang KCN sinh thái. Đánh giá sơ bộ của đoàn chuyên gia dự án đối với nhóm 8 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây cho thấy, toàn bộ các công ty chọn thí điểm chuyển đổi đã tiết kiệm được năng lượng điện từ 5-10%, nước tiết kiệm được 3-5%, giảm thải CO2: 510,1 tấn/năm; COD: 95 kg/năm; Teq PCDD/F: 51,1 µg/năm

Theo ông Lê Hoàng Đức, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng, 18 doanh nghiệp ở KCN Hòa Khánh đang thực hiện mô hình Cộng sinh công nghiệp với 6 giải pháp cộng sinh (nhiệt, nước, chất thải rắn). Các doanh nghiệp đã bước đầu thực hiện các bước của chu trình những thứ thải ra của doanh nghiệp này có thể làm nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp kia hoặc tận dụng nhiệt thừa, năng lượng thừa trong qua trình sản xuất của mình để chia sẻ cho doanh nghiệp “hàng xóm”.

“Việc triển khai xây dựng mô hình KCN sinh thái là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu hướng tới Thành phố môi trường; đồng thời, qua đó nâng cao được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của Đà Nẵng nói chung, thu hút được đầu tư trong và ngoài nước, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển toàn cầu.” – ông Lê Hoàng Đức cho biết.

AFF Cup 2018: Việt Nam gặp Malaysia trên sân nhà

Theo lịch thi đấu AFF Cup 2018, ở vòng bảng, Việt Nam sẽ gặp Malaysia và Campuchia trên sân nhà. Hai trận còn lại, các học trò của HLV Park Hang-seo làm khách tại Lào và Myanmar.

Lễ bốc thăm AFF Cup 2018 tại Indonesia vừa kết thúc. Kết quả bốc thăm đội tuyển Việt Nam nằm chung bảng A với các đội Malaysia, Myanmar, Campuchia, Lào. Bảng B gồm các đội: Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Timor-Leste/Brunei.

Tham dự AFF Cup 2018, HLV Park Hang Seo đặt mục tiêu đưa Đội tuyển Việt Nam vào đến trận chung kết giải đấu. Đây là điều mà bóng đá Việt Nam chưa làm được kể từ sau chức vô địch Đông Nam Á năm 2008.

Ở 2 kỳ AFF Cup gần nhất (2014, 2016), Đội tuyển Việt Nam đều bị loại ở bán kết.

AFF Cup 2018 là lần đầu tiên giải đấu áp dụng thể thức thi đấu không có nước chủ nhà đăng cai vòng bảng. Các đội tuyển được chia làm 2 bảng, thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm xếp hạng. Mỗi đội được đá 2 trận trên sân nhà và 2 trận sân khách. Vòng bán kết và chung kết thi đấu theo thể thức lượt đi, lượt về.

Lịch đá trận play-off xác định đội thứ 10 dự VCK AFF Cup 2018: Timor Leste được chơi trận lượt đi trên sân nhà vào ngày 3/9. Trận lượt về diễn ra trên sân của Brunei vào ngày 11/9.

Theo lịch thi đấu, ở vòng bảng, Việt Nam sẽ gặp Malaysia (16/11) và Campuchia (24/11) trên sân nhà. Hai trận còn lại, các học trò của HLV Park Hang-seo làm khách tại Lào (8/11) và Myanmar (20/11).

  Kết quả bốc thăm AFF Cup 2018: Người hài lòng, người thận trọng

Đây là trạng thái tâm lý nổi trội của nhiều nhà chuyên môn trong nước khi biết được vị trí của Đội tuyển Việt Nam sau kết quả bốc thăm AFF Suzuki Cup 2018.

Ngay sau kết quả bốc thăm vòng chung kết Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á-AFF Suzuki Cup 2018 (chiều 2/5), nhiều nhà chuyên môn, cầu thủ trong nước đã có nhận xét bước đầu về khó khăn, thuận lợi của Đội tuyển Việt Nam.

AFF Cup 2018 có 10 đội tham dự, chia thành 2 bảng.

Theo kết quả bốc thăm, Đội tuyển Việt Nam cùng bảng A với các đội: Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia. Bảng B là các đội Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore và đội thắng trong trận play-off giữa Timor Leste và Brunei.

Thoạt nhìn vào 2 bảng đấu, có thể thấy bảng A có vẻ nhẹ hơn bảng B.

Ở bảng A, 2 chiếc vé vào bán kết sẽ là cuộc tranh chấp giữa 3 đội Việt Nam, Malaysia và Myanmar do thành tích trong quá khứ tốt hơn các đội Campuchia và Lào. Còn ở bảng B, đội tuyển Thái Lan (đương kim vô địch) phải cạnh tranh với Indonesia (đương kim Á quân), Philippines, Singapore.

Dự lễ bốc thăm chia bảng tại Indonesia, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn cho rằng về mặt lý thuyết, kết quả bốc thăm mang lại những lợi thế với đội tuyển Việt Nam. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải làm tốt khâu chuẩn bị.

Một chuyên gia lão luyện của bóng đá Việt Nam, ông Lê Thụy Hải, chia sẻ với Thể thao và Văn hóa rằng nằm ở bảng A là điều hết sức may mắn với đội tuyển Việt Nam. Khi U23 Việt Nam đã là Á quân châu lục thì ở giải đấu Đông Nam Á này ta không nên quá lo lắng. Ông Lê Thụy Hải nhấn mạnh chúng ta phải tự tin và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến bày tỏ sự thận trọng.

AFF Cup 2016 là “bài học chưa ráo mực”.  Cùng bảng với Myanmar, Malaysia, Campuchia, đội tuyển Việt Nam thắng liền 3 trận và vào bán kết với ngôi nhất bảng, gặp Indonesia.

Trận bán kết lượt đi tại Indonesia, các học trò của HLV Hữu Thắng thua 1-2; còn trận lượt về ở Mỹ Đình, các cầu thủ Việt Nam bị cầm hòa 2-2 và  dừng bước do sai lầm của hàng thủ.

Còn ở SEA Games 29 năm 2017, dù không phải là đội tuyển quốc gia nhưng đội U22 Việt Nam với đầy đủ các gương mặt như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn cùng một số cầu thủ vừa dự U20 World Cup 2017 nhưng đội Việt Nam bị loại ở vòng bảng.

Thắng “như chẻ tre” trước Timor Leste, Campuchia, Philippines (ghi tổng cộng 12 bàn) nhưng U22 Việt Nam bị Indonesia cầm hòa 0-0 ở trận thứ 4, sau đó thua Thái Lan 3 bàn trắng và dừng bước.

Nói vậy để thấy rằng nếu chủ quan hoặc xem nhẹ đối thủ (nhất là các đội Myanmar, Campuchia, Lào), chúng ta sẽ bị trả giá đắt.

Đội tuyển Việt Nam mới chỉ 1 lần giành được chức vô địch AFF Cup vào năm 2008. Năm nay, đúng 10 năm sau chức vô địch lần đầu, hiện lực lượng của đội tuyển Việt Nam được cho là khá dồi dào cùng với HLV Park Hang-seo, một người dù mới nhưng được cho là “mát tay”, có thể tình hình sẽ khởi sắc.

Nhưng nhiệm vụ giành chức vô địch vẫn là một áp lực lớn với đội tuyển Việt Nam dù AFF Cup chỉ là giải đấu ít tầm cỡ với những đấu thủ “rất quen thuộc”.

  Asian Cup 2019: Việt Nam gặp 3 đội bóng Tây Á

Tại lễ bốc thăm chia bảng vòng chung kết (VCK) Giải vô địch bóng đá châu Á-Asian Cup 2019, Đội tuyển Việt Nam sẽ phải đương đầu với hai nhà cựu vô địch Iran, Iraq và Yemen. Cả 3 đội bóng này đều ở khu vực Tây Á.

Vào lúc 22h30 đêm 4/5 (theo giờ Việt Nam),  tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất-UAE), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức bốc thăm chia bảng VCK Asian Cup 2019. Kết quả bốc thăm đã đưa Đội tuyển Việt Nam vào bảng D cùng với các đội Iran, Iraq, Yemen.

Trong số 6 bảng thi đấu ở VCK thì bảng D là một bảng khá nặng khi có mặt Đội tuyển Iran (3 lần vô địch liên tiếp), đội Iraq (1 lần vô địch). Còn Yemen, dù là đội bóng chưa mấy tên tuổi nhưng với sự góp mặt ở giải đấu này sẽ khiến khó khăn của các cầu thủ Việt Nam tăng thêm một chút.

Theo thể thức thi đấu Asian Cup 2019, sau vòng bảng, 2 đội nhất nhì mỗi bảng (tổng cộng 12 đội) cùng với 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất sẽ vào vòng 16 đội đấu loại trực tiếp. Sau đó các đội lọt vào tứ kết (còn 8 đội) sẽ thi đấu bán kết (còn 4 đội). Hai đội thắng ở bán kết sẽ thi đấu trận chung kết tranh ngôi vô địch.

Với thể thức như vậy, ở bảng D, nếu thi đấu tốt, Đội tuyển Việt Nam sẽ cùng với Iran, Iraq cạnh tranh 2 suất nhất, nhì bảng. Còn ở trường hợp xấu hơn, các học trò của HLV Park Hang-seo sẽ phải thi đấu “cật lực” với Yemen để có thể trở thành 1 trong 4 đội thứ 3 có thành tích tốt nhất để đi tiếp.

Trong lịch sử đối đầu ở cấp độ đội tuyển quốc gia, các cầu thủ Việt Nam chưa từng gặp các cầu thủ Iran và Yemen. Còn với Iraq, trong 10 năm gần đây nhất, Đội tuyển Việt Nam đã thi đấu 3 trận với kết quả thua 2, hòa 1.

Đội tuyển Việt Nam trong lần dự VCK Asian Cup đầu tiên (năm 2007) đã bị chính Iraq loại  ở tứ kết và sau đó, Iraq giành chức vô địch.

Trở lại với kết quả bốc thăm, ở VCK lần này, khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam còn có 2 đội bóng khác là Thái Lan và Philippines.

Thái Lan là đội “dễ thở” hơn cả khi cùng bảng A với chủ nhà UAE, Ấn Độ và Bahrain. Còn Philippines chẳng dễ chịu gì khi phải đương đầu với các đội cùng bảng C là Trung Quốc, Hàn Quốc và Kyrgyzstan.

Theo lịch thi đấu đã được AFC công bố, VCK Asian Cup 2019 sẽ diễn ra từ ngày 5/1 đến 1/2/2019 tại UAE, cùng thời điểm mà U23 Việt Nam giành được chức Á quân châu Á một năm về trước (tháng 1/2018).

Như vậy, ngay sau khi kết thúc AFF Suzuki Cup 2018 (ngày 15/12/2017), các học trò của HLV Park Hang-seo lại phải gấp rút chuẩn bị để tham gia vào đấu trường châu lục.

Dù khó khăn nhưng người hâm mộ vẫn hy vọng về chuyện bóng đá Việt Nam thường có duyên thuận lợi khi đối đầu với các đội bóng Tây Á. Hơn nữa, ở vòng bảng chỉ có 8 đội bị loại (từ 24 đội ban đầu), với đội hình quy tụ nhiều cầu thủ lứa U23 và lại vừa “thử lửa” ở giải vô địch Đông Nam Á, Đội tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể tiến sâu vào VCK Asian Cup 2019.

  5 VĐV Việt Nam đã giành suất dự Olympic trẻ 2018

Trong nỗ lực giành quyền dự Thế vận hội Thanh niên mùa Hè- Summer Youth Olympic Games 2018- tổ chức tại Argentina, đến thời điểm này, Việt Nam đã có 5 VĐV sở hữu tấm vé đến Buenos Aires.

Cử tạ là bộ môn đầu tiên của Thể thao Việt Nam (TTVN) giành suất tham dự Đại hội Thể thao Thanh niên thế giới (gọi tắt là Olympic trẻ) mùa Hè 2018.

Theo đó, ở Giải Cử tạ trẻ thế giới tháng 4/2017 tổ chức tại Thái Lan, 6 nữ lực sĩ đã thi đấu xuất sắc giành được 71 điểm giúp điểm đồng đội cử tạ nữ Việt Nam xếp thứ 14 và nằm trong nhóm từ vị trí 8 đến 15 và giành được 1 suất cử tạ nữ dự Olympic trẻ.

Hiện Liên đoàn Cử tạ Việt Nam và Bộ môn Cử tạ  của Tổng cục TDTT chưa chốt danh sách vận động viên (VĐV) cụ thể tham gia tranh tài nội dung cử tạ đồng đội nữ tại sự kiện thể thao này.

Suất thứ 2 đến Argentina thuộc về nữ võ sĩ boxing Đỗ Hồng Ngọc do thành tích xuất sắc khi nữ võ sĩ người Cần Thơ mới 18 tuổi này lần đầu tiên giành được tấm Huy chương Bạc (hạng 57 kg) lịch sử cho TTVN tại Giải Boxing nữ trẻ thế giới diễn ra tại Ấn Độ tháng 11/2017.

Cái tên thứ 3 không ai khác là nữ võ sĩ Taekwondo Hồ Thị Kim Ngân (17 tuổi, quê An Giang).

Tại Giải Taekwondo trẻ thế giới cũng là vòng loại Olympic trẻ 2018, Kim Ngân lọt vào TOP 8 VĐV đứng đầu hạng 49kg và sau đó lần thứ 2 giành Huy chương Vàng Giải trẻ thế giới ở 2 hạng cân 44kg và 49kg. Nữ võ sĩ trẻ này cũng là niềm hy vọng của TTVN tại Đại hội Thể thao châu Á-ASIAD 2018.

Tấm vé thứ 4 và thứ 5 dự Olympic trẻ 2018 thuộc về 2 VĐV thể dục dụng cụ là Phạm Như Phương (nữ) và Nguyễn Văn Khánh Phong (nam).

Thành tích của 2 VĐV này cũng thật đáng nể khi lọt vào TOP 8 VĐV suất sắc nhất châu Á qua Giải vô địch Thể dục dụng cụ trẻ châu Á diễn ra ở Indonesia vào tháng 4/2018.

Bên cạnh 5 suất dự Olympic trẻ nói trên, những tấm vé tiềm năng khác trong mục tiêu phải giành được 10 suất đến Argentina phải kể đến 2 VĐV cầu lông là Nguyễn Hải Đăng (xếp hạng 31 trẻ thế giới) và Vũ Thị Anh Thư (xếp hạng 39 trẻ thế giới) nằm trong TOP 50 của bảng xếp hạng trẻ thế giới để xét tham dự Olympic trẻ 2018.

Theo Tổng cục TDTT, ở 2 môn cơ bản của Olympic là điền kinh và bơi, TTVN cũng đã có VĐV đạt chuẩn Olympic trẻ 2018. Hiện suất dự Olympic của 2 môn này vẫn còn nhiều giải đấu vòng loại nên kết quả cuối cùng phải chờ đến tháng 8 tới. Còn ở các môn khác như đấu kiếm, bắn cung, vật… các VĐV Việt Nam cũng có nhiều cơ hội.

Olympic trẻ 2018 tổ chức tại Buenos Aires, Argentina vào tháng 10/2018. Kỳ Thế vận hội trẻ này thi đấu 32 môn  với 241 bộ huy chương./.

  VCK Futsal nữ châu Á 2018: Thắng liền 3 trận, Việt Nam vào tứ kết

Tại VCK Giải vô địch bóng đá nữ trong nhà châu Á – AFC Women’s Futsal Championship 2018 do Liên đoàn Bóng đá châu Á tổ chức đang diễn ra ở Thái Lan, Đội tuyển nữ Việt Nam đã vượt qua vòng bảng để vào tứ kết sau 3 trận toàn thắng.

Đây là tin vui với những người quan tâm tới bóng đá nữ nói chung, futsal nữ Việt Nam nói riêng vì thực tế, bóng đá nam vẫn được chú ý nhiều hơn.

Trong số các giải bóng đá (sân cỏ 11 người và bóng đá trong nhà) ở châu Á, bộ môn futsal nữ có tuổi đời trẻ nhất vì năm 2018 này, giải đấu mới bước sang tuổi thứ 2 sau lần khởi đầu vào năm 2015 tại Malaysia.

Vòng chung kết (VCK) Giải vô địch Futsal nữ châu Á 2018 do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ 2-15/5, có 15 đội tham dự (tăng 7 đội so với lần đầu tiên tổ chức) và chia thành 4 bảng đấu. Khu vực Đông Nam Á có 4 đội, gồm Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Đây cũng là lần thứ 2 Đội tuyển Việt Nam dự VCK.

Ở giải đấu này, các đội tham dự đều vào thẳng VCK mà không phải thi đấu vòng loại. Đội Iran hiện là đương kim vô địch. Các cô gái futsal Nhật Bản là đương kim Á quân. Đội nữ Thái Lan xếp thứ 3.

Tham dự VCK Futsal châu Á 2018, Đội tuyển Futsal nữ Việt Nam gồm 14 cầu thủ (trong đó có tới một nửa đến từ các trung tâm thể dục-thể thao của TPHCM), do HLV Trương Quốc Tuấn (CLB Thái Sơn Nam) dẫn dắt.

Ở VCK lần này, Đội tuyển nữ Việt Nam cùng bảng B với các đội Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Bangladesh.

Trong những ngày từ 2-6/5, đội Việt Nam đã hoàn tất thi đấu vòng bảng với 3 trận thắng, giành được 9 điểm và vào tứ kết với ngôi đầu bảng.

Tại 3 trận đấu vòng bảng của Đội tuyển Việt Nam, trận mở đầu gặp Đội tuyển Đài Loan (ngày 2/5) được Ban huấn luyện đánh giá là khó khăn nhất.

Theo HLV Trương Quốc Tuấn, ở bảng B, đội Malaysia là đối thủ quen thuộc; Bangladesh là đội bóng yếu, còn Đài Loan là đội mà ta chưa có thông tin gì và đây là lần đầu tiên họ tham dự.

Sau 2 hiệp, các cầu thủ Việt Nam chỉ giành chiến thắng với tỷ số 1-0 mặc dù từ phút 12 (hiệp 1) đội Đài Loan có 1 cầu thủ bị thẻ đỏ. Nói về trận đấu này, HLV Trương Quốc Tuấn cho rằng tâm lý trận ra quân của đội Việt Nam có chút căng cứng nên các cầu thủ bỏ lỡ gần chục cơ hội, theo VFF.

Trận thứ 2 gặp đội Bangladesh (ngày 4/5) là trận đấu khá dễ dàng và đội Việt Nam giành chiến thắng 7-0.

Ở trận cuối vòng bảng (chiều 6/5), gặp đối thủ Malaysia, các cầu thủ Việt Nam đã vượt qua đội bạn với tỷ số 3-1.

Chiến thắng trước Malaysia giúp thầy trò HLV Trương Quốc Tuấn cán đích ở vị trí nhất bảng B, qua đó giành quyền vào tứ kết với 9 điểm, ghi được 11 bàn thắng, để lọt lưới 1 bàn.

Cùng bảng B, đội Đài Loan dù thua Việt Nam trong trận ra quân nhưng đã chơi khởi sắc và thắng cả Malaysia lẫn Bangladesh, giành quyền vào tứ kết với ngôi nhì bảng B. Đội Malaysia và Bangladesh bị loại.

Trận tứ kết giữa Đội tuyển nữ Futsal Việt Nam và Đội tuyển nữ Futsal Indonesia diễn ra vào ngày 9/5. Cùng ngày, đội Đài Loan sẽ gặp đội Thái Lan (bảng A).

  Giải Futsal nữ châu Á 2018: Việt Nam loại Indonesia ở tứ kết

Tại Giải vô địch Futsal nữ châu Á 2018 đang diễn ra ở Thái Lan, trong trận tứ kết, Đội tuyển nữ Việt Nam đã giành thắng lợi khi gặp Đội tuyển nữ Indonesia và giành quyền vào bán kết.

Trận tứ kết diễn ra vào lúc 18h ngày 9/5 tại nhà thi đấu Bangkok (Thái Lan) và là trận đấu thứ 4 của Đội tuyển Futsal nữ Việt Nam tại vòng chung kết Giải vô địch Futsal nữ châu Á 2018.

Chơi hứng khởi với quyết tâm giành chiến thắng để mở ra cơ hội vào bán kết giải đấu châu lục, các cầu thủ Việt Nam liên tục tấn công nhưng cũng phải đến phút thứ 13 (hiệp 1), thế giằng co mới được phá vỡ bằng bàn thắng của Bùi Thị Trang. Trong thời gian còn lại ở hiệp 1, không đội nào ghi được bàn thắng và đội Việt Nam tạm dẫn trước 1-0.

Sang hiệp 2, đội Indonesia, dù là đội lần đầu tiên dự vòng chung kết châu Á, cũng đã chứng tỏ thực lực của mình khi ghi bàn thắng san bằng tỉ số 1-1 ở ngay phút thứ 6.

Sau khi bị Indonesia gỡ hòa, các cầu thủ Việt Nam chấn chỉnh đội hình và kiểm soát bóng tốt hơn. Thời gian nửa cuối hiệp 2, do bị tấn công áp đảo, các cầu thủ Indonesia buộc phải lui về phòng ngự.

Đến lúc thời gian thi đấu chính thức chỉ còn 3 phút, cầu thủ Nguyễn Thị Huế, người vừa vào sân đã ghi bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1.

Trong những phút cuối trận, đội Indonesia sử dụng chiến thuật power play (chơi không thủ môn) để tìm bàn thắng gỡ hòa. Nhưng nhờ phòng thủ chắc chắn, các học trò của HVL Trương Quốc Tuấn đã bảo toàn được tỷ số.

Loại Indonesia ở tứ kết, Độ tuyển Futsal nữ Việt Nam lọt vào bán kết Giải vô địch Futsal nữ châu Á 2018.

Sau trận đấu, trang web của Liên đoàn Bóng đá châu A (AFC.com) ngày 10/5 đăng bài viết nói về cảm tưởng của hậu vệ Đội tuyển Futsal Việt Nam Đỗ Thị Nguyên.

Hậu vệ 24 tuổi đã ghi 4 bàn thắng ở vòng bảng (3 bàn trong trận gặp Bangladesh, 1 bàn trong trận gặp Malaysia) cho biết: “Thành tích của Đội tuyển Futsal nữ Việt Nam tại giải đấu lần này vượt quá mong đợi của cô”, theo AFC.com.

Tại giải vô địch lần đầu tiên cách đây 3 năm ở Malaysia (năm 2015), Đội tuyển Việt Nam xếp cuối giải đấu có 8 đội tham dự sau 3 trận thua liên tiếp. Ở giải đấu đó, các cầu thủ Việt Nam chỉ ghi được 5 bàn thắng, thủng lưới 9 bàn.

Còn ở giải đấu này, Đội tuyển nữ Việt Nam thắng liền 4 trận (3 trận vòng bảng, trận tứ kết) với 13 bàn thắng và chỉ bị thủng lưới 2 bàn.

Bày tỏ niềm vui sau trận tứ kết, Đỗ Thị Nguyên nói rằng “đội Việt Nam sẽ cố gắng tiến xa hơn nữa”, theo AFC.com.

Nhiệm vụ tiếp theo của Đội tuyển nữ Việt Nam là một trận đấu khó khăn khi đối đầu với đội Iran, đương kim vô địch, ở trận bán kết diễn ra vào chiều nay, 10/5.

Ở giải đấu năm nay, Đội tuyển Iran đã loại 2 đội cùng bảng D là Uzbekistan và Turkmenistan với tổng cộng 23 bàn thắng. Tiếp đó, Iran đã loại Trung Quốc (bảng C) với tỷ số 4-2 ở tứ kết, giành quyền vào bán kết, gặp đội Việt Nam.

Cặp đấu bán kết còn lại là cuộc so tài giữa Nhật Bản (bảng C), đương kim Á quân và đội Thái Lan (bảng A).

Như vậy, đến vòng bán kết, trong số 4 đội bóng Đông Nam Á dự giải lần này (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) chỉ còn 2 đội là Việt Nam và Thái Lan.

Đây cũng là 4 đội tuyển futsal nữ mạnh nhất châu Á thời điểm hiện tại.

  Cuộc thi Ironman 70.3 thu hút 1.600 VĐV

Sáng 13/5, tại TP. Đà Nẵng, cuộc thi Ironman 70.3 năm 2018 chính thức khởi tranh với 1.600 vận động viên (VĐV) từ 56 nước trên thế giới tham dự.

Với thông điệp “Cùng nhau vượt trội hơn mỗi ngày”, Ironman 70.3 là môn thể thao đưa mọi người trên khắp 5 châu lại gần nhau hơn.

Đây là cuộc thi mà các vận động viên phải thi đấu 3 môn liên tục, gồm bơi cự ly 1,9 km, đua xe đạp 90 km và chạy bộ 21 km.

Trước đó ngày 12/5, đã diễn ra cuộc thi Ironkids Việt Nam dành cho 2 nhóm tuổi.

Về nội dung thi, nhóm 6-10 tuổi bơi 100 m, chạy bộ 1 km và nhóm 11-14 tuổi bơi 300 m. Ngoài ra, các thí sinh nhí còn thi chạy bộ cự ly 2 km.

Cũng trong ngày 12/5, cuộc thi Sprint dành cho những VĐV mới làm quen với 3 môn phối hợp gồm bơi 750 m, đua xe đạp 20 km và chạy bộ 5 km cũng được tổ chức.

Trong khuôn khổ cuộc thi, chương trình “Newborns Vietnam Run Out” với nội dung chạy cự ly ngắn dành cho các VĐV chuyên nghiệp Ironman và người dân địa phương cũng được tổ chức. Đây là hoạt động gây quỹ của Newborns Vietnam, một tổ chức từ thiện hỗ trợ việc giảm tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh tại Việt Nam.

  Việt Nam tổ chức hai giải bóng chuyền đẳng cấp châu lục

Lần đầu tiên một giải đấu giao hữu quốc tế giành cho đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam được tổ chức, hứa hẹn cho các VĐV bóng chuyền nam có thêm những sân chơi để cọ sát học hỏi kinh nghiệm.

Giải Bóng chuyền nam quốc tế năm 2018 được tổ chức tại Nhà thi đấu tỉnh Hà Nam từ ngày 15-31/5. Tổng giá trị giải thưởng của giải là 40.000 USD, trong đó đội vô địch nhận thưởng 15.000 USD.

Giải đấu có sự tham gia của 6 đội bóng, gồm đội tuyển của các quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Kazakhstan, đội tuyển 2 của Trung Quốc và 1 CLB Hàn Quốc.

Trong khi đó, giải Bóng chuyền trẻ nữ U19 châu Á năm 2018 sẽ diễn ra tại Nhà thi đấu tỉnh Bắc Ninh và Đại học TDTT Bắc Ninh từ ngày 10 – 17/6, với sự tham dự của 16 đội tuyển trẻ quốc gia trong khu vực châu Á là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Kazakhstan, Iran, Ấn Độ, Macau-Trung Quốc, Hong Kong-Trung Quốc, New Zealand, Malaysia, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan và Đội tuyển trẻ quốc gia Việt Nam.

Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam lâu nay có rất ít cơ hội được tranh tài ở các giải quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam quyết tâm huy động nguồn lực từ hoạt động xã hội hóa TDTT để có thể đăng cai Giải Bóng chuyền nam quốc tế 2018.

Đây là cơ hội để các cầu thủ chủ nhà thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn thông qua quá trình tranh tài với các đội mạnh ngay trên sân nhà.

  ‘Nhịp cầu tình yêu’ mở màn lễ hội pháo hoa Đà Nẵng

“Nhịp cầu tình yêu” với sự trình diễn của đội Việt Nam và Ba Lan đã mở màn hoành tráng đêm khai mạc lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2018).

Đêm 30/4, tại TP. Đà Nẵng, DIFF 2018 “Huyền thoại những cây cầu” đã chính thức khai mạc. Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, cùng hàng chục nghìn khán giả là người dân, du khách trong và ngoài nước.

Đến với DIFF 2018, đội pháo hoa Việt Nam đã có nhiều đổi mới về công nghệ, kịch bản và hình thức thể hiện. Bằng các hiệu ứng đặc biệt và sự tỉ mỉ trong lựa chọn âm nhạc, màn trình diễn của đội Việt Nam với những bông pháo đủ hình khối, sắc màu và một cột pháo cao 60 m đã khắc họa sống động nhiều cung bậc cảm xúc của tình yêu, vẽ nên bức tranh đất nước từ yên bình tới hòa nhập quốc tế mạnh mẽ và tương lai rạng rỡ.

Đội pháo hoa Ba Lan đưa khán giả vào thế giới thần tiên của những lời ca, vũ điệu và niềm vui bằng sức mạnh của pop và rock. 25 đoạn nhạc được cắt và phối hoàn hảo trong 20 phút cùng sự rực rỡ của những bông pháo cả tầm cao và tầm thấp đã khiến khán giả tận hưởng màn trình diễn bằng mọi giác quan trong niềm thích thú và phấn khích.

Bên cạnh các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, đặc sắc thấm đượm tình yêu và niềm tự hào dân tộc, DIFF 2018 còn ấn tượng với các phóng sự đặc biệt về những cây cầu của Đà Nẵng, của Việt Nam và Ba Lan, giới thiệu tới du khách và bạn bè quốc tế về Đà Nẵng – “Thành phố của những cây cầu”, của sức trẻ và sự phát triển.

DIFF 2018 diễn ra từ 30/4-30/6, với sự tham dự của 8 đội thi Việt Nam, Ba Lan, Pháp, Mỹ, Italy, Hongkong (Trung Quốc), Thụy Điển và Bồ Đào Nha.

Với chủ đề “Huyền thoại những cây cầu”, lễ hội bao gồm chuỗi 5 đêm thi với 5 chủ đề riêng lần lượt là Tình yêu, Thời gian, Hạnh phúc, Khát vọng và Hữu nghị.

Đêm khai mạc diễn ra tối 30/4. Tiếp theo sẽ là đêm thi của các đội Pháp-Mỹ (26/5), Italy-Hongkong (Trung Quốc) (2/6), Thụy Điển-Bồ Đào Nha (9/6). Hai đội thi xuất sắc nhất trong số 8 đội dự thi sẽ được lựa chọn tham gia trình diễn tại đêm chung kết và trao giải nhất-nhì, diễn ra vào đêm 30/6.

  Huế đã có một không gian sách

Chiều ngày 1.5, không gian sách đường Hai Bà Trưng (phường Vĩnh Ninh, TP.Huế) đã chính thức đi vào hoạt động, thu hút đông đảo cộng đồng cư dân địa phương và du khách.​

Đề án do Công ty CP sách Huế C&C thực hiện bằng hình thức xã hội hóa, được triển khai thí điểm trong 2 năm (2018 và 2019). Không gian sách được xây dựng trên đoạn đường dài gần 130m, rộng hơn 5m; với 3 ki-ốt sách, 100 bàn để sách, 50 giá sách ở sát tường vỉa hè, 2 tủ sách và các bàn phục vụ mô hình “cà phê sách”.

Ông Hà Huy Chiến, Giám đốc Công ty CP sách Huế C&C cho biết, không gian này sẽ trưng bày khoảng 10.000 đầu sách các loại, trong đó có 40 % sách mới và 60% sách cũ. “Mọi độc giả đến với chúng tôi dù có 1.000 đồng cũng mua được sách. Đây sẽ là nơi kết nối và tìm lại những cuốn sách mà tuổi thơ của nhiều người đã mất. Đặc biệt có những cuốn sách hay, sách quý đã vắng bóng trên thị trường…”- ông Chiến thông tin thêm.

Bà Phạm Quỳnh Dao, Trưởng phòng VHTT TP.Huế khẳng định: “ Mô hình không gian sách đường Hai Bà Trưng sẽ góp phần xây dựng một địa chỉ văn hóa đọc cho cộng đồng địa phương. Nếu thực hiện tốt đề án thí điểm này, sẽ xem xét nghiên cứu để xây dựng thêm không gian sách ở một số tuyến phố ở khu vực trung tâm, đặc biệt là nơi tập trung đông du khách”.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh bày tỏ vui mừng vì Huế đã có một không gian sách, một phố sách sau 43 năm giải phóng. Ông Vinh chia sẻ: Trước năm 1975, tại Huế chỉ có 4 nhà sách và sau giải phóng thì số lượng nhà sách và phát hành sách càng ít, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Huế là vùng đất hiếu học nhưng lại thiếu sách, nên bây giờ mới có một không gian sách là điều rất vui mừng. Đây là chương trình đột phá vào khâu yếu nhất của việc đọc sách của địa phương.

“Tôi mong rằng, Công ty CP sách Huế C&C lấy phương châm xây dựng tri thức xã hội, giảm lãi để phục vụ cộng đồng tốt hơn”- nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nói.

Sau buổi khai trương, nhiều nhà nghiên cứu, giới trí thức và các bạn sinh viên, học sinh đã tham quan không gian sách và chọn lựa cho mình những cuốn sách hay.

  Để nghệ thuật bài chòi tiếp tục vang xa

Tối 5/5, tại TP. Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định, Bộ VHTT&DL chủ trì buổi lễ đón Bằng công nhận “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” do UNESCO  trao tặng.

Theo Ban Tổ chức, đây là dịp tôn vinh, quảng bá những giá trị đặc sắc của nghệ thuật bài chòi Trung Bộ với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, qua đó, khơi gợi lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại.

Bài chòi là di sản chung của 9 tỉnh Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa), trong đó, Bình Định được xem là cái nôi của di sản này.

Theo Cục Di sản văn hóa, nghệ thuật bài chòi là vừa là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo ngẫu hứng, vừa là trò chơi dân gian vui nhộn ra đời từ nhu cầu liên lạc với nhau giữa các chòi canh trên nương rẫy ở vùng trung du, rồi lan rộng đến các vùng nông thôn và đến cả miền biển.

Bài chòi, hiểu một cách đơn giản nhất là một kiểu ngồi trên chòi đánh bài.

Hội chơi bài chòi thường diễn ra ở sân đình làng hoặc những khoảnh đất rộng, bằng phẳng, gần khu dân cư, gần chợ. Để chơi bài chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 chòi bằng tre, nứa, lợp tranh (như những chòi canh giữ rẫy) xếp theo hình chữ U. Chòi ở đáy chữ U gọi là chòi cái. Người dẫn dắt cuộc chơi là các anh/chị hiệu, ngồi ở chòi cái. Họ rút con bài trong ống bài, giơ lên rồi hát những câu hát đố tên con bài ấy. Người chơi mua 3 con bài và ngồi trên các chòi để đợi nghe việc xướng tên các con bài. Nếu cả 3 con bài trùng với những con bài mà anh/chị hiệu xướng tên là thắng cuộc. Người chơi lĩnh thưởng. Đến đây cũng là lúc kết thúc một lượt chơi và sau đó, lượt chơi mới lại bắt đầu. Dần dà, việc thắng thua trong chơi bài chòi không còn mang ý nghĩa vật chất nữa mà trở thành một trò giải trí. Người ta đến hội bài chòi chủ yếu là để nghe người chơi hát. Rồi để đáp ứng nhu cầu người xem, những người chơi bài chòi đã đưa thêm những tích trò, những câu chuyện vào nghệ thuật hát bài chòi…

Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến năm 2000, Hội đánh bài chòi Xuân được NSƯT Phan Ngạn (1931-2008) của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định phục hồi. Ông là người có công đầu trong việc khôi phục lại bộ bài chòi, hội chơi, tìm lại được các nghệ nhân hạt nhân để có thể tổ chức được một hội bài chòi truyền thống.

Với sự tiếp sức của dự án bảo tồn “Hội đánh Bài chòi cổ dân gian Bình Định” cùng với hiệu quả từ các kỳ liên hoan dân ca bài chòi trên địa bàn tỉnh Bình Định, năm 2010, hội đánh bài chòi mới thực sự hồi sinh.

Ngày 25/8/2014, “Nghệ thuật Bài chòi” (ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam) được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sau đó 3 năm, ngày 7/12/2017, “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam” được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Bộ VHTT&DL cho biết trong những năm gần đây, sự hồi sinh của nghệ thuật bài chòi được đông đảo các tầng lớp nhân dân 9 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa hưởng ứng. Tại Bình Định và Quảng Nam, hội bài chòi thường xuyên được tổ chức phục vụ nhân dân địa phương cũng như khách du lịch.

Theo kết quả kiểm kê ở khu vực 9 tỉnh, thành phố nói trên, các nhóm hát bài chòi tiêu biểu tập trung ở Quảng Trạch (Quảng Bình), Triệu Trung (Quảng Trị), cầu ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên – Huế), Sông Yên (Đà Nẵng), Hội An (Quảng Nam), An Nhơn, Quy Nhơn, Hoài Nhơn (Bình Định), Sông Cầu (Phú Yên)…với hàng ngàn nghệ nhân.

Nhiều nghệ nhân nắm giữ, thực hành và trao truyền nghệ thuật bài chòi đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Dân gian”, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Nhiều hội thảo, liên hoan, hội diễn bài chòi của tỉnh, khu vực và liên tỉnh được tổ chức tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam.

Đây là những hoạt động tích cực làm cho nghệ thuật bài chòi được lưu truyền trong đời sống.

Theo Báo Bình Định, trong buổi lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO vào tối 5/5 tới đây, nhiều đoàn nghệ thuật, nghệ nhân dân gian của 9 tỉnh có chung di sản sẽ tham gia chương trình mang tên “Âm vang nghệ thuật Bài chòi”, qua đó góp phần bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa của một loại hình nghệ thuật đặc sắc của người dân ven biển Trung Bộ./.

  Hoa đăng sáng rực sông Hương cầu quốc thái dân an

Tối 1/5, tại công viên Dã Viên (TP. Huế), Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ hội hoa đăng “Tỏa sáng niềm tin” – một chương trình xã hội hóa tại Festival Huế 2018 với nhiều tiết mục đặc sắc.

Trong không gian thơ mộng bên dòng Hương Giang hiền hòa, những bài tán trong kinh Phật được các tăng ni, Phật tử cùng niệm thành kính. Bên cạnh những nghi lễ tôn nghiêm của Phật giáo, du khách còn được thưởng thức những tiết mục ca, múa đẹp mắt… Những giai điệu sâu lắng, mượt mà đi vào lòng người, biểu thị tình cảm hân hoan và sự thành tâm trong ý nghĩa cầu nguyện đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, vạn sự an lành, tốt đẹp, hạnh phúc.

Điểm nhấn của chương trình là phần biểu diễn nghệ thuật thắp ánh sáng của lễ hội truyền đăng, cử hành nghi lễ cầu nguyện và thả đèn hoa trên sông Hương. Hàng trăm tăng ni, Phật tử, quan khách xếp hàng và truyền tay nhau khoảng 5.000 ngọn đèn từ phía lễ đài chính xuống bờ sông Hương; cùng với đó là 25 thuyền hoa, mỗi thuyền 1.000 hoa đăng được thả suống dòng sông trong thanh tịnh, trang nghiêm, tạo nên sự lung linh, huyền ảo của ánh sáng hoa đăng về đêm.

Tối cùng ngày, chương trình trình diễn áo dài Festival Huế 2018 với chủ đề “Huế vàng son” diễn ra tại sân khấu Bia Quốc Học đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân và du khách.

Chương trình năm nay hội tụ các nhà thiết kế (NTK) áo dài nổi tiếng cả nước với hơn 400 mẫu áo dài tinh tế cùng sự trình diễn của các hoa hậu, người mẫu đến từ ba miền đất nước.

“Huế vàng son” đưa khán giả quay ngược thời gian để tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của tà áo dài Việt Nam nói chung và áo dài truyền thống Huế nói riêng. Các bộ sưu tập mang phong cách và ý tưởng thiết kế riêng của từng NTK nhưng thể hiện được sự hòa quyện, gắn kết giữa thời trang và văn hóa. Nhiều bộ sưu tập đã thể hiện được điểm nhấn chính của chương trình áo dài Festival Huế 2018 là tập trung thiết kế các hoạ tiết, hoa văn về cung đình Huế.

Đan xen phần trình diễn áo dài, chương trình năm nay còn có phần biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.

Bà Nguyễn Lan Vy, Tổng đạo diễn chương trình chia sẻ: “Chúng tôi chọn chủ đề “Huế vàng son” với mong muốn đưa hình ảnh Huế sâu sắc và đậm nét về văn hóa đến với người xem, đặc biệt là du khách”.

Cũng trong tối 1/5, trong khuôn khổ Festival Huế 2018, chương trình nghệ thuật “Tình khúc Huế” diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh mang đến cho người xem giai điệu ngọt ngào, âm trầm sâu lắng của những tình khúc lưu luyến bao thế hệ người Huế.

Giới thiệu đến khán giả những ca khúc ấn tượng viết về Huế, chương trình biểu diễn nhiều tiết mục như: Huế tím, Huế xưa, Tiếng xưa, Thần kinh thương nhớ, Khúc tình Huế, Nhớ Huế, Chiều ni ngoài nớ, Thương về Cố đô, Đêm hoa đăng, Huế thành phố mùa xuân, Thương mãi câu hò, Tìm em trong nét Huế, Huế thương… Không chỉ giới thiệu những giai điệu sâu lắng, ngọt ngào mang âm hưởng của Huế, mà còn trình diễn những ca khúc mang hơi thở thời đại với âm điệu mới, tiết tấu vui vẻ, sôi nổi. Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng, cùng nhóm múa Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật.

Tối nay (2/5), Lễ bế mạc Festival Huế 2018 sẽ diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn, TP. Huế, kết thúc mùa lễ hội văn hoá, du lịch sôi động, hấp dẫn đầy ấn tượng tại vùng đất Cố đô Huế.

  Trải nghiệm không khí châu Âu ngay giữa lòng thủ đô

Sự kiện “Ngôi làng Châu Âu” trong khuôn khổ chương trình thường niên “Những ngày Châu Âu 2018” sẽ giúp công chúng thủ đô khám phá một châu Âu đầy quyến rũ ngay giữa lòng thủ đô.

Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu cùng 18 Đại sứ quán các nước thành viên và các Trung tâm Văn hoá châu Âu có mặt tại Việt Nam, tổ chức sự kiện “Ngôi làng Châu Âu. Theo đó, một loạt các sự kiện hoành tráng, ấn tượng và đặc sắc đến từ các quốc gia châu Âu sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 4-6/5 tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Qua đó, giới thiệu sự đa dạng của văn hóa châu Âu, từ văn hóa, nghệ thuật cho đến ẩm thực, thời trang & phong cách sống.

Theo ngài Bruno Angelet – Đại sứ, trưởng Phái đoàn EU cho biết: “Ngày châu Âu là một cơ hội dành cho tất cả chúng tôi để điểm lại những thành quả trong quá khứ, nhưng đồng thời cũng để nhìn về phía trước, về cách thức mà chúng tôi sẽ cùng nhau vun đắp cho tương lai của châu Âu, cũng như tạo động lực cho các quan hệ đối tác mà chúng tôi đã và đang thiết lập bên ngoài lãnh thổ châu Âu.”

Tham gia “Ngôi làng Châu Âu”, khán giả sẽ có cơ hội được đích thân trải nghiệm không khí châu Âu ngay giữa lòng thủ đô, những món ăn bản địa hấp dẫn và lạ mắt, những giai điệu quyến rũ, mạnh mẽ, du dương và tinh tế, hay những điệu nhảy vui nhộn và đầy ngẫu hứng qua gần 20 chương trình văn hóa, nghệ thuật dày đặc và hoành tráng. Trong đó, nổi bật là các sự kiện như: Biểu diễn Beatbox/ a capella của nhóm nhạc Pháp Berywam; biểu diễn Flamenco Guitar của nghệ sĩ Tây Ban Nha Daniel Casares; biểu diễn đi cà kheo của các nghệ sĩ Bỉ; chương trình khúc côn cầu đường phố của Cộng hòa Séc; biểu diễn của nhóm nhảy Hồng Koong Celic Bauhinia; Biểu diễn nhảy dân gian của Kipris từ Bungari…

Đặc biệt hơn nữa, “Ngôi làng Châu Âu” sẽ dành một khu vực riêng cho trẻ em để các bé có thể tự do khám phá những điều thú vị về một châu Âu quyến rũ.

  Lễ hội Tháp Bà Ponagar tại Khánh Hòa

Lễ hội Tháp Bà Ponagar sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 8/5/2018 (tức từ ngày 20 đến 23/3 âm lịch) tại khu di tích Tháp Bà Ponagar, Khánh Hòa.

Du khách có thể đến đây để khám phá vẻ đẹp của địa điểm du lịch – quần thể kiến trúc Chăm Pa đồ sộ và những nét đẹp văn hóa của đồng bào Chăm tại lễ hội Tháp Bà Ponagar.

Lễ hội Tháp Bà diễn ra hàng năm tại di tích lịch sử – văn hóa quốc gia Tháp Bà Ponagar, trên đồi Cù Lao, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận tham gia lễ hội, còn có sự tham gia của người Kinh (Việt) và một số dân tộc thiểu số khác ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên – Huế …

Nữ thần Ponagar là Mẹ xứ sở của người Chăm, có tên gọi đầy đủ là Yang Po Inu Nagar. Vốn mang trong mình tâm thức thờ Mẫu, khi người Việt vào sinh sống ở vùng đất Khánh Hòa (khoảng năm 1653) đã “tiếp biến” tín ngưỡng này và gọi là Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Lễ hội năm nay sẽ diễn ra với các hoạt động như: Lễ thay y Mẫu; lễ thả hoa đăng trên sông Cái với nghi thức rước kiệu đi qua khu dân cư; lễ cầu Quốc thái dân an; khai mạc lễ hội; lễ cúng Ngọ; lễ dâng hương Mẫu; lễ tế cổ truyền; lễ khai diên và lễ tôn vương.

Cùng với đó là các hoạt động dâng hương, hát văn, múa bóng lễ Mẫu của các đoàn hành hương; biểu diễn hát bội, các trò chơi dân gian, trình diễn kỹ thuật dệt vải, làm gốm của đồng bào Chăm…

  Tuần văn hóa du lịch Bắc Hà 2018

Tuần văn hóa du lịch Bắc Hà 2018 với chủ đề “Sắc màu cao nguyên trắng” sẽ diễn ra trong thời gian từ 01 – 09/6/2018 tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Tuần văn hóa du lịch Bắc Hà 2018 do UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông,… HIệp hội Du lịch tỉnh, Liên đoàn Mô tô, Xe đạp thể thao tỉnh Lào Cai tổ chức.

Ngoài lễ khai mạc với chương trinh nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa cao nguyên, Tuần lễ văn hóa du lịch Bắc Hà còn có các hoạt động: Lễ hội đường phố, Lễ hội mận – trưng bày nông sản địa phương; Tham quan các làng du lịch cộng đồng; Tổ chức dù lượn; Khám phá chợ phiên Bắc Hà; Trình diễn nghề thủ công truyền thống, tổ chức trò chơi dân gian tại dinh thự Hoàng A Tưởng; Giải đua xe đạp Bắc Hà – Xín Mần; Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà…

Thông qua việc tổ chức Tuần văn hóa du lịch Bắc Hà 2018 nhằm góp phần giới thiêu, quảng bá sản phẩm du lịch, hàng thủ công, văn hóa ẩm thực, sản phẩm đặc hữu khác của các dân tộc vùng cao, qua đó làm nổi bật lên sức sáng tạo, nét tinh tế văn hóa truyên thống các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Bắc hà nói riêng. Đồng thời, lễ hội cũng là dịp để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh “cao nguyên trắng” đến với du khách trong nước và quốc tế

  Chùa Đọi Sơn được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt

Chùa Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có tên chữ là Diên Linh tự, do Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng vào năm 1054.

Ngày 3/5, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và khai hội chùa Đọi Sơn năm 2018.

Chùa Đọi Sơn có tên chữ là Diên Linh tự, do Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng vào năm 1054. Đến đời Lý Nhân Tông, nhà vua này tiếp tục xây dựng phát triển và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh từ năm 1118 đến năm 1121.

Chùa được xây dựng trên đỉnh núi, trong khuôn viên 2 ha vườn rừng. Sử sách ghi lại: “Mặt chùa trông ra sông Kinh, gió lặng mặt sông như lụa biếc trải ra, lưng chùa quay về núi Điệp, mưa tan dáng núi như gấm xanh thêm sáng”; phía trước chùa là cây bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh “13 tầng chọc trời, mở 40 cửa hứng gió” và các kiến trúc khác…

Tuy nhiên, toàn bộ kiến trúc ngôi chùa cổ đã bị giặc Minh sang xâm lược nước ta tàn phá vào đầu thế kỷ XV. Đến các triều đại Hậu Lê, nhà Mạc, nhà Nguyễn, chùa Đọi Sơn đã được xây dựng và tu tạo liên tục, dần dần được khôi phục cả về kiến trúc cũng như vị trí vốn có.

Tháng 3/1947, thực dân Pháp đã đốt chùa Đọi Sơn, một lần nữa ngôi chùa cổ kính này lại bị tàn phá. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã trùng tu lại ngôi chùa. Lần sửa chữa lớn vào năm 1958 đã hoàn tất những công trình chính tại đây.

Đầu những năm 2000, chùa tiếp tục tu bổ, tôn tạo xây dựng mới một số công trình để bảo đảm phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Hiện tại, chùa còn lưu giữ được tấm bia Sùng Thiện Diên Linh – tấm bia được dựng khi khánh thành ngôi chùa vào thời Lý. Đây là tấm bia duy nhất cung cấp tương đối đầy đủ những thông tin quý hiếm về lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật và sự phát triển của Phật giáo vào thời Lý.

Lễ hội chùa Đọi Sơn được tổ chức hằng năm vào ngày 21/3 Âm lịch và đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân xã Đọi Sơn nói riêng, huyện Duy Tiên nói chung.

Với những giá trị lịch sử văn hóa và vẻ đẹp vừa uy nghi, cổ kính, ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2028/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Đọi Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt.

  “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ”

Là chủ đề hoạt động tháng 5 được tổ chức từ ngày 02 – 31/5/2018 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng việc làm, hoạt động cụ thể của đồng bào các dân tộc và lan tỏa đến khách du lịch tại “Ngôi nhà chung”.

Hoạt động tháng 5 có sự tham gia của khoảng 80 đồng bào của 11 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer); cùng với sự tham gia của 11 địa phương: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng); và sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội; các nghệ nhân, tiểu thương của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Đồng thời, Ban tổ chức sẽ huy động thêm khoảng 40 đồng bào dân tộc với khoảng 25 nghệ nhân dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai cho hoạt động ngày 26,27/5/2018; 05 nghệ nhân dân tộc RagLai tỉnh Ninh Thuận cho hoạt động ngày 19,20/5/2018…

Chương trình tháng 05 với các hoạt động gồm: Hoạt động chủ đề “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ”: Trưng bày hình ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc với điểm nhấn “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ; Triển lãm “Sen trong đời sống văn hóa Việt”’ Chương trình “Xúc cảm tháng 5 – Hoa sen nhớ Bác”; Chương trình dân ca, dân vũ ca ngợi Bác Hồ; một số trò chơi dân gian do sinh viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Đại học Văn hóa Hà Nội biểu diễn…

Ngoài ra, tái hiện một số lễ hội truyền thống các dân tộc như: Lễ cưới của đồng bào RagLai tỉnh Ninh Thuận, Lễ cúng bến nước dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai, Lễ mừng nhà mới của đân tộc Chăm Bà La môn (tỉnh Ninh Thuận).

Đặc biệt, các hoạt động cuối tuần sẽ tổ chức giao lưu dân ca, dân vũ “Ngọn lửa cao nguyên” – Dân ca, dân vũ tại làng dân tộc Gia Rai “Tình ca bến nước”; tổ chức Lễ Phật Đản tại chùa Khmer.

Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày của đồng bào các dân tộc: Chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm và chùa Pháp Ấn… nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

  14 tỉnh tham gia Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc 2018

Ngày 4/5, tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL đã tổ chức họp giới thiệu Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày-Nùng-Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.

Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày-Nùng-Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 tại Hà Giang sẽ diễn ra từ ngày 12-14/5. Lễ khai mạc chính thức sẽ diễn ra vào 19h30’ ngày 13/5, tại sân Quảng trường 26/3 thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy, Liên hoan là dịp quảng bá, giới thiệu, tôn vinh, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian hát Then, đàn Tính – một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày-Nùng-Thái…

Được biết, kịch bản chương trình nghệ thuật đêm khai mạc sẽ làm nổi bật nghệ thuật hát Then, đàn Tính của ba dân tộc Tày-Nùng-Thái nhằm tôn vinh được di sản và phát huy được trong đời sống hiện nay.

Liên hoan có sự tham gia của 14 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Lắk.

Trong khuôn khổ Liên hoan sẽ diễn ra một số hoạt động như: Trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm và Triển lãm ảnh về chủ đề “Di sản văn hóa Then các dân tộc Tày-Nùng-Thái Việt Nam và tỉnh Hà Giang” và giới thiệu nghề dệt vải truyền thống các dân tộc Tày-Nùng-Thái; Biểu diễn, giới thiệu di sản hát Then, đàn Tính; Tổ chức Giải Marathon quốc tế “chạy trên cung đường hạnh phúc”; các hoạt động du lịch trải nghiệm…

  Nhà hát Kịch Việt Nam “thắng lớn” tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018

Nhà hát Kịch Việt Nam đã giành được 4 huy chương vàng, 6 huy chương bạc cá nhân, và 01 huy chương vàng cho vởi diễn “Bão tố Trường Sơn” tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018.

Diễn ra từ 11-25/4/2018, “Liên hoan Kịch nói toàn quốc” là dịp để các đơn vị nghệ thuật kịch nói, các nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, phát hiện những tìm tòi mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật, đồng thời tôn vinh các đơn vị, cá nhân nghệ sĩ, diễn viên có những đóng góp tích cực đối với hoạt động sân khấu kịch nói nước nhà.

Tại Liên hoan năm nay, Nhà hát Kịch Việt Nam tham gia 2 vở: “Kiều” (tác giả Nguyễn Hiếu, đạo diễn NSND Anh Tú) và “Bão tố Trường Sơn” (tác giả Trương Minh Phương, đạo diễn NSND Anh Tú), đoạt 4 huy chương Vàng và 6 huy chương Bạc cá nhân, 1 huy chương Vàng dành cho vở “Bão Tố Trường Sơn”, 1 huy chương Vàng dành cho Họa sĩ vở.

Đây là niềm khích lệ to lớn để các nghệ sĩ tiếp tục phấn đấu mang đến những vở diễn, vai diễn hấp dẫn phục vụ khán giả.

  Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ trở thành di sản văn hóa nhân loại

Tối 5/5, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn (Bình Định), Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đại diện của nhân loại đã diễn ra trọng thể.

Đây là sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), UBND tỉnh Bình Định đồng chủ trì tổ chức, với sự phối hợp của UBND tám tỉnh, thành phố miền trung có chung di sản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến.

Dự lễ đón còn có đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bộ, ngành T.Ư gồm đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng VH-TT-DL; Lê Hoài Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam; Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định.

Cùng dự, có ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Đại sứ, Phó Đại sứ một số nước tại Việt Nam, là thành viên của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; 11 đoàn đại biểu, nghệ nhân của 11 tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Gia Lai, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian ở chín tỉnh miền trung, từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, đã bám rễ ăn sâu vào tâm hồn, không gian sống của người dân các địa phương nơi đây, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và góp phần tạo nên cốt cách của con người Trung Bộ: thẳng thắn, chân thành, giản dị, mạnh mẽ, lạc quan, mến khách. Các câu chuyện trong bài chòi thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những bài học đạo đức, kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và biểu dương cộng đồng chủ thể di sản Bài chòi đã sáng tạo, gìn giữ và phát huy di sản đặc sắc này. Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy các giá trị của Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam nói riêng và di sản văn hóa của Việt Nam, nhân loại nói chung.

Thủ tướng nhấn mạnh, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc, tích họp các giá trị văn hóa truyền thống, bài học lịch sử, kinh nghiệm, thái độ ứng xử của con người trong quan hệ với thiên nhiên và xã hội. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa to lớn, góp phần gìn giữ, vun đắp truyền thống yêu nước, trao truyền tri thức, kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp, góp phần củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại diện cho chín tỉnh, thành phố có Di sản, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nghiêm túc tiếp thu những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, chính quyền tỉnh Bình Định nhận thức sâu sắc rằng, di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam được vinh danh ở tầm quốc tế sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của Di sản đối với đời sống xã hội, làm giàu thêm bức tranh văn hóa đa dạng của Việt Nam và nhân loại. Việc đón nhận Bằng UNESCO không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao, do đó cần phải đoàn kết đồng lòng kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc…

Trước đó, trong diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, việc UNESCO công nhận, ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam là DSVHPVT đại diện của nhân loại góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của di sản này. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định cùng tám tỉnh, thành phố Trung Bộ có Di sản.

Đồng chí khẳng định, thời gian tới, chín tỉnh, thành phố dưới sự chủ trì của Bộ VHTTDL sẽ quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam. Trong đó, chú trọng tổ chức tập huấn, kiểm kê hàng năm, nhận diện, tư liệu hóa Di sản, phục hồi các thành tố đã mai một, những tri thức dân gian liên quan và định kỳ tổ chức liên hoan bài chòi…

Tại lễ đón, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận Bằng của UNESCO do ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao và trao lại cho đại diện lãnh đạo, nghệ nhân của chín tỉnh Trung Bộ sở hữu di sản Bài chòi.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam (giai đoạn 2018 – 2023) gồm năm nội dung. Mục đích Chương trình nhằm công bố, kêu gọi các Bộ, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan hữu quan, cộng đồng các địa phương là chủ thể của di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam và nhân dân cả nước cùng thực hiện Chương trình, để bảo vệ bền vững và phát huy hiệu quả di sản quý giá trên.

Buổi lễ tiếp tục với chương trình nghệ thuật có chủ đề “Âm vang Nghệ thuật Bài chòi”, gồm nhiều tiết mục đặc sắc Bài chòi và hát, múa đậm âm hưởng dân ca miền trung, thu hút đông đảo khán giả thưởng thức.

  ‘Sân khấu sự kiện âm nhạc ngoài trời’ lập kỷ lục Việt Nam

Ngày 5/5, tại khu đô thị Ecopark, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục “Sân khấu sự kiện âm nhạc ngoài trời lớn nhất Việt Nam” cho Đại nhạc hội NEX by VinaPhone do Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone tổ chức.

Sân khấu của sự kiện NEX By VinaPhone được thiết kế hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của một festival đẳng cấp quốc tế với mục tiêu mang lại cho khán giả những trải nghiệm lễ hội âm nhạc đỉnh cao ngay tại Việt Nam.

Kích thước sân khấu chính dài 120m, chiều cao 36 m, diện tích 4.320 m2.

Sân khấu sử dụng hệ thống màn hình LED có diện tích lớn nhất từ trước đến nay với hơn 1200 m2 led, được lắp ráp từ hơn 1.000 cabin led P3.9mm full color ourdoor, Cabin LED đạt tiêu chuẩn IP64, hiển thị trên 128 tỉ màu cho chất lượng hình ảnh full HD. Đây là loại loại màn hình LED hiện đại, có độ phân giải cao nhất hiện nay.

Bên cạnh hệ thống màn LED cực lớn, VinaPhone còn đầu tư lắp đặt hệ thống âm thanh, ánh sáng đạt tiêu chuẩn quốc tế với hệ thống loa công suất lớn, sử dụng công nghệ ánh sáng hiện đại tạo hiệu ứng âm thanh sống động.

NEX Music Festival là sự kiện âm nhạc điện tử thường niên do VinaPhone tổ chức, mang đến cho giới trẻ Việt Nam một trải nghiệm mới hoàn toàn về một trào lưu âm nhạc đang rất thịnh hành của thế giới, đó là nhạc điện tử EDM với những nghệ sĩ quốc tế hàng đầu như Martin Garrix, Hardwell, Armin Van Burren,…

NEX by VinaPhone 2018 là chương trình có sự góp mặt của ban nhạc huyền thoại Above & Beyond cùng nhiều nghệ sĩ đẳng cấp thế giới như: Vicetone, Party Favor, Paris& Simo và dàn line-up hàng đầu Việt Nam: Nim&Slim, DJ Minh Trí, SummerHuynh, Kodeine, KS, Kevinevin & Ezik (Smoke Session), Hanzoi, Howning.

  Tưng bừng kỷ niệm 64 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2018), tại nhiều địa phương trên cả nước đã tưng bừng diễn ra các hoạt động tri ân, văn hóa-nghệ thuật ý nghĩa.

‘Những năm tháng không quên’

Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5 (TP. Điện Biên Phủ), UBND tỉnh Điện Biên tổ chức chương trình nghệ thuật “Những năm tháng không quên” chào mừng kỷ niệm 64 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chương trình nhằm ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ; ca ngợi những chiến công của ông cha đã chiến đấu, hy sinh để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; ca ngợi mảnh đất và con người Điện Biên.

Đêm nhạc thu hút sự tham gia biểu diễn của gần 100 diễn viên, ca sĩ đến từ Đoàn Nghệ thuật tỉnh và Nhà thiếu nhi tỉnh Điện Biên. Chương trình được dàn dựng công phu và ấn tượng, những tác phẩm được sử dụng trong chương trình là những ca khúc đi cùng năm tháng, như: Qua miền Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên, Đất nước trọn niềm vui, Hành quân xa, Dấu son thời đại,… đã mang lại cho người xem những phút giây ý nghĩa, được sống trong không khí hào hùng của quân đội ta, hiểu thêm và quý trọng hơn những tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Trước đó, tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 (TP. Điện Biên Phủ), Tỉnh Đoàn Điện Biên tổ chức đặt vòng hoa, thắp nến và dâng hương tri ân công lao của các anh hùng, liệt sĩ.

Đây là hoạt động thể hiện truyền thống “đền ơn, đáp nghĩa,” “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Điện Biên nói riêng đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Đây cũng là dịp để tuổi trẻ Điện Biên phát huy truyền thống bằng những việc làm thiết thực, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Tỉnh Điện Biên đang quản lý 5 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 6.000 phần mộ. 3 nghĩa trang gồm: A1, Him Lam và Độc Lập là nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, nơi an nghỉ của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Nghĩa trang Tông Khao (nghĩa trang quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào) và Nghĩa trang Thanh niên xung phong hy sinh trong xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm là nghĩa trang quy mô cấp tỉnh.

  Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I diễn ra trong 3 ngày

Theo kế hoạch, Lễ hội Sen Đồng Tháp diễn ra từ ngày 18/5/2018 đến ngày 20/5/2018.

Lễ hội nhằm tôn vinh Sen, phát huy giá trị văn hóa – kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ Sen Đồng Tháp, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương, xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút khách đến tham quan du lịch Đồng Tháp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Với chủ đề “Sen hồng tỏa sắc”, Lễ hội sẽ diễn ra tại các địa điểm: Công viên Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh; Khu Di tích Xẻo Quít; Khu Di tích Gò Tháp – Đồng Sen Tháp Mười với chuỗi hoạt động đặc sắc như: Lễ khai mạc và tổng kết Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I năm 2018; Khu gian hàng ẩm thực – quà lưu niệm – đặc sản từ sen; Hội thi ẩm thực về sen – nghệ thuật cắm hoa sen; Hội thi nhiếp ảnh về sen; Triển lãm Sen Đồng Tháp; Khu trò chơi dân gian; Tọa đàm Sen trong tâm linh; Chương trình biểu diễn nghệ thuật về Bác Hồ.

Thông qua các hoạt động, Lễ hội góp phần giới thiệu, quảng bá thương hiệu Sen Đồng Tháp đến du khách trong và ngoài nước; tạo dựng hình ảnh địa phương; xúc tiến thương mại và đầu tư; từng bước hình thành bảo tàng Sen.

  Một thoáng nước Bỉ tại Hà Nội

Sự kiện Một thoáng nước Bỉ – A Touch of Belgium sẽ diễn ra tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 14h đến 22h ngày 12/5.

Sự kiện này được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Bỉ. Sự kiện sẽ được bắt đầu vào lúc 14h bằng chương trình chiếu phim Xì-Trum tại sân khấu chính nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của các nhân vật hoạt hình nổi tiếng Xì-Trum (1958-2018) với ba tập phim bằng tiếng Anh kèm phụ đề tiếng Việt sẽ được chiếu trong vòng 30 phút.

Cũng từ 14h -16h nhóm diễu hành múa gậy Majoretteketet-Brussels sẽ diễu hành 03 lần quanh hồ Gươm. Diễu hành múa gậy (Majorettes) là loại hình nghệ thuật đường phố phổ biến tại Bỉ cũng như tại châu Âu và nhiều nước trên thế giới. Đến Việt Nam biểu diễn lần này là nhóm Majoretteketet vùng Bruc-xen gồm 11 thành viên (10 nữ và 1 nam).

Từ 17h -22h sẽ là các chương trình biểu diễn: Majoretteketet cùng với nhóm múa cổ động Việt Nam, Majoretteketet cùng với nhóm thiếu nhi của CLB Be Singer Hanoi; biểu diễn trên sân khấu của ban nhạc Hanoi Brass Band (Việt Nam); biểu diễn múa đương đại của Nicolas Coutsier, vũ công/biên đạo múa trẻ tài năng của Bỉ cùng với nhóm vũ công trẻ của KinergieStudio (Việt Nam); trình diễn của DJ người Bỉ Simon Medard và nghệ sỹ trình chiếu ánh sáng người Campuchia Daniel Long.

Bên cạnh các tiết mục biểu diễn và trình chiếu trên trong khuôn khổ sự kiện còn có không gian vui chơi, sáng tạo cho trẻ em, các gian hàng của các tổ chức phát triển được chính phủ Bỉ tài trợ, giới thiệu về các hoạt động hỗ trợ tại Việt Nam, giới thiệu ẩm thực đặc sắc của Bỉ… trong đó sẽ không thể thiếu sự có mặt của các sản phẩm Bỉ yêu thích như socola, bánh quế waffles, khoai tây chiên, nước uống mát lạnh và bia sảng khoái giữa trời mùa hè.

  Quảng Nam đón bằng công nhận “Bài chòi Trung Bộ” là di sản của nhân loại

Tối ngày 7/5, tại TP. Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ đón Bằng công nhận “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng.

Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Diễu hành rước Bằng công nhận trong khu phố cổ với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh; biểu diễn ca cảnh, dân ca Bài chòi; tổ chức hội chơi Bài chòi thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Quảng Nam là một trong những địa phương có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hóa, là nơi sản sinh và lưu giữ nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Cùng với hai Di sản Văn hóa thế giới: Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Quảng Nam và các tỉnh Trung bộ vinh dự có thêm nghệ thuật Bài chòi là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đây là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo ngẫu hứng, vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa, văn học… góp phần tạo nên sự giao lưu, đa dạng của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Trong những năm qua, với nhận thức bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể là một trong những hoạt động quan trọng nhằm bảo tồn bản sắc dân tộc, là điều kiện cơ bản và động lực để phát triển bền vững, tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể và ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể huy động sự tham gia của các địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và đông đảo nhân dân vào việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi.

Việc UNESCO vinh danh “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại” thể hiện sự trân trọng của quốc tế đối với loại hình nghệ thuật đặc sắc; sự ghi nhận của quốc tế đối với nỗ lực to lớn của Việt Nam nói chung, các địa phương miền Trung nói riêng trong việc bảo tồn, gìn giữ Di sản Văn hóa phi vật thể quý báu này. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm cao cả của người dân Trung bộ trong việc giữ gìn sự đa dạng các nền văn hóa trong kho tàng văn hóa của nhân loại.

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã ghi nhận những đóng góp to lớn, liên tục của nhân dân, các nghệ sỹ, nghệ nhân và chính quyền các địa phương trong việc phối hợp xây dựng đề án, điều tra, sưu tầm, lập hồ sơ bảo đảm các tiêu chí công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới.

Tỉnh Quảng Nam cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thế giới. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội, cộng đồng trong việc bảo vệ di sản, gắn việc xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng nhân dân với công tác bảo vệ di sản, nhằm hướng đến phát triển kinh tế- xã hội, du lịch bền vững.

  Lễ hội Nàng Hai đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Nàng Hai là một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét đặc sắc của dân tộc Tày nói chung và dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng nói riêng, thể hiện tín ngưỡng phồn thực.

Trong 2 ngày 7-8/5, tại xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, UBND huyện Phục Hòa tổ chức lễ hội Nàng Hai và đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Nàng Hai là một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét đặc sắc của dân tộc Tày nói chung và dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng nói riêng, thể hiện tín ngưỡng phồn thực của nhân dân. Lễ hội được sáng tạo từ cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nông dân miền núi. Thông qua nghi lễ tại lễ hội, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của nhân dân lao động, luôn cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo tín ngưỡng của người Tày, trên trời có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên, gọi là Nàng Hai, là con của Mẹ Trăng, chuyên lo việc đời sống, mùa màng cho người dân dưới trần gian. Lễ hội Nàng Hai có ý nghĩa là một tục lệ cầu mùa với các đêm hát xướng để mời các Nàng Hai ở trên trời xuống vui hội trần gian và giúp người dân trong công việc đồng áng, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sinh sôi nảy lộc.

Bắt đầu từ năm 1975, khi đất nước được thống nhất, lễ hội Nàng Hai của nhân dân xã Tiên Thành bắt đầu được quan tâm và khôi phục lại vào năm 1977; lần 2 vào năm 1997 do Bộ Văn hóa-Thông tin phục dựng; lần 3 vào năm 2004 được tổ chức ở quy mô cấp xã. Từ đó đến nay, theo thông lệ, lễ hội được tổ chức 2 năm/lần (vào các năm chẵn).

Năm 2016, tỉnh Cao Bằng đã khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức các hội thảo khoa học, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ VHTT&DL đưa lễ hội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 20/6/2017, lễ hội đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Nàng Hai được tôn vinh nhằm biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Đây cũng là dịp tăng cường quảng bá, giới thiệu các giá trị độc đáo riêng của lễ hội đến du khách thập phương.

Ngay sau lễ đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Ban Tổ chức đã đánh trống khai hội. Phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi như: Triển lãm ảnh trình diễn nghi lễ Nàng Hai, trưng bày các gian hàng ẩm thực, các trò chơi dân gian, giao hữu bóng chuyền, đêm giao lưu văn nghệ…

  Khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Chào mừng kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018), sáng ngày 9/5, UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 23.

Theo đó, Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã chọn ra 181 ảnh của 110 tác giả trong số 2.109 tác phẩm của 297 tác giả vào vòng triển lãm.

Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho tác giả Mai Thành Chương (Quảng Nam) với tác phẩm “Du lịch sinh thái”; trao 3 Huy chương Bạc cho các tác giả Nguyễn Đăng Lâm (Quảng Ngãi) với tác phẩm “Sám hối ở Sơn Mỹ”, tác giả Nguyễn Tấn Cư (Quảng Ngãi) với tác phẩm “Đám cưới quê” và tác giả Ngô Thanh Bình (Quảng Ngãi) với tác phẩm “Đều tay”; cùng 4 Huy chương Đồng và 7 giải khuyến khích.

Ông Phạm Văn Tý, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: Các tác phẩm được trưng bày thể hiện vẻ đẹp huyền bí, sâu thẳm của miền đất Tây Nguyên đại ngàn; màu xanh bao la của biển trời Tổ quốc; cũng như tái hiện sinh động các hoạt động lao động, học tập, giải trí… thường ngày. Qua đó, người xem sẽ hiểu thêm về đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng các dân tộc của dải đất duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời nhận thấy sự thay da đổi thịt của quê hương đất nước mình.

Các tác phẩm ảnh nghệ thuật được trưng bày tại Công viên Ba Tơ, TP. Quảng Ngãi từ ngày 9/5-15/5.

  Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thư viện Quân đội đã tổ chức triển lãm sách, báo và tọa đàm với chủ đề “Hồ Chí Minh – Chân dung một con người” nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018).

Triển lãm trưng bày hơn 1.000 ấn phẩm, chia làm 8 phần theo các giai đoạn và nội dung gồm: Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng; Hồ Chí Minh – Danh nhân văn hóa, Anh hùng giải phóng dân tộc; Sự nghiệp tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh – Những lời vàng; Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ; Những tấm gương điển hình tiên tiến; Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy; Từ phong trào thi đua ái quốc đến phong trào thi đua quyết thắng.

Triển lãm nhằm tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu sắc hơn về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Các tư liệu và sách, báo được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm là những tài liệu quý báu mà Thư viện Quân đội đã dày công sưu tầm và lưu giữ trong suốt hơn 60 năm qua, nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng và sự nghiệp quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần bồi dưỡng nhận thức, tình cảm và trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Bên cạnh triển lãm, Thư viện Quân đội cũng tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh với Quân đội nhân dân Việt Nam” với diễn giả là GS.TS Hoàng Chí Bảo – chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương.

Triển lãm được trưng bày đến hết 15/6 tại Thư viện Quân đội (83, Lý Nam Đế, Hà Nội).

  Liên hoan nghệ thuật hát Then – đàn Tính các dân tộc Tày Nùng Thái toàn quốc lần thứ VI

Từ ngày 12 – 14/5, Liên hoan nghệ thuật hát Then – đàn Tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.

Từ ngày 12-14/5, Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Đây là hoạt động thiết thực góp phần quảng bá, giới thiệu, tôn vinh, bảo tôn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của các dân tộc Tày – Nùng – Thái trong đời sống đương đại; là dịp để các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên của các dân tộc Tày – Nùng – Thái gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, giơi thiệu, phát huy những giá trị, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc tới bạn bè trong nước và quốc tế.

  Triển lãm Tơ lụa, thổ cẩm và thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại Belarus

Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Triển lãm “Tơ lụa, thổ cẩm và thủ công mỹ nghệ Việt Nam” tại Thủ đô Minsk – Cộng hòa Belarus từ ngày 11 đến 18/6.

Trong khuôn khổ những Ngày Văn hóa Việt Nam tại Belarus, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam sẽ giới thiệu một số ngành thủ công truyền thống tiêu biểu của đất nước: thổ cẩm dân tộc, lụa tơ tằm, mây tre đan, sơn mài và gốm Bát Tràng, tại Bảo tàng Lịch sử, Thủ đô Minsk, Belarus.

Việt Nam sẽ giới thiệu nghề dệt lụa thông qua các tà áo dài, các tấm khăn lụa, các dải lụa…; Nghề dệt thổ cẩm thông qua các trang phục dân tộc với mong muốn bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam với những sắc thái và bản sắc văn hóa riêng cần được gìn giữ và bảo tồn. Đồng thời, trưng bày khoảng 40 – 50 sản phẩm sơn mài ứng dụng như: bình, hộp trang sức, khay, bát, đĩa, hài, guốc sơn mài… thể hiện vẻ đẹp phong phú, tinh xảo.

Trưng bày khoảng 30 – 50 sản phẩm mây tre có kỹ thuật đan khác nhau, vừa mang tính nghệ thuật cao và mang tính ứng dụng trong cuộc sống, như: chao đèn nghệ thuật, giỏ mây, lồng bàn, khay, bình…

Bên cạnh đó, trưng bày khoảng 15-20 hiện vật gốm giả cổ của các nghệ nhân nổi tiếng của Bát Tràng như chân đèn, bình gốm men ngọc; gốm hoa nâu như lư hương, chóe; gốm men rạn, hoa lam như: độc bình, bình vôi, lọ, âu bát… với trang trí họa tiết như vẽ hình rồng, phượng, phong cảnh, hoa lá nổi bật sắc độ men của gốm Bát Tràng.

Triển lãm “Tơ lụa, thổ cẩm và thủ công mỹ nghệ Việt Nam” tại Belarus lần này sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác giao lưu, trao đổi văn hóa, cũng như tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước. Đây cũng là dịp để quảng bá về văn hóa và con người Việt Nam với nhân dân Belarus nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.

  Chiếu phim miễn phí tại Liên hoan phim Israel 2018

Từ ngày 1-4/6, tại Hà Nội, sẽ diễn ra Liên hoan phim Israel 2018.

Công chúng sẽ có cơ hội thưởng thức miễn phí 5 bộ phim của điện ảnh Israel.

Những bộ phim của điện ảnh Israel sẽ được trình chiếu trong Liên hoan gồm Búp bê cô dâu (C16), Abulele – Quái vật tuổi thơ, Trái tim thầm lặng, Princess Shaw ra mắt và Vượt dốc (C18). Những phim có ký hiệu C16, C18 là không dành cho khán giả dưới 16 tuổi và dưới 18 tuổi.

Ban tổ chức cho biết những bộ phim được chiếu tại liên hoan phim gồm nhiều thể loại để có thể phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Một số bộ phim mô tả cuộc sống thường nhật, trong khi một số bộ phim có bối cảnh rộng lớn hơn.

Liên hoan phim sẽ chào đón công chúng ở Hà Nội tại Phòng chiếu số 2, BHD Star Vincom (Số 2 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội).

Những năm qua, Việt Nam và Israel đã xây dựng quan hệ đối tác vững vàng bền chặt trên tinh thần thấu hiểu chung lẫn nhau và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong hợp tác thương mại và trao đổi văn hóa.

Liên hoan phim sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai quốc gia bằng cách truyền tải những thông điệp sâu sắc hơn về văn hóa Israel thông qua những tác phẩm điện ảnh.

Liên hoan phim Israel sẽ mang đến cho khán giả Việt Nam những góc nhìn mới mẻ chưa từng được biết đến về Israel. Mỗi bộ phim sẽ dẫn dắt khán giả vào một chuyến du ngoạn thông qua điện ảnh cũng như hiểu hơn về văn hóa, truyền thống và bản sắc Israel.

  Khai mạc triển lãm ảnh “70 năm thi đua yêu nước”

Ngày 28/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến dự và cắt băng khai mạc triển lãm ảnh “70 năm thi đua yêu nước” tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018).

Triển lãm do TTXVN chủ trì, phối hợp với Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức nhằm ôn lại những khoảnh khắc đáng nhớ, góp phần bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân để tiếp tục thi đua, xây dựng Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 100 bức ảnh tư liệu đen trắng, ảnh màu góp phần phản ánh chân thực, sinh động hình ảnh Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước; những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước suốt 70 năm qua trên tất cả các lĩnh vực, từ đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua trong những năm kháng chiến, đến đại hội thi đua yêu nước thời kỳ mới; các phong trào lớn trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như: “Hũ gạo kháng chiến”, “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, Thanh niên “Ba sẵn sàng”, Phụ nữ “Ba đảm đang”, “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc Lý”…

Triển lãm cũng giới thiệu các bức ảnh phản ánh phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như: “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”…

Triển lãm ảnh “70 năm thi đua yêu nước” diễn ra đến hết ngày 3/6.

Cách đây 70 năm, giữa thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức phong trào thi đua ái quốc, kêu gọi toàn dân tộc tích cực thi đua “làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Sau Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (27/3/1948), nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc, và sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.

Trong 70 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần động viên toàn dân tộc đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua muôn vàn gian nan, thử thách, trở thành động lực to lớn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần tích cực làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

  Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu – Việt Nam lần thứ 9

Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu – Việt Nam lần thứ 9 sẽ diễn ra từ ngày 8 – 17/6/2018 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Liên hoan Phim Tài liệu Châu Âu – Việt Nam là một sự kiện văn hóa đặc biệt được tổ chức thường niên nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và quốc tế. Sự kiện do Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước Châu Âu (EUNIC) phối hợp với Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức.

Năm nay, Liên hoan sẽ giới thiệu tới khán giả 22 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc, gồm 11 phim quốc tế (Pháp, Wallonia-Brussels (Bỉ), Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Áo, Đan Mạch, Séc, Anh và Israel) và 15 phim Việt Nam.

Một số phim của Việt Nam là những phim giành giải Bông sen vàng, Cánh diều vàng, Giải phim môi trường. Các phim Việt Nam tham dự Liên hoan phim do Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất và một số phim đến từ Điện Ảnh Quân Đội, Đài Truyền hình Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh Hà Nội và các tác giả làm phim độc lập.

Các phim quốc tế có một số phim đã giành được giải thưởng cao tại: München, Nyon, California, Praha, Melbourne…

Đây là một sự kiện văn hóa đặc biệt đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và quốc tế.

Thông qua các bộ phim, khán giả có dịp tìm hiểu về văn hóa, con người, xã hội Việt Nam cũng như của các nước khác, là cơ hội để phân tích xã hội chúng ta đang sống, mối quan hệ giữa chúng ta với nhau và để khám phá các vùng đất cũng như các vấn đề đương đại. Mỗi buổi chiếu, khán giả sẽ được thưởng thức một bộ phim Việt Nam và một bộ phim quốc tế. Bên cạnh đó, các bộ phim tài liệu của các nhà làm phim trẻ sẽ được trình chiếu vào một số buổi chiều. Và có nhiều đạo diễn sẽ tham dự và giao lưu với khán giả.

  Khai mạc Liên hoan phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 9

Tối 8/6, Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 9 đã chính thức khai mạc tại Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã tới dự.

Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 9 do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương phối hợp với EUNIC (Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước châu Âu) tổ chức. Trong những năm qua, Liên hoan phim đã tạo được dấu ấn đặc sắc, trở thành một sự kiện văn hóa được đông đảo khán giả đón nhận.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết: “Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế thường niên được tổ chức tại Việt Nam, thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của các nghệ sỹ, các nhà làm phim nổi tiếng với những bộ phim có chất lượng cao, giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế. Đây cũng là sự kiện văn hóa hết sức ý nghĩa, là dịp để khán giả tìm hiểu và khám phá về con người, cuộc sống ở mỗi quốc gia, thông qua đó đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giữa các quốc gia châu Âu và Việt Nam.

Cùng với Liên hoan phim quốc tế Hà Nội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hai năm một lần, Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam đã và đang góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam hội nhập toàn diện”.

Ngay tại buổi lễ khai mạc, Liên hoan phim đã thu hút đông đảo khán giả ở mọi độ tuổi khác nhau. Hai bộ phim được chiếu mở màn Liên hoan phim là: “Giáo sư Tôn Thất Tùng, người thầy tôn kính” và “Ingmar Bergman trong con mắt biên đạo múa”.

Liên hoan phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 9 diễn ra từ ngày 8/6-17/6 tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) và Đại học Hoa Sen (Thành phố Hồ Chí Minh). Danh sách các phim được chiếu tại Liên hoan phim bao gồm: Giáo sư Tôn Thất Tùng, người thầy tôn kính; Ingmar Bergman trong con mắt biên đạo múa; Lịch sử thủy tinh và pha lê vùng Wallonie; John Cockerill, một huyền thoại; Lớp học hy vọng; Những đứa trẻ may mắn; Mưa axit; Gắn kết; Khát vọng người; Sân khấu của những niềm hy vọng; Lê Bá Đảng – Từ Bích La đến Paris; Nhà soạn nhạc Karl Schiske và thế hệ kế cận; Nhớ biển; Tâm tình của gốm; Thời đại của Big; Dịch cận thị; 1 ngày tôi thấy 10.000 con voi; Vọng phu nơi đầu sóng; Mái ấm “xa mẹ”; Cuộc di cư của bầy cừu; Bố Hải; Bí ẩn từ những pho tượng phật; Princess shaw ra mắt,…

  Đà Nẵng đón bằng công nhận bài chòi là di sản của nhân loại

Chiều 15/6, TP. Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón nhận bằng vinh danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Nghệ thuật bài chòi là trò chơi, trò diễn xướng dân gian độc đáo, đậm chất văn hóa nông nghiệp ở các làng quê miền Trung nói chung và Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng.

Trong nhiều thế kỷ qua, nghệ thuật bài chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân duyên hải miền Trung trong những dịp sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Xuất phát từ một hình thức sinh hoạt giải trí của cộng đồng, làng xã, một thú vui tao nhã của con người miền Trung Việt Nam nhân dịp đầu xuân, bài chòi đã trở thành triết lý sống, tư tưởng gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng lòng vị tha, thúc đẩy tính sáng tạo.

Trong những năm qua, TP. Đà Nẵng đã xây dựng chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể bài chòi”.

Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền, đó là sự đồng lòng, chung sức, tận tâm, yêu nghề của các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu đã góp sức chung tay để bài chòi phát huy giá trị mạnh mẽ. Nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật bài chòi, nhiều hoạt động tổ chức bài chòi… đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân và du khách.

Thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ đồng hành cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy bền vững giá trị nghệ thuật di sản bài chòi Trung bộ Việt Nam để những nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn người Việt, để văn hoá Việt hoà trong lòng chảy văn minh nhân loại.

Dịp này, Bộ VHTT&DL đã trao bằng vinh danh nghệ thuật bài chòi là Di sản Văn hoá  phi vật thể  cho TP. Đà Nẵng và tuyên dương các tập thể và cá nhân tiêu biểu đã có thành tích trong việc sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy, bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi.

  Ngày hội ‘Gia đình – điểm tựa yêu thương’

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2018 diễn ra từ ngày 22-24/6 với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn nhằm chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2018 là hoạt động định kỳ được tổ chức hằng năm tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập…

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 22-24/6 gồm nhiều hoạt động: trưng bày triển lãm về gia đình, hội thảo, hội thi và giao lưu văn hóa nghệ thuật.

“Gia đình – điểm tựa yêu thương” là chủ đề xuyên suốt của Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2018. Ban tổ chức sẽ thực hiện một triển lãm với chủ đề này, trong đó, các nội dung trưng bày sẽ khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình, làm nổi bật lên những giá trị gia đình cốt lõi, để mỗi người đều nhận thấy rằng gia đình là điều quan trọng nhất, là điểm tựa yêu thương trong suốt cuộc đời.

Bên cạnh đó là triển lãm “Mẹ-Con, Thơ, Nhạc-Cuộc đời”; “Điểm tựa yêu thương”; “Những gia đình bình đẳng” sẽ giới thiệu đến công chúng về quá trình mang nặng đẻ đau, chăm sóc nuôi dạy con nên người của người mẹ. Qua những nghi lễ của các dân tộc, nhắc nhở về lòng hiếu thảo, báo hiếu cha mẹ khi lớn khôn…

Ngày hội còn có các chương trình như: Trưng bày “Sản phẩm tinh hoa gia tộc nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam”; “Gia đình với văn hóa đọc”.

Điểm nhấn của chương trình là Liên hoan văn nghệ “Niềm vui gia đình” với sự tham gia của 12 đơn vị thuộc Công đoàn Khối Di sản – Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL với mục đích ca ngợi tình yêu con người, tình yêu đất nước, phản ánh những vấn đề về gia đình Việt Nam trong việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa… được dàn dựng công phu, dưới các hình thức nghệ thuật như ca, múa, nhạc, tiểu phẩm, kể chuyện…

Dạ hội “Vũ điệu hạnh phúc” có sự tham dự của các cặp nhảy đến từ: CLB Khiêu vũ Thăng Long, CLB Đông Anh, CLB Vũ điệu Quảng trường, CLB Hồ Gươm xanh, CLB Khiêu vũ Bắc Ninh, CLB khiêu vũ Vui Hà Nội cũng sẽ mang tới không khí vui tươi cho ngày hội.

  Tìm hiểu nét đẹp áo dài truyền thống Việt Nam

Sáng 24/6, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Chương trình giáo dục di sản với chủ đề: “Chúng em khám phá Bảo tàng và tìm hiểu nét đẹp áo dài truyền thống” do Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Hội quán Các bà mẹ, Bảo tàng Hội An và Câu lạc bộ Không gian đọc Hội An phối hợp tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28/6).

Đến với chương trình, mẹ và bé đã được tham gia các hoạt động như: Mặc trang phục áo dài và cùng nhau trình diễn thời trang; Giới thiệu hoạt động: “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” và chia sẻ kỹ năng giúp trẻ ham đọc sách; Giới thiệu về hoa văn trên trang phục người Chăm; Thưởng thức món bánh Xakaya – đặc sản của người Chăm. Ngoài ra, tham gia các trò chơi năng khiếu: Vẽ, cắt, trang trí áo dài trên chất liệu giấy.

Đặc biệt, dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm áo dài trẻ em của Phương Nguyễn Silk, lụa Mã Châu. Trong chương trình cũng diễn ra buổi tọa đàm, chủ đề “Gửi tà áo yêu thương”, tặng bộ áo dài trắng cho những nữ sinh hiếu học, áo dài lụa Mã Châu cho cô giáo năm học mới 2018-2019.

Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động hè và hướng đến ngày Gia đình Việt Nam (28/6), nhằm làm phong phú hơn hoạt động giáo dục của Bảo tàng, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc; đồng thời, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, giúp thiếu nhi trên địa bàn thành phố có cơ hội giao lưu, học hỏi và phát huy tính sáng tạo nghệ thuật trong dịp hè 2018; Qua đó, tạo điều kiện để các cô giáo mầm non, tiểu học, những người làm công tác xã hội có cơ hội trải nghiệm kỹ năng tổ chức các hoạt động cho trẻ em kết hợp với giáo dục di sản…

  Giao lưu và trình diễn kịch rối Nhật Bản tại Việt Nam

Nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (The Japan Foundation) tổ chức chương trình “Giao lưu & Biểu diễn Kịch rối Nhật Bản”.

Theo đó, Công ty Kịch rối Bunraku đến từ Osaka, Nhật Bản sẽ biểu diễn trích đoạn kinh điển của vở “Tình yêu của người con gái bán rau” tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 12/07 và tại Hà Nội vào ngày 14/07/2018. Trước đó, vào năm 2014, các nghệ sỹ trẻ của Nhà hát Kịch rối Nhật Bản từ Osaka đã có buổi biểu diễn và giao lưu lần đầu tiên tại Hà Nội.

Theo Ban tổ chức, cùng với hai loại hình sân khấu khác là kịch Noh và Kabuki, Kịch rối Nhật Bản là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu cổ xưa nhất của Nhật Bản. Kịch rối Nhật Bản kết hợp giữa nghệ thuật kể chuyện qua các con rối và âm nhạc. Những câu chuyện trong các vở kịch rối xoay quanh hai chủ đề chính: những câu chuyện mang tính lịch sử về thời phong kiến còn gọi là Jidaimono và những câu chuyện đương đại kể về những xung đột nảy sinh do rào cản của xã hội có tên là Sewamono.

Kịch rối Nhật Bản hiện tại được thừa hưởng từ phong cách biểu diễn của giữa thế kỷ thứ 18. Mỗi con rối được điều khiển bởi 3 người và khán giả có thể hoàn toàn nhìn thấy họ hiện diện trên sân khấu. Người làm nhiệm vụ kể chuyện và một nghệ sỹ khác chơi đàn ba dây shamisen sẽ ngồi ở trên bục phía bên phải sân khấu. Người kể chuyện của cả vở kịch chỉ có một nên nghệ sỹ đó phải thay đổi giọng nói, thanh đổi âm điệu liên tục để phù hợp với mọi hoàn cảnh và mọi nhân vật. Trên một kịch bản được viết sẵn, người “đọc” không bị gò ép vào khuôn mẫu mà có thể tự do tạo nên cảm xúc của câu chuyện với phong cách riêng của mình.

Ngày nay, vẫn còn gần 160 vở trong số 700 kịch bản có từ thời Edo của loại hình kịch rối Nhật Bản được lưu giữ và dàn dựng để tiếp tục chinh phục khán giả với chất lượng nghệ thuật cùng những câu chuyện kịch tính.

Sự kiện này không chỉ đánh dấu một mốc lịch sử lần đầu tiên kịch rối Nhật Bản đến với Việt Nam mà còn mở ra một cơ hội cho những hợp tác về kịch rối truyền thống sau này giữa Nhật Bản và các nước ASEAN.

Trong khuôn khổ các buổi biểu diễn, khán giả còn được giao lưu với các nghệ sĩ đến từ Nhật Bản và tìm hiểu về Bunraku. Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình diễn ra tại Sân khấu Thế giới Trẻ và tại Hà Nội, chương trình diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Vé mời được phát miễn phí./.

  Ra mắt Cổng thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam

Đây là địa chỉ kết nối, chia sẻ các ý tưởng sáng tạo và tiếp nhận các ý tưởng, sáng kiến của thanh thiếu niên; kết nối các ý tưởng tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Sáng 11/6, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ ra mắt Cổng thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam và phát động Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo về cải cách hành chính.

Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong; Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn; đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng một số đơn vị liên quan đã tới dự buổi lễ.

Cổng thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo được thể hiện trên 2 loại hình: Website ytuongsangtao.net và ứng dụng di động “Sáng tạo trẻ”, xây dựng theo hướng thân thiện, dễ sử dụng, hài hòa về bố cục, bảo đảm dung lượng thông tin lớn. Cổng thông tin xây dựng một số chuyên mục như: Ý tưởng sáng tạo, Diễn đàn, Tin tức, Thống kê, Câu chuyện sáng tạo, Thư viện.

Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong nhấn mạnh, Cổng thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam là giải pháp cụ thể trong việc tạo dựng môi trường cho thanh thiếu nhi sáng tạo; phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0, mạng xã hội và các kênh truyền thông phù hợp với giới trẻ; giúp việc nắm bắt, triển khai phong trào Tuổi trẻ sáng tạo được thông suốt trong đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp.

Đây cũng là thước đo hiệu quả trong việc đánh giá triển khai, thực hiện chỉ tiêu “Đoàn viên, thanh niên đề xuất 5 triệu ý tưởng, sáng kiến” và “Hỗ trợ 1.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên”.

Nhân dịp này, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Nội vụ phát động cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo về cải cách hành chính”.

Đây là địa chỉ kết nối, chia sẻ các ý tưởng sáng tạo, tiếp nhận các ý tưởng, sáng kiến của thanh thiếu niên; kết nối các ý tưởng tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Cổng thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước về phát triển, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động sáng tạo trong các đối tượng, lĩnh vực; nêu gương điển hình các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong triển khai phong trào Tuổi trẻ sáng tạo; xây dựng các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng trong những lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của giới trẻ…

  Đẩy mạnh hợp tác KH&CN Việt Nam – Vương quốc Anh

Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu về các công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin truyền thông theo định hướng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và tăng cường hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã cho biết như trên tại buổi tiếp Ngài Giles Lever, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam diễn ra chiều 30/5/2018, trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, sau nhiều năm hợp tác, quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Vương quốc Anh và Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN. Bộ trưởng đánh giá cao những hoạt động của ngài Đại sứ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác KH&CN giữa hai nước trong nhiệm kỳ vừa qua và chúc ngài hoàn thành tốt nhiệm vụ trong cương vị mới.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã điểm lại những nét nổi bật trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam của Đại sứ Giles Lever. Đai sứ Giles Lever đã để lại dấu ấn mới thông qua thỏa thuận hợp tác, thúc đẩy Chương trình Newton. Từ sự hỗ trợ của Chương trình một số cơ quan của Bộ như Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN… đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía Vương quốc Anh.

Với 9 nội dung của Chương trình Newton đã được các cơ quan của Bộ KH&CN triển khai hiệu quả. Ví dụ như hợp tác với Hội đồng Y học Vương quốc Anh tập trung vào những vấn đề như kháng thuốc, lao phổi, các bệnh truyền nhiễm mà phía Anh có thế mạnh và tạo hiệu quả tốt cho Việt Nam.

Thay mặt Bộ KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã bày tỏ cảm ơn chân thành và sâu sắc đến Đại sứ quán Vương quốc Anh, Hội đồng Anh, đặc biệt là đối với dấu ấn, sự quan tâm đặc biệt của ngài Đại sứ Giles Lever trong nhiệm kỳ của mình đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước và chúc Đại sứ trong nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ, quan tâm hỗ trợ cho hợp tác KH&CN và đổi mới sáng tạo giữa hai nước. Về phía Bộ KH&CN sẽ tiếp tục thúc đẩy kết quả mà ngài Đại sứ đã tạo dựng và sẽ tiếp tục tăng cường đổi mới khung chính sách làm sao tạo thuận lợi và đơn giản hóa ngày càng tốt hơn trong thời gian sắp tới.

Đại sứ Giles Lever đã bày tỏ niềm vui và hân hạnh có cơ hội gặp gỡ với Bộ trưởng và các bạn đồng nghiệp của Bộ KH&CN trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam. Đại sứ Giles Lever hoàn toàn nhất trí và tán thành với những đánh giá của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh về những kết quả hợp tác KH&CN hai nước đã đạt được thời gian qua và đẩy mạnh hợp tác về KH&CN và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Thay mặt Đại sứ quán và Hội đồng Anh, Đại sứ Giles Lever gửi lời cảm ơn chân thành tới Bộ trưởng Bộ KH&CN và các cán bộ của Bộ KH&CN đã tích cực hỗ trợ Chương trình Newton trong những năm qua. Đại sứ Giles Lever đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình hợp tác KH&CN giữa hai nước trong thời gian qua và cho biết hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Anh rất đa dạng nhìn nhận và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện của Bộ trưởng để đẩy mạnh phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo.

  Diễn đàn Blockchain 2018: “Xu hướng và tầm nhìn phát triển”

“Đây được xem là diễn đàn chính thức dành cho các cơ quan quản lý, nhà làm chính sách với mục tiêu kết nối trực tiếp các đơn vị phát triển ứng dụng Công nghệ Blockchain”, ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định như trên khi phát biểu khai mạc Diễn đàn Blockchain 2018.

Nhằm cung cấp cái nhìn toàn cảnh nhất về tình hình phát triển công nghệ Blockchain trên thế giới cũng như tại Việt Nam, Diễn đàn Blockchain 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo báo VnExpress tổ chức vào sáng ngày 14/6/2018 tại Hà Nội. Đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước; các chuyên gia đến từ nhiều nước như Anh, Malta, Singapore, Malaysia, Nhật Bản,… đã tham dự sự kiện. Diễn đàn cũng là dịp để các doanh nghiệp ứng dụng Blockchain ở trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý nhà nước cùng trao đổi và tìm ra những cơ hội mà công nghệ Blockchain mang lại cũng như những thách thức mà công nghệ Blockchain đặt ra.

Blockchain có tác động lớn đến nền kinh tế

Blockchain được hiểu là “công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin, dữ liệu bằng các khối liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian”. Với đặc tính phi tập trung, minh bạch và độ bảo mật cao, Blockchain được đánh giá là công nghệ mang tính cách mạng, dẫn dắt sự thay đổi trong tương lai, ứng dụng được trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, viễn thông, y tế…

Phát triển mạnh trên thế giới trong thời gian qua, công nghệ Blockchain được nhắc đến liên tục từ nửa cuối năm 2017. Nhiều quốc gia như Singapore, Malta, Dubai đã có những động thái “cởi mở” trong ứng dụng Blockchain cũng như xây dựng các hành lang pháp lý đón đầu công nghệ mới này. Trong khi đó, Chính phủ nhiều nước khác tiếp cận công nghệ Blockchain với thái độ thận trọng. Trong bức tranh phát triển của công nghệ Blockchain trên thế giới, Việt Nam vẫn đang tiếp tục theo dõi, khuyến khích phát huy những ưu điểm của công nghệ này đồng thời nghiên cứu, đưa ra các chính sách điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn.

Trong vòng 4 tiếng (từ 8h00 đến 12h00), diễn đàn gồm 3 phiên thảo luận chính. Phiên thứ nhất với chủ đề “Xu hướng phát triển công nghệ Blockchain toàn cầu”, trong đó bàn về bối cảnh và tình hình phát triển chung của Blockchain trên khắp thế giới, cũng như cách mà Blockchain đang thay đổi thế giới từng ngày. Tiếp nối chủ đề của phiên thứ nhất, phiên thứ hai đi sâu phân tích tình hình phát triển công nghệ Blockchain tại Việt Nam, những cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp ứng dụng Blockchain. Tại phiên thứ ba, các diễn giả đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ Blockchain, trong đó nhấn mạnh vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điểm lại các cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trong lịch sử, ông Nguyễn Văn Bình trong bài phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất thế giới, thay đổi phương thức sản xuất và lực lượng sản xuất. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn biến rất nhanh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Trong số các công nghệ chủ chốt của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Công nghệ Blockchain (hay còn gọi là Công nghệ Chuỗi khối) là một trong những công nghệ đột phá, được dự đoán sẽ là công nghệ dẫn dắt cách mạng công nghiệp 4.0 trong một vài thập kỷ tới.

Với tiềm năng lớn của công nghệ này, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nhìn nhận một cách nghiêm túc, nghiên cứu ban hành các chủ trương, xây dựng các chính sách phù hợp cho sự phát triển đầy tiềm năng của công nghệ Blockchain. Ví dụ như chính phủ Thụy Điển, Honduras đã sử dụng công nghệ này để xử lý quyền sử dụng đất; Estonia sử dụng trong quản lý cơ sở dữ liệu của chính phủ; quốc đảo Isle of Man cũng đang thử nghiệm việc sử dụng blockchain trong việc đăng ký công ty; Dubai dự kiến áp dụng công nghệ này để vận hành bộ máy Chính phủ vào năm 2020…

Không nằm ngoài xu thế, Việt Nam cần theo dõi để đưa ra chính sách pháp luật nhằm hạn chế rủi ro tiềm ẩn. Sự kiện ngày hôm nay do Bộ Khoa học và Công nghệ và báo VnExpress tổ chức được đánh giá là “đúng thời điểm” với những thảo luận nghiêm túc, chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia quốc tế, ý kiến của doanh nghiệp. Diễn đàn được xem là sự kiện đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của nhiều đối tác, đại diện các Chính phủ trong khu vực, các nhà sáng lập, tư vấn, và các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là diễn đàn cần thiết cho các nhà làm chính sách nhằm kết nối để thảo luận đưa ra những đề xuất kiến nghị liên quan đến Blockchain trong thời gian tới.

Nối tiếp bài phát biểu, Trưởng ban Kinh tế Trung ương mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý tham gia chương trình có thể cùng nhau chia sẻ về Blockchain, chỉ ra những ưu thế của công nghệ này đồng thời đưa ra những ý kiến để tận dụng tối đa những ưu thế của công nghệ này tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh “Những ý kiến cởi mở trong diễn đàn này sẽ là cơ sở để Chính phủ, cơ quan nhà nước có thể đưa ra những chính sách kịp thời để phát triển công nghệ Blockchain” và hy vọng “diễn đàn Blockchain sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm để mọi người có thể tìm hiểu và phát triển công nghệ chuỗi khối”.

Bộ KH&CN sẽ triển khai nhiều hoạt động phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Đây là một trong những diễn đàn đầu tiên tại Việt Nam về Blockchain và đã thu hút được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của nhiều thành phần, nhiều đối tác trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó bao gồm đại diện một số cơ quan quản lý của Việt Nam; đại diện Chính phủ một số quốc gia đã có các bước chuẩn bị và triển khai thành công công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội; các nhà sáng lập các công ty tư vấn, ứng dụng công nghệ Blockchain quốc tế; các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có mong muốn tham gia vào lĩnh vực công nghệ Blockchain.

Đây cũng được xem là một trong những kênh chính thức dành cho các cơ quan quản lý, nhà làm chính sách với mục tiêu kết nối trực tiếp các đơn vị phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ với các cơ quan quản lý để cùng nhau thảo luận, đưa ra được những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý dành cho công nghệ Blockchain, tiền điện tử, tài sản số trong thời gian tới.

Về phía Bộ KH&CN, trong thời gian sẽ triển khai các công việc có liên quan nhằm hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, bao gồm:

Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain; nghiên cứu kinh nghiệm các nước, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật phù hợp để thúc đẩy, kiểm soát công nghệ Blockchain tại Việt Nam.

Hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia, như Chương trình KH&CN về Chính phủ điện tử; Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về CMCN lần thứ Tư mà hiện nay Bộ KH&CN đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án có ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”./.

 

Sẽ chuyển đổi mã mạng thuê bao di động

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, nhiều loại hình dịch vụ viễn thông mới ra đời và phát triển. Trước đây chỉ có điện thoại cố định, chưa có điện thoại di động thì nay đã có dịch vụ di động từ 2G, 3G đến 4G và sắp tới là 5G, kết nối Internet vạn vật (IoT)… Vì vậy cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch kho số để đáp ứng xu thế phát triển lâu dài cho thị trường viễn thông, yêu cầu phát triển của nền kinh tế số: giao thông thông minh, y tế thông minh, hệ thống điện lực thông minh… phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0, tránh tình trạng thiếu kho số cho di động trong khi thừa kho số cho cố định. Với sự cần thiết đó, căn cứ Luật Viễn thông và Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011, Bộ TT&TT đã ban hành Quy hoạch kho số viễn thông kèm theo Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT ngày 22/12/2014, trong đó điều chỉnh quy hoạch mã vùng và quy hoạch mã mạng.

Việc chuyển đổi mã vùng đã hoàn thành vào tháng 8/2017, bước tiếp theo là chuyển đổi mã mạng. Vì vậy, sau khi có sự thống nhất cao của tất cả các doanh nghiệp viễn thông di động, Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi mã mạng kèm theo Quyết định số 798/QĐ-BTTTT ngày 25/5/2018. Việc điều chỉnh Quy hoạch kho số viễn thông, chuyển đổi mã vùng và chuyển đổi mã mạng như nêu trên là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nội dung chính của Kế hoạch là chuyển đổi mã mạng VSAT từ 99.2xxxxxx sang mã mạng 67.2xxxxxx và chuyển đổi mã mạng của thuê bao di động 11 số về 10 số như sau: MobiFone  từ Mã mạng cũ là  120, 121, 122, 126, 128  chuyển đổi sang  Mã mạng mới là 70, 79, 77, 76, 78;  VinaPhone  Mã mạng cũ là 123, 124, 125, 127, 129  sẽ chuyển đổi sang Mã mạng mới là 83, 84, 85, 81, 82;  Viettel  Mã mạng cũ là  162, 163, 164, 165, 166, 167, 168, 169  chuyển đổi sang Mã mạng mới là   32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39;  Vietnamobile  từ Mã mạng cũ là  186, 188  chuyển đổi sang Mã mạng mới 56, 58; Gmobile từ Mã mạng cũ là 199 chuyển đổi sang Mã mạng mới  59.

Thời gian bắt đầu chuyển đổi vào 00 giờ 00 phút ngày 15/9/2018 và kết thúc chuyển đổi vào 23 giờ 59 phút ngày 30/6/2019. Thời gian bắt đầu quay số song song vào 00 giờ 00 phút ngày 15/9/2018 và kết thúc quay số song song vào 23 giờ 59 phút ngày 14/11/2018. Thời gian bắt đầu duy trì âm thông báo vào 00 giờ 00 phút ngày 15/11/2018 và kết thúc âm thông báo vào 23 giờ 59 phút ngày 30/6/2019.

Theo đó, tất cả 10 chữ số của thuê bao di động 10 số vẫn được giữ nguyên không thay đổi. Ví dụ: muốn gọi tới số di động 10 số của VinaPhone là 091.2345678 thì trước và sau khi đổi mã mạng ta vẫn quay số 091.2345678, không có gì thay đổi. Số thuê bao (7 chữ số cuối) của thuê bao di động 11 số và của thuê bao VSAT được giữ nguyên không thay đổi, chỉ thay đổi mã mạng. Ví dụ: muốn gọi tới số di động 11 số của VinaPhone là 0123.4567890, trước khi đổi mã mạng ta quay số 0123.4567890 thì sau khi đổi mã mạng ta quay số 083.4567890. Nghĩa là chỉ thay mã mạng cũ (123) bằng mã mạng mới (83) khi quay số.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông thì có khoảng 60 triệu thuê bao di động 11 số và khoảng 700 thuê bao VSAT chịu sự tác động của Kế hoạch.

Các sản phẩm có gắn với mã mạng (ví dụ: card visit, bao bì, biển quảng cáo…), các số điện thoại lưu giữ trong điện thoại di động… chịu sự tác động của Kế hoạch. Việc chuyển đổi mã mạng là cần thiết và đem lại lợi ích lâu dài cho sự phát triển kinh tế – xã hội nhưng có tác động đến doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng. Bộ TT&TT  và các doanh nghiệp viễn thông thực hiện các biện pháp thông tin, tuyên truyền kết hợp với các biện pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa tác động, với 4 bước thực hiện như sau: Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, cơ quan quản lý viễn thông các nước, Liên minh Viễn thông Quốc tế trước thời điểm chuyển đổi khoảng 3,5 tháng; Các doanh nghiệp viễn thông triển khai việc phát tờ rơi, cung cấp thông tin cho các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông về việc chuyển đổi mã mạng; giải đáp, hỗ trợ khách hàng qua tổng đài chăm sóc khách hàng; cung cấp, hỗ trợ phần mềm cập nhật danh bạ điện thoại; Tiến hành quay số song song trong thời gian 60 ngày kể từ thời điểm bắt đầu chuyển đổi. Trong thời gian này người sử dụng quay số theo mã mạng cũ hoặc quay số theo mã mạng mới thì cuộc gọi đều thành công;  Duy trì âm thông báo trong thời gian khoảng 7,5 tháng kể từ thời điểm kết thúc việc quay số song song. Trong thời gian này các cuộc gọi quay số theo mã mạng mới được tiến hành bình thường; các cuộc gọi quay số theo mã mạng cũ sẽ nhận được âm thông báo (bằng 02 thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Anh) cho biết mã mạng đã thay đổi và hướng dẫn quay số theo mã mạng mới; Kết thúc duy trì âm thông báo: Các cuộc gọi chỉ thực hiện thành công khi người sử dụng quay số theo mã mạng mới.

Phát  biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, việc chuyển đổi mã mạng di động, Bộ TT&TT đã thực hiện đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp các cơ quan chức năng có liên quan trước khi ban hành Quy hoạch kho số viễn thông quốc gia; Quyết định “Ban hành kế hoạch chuyển đổi mã mạng”. Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan báo, đài, các doanh nghiệp cần thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc chuyển đổi này, cũng như sự phát triển lâu dài của viễn thông, CNTT và cuộc cách mạng 4.0 của Việt Nam.

Theo quyết định hiện hành về truyền thông phải thực hiện trước 60 ngày, hiện thông báo về Quyết định chuyển đổi mã mạng đã được thông báo, truyền thông trước 3 tháng (dự kiến việc chuyển đổi sẽ bắt đầu từ ngày 15/9/2018 ). Đây là thời gian các doanh nghiệp, các cơ quan báo đài cần tăng cường truyền thông, hỗ trợ các phương pháp kĩ thuật cho người dân và khách hàng một cách hiệu quả nhất, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp viễn thông như MobiFone, Viettel, Vinaphone…cam kết sẽ đảm bảo thông báo đầy đủ cho khách hàng về quá trình chuyển đổi cũng như hỗ trợ hệ thống phần mềm chuyển đổi đầu số theo mã mạng mới…

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những thành tích nổi bật về ứng dụng CNTT

Chiều ngày 5/6/2018, tại Hà Nội, Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng – Trưởng Ban dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Tham dự có bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, đại diện Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, các Cục, Vụ chức năng liên quan của Bộ TT&TT và Bộ VHTTDL.

Tại buổi họp, đại diện Bộ VHTTDL cho biết, việc cung cấp thông tin lên Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) được Bộ VHTTDL được thực hiện theo đúng quy định. 100% cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trang/cổng thông tin điện tử.

Về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Bộ VHTTDL đã công bố 89 thủ tục hành chính cấp Trung ương được đăng tải đầy đủ dưới dạng DVCTT mức độ 2 tại Cổng TTĐT của Bộ. Hầu hết các DVCTT mức độ 3, 4 có thời gian giải quyết rất ngắn. Đối với những trường hợp phải chỉnh sửa bổ sung hồ sơ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ gọi điện trao đổi, hướng dẫn cách thực hiện, hạn chế việc đi lại của người dân và doanh nghiệp.

Về ứng dụng CNTT trong nội bộ, Bộ VHTTDL hiện đã hoàn thành liên thông hệ thống quản lý văn bản 4 cấp hành chính trên trục liên thông văn bản của Văn phòng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Bộ VHTTDL. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương hoàn toàn dưới dạng điện tử chiếm 30%. Tỉ lệ giữa tổng số văn bản điện tử/tổng số văn bản giấy là 53,47%.

Đánh giá về tình hình ứng dụng CNTT của Bộ VHTTDL, đại điện Cục Tin học hóa Bộ TT&TT nhận định, Bộ VHTTDL đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ TT&TT về triển khai Chính phủ điện tử và công tác báo cáo về tình hình ứng dụng CNTT.

Đại diện Cục Tin học hóa đánh giá cao sự thăng hạng về chỉ số hiện đại hóa hành chính (trong bộ chỉ số PAR Index) của Bộ VHTTDL trong năm 2017, từ vị trí số 19 năm 2016 đã vươn lên vị trí số 8 năm 2017.

Tuy nhiên, đối với DVCTT, tỉ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến vẫn còn hạn chế. Chỉ có 4/34 DVCTT mức độ 3 và 03/04 DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến, chiếm 18,4%. Ngoài ra, do một số khó khăn về kinh phí, Bộ VHTTDL chưa ban hành được kiến trúc chính phủ điện tử.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, ông đánh giá cao nỗ lực ứng dụng CNTT của Bộ VHTTDL với những bước tiến vượt bậc trong chỉ số về hiện đại hóa hành chính trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ (PAR Index 2017).

Liên quan đến các DVCTT có số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh còn hạn chế, Thứ trưởng lưu ý Bộ VHTTDL cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao người dân, doanh nghiệp ít sử dụng dịch vụ này, do khả năng sử dụng CNTT của người dân, DN chưa cao hay do việc sử dụng dịch vụ này không thuận lợi. Từ đó đưa ra các biện pháp “kích cầu” sử dụng các DVCTT này.

Bộ VHTTDL cần khẩn trương ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Đây là vấn đề quan trọng vì giúp tăng cường sự kết nối, liên thông và góp phần giảm chi phí đầu tư, Thứ trưởng lưu ý.

 

Thương hiệu ICT Việt Nam góp mặt tại CommunicAsia 2018

Sáng ngày 26/6/2018, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Marina Bay Sands, Singapore, đã diễn ra lễ khai mạc  CommunicAsia 2018 – sự kiện quan trọng và có quy mô lớn nhất khu vực Châu Á trong lĩnh vực CNTT-TT. Việt Nam tiếp tục hành trình tại CommunicAsia với Khu trưng bày quốc gia Việt Nam giới thiệu tới các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới những sản phẩm công nghệ số và dịch vụ viễn thông nổi bật.

Với chủ đề “Kết nối Tương lai”,CommunicAsia thu hút hơn 30.000 khách thăm quan và khoảng 2.000 doanh nghiệp từ hơn 50 quốc gia. Năm 2018, CommunicAsia tiếp tục là sự kiện lớn nhất Châu Á trình diễn các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ viễn thông, tập trung vào các xu hướng công nghệ về 5G/SDN/NFV/Small Cells, Broadband, FTTX/Photonics/Fibre Communications, Satcomm và Connect Everywhere.

Khu trưng bày quốc gia Việt Nam (Viet Nam Pavilion), trên khuôn viên diện tích 100mtại BM2-01,Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Marina Bay Sands do Bộ TT&TT tổ chức với sự tham gia của Hội Tin học Việt Nam và các doanh nghiệp viễn thông với các tên tuổi như VNPT, Mobifone và MQ ICT Solutions. Viet Nam Pavilion giới thiệu đến khách tham quan các sản phẩm, dịch vụ viễn thông và công nghệ số tiên tiến nhất được nghiên cứu, tích hợp và phát triển bởi các kỹ sư Việt Nam. Trong những năm gần đây, Viet Nam Pavilion liên tục mang đến CommunicAsia các thương hiệu Việt uy tín, quảng bá hình ảnh ICT Việt Nam ra thế giới, giới thiệu các chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tìm kiếm đối tác thương mại và xúc tiến đầu tư tại các thị trường quốc tế.

Bám sát chủ đề triển lãm và liên tục cập nhật các công nghệ mới nhất, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và các công ty thành viên mang đến CommunicAsia 2018 các sản phẩm công nghệ, nền tảng và giải pháp mới nhất bao gồm: GPON ONT, Modem ADSL, Wifi router, Smartphone, Set-Top Box, các giải pháp IoT: Quản lý đô thị thông minh, Du lịch thông minh, Y tế thông minh, Giám sát môi trường, Nông nghiệp thông minh, Giao thông thông minh… dựa trên nền tảng IoT Smart Connected Platform (SCP) do VNPT Technology – thành viên của Tập đoàn VNPT - nghiên cứu phát triển. Đây cũng chính là nền tảng giúp VNPT Technology giành được Cúp Vàng Stevie Awards Châu Á – Thái Bình Dương 2018 về đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghệ.

Tổng công ty Viễn thông MobiFone giới thiệu đến đối tác, khách hàng quốc tế 4 giải pháp CNTT gồm: Giải pháp Giám sát hành trình nhân viên mTracker, Giải pháp Quản lý kênh phân phối mSale, Hệ thống Truyền thông cơ sở thế hệ mới và Hệ thống quản lý, điều khiển tự động cho nhà trạm viễn thông ứng dụng M2M, IoT. Các giải pháp được giới thiệu đều tận dụng tối đa nền tảng viễn thông di động và  được xây dựng dựa trên sự tập trung vào thế hệ dịch vụ thông minh trên nền tảng dữ liệu lớn, IoT, trí tuệ nhân tạo và tự động hoá.

MQ ICT Solutions giới thiệu dịch vụ gia công phần mềm chất lượng cao, giá thành hợp lý không chỉ trong những lĩnh vực như tài chính, hệ thống quản lý sản xuất, giải pháp doanh nghiệp mà còn trong các lĩnh vực công nghệ cao như: AI, Blockchain, IoT.

Bên cạnh BroadcastAsia và NXTAsia, CommunicAsia, diễn ra trong 3 ngày từ 26-28/6/2018 là 1 trong 3 triển lãm của sự kiện công nghệ có tên ConnecTechAsia, nơi hội tụ công nghệ của các lĩnh vực viễn thông, phát thanh truyền hình và công nghệ mới.

Trong thời gian tham gia CommunicAsia2018, đoàn Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư – thương mại với gian hàng quốc gia và doanh nghiệp các nước tham dự sự kiện như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á…

 

Đề xuất sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu

Cấm nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng gồm: Máy tính và các máy ghi, tái tạo và hiển thị dữ liệu loại bỏ túi có chức năng tính toán; máy kế toán, máy đóng dấu bưu phí, máy bán vé và các loại máy tương tự, có gắn bộ phận tính toán; máy tính tiền.

Đây là đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông tại dự thảo Thông tư ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.

Theo dự thảo, danh mục cấm nhập khẩu được bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình phát triển và các quy định khác của pháp luật theo từng thời kì.

Linh kiện, phụ tùng, cụm linh kiện, phụ kiện đã qua sử dụng của các loại sản phẩm thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cũng bị cấm nhập khẩu.

Sản phẩm công nghệ thông tin tân trang là sản phẩm đã qua sử dụng được sửa chữa, thay thế linh kiện và các công đoạn khác để phục hồi chức năng, hình thức tương đương sản phẩm mới; có nhãn hiệu bằng tiếng Việt ghi rõ sản phẩm tân trang, hoặc bằng tiếng nước ngoài có ý nghĩa tương đương; có chế độ bảo hành như sản phẩm mới. Việc nhập khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin tân trang áp dụng quy định như đối với sản phẩm đã qua sử dụng tại Thông tư này.

Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu gồm: Máy xử lý dữ liệu tự động và các khối chức năng của chúng; đầu đọc từ tính hay đầu đọc quang học, máy truyền dữ liệu lên các phương tiện truyền dữ liệu dưới dạng mã hóa và máy xử lý những dữ liệu này, chưa được chi tiết hay ghi ở nơi khác.

Micro và giá đỡ micro; loa, đã hoặc chưa lắp ráp vào trong vỏ loa; tai nghe có khung chụp qua đầu và tai nghe không có khung chụp qua đầu, có hoặc không ghép nối với một micro, và các bộ gồm có một micro và một hoặc nhiều loa; thiết bị điện khuếch đại âm tần; bộ tăng âm điện.

Thiết bị phát dùng cho phát thanh sóng vô tuyến hoặc truyền hình, có hoặc không gắn với thiết bị thu hoặc ghi hoặc tái tạo âm thanh; camera truyền hình, camera kỹ thuật số và camera ghi hình ảnh.

Ra đa, các thiết bị dẫn đường bằng sóng vô tuyến và các thiết bị điều khiển từ xa bằng vô tuyến; Màn hình và máy chiếu, không gắn với thiết bị thu dùng trong truyền hình; thiết bị thu dùng trong truyền hình, có hoặc không gắn với máy thu thanh sóng vô tuyến hoặc thiết bị ghi hoặc tái tạo âm thanh hoặc hình ảnh…

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ./.

 

Ra mắt “Hệ thống phân tích và chia sẻ nguy cơ tấn công mạng Việt Nam”

Tại buổi lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã chính thức bấm nút khai trương hệ thống trước sự chứng kiến của đông đảo khách tham dự đến từ các cơ quan nhà nước, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại cổ phần và một số cơ quan có liên quan trong lĩnh vực điều khiển công nghiệp (SCADA/ICS) và tài chính – ngân hàng.

“Hệ thống phân tích và chia sẻ nguy cơ tấn công mạng Việt Nam” là hệ thống cho phép thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin trực tiếp về dấu hiệu, nguy cơ và cuộc tấn công mạng đang xảy ra trên hệ thống của các cơ quan, đơn vị. Mục tiêu của hệ thống nhằm tăng cường việc kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác nhau về các mối nguy cơ tấn công mạng đang diễn ra liên tục. Các thông tin này được chia sẻ trực tuyến tại địa chỉ: https://ti.khonggianmang.vn .

Khi truy cập vào hệ thống, các cơ quan, đơn vị sẽ được chia sẻ các thông tin theo thời gian thực về: các dấu hiệu, hình thức tấn công mạng trên hệ thống thông tin của mình được Cục An toàn thông tin tổng hợp, phân tích và xử lý từ nhiều tổ chức trên thế giới; danh sách cập nhật các địa chỉ IP, máy chủ C&C, và các mạng botnet, APT tại Việt Nam; danh sách cập nhật các mẫu mã độc (mã hash, tên mã độc, báo cáo phân tích) trên thế giới và Việt Nam; thông tin cập nhật về các lỗ hổng, hiểm yếu bảo mật mới đối với các ứng dụng, các hệ thống CNTT; các thông tin cập nhật liên tục về tình tình an toàn thông tin của Việt Nam và thế giới.

Điểm mới của hệ thống bên cạnh cung cấp thông tin bị động thì hệ thống cũng cho phép các cơ quan, đơn vị có thể cung cấp thông tin về các hệ thống public như (Dải IP, domain ứng dụng…) để truy vấn ngược liên tục để xác định có các tấn công vào các hệ thống của tổ chức mình trong hệ thống dữ liệu tập trung hay không. Ngoài ra các tổ chức cũng có thể tra cứu dữ liệu đã bị rò rỉ liên quan đến cơ quan tổ chức trên không gian mạng./.

 

Việt Nam vô địch ABU Robocon 2018

Chiều 26/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và trao giải cuộc thi sáng tạo robot Châu Á – Thái Bình Dương năm 2018 (ABU Robocon 2018), tổ chức tại Ninh Bình.

Đây là lần thứ ba kỳ thi ABU Robocon tổ chức tại Việt Nam. Trước đó vào các năm ABU Robocon 2007 có chủ đề “Khám phá vịnh Hạ Long”, ABU Robocon 2013 có chủ đề “Hành tinh xanh”. Các kỳ ABU Robocon luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là sự cổ vũ, “tiếp lửa” của các bạn sinh viên cũng như những người đam mê công nghệ. Năm nay, ABU Robocon 2018 được xây dựng dựa trên một trò chơi dân gian quen thuộc của Việt Nam mang tên “Ném còn”.

Đây là trò chơi quen thuộc của nhiều dân tộc, từ người Thái, Mông, Tày, Nùng cho đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự phổ cập của trò ném còn, đặc biệt vào các dịp lễ Tết giúp nó trở thành nét văn hóa độc đáo của Việt Nam. Những đội tuyển xuất sắc nhất đại diện cho 18 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia ABU Robocon 2018 phải giải quyết bài toán thiết kế cánh tay robot để quay lấy đà ném còn từ dây chứ không được bắn từ quả. Quả còn do sinh viên tự làm, nặng từ 60-100g, góp phần thể hiện dấu ấn riêng của mỗi đội. ABU Robocon 2018 có 19 đội tuyển đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực,  được chia làm 6 bảng, thi đấu chọn ra 6 đội Nhất bảng và 2 đội Nhì bảng có thành tích cao nhất để thi đấu các trận tứ kết, bán kết và chung kết.

Sau nhiều trận đấu quyết liệt, gay cấn, hai đội tuyển Việt Nam 2 và Trung Quốc đã bước vào trận chung kết rất kịch tính với màn đua tốc độ giữa robot của 2 đội. Ở khoảnh khắc quyết định, đội Trung Quốc thực hiện pha ném còn trượt mục tiêu trong khi Việt Nam 2 ném sau nhưng chính xác để giành chiến thắng Rồng bay nghẹt thở ở giây thứ 16 làm nổ tung Nhà thi đấu tỉnh Ninh Bình.

Kết quả cuối cùng đội Việt Nam 2 giành chức vô địch, đội Trung Quốc đoạt giải Nhì; đồng giải Ba được trao cho 2 đội: Nhật Bản và Campuchia.

Ban tổ chức còn trao nhiều giải thưởng phụ như: Giải thiết kế hiệu quả; Giải giải pháp kỹ thuật tốt nhất; Giải quả còn ấn tượng nhất.

Đây cũng là lần đầu tiên một đội Robocon của Việt Nam vô địch trên sân nhà sau 3 lần đăng cai tổ chức và lần thứ 7 đăng quang ở đấu trường này.

Mông Cổ sẽ là quốc gia đăng cai tổ chức ABU Robocon 2019.

 

 
Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″.

Mục tiêu chung là phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương; xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường…

Cụ thể, Đề án phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); phát triển ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo lường các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 10.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 50.000 doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá quốc gia ít nhất 1000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường…

Tới năm 2030, Đề án phấn đấu phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo lường các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 20.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 100.000 doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá quốc gia ít nhất 2000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường…

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Đề án sẽ tiến hành đổi mới, sửa đổi chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa…

Theo đó, trách nhiệm các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình:

- Căn cứ chức năng nhiệm vụ, nhu cầu và điều kiện phát triển hoạt động đo lường của ngành, chủ trì, đề xuất và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và phê duyệt các nhiệm vụ thuộc Đề án trong phạm vi quản lý nhà nước theo thẩm quyền và quy định của pháp luật liên quan;

- Chủ trì, phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện việc bảo đảm đo lường chính xác trong doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về đo lường của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu;

- Huy động, bố trí các nguồn kinh phí phù hợp để triển khai các nội dung của Đề án.

 

 
Thúc đẩy ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải gương mẫu, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại Bộ, ngành, địa phương mình; chỉ đạo tổ chức triển khai nghiêm túc và hiệu quả Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Bộ Nội vụ khẩn trương ban hành Thông tư quy định quản lý văn bản đi, văn bản đến và lập hồ sơ, tài liệu điện tử và Thông tư quy định tiêu chuẩn dữ liệu đầu vào của tài liệu lưu trữ điện tử trong quý IV năm 201.

Đồng thời, Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung tiêu chí trong đánh giá chỉ số cải cách hành chính (Par Index) bảo đảm tăng cường gắn kết cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai có hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam cập nhật (phiên bản 2.0) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 232/TB-VPCP ngày 28/6/2018 của Văn phòng Chính phủ trong tháng 11/2018; khẩn trương trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về định danh điện tử cho cá nhân và tổ chức và Nghị định về chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức trong tháng 10/2018.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn về cơ chế tài chính cho phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử để hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trong tháng 10/2018.

Đẩy nhanh thời điểm công bố báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước định kỳ hàng năm chậm nhất trong quý I năm tiếp theo.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan chính phủ, xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả hơn, thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, các chương trình về cải cách hành chính của đất nước.

 

 
Quy chuẩn Quốc gia về bến xe khách sửa đổi 1:2015 QCVN 45:2012

Theo quy định tại Quy chuẩn Quốc gia về bến xe khách sửa đổi 1:2015 QCVN 45:2012, chậm nhất trước 31/12/2018, các bến xe khách phải áp dụng phần mềm quản lý, lắp camera giám sát, truyền dữ liệu về máy chủ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản số 4937/TCĐBVN-VT đôn đốc thực hiện Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về bến xe khách sửa đổi 1:2015 QCVN 45:2012 và truyền dữ liệu quản lý bến xe khách về Tổng cục.

Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến, hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe khách trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về bến xe khách (sửa đổi 1:2015 QCVN 45:2012), trong đó có nội dung về áp dụng phần mềm quản lý bến xe, hệ thống camera giám sát và kết nối, truyền dẫn dữ liệu về Tổng cục theo quy định.

Các Sở GTVT địa phương cần có văn bản yêu cầu các bến xe khách trên địa bàn thực hiện việc truyền dữ liệu về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (http://benxe.goc.vn) theo định dạng và giao cách thức truyền dữ liệu đã hướng dẫn. Thời gian hoàn thành các công việc để truyền dẫn dữ liệu về máy chủ của Tổng cục phải được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2018.

Đối với các bến xe đã có phần mềm nhưng không truyền dẫn được dữ liệu, đề nghị có kế hoạch điều chỉnh hoặc xây dựng phần mềm thay thế đảm bảo đồng bộ dữ liệu và thực hiện kết nối, truyền dẫn dữ liệu về Tổng cục theo chuẩn dữ liệu và tiêu chuẩn kết nối được quy định.

Các bến xe có yêu cầu xây dựng phần mềm quản lý bến xe mới hoặc cần hỗ trợ điều chỉnh phần mềm hoặc kết nối dữ liệu, thực hiện việc đăng ký với Sở GTVT địa phương hoặc Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để được hướng dẫn, hỗ trợ.

 

 
Dịch vụ công trực tuyến mức 4 đối với thủ tục xuất – nhập khẩu hàng hóa

Đến năm 2020, tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2018, ngoài 53 thủ tục hành chính đã kết nối qua cơ chế một cửa quốc gia, các Bộ, ngành phải hoàn thành việc kết nối 143 thủ tục hành chính đã đăng ký; đồng thời, tham gia và triển khai đầy đủ cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tất cả các Bộ, cơ quan Chính phủ liên quan trực tiếp và gián tiếp sử dụng thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh được kết nối và chia sẻ thông tin quản lý nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Trên là mục tiêu, giải pháp triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN trong Thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thúc đẩy phát triển cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một của ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK

Về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Thủ tướng yêu cầu cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo nguyên tắc chỉ kiểm tra tại cửa khẩu đối với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, phải kiểm dịch hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch, công khai phương pháp, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch hành động trên đây để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại; chấm dứt việc ban hành danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành để khắc phục ngay tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong kiểm tra chuyên ngành và tình trạng một mặt hàng cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức quản lý, kiểm tra; không để kiểm tra chuyên ngành làm hạn chế thương mại, lưu thông hàng hóa.

Cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Trong năm năm 2018, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp với Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một của ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, giám sát việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại tại địa phương mình.

Ủy ban 1899, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy kết quả bước đầu đạt được thời gian qua, khắc phục các tồn tại, khó khăn, nhân rộng mô hình tốt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đề ra để góp phần vào việc xây dựng Việt Nam là nước thực thi tốt các cam kết quốc tế và có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới, việc cải cách mang tính đột phá, sâu rộng, hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại có ý nghĩa rất quan trọng góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, nâng cao xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam bằng mức trung bình của các nước ASEAN4 và hướng tới nhóm các nước OECD, tạo động lực góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.

 

 
Thủ tướng: Xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ giữa CCHC với ứng dụng CNTT

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số thành viên Ủy ban Quốc gia ứng dụng công nghệ thông tin về xây dựng Chính phủ điện tử.

Thông báo kết luận nêu rõ, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử như xây dựng và đưa vào vận hành một số cơ sở dữ liệu như Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; đang triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội…; một số Bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức; chất lượng nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam cũng được nâng cao.

Tuy nhiên, có thể thấy còn nhiều nội dung triển khai Chính phủ điện tử chưa được như mong đợi, như còn thiếu các văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, còn rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ.

Để việc triển khai Chính phủ điện tử hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhận thức đây là giải pháp cốt lõi để nâng cao năng suất lao động, thực hiện cải cách, đặc biệt là cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công, phát triển kinh tế, quản lý xã hội và phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từng thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đều phải vào cuộc, có sự thay đổi trong nhận thức và hành động, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, phải “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”. Xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin ở mọi cấp, mọi ngành, trong đó công nghệ thông tin là công cụ để thực hiện mục tiêu cải cách.

Thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký giúp Chủ tịch Ủy ban theo dõi, đôn đốc, điều phối hoạt động của Ủy ban. Văn phòng Chính phủ là cơ quan đầu mối xây dựng Chính phủ điện tử. Định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện.

Ủy ban có Tổ công tác giúp việc kiêm nhiệm, gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các chuyên gia Chính phủ điện tử trong nước và quốc tế đến từ các Tập đoàn nhà nước và khối tư nhân. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ là đơn vị thường trực của Tổ công tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Chính phủ dự thảo Quyết định thành lập và Quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2018.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ ngành có liên quan xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025; trình Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử cho ý kiến hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2018.

Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trong tháng 6 năm 2018, trong đó chú trọng giải pháp Cổng dịch vụ công quốc gia kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các Bộ, ngành, địa phương để tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng cung cấp và giám sát thực hiện dịch vụ hành chính công cho công dân, doanh nghiệp.

Đồng thời nghiên cứu, xây dựng Đề án thiết lập Hệ thống thông tin Chính phủ không giấy tờ phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để rút ngắn thời gian họp, giảm giấy tờ hành chính; trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2018.

Xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử mới

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP và Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong đầu tư công nghệ thông tin và thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử; xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử mới (phiên bản 2.0) hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn mới.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các nghị định về định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức; chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, trình Chính phủ trong năm 2019.

Các Bộ, ngành đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia để chia sẻ thông tin, trong đó chú trọng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP; chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Nội vụ đẩy mạnh việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành phải là những cơ quan đi đầu trong thực hiện giải pháp “không giấy tờ”.

 

 
Bộ VHTTDL yêu cầu kiểm tra rà soát kinh doanh hoạt động thể thao

Ngày 7/8, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng cục Du lịch về việc kiểm tra, rà soát kinh doanh hoạt động thể thao.

Theo đó, văn bản số 3528/BVHTTDL-VP do ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ thừa lệnh Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ký, nêu rõ: hiện nay, các khu du lịch ven biển trên địa bàn cả nước đang đón lượng du khách lớn.

Nhằm đảm bảo an toàn do khách du lịch đối với các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, Bộ VHTTDL yêu cầu Tổng cục Thể dục thể thao chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch chỉ đạo các Sở VHTT, Sở VHTTDL, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh, hoạt đông thể thao; Thông tư số 06/2018/TT-BVHTTDL ngày 30/01/2018 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn dù lượn và môn diều bay, Thông tư số 17/2018/TT-BVHTTDL ngày 16/3/2018 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn mô tô nước trên biển.

Văn bản yêu cầu hai đơn vị trên báo cáo Lãnh đạo Bộ trước ngày 20/8./.

 

 
Khai mạc lớp tập huấn công tác bảo vệ môi trường tại Gia Lai

Ngày 09/8/2018, Lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018 tại thành phố Pleiku đã được khai mạc.

Lớp tập huấn là nhiệm vụ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trường Quản lý cán bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại tỉnh Gia Lai tổ chức.

Tới dự lớp tập huấn, về phía Bộ VHTTDL, có đ/c Từ Mạnh Lương – Vụ trưởng Vụ KHCNMT; đ/c Phạm Quế Anh, Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch; về phía tỉnh Gia Lai có đ/c Phan Xuân Vũ – Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch.

Tham gia lớp tập huấn có gần 150 học viên là cán bộ cơ sở, các ban quản lý di tích, ban quản lý khu/điểm du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ… trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Phát biểu Khai mạc lớp tập huấn, đ/c Phạm Quế Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đây là lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, là hoạt động thường niên của Bộ nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường công tác quản lý bảo vệ  môi trường nói chung, bảo vệ môi trường văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, tạo cơ hội để các cán bộ văn hóa, thể thao và du lịch gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, những giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường văn hóa, thể thao và du lịch giữa các địa phương trong tỉnh.

Đồng chí nhấn mạnh “Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi với những thác nước hùng vĩ, những rừng nguyên sinh  … đây là tài nguyên quý giá giúp cân bằng hệ sinh thái, đồng thời góp phần phát triển du lịch”

Du lịch Gia Lai đang phát triển mạnh mẽ, nhưng đã bộc lộ những mặt trái trong đó có ô nhiễm môi trường do ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận khách du lịch và người dân chưa cao.

“Lớp tập huấn bảo vệ môi trường lần này là góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng, làm cho Gia Lai khu vực có môi trường xanh – sạch – đẹp hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước”.

Tại lớp tập huấn, các học viên được truyền đạt, giới thiệu những kiến thức cơ bản gồm 6 chuyên đề chính: tổng quan về môi trường và quy định chung của pháp luật về BVMT; công tác BVMT và các văn bản của Bộ VHTTDL về BVMT trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện quy định pháp luật về BVMT đối với hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; các quy định của địa phương về công tác BVMT; thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương; kinh nghiệm công tác BVMT trong hoạt động VHTTDL từ thực tiễn của địa phương. Dịp này, Ban Tổ chức lớp tổ chức cho các học viên khảo sát thực tế tại một số điểm là điển hình làm tốt công tác BVMT trong lĩnh vực VHTTDL trên địa bàn tỉnh.

Lớp tập huấn kéo dài trong 02 ngày, kết thúc Lớp học, các học viên viết bài thu hoạch, trên cơ sở đó, Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn.

 

 
Kinh tế nền tảng và sự “lột xác” của ngành du lịch, vận tải

Mô hình kinh tế nền tảng, tiêu biểu là các sàn giao dịch trực tuyến phổ biến như: AirBnB, Uber, Grab, GoNow… Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam còn đang “lúng túng” trong chính sách cũng như trong xây dựng quy định liên quan đến mô hình kinh tế khá mới mẻ này.

Kinh tế nền tảng và sự “lột xác” của ngành du lịch, vận tải

Chuyên gia kinh tế PGS. TS. Ngô Trí Long cho biết, trên thế giới có 2 nền tảng nổi tiếng hoạt động như một sàn giao dịch trực tuyến kết nối thuê nhà tư nhân, đó là HomeAway (thành lập năm 2005) và AirBnb (2009). Nếu như HomeAway cung cấp kết nối cho hơn 2 triệu nhà nghỉ dưỡng và hoạt động tại 190 quốc gia thì AirBnb hoạt động tại 119 quốc gia với hệ thống phòng trên 5 triệu tài sản tại 81.000 thành phố.

“Các nền tảng này không sở hữu, thuê, quản lý hay kiểm soát bất kỳ tài sản nào mà nhiệm vụ chỉ là đăng tin về phòng trống, xử lý khâu thanh toán, mua bảo hiểm hư hỏng tài sản cho chủ nhà. Công ty sẽ thu phí 9-12% giá trị của mỗi lệnh đặt phòng”, TS. Ngô Trí Long cho hay.

Mô hình kết nối này cũng đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015 với khoảng 1.000 phòng, đến nay số phòng nghỉ niêm yết trên AirBnb đã lên tới hơn 16.000 phòng.

Tuy nhiên, TS. Ngô Trí Long cũng phải thừa nhận, sự có mặt của AirBnb đã gây xáo trộn trên 2 thị trường là thị trường lưu trú ngắn hạn (gồm nhà nghỉ, khách sạn) và thị trường cho thuê nhà dài hạn. Nguyên nhân bởi các chủ nhà cho thuê trên AirBnb không phải chịu những quy định kinh doanh khách sạn ngặt nghèo và lợi nhuận cho thuê phòng ngắn hạn cao hơn rất nhiều so với cho thuê dài hạn.

Ngành vận tải và giao nhận hàng hoá cũng chứng kiến sự “lột xác” ngoạn mục khi xuất hiện Uber (hiện đã rút khỏi Việt Nam); Grab, VATO, T.NET, Emddi (đặt xe trực tuyến), GoNow (sàn giao dịch vận tải hành khách); Dichung.vn (kết nối đi chung xe), Now.vn (giao nhận thức ăn), Vexere (so sánh giá và đặt vé xe)…

TS. Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật kinh tế (Viện Nhà nước và pháp luật) cho rằng, các dịch vụ mới trên nền tảng số liên tục được phát triển với sự tối ưu về chi phí giao dịch không chỉ mang lại những trải nghiệm mới cho người tiêu dùng mà còn tạo ra hàng loạt hệ quả tích cực như: Giá cả rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, cách thức giải quyết tranh chấp đơn giản hơn, các nguồn lực nhàn rỗi được tận dụng và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội.

Ngoài ra, nó còn tạo ra áp lực cần thiết để các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống phải đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ quản lý để tiết kiệm chi phí nhằm giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.

Cần phối hợp liên ngành khi soạn thảo chính sách

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, gần đây, vấn đề về nền tảng trở nên rất nóng hổi trong 2 lĩnh vực dịch vụ vận tải (Uber, Grab), và lưu trú (AirBnB). Đây là vấn đề được tranh cãi rất nhiều, rằng họ là các đơn vị cung cấp nền tảng hay là đơn vị cung cấp dịch vụ (vận tải, lưu trú).

“Trong lĩnh vực thương mại điện tử, đơn vị cung cấp sàn thương mại điện tử, nền tảng phải tuân thủ nghĩa vụ chung trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Nghị định 52 dành cả một Chương để điều chỉnh các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (bao gồm dịch vụ sàn đấu giá, sàn giao dịch thương mại điện tử, giảm giá) trên nền tảng công nghệ thông tin – đó chính là các nền tảng/platform thương mại điện tử. Trong đó, cũng phân định rõ quyền và trách nhiệm của các đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử, các nền tảng, và quyền và trách nhiệm của các đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ trên các nền tảng đó”, bà Lại Việt Anh cho biết.

Tuy nhiên, về cách tiếp cận của Nhà nước trong việc điều chỉnh các đối tượng có thể tham gia thị trường nền tảng, bà Lại Việt Anh đặt câu hỏi: “Có nên áp dụng những khuôn khổ pháp lý cũ về kinh doanh cho các đối tượng kinh doanh đó không? Liệu có nên yêu cầu tất cả các thành phần kinh doanh tuân thủ các điều kiện, quy định hiện hành không, hay nên vì sự phát triển của kinh tế nền tảng, mà “mở” cho các đối tượng đó tham gia kinh tế nền tảng?”.

Còn PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, trong xu hướng hiện nay, một nền tảng sẽ cung cấp kết nối cho nhiều ngành, thay vì chỉ trong lĩnh vực vận tải hay giao nhận, hàng, thực phẩm, dược phẩm…

“Nếu tất cả các ngành đều coi một nền tảng thuộc về lĩnh vực của mình thì ngày mai khi xuất hiện một nền tảng mới chúng ta sẽ lại phải mất tới 2-3 năm nữa để tranh cãi, loay hoay tìm câu trả lời”, ông Long nhận định.

Thêm vào đó, TS. Long cho rằng, không nên biến nền tảng thành một kênh liên lạc đơn thuần bằng việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh.

Lấy dẫn chứng trong lĩnh vực vận tải, TS. Ngô Trí Long cho biết, trong dự thảo Nghị định 86 mới về quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Bộ GTVT có quy định “dịch vụ tham gia vào điều hành xe và quyết định giá sẽ là kinh doanh vận tải” là trái với Luật Giao thông đường bộ, bên cạnh đó còn hạn chế số lượng hợp đồng với mỗi xe hợp đồng, như vậy là hạn chế nền kinh tế chia sẻ.

TS. Ngô Vĩnh Bạch Dương thì nêu quan điểm: “Các doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện tất cả các công đoạn của một chuỗi cung ứng dịch vụ, mà có thể lựa chọn một hoặc một số các công đoạn để đầu tư. Đây cũng chính là lý do để kinh tế nền tảng có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua trên phạm vi toàn cầu”.

Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng, Nhà nước cần chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ các đối tác yếu thế trong giao dịch.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần có quan điểm nhất quán, thống nhất và rõ ràng về mô hình kinh tế nền tảng. Đồng thời, cần có tầm nhìn bao quát cũng như có cơ chế phối hợp liên ngành tốt hơn khi soạn thảo chính sách liên quan đến kinh tế nền tảng. Việc ban hành chính sách rời rạc theo từng ngành, thậm chí thiếu nhất quán sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.

 

 
Hồ sơ, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng cho ươm tạo công nghệ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 30/2018/QĐ-TTg quy định trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư.

Trong đó, hồ sơ đề nghị xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ gồm:

1- Văn bản đề nghị xác nhận.

2- Thuyết minh về hàng hóa thuộc Danh mục hoặc đáp ứng tiêu chí theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoặc đổi mới công nghệ.

3- Hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng ủy thác (bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu) hoặc các tài liệu khác liên quan để xác định giao dịch mua bán, nhập khẩu.

4- Ngoài các tài liệu trên, tổ chức, cá nhân đề nghị xác nhận nộp các giấy tờ sau:

- Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu): Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu có).

- Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ (đối với trường hợp đề nghị xác nhận hàng hóa là máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ).

- Danh mục máy móc, thiết bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc dự án đầu tư đổi mới công nghệ (đối với trường hợp đề nghị xác nhận hàng hóa là máy móc, thiết bị chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho đổi mới công nghệ).

Quyết định cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Theo đó, tổ chức, cá nhân lập 1 bộ hồ sơ theo quy định nêu trên gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về UBND tỉnh, thành phố nơi có dự án, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoặc về bộ chủ quản dự án, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ (trong trường hợp có bộ chủ quản).

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ và thông báo cho tổ chức, cá nhân nếu hồ sơ không hợp lệ, cần bổ sung hoặc sửa đổi.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân trong đó xác định rõ danh mục hàng hóa sử dụng trực tiếp cho phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; trường hợp từ chối xác nhận phải có văn bản nêu rõ lý do. Cơ quan có thẩm quyền có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân về việc gia hạn thời gian trả lời trong trường hợp phải thẩm tra hồ sơ theo quy định.

Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền tổ chức hội đồng để thẩm tra hồ sơ trước khi có văn bản trả lời. Thời gian thẩm tra và trả lời không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp từ chối xác nhận phải có văn bản nêu rõ lý do.

 

 
Chính sách của Bộ VHTTDL về thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ

Ngày 18/7/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút và tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mục đích của Kế hoạch này là quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nội dung chinh sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đến các cơ sở giáo dục thuộc Bộ VHTTDL tạo động lực cho học sinh, sinh viên, cán bộ khoa học trẻ học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lý tưởng đạo đức cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Từ đó xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bộ VHTTDL trong việc thực hiện chính sách thu hút và tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Theo Kế hoạch này, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Chính sách sẽ do Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì thực hiện, phối hợp với: Vụ Đào tạo, Văn phòng Bộ, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trung tâm CNTT, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan.

Đối với nhiệm vụ phát hiện, tổng hợp danh sách sinh viên thuộc đối tượng thu hút đang học tại các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ sẽ được Vụ Đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trung tâm CNTT, Cục Hợp tác quốc tế, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan.

Việc Đánh giá tình hình thực hiện quy trình phát hiện, theo dõi sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ tại các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước sẽ do Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với Vụ Đào tạo, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,..

 

 
Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật”

Tháng 6 năm 2018, tại tỉnh Thừa Thiên -Huế, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội thảo khoa học “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật”.

Ban Tổ chức Hội thảo đã tập hợp thành cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học với 49 tham luận của các nhà khoa học hàng đầu của ngành văn hoá như GS. TS. Nguyễn Chí Bền, GS. TS. Trương Quốc Bình, GS. TS. Bùi Quang Thanh, GS. TS. Lê Thị Hoài Phương, GS. TS. Chu Hảo, GS. TS. Đào Mạnh Hùng, Chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Lãnh đạo Cục Di sản văn hoá, Cục Điện ảnh, Cục Hợp tác quốc tế, Vụ Thư viện, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, Sở Văn hoá, Thể thao, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch một số tỉnh, thành phố…

Toàn văn Kỷ yếu hội thảo và Mục lục ở đây >>> 

 

 
Năm 2018-2019, 20 DVC trực tuyến lĩnh vực VHTTDL được cung cấp ở mức độ 3, 4

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định sô 877/QĐ-TTg  ngày 18/07/2018 về Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018 – 2019. Theo đó năm 2018 – 2019, lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 20 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3, 4. Trong đó 10 dịch vụ công trực tuyến sẽ được cung cấp ở Trung ương (Bộ VHTTDL), 10 dịch vụ công trực tuyến  cung cấp ở địa phương.

Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cung cấp 10 dịch vụ công trực tuyến trong đó 02 dịch vụ công cung cấp ở mức độ 3 và 08 dịch vụ công cung cấp ở mức độ 4.  Hầu hết các dịch vụ công này ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, bản quyền tác giả, điện ảnh.

Các địa phương thực hiện 10 dịch vụ công trực tuyến trong đó có Lĩnh vực văn hóa có 04 dịch vụ công sẽ được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; Lĩnh vực du lịch sẽ có 06 dịch vụ công trực tuyến trong đó có 4 dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 4 gồm: Cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế; Cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa; Cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Theo Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011  của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước:

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng./.

 

 
Hội thảo về sản phẩm chủ lực của ngành trong xu thế CMCN lần thứ 4

Ngày 25 tháng 7 năm 2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng sản phẩm chủ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, chủ đề Hội thảo khoa học này đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 13/7/2018. Hội thảo với sự tham dự của Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại khu vực phía Nam, TS. Từ Mạnh Lương Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, TS. Từ Mạnh Lương đã tóm tắt một số nội dung và kết quả trao đổi thảo luận của Hội thảo đã tổ chức tại Hà Nội  và phát biểu đề dẫn với các nội dung chính cần được thảo luận tại Hội thảo như: (1) Cách hiểu về “sản phẩm chủ lực của ngành” phải có tác động lớn đến ngành hoặc phạm vi, lãnh thổ, ngoài ra cũng có sản phẩm chủ lực cũng có thể mang tính chất nội bộ của Bộ, của đơn vị và có thể triển khai theo hình thức đề tài khoa học cấp bộ; (2) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có sự chuẩn bị để kịp tổng hợp gửi Bộ Khoa học và Công nghệ nhu cầu xây dựng sản phẩm chủ lực; (3) Dự kiến một số nội dung Bộ VHTTDL sẽ đăng ký Bộ KHCN tổng hợp báo cáo Chính phủ để được đưa vào chương trình hành động trên phạm vi quốc gia.

Tại hội thảo, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cũng đã có những ý kiến rất tập trung và cụ thể đối với từng lĩnh vực hoạt động nhằm đánh giá và từng bước thực hiện hóa những sản phẩm chủ lực của ngành, của đơn vị.

PGS.TS. Vũ Ngọc Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố. Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin về việc ứng dụng công nghệ trong việc tạo chu trình khép kín phục vụ đào tạo nhân lực, từ việc sử dụng công nghệ ở trường quay đến việc thể hiện sản phẩm điện ảnh tại rạp chiếu phim của trường. Hiệu quả thiết thực của việc này là số sinh viên đăng ký học ngành đạo diễn tăng….

PGS. TS. Đặng Hà Việt – Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành TDTT làm tiền đề để xây dựng giáo trình điện tử phục vụ giảng dạy (thảo luận, kiểm tra kiến thức, ôn thi), nghiên cứu, tra cứu phát hiện “đạo văn”…; cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu trong quá trình tập luyện của vận động viên. Ngoài ra vấn đề cung cấp thông tin các sự kiện thể thảo trong phạm vi một thành phố để khách du lịch được biết và tham gia…

ThS. Võ Quốc Thắng – Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cũng cấp thông tin việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong đào tạo nguồn nhân lực cho thể thao thành tích cao của Trung tâm và cũng mong muốn việc tăng cường phối hợp giữa nhà quản lý và các huấn luyện viên và các nhà khoa học thể thao nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện. Ông Trần Chí Quân - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Cần Thơ cũng đồng quan điểm và mong muốn áp dụng khoa học, công nghệ cao trong tuyển chọn vận động viên, đặc biệt chú ý đến tính chất thể trạng vận động viên, để lựa chọn môi trường tập luyện phù hợp.

PGS. TS. Nguyễn Thế Dũng – Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh trao đổi với đại biểu tham dự Hội thảo về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ của nhà trường như xây dựng phần mềm quản trị đại học của trường (bằng nguồn vốn của Bộ, của trường và xã hội hóa) và cũng đặt ra vấn đề xây dựng thư viện điện tử ngành văn hóa có thể liên thông với các trường đại học cùng ngành, chuyên ngành đào tạo… Đồng quan điểm, PGS. TS. Lâm Nhân (Phó hiệu trưởng nhà trường) cũng đặt ra việc cần phải thực hiện hóa ứng dụng thành tựu của CMCN lần thứ 4 bằng việc làm cụ thể như: Xem kết quả ứng dụng là tiêu chí quan trọng để đánh giáa chất lượng đề tài. PGS.TS. Lâm Nhân đã đề xuất Bộ VHTTDL tổ chức cuộc thi cho sinh viên các trường thuộc Bộ VHTTDL để sáng tạo thông qua xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh…

PGS.TS. Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh trao đổi về tính cấp thiết phải ứng dụng công nghệ để làm công cụ thực hiện hóa ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật. Với bề dày hơn 100 năm kể từ ngày thành lập trường (năm 1913), nhà trường có kho tác phẩm mỹ thuật đồ sộ và đã từng bước được số hóa. Nhận thức được tầm quan trọng trong thích ứng với CMCN lần thứ 4, nhà trường đã mạnh dạn mở mã ngành Thiết kế mỹ thuật truyền thông đa phương tiện. PGS. TS. Nguyễn Văn Minh cũng đề xuất Bộ mở cuộc thi dành cho sinh viên các trường thuộc Bộ VHTTDL xây dựng ứng dụng trên điện thoại. NGND. GS. TS. Nguyễn Xuân Tiên cũng đã nêu vấn đề sử dụng máy CNC trong điêu khắc, dùng robot để thay thế con người trong tạo lập tác phẩm nghệ thuật trong những môi trường gây nguy hiểm cho con người…

Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến của đại diện Lãnh đạo đơn vị, các nhà khoa học. TS. Từ Mạnh Lương đánh giá cao chất lượng buổi hội thảo, cảm ơn và ghi nhận tất cả các ý kiến của đại biểu. Các ý kiến này sẽ được Vụ KHCNMT tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ trong thời gian tới./.

 
Chính phủ sẽ ban hành nghị định về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá.

Hội nghị diễn ra vào sáng nay, 24/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm đánh giá thực trạng thực hiện NSW, ASW; kết quả thực hiện các Nghị quyết 19 về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành nhằm xây dựng chiến lược phát triển NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp lành mạnh, bền vững.

Sự kiện sáng nay nằm trong chuỗi các hội nghị chuyên đề như hội nghị toàn quốc về logistics, thúc đẩy xuất khẩu, các hội nghị liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Ủy Ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại đánh giá các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực và thực hiện được một khối lượng công việc lớn liên quan đến thực hiện NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành.

Tính trung bình, chi phí thông quan cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Tính tới cuối năm 2017, tiết kiệm được 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ đối với hàng nhập khẩu.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn; hiệu lực kiểm tra chuyên ngành thấp, tỷ lệ phát hiện sai phạm thấp (tính tới cuối năm 2017 là dưới 1%); số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại tương đối nhiều; việc chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra chuyên ngành vẫn phổ biến.

Phó Thủ tướng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung trọng tâm: Đánh giá thực trạng, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; đề xuất giải pháp với từng ngành, lĩnh vực cụ thể; tham gia dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính thông qua NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại… để thực hiện hiệu quả hơn nữa NSW, ASW và cải tiến công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo diễn ra vào đầu năm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sức ép của chỉ tiêu cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/1/2018 là rất lớn, không có chỗ cho sự chần chừ. Tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp cần đi đôi với chống gian lận thương mại, không được lấy lý do chống gian lận, bảo vệ sản xuất trong nước để níu giữ quyền lực của bộ ngành, gây khó dễ cho giao thương.

Trong năm 2018, các bộ phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính theo kế hoạch; tiếp tục rà soát và bổ sung các thủ tục mới vào kế hoạch chung; chính thức kết nối ASW.

Về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% trên tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu như hiện nay xuống còn 15%, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, song vẫn phải bảo đảm hiệu quả trong quản lý Nhà nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, đến 15/7/2018, tổng số thủ tục kết nối NSW mới đạt 53 thủ tục, tương đương 21% tổng số thủ tục phải kết nối của các bộ, ngành (53/251 thủ tục). Cả nước có 23.000 doanh nghiệp thực hiện NSW.

Để đạt được các mục tiêu của Chính phủ và Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại, mới đây các bộ, ngành đã đăng ký từ nay đến hết năm 2018 sẽ kết nối thêm 143 thủ tục. Nếu đạt được mục tiêu đề ra, hết năm nay số lượng thủ tục thực hiện NSW sẽ nâng lên 196, chiếm 78% tổng số thủ tục phải thực hiện.

Về công tác quản lý, kiêm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, đến tháng 6/2018, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 81 văn bản (chiếm 93%), trong đó có 8 bộ đã hoàn thành là: Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ LĐTB&XH, Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế.

 

 
Hướng dẫn Nghị định số 32/2012/NĐ-CP về quản lý XK, NK văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh

Ngày 06 tháng 7 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ban hành Văn bản hợp nhất số  2950/VBHN-BVHTTDL về việc hướng dẫn Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩmkhông nhằm mục đích kinh doanh.

Theo đó, Thông tư số 07/2012/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 7 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2012 được sửa đổi, bổ sung bởi:

(1) Thông tư số 04/2016/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2012/TT-BVHTTDL; Thông tư số 07/2012/TT-BVHTTDL; Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL và Thông tư số 05/2013/TT-BVHTTDL có hiệu lực thi hành từ 15/08/2016

(2) Thông tư số 22/2018/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2012/TT-BVHTTDL Hướng dẫn Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.

Thông tư này quy định phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh bao gồm: Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm; hoạt động tạm xuất khẩu – tái nhập khẩu, tạm nhập khẩu – tái xuất khẩu văn hóa phẩm.

 

 
6 thông điệp từ Diễn đàn cấp cao Vietnam ICT Summit 2018

Với chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”, đây là lần thứ 8 Vietnam ICT Summit được tổ chức, có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương cũng như các đơn vị CNTT đầu ngành trên toàn quốc.

Theo Ban tổ chức sự kiện, tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các ý kiến tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, chuyên gia và các đại biểu trong nước, nước ngoài, Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2018 đã thống nhất đưa ra các thông điệp nhằm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số và xã hội số trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025.

Thứ nhất, đặt quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị cùng cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu các cấp, các ngành, đồng thời, thay đổi từ nhận thức đến hành vi của các cấp, các ngành và toàn xã hội về chính phủ điện tử, kinh tế số và hạ tầng số.

Thứ hai, đồng thuận và nỗ lực hành động quyết liệt, kịp thời và kiên trì của tất cả các chủ thể, từ chính quyền đến người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2018-2020, hướng đến 2025, bao gồm:

Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số và xã hội số, trước hết là các quy định pháp luật về đầu tư ứng dụng CNTT, tạo dựng, khai thác, sử dụng và bảo vệ dữ liệu, dữ liệu mở; kết nối và chia sẻ dữ liệu; xác thực điện tử và bảo vệ thông tin cá nhân,…

Xây dựng và phát triển hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng dữ liệu, đi đôi với tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; sớm hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt ưu tiên cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm, đất đai,…và hình thành nhanh chóng các cơ sở dữ liệu phục vụ quản trị công và giúp cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân, doanh nghiệp, cập nhật khung kiến trúc Chính phủ điện tử theo xu hướng CMCN 4.0, ban hành chuẩn dữ liệu, thông tin số để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên thông và phân tầng chia sẻ dữ liệu, xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với hệ thống thông tin một cửa điện tử tại các bộ, địa phương; thiết lập hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ, có lộ trình phát triển mạng di động không dây 5G.

Đào tạo, tái đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số cho CMCN 4.0 cũng như có kỹ năng và chất lượng cao, kết hợp với đổi mới hệ thống động lực đối với người lao động.

Thứ tư, dành đủ nguồn lực cho xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định các mục tiêu trọng tâm ưu tiên đầu tư; chú trọng xã hội hóa, phát huy mạnh mẽ sự đóng góp của khu vực tư nhân trong tiến trình này.

Thứ năm, đảm bảo sự tham gia tích cực, chủ động của mọi chủ thể trong xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số, chú trọng phát huy vai trò chủ thể chính của người dân, doanh nghiệp, coi đây là nhân tố trung tâm và đảm bảo vai trò kiến tạo của Chính phủ là yếu tố then chốt.

Thứ sáu, tạo lập cơ chế đảm bảo thực thi và hệ thống chỉ số đánh giá chất lượng, hiệu quả thực thi, vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm về mô hình cơ quan đảm bảo hiệu quả thực thi Chương trình chuyển đổi quốc gia của Malaysia (gọi tắt là PEMANDU) vào thực tiễn tại Việt Nam.

Diễn đàn lần này cũng đánh giá cao việc thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch, trực tiếp chỉ đạo và có sự tham gia của đại diện khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công – tư trong việc xác định và thực thi nhiệm vụ.

Cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam có đủ năng lực và luôn sẵn sàng tiên phong, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế – xã hội số.

 

 
Công bố Kỷ yếu Hội thảo “Xây dựng sản phẩm chủ lực của Bộ VHTTDL trong xu hướng CMCN lần thứ tư”

Hội thảo khoa học “Xây dựng sản phẩm chủ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” được tổ chức theo Quyết định số 1490 /QĐ-BVHTTDL ngày 26 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao chủ trì tổ chức Hội thảo.

Nội dung Hội thảo khoa học là để Đánh giá hiện trạng các sản phẩm có liên quan đến ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 đã và đang triển khai ở ngành, lĩnh vực; sự cần thiết, lộ trình, cách thức xây dựng các sản phẩm chủ lực và đề xuất giải pháp thích ứng với xu thế phát triển của CMCN 4.0 đối với các lĩnh vực theo định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020 đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, cụ thể các lĩnh vực và các sản phẩm gồm:

a). Lĩnh vực Du lịch với các sản phẩm phục vụ du lịch thông minh:

- Du lịch thực tế ảo;

- Hệ thống quản lý điểm đến hỗ trợ hoạt động lữ hành, lưu trú;

- Thẻ du lịch đa năng;

- Phần mềm thuyết minh du lịch tự động.

b). Lĩnh vực Thể dục thể thao

- Quy trình kiểm tra, chăm sóc sức khỏe, giám định khoa học và điều trị chấn thương cho vận động viên;

- Quy trình tuyển chọn đào tạo vận động viên thể thao;

- Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu TDTT phục vụ nghiên cứu khoa học, thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao.

c). Lĩnh vực Điện ảnh

- Tác phẩm điện ảnh sản xuất và trình chiếu theo công nghệ số.

d). Lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn

- Biểu diễn nghệ thuật sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại.

- Truyền dạy nghệ thuật truyền thống và đương đại bằng công nghệ số.

đ). Lĩnh vực Di sản văn hóa

- Quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

- Hệ thống trưng bày và thuyết minh tương tác trong bảo tàng;

- Quy trình xử lý, bảo quản hiện vật trong bảo tàng;

- Cơ sở dữ liệu ngành di sản văn hóa.

e). Lĩnh vực thư viện với sản phẩm thư viện số.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận của các chuyên gia, các nhà quản lý khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch; các chuyên gia về công nghệ thông tin… Ban Tổ chức Hội thảo đã tổng hợp Kỷ yếu Hội thảo khoa học với 40 bài  (BìaMục lục304 trang kỷ yếu) tham luận theo 4 nhóm nội dung: Phần 1. Những vấn đề chung; Phần 2. Xây dựng sản phẩm chủ lực lĩnh vực văn hoá; Phần 3. Xây dựng sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực du lịch; Phần 4. Xây dựng sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực thể dục thể thao.

Hội thảo là dịp để nhà quản lý về văn hóa, thể thao và du lịch, các chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp được hiểu biết rõ hơn về nhu cầu ứng dụng công nghệ mới là thành tựu của CMCN lần thứ 4 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, các nhà quản lý cũng hiểu rõ hơn để nghiên cứu và lựa chọn công nghệ áp dụng trong ngành mình. Hội thảo diễn ra tại Hà Nội vào ngày 13/7/2018 và tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 25/7/2018.

 

 
Cầu Vàng Sun World tại Ba Na Hills – Đà Nẵng

Những ngày đầu tháng 06, cư dân mạng và cả cộng đồng du lịch chao đảo với những hình ảnh đầu tiên được bật mí về cây CẦU VÀNG, một công trình mới mở cửa đón khách tham quan tại Sun World Ba Na Hills. Điều gì làm nên sức hút của cây Cầu Vàng độc nhất vô nhị này đến vậy?

Những ngày đầu tháng 06, cư dân mạng và cả cộng đồng du lịch chao đảo với những hình ảnh đầu tiên được bật mí về cây CẦU VÀNG, một công trình mới mở cửa đón khách tham quan tại Sun World Ba Na Hills. Điều gì làm nên sức hút của cây Cầu Vàng độc nhất vô nhị này đến vậy?

Nằm ở độ cao 1414 mét so với mực nước biển, Cầu Vàng được thiết kế vô cùng ấn tượng, vẽ nên một cung đường đầy mê hoặc giữa lưng chừng trời, dài gần 150 mét.

Đứng giữa biển mây và phóng tầm mắt ra xa, bạn bắt gặp những cánh rừng nguyên sinh trải dài tít tắp. Xa hơn nữa là ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, cảnh tượng trước mắt dễ khiến bạn choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của không gian vô tận.

Các thông tin thêm về Cầu Vàng:

  • Chiều dài: 148.6m, bao gồm 8 nhịp- Nhịp lớn nhất: 21.2m
  • Bề rộng bản mặt cầu: 3m
  • Vật liệu hoàn thiện mặt cầu: Gỗ kiềng dày 5cm
  • Lan can inox mạ vàng
  • Thời gian xây dựng: bắt đầu từ 07/2017 đến 04/2018

 

 

Hội thảo khoa học “Xây dựng sản phẩm chủ lực của Bộ VHTTDL trong xu hướng CMCN lần thứ tư”

Sáng ngày, ngày 13 tháng 7 năm 2018, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng sản phẩm chủ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tham dự Hội thảo có hơn 70 nhà quản lý, nhà khoa học ở trong và ngoài Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường  – TS. Từ Mạnh Lương chủ trì Hội thảo.

Hội thảo này với mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành thích ứng với xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), từ đó đề xuất giải pháp triển khai có hiệu quả việc xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020; làm tiền đề phát triển bền vững sản phẩm đó giai đoạn tiếp theo. Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận của các chuyên gia, các nhà quản lý khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch; các chuyên gia về công nghệ thông tin… Ban Tổ chức Hội thảo đã tổng hợp Kỷ yếu Hội thảo khoa học với 40 bài  (BìaMục lục304 trang kỷ yếu) tham luận theo 4 nhóm nội dung: Phần 1. Những vấn đề chung; Phần 2. Xây dựng sản phẩm chủ lực lĩnh vực văn hoá; Phần 3. Xây dựng sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực du lịch; Phần 4. Xây dựng sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực thể dục thể thao.

Với yêu cầu của Hội thảo là Căn cứ định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020 (đã được Bộ trưởng phê duyệt) đề xuất được giải pháp tổng thể và cụ thể cho từng nhóm sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trong xu hướng CMCN 4.0; Các giải pháp khả thi, có tính định hướng phù hợp với thực tiễn hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành có liên quan; có thể sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong việc triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hội thảo tập trung 03 nhóm vấn đề chính:

1. Quy trình, cách thức, thời gian thiết lập sản phẩm, thẩm định các sản phẩm chủ lực, thử nghiệm các sản phẩm, đưa sản phẩm vào hoạt động thực tiễn của ngành; các bước triển khai xây dựng sản phẩm dưới dạng đề tài nghiên cứu khoa học, dự án đầu tư khoa học, dự án có sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Lựa chọn sản phẩm chủ lực và đề xuất giải pháp để triển khai xây dựng sản phẩm đó dưới dạng đề tài NCKH, dự án đầu tư phát triển, dự án từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị; Phân định chủ thể xây dựng sản phẩm chủ lực (là cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp…).

3. Giới thiệu một số sản phẩm, công nghệ là thành tựu của CMCN lần thứ tư có thể ứng dụng để xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày các tham luận theo các nhóm vấn đề nêu trên. Đây là dịp để nhà quản lý về văn hóa, thể thao và du lịch, các chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp được hiểu biết rõ hơn về nhu cầu ứng dụng công nghệ mới là thành tựu của CMCN lần thứ 4 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, các nhà quản lý cũng hiểu rõ hơn để nghiên cứu và lựa chọn công nghệ áp dụng trong ngành mình.

Hội thảo này là một trong những hoạt động nhằm triển khai thực hiện hóa Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL ngày 28 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020. Với 06 lĩnh vực:

- Lĩnh vực Du lịch với các sản phẩm phục vụ du lịch thông minh: Du lịch thực tế ảo; Hệ thống quản lý điểm đến hỗ trợ hoạt động lữ hành, lưu trú; Thẻ du lịch đa năng; Phần mềm thuyết minh du lịch tự động.

- Lĩnh vực Thể dục thể thao với các sản phẩm: Quy trình kiểm tra, chăm sóc sức khỏe, giám định khoa học và điều trị chấn thương cho vận động viên; Quy trình tuyển chọn đào tạo vận động viên thể thao; Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu TDTT phục vụ nghiên cứu khoa học, thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao.

- Lĩnh vực Điện ảnh với các sản phẩm là tác phẩm điện ảnh sản xuất và trình chiếu theo công nghệ số.

- Lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn với các sản phẩm, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại; Truyền dạy nghệ thuật truyền thống và đương đại bằng công nghệ số.

- Lĩnh vực Di sản văn hóa: Quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Hệ thống trưng bày và thuyết minh tương tác trong bảo tàng; Quy trình xử lý, bảo quản hiện vật trong bảo tàng; Cơ sở dữ liệu ngành di sản văn hóa.

- Lĩnh vực thư viện với sản phẩm thư viện số.

Hội thảo với nội dung tương tự sẽ được diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh dự kiến vào cuối tháng 7 năm 2018./.

 
Sửa đổi bổ sung thông tư về quản lý XK, NK văn hóa phẩm không nhằm mục đích KD

Ngày 29 tháng 6 năm 2018, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Thông tư số 22/2018/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2012/TT-BVHTTDL Hướng dẫn Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (Gọi tắt là Thông tư 22/2018/TT-BVHTTDL).

Theo đó, Thông tư 22/2018/TT-BVHTTDL bổ sung:

“Điều 1a. Giải thích từ ngữ: Các bản ghi âm, ghi hình quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP bao gòm: Các bản ghi âm, ghi hình về nghệ thuật biểu diễn”.

Sửa đổi, bổ sung Điều 4 về Thẩm quyền giám định văn hóa phẩm xuất khẩu. Theo đó, Cục Điện ảnh, giám định văn hóa phẩm là các loại phim của cơ quan, tổ chức hoặc phim hợp tác cung cấp dịch vụ làm phi cho cho nước ngoài chưa được công bố, biểu diễn; Sở VHTTDL, Sở VHTT hoặc cơ quan chuyên môn được ủy quyền giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của cá nhân, tổ chức tại địa phương.

Sửa đổi, bổ sung điều 8 về thẩm quyền cơ quan cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm, theo đó các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL: Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Di sản văn hóa, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được quyền cấp phép theo thẩm quyền quản lý chuyên môn được giao. Sở VHTTDL, Sở VHTT (do tách Sở) được quyền cấp phép theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP.

Thông tư này còn có thêm một số quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước, các mẫu biểu….

 

 
Việt Nam đề xuất chủ đề của Diễn đàn Du lịch ASEAN năm 2019 là “ASEAN – Sức mạnh của sự thống nhất”

Việt Nam đã đề xuất và được các nước ASEAN đồng thuận về nội dung chủ đề của Diễn đàn ATF 2019 là “ASEAN – Sức mạnh của sự thống nhất” (ASEAN – The Power of One).

Thông tin được ông Trần Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về Hội nhập, ASEAN và UNESCO do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 29/6 tại Hà Nội.

Ông Cường cho biết, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN năm 2019 sẽ diễn ra các “Hội nghị Bộ trưởng Du lịch”, “Hội chợ Du lịch TRAVEX” cùng nhiều sự kiện bên lề hấp dẫn. Diễn đàn Du lịch lần này Việt Nam đăng cai sẽ được tổ chức tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và dự kiến các hoạt động trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra từ ngày 14/1 đến 18/1/2019.

Việt Nam đã đề xuất và được các nước ASEAN đồng thuận về nội dung chủ đề của Diễn đàn ATF 2019là “ASEAN – Sức mạnh của sự thống nhất” (ASEAN – The Power of One). Nội dung chủ đề thể hiện ý nghĩa về sức mạnh, vẻ đẹp chung của 10 nước ASEAN khi cùng hợp tác, liên kết cũng như vẻ đẹp của từng chủ thể, cá nhân trong cộng đồng chung được tạo điều kiện, phát huy, trân trọng để cùng hướng đến mục tiêu phát triển thịnh vượng, bền vững và bao trùm. ASEAN là một điểm đến khu vực thống nhất trong đa dạng các vẻ đẹp giá trị, có sự liên kết chặt chẽ thông qua các sản phẩm du lịch, các chương trình du lịch liên quốc gia, các hoạt động marketing, các chương trình xúc tiến đầu tư chung và các tiêu chuẩn về dịch vụ, nhân lực du lịch.

Đồng thời, ASEAN hành động thống nhất hướng đến mục tiêu chung trở thành điểm đến du lịch chất lượng, hướng đến sự phát triển cân bằng và có trách nhiệm, đóng góp vào sự thịnh vượng của người dân.

Mỗi người dân, cộng đồng trong ASEAN đều được hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia và hưởng lợi trong quá trình phát triển du lịch, là định hướng quan trọng tạo ra sức mạnh chung, thống nhất ở các cấp độ từ cá nhân, cộng đồng, địa phương, quốc gia và toàn khu vực.

Cũng theo ông Trần Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN, sự kiện “Hội chợ TRAVEX 2019” hứa hẹn thu hút khoảng 1500 hãng lữ hành, doanh nghiệp, đại biểu, những đối tượng quan tâm đến hoạt động du lịch… Đây là một hội chợ du lịch chuyên nghiệp, có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực. Hội chợ sẽ tạo cơ hội gặp gỡ giao thương cho các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam với các đối tác từ thị trường khách du lịch trọng điểm, kết nối các sản phẩm du lịch từ địa phương, thu hút đầu tư…

Cùng với đó, lễ trao giải thưởng du lịch ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 18/1/2019, các Bộ trưởng Du lịch ASEAN sẽ trao giải thưởng cho các doanh nghiệp/cộng đồng có đóng góp cho sự phát triển của du lịch ASEAN. Dự kiến có 4 hạng mục giải thưởng sẽ trao tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019: Giải thưởng Homestay ASEAN lần thứ 3, Giải thưởng Nhà vệ sinh công cộng ASEAN lần thứ 1, Giải thưởng Dịch vụ Spa lần thứ 1 và Giải thưởng Du lịch Cộng đồng lần thứ 2.

Có thể nói, đây là các hoạt động quan trọng nhằm trao đổi thông tin, phương hướng hợp tác, tăng cường hiệu quả hợp tác du lịch trong khu vực, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch ASEAN, hướng tới mục tiêu phát triển ASEAN thành một điểm đến chung, hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế. Đặc biệt, Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 còn tạo cơ hội để Việt Nam giới thiệu các sản phẩm du lịch nổi bật, ví như du lịch ẩm thực, du lịch đường biển, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm)…

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã tích cực hợp tác du lịch trong ASEAN và có những đóng góp quan trọng như: marketing du lịch chung, phát triển sản phẩm du lịch liên quốc gia, phát triển du lịch bền vững và bao trùm, xây dựng các định hướng phát triển du lịch ASEAN.

Nhờ đó, hình ảnh du lịch Việt Nam đã trở nên phổ biến hấp dẫn hơn, các điểm đến, sản phẩm du lịch của Việt Nam ngày càng thu hút du khách. Đồng thời, chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam được cải thiện, tiếp cận với các tiêu chuẩn chung của khu vực và thế giới; thúc đẩy đầu tư vào ngành du lịch Việt Nam./.

 

 
Lập mô hình 3D lăng vua Tự Đức, cung An Định

Các dữ liệu và hình ảnh được chụp từ thực địa lăng vua Tự Đức và cung An Định sẽ được chuyển thành mô hình 3D, giúp cho công chúng trải nghiệm về di sản văn hóa Huế mọi lúc, mọi nơi trong thời gian tới.

Từ ngày 1/7, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Công ty CyArk và Công ty Công nghệ Seagate (Hoa Kỳ) triển khai thực hiện dự án hợp tác số hóa tư liệu hai công trình di tích: Lăng vua Tự Đức và An Định cung.

Dự án được áp dụng công nghệ lưu trữ tiên tiến giúp quản lý và bảo tồn di tích lăng vua Tự Đức và An Định cung với mô hình bằng hình ảnh 3D cũng như quảng bá hình ảnh Di sản văn hóa thế giới của Huế ra thế giới.

Đây cũng là cơ sở để thực hiện dự án bảo tồn di tích lăng vua Tự Đức và cung An Định bằng kỹ thuật số hiện đại, chuyển hình ảnh hiện trường thành các mô hình 3D ảnh thực, tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu, lưu giữ tư liệu bảo tồn và phục hồi các điểm di tích của khu di sản Huế.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, để triển khai dự án, Công ty CyArk đã thực hiện các cuộc khảo sát trên không với máy bay không người lái drone, quét laze mặt đất (còn gọi là LiDAR) và quan trắc tại khu vực di tích lăng vua Tự Đức và cung An Định.

Trên cơ sở các dữ liệu và hình ảnh được chụp từ hiện trường, Công ty CyArk tiến hành tạo ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc để hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong công tác quản lý, bảo tồn di sản. Công ty CyArk và Công ty Công nghệ Seagate sẽ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau ở cả hiện trường và tại văn phòng với các giải pháp lưu trữ dữ liệu.

Hiệu quả của dự án này không chỉ thể hiện trên khía cạnh về công nghệ lưu trữ tiên tiến giúp quản lý và bảo tồn di tích Huế bằng mô hình ảnh 3D, tuyên truyền quảng bá về các giá trị văn hóa Huế mà còn ứng dụng công nghệ hiện đại để phổ cập kiến thức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc tới người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, khơi dậy ý thức bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc.

 

 
Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 tổ chức tại Việt Nam với nhiều hoạt động quan trọng

Việt Nam đã đề xuất và được các nước ASEAN đồng thuận về nội dung chủ đề của Diễn đàn Du lịch ASEAN năm 2019 là “ASEAN – Sức mạnh của sự thống nhất”.

Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 (ATF 2019) sẽ được tổ chức tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và dự kiến các hoạt động trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra từ ngày 14/1-18/1/2019.

Đây là sự kiện thường niên quan trọng nhất của hợp tác ASEAN về du lịch. Theo thông lệ, trong khuôn khổ ATF sẽ diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Du lịch, Hội chợ Du lịch TRAVEX cùng nhiều sự kiện bên lề khác.

Việt Nam đã đề xuất và được các nước ASEAN đồng thuận về nội dung chủ đề của Diễn đàn ATF 2019 là “ASEAN – Sức mạnh của sự thống nhất” (ASEAN – The Power of One). Nội dung chủ đề thể hiện ý nghĩa về sức mạnh, vẻ đẹp chung của 10 nước ASEAN khi cùng hợp tác, liên kết cũng như vẻ đẹp của từng chủ thể, cá nhân trong cộng đồng chung được tạo điều kiện, phát huy, trân trọng để cùng hướng đến mục tiêu phát triển thịnh vượng, bền vững và bao trùm. ASEAN là một điểm đến khu vực thống nhất trong đa dạng các vẻ đẹp giá trị, có sự liên kết chặt chẽ thông qua các sản phẩm du lịch, các chương trình du lịch liên quốc gia, các hoạt động marketing, các chương trình xúc tiến đầu tư chung và các tiêu chuẩn về dịch vụ, nhân lực du lịch.

Đồng thời, ASEAN hành động thống nhất hướng đến mục tiêu chung trở thành điểm đến du lịch chất lượng, hướng đến sự phát triển cân bằng và có trách nhiệm, đóng góp vào sự thịnh vượng của người dân.

Mỗi người dân, cộng đồng trong ASEAN đều được hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia và hưởng lợi trong quá trình phát triển du lịch, là định hướng quan trọng tạo ra sức mạnh chung, thống nhất ở các cấp độ từ cá nhân, cộng đồng, địa phương, quốc gia và toàn khu vực.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN, sự kiện “Hội chợ TRAVEX 2019” hứa hẹn thu hút khoảng 1.500 hãng lữ hành, doanh nghiệp, đại biểu, những đối tượng quan tâm đến hoạt động du lịch… Đây là một hội chợ du lịch chuyên nghiệp, có tàm ảnh hưởng lớn trong khu vực. Hội chợ sẽ tạo cơ hội gặp gỡ giao thương cho các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam với các đối tác từ thị trường khách du lịch trọng điểm, kết nối các sản phẩm du lịch từ địa phương, thu hút đầu tư.

Lễ trao Giải thưởng Du lịch ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 18/1/2019. Các Bộ trưởng Du lịch ASEAN sẽ trao giải thưởng cho các doanh nghiệp, cộng đồng có đóng góp cho sự phát triển của du lịch ASEAN.

Dự kiến có 4 hạng mục giải thưởng sẽ trao tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019: Giải thưởng Homestay ASEAN lần thứ 3, Giải thưởng Nhà vệ sinh công cộng ASEAN lần thứ 1; Giải thưởng Dịch vụ Spa lần thứ 1 và Giải thưởng Du lịch Cộng đồng lần thứ 2.

Các hoạt động trong khuôn khổ ATF là các hoạt động quan trọng nhằm trao đổi thông tin, phương hướng hợp tác, tăng cường hiệu quả hợp tác du lịch trong khu vực, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch ASEAN, hướng tới mục tiêu phát triển ASEAN thành một điểm đến chung, hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế.

Đặc biệt, Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 còn tạo cơ hội để Việt Nam giới thiệu các sản phẩm du lịch nổi bật, như du lịch ẩm thực, du lịch đường biển, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm)…

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực hợp tác du lịch trong ASEAN và có những đóng góp quan trọng như: Marketing du lịch chung, phát triển sản phẩm du lịch liên quốc gia, phát triển du lịch bền vững và bao trùm, xây dựng các định hướng phát triển du lịch ASEAN. Nhờ đó, hình ảnh du lịch Việt Nam đã trở nên phổ biến hấp dẫn hơn, các điểm đến, sản phẩm du lịch của Việt Nam ngày càng thu hút du khách.

 

 
Gấp rút chuẩn bị cho Lễ vinh danh doanh nghiệp du lịch Việt Nam

Chiều 4/7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Du lịch về công tác chuẩn bị tổ chức Lễ Vinh danh doanh nghiệp du lịch hàng đầu và trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2018.

Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, đã có 120 hồ sơ đăng ký xét tặng giải thưởng Du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi lựa chọn, bình xét một cách khách quan và trung thực, ban giám khảo đã quyết định có 85 đơn vị đạt giải.

Trong đó, lĩnh vực khách sạn có 30 đơn vị, lĩnh vực lữ hành có 20 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng ô tô có 5 đơn vị.

Cùng với đó là 10 đơn vị nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch, 5 đơn vị điểm đến du lịch, 10 đơn vị sân gôn và 5 đơn vị doanh nghiệp kinh doanh có đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.

Về Lễ Vinh danh được tổ chức vào tối 9/7, chương trình này sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình Việt Nam với thời lượng 90 phút.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết thêm, sau 8 tháng phát động và triển khai, Ban Tổ chức Cuộc thi viết về du lịch cũng đã nhận được 400 bài viết.

Đặc biệt, cuộc thi này cũng thu hút cả những du khách là kiều bào Việt Nam tại các quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Thái Lan…

Về kết quả, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giả ba và 5 giải khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao 1 giải Tôi yêu Việt Nam cho bài viết Chào mừng bạn đến Việt Nam của một du khách người nước ngoài.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, giải thưởng Du lịch Việt Nam là một phần thưởng cao quý đối với các doanh nghiệp, vì vậy, lễ vinh danh phải được tổ chức trang trọng và có sự tính toán về thời gian cụ thể.

Theo đó, trong thời lượng phát sóng có hạn, phải bố trí về thời gian phù hợp, khoa học. Thời gian từ nay đến ngày tổ chức không còn dài, vì vậy, Tổng cục Du lịch cần tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng để chương trình được diễn ra tốt đẹp, đúng với mục đích và ý nghĩa. Qua đó, góp phần động viên các doanh nghiệp tiếp tục tham gia đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp phát triển ngành du lịch của đất nước – Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh./.

 

 
Du lịch Việt Nam 2018: Vì mục tiêu phát triển bền vững

Việc phát hiện, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có uy tín trên các lĩnh vực của ngành du lịch sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần vào thành tích chung của ngành du lịch Việt Nam.

Tổng cục Du lịch cho hay, Lễ vinh danh doanh nghiệp du lịch hàng đầu và giải thưởng du lịch Việt Nam 2018 cũng như giải thưởng cuộc thi viết về du lịch được tổ chức vào ngày 9/7 tới. Sự kiện này gắn với kỷ niệm 58 năm ngày thành lập ngành du lịch nhằm lựa chọn, tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam và nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Cơ cấu giải thưởng gồm có: 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế hàng đầu đón khách du lịch vào Việt Nam; 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hàng đầu Việt Nam; 15 khách sạn 5 sao hàng đầu Việt Nam; 15 khách sạn 4 sao hàng đầu Việt Nam; 5 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng ô tô hàng đầu Việt Nam; 10 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch hàng đầu Việt Nam; 5 điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam; 10 sân golf hàng đầu Việt Nam; 5 Tập đoàn đầu tư và kinh doanh du lịch có đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành du lịch thực hiện trong năm 2018 là đón từ 15-17 triệu lượt khách quốc tế (tăng trưởng từ 16-30% so với năm 2017), phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa. Đây không phải là mục tiêu dễ đạt được, thậm chí là một thách thức lớn. Tuy nhiên, số liệu thống kê vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt gần 7,9 triệu lượt người, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.

Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2018 sẽ góp phần ghi nhận, đánh giá và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư có chiều sâu hướng tới sự phát triển bền vững.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay, Giải thưởng Du lịch Việt Nam là một phần thưởng cao quý đối với các doanh nghiệp. Việc phát hiện, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có uy tín và kinh doanh hiệu quả trên các lĩnh vực của ngành sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, làm nên thành tích của mỗi địa phương, góp phần vào thành tích chung của ngành du lịch Việt Nam.

Việc vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu, xuất sắc sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch lựa chọn và sử dụng các doanh nghiệp du lịch có uy tín, có thương hiệu và chất lượng dịch vụ cao của từng địa phương, đã được các cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Sắp tới, Tổng cục Du lịch cũng sẽ công bố Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2017 và kết quả điều tra khách quốc tế năm 2017

Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2017 là ấn phẩm do Tổng cục Du lịch công bố hàng năm, cung cấp thông tin về các chỉ tiêu, số liệu chủ yếu của du lịch Việt Nam như số lượng khách quốc tế đến, khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch, đóng góp của du lịch trong GDP, về các hoạt động chuyên ngành lữ hành và vận tải khách du lịch, lưu trú, xúc tiến du lịch, hợp tác quốc tế, xây dựng thể chế, chính sách.

Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2017 sẽ lần đầu cung cấp thông tin về đóng góp kinh tế của các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Từ tháng 7/2018, Tổng cục Du lịch cũng chính thức đưa vào vận hành website xúc tiến du lịch quốc tế mới tại địa chỉ www.vietnam.travel. Website mới của du lịch Việt Nam được thiết kế có giao diện hiện đại, tương thích với trang web quảng bá du lịch của các nước trên thế giới để mang tới nguồn thông tin toàn diện cũng như truyền cảm hứng cho khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.

Việc xây dựng và vận hành trang web này nằm trong chiến lược tiếp thị kỹ thuật số (E-marketing) mới nhất nhằm giới thiệu Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Website cung cấp những thông tin mang tính thực tiễn cao bao gồm thông tin về các điểm đến, quy trình xin cấp thị thực và các lễ hội, sự kiện lớn tại Việt Nam  để giúp khách quốc tế lên kế hoạch du lịch.

Ngoài ra, website cũng dẫn đến kênh mạng xã hội Facebook & Instagram chính thức của du lịch Việt Nam, để khách quốc tế chủ động tương tác và chia sẻ trải nghiệm từ chính chuyến đi của họ. Các bài viết, phỏng vấn, video, tour 360 độ cùng hình ảnh được thiết kế chuyên nghiệp trên website nhằm mục đích giới thiệu Việt Nam là điểm đến du lịch thú vị và thuận tiện dành cho khách quốc tế.

Một số điểm nhấn trên website có thể kể đến video 360 độ được thực hiện tại các danh thắng di sản UNESCO và thông tin giới thiệu hơn 18 điểm đến du lịch nổi bật trải dài cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên website cung cấp Cẩm nang du lịch download hoàn toàn miễn phí dành cho khách quốc tế mới đến Việt Nam.

 

 
Cần Thơ: Khai mạc Ngày hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2018

Ngày 7/7, tại Cần Thơ, Ngày hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2018 đã khai mạc với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc.

Sự kiên nhằm chào mừng Ngày Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2018) và tôn vinh, quảng bá hình ảnh, văn hóa Chợ nổi Cái Răng – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo điểm nhấn về du lịch Cần Thơ nói chung, quận Cái Răng nói riêng.

Diễn ra trong 3 ngày (7/7 – 9/7), Ngày hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2018 diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc như: Diễu hành tàu du lịch trên sông; Triển lãm ảnh, sách báo và tạp chí; Quảng bá, xúc tiến du lịch; Trình diễn và tặng chữ thư pháp; Hội thảo du lịch; Giao lưu đờn ca tài tử…

Đến với Ngày hội du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng 2018, du khách sẽ có dịp tham gia và trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc gắn liền với sông nước hấp dẫn như đua võ composit Đồng bằng sông Cửu Long, hát dân ca, đua thuyền rồng, thi thuyền trái cây… đồng thời sẽ có dịp khám phá một chợ nổi duy nhất tại Cần Thơ được trang hoàng đẹp hơn so với ngày thường.

Văn hóa Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm nhấn tiêu biểu về du lịch của Cần Thơ, tôn vinh các giá trị văn hóa sông nước, thương hồ. Bên cạnh đó, các hoạt động tại chợ nổi Cái Răng cũng mang ý nghĩa về kinh tế khi góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế, hình ảnh của Cần Thơ lên một tầm cao mới. Năm 2016, Văn hóa Chợ nổi Cái Răng chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Được biết, trong thời gian tới, Cần Thơ sẽ đẩy mạnh việc xây dựng trạm dừng chân Chợ nổi Cái Răng trên đường Võ Tánh, đảm bảo cảnh quan môi trường, sự thân thiện đối với du khách…; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Bảo tồn và phát huy Chợ nổi Cái Răng; thu hút đầu tư, liên kết du lịch để Chợ nổi Cái Răng thật sự là điểm đến thu hút.

 

 
93% khách quốc tế hài lòng khi du lịch Việt Nam

Đó là thông tin được nêu trong Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2017 và kết quả điều tra khách quốc tế năm 2017 do Tổng cục Du lịch thực hiện.

Thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê du lịch, áp dụng mô hình tài khoản vệ tinh du lịch ở Việt Nam, trong năm 2017, Tổng cục Du lịch đã tổ chức cuộc điều tra thông tin khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Cuộc điều tra được tiến hành với 27.000 phiếu theo phương pháp chọn mẫu tại 12 cửa khẩu quốc tế trên cả nước (4 cửa khẩu đường không, 4 cửa khẩu đường bộ và 4 cảng biển).

Kết quả tổng hợp cho thấy có 92,56% khách quốc tế đến Việt Nam có nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch, khách tham quan trong ngày chiếm 7,44%. Khách đi theo tour chiếm 39,86% và khách đi tự sắp xếp chiếm 60,14%.

Về mức độ hài lòng của du khách trong chuyến du lịch đến Việt Nam: Có 93,46% số khách hài lòng và rất hài lòng; 5,91% đánh giá mức bình thường; 0,63% đánh giá ở mức không hài lòng và rất không hài lòng.

Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2017 lần đầu cung cấp thông tin về đóng góp kinh tế của các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Báo cáo được phát hành phù hợp với thông lệ quốc tế, là một tài liệu hữu ích đối với các nhà quản lý, các nhà đầu tư du lịch, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và các bên liên quan.

Trong những năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh, góp phần đưa du lịch trở thành một trong năm ngành có thu nhập ngoại tệ lớn nhất nước, với hơn 20 tỷ USD mỗi năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành du lịch đã có nhiều nỗ lực, tổ chức triển khai nhiều hoạt động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt xấp xỉ 7,9 triệu lượt (tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017); khách du lịch nội địa ước đạt 42,8 triệu lượt (khách lưu trú đạt 20,5 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 312.000 tỷ đồng (tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017).

 

 
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “Du lịch là ngành phát triển vượt bậc, có thể nhìn thấy rõ nhất”

6 tháng đầu năm 2018, Bộ VHTTDL đã tích cực chủ động triển khai các giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng của khách du lịch quốc tế. Đồng thời, các chính sách, giải pháp mới được ban hành đã có tác động tích cực tới sự phát triển của du lịch Việt Nam. Đây là nhận định chung về ngành du lịch nửa năm qua tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra ngày 12/7, tại Hà Nội.

7,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm

Tháng 6 là mùa cao điểm của khách du lịch trong nước nhưng là mùa thấp điểm của khách quốc tế, mặt khác do tác động tức thời của giải bóng đá thế giới (World Cup), tuy nhiên khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6 vẫn ước đạt 1.183.102 lượt, tăng 1,9% so với tháng 5/2018, tăng 24,6% so với năm 2017.

Tổng lượng khách quốc tế 6 tháng ước đạt gần 7,9 triệu lượt, tăng 27,2% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng đạt 1,31 triệu lượt khách. Khách du lịch nội địa ước đạt 42,8 triệu lượt (trong đó khách lưu trú đạt 20,5 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành được thực hiện nghiêm túc, thanh tra, kiểm tra xử lý dứt điểm, quyết liệt tình trạng người nước ngoài lợi dụng vào Việt Nam du lịch để tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế, tổ chức hướng dẫn khách trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật. Trong 6 tháng đã thu hồi 14 giấy phép. Được biết, hiện cả nước có 1.966 doanh nghiệp lữ hành được cấp phép.

Công tác quản lý cấp thẻ hướng dẫn viên, đào tạo hướng dẫn viên được các Sở VHTTDL, Sở Du lịch thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Hướng dẫn các Sở cấp 1.912 thẻ hướng dẫn viên du lịch. Hiện cả nước có 21.683 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trong đó có 13.485 hướng dẫn viên du lịch quốc tế và 8.195 hướng dẫn viên du lịch nội địa.

Kinh doanh Tour giá rẻ có nhiều biến tướng tinh vi

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một vấn đề tồn tại đang diễn ra làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ và hình ảnh của du lịch Việt Nam đó là: Việc kinh doanh Tour giá rẻ có nhiều biến tướng tinh vi, có sự thỏa thuận ngầm giữa công ty lữ hành, hướng dẫn viên và cơ sở mua sắm hàng hóa, một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã để các đối tác Trung Quốc “mượn” pháp nhân, “núp bóng” để điều hành.

Để khắc phục tình trạng này, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, cần tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch; tổ chức kiểm tra các điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch; xử lý các trường hợp vi phạm về hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên du lịch chui, xóa bỏ tình trạng đeo bám, chèn ép khách du lịch và vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh.

Nhằm đạt mục tiêu năm 2018 đón 94 triệu lượt khách, với khoảng từ 15 – 17 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 78 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch.

Cùng với đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng cho rằng, nhiệm vụ của 6 tháng tới cần tập trung công tác khai thác thị trường, xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ở trong nước và quốc tế thông qua hoạt động Hội chợ Du lịch quốc tế như: WTM (Anh), CITM (Trung Quốc) và các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Tây Âu, Mỹ, Canada, Úc.

Du lịch là là ngành phát triển vượt bậc, có thể nhìn thấy rõ

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của ngành VHTTDL, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Du lịch Việt Nam.

Bộ trưởng cho rằng, Du lịch là ngành nổi bật nhất, cố gắng đạt mục tiêu ít nhất 16 triệu lượt khách năm 2018 (tăng 27%), nhằm tạo bước đệm để chạm mốc đón 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019 (tăng gấp đôi so với mục tiêu chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đặt ra vào năm 2020).

Bộ trưởng khẳng định: “Du lịch là ngành phát triển vượt bậc và có thể nhìn thấy rõ nhất.”

Cho rằng Du lịch là ngành chịu tác động bởi nhiều yếu tố từ môi trường, xã hội, vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch cần triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra để có thể hoàn thành nhiệm vụ nặng nề của năm nay.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành Du lịch cần phải cố gắng, nỗ lực để hoàn thành các Đề án đã đề ra.

 

 
Giới thiệu, quảng bá Du lịch Đà Nẵng tại Hồng Kông – Trung Quốc năm 2018

Từ ngày 14 – 16/7/2018, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp với Vietnam Airlines và Jestar Pacific để tham dự Hội chợ ITE & MICE Hồng Kông, Trung Quốc nhằm giới thiệu thông tin và quảng bá du lịch Đà Nẵng.

Chương trình tập trung giới thiệu các sản phẩm du lịch, các sự kiện du lịch của thành phố Đà Nẵng. Với vị trí cửa ngõ của 03 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận cùng tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, Đà Nẵng ngày càng trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới với tình hình kinh tế – chính trị ổn định, người dân hiếu khách, thân thiện.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch đại diện du lịch Đà Nẵng chủ trì chương trình giới thiệu và cùng các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Sun World, Furama Resort, Indochina Unique Tourist, Omega tour, Ziontour, khách sạn Mercure Danang French Village Bana Hills và khách sạn Hải An đồng hành kết nối với đối tác Hồng Kông – Trung Quốc.

Không chỉ thúc đẩy xúc tiến thị trường khách du lịch Hồng Kông, Trung Quốc và tăng hiệu quả khai thác đường bay trực tiếp, chương trình còn định hướng xúc tiến trong lĩnh vực MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác) và kết nối với các doanh nghiệp về tổ chức sự kiện, nghỉ dưỡng cao cấp và đánh golf.

 

 
Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019: “ASEAN – Sức mạnh của sự thống nhất”

Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2019) sẽ được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 14-18/1/2019. Đây là lần thứ hai Diễn đàn Du lịch ATF được tổ chức tại Việt Nam kể từ lần đầu tiên đăng cai vào năm 2009.

Với vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất và được các nước ASEAN đồng thuận về nội dung chủ đề là “ASEAN – Sức mạnh của sự thống nhất” – “ASEAN – The Power of One”. Đây là nội dung cụ thể hóa định hướng chung của các quốc gia trong hợp tác ASEAN nói chung, hướng tới khu vực ASEAN “Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một Cộng đồng/One Vision, One Identity, One Community”. Nội dung chủ đề thể hiện ý nghĩa về sức mạnh, vẻ đẹp chung của 10 nước ASEAN khi cùng hợp tác, liên kết cũng như thể hiện vẻ đẹp riêng của từng chủ thể, cá nhân trong cộng đồng chung, cùng hướng đến mục tiêu phát triển thịnh vượng, bền vững và bao trùm.

Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 với nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng

Theo thông lệ, trong khuôn khổ ATF sẽ diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Du lịch, các Phiên họp Lãnh đạo cơ quan Du lịch quốc gia, Hội chợ Du lịch TRAVEX cùng nhiều sự kiện bên lề khác.

Trong đó, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN với các nước đối tác (từ ngày 17-18/1/2019) với quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu/Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các nội dung: Nâng cao năng lực cạnh tranh, Tiêu chuẩn hóa, phát triển nguồn nhân lực du lịch, Phát triển du lịch bền vững và bao trùm. Sau phiên họp sẽ diễn ra họp báo Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác (ngày 18/1/2019).

Các phiên họp Lãnh đạo cơ quan Du lịch quốc gia (từ ngày 14-16/1/2019) với quy mô dự kiến 150 đại biểu/Hội nghị, ngoài ra có sự tham gia của Lãnh đạo Cơ quan Du lịch Quốc gia các nước ASEAN và các nước đối tác.

Bên lề Diễn đàn ATF, Hội chợ TRAVEX (từ ngày 16-18/1/2019) với quy mô khoảng 450 gian hàng, hứa hẹn thu hút khoảng 1.500 người mua (Buyer), người bán (Seller) và các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ Hội chợ sẽ diễn ra Họp báo của mỗi quốc gia ASEAN.

Đây là hội chợ du lịch chuyên nghiệp thường niên, có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực ASEAN và châu Á. Hội chợ được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội gặp gỡ giao thương cho các doanh nghiệp du lịch trong nước với các đối tác từ thị trường khách du lịch trọng điểm, kết nối các chuỗi chương trình và sản phẩm du lịch của các địa phương, đồng thời tăng cường hội nhập du lịch và đầu tư, thương mại.

Cũng trong ATF 2019 sẽ diễn ra Lễ Công bố Sách các Câu chuyện Du lịch tại Việt Nam và Lễ trao giải thưởng Du lịch ASEAN (ngày 18/1/2019). Dự kiến Lễ trao giải thưởng Du lịch ASEAN năm nay có 4 hạng mục gồm Giải thưởng Homestay ASEAN lần thứ 3, Giải thưởng Nhà vệ sinh công cộng ASEAN lần thứ 1, Giải thưởng Dịch vụ Spa lần thứ 1 và Giải thưởng Du lịch Cộng đồng lần thứ 2.

Các sự kiện trên là những hoạt động quan trọng nhằm trao đổi thông tin, phương hướng hợp tác, tăng cường hiệu quả hợp tác du lịch trong khu vực đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch ASEAN, hướng tới mục tiêu phát triển ASEAN thành một điểm đến chung, hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế, đồng thời góp phần thúc đẩy trao đổi khách nội khối.

ATF 2019 góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của du lịch Việt Nam

Trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN, Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực: Marketing du lịch, Phát triển sản phẩm du lịch liên quốc gia, Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, Xây dựng các định hướng phát triển du lịch Việt Nam.

Kể từ lần đầu tiên tổ chức ATF vào năm 2009, sau 10 năm, Việt Nam đăng cai tổ chức ATF lần thứ hai trong bối cảnh Du lịch Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2017, Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp hạng thứ 6 trên thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ tăng trưởng du lịch.

Việc đăng cai và tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ ATF 2019 sẽ góp phần đem lại hiệu quả thiết thực cho hợp tác du lịch khu vực ASEAN, từ đó truyền tải tới thế giới thông điệp “ASEAN – Sức mạnh của sự thống nhất”, gắn kết chặt chẽ du lịch Việt Nam trong ASEAN thành một khối. Đây cũng là cơ hội nâng cao vị thế và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, giới thiệu rõ nét các điểm nổi bật và sản phẩm du lịch đặc trưng của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE và du lịch ẩm thực.

 

 
Tổng cục Du lịch tổ chức Chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam tại Đài Loan

Từ ngày 24-27/7 tới đây, Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức Chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam tại hai thành phố Cao Hùng và Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc).

Dự kiến chương trình sẽ có sự tham gia của Văn phòng Kinh tế – Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, Cục Du lịch Đài Loan và trên 100 khách mời là các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không và cơ quan thông tấn báo chí.

Trong khuôn khổ chương trình, Tổng cục Du lịch sẽ giới thiệu các sản phẩm du lịch chủ đạo và những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam, các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Bên cạnh đó sẽ có các hoạt động biểu diễn văn nghệ, chương trình trao đổi và gặp gỡ giữa các doanh nghiệp…

Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) ký Bản ghi nhớ về Hợp tác du lịch từ năm 2012. Trong 5 năm qua, hai bên đã hợp tác và triển khai nhiều hoạt động gồm trao đổi đoàn các cấp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý phát triển du lịch, hợp tác xúc tiến quảng bá, xây dựng và phát triển sản phẩm, đào tạo nhân lực du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đón gần 340.000 lượt khách du lịch từ thị trường Đài Loan, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017.

 

 
Giải Dù lượn Năm Du lịch quốc gia 2018 khai mạc tại Quảng Ninh

Giải lần này được tổ chức với quy mô mở rộng tới tất cả các câu lạc bộ dù lượn trong toàn quốc và các vận động viên quốc tế. Đây là Giải lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ninh, thu hút nhiều vận động viên tham dự nhất từ trước đến nay.

Tham gia Giải lần này có 81 phi công đến từ 9 câu lạc bộ trong toàn quốc. Địa điểm tổ chức bay ở thôn Vườn Cau, xã Sơn Dương và thôn Đèo Đọc, xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ.

Các vận động viên tham gia xuất phát tại khu vực gần đỉnh núi, sau đó bay và hạ cánh tại vòng tròn đặt ở khu vực UBND xã Sơn Dương với nội dung thi hạ cánh chính xác dành cho cá nhân (nam, nữ) và bay đôi.

Đây là giải đấu nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2018 – Hạ Long – Quảng Ninh. Thông qua Giải nhằm khẳng định tiềm năng, lợi thế của huyện Hoành Bồ trong lĩnh vực thể thao mạo hiểm, du lịch mạo hiểm; góp phần thông tin, quảng bá về lợi thế điểm bay dù lượn ở địa phương; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lich trên địa bàn theo mục tiêu lâu bài, bền vững, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, chủ lực cho huyện trong thời gian tới.

Giải Dù lượn Năm Du lịch quốc gia 2018 – Hạ Long – Quảng Ninh kéo dài đến hết ngày 16/7/2018.

 

 
Hội nghị xúc tiến Đầu tư – Du lịch vào tỉnh Sê Kông (Lào)

Ngày 26/7, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Sê Kông (Lào) đã phối hợp với tỉnh Quảng Nam tổ chức “Hội nghị xúc tiến Đầu tư – Du lịch vào tỉnh Sê Kông năm 2018”.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Sê Kông đã giới thiệu tới các doanh nghiệp Việt Nam về tiềm năng, thế mạnh các lĩnh vực đầu tư vào tỉnh Sê Kông. Tỉnh Sê Kông gồm 4 huyện là Lạ Màm, Thà Tèng, Đắc Chưng và huyện Kà Lừm. Do vị trí địa lý nên địa phương này có đặc điểm khí hậu, địa hình khác nhau, có nguồn tài nguyên về khoáng sản rất lớn và vẫn còn ở dạng tiềm năng… Những năm qua, Sê Kông cũng đã thu hút sự quan tâm các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhiều dự án đầu tư ở các lĩnh vực tiềm năng của địa phương đã được triển khai tại đây.

Tỉnh Sê Kông có đường biên giới giáp 3 tỉnh của Việt Nam, Chính phủ của hai nước đã ký kết Hiệp định thương mại biên giới tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực để thu doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại các tỉnh biên giới của Lào nói chung và tỉnh Sê Kông nói riêng và sang đầu tư sản xuất hàng hóa để xuất khẩu đi Việt Nam và các nước thứ ba với những chính sách ưu đãi; tỉnh Sê Kông đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các tỉnh/thành của Việt Nam…

Được biết, từ năm 2006 đến nay, các nhà đầu tư đến từ Việt Nam đã tham gia vào 19 dự án tổng giá trị trên 460 triệu USD, tập trung ở các lĩnh vực nông nghiệp, khoáng sán thủy điện và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Sê Kông.

Hội nghị này là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam có được thông tin đầy đủ về những chủ trương, chính sách, tiềm năng, lợi thế, những lĩnh vực và danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh Sê Kông; đồng thời gặp gỡ, tiếp xúc, tìm cơ hội đầu tư vào tỉnh Sê Kông.

 

 
Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Chính sách UNESCO về di sản thế giới

Đây là nhận định của ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội trong bài tham luận tại Hội nghị bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững diễn ra hôm nay (27/7), tại Hà Nội.

Theo ông Michael Croft, cho đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 4 trong số 6 Công ước của UNESCO trong lĩnh vực văn hóa. Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong phát triền được ghi nhận là “một yếu tố quan trọng và là tác nhân cho sự phát triển bền vững” trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020.

Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý quốc gia phù hợp với các cam kết quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, bao gồm Luật Di sản văn hóa được sửa đổi năm 2009 và Nghị định số 109/2017/NĐ-CP gần đây của Thủ tướng Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản thể giới. Luật Di sản văn hóa dự kiến sẽ được sửa đổi trong chu kỳ 10 năm vào năm 2019.

“Di sản thế giới luôn là điểm đến du lịch năng động và hấp dẫn nhất với sự gia tăng mạnh cả về số lượng du khách và doanh thu du lịch, có sự thay đổi rõ rệt trước và sau khi di sản được ghi danh”, ông Michael Croft cho biết.

Dòng khách du lịch hướng tới các khu di sản mang lại nguồn thu lớn và kích thích phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là ngành du lịch, tuy nhiên bên cạnh đó cũng mang lại nhiều thách thức trong công tác bảo tồn di sản.

Ông cho rằng, vẫn còn nhiều vùng xám cản trở hiêu quả quản lý di sản. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng của đất nước bao gồm các di sản được UNESCO công nhận, các yếu tô di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu, tạo thành nguồn lực lớn cho du lịch và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có những thách thức ngày càng tăng đối với tính bền vững cùa các nguồn lực này chủ yếu do phát triển của du lịch, mất cân bằng trong chiến lược và thực hành bảo tồn và phát triển, thương mại hóa các lễ hội văn hóa và sự biến tướng của các phong tục văn hóa; và khoảng cách nới rộng trong chia sẻ lợi ích.

Một số quy định chồng chéo và mâu thuẫn cản trở việc quản lý di sản hiệu quả.

Theo phát biểu của đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các công việc chung của UNESCO, phát huy vai trò tích cực trong vấn đề bảo vệ di sản nói riêng và trong các lĩnh vực khác nói chung. Cho đến nay, Việt Nam đã 4 lần đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO.

Thông qua công tác điều phối các hoạt động liên quan đến quan hệ Việt Nam – UNESCO nói chung và trên lĩnh vực di sản nói riêng, Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực, chủ động, đóng góp ý tưởng, chất xám đối với UNESCO. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013 2017), qua đó tham gia vào việc định hình các chính sách, chiến lược, chương trình của UNESCO liên quan đến bảo tồn di sản; đóng góp vào việc quản lý các di sản văn hóa, thiên nhiên trên thế giới.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia định hình luật chơi chung, mở ra một hướng đi mới đối với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể khi đề xuất và bảo vệ thành công hồ sơ Hát xoan để chuyển từ danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách di sản đại diện của nhân loại (năm 2017). Đây là lần đầu tiên các quốc gia thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 xem xét và thông qua việc chuyển một hồ sơ từ danh sách cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách đại diện của nhân loại.

Bên cạnh việc đóng góp nhiều ý tưởng, bài học quý báu của Việt Nam cho các quốc gia thành viên UNESCO, Việt Nam cũng chuyển tải các sáng kiến, kinh nghiệm tốt của UNESCO về bảo tồn và quản lý di sản để áp dụng vào Việt Nam. Các khu di sản của Việt Nam hiện nay đang học tập và áp dụng nhiều mô hình quản lý của thế giới như kết hợp công – tư, phát huy vai trò của người dân, cộng đồng; mô hình phát triển du lịch bền vững. Rõ ràng, các loại hình danh hiệu của UNESCO như di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, công viên địa chất toàn cầu, với những tiêu chí khắt khe về khoa học và quản lý, không chỉ là những danh hiệu mà còn là những mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững mà các địa phương của Việt Nam có thể học tập và áp dụng một cách hiệu quả, đem lại những giá trị về kinh tế, du lịch, góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng và người dân tại các nơi sở hữu danh hiệu.

 

 
Hà Nội chuẩn bị tổ chức Hội nghị Hội đồng Xúc tiến Du lịch châu Á lần thứ 16

Hội nghị Hội đồng Xúc tiến Du lịch châu Á lần thứ 16 (CPTA 16th) sẽ diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 5 – 10/9/2018.

Sáng 3/8, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì họp bàn triển khai công việc với các Sở, ngành, đơn vị TP, nhằm triển khai Kế hoạch số 111/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về việc tổ chức Hội nghị Hội đồng Xúc tiến Du lịch châu Á lần thứ 16 (CPTA 16th) tại TP Hà Nội, diễn ra từ ngày 5 – 10/9.

Đại diện Sở Du lịch cho biết, Hội nghị CPTA lần thứ 16 sẽ diễn ra các hoạt động gồm: Tiệc chiêu đãi của UBND TP Hà Nội vào tối 5/9, tại khách sạn Sofitel Legend Metropole; Khai mạc Hội nghị CPTA, sáng 6/9; Họp nội bộ các thành phố CPTA, chiều 6/9; Hội thảo các thành phố thành viên CPTA sáng 7/9; Triển lãm CPTA trong 2 ngày 8 và 9/9, tại khu vực nhà Bát Giác – Vườn hoa Lý Thái Tổ – Phố Lê Thạch; và Chương trình tham quan cho đại biểu tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, Làng gốm sứ Bát Tràng, ngày 9/9.

Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách TP Hà Nội cấp cho Sở Du lịch Hà Nội và các sở, ban ngành, đơn vị liên quan năm 2018.

Các đại biểu quốc tế tham gia Hội nghị gồm: Đại diện các Đại sứ quán, Cơ quan đại diện ngoại giao là các nước thuộc thành viên CPTA gồm: Tokyo (Nhật Bản), Bangkok (Thái Lan), Delhi (Ấn Độ), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), Metropolitan Manila (Philippines), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), Tomsk (Nga); đại biểu các TP thành viên CPTA.

Tại buổi họp, nhiều đơn vị cho biết đã triển khai chuẩn bị nguồn lực, vật lực để thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội đề nghị các đơn vị cử đại diện là đầu mối thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình để trao đổi và phối hợp với Sở Du lịch trong từng công việc cụ thể./.

 

 
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội vào dịp kỷ niệm 1008 năm Thăng Long-Hà Nội

Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 dự kiến diễn ra từ 5-7/10/2018, nhân kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô, 1008 năm Thăng Long-Hà Nội.

Hơn nghìn năm tuổi, từng là kinh đô của nhiều triều đại, nếp sống của người Thăng Long-Hà Nội do đó có cốt cách riêng, có nét văn hóa riêng, trong đó tập quán, lề thói ăn uống… cũng được nhiều vùng trong cả nước công nhận bởi sự tinh hoa, thanh lịch nhưng cũng vô cùng đa dạng, từ ẩm thực cầu kỳ mang tính cung đình sang trọng đến phong cách bình dân của ẩm thực vỉa hè.

Ẩm thực miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng chứa đựng một kho tàng văn hóa đặc sắc. Ẩm thực và văn hóa ẩm thực cũng là linh hồn của Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ẩm thực Hà Nội mang sắc thái và đặc trưng riêng tạo nên một nền văn hóa ẩm thực không thể lẫn với nơi khác.

Đặc biệt, Hà Nội còn là nơi có nhiều món quà ngon ít nơi sánh được dù chẳng là cao lương mỹ vị như bánh cuốn Thanh Trì, bún chả, bún ốc, phở…

Sự kiện Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 được tổ chức nhằm tôn vinh và giới thiệu tới người dân Hà Nội và du khách từ khắp mọi miền đất nước cũng như du khách quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Hà Nội, về một Hà Nội hào hoa, thanh lịch.

Diễn ra từ ngày 5- 7/10 tại Công viên Thống Nhất (đường Trần Nhân Tông, Hà Nội), lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 sẽ là nơi quy tụ những tinh hoa của ẩm thực đất Thủ đô.

 
Xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch Quốc tế WTM 2018

Từ ngày 5 đến 7/11, Tổng cục Du lịch phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế WTM 2018 tại thành phố London, Vương quốc Anh.

Hội chợ du lịch quốc tế WTM London là một trong những hội chợ du lịch quốc tế lớn nhất trên thế giới được tổ chức vào tháng 11 hằng năm tại thủ đô London, vương quốc Anh.

Theo đó, triển khai chương trình xúc tiến du lịch quốc gia 2018, Tổng cục Du lịch xây dựng kế hoạch tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế WTM 2018 diễn ra từ ngày 5-7/11/2018 tại London, Anh. Tổng cục Du lịch tiếp tục phối hợp với Hội đồng Tư vấn du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thiết kế , xây dựng gian hàng chung Việt Nam, giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch, tổ chức họp báo, chương trình tiếp tân, biểu diễn văn nghệ truyền thống và mời các địa phương và các doanh nghiệp du lịch tham gia gian hàng chung giới thiệu điểm đến và sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp tại hội chợ.

Đây cũng là dịp để Việt Nam giới thiệu hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng đối với khách du lịch tại thị trường Anh nói riêng và Châu Âu nói chung; đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tiếp cận, tìm hiểu đặc điểm và xu hướng phát triển thị trường, mở rộng hợp tác kinh doanh với các đối tác tại thị trường Anh./.

 

 
Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức xúc tiến du lịch tại TP. Adelaide, Úc

Ngày 8/8/2018, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn làm trưởng đoàn đã tổ chức chương trình roadshow tại thành phố Adelaide, Úc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức xúc tiến du lịch tại thành phố này.

Chương trình được tổ chức với sự hỗ trợ của Công ty Tweet World Travel và Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ cơ quan quản lý du lịch địa phương, doanh nghiệp du lịch và báo chí hai nước.

Đây là dịp để Việt Nam giới thiệu về các chính sách, sản phẩm du lịch cũng như vẻ đẹp con người, văn hóa đặc sắc của dân tộc tới đông đảo doanh nghiệp và báo chí Úc. Đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp du lịch hai bên gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Những năm qua, Úc được coi là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Hàng năm, Tổng cục Du lịch đã tổ chức chương trình phát động thị trường tại một số thành phố lớn của Úc và đón các đoàn Famtrip từ thị trường Úc vào Việt Nam để khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm tăng cường thu hút khách du lịch từ thị trường này.

Năm 2017, Việt Nam đã đón trên 370.000 lượt du khách Úc, tăng 15,5% so với năm 2016. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2018, đã có gần 238.000 lượt du khách Úc tới Việt Nam, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Tiếp nối chuỗi các sự kiện giới thiệu du lịch Việt Nam tại thị trường Úc và New Zealand, từ ngày 10-15/8 tới, đoàn công tác sẽ tiếp tục tổ chức roadshow tại 2 thành phố của Úc là Brisbane và Sydney và thành phố Auckland của New Zealand.

Các nghệ sĩ Việt Nam mang đến những tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc

 

 
Chấn chỉnh du lịch ‘cỏ’, hướng tới những thị trường đẳng cấp

TP. Đà Nẵng khẳng định đã đến lúc ngành du lịch Thành phố phải nghĩ đến thu hút nguồn khách chất lượng, chứ không chạy theo số lượng.

Ngày 11/8, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức buổi gặp mặt các DN du lịch trên địa bàn thành phố năm 2018.

Theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2018, thành phố đón hơn 4 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế ước đạt khoảng 1,6 triệu lượt. Tổng thu du lịch của TP. Đà Nẵng trong 6 tháng qua đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2017.

Lượng khách đến với thành phố ngày càng đông, một phần là nhờ vào các tour giá rẻ. Tour giá rẻ là hình thức cạnh tranh bằng giá để thu hút khách của các công ty lữ hành, phần ăn uống, lưu trú hay hướng dẫn viên được bán cho khách với giá bằng 0 so với chi phí thực tế công ty lữ hành tổ chức tour cho khách. Tuy nhiên DN lữ hành có nhiều cách bù lỗ, thu được lợi nhuận nhờ vai trò của nhà tổ chức tour, thông qua việc đưa du khách đến các cơ sở mua sắm hay dịch vụ.

Tour giá rẻ đến Đà Nẵng chủ yếu xuất hiện ở thị trường Trung Quốc và một phần thị trường Hàn Quốc. Thống kê cho thấy, lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng trong 6 tháng qua đạt 800.000 lượt, khách Trung Quốc đạt 368.000 lượt… qua đó đã đóng góp tích cực cho ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân Đà Nẵng. Tuy nhiên, tour giá rẻ cũng đã phát sinh nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Qua thanh tra về tour giá rẻ, Sở Du lịch Đà Nẵng ban hành 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 197 triệu đồng. Phát hiện 6 người nước ngoài vi phạm hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam. Công an  và ngành du lịch Đà Nẵng đã phát hiện 23 người có hoạt động điều hành, hướng dẫn khách du lịch người nước ngoài trái phép, đã xử phạt hành chính 20 người với tổng mức phạt trên 322 triệu đồng…

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, bên cạnh những mặt tích cực thì một số DN đã có nhiều cách thức thủ đoạn đối phó, ví dụ khi kiểm tra bị phát hiện thì lập tức thành lập 5,6 đơn vị lữ hành khác  để tránh sự kiểm soát, thậm chí thành lập ở các địa phương khác rồi đến thành phố hoạt động; báo cáo lượng khách không trung thực; trốn thuế… mặc dù Sở Du lịch và các cơ quan chức năng đã rất tích cực thanh tra, kiểm soát song vẫn chưa xử lý được hết.

Hướng đến thị trường du lịch đẳng cấp, chất lượng

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng thì đã đến lúc Đà Nẵng cầm xem xét lại tour giá rẻ, bởi hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Đà Nẵng.

“Đà Nẵng cần phải phát triển đến những thị trường du lịch đẳng cấp, hướng về chất lượng chứ không phụ thuộc vào các thị trường tour giá rẻ, đông khách. Chọn lọc du khách văn minh hơn thì môi trường, văn hóa địa phương sẽ được tốt hơn”, ông Huỳnh Tấn Vinh kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Hội lữ hành TP. Đà Nẵng đề xuất: Hiện thành phố đang thất thu rất nhiều về thuế vì tour “0 đồng”. Nếu muốn kiểm soát được, các cơ quan liên ngành cần kiểm tra DN, thống kê xem thời gian vừa qua thu thuế được bao nhiêu trên số lượng khách. Thống nhất quy trình kiểm tra kiểm soát vấn đề này để tìm ra được DN nào đang làm chui, trốn thuế, người nước ngoài núp sau DN.

“Kiểm tra mà không xử phạt đến cùng thì cũng chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”. Do vậy, thành phố phối hợp các ban ngành liên quan hoạt động trong thị trường du lịch hướng dẫn họ làm đúng quy trình, đúng pháp luật. Thành phố nên quyết liệt một lần, không cần sợ làm giảm số lượng khách, chúng ta không cần con số đẹp, mà cần con số thu về cho thành phố”, ông Nguyễn Văn Hùng đề xuất.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định: Đến giai đoạn này, đơn vị thống nhất là phải chuyển hướng tăng cường chất lượng và chống thất thu thuế. Sở Du lịch đã ban hành kế hoạch tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN, xúc tiến thị trường, xây dựng sản phẩm mới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, trong quá trình phát triển, Đà Nẵng xác địch du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết cho Đà Nẵng, thành phố cũng đã có chương trình hành động. Thời gian qua, Đà Nẵng đã trở thành một điểm đến hấp hẫn và quan trọng trên bản đồ du lịch thế giới. Tuy nhiên chúng ta không nên hài lòng với những kết quả đã đạt được bởi nếu ngừng lại nghĩa là chúng ta thụt lùi, do đó vẫn phải tiếp tục, vẫn phải nâng cao để đảm bảo mọi hoạt động du lịch diễn ra tốt nhất.

“Đã đến lúc ngành du lịch thành phố phải nghĩ đến thu hút lượng khách chất lượng, chứ không chạy theo số lượng. Tôi kêu gọi cộng đồng du lịch cùng hướng về chất lượng để đảm bảo được sự phát triển bền vững. Chất lượng ở đây gồm: Chuẩn lưu trú; chuẩn hướng dẫn viên; chuẩn gói sản phẩm với nhiều sự khác biệt; chuẩn môi trường du lịch, an toàn văn minh… Điều này đòi hỏi sự chung tay giữa thành phố cũng như cộng đồng DN”, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh./.

 

 
Du lịch Việt tham dự Hội chợ FITUR 2019 Tây Ban Nha

Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức gian Du lịch Việt Nam tại Hội chợ FITUR 2019, diễn ra từ 23-27/01/2019.

Đây là hoạt động triển khai Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia năm 2018, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm Tây Âu của Tổng cục.

Hội chợ FITUR 2019 là sự kiện thường niên thu hút nhiều đơn vị tham gia, trong đó có các đơn vị Việt Nam. Đây là dịp tốt để quảng bá du lịch Việt Nam, gặp gỡ và tìm kiếm khách hàng, kết nối hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch không chỉ với Tây Ban Nha mà còn với các nước và khu vực khác trên thế giới.

Năm nay, với mong muốn xây dựng gian nhà chung Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã đăng ký thuê mặt bằng tại Hội chợ để xây dựng không gian giới thiệu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch, và giao dịch với đối tác tại hội chợ. Bên cạnh tổ chức gian hàng, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức các hoạt động tiếp tân và trình diễn thủ công truyền thống của Việt Nam.

Hiện, Tổng cục đã có công văn gửi các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, các Trung tâm Xúc tiến du lịch mời tham dự gian Việt Nam tại Hội chợ FITUR 2019./.

 

 
Lễ hội mùa thu Bát Xát 2018 thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước

Lễ hội mùa Thu Bát Xát 2018 với chủ đề “Sức hút đại ngàn” khai mạc ngày 19/8 thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước

Lễ hội mùa Thu Bát Xát 2018 là một sự kiện quan trọng, được tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ngay trong ngày đầu tiên, lễ hội đã thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước.
Đây là năm thứ hai Lễ hội mùa Thu huyện Bát Xát được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa truyền thống các dân tộc, tiềm năng du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn.

Trong thời gian diễn ra lễ hội từ ngày 19/8 đến 1/9, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm, khám phá nhiều hoạt động phong phú như: Giải leo núi “Chinh phục đỉnh Lảo Thẩn”; khám phá chợ phiên Y Tý và khám phá trải nghiệm ruộng bậc thang tại thung lũng Thề Pả, xã Y Tý; Thác Đỏ tại xã Dền Sáng; Đường đá cổ Pa Vi, Núi Ky Quan San xã Sàng Ma Sáo…Đặc biệt Lễ hội năm nay, sẽ diễn ra chương trình Biễu diễn bay dù lượn và tham quan làng nghề trạm Bạc tại thôn Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum, giải đua xe đạp địa hình khám phá Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt ngày 25/8.

Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, Bát Xát có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trên địa bàn còn giữ được những cánh rừng già nguyên sinh với hệ động, thực vật phong phú. Thiên nhiên đã ban tặng cho Bát Xát vẻ đẹp kỳ thú, núi non hùng vỹ…  Lễ hội mùa Thu nhằm đẩy mạnh quảng bá những hình ảnh về quê hương, con người và bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc huyện Bát Xát đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng; đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại chỗ, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Bát Xát đến du khách trong và ngoài nước.

 

 
Festival Biển 2019 nằm trong chuỗi các sự kiện của Năm Du lịch quốc gia 2019

Ngày 21/8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao về công tác chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2019 và Festival Biển 2019.

Theo đó, tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất quan điểm xác định, Năm Du lịch quốc gia 2019 và Festival Biển 2019 là hoạt động chung. Trong đó Festival Biển 2019 là một sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện của Năm Du lịch quốc gia 2019.

Cũng tại cuộc họp, Thường trực UBND tỉnh đã thống nhất chọn các mẫu biểu trưng Festival Biển, mẫu quà tặng Festival Biển 2019, mẫu quà tặng ngoại giao.

Được biết, cuối tháng 10/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đồng ý giao Khánh Hòa và Ninh Bình là hai tỉnh lần lượt chủ trì, tổ chức phát động Năm Du lịch quốc gia 2019 và 2020. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch, nội dung, cơ chế tổ chức sự kiện Năm Du lịch Quốc gia, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của địa phương cũng như tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo đó, Năm Du lịch quốc gia 2019 sẽ có 3 nhóm sự kiện: Do tỉnh Khánh Hòa chủ động tổ chức; những sự kiện do các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối thực hiện; và hoạt động do các tỉnh, thành phố trong cả nước hưởng ứng.

Trong các hoạt động do Khánh Hòa tổ chức sẽ có các sự kiện chính: Lễ công bố Năm Du lịch quốc gia 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 31/12; lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2019 kết hợp với khai mạc Festival Biển 2019 dự kiến diễn ra vào tháng 5-2019…

Ngoài ra, còn có các sự kiện: Tuần lễ Festival Biển; hội nghị lần thứ 3 về phát triển khu vực Duyên hải miền Trung; cuộc thi ba môn phối hợp; lễ hội bia; cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, liên hoan du lịch biển; cuộc đua thuyền buồm Hồng Kông – Nha Trang…

Thông qua sự kiện “Năm du lịch Quốc gia 2019 và Festival Biển 2019” nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy những giá trị tinh thần và bản sắc văn hóa biển, đảo của vùng đất, con người Khánh Hòa trong suốt chiều dài lịch sử cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước ngày nay. Đồng thời, qua đó góp phần giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế hình ảnh về một vùng đất đầy năng động, tích cực hội nhập, mở rộng đoàn kết, hữu nghị và hợp tác quốc tế.

 

 
Hà Nội yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch dịp 2/9

Sở Du lịch Hà Nội vừa có công văn số 612/SDL-TTr gửi các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn TP về việc tăng cường công tác giữ gìn môi trường du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn cho khách du lịch trong dịp nghỉ lễ 2/9.

Theo đó, Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn TP chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, có tính độc đáo, hấp dẫn, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch; đảm bảo đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ tốt nhất cho du khách.

Đồng thời, chú trọng đến các điều kiện về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; chấp hành tuyệt đối các quy định, nội quy, quy trình, phương pháp tổ chức, triển khai phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; sẵn sàng phương án và biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn.

Mặt khác, nâng cao trách nhiệm trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, nơi thu gom, tập kết, phân loại rác thải phải được bố trí ở nơi hợp lý, kín đáo; luôn giữ cảnh quan của Thủ đô phong quang, sạch đẹp, gọn gàng, thuận tiện cho du khách thập phương đến Hà Nội trong đợt nghỉ lễ cao điểm.

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến bày bán, bảo quản; tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm, sẵn sàng phương án xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Tuân thủ đúng quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị khi tham gia hoạt động du lịch. Sắp xếp, bố trí nơi trông giữ phương tiện đúng nơi quy định, không gây ùn tắc giao thông, không để xảy ra hiện tượng thu tiền trông giữ xe sai quy định.

Tích cực tuyên truyền, phổ biến trong cộng đồng người làm du lịch và các du khách thực hiện tốt “Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” của UBND thành phố Hà Nội ban hành.

Đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch bao gồm cả vận chuyển bằng đường thủy nội địa cần đặc biệt lưu ý về điều kiện, trang bị an toàn của phương tiện vận chuyển khách du lịch và của du khách. Kiểm tra các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ tai nạn, triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn tại các bến bãi, điểm dừng đỗ đón trả khách, điểm neo đậu phương tiện thủy nội địa. Tuyệt đối không sử dụng phương tiện vận chuyển không an toàn khi phục vụ khách du lịch.

Đối với các địa điểm, cơ sở hoạt động du lịch có bể bơi, vui chơi dưới nước phải đảm bảo các tiêu chí, quy trình hoạt động theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về điều kiện hoạt động của cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn. Thường xuyên chủ động kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn tại các hồ bơi, bãi tắm phục vụ khách du lịch, để có các biện pháp chủ động xử lý kịp thời hữu hiệu đảm bảo an toàn cho du khách.

Đối với các địa điểm, cơ sở hoạt động du lịch có sông, hồ, suối, thác phải đảm bảo kiểm tra cơ sở vật chất kỹ thuật, lắp đặt biển báo, cảnh báo, chỉ dẫn rõ ràng cho khách du lịch trước khi đưa vào hoạt động, khai thác kinh doanh. Có xây dựng quy trình, phương án cứu hộ đảm bảo an toàn cho khách du lịch; bố trí lực lượng cứu hộ trực tại những vị trí nguy hiểm./.

 

 
Xúc tiến du lịch Khánh Hòa tại Hàn Quốc

Từ ngày 26 đến 31/8, đoàn công tác của tỉnh khánh Hòa do ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến Hàn Quốc dự hội nghị xúc tiến du lịch Khánh Hòa.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn đã có buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tú, thông tin đến Đại sứ tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh, những nỗ lực giao thương giữa Khánh Hòa với các địa phương của Hàn Quốc.

Đoàn cũng đã có buổi làm việc với các tập đoàn: Lotte, KPMG, Yooshin, Hana… giới thiệu tiềm năng và các cơ hội hợp tác phát triển đầu tư, thương mại và đặc biệt là du lịch.

Đại diện các tập đoàn mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách du lịch quốc tế đến Nha Trang – Khánh Hòa.

Chiều 29/8, đoàn sẽ tham dự chương trình xúc tiến du lịch, quảng bá Nha Trang – Khánh Hòa tại Seoul. Được biết, hơn 120 doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Hàn Quốc đã đăng ký tham dự chương trình này.

 

 
Thông điệp Ngày Du lịch thế giới 2018

Năm nay, Ngày Du lịch Thế giới nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư vào công nghệ số đột phá để tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.

Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, với những tiến bộ về kỹ thuật số đã làm chuyển đổi cách suy nghĩ và hành vi của chúng ta, và khuyến khích sự sáng tạo. Chúng ta không chỉ cần những công cụ mới mà còn cần năng lực và hướng tư duy mới. Vì vậy thông qua gia đình Liên hợp quốc, chúng ta đang tạo ra những mối quan hệ đối tác, những dự án và sáng kiến có tính đổi mới.

Quy mô rộng lớn và tác động của ngành du lịch toàn cầu tới các ngành khác và các Mục tiêu phát triển bền vững đã đưa trách nhiệm xã hội của du lịch lên hàng đầu, đi đôi với việc sáng tạo ở tất cả các cấp.

Khai thác sự sáng tạo và tiến bộ về kỹ thuật số mang đến cho du lịch cơ hội nâng cao tính bao trùm, trao quyền cho cộng đồng địa phương và quản lý tài nguyên hiệu quả, cùng với các mục tiêu khác trong bối cảnh thúc đẩy phát triển bền vững. Chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, và chúng ta đang đảm bảo ngành du lịch có đóng góp cho cam kết toàn cầu này.

 

 

Việt Nam – Pháp: Hợp tác cùng phát triển các thành phố thông minh và bền vững

Chiều ngày 06/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Pháp trao đổi nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Pháp phát triển các thành phố thông minh và bền vững.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Biến đổi khí hậu, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường. Về phía Đoàn công tác của Pháp có Bà Laure Grazi, đại diện Đại sứ quán Pháp và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến thành phố thông minh và bền vững.

Đây là cuộc gặp tiếp nối và hiện thực hóa những trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bà Quốc vụ khanh Bộ chuyển đổi sinh thái và Đoàn kết nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Pháp trong tháng 3/2018.

Đại diện phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Ngọc Tuấn hoan nghênh Đại sứ quán Pháp đã tổ chức Đoàn công tác sang trao đổi với Bộ về đề tài phát triển thành phố thông minh. Ông Lê Ngọc Tuấn cho biết, hiện nay, xây dựng các thành phố thông minh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu là một xu thế. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn được trao đổi với các cơ quan liên quan của Pháp về kinh nghiệm xây dựng mô hình này và áp dụng thí điểm tại Việt Nam.

Trao đổi tại buổi tiếp, đại diện Đại sứ quán Pháp cho biết, việc xây dựng thành phố thông minh và bền vững sẽ tập trung vào giải quyết vấn đề về thiết kế đô thị hợp lý, đạt tính bền vững; hạn chế các hệ lụy của quá trình đô thị hóa về rác thải, năng lượng và chất lượng không khí; và các thức quản lý tối ưu và thông minh các vấn đề của đô thị… Đại sứ quán Pháp cũng khẳng định Cộng hòa Pháp có nhiều kinh nghiệm trong phát triển thành phố thông minh và bền vững và mong muốn có thể trao đổi với phía Việt Nam để thúc đẩy hợp tác phát triển trong lĩnh vực này.

Đại diện các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp của Pháp trao đổi các kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế, chính sách cũng như quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để phát triển các thành phố thông minh. Đồng thời, nêu lên các kinh nghiệm và thế mạnh của mình trong các lĩnh vực liên quan đến thành phố thông minh và bền vững như xử lý rác thải sinh hoạt, quản lý giao thông đô thị, quan trắc chất lượng không khí, quản lý năng lượng và các vấn đề môi trường, các giải pháp công nghệ thông tin, các giải pháp về cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng…

Trao đổi với đoàn công tác, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất một số định hướng hợp tác liên quan thành phố thông minh và bền vững như quản lý chất lượng không khí, quản lý rác thải nhựa, xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt, quy hoạch đô thị thông minh, xây dựng thành phố bền vững, chống chịu với biến đổi khí hậu…

Sau cuộc gặp này, Vụ Hợp tác quốc tế sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ về các bước triển khai tiếp theo, tiến tới xây dựng và ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ tài nguyên và môi trường với Bộ chuyển đổi sinh thái và Đoàn kết của Cộng hòa Pháp về xây dựng các thành phố thông minh và bền vững tại Việt Nam, góp phần vào mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

 

 

Tăng hiệu quả của các quỹ bảo vệ môi trường

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, chính sách hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, trong đó phải kể đến chính sách tín dụng khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT). Tính đến cuối năm 2017, trên phạm vi toàn quốc đã có 42 quỹ BVMT được thành lập ở các địa phương và Quỹ BVMT Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quỹ BVMT giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước

Các quỹ BVMT có chức năng hỗ trợ hoạt động BVMT dưới hình thức cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tài trợ cho các hoạt động BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Riêng Quỹ BVMT Việt Nam có thêm hình thức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các dự án BVMT vay vốn của các tổ chức tín dụng khác.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 15 năm hoạt động, Quỹ BVMT Việt Nam đã cho 248 dự án môi trường vay vốn với tổng số tiền ký kết cho vay hơn 2.200 tỷ đồng dưới các hình thức: cho vay ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất, trợ giá sản phẩm điện gió, hỗ trợ giá điện gió nối lưới, ký quỹ phục hồi môi trường… Quỹ đã tiếp nhận 189 đơn vị ký quỹ, với 259 dự án, và tổng số tiền hơn 130 tỷ đồng. Quỹ đang thực hiện nhiệm vụ trợ giá điện gió dự án “Đầu tư xây dựng công trình phong điện I – Bình Thuận” với số tiền 234 tỷ đồng, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu khác.

Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, quỹ đã mở rộng lĩnh vực ưu tiên cho vay từ 5 lên 8 lĩnh vực ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư BVMT cho nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời mở rộng phạm vi hỗ trợ tài chính. Theo đó, lãi suất hỗ trợ cho vay của quỹ cũng giảm dần từ 3,6%/năm xuống còn 2,6%/năm, các điều kiện về đảm bảo tiền vay, thời gian vay, quy trình và các thủ tục cho vay cũng được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi.

Các quỹ BVMT địa phương triển khai hoạt động cho vay với lãi suất ưu đãi, lĩnh vực hỗ trợ chủ yếu là các dự án, công trình xử lý ô nhiễm khí thải, nước thải công nghiệp, thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt. Tùy vào điều kiện và đặc điểm của từng địa phương mà mức lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, mức vốn cho vay khác nhau. Mức lãi suất cho vay thấp nhất là 3,8%/năm tại Quỹ BVMT tỉnh Bình Định; mức lãi suất cho vay cao nhất là 5,4%/năm tại Quỹ BVMT tỉnh Thái Nguyên. Thời hạn cho vay trung bình từ  3 đến 5 năm, có địa phương tối đa cho vay tới 10 năm. Mức vốn cho vay  thấp nhất là 300 triệu đồng/1công trình, dự án (Bắc Giang, Hà Nội, Lạng Sơn,…) cao nhất là 18 tỷ đồng (Quỹ BVMT Tây Ninh cho dự án nhà máy xử lý nước thải cụm công nghiệp Tân Hội 1).

Tăng hiệu quả hoạt động cho các quỹ BVMT

Hệ thống các quỹ BVMT đã bước đầu phát huy được vai trò, tác dụng và hiệu quả trong việc hỗ trợ tài chính cho các dự án, chương trình, hoạt động BVMT. Thông qua hoạt động chủ chốt là cho vay quay vòng vốn, nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp cho các quỹ BVMT có thể hỗ trợ được cho nhiều dự án, hoạt động BVMT, đồng thời có nguồn thu tự trang trải chi phí hoạt động, từ đó giảm bớt áp lực, gánh nặng ngân sách nhà nước chi cho hoạt động này.

Quỹ BVMT là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong quản lý hoạt động BVMT. Thông qua hoạt động của quỹ, các chính sách về quản lý, kiểm soát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực môi trường tại các địa phương và vùng miền (khai thác tài nguyên khoáng sản; năng lượng tái tạo, năng lượng tự nhiên…) được giám sát hiệu quả đến từng địa phương.

Các quỹ BVMT đã góp phần tích cực vào quá trình đồng bộ hóa các công cụ tài chính, chính sách của nhà nước, hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực BVMT. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: Cơ sở pháp lý cho mô hình tổ chức và hoạt động của quỹ BVMT địa phương còn chưa thống nhất; nguồn lực tài chính bố trí cho hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và bố trí cho chính sách tín dụng đối với lĩnh vực này còn tương đối hạn hẹp; huy động nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho lĩnh vực BVMT còn hạn chế; một số quỹ có quy mô, nguồn lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, nhân sự còn hạn chế…

Để nâng cao hiệu quả của chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, BVMT cần tập trung vào các nhóm giải pháp như:  Hoàn thiện căn cứ pháp lý thành lập, tổ chức và hoạt động của các quỹ; đẩy mạnh huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để bổ sung nguồn lực cho lĩnh vực BVMT, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các quỹ BVMT, qua đó giảm áp lực lên ngân sách nhà nước.

 

 

Tiêu hủy chất PCB “sát thủ môi trường”

Polyclo biphenyl (viết tắt là PCB) là một trong 23 nhóm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy được xem là “sát thủ vô hình” đối với môi trường và sức khỏe con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PCB đang được đánh giá từ nhóm 2 là nhóm có khả năng gây ung thư lên nhóm 1 là nhóm các chất gây ung thư. Tại Việt Nam, PCB sẽ được dừng sử dụng vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn vào năm 2028.

Hơn 45 tấn chất thải cực độc – dầu nhiễm PCB – đã được xử lý thành công bằng công nghệ Đồng xử lý trong lò nung xi măng. Được biết, Cơ quan quốc tế nghiên cứu ung thư (IARC) đã xếp PCB vào nhóm 2A – nhóm hóa chất độc hại có khả năng gây ung thư.

Giải pháp thu gom xử lý dầu nhiễm PCB bằng công nghệ Đồng xử lý trong lò nung xi măng là phương pháp hiệu quả để tiêu hủy chất thải nhiễm PCB. Ở nhiệt độ cao 1.800 – 2.000 độ C, thời gian lưu cháy dài (khoảng 8 giây), trên 99,9999 % PCB sẽ được phân hủy hoàn toàn.

PCB từng được tôn vinh trong quá khứ như một loại phụ gia lý tưởng của chất cách điện, cách nhiệt trong các thiết bị điện như máy biến áp, tụ điện, trong chất lỏng thủy lực cho các các thiết bị điện như máy biến áp, tụ điện cho đến khi được phát hiện là nguyên nhân gây ra nhiều thảm họa môi trường tại Nhật, Mỹ, và nhiều nước khác.

Độ độc của một số đồng phẳng của PCB chỉ kém 10 lần loại dioxin có tính độc cao nhất. Cơ quan quốc tế nghiên cứu ung thư (IARC) đã xếp PCB vào nhóm 2A, là nhóm hóa chất độc hại có khả năng gây ung thư.

Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” thuộc khuôn khổ các hoạt động thực hiện công ước Stockholm tại Việt Nam được Chính phủ Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới triển khai, sử dụng nguồn tài trợ từ Quỹ môi trường toàn cầu (GEF).

Dự án giúp xây dựng năng lực quốc gia của Việt Nam nhằm quản lý PCB và lưu trữ an toàn một lượng lớn PCB tại các tỉnh nhằm tiêu hủy trong tương lai.

 

Đồng xử lý – lối thoát cho chất thải độc hại khó phân hủy PCB

INSEE Ecocycle vừa xử lý thành công hơn 45 tấn chất thải cực độc – dầu nhiễm PCB bằng công nghệ Đồng xử lý trong lò nung xi măng. Đây là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam”, được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp phép, nhằm tiêu hủy dầu nhiễm PCB triệt để, an toàn cho môi trường theo công ước Stockholm tại Việt Nam.

Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” thuộc khuôn khổ các hoạt động thực hiện công ước Stockholm tại Việt Nam được Chính phủ Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới triển khai, sử dụng nguồn tài trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Dự án giúp xây dựng năng lực quốc gia của Việt Nam nhằm quản lý PCB và lưu trữ an toàn một lượng lớn PCB tại các tỉnh, thành trình diễn nhằm tiêu hủy trong tương lai.

Tham gia dự án với vai trò đơn vị thu gom và xử lý chất thải dầu nhiễm PCB, INSEE Ecocycle  là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Tổng cục Môi trường cấp phép được vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại này bằng công nghệ Đồng xử lý trong lò nung xi măng. PCB (Plychlorinated Biphenyls), 01 trong 22 nhóm chất hữu cơ khó phân hủy (POP) được quy định trong công ước Stockholm sẽ được dừng sử dụng vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn vào năm 2028 tại Việt Nam.

Giái pháp thu gom, xử lý dầu nhiễm PCB bằng công nghệ Đồng xử lý trong lò nung xi măng là phương pháp hiệu quả để tiêu hủy chất thải nhiễm PCB. Ở nhiệt độ cao 1.8000C – 2.0000C, thời gian lưu cháy dài (khoảng 8 giây), trên 99,9999% PCB được phân hủy. Giải pháp này đã và đang được thực hiện trên khắp thế giới trong 30 năm qua và được rất nhiều nước công nhận là 1 phương pháp tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Từ 2012 đến nay, INSEE Ecocycle đã thu gom và xử lý hơn 150 tấn dầu nhiễm PCB từ các đơn vị trên cả nước. Tháng 7/2018, dự án xử lý chất thải nguy hại dầu nhiễm PCB cũng đã tiếp tục được thực hiện với chủ nguồn thải là Nhà máy nước Thủ Đức – Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn với tổng khối lượng chất thải là 45 tấn.

Quy trình thu gom, xử lý được thực hiện nghiêm ngặt đúng theo quy định pháp luật và tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả các bước đều được khảo sát, nghiên cứu, đánh giá rủi ro, chuẩn bị kế hoạch kỹ càng và phương án ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp, đảm bảo an toàn cho môi trường cũng như người thực hiện công việc. Khí phát thải sẽ được kiểm soát bởi Phòng điều khiển trung tâm bằng hệ thống giám sát khí thải liên lục ghi nhận mức độ phát thải thực tế của các loại khí VOC, NH3, O2, HCl, CO, NO, NO2, SO2, H2O luôn ở mức cho phép, không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Quy trình này sẽ được giám sát bởi đơn vị giám sát độc lập – Viện Môi trường và Tài nguyên để xác nhận rằng việc tiêu huỷ đã được thực hiện một cách an toàn. Quá trình tiêu huỷ sẽ được chứng kiến bởi các cá nhân và tổ chức có liên quan: Nhà máy Nước Thủ Đức, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành (nếu có).

Bằng dự án này, INSEE Ecocycle mong muốn góp phần xử lý triệt để, an toàn một trong những loại chất thải nguy hại đặc biệt được lưu tâm bởi Chính phủ Việt Nam và thế giới, bảo vệ môi trường xanh bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo tồn nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai.

 

 

Dán tem cho xe có tiêu chuẩn khí thải thấp

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa đề xuất nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô để hạn chế tình trạng ô nhiễm tại các đô thị hiện nay.

Theo đề xuất của đơn vị này, từ 1/7/2019 sẽ dán tem cho các xe đạt mức thấp về tiêu chuẩn khí thải. Theo đó, những trường hợp xe không đạt tiêu chuẩn khí thải vẫn được lưu hành nhưng bị dán tem màu đỏ và phải trả phí bảo vệ môi trường cao hơn.

Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất bổ sung thêm tiêu chuẩn khí thải ôtô theo mức: Xe dùng xăng chỉ được phép tối đa có 3,5% CO; xe dùng nhiên liệu diesel 60% HSU, 800 HC (ppm thể tích). Đây là tiêu chuẩn bằng với mức 2 được quy định tại Quyết định của Thủ tướng về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, áp dụng từ cuối năm 2019.

Tới khi đó, những ôtô phải đạt tiêu chuẩn khí thải cao hơn so với hiện nay mới được cấp chứng nhận kiểm định để lưu hành. Cùng với đó, sẽ phân chia loại xe theo tuổi để áp dụng tiêu chuẩn phù hợp.

 

 

Nghiên cứu chỉ số an ninh môi trường

Nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), đề tài “Nghiên cứu xác định các chỉ số an ninh môi trường, đề xuất khung chính sách và giải pháp quản lý, ứng phó” đã xây dựng bộ tiêu chí và các chỉ số an ninh môi trường đối với nhiều tỉnh, thành để tìm biện pháp ứng phó.

Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 – 2020 do.

Đề tài đã đi sâu nghiên cứu về cơ sở khoa học; an ninh môi trường; đánh giá được vai trò của an ninh môi trường đối với phát triển bền vững và mối quan hệ đa phương giữa kinh tế, chính trị và môi trường…Đề tài xác định 3 mục tiêu chính, đó là: Hệ thống hóa được cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề an ninh môi trường của các nước trên thế giới và Việt Nam; phương pháp xây dựng bộ tiêu chí và các chỉ số an ninh môi trường; Xây dựng được bộ tiêu chí và xác định được các chỉ số an ninh môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam; Đề xuất được khung chính sách, giải pháp và cơ chế ứng phó phù hợp, đảm bảo an ninh môi trường ở Việt Nam.

Trên cơ sở đó, đề tài đã điều tra khảo sát thực tế về các vấn đề an ninh môi trường ở Vùng Tây Bắc (Lào Cai, Yên Bái), vùng Đông Bắc (Thái Nguyên, Quảng Ninh), vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng), vùng Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình), vùng Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Ninh Thuận)..

Cùng với đó, đề tài đã khảo sát, tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành về các lĩnh vực có liên quan đến an ninh môi trường như lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, tài nguyên nước, biển, hải đảo, thủy sản, biến đổi khí hậu, thiên tai….Đồng thời, đã hoàn thành việc điều tra, khảo sát thực tế về các vấn đề an ninh môi trường tại 16 địa phương và 06 nhóm ngành, lĩnh vực.

 

 

Ngành Công Thương ra Chỉ thị tăng cường quản lý nhập khẩu phế liệu

Chỉ thị số 06/CT-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng thuộc quản lý của Bộ Công Thương và các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ tập trung triển khai thực hiện các nội dung cụ thể liên quan đến việc quản lý đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương giao các Vụ, Cục trực thuộc Bộ theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát các quy định của pháp luật về nhập khẩu phế liệu để tăng cường công tác quản lý nhập khẩu phù hợp với yêu cầu bối cảnh hiện nay. Cùng đó, trình Bộ ban hành Thông tư quy định tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với một số loại phế liệu. Ngoài ra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động quá cảnh theo các Hiệp định quá cảnh hàng hóa mà Việt Nam ký kết với các nước…

Đồng thời, các Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng phối hợp với các đơn vị liên quan Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định về nhập khẩu phế liệu và tham gia xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến nhập khẩu phế liệu tại địa bàn.

Mặt khác, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương (được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và xử lý môi trường.

 

Phối hợp bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Thực hiện Thông báo số 281/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương phối hợp, đề xuất giải pháp quản lý; thanh tra hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trên địa bàn.

Để phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện việc quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, cũng như đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật và các giải pháp để quản lý hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành, địa phương một số nội dung sau:

Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu (là các địa phương có cảng biển có số lượng lớn phế liệu tồn đọng) khẩn trương thực hiện nội dung Mục 1 của Thông báo số 281/TB-VPCP để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo chức năng và nhiệm vụ được giao, chủ động rà soát, đề xuất: nhu cầu sử dụng từng loại phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trong nước hiện nay; các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu, đảm bảo đúng pháp luật, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo chủ trương của Chính phủ.

Đề nghị các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Tài chính, Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung nêu tại Mục 3, 4, 5, 6 và 7 của Thông báo số 281/TB-VPCP , báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện, đồng thời gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đề xuất các giải pháp quản lý phế liệu nhập khẩu.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập đoàn thanh tra do Thanh tra tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trên địa bàn, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường./.

 

 
Thường trực Chính phủ nhất trí chủ trương đăng cai SEA Games 31

Chiều 9/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về chủ trương đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 vào năm 2021.

Nếu theo thứ tự luân phiên, Campuchia sẽ tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021 và Việt Nam sẽ đến lượt đăng cai SEA Games vào năm 2023. Tuy nhiên, do chưa có đủ điều kiện nên Campuchia đã đề nghị và được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) chấp thuận cho đăng cai tổ chức SEA Games 32 vào năm 2023. SEAGF đã gửi thư cho phía Việt Nam thông báo về việc SEAGF dự kiến trao quyền đăng cai tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021 cho Việt Nam.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 theo đề nghị của SEAGF là thích hợp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc tổ chức SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam, đồng thời giao UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo ý kiến của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP. Hà Nội, TP. Hà Nội cơ bản đáp ứng về cơ sở vật chất để tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11. Các cơ sở vật chất tại Hà Nội hiện nay cũng đã được bảo dưỡng, nâng cấp một bước để chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII trong năm nay.

TP. Hà Nội có nhiều kinh nghiệm và đủ nguồn nhân lực để tổ chức sự kiện này vì đã từng tổ chức SEA Games 22 năm 2003, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á năm 2009 và nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn khác.

Ý kiến phát biểu của Thường trực Chính phủ thể hiện nhất trí việc Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11, giao TP. Hà Nội đăng cai tổ chức đại hội thể thao này.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, của Hà Nội và các bộ, ngành, địa phương liên quan; cho rằng đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của Việt Nam, một thành viên tích cực của ASEAN, đồng thời là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước.

Nhất trí giao Hà Nội chủ trì tổ chức sự kiện này, Thủ tướng giao Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tờ trình báo cáo Bộ Chính trị về việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 tại Hà Nội.

Nhấn mạnh tinh thần tổ chức an toàn, tiết kiệm, tạo được dấu ấn, Thủ tướng đề nghị Hà Nội tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, có phương án chi tiết để triển khai; xã hội hóa nguồn lực tối đa.

“Hà Nội cần tận dụng cơ sở vật chất hiện có, hạn chế việc xây, mua sắm mới và đặc biệt, xây dựng phương án kinh phí thực sự tiết kiệm, hiệu quả”, Thủ tướng nêu rõ.

Ngành thể dục thể thao cần tích cực chuẩn bị về chuyên môn để làm sao đạt được thành tích cao nhất tại đại hội thể thao này.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tổ chức SEA Games 31 (khoảng 17 ngày) và Para Games 11 (khoảng 11 ngày) từ tháng 10 đến tháng 12/2021, SEA Games 31 có khoảng 16.000 người tham dự, trong đó huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài khoảng 11.000 người và Para Games khoảng 4.000 người, trong đó HLV, VĐV, trọng tài khoảng 2.100 người.

Tính đến năm 2019, SEA Games sẽ được tổ chức tròn 30 lần, trong đó, Thái Lan và Malaysia mỗi nước đã tổ chức 6 lần; Singapore, Indonesia và Philippines mỗi nước đã tổ chức 4 lần; Myanmar đã tổ chức 3 lần; Brunei, Việt Nam và Lào mỗi nước đã tổ chức 1 lần.

 

 
Khai mạc Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2018

Tối 9/7, tại Đà Nẵng đã diễn ra lễ khai mạc Hội thi Thể thao người khuyết tật (NKT) toàn quốc lần thứ VI năm 2018.

Hội thi do Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL), Hiệp hội Paralympic Việt Nam phối hợp với Sở VH&TT Đà Nẵng tổ chức, với sự tham gia của gần 1.300 vận động viên, huấn luyện viên đến từ 30 đoàn của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cuộc tranh tài diễn ra từ ngày 9-13/7 với 9 môn thi đấu chính thức gồm: Điền kinh, bơi lội, bóng bàn, cử tạ, cầu lông, cờ vua, boccia, judo và quần vợt.

Thông qua giải, các đoàn, các vận động viên sẽ có điều kiện giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, đồng thời tuyển chọn các vận động viên NKT chuẩn bị tập huấn tham dự Đại hội thể thao NKT châu Á lần thứ III năm 2018 tại Indonesia.

Tại lễ khai mạc, Ban Tổ chức đã trao 8 Huân chương Lao động hạng 3 và 13 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội thể thao NKT Đông Nam Á lần thứ IX năm 2017 tại Malaysia

 

 
Giải vô địch Đông Nam Á: Đội tuyển nữ Việt Nam thắng liền 4 trận

Sau các trận thắng Indonesia, Singapore và Philippines, chiều ngày 9/7, Đội tuyển nữ Việt Nam gặp đội nữ Myanmar, đối thủ chính tại bảng B Giải vô địch Bóng đá nữ Đông Nam Á 2018 đang diễn ra ở Indonesia.

Đây là trận đấu phân định ngôi nhất nhì bảng B trước vòng bán kết vì cả đội Việt Nam và Myanmar đều có 3 trận thắng liên tiếp ở vòng bảng, đồng thời 2 đội cũng đã có vé vào bán kết.

Ở trận đấu này, HLV Mai Đức Chung đưa ra sân các cầu thủ có phong độ ổn định nhất kể từ đầu giải nhằm bảo đảm đoạt ngôi đầu bảng.

Đội tuyển nữ Myanmar vốn không xa lạ gì với đội Việt Nam. Nhưng do đối thủ có thể lực tốt cùng lối chơi thiên về sức mạnh, trong khi đó, đội Việt Nam dang bắt đầu quá trình trẻ hóa nên HLV Mai Đức Chung yêu cầu toàn đội chơi tập trung.

Vào trận đấu, các cầu thủ Việt Nam nhập cuộc với sự tập trung cao độ, giữ vững cự ly đội hình và duy trì thế cân bằng trong hơn 20 phút đầu hiệp 1.

Phút 22, đội nữ Việt Nam tổ chức phản công nhanh và sau cú tạt bóng của tiền vệ Phạm Hoàng Quỳnh, cầu thủ Nguyễn Thị Liễu nhận bóng rồi chuyền cho Phạm Hải Yến dứt điểm, mở tỷ số trận đấu. Đây cũng là tỉ số của hiệp 1.

Sang hiệp 2, các cầu thủ Việt Nam ghi được 2 bàn ở các phút 50 và phút 55, nâng tỉ số lên 3-0.

Nhưng chỉ 3 phút sau, các cầu thủ Myanmar liên tục gây sức ép lên phần sân đội Việt Nam và họ ghi được bàn thắng rút ngắn tỉ số 1-3 vào phút 58.

Phút 77, nhờ giành lại thế chủ động, sau một pha phối hợp với đồng đội, đội trưởng Huỳnh Như sút tung lưới Myanmar, nâng tỉ số lên 4-1 cho Đội tuyển nữ Việt Nam.

Bàn thắng này đã khiến Myanmar buộc phải chơi nỗ lực hơn. Phút 87, hậu vệ đội Việt Nam mắc lỗi trong vòng cấm và đối phương được hưởng phạt đền. Đội Myanmar không bỏ lỡ cơ hội và rút ngắn tỉ số xuống còn 2-4.

Trong phút bù giờ 90+3, khi thể lực bị suy giảm, các cầu thủ Việt Nam đuối sức trong các tình huống cản phá và đội Myanmar lại ghi được 1 bàn thắng nữa. Đúng lúc này, trọng tài báo hiệu hết giờ. Chung cuộc, Đội tuyển nữ Việt Nam giành chiến thắng 4-3.

Như vậy sau 4 trận thắng liên tiếp ở vòng bảng (bảng B), Đội tuyển nữ Việt Nam được 12 điểm, ghi được 25 bàn thắng, để lọt lưới 3 bàn và giành quyền vào bán kết với ngôi nhất bảng. Myanmar xếp thứ 2. Các đội Philippines, Indonesia, Singapore bị loại.

Ở bảng A, Đội tuyển nữ Thái Lan giữ ngôi đầu bảng, đội U20 nữ Australia xếp thứ 2. Các đội Malaysia, Campuchia, Timor Leste bị loại.

Đối thủ ở trận bán kết của đội nữ Việt Nam là U20 nữ Australia (đội xếp thứ 2 bảng A). Đội Myanmar sẽ gặp đội nhất bảng A là Đội tuyển nữ Thái Lan.

U19 Việt Nam ‘sảy chân’

Tại Giải vô địch U19 Đông Nam Á 2018 cũng tổ chức ở Indonesia, Đội tuyển U19 Việt Nam đã bị loại sau 5 trận đấu vòng bảng.

Ở cùng bảng A với các đội Thái Lan, Indonesia, Lào, Philippines và Singapore, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn đã hòa Thái Lan (0-0) trong trận ra quân, sau đó thắng Philippines và Lào.

Nếu thắng chủ nhà Indonesia ở lượt trận thứ 4, cơ hội vào bán kết của U19 Việt Nam sẽ rộng mở vì lượt đấu cuối vòng bảng, đội Việt Nam chỉ phải gặp Singapore còn Indonesia gặp Thái Lan.

Nhưng do thi đấu thiếu ổn định, U19 Việt Nam đã thua Indonesia 0-1 và mất quyền tự quyết ở trận đấu cuối cùng, trận gặp Singapore. Nếu ở lượt trận này, Thái Lan thua Indonesia còn Việt Nam phải thắng Singapore cách biệt 6 bàn thì các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn mới có cơ hội vào bán kết.

Kịch bản có lợi cho U19 Việt Nam đã không xảy ra. Trong trận gặp U19 Singapore vào tối 9/7, các cầu thủ Việt Nam chỉ giành được kết quả hòa 2-2 và bị loại.

Vào bán kết AFF U19 lần này là các đội Thái Lan, Indonesia (bảng A), Malaysia, Myanmar (bảng B).

 

 
SEA Games 31: Cơ hội quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam

SEA Games 31 được đánh giá là cơ hội để quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam đến với bạn bè trên khắp thế giới.

Không đầu tư xây dựng mới các công trình thể thao từ ngân sách nhà nước

Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) là sự kiện thể thao được tổ chức hai năm một lần vào giữa chu kỳ Đại hội Olympic và Đại hội Thể thao châu Á, với sự tham gia của các vận động viên từ 11 nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 29 kỳ SEA Games được tổ chức. Nếu theo thứ tự luân phiên, Campuchia sẽ tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021 và Việt Nam sẽ đến lượt đăng cai SEA Games vào năm 2023. Tuy nhiên, do chưa có đủ điều kiện nên Campuchia đã đề nghị và được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) chấp thuận cho đăng cai tổ chức SEA Games 32 vào năm 2023. Quyền đăng cai SEA Games 31 được SEAGF dự kiến trao cho Việt Nam.

Tại buổi họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về chủ trương đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 vào ngày 09/07 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của Việt Nam, một thành viên tích cực của ASEAN, đồng thời là cơ hội quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, con người đất nước Việt Nam ra khu vực, thế giới.

Kết luận tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí giao Hà Nội chủ trì tổ chức sự kiện này, đồng thời giao Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tờ trình báo cáo Bộ Chính trị về việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 tại Hà Nội.

Như vậy, từ nay cho đến năm 2021, TP Hà Nội sẽ là địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho SEA Games 31.

Trao đổi với phóng viên cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều công trình thể thao của Bộ VHTTDL. Các Bộ, ngành và một số địa phương gần Hà Nội cũng có nhiều công trình thể thao chỉ cần bảo dưỡng, nâng cấp là đủ điều kiện để phục vụ tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11.

“Các cơ sở vật chất tại Hà Nội hiện nay cũng đã được bảo dưỡng, nâng cấp một bước để chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Đối với một số công trình thể thao còn thiếu như cụm sân quần vợt, Hà Nội đã có phương án xã hội hóa để đầu tư xây dựng trong thời gian tới. Như vậy, đối với cơ sở vật chất hiện có, việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, chủ yếu là chỉnh trang, sơn, sửa chữa nhỏ; bổ sung hệ thống âm thanh, hệ thống chiếu sáng, hệ thống điện dự phòng; cải tạo lại khu vực VIP; bố trí các phòng chức năng… là đủ điều kiện để phục vụ tổ chức SEA Games 31” – Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho hay.

Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế của mình trên đấu trường thể thao khu vực cũng như châu lục khi trở thành nước chủ nhà của nhiều giải đấu lớn như SEA Games 2003, ABG5… và đã đạt được nhiều thành công vang dội. Qua mỗi lần tổ chức, ngành thể thao Việt Nam đã liên tục đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện, nâng cao chất lượng cho những lần sau đó.

Theo Thứ trưởng Lê Khánh Hải, rút kinh nghiệm từ những lần tổ chức các đại hội thể thao quốc tế trước đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, việc tổ chức SEA Games 31 sẽ giao cho địa phương đăng cai là Thủ đô Hà Nội chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và lên phương án tổ chức Đại hội.

“Phải tận dụng triệt để cơ sở vật chất hiện có, không đầu tư xây dựng mới các công trình thể thao từ ngân sách nhà nước, tăng cường thu hút các nguồn lực của xã hội để tổ chức SEA Games”- Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết.

Cơ hội quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam

Bên cạnh đó, thông qua SEA Games, Việt Nam cũng sẽ có rất nhiều thuận lợi để quảng bá hình ảnh, con người, phong tục tập quán, văn hóa đến với quốc tế bởi SEA Games 31 có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với lĩnh vực thể dục thể thao, mà còn có tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội của đất nước ta.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhận định, sự kiện này sẽ thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của truyền thông trong khu vực. Hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới sẽ được phản ánh thường xuyên, liên tục trên các phương tiện truyền thông (truyền hình, báo chí, truyền thông đa phương tiện).

“Đăng cai tổ chức thành công sự kiện này đồng nghĩa với việc tiếp tục khẳng định, nâng cao uy tín của Việt Nam trong khối ASEAN. SEA Games 31 cũng sẽ góp phần trực tiếp vào việc quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội – thành phố đăng cai tổ chức Đại hội và các địa phương tham gia tổ chức Đại hội với bạn bè quốc tế, góp phần thu hút khách du lịch và đầu tư của trong nước và quốc tế vào Thủ đô Hà Nội và các địa phương”- Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhấn mạnh./.

 

 
Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 2018: Mọi công tác đã được chuẩn bị xong

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ lên đường sang Indonesia tham dự ASIAD 2018. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về cơ bản đã hoàn thành.

Danh sách chính thức đã gửi đến Ban tổ chức Đại hội

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn cho biết, đến ngày 17/7, Tổng cục đã rà soát toàn bộ danh sách chính thức của Đoàn Thể thao Việt Nam để gửi tới Ban tổ chức Đại hội bởi ngày 18/8 là hạn cuối cùng.

Hiện nay, các đội tuyển tham dự ASIAD 2018 đặc biệt là các đội trọng điểm có một số VĐV đang tập huấn ở nước ngoài. Cho đến trung tuần tháng 8, tất cả các đội sẽ hội quân tại Hà Nội và TP HCM để chuẩn bị di chuyển tới Jakarta và Palembang. Có thể nói, công tác chuyên môn chuẩn bị cho ASIAD lần này đảm bảo theo đúng kế hoạch, gần như không có phát sinh khó khăn đối với công tác chuẩn bị của đoàn.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn, về cơ bản, các VĐV hiện nay có sự chuẩn bị chuyên môn tương đối tốt. Qua thi đấu một số giải trong nước và quốc tế gần đây, các VĐV đều tỏ ra lạc quan. Các thành tích chuẩn bị cho ASIAD đều đạt đúng theo mục tiêu ban huấn luyện đề ra.

Tuy nhiên, do điều kiện tập luyện, thời tiết, khí hậu, trang thiết bị dụng cụ và dinh dưỡng, có một vài VĐV bị chấn thương nhẹ. Ban huấn luyện đã có những điều chỉnh để giúp các VĐV đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt là thời tiết khí hậu của chúng ta trong thời gian vừa qua quá nóng. Vì thế, chúng tôi phải điều chỉnh lượng vận động thường xuyên đối với các VĐV trọng điểm của mình.

Đã xây dựng chi tiết kế hoạch di chuyển của Đoàn tại Indonesia

Đối với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các đội, hiện nay Đoàn cũng đã lên phương án, kế hoạch cụ thể. Trong đó, có cả kế hoạch cho các đội cần di chuyển dụng cụ như điền kinh, đua thuyền và 1 vài môn thể thao khác.

Hiện, toàn bộ lịch trình di chuyển của đoàn Thể thao Việt Nam từ Hà Nội và TP HCM đều đã được lên cụ thể cho từng đội, từng cán bộ khi di chuyển tới Jakarta và Palembang. Ngoài ra, những công tác hậu cần khác như chuẩn bị trang phục trình diễn, quần áo thể thao cho các VĐV, các vấn đề liên quan đến hậu cần của các VĐV, nội vụ của văn phòng đoàn và đoàn Thể thao Việt Nam tại Asiad gần như tiến hành xong.

Theo Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn: “Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức lễ xuất quân đối với đoàn Thể thao Việt Nam trên tinh thần, quan điểm gọn nhẹ, hiệu quả và vẫn đảm bảo các yêu cầu liên quan đến công tác của đoàn.”

Về một số vấn đề liên quan đến công tác của đoàn tại Indonesia, dự kiến đoàn Thể thao Việt Nam sẽ có các buổi họp tiền khẳng định với BTC đại hội ngày 10 – 11 – 12/8. Bên cạnh đó, đoàn cũng đang tích cực chuẩn bị cho các VĐV về công tác hậu cần tại các địa điểm thi đấu.

Có thể khẳng định, công tác chuẩn bị về mặt chuyên môn lẫn cơ sở vật chất tại hai đầu Hà Nội và TP.HCM và kể cả tại làng VĐV tại Jakarta và Palembang, Indonesia đều đã được xây dựng theo kế hoạch chi tiết.

Nói về cơ hội của Thể thao Việt Nam tại kỳ Đại hội Thể thao Châu Á 2018 này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn chia sẻ: “Hiện nay, chúng ta đang đặt mục tiêu là có một môn thể thao Olympic đạt được thứ hạng cao. Qua rà soát tất cả các VĐV của các quốc gia tham dự, chúng tôi nhận định rằng, để đạt được mục tiêu 3 HCV, các VĐV Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn”. Bởi đấu trường ASIAD là đấu trường của thế giới, các môn thể thao Olympic là các môn thể thao của thế giới.  Theo đó, các VĐV phải cố gắng hết sức thì mới có thể đạt được. “Chúng tôi nghĩ rằng VĐV của Việt Nam có thể đáp ứng được chuyên môn tại đại hội lần này” – ông Phấn khẳng định.

 

 
Giải Vô địch Trẻ và Thiếu niên Vật dân tộc toàn quốc lần thứ XX

Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp cùng Ban quản lý Khu các làng dân tộc, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức “Giải Vô địch Trẻ và Thiếu niên Vật dân tộc toàn quốc lần thứ XX năm 2018”.

Giải thi đấu chính thức từ ngày 09 đến ngày 12/8/2018 tại Quảng trường Làng dân tộc II, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là giải Vật thường niên hàng năm, giải quy tụ trên 100 đô vật trẻ và thiếu niên của các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bộ Công An, Thái Nguyên, Nghệ An… Các đô vật sẽ thi đấu tranh tài ở 14 bộ huy chương.

“Giải Vô địch Trẻ và Thiếu niên Vật dân tộc toàn quốc lần thứ XX năm 2018” hứa hẹn sẽ cống hiến cho các quý vị Đại hiểu, quý vị khán giả yêu thích và hâm mộ môn Vật dân tộc nhiều trận đấu hay, sôi nổi, hấp dẫn và đầy kịch tính.

Đây là hoạt động nhằm thiết thực Chào mừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Nhằm động viên thúc đẩy phong trào tập luyện môn Vật dân tộc trong đông đảo nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, nhằm rèn luyện sức khỏe, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, thể thao của dân tộc; đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức môn thể thao truyền thống của nhân dân, tăng cường sự giao lưu giữa các vận động viên, đơn vị và nhân dân địa phương; góp phần quảng bá, giao lưu gắn kết thể thao dân tộc trong “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

 

 
Hàng loạt website quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai phạm

Cụ thể, theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian qua, trên một số website quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo. Danh sách bao gồm:

1.Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Phục vị an, Dr Hepogan, Dr Centinmax, Dr Hecmen của Công ty Cổ phần dược phẩm quốc tế VIC quảng cáo trên các website voila-blog.com, hoclam.me; sendo.vn, thuoctructuyen.vn, nhathuocngocanh.com, thegioithuoc.net, facebook.com/phucvian;

2. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Dạ dày Center, Immune Center Baby Plus tăng cường miễn dịch, Siro Ho cảm Center, Táo bón Center, Center Baby Plus tăng cường hấp thu, Trĩ Center, Collagen sáng hồng Center, Center Nano Curcumin Gold, Gan Center, Bài sỏi Center, Center Woman, Khớp Center Nanofrance, Brian’s Center của Công ty Cổ phần thương mại Center: TPBVSK quảng cáo trên các website: ehoppital.vn, test-vezo.entrustlab.com, voila-blog.com, nhathuocviethuong.vn, nhathuocuytin.vn, nutrifit.vn, sendo.vn,nhathuocquan9.com, webmedi.info, nhathuoclongchau.com, demo2.toannang.com.vn; nhathuocchibao.wixsite.com;

3. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Galiactogil Lactation của Văn phòng đại diện Tedis tại TP. Hồ Chí Minh quảng cáo trên các website: nhathuocviet.vn, sieuthihangnhap.com và sendo.vn;

4. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà giảm cân Kingphar Slim của Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam quảng cáo trên các website thegioithuoc.net, nhathuockimthuong.com và webtretho.com;

5. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lipid Cleanz của Công TNHH Dược phẩm Á Âu quảng cáo trên website momautang.com;

6. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shogodensetsu  của Công ty TNHH các giải pháp Liên Nhật-Việt quảng cáo trên các website: duocphambogan.com và hangnhatchuan.vn;

7. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sinh lực Hoa Viên của Công ty TNHH Đầu tư thương mại Hoa Viên quảng cáo trên website nhathuocphuonghanh.com và facebook.com/voila.blog.vn/posts

8. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vương Tâm Thống của Công ty Cổ phần Trung Mỹ quảng cáo trên website benhmachvanh.com.

Theo Cục An toàn thực phẩm, các website nêu trên không phải do Công ty sở hữu công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thực hiện do đó các sản phẩm đã nêu đang quảng cáo tại các website trên không đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm thông báo để người tiêu dùng biết thông tin và lựa chọn sản phẩm khi mua và sử dụng trên các trang website/internet.

 

 
Đến ASIAD 2018 còn 10 ngày

Lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 – ASIAD 2018 bắt đầu từ 19h ngày 18/8 trên SVĐ Bung Karno, Jakarta, Indonesia. Đến thời điểm này, nước chủ nhà đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc tổ chức một kỳ Á vận hội thành công.

Theo Ban Tổ chức ASIAD 2018 của Indonesia (INASGOC), ngày 6/8, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla tuyên bố nước chủ nhà đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất châu lục.

Đến kiểm tra công tác chuẩn bị tại SVĐ chính Gelora Bung Karno ở Jakarta, Phó Tổng thống Indonesia cho biết ông thực sự hài lòng với công tác chuẩn bị của INASGOC. Theo đó, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tại khu liên hợp thể thao Gelora Bung Karno cũng như các công tác chuẩn bị khác đều đã sẵn sàng phục vụ Á vận hội.

ASIAD 2018 là một sự kiện thể thao lớn nhất mà Indonesia đăng cai với hệ thống cơ sở hạ tầng tốt nhất sau 3 năm rưỡi chuẩn bị.

Ông Kalla cũng yêu cầu từ nay cho tới khi Đại hội chính thức diễn ra (còn 10 ngày), Ban Tổ chức tập trung cao độ cho công tác kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị.

Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 sẽ diễn ra từ ngày 18/8 – 2/9 tại Jakarta và Palembang, thủ phủ tỉnh Nam Sumatra, thi đấu 40 môn với 67 phân môn và 465 nội dung. Đại hội cũng chào đón một số lượng VĐV tham dự kỷ lục là 11.300 VĐV đến từ 45 Ủy ban Olympic quốc gia.

INASGOC hiện đang hoàn thiện các khâu chuẩn bị cho lễ khai mạc ASIAD 2018.

Chủ tịch INASGOC Erick Thohir cho biết các nghệ sĩ đang tiếp tục luyện tập cho màn trình diễn đặc sắc ở lễ khai mạc.

Tất cả các khâu phục vụ buổi lễ (giao thông, an ninh, truyền thông…) đã được chuẩn bị chu đáo nhằm làm cho tất cả những người đến dự cảm thấy thoải mái nhất.

Ngọn lửa Á vận hội sẽ đến Jakarta vào ngày 15/8. Sau đó, đuốc ASIAD sẽ được thắp trên đài lửa ở SVĐ Bung Karno trong lễ khai mạc tối 18/8.

Lễ khai mạc ASIAD lần thứ 18 bắt đầu từ 19 giờ ngày 18/8. Sự kiện kéo dài trong 3 tiếng đồng hồ này có sự tham gia của 4.000 vũ công, 18 ca sĩ nổi tiếng nhất của Indonesia…
Tại kỳ Á vận hội trên sân nhà lần này, Indonesia có 938 VĐV và 365 quan chức tham dự.

Với Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) dự ASIAD 2018, Ủy ban Olymic Việt Nam ngày 4/8 cho biết công tác chuẩn bị đã hoàn tất và chỉ còn chờ ngày lên đường.

Hiện chỉ còn Đội tuyển bóng đá Olympic nam là chưa chốt danh sách 20 cầu thủ tham dự. Dự kiến, sau trận đấu với U23 Uzbekistan trong khuôn khổ Cúp VinaPhone vào chiều tối nay (7/8), HLV trưởng Park Hang-seo và ban huấn luyện sẽ hoàn tất danh sách đội tuyển.

Ở kỳ Á vận hội 2018, Đoàn TTVN được giao chỉ tiêu giành ít nhất 3 HCV.

 

 
Quốc kỳ Việt Nam tung bay tại ASIAD 2018

Sáng 16/8, tại làng vận động viên ASIAD ở Pemanyoran (Indonesia), lễ thượng cờ của 3 Đoàn thể thao: Việt Nam, Singapore và Iran đã được tổ chức.

Ngay sau lời chào mừng của đại diện Ban Tổ chức ASIAD Indonesia là nghi lễ thượng cờ 3 đoàn thể thao dự ASIAD 2018, gồm đoàn Việt Nam, Singapore và Iran.

Lãnh đạo Đoàn TTVN cùng nhiều VĐV tới dự buổi lễ.

Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên cột cờ trong tiếng nhạc Tiến quân ca.

Theo Tổng cục TDTT, Đoàn TTVN tham dự ASIAD 2018 với 523 thành viên, trong đó có 1 Trưởng đoàn, 2 Phó Trưởng đoàn, 20 cán bộ, 12 bác sĩ, 25 lãnh đạo đội, 24 chuyên gia, 81 HLV, 6 phiên dịch và 352 VĐV (177 nữ, 175 nam). Mục tiêu của TTVN tại kỳ Á vận hội này là giành ít nhất 3 HCV.

Cũng tại Indonesia, ngày 15/8, ngọn đuốc của ASIAD 2018 đã đến Thủ đô Jakarta, kết thúc hành trình 18.000 km kéo dài một tháng.

Một lễ hội quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều ban nhạc và vũ công tên tuổi, đã được tổ chức tại Jakarta để đón mừng đoàn rước đuốc.

Ngọn lửa Á vận hội được châm từ đài đuốc ở Thủ đô New Delhi của Ấn Độ – nơi tổ chức kỳ ASIAD đầu tiên năm 1951- bắt đầu đến Indonesia ngày 5/7 và hành trình rước đuốc tại nước chủ nhà ASIAD 2018 bắt đầu từ ngày 17/7.

Ban Tổ chức ASIAD 2018 (INASGOC) cho biết ngọn đuốc sẽ được đưa tới sân vận động Bung Karno vào đúng ngày khai mạc Á vận hội, 18/8.

 

 
Lễ khai mạc kỳ vĩ của ASIAD

Tối 18/8, lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á – ASIAD 2018 diễn ra tưng bừng trước sự chứng kiến của khoảng 80.000 người trên sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta, Indonesia.

Lễ khai mạc kéo dài khoảng 3 giờ, với sự tham gia của 4.000 vũ công, gần 20 ca sĩ và hàng trăm nhạc sĩ Indonesia cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi nổi tiếng thế giới.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức ASIAD 2018 đề cao sức mạnh đoàn kết, tinh thần thượng võ, sự đa dạng văn hóa, di sản và kế thừa tinh hoa của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này.

Hình ảnh về đất nước Indonesia, chủ nhà ASIAD lần thứ 18 cũng đã được tái hiện trong một khung cảnh kỳ vĩ.

Với ý tưởng giới thiệu sự kỳ vĩ của thiên nhiên của đất nước Indonesia, các nhà tổ chức đã dựng một sân khấu rất lớn mô phỏng vùng đất với nhiều cây xanh, thác nước và đồi núi của xứ Vạn đảo.

Người ta đã dựng một ngọn núi nhân tạo dài 135 m, rộng 30 m và cao 26 m ngay trong sân vận động Gelora Bung Karno.

12.775 cây cối các loại và hoa đã được sử dụng để phủ trên một diện tích cỏ lên tới 3 km vuông. Trong lòng núi có hệ thống đường ngầm để các diễn viên có thể dễ dàng di chuyển.

Sân khấu chính được chiếu sáng rực trong màn đồng diễn của hàng nghìn diễn viên, mặc trang phục truyền thống của Indonesia và thể hiện điệu múa giống như những lớp sóng, đặc trưng của đất nước tươi đẹp này.

Phía dưới sân khấu, hàng nghìn vận động viên đến từ 45 nước và vùng lãnh thổ tham dự ASIAD lần lượt diều hành qua lễ đài.

Đoàn Thể thao Việt Nam diễu hành qua lễ đài với người cầm quốc kỳ là vận động viên đấu kiếm Vũ Thành An.

Tại kỳ ASIAD lần này, Đoàn Thể thao Hàn Quốc và Triều Tiên đã diễu hành chung. Các vận động viên hai miền Triều Tiên cùng nắm tay nhau bước vào sân khấu với lá cờ màu trắng, in hình bản đồ hai quốc gia thống nhất với màu xanh da trời.

Sau lễ thượng cờ nước chủ nhà Indonesia và lời tuyên thệ của đại diện trọng tài và vận động viên, cam kết một kỳ ASIAD trong sạch và công bằng. Chủ tịch Ủy ban Olympic Indonesia Erick Thohir phát biểu chào mừng các vận động viên và quan chức đoàn thể thao đến với đất nước Indonesia.

Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo tuyên bố khai mạc ASIAD 2018.

Lễ châm ngọn đuốc ASIAD diễn ra vô cùng ấn tượng. Ngọn lửa được lấy từ Ấn Độ, quê hương của phong trào ASIAD và sau khi “chu du” hơn 18.000 km trên khắp đất nước Indonesia, ngọn lửa Á vận hội bắt đầu cháy sáng trên đài lửa sân vận động Gelora Bung Karno.

ASIAD 2018 thu hút sự tham gia của hơn 16.000 thành viên thuộc 45 đoàn thể thao toàn châu Á, trong đó có hơn 11.000 vận động viên, tranh tài 40 môn thể thao (465 nội dung).

Đoàn Thể thao Việt Nam tới ASIAD với 523 thành viên, trong đó có 352 vận động viên (177 nữ, 175 nam), thi đấu 32 môn và phân môn. Mục tiêu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD lần này là giành được 3-5 huy chương vàng.

 

 
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện thưởng nóng cho toàn đội Olympic Việt Nam

Với những thành tích đã đạt được, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện đã quyết định thưởng cho toàn đội Olympic Việt Nam 200 triệu đồng.

Cụ thể, ở bộ môn Teakwondo, đội quyền nam với sự góp mặt của ba tuyển thủ: Tiến Khoa, Lê Thanh Trung, Nguyễn Thiên Phụng đã thi đấu xuất sắc khi giành được 8.390 điểm ở nội dung quyền đồng đội nam, qua đó vượt qua đội Đài Loan (Trung Quốc) được 8.260 điểm để giành quyền vào bán kết. Dù đã rất cố gắng, nhưng các VĐV của chúng ta vẫn không thể vượt qua đối thủ Hàn Quốc ở vòng tiếp theo và chấp nhận dừng bước với điểm số 8.320 so với 8.420, đem về tấm huy chương đồng (HCĐ) đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam.

Tấm HCĐ còn lại thuộc về cặp đôi xạ thủ Trần Quốc Cường – Lê Thị Linh Chi ở nội dung 10m súng ngắn hơi với tổng số điểm là 407.5. Ở nội dung này, HCV thuộc về bộ đôi Ji XiaoJing và Wu Jiayu với tổng điểm là 473.2 phá kỷ lục của ASIAD.

Cũng trong cùng ngày, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện đã dự khán trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Nhật Bản trong khuôn khổ lượt trận cuối cùng vòng bảng D môn bóng đá nam ASIAD 18.

Với tinh thần thi đấu cống hiến, không lùi bước trước đối thủ mạnh, Olympic Việt Nam đã đánh bại Olympic Nhật Bản với tỷ số 1-0 để giành ngôi đầu bảng D. Với thành tích trên, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện đã quyết định thưởng cho toàn đội 200 triệu đồng.

Bộ trưởng cũng khen ngợi thành tích của đội tuyển Taekwondo, Bắn súng, Bóng đá nữ và các đội tuyển đã rất nỗ lực trong ngày thi đấu đầu tiên./.

 

 
Tuyển nữ Việt Nam giành chiến thắng trước Thái Lan

Sau chiến thắng trước tuyển nữ Thái Lan, tuyển nữ Việt Nam sẽ đối đầu với tuyển nữ Nhật Bản để tranh ngôi đầu bảng.

Tối 19-8, trên sân vận động Bumi Sriwijaya (TP Palembang, Indonesia), đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia đã có cuộc chạm trán với đại kình địch Thái Lan ở lượt trận mở màn bảng C ASIAD 18. Không nằm ngoài dự đoán, HLV Mai Đức Chung đã đưa ra sân đội hình mạnh nhất với sự góp mặt của nhiều cầu thủ đang đạt phong độ cao.

Tuy đây là trận ra quân của đội tuyển nữ Việt Nam (ĐT nữ VN) ở bảng đấu, nhưng với Thái Lan, đây là trận đấu thứ 2 của họ sau thất bại 0-2 trước Nhật Bản. Ở bảng đấu chỉ gồm 3 đội là Việt Nam, Nhật Bản và Thái Lan, việc để thua liên tiếp 2 trận đấu đồng nghĩa với việc rời giải. Do vậy, các cô gái Thái Lan đứng trước nhiệm vụ buộc phải thắng ở trận này.

Với sơ đồ thi đấu  4-5-1, các học trò của HLV Mai Đức Chung nhập cuộc khá thận trọng. Sau khoảng thời gian thăm dò, nắm vững chiến thuật của đối phương, ĐT nữ VN dần gia tăng sức ép lên khung thành Thái Lan bằng những pha bóng nguy hiểm. Sự cơ động của tuyến tiền vệ như Tuyết Dung hay Nguyễn Thị Van đã khiến khung thành Thái Lan chao đảo, luôn đặt trong tình trạng báo động đỏ.

Sau nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, phút 22 tiền vệ CLB Phong Phú Hà Nam Tuyết Dung đã có bàn thắng mở tỷ số, buộc ĐT nữ Thái Lan phải đẩy cao đội hình tấn công. Bảy phút sau khi ĐT nữ VN có được bàn thắng mở tỷ số, các học trò của HLV Srathongvian Nuengrutai có được bàn gỡ nhờ công của Nildhamrong.

Thế nhưng, với ý chí quyết tâm cao, ĐT nữ VN đã nhanh chóng tái lập khoảng cách. Chỉ 2 phút sau bàn thắng san bằng tỷ số, thủ môn Thái Lan một lần nữa phải vào lưới nhặt bóng sau cú dứt điểm rất căng và chính xác từ ngoài vòng cấm của Nguyễn Thị Vạn. ĐT nữ Thái Lan một lần nữa phải đẩy cao đội hình tấn công nhưng kịch bản không lặp lại. Việc kéo giãn đội hình của đối thủ đã giúp đội bóng của HLV Mai Đức Chung thuận lợi để triển khai lối đá phòng ngự – phản công sở trường.

Phút 39, Việt Nam tiếp tục có bàn thắng thứ 3 ở tình huống cố định, Tuyết Dung đá phạt góc bên phía cánh trái để Nguyễn Thị Liễu bật cao đánh đầu hiểm hóc nâng tỷ số lên 3-1 trước khi hiệp 1 khép lại.

Bước sang hiệp 2, tuyển nữ Thái Lan tấn công dồn dập, tạo sức ép lớn lên phía khung thành tuyển nữ Việt Nam. Nhưng tất cả những gì họ làm được chỉ là 1 bàn gỡ ở phút 79 do công của tiền vệ Sornsai.

Thắng lợi với tỷ số 3-2 trước Thái Lan, tuyển nữ Việt Nam chắc suất vào vòng knock-out khi đang có cùng 3 điểm như Nhật Bản nhưng xếp thứ 2 do kém hiệu số. Trận đấu cuối cùng bảng C với chính đối thủ này sẽ phân định thứ hạng cũng như giúp xác định đối thủ của tuyển nữ Việt Nam tại vòng knock-out.

 

 
VOV đã có bản quyền ASIAD 2018

Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (đơn vị thành viên của Đài Tiếng nói Việt Nam -VOV) vừa hoàn tất đàm phán và mua bản quyền tất cả các sự kiện trong khuôn khổ Đại hội Thể thao châu Á -ASIAD 2018 đang diễn ra ở Indonesia.

VOV.vn cho hay, từ ngày 22/8, khán giả truyền hình cả nước bắt đầu được xem trực tiếp các trận đấu đáng chú ý của ASIAD 2018 trên kênh VTC3 của truyền hình kỹ thuật số VTC.

Thính giả cũng có thể nghe tường thuật trực tiếp các sự kiện trên các kênh sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Bản quyền Asiad 2018 có được do sự chỉ đạo tích cực của Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ với mong muốn giúp công chúng cả nước có thể xem trực tiếp các đoàn thể thao Việt Nam tranh tài ở ASIAD 18.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ cho biết việc Đài Tiếng nói Việt Nam có chủ trương mua bản quyền sự kiện thể thao này xuất phát từ mong muốn phục vụ tốt các nhu cầu thông tin, giải trí lành mạnh của nhân dân, phù hợp với vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí quốc gia.

Việc có bản quyền AISIAD 2018 phục vụ người hâm mộ cả nước, không thể thiếu vai trò đồng hành của doanh nghiệp, trong trường hợp này là sự hỗ trợ quí báu của Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel.

Hệ thống truyền thông đa phương tiện của Đài Tiếng Nói Việt Nam hân hạnh mang màu cờ, sắc áo kiêu hãnh của các đội tuyển Việt Nam đến khán giả mọi miền Tổ quốc.

Bản quyền ASIAD 2018 của VOV cũng cho phép mọi người có thể xem trực tiếp trên điện thoại di động, TV thông minh thông qua ứng dụng VTC Now, trên báo điện tử VOV.VN và VTCnews./.

 

 
Đội tuyển nữ Rowing Việt Nam mang về chiếc huy chương vàng đầu tiên

Bốn nữ vận động viên của đội chèo thuyền Rowing đã mang về tấm Huy chương vàng đầu tiên cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Asiad 2018.

Sáng 23/8, ở nội dung thuyền bốn nữ hạng nhẹ, đội chèo thuyền Rowing của Việt Nam đã đạt thành tích 7 phút 01 giây 11.

Với thành tích này, đội chèo thuyền đã giành tấm Huy chương vàng đầu tiên về cho Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018.

Đội chèo thuyền Rowing nữ của Việt Nam gồm 4 vận động viên: Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Ly và Phạm Thị Thảo.

Ở nội dung này, Huy chương bạc thuộc về 4 vận động viên của Iran và Huy chương đồng thuộc về Hàn Quốc.

Tính tới ngày 23/8, đoàn Thể thao Việt Nam tạm xếp vị trí thứ 17/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại hội ASIAD.

 

 
Hoan hô Olympic Việt Nam!

Hoan hô các cầu thủ Olympic Việt Nam. Với bàn thắng quyết định vào phút 88 của Công Phượng, các học trò của HLV Park Hang-seo đã giành chiến thắng trong trận đấu “căng như dây đàn” trước đối thủ Bahrain, lần đầu tiên lọt vào tứ kết sân chơi ASIAD. Cảm ơn VOV đã cho khán giả đường hoàng thưởng thức một trận đấu tuyệt vời của các cầu thủ Việt Nam.

Từ 19h30’ ngày 23/8, Đội tuyển Olympic Việt Nam gặp Đội tuyển Olympic Bahrain trong trận đấu loại trực tiếp vòng 1/8. Đội thắng giành quyền vào tứ kết.

Trận đấu diễn ra trên SVĐ Patriod Candrabhaga, Bekasi, Tây Java, Indonesia.

Trong trận gặp Bahrain vòng 1/8, các cầu thủ Việt Nam chỉ có giành chiến thắng mới đi tiếp. Nhưng Bahrain không hề là đội bóng dễ chơi như nhiều người lầm tưởng.

Với thế trận ngang ngửa, cả 2 đội đều không thể tận dụng các cơ hội được tạo ra.

Phút 42 (hiệp 1), cầu thủ Sanad Ahmed của Bahrain đã phải nhận tấm thẻ đỏ trực tiếp sau khi có pha phạm lỗi hết sức nguy hiểm với Văn Thanh. Kể từ đó, các cầu thủ Việt Nam có vẻ được hưởng lợi thế hơn người.

Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian của hiệp 2, các cầu thủ Việt Nam vẫn chưa tận dụng được lợi thế này. Ở tình thế đó, HLV Park Hang-seo đưa Công Phượng vào sân.

Sau nhiều pha bóng bị chỉ trích ở những trận đấu trước, Công Phượng đã lập công để chứng minh giá trị của mình.

Phút 88, sau cú sút mạnh về khung thành đội bạn của Văn Toàn, bóng chạm chân cầu thủ Bahrain bật trở ra. Ngay lúc đó, Công Phượng áp vào rồi tung ngay một cú sút khiến thủ môn Bahrain không thể cản phá, ghi bàn thắng duy nhất, đưa Olympic Việt Nam lần đầu tiên vào tứ kết bóng đá ASIAD. Đối thủ của Olympic Việt Nam ở tứ kết là Olympic Syria, một đội bóng Tây Á.

Tại ASIAD Incheon 2014, Đội tuyển Olympic Việt Nam sau khi vượt qua vòng bảng nhưng phải dừng bước khi gặp UAE ở vòng 1/8.

Hoan hô Olympic Việt Nam!

Sau khi giành ngôi nhất bảng D với 3 trận toàn thắng, các cầu thủ Việt Nam đang ở trong trạng thái tinh thần hưng phấn, tự tin nhất là cả đội vừa có 3 ngày hồi phục thể lực.

Trong số 20 cầu thủ sang Indonsia, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng, 1 trong 3 cầu thủ trên 23 tuổi do gặp chấn thương trong trận đấu với Nhật Bản đã phải chia tay đồng đội. Do không được bổ sung cầu thủ thì việc thiếu 1 tiền vệ cũng có thể gây ra ít nhiều khó khăn cho ông Park Hang-seo khi bố trí đội hình thi đấu vì chặng đường phía trước còn dài.

Trước trận gặp Bahrain, HLV Park Hang-seo nhận xét:  “Bahrain có nhiều cầu thủ tấn công và họ cũng thích chơi tấn công. Sự tập trung của Bahrain rất tốt, tì đè cũng mãnh liệt. Về tổng thể thì Bahrain phản công cũng sắc sảo. Một số cầu thủ của họ có kỹ thuật”. Chính vì vậy, ban huấn luyện Olympic Việt Nam đã có phương án đối phó, trong đó có cả phương án sút 11 m.

Trong khi đó, HLV trưởng Bahrain Samir Chammam vẫn tin vào khả năng Bahrain giành chiến thắng trước Việt Nam để giành vé vào tứ kết.

Theo các thông tin có được, cầu thủ đội Bahrain phần lớn dưới 21 tuổi và là thế hệ tương lai của bóng đá Bahrain trên đường hướng tới Olympic Tokyo 2020.

Tại vòng bảng ASIAD 2018, Đội tuyển Olympic Bahrain thuộc bảng E cùng với Malaysia, Hàn Quốc và Kyrgyzstan.

Ở 3 trận vòng bảng, Bahrain thua 1 trận (thua Hàn Quốc 0-6), hòa 1 trận (hòa Kyrgyzstan 2-2), thắng 1 trận (thắng Malaysia 3-2), xếp thứ 3 bảng E và là 1 trong 4  đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất (cùng với Hongkong, Saudi Arabia, UAE) lọt vào vòng 1/8. Trong khi đó, Olympic Việt Nam giành được 3 trận thắng và vào vòng 1/8 với ngôi đầu bảng D.

Xét chung ở nhiều khía cạnh, Olympic Việt Nam có nhiều điểm trội hơn. Hy vọng những cầu thủ đã từng đối đầu với Bahrain như “lão tướng” Anh Đức và các cầu thủ trẻ Quanh Hải, Đức Chinh, Văn Hậu… sẽ lại ghi điểm cho Olympic Việt Nam.

Trong lịch sử thi đấu, nhiều đội bóng khu vực Tây Á là đối thủ “ưa thích” của bóng đá Việt Nam.

Tại giải U23 châu Á 2018, đội U23 Việt Nam từng hòa Syria 0-0 ở vòng bảng, qua đó vào tứ kết. Ở trận tứ kết, các cầu thủ U23 Việt Nam đã thắng Iraq sau loạt sút luân lưu 11 m. Sau đó, thắng tiếp Qatar ở bán kết cũng sau loạt sút 11 m, giành quyền vào chung kết.

 

 
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện gửi thư chúc mừng Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 18

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện vừa có thư chúc mừng gửi Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Asian Games 18.

Trong bức thư, ông viết: “Hôm nay là một ngày tuyệt vời khi Đoàn Thể thao Việt Nam đã liên tiếp mang lại niềm vui vô bờ bến cho người hâm mộ cả nước: đội tuyển bóng đá Olympic Quốc gia lần đầu tiên có mặt tại bán kết Asian Games với chiến thắng ấn tượng trước đội tuyển Olympic Syria; nữ VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo đã xuất sắc mang về tấm HCV đầu tiên cho điền kinh Việt Nam tại Asian Games.

Và cũng không thể không nhắc đến chiếc HCV cũng vô cùng quí giá của Rowing Việt Nam giành được trước đó”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, những dấu ấn đặc biệt này là sự nỗ lực, là công sức, là sự cống hiến hết mình của từng vận động viên, huấn luyện viên và toàn Đoàn Thể thao Việt Nam cho màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

“Tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng thành tích tuyệt vời này của Thể thao Việt Nam. Hàng triệu trái tim người hâm mộ vẫn luôn dõi theo và tự hào về các bạn, về những nỗ lực không ngừng nghỉ của những chiến binh quả cảm nơi đất khách quê người”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện viết trong thư.

Ông cũng gửi lời chúc toàn Đoàn mạnh khỏe và tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công trong những ngày thi đấu sắp tới./.

 

 
Việt Nam giành liên tiếp 2 huy chương vàng tại ASIAD 18

Chiều 29/8, Nguyễn Văn Trí, Trần Đình Nam của đội tuyển Pencak silat mang về liên tiếp hai huy chương vàng cho đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 18, nâng tổng số huy chương vàng của Việt Nam lên 4.

Sau chiến thắng của Nguyễn Văn Trí hạng cân dưới 95kg ít phút, Trần Đình Nam đã xuất sắc giành tấm HCV thứ 4 cho đoàn TTVN sau khi đánh bại võ sĩ người Malaysia ở hạng cân dưới 75kg.

Tại hiệp đấu thứ 3, Nguyễn Văn Trí đã thi đấu bùng nổ lội ngược dòng thành công để bắt đối thủ phải thua tâm phục khẩu phục với chiến thắng chung cuộc.

Đây là tấm HCV đầu tiên trong sự nghiệp của võ sĩ 24 tuổi trong lần đầu tham sự một kỳ Á vận hội. Nguyễn Văn Trí đã phải đôn cân để tham dự hạng cân dưới 95kg, trước đó, tại SEA Games 29, anh là người giành tấm HCV cuối cùng cho đoàn TTVN tại hạng cân dưới 90 kg.

VĐV Nguyễn Văn Trí từng giành HCĐ thế giới (2016), HCB châu Á (2017) và giành HCV SEA Games (2017) ở hạng cân 85-90kg. Trong khi đó Mohd Khaizul Yaacob (Malaysia) là võ sỹ chuyên chơi ở hạng cân 90-95kg, anh giành HCĐ thế giới (2016) và HCB SEA Games (2017).

Cùng chiều,Trần Đình Nam ở hạng cân dưới 75kg đã mang về cho Thể thao Việt Nam một huy chương vàng. Tại trận chung kết hạng cân dưới 75kg của Trần Đình Nam, anh đã áp đảo võ sĩ người Malaysia MOHD FAUZIKHALID với nhiều pha tấn cống liên tục cùng với các quét trụ hiểm hóc ghi điểm và, sau 3 hiệp đấu chính thức, võ sĩ 25 tuổi đã giành chiến thắng với tỷ số tuyệt đối 5-0.

Như vậy, với tấm HCV thứ 4 của Trần Đình Nam, đoàn TTVN đã vươn lên vị trí thứ 14 trên bảng xếp hạng với 4 HCV, 12 HCB, 13 HCĐ.

 

 
Triển lãm “Muối của rừng” tăng cường tình hữu nghị Hàn – Việt

Triển lãm “Muối của rừng” diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ 4/7-25/7.

“Muối của rừng” giới thiệu tới khán giả 25 tác phẩm hội họa, băng hình và nghệ thuật bài trí của 13 tác giả và nhóm tác giả Việt Nam và Hàn Quốc.

Thông qua các tác phẩm, triển lãm sẽ đem đến những góc nhìn về sự biến đổi nhanh chóng của xã hội trong 30 năm qua dưới con mắt của các nghệ sĩ trẻ tuổi. Bên cạnh các hoạt động trưng bày, trong khuôn khổ triển lãm, khán giả sẽ được tham gia buổi nói chuyện Artist Talk và chia sẻ về khuynh hướng mỹ thuật hiện đại với các tác giả.

Triển lãm “Muối của rừng” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và CUC Galery tổ chức nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn – Việt. Đây là cơ hội để nghệ sĩ trẻ hai nước đến gần hơn với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật của thủ đô và người Việt Nam nói chung; đồng thời góp phần tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia.

 

 
Tổ chức Festival Cồng Chiêng Tây Nguyên năm 2018

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tổ chức Festival văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên năm 2018. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chủ động sử dụng các nguồn kinh phí xã hội hóa và hỗ trợ một phần từ ngân sách địa phương để thực hiện theo quy định; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Theo dự kiến, Festival văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên năm 2018 sẽ được tổ chức tại tỉnh Gia Lai vào trung tuần tháng 11/2018 với tinh thần hướng đến sự cố kết cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

Theo nội dung chương trình, nhiều hoạt động sẽ được 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp tổ chức như: Lễ hội đường phố (giao lưu, biểu diễn cồng chiêng); Phục dựng một số nghi lễ, lễ hội truyền thống của 11 dân tộc thiểu số tại chỗ; Trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng; Tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; Diễn xướng sử thi Tây Nguyên; Hội thảo về bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng; Triển lãm, trình diễn trang phục dân tộc…

Đây là hoạt động nhằm biểu dương giá trị Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên theo Chương trình Hành động nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa này trong đời sống đương đại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố năm 2006.

 

 
Hội sách cho em – Một cuốn sách nhỏ, gửi ngàn yêu thương

Theo thông tin được cập nhật trên lịch hoạt động của Phố Sách, Hội sách cho em – Một cuốn sách nhỏ, gửi ngàn yêu thương sẽ diễn ra từ ngày 18-19/8/2018.

Hội Sách được thiết kế gồm với các không gian dành riêng cho từng hoạt động, trong đó có khu vực giá kệ đặt sách quyên góp cho tặng dự án Thư viện cho em; Bàn viết lời chúc, lời tâm sự trong bookmark tặng kèm từng cuốn sách tặng; Góc trưng bày ảnh “Đọc sách theo phong cách em bé vùng cao” và khu vực vui chơi dành cho thiếu nhi.

Đặc biệt, một phần doanh thu Hội sách Cho em sẽ được trích để ủng hộ dự án xây dựng tủ sách Thư viện vùng cao và mỗi độc giả đến với Phố sách sẽ được khuyến khích gửi tặng sách vào tủ sách. Các hoạt động góp phần thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đến việc xây dựng văn hóa đọc, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Hội sách cho em diễn ra tại Quảng trường trung tâm – Phố Sách Hà Nội (Phố 19/12, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

 

 
Chương trình nghệ thuật “Màu hoa đỏ”  kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ

Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2018), Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Chương trình nghệ thuật “Màu hoa đỏ” lần thứ 11 vào 20/7/2018 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm tri ân các thương binh, liệt sĩ, các anh hùng dân tộc đã đóng góp xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” và tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc.

Dự kiến chương trình “Màu hoa đỏ” 2018 sẽ gồm 3 phần: Tiếng gọi non sông, Đất nước vẹn tròn ân nghĩa và Rạng rỡ Việt Nam với các ca khúc đi cùng năm tháng như Màu hoa đỏ, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Linh thiêng Việt Nam, Bài ca hy vọng, Chiều biên giới, Mùa xuân bên cửa sổ… Bên cạnh đó, chương trình cũng có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Quang Thọ, NSƯT Quốc Hưng, NSƯT Phương Thảo, Lan Anh, Tân Nhàn…

Năm 2018 cũng đánh dấu 11 năm Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Màu hoa đỏ” để với cộng đồng cùng đồng hành, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Theo Ban tổ chức, trong suốt hơn 10 năm qua, chương trình đã huy động từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân trong cả nước được 40 tỷ đồng, tặng hơn 10.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa, gần 500 nhà tình nghĩa, 560 con bò giống và 3.500 suất học bổng tới các gia đình thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo trên cả nước./.

 

 
5.000 người tham gia lễ hội đường phố chưa từng có ở Hồ Hoàn Kiếm

Sẽ có ít nhất 5.000 người, trong đó có rất nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghệ nhân của các làng nghề cùng biểu diễn, diễu hành vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm vào ngày 29/7 tại lễ hội đường phố mang chủ đề “Tinh hoa Hà Nội – Hội tụ và tỏa sáng”.

Lễ hội do UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới thủ đô Hà Nội (2008-2018). Trực tiếp dàn dựng và đạo diễn lễ hội là 4 nữ nghệ sĩ nổi danh của nghệ thuật sân khấu Hà Nội: NSND Thúy Mùi (Tổng đạo diễn), NSND Lê Khanh, NSND Hương Thơm, NSƯT Mai Hương.

Dự kiến diễn ra từ 8-11h ngày 29/7, lễ hội sẽ chia thành 7 khối chính, diễu hành xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, khu vực quảng trường sân khấu tượng đài Lý Thái Tổ, Đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trước cửa Lục Thuỷ, ngã tư Bà Triệu-Hàng Khay, ngã tư Hàng Bài-Tràng Tiền.

Trong đó, đi đầu là khối dân gian với 800 nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc của Thủ đô Hà Nội: Múa Rồng, Lân, Chạy cờ, Trống hội, Múa rối cao, Múa con đĩ đánh bồng, Múa Bài bông, Rước trạng vinh quy, Múa sênh tiền.

Khối làng nghề có sự tham gia trình diễn của 400 người, trong đó có khoảng 300 nghệ sĩ chuyên nghiệp trình diễn múa hoa sen, hoa đào, hoa mai vàng. Các nghệ nhân, đội văn nghệ của các làng nghề truyền thống nổi tiếng sẽ trình diễn múa nón (làng Chuông, huyện Thanh Oai), múa lụa (Vạn Phúc, Hà Đông), múa hoa (làng hoa Mê Linh).

700 người cao tuổi sẽ biểu diễn múa quyền, đánh côn, tập dưỡng sinh. 300 vận động viên cùng đồng diễn wushu, karate, taekwondo, đồng diễn thể thao, aerobic và dance sport. 700 học sinh, sinh viên với trang phục truyền thống cùng cờ, hoa, bóng bay nhiều màu sắc tạo thêm mảng màu rực rỡ trong đoàn diễu hành.

Đặc biệt, hàng trăm người mẫu sẽ cùng mặc áo dài cổ Hà Nội, áo dài cách tân Hà Nội thuộc các bộ sưu tập mới nhất do các nhà thiết kế tại Thủ đô thực hiện. 300 nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian khác sẽ biểu diễn đi cà kheo trên nền nhạc chiêng, trống, biểu diễn các tiết mục xiếc vui nhộn như xiếc đường phố, ảo thuật đường phố, tung hứng, lắc vòng, trượt patin, nhảy hip-hop.

Khép lại đoàn diễu hành sẽ là vũ hội Carnaval gồm 10 khối màu sắc với khoảng 1.700 bạn trẻ trong trang phục các loại cùng nhảy đồng diễn trên nền nhạc. Người dân tham gia sẽ tự nối dài theo đội hình của Ban tổ chức để cùng diễu hành quanh Bờ Hồ.

Lễ hội đường phố là hoạt động nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân thành phố và du khách đến Thủ đô. Nội dung được chuyển tải trong lễ hội sẽ phản ảnh rõ nét văn hóa truyền thống đặc sắc của từng địa phương, góp phần tạo thêm nhiều mảng màu tươi sáng trong bức tranh tổng quát về văn hoá Hà Nội nói riêng, của cả nước nói chung. Đây cũng là dịp tôn vinh các di sản văn hóa, quảng bá tiềm năng và các sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của thành phố, nhằm thu hút khách tham quan du lịch trong và ngoài nước đến với Thành phố.

 

 
Lần đầu tiên có Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2018 sẽ diễn ra vào tháng 9 tại Tuyên Quang với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Theo kế hoạch, Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất dự kiến có sự tham gia của các tỉnh với loại hình di sản gồm: Nhã nhạc Cung đình (Thừa Thiên-Huế), cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Lắk), dân ca Quan họ (Bắc Ninh), đờn ca tài tử (Bạc Liêu), dân ca Ví Giặm (Hà Tĩnh), nhảy lửa (Hà Giang), hát Chầu văn (Nam Định), múa Xòe Thái (Sơn La), trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa), hát Bài Chòi (Quảng Nam), hát Then của dân tộc Tày, nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu (Tuyên Quang)…

Lễ hội Thành Tuyên năm 2018 có sự tham gia của các huyện, thành phố trong tỉnh và mời một số đoàn đại biểu quốc tế, các địa phương, đại sứ quán các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Lễ khai mạc liên hoan và Lễ hội Thành Tuyên năm 2018 có chủ đề “Tinh hoa hội tụ” sẽ được tổ chức vào tối 21/9 với nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật như: Đêm hội Thành Tuyên với chủ đề “Lung linh sắc màu – Đêm hội Thành Tuyên”; trình diễn một số di sản văn hóa phi vật thể; triển lãm, giới thiệu, trưng bày ảnh, hiện vật di sản văn hóa; Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch”…

Trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2018, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đồng loạt hưởng ứng tổ chức các sự kiện văn hóa đặc sắc nhằm tôn vinh giá trị văn hóa đặc trưng của từng vùng, miền như: Tuần Văn hóa – Du lịch vùng cao; Tổ chức Liên hoan hát Then – đàn Tính; Hội chợ đêm, trưng bày và bán các sản phẩm nông nghiệp; Tổ chức Liên hoan Văn hóa, Thể thao Khu căn cứ Cách mạng Tân Trào; Liên hoan Hát Sình ca huyện Sơn Dương lần thứ nhất…

Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2018 được tổ chức nhằm tôn vinh và phát huy kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các địa phương trong cả nước, góp phần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Đồng thời qua đó, giới thiệu với nhân dân trong cả nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là giá trị về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng “Thủ đô Khu giải phóng – Thủ đô Kháng chiến”.

 

 
Việt Nam giành giải nhất cuộc thi Piano quốc tế tại Thái Lan

Cậu bé Võ Minh Quang (12 tuổi) tới từ Việt Nam đã vượt qua 34 thí sinh tới từ nhiều quốc gia  để giành giải Nhất cuộc thi “Piano quốc tế Mozart” lần thứ 8, diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), từ ngày 22 đến 24-7.

Cuộc thi “Piano quốc tế Mozart” là cuộc thi âm nhạc quốc tế được đánh giá là rất chuyên nghiệp và mang tính cạnh tranh quyết liệt. Năm nay có 34 thí sinh của Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia, Australia tham dự ở 4 bảng đấu. Năm nay cũng là lần đầu tiên các giải Nhất được nhận cúp của Công chúa Thái Lan trao tặng.

Võ Minh Quang là thí sinh nhỏ tuổi nhất thi đấu ở bảng B (13-17 tuổi). Hiện, Minh Quang đang học hệ Trung cấp piano tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Đào Trọng Tuyên.

Để giành được vinh quang, Võ Minh Quang trải qua 2 vòng thi căng thẳng với sự đánh giá của Hội đồng nghệ thuật gồm những giáo sư, nghệ sĩ quốc tế uy tín như Giáo sư Lisa Caliri (Mỹ), TS Ruben Loeno (Tây Ban Nha) và Timm Tzchaschael (Đức).

Vòng bán kết, Minh Quang biểu diễn 3 tác phẩm “Prelude and Fugue” cung rê thứ BWV 875: No.6, The well – Tempered Clavier, phần 2 (Bach); “Sonata K330 1st movement” (Mozart); “Rondo a Capriccio” (Beethoven). Ở vòng chung kết, Minh Quang chọn biểu diễn 2 tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao và tâm lý tốt là “Sonata cung đô trưởng K330” (Mozart) và “Scherzo op 39 số 3” (Chopin).

Cũng tại bảng B, đoàn Việt Nam còn có thí sinh Đặng Thái Vũ (13 tuổi) đã xuất sắc giành giải Nhì.

Đây không phải là lần đầu tiên các tài năng âm nhạc Việt Nam gặt hái vinh quang tại cuộc thi danh giá này. Ở những năm trước, nhiều thí sinh Việt Nam cũng đã đoạt được những giải thưởng cao như: thí sinh Quách Hoàng Nhi đã giành giải nhất cuộc thi Piano quốc tế Mozart Thái Lan lần thứ 3 năm 2013, Đặng Thái Vũ giành giải Nhì, Nguyễn Bá Duy Anh giành giải Ba Cuộc thi năm 2014, năm 2016, Nguyễn Đức Kiên đã giành giải nhất bảng D (7 đến 9 tuổi), năm 2017, thí sinh Phạm Lê Phương (12 tuổi) cũng giành giải Nhất tại cuộc thi này./.

 

 
Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ III năm 2018

Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ III do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức dự kiến diễn ra vào 14-15/10/2018 tại Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Ban Tổ chức, Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ III là dịp để các nghệ sĩ ảo thuật của cả nước giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả; Đồng thời  hiện những tài năng sáng tạo của chuyên ngành.

Bên cạnh đó, thông qua Liên hoan, các nhà quản lý, các đơn vị đào tạo nghệ thuật  có cơ hội đánh giá thực trạng đội ngũ nghệ sĩ ảo thuật hiện nay, từ đó có những biện pháp thúc đẩy bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sĩ Ảo thuật của nước ta trong thời gian trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy sự phát triển VHNT nói chung và sự phát triển Ảo thuật nói riêng trong xu thế hội nhập phát triển.

Đối tượng tham gia liên hoan là các nghệ sĩ biểu diễn Ảo thuật thuộc các đơn vị Nghệ thuật Xiếc chuyên nghiệp hoạt động công lập; các Nghệ sĩ, Câu lạc bộ, Nhóm chuyên nghiệp ngoài công lập hoạt động theo mô hình xã hội hóa chấp hành chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước và không hạn chế về độ tuổi.

Về tiêu chí nghệ thuật, nghệ sĩ tham dự Liên hoan phải tuân thủ theo các quy định về ảo thuật của các thể loại: Ảo thuật trắng; Ảo thuật đen; Ảo thuật có sử dụng đạo cụ và Ảo thuật khéo tay. Các tiết mục phải đảm bảo về chất lượng kỹ thuật, kỹ xảo và nghệ thuật. Thời lượng biểu diễn từ 10 đến không quá 12 phút

Ban tổ chức nhận đăng ký tham gia đến hết 30/8/2018. Sau khi Hội đồng tuyển chọn xem xong sẽ gửi giấy mời (đối với các tiết mục có chất lượng) cho các Đơn vị, cá nhân được tuyển chọn trước ngày 01/10/2018.

Về giải thưởng, Ban tổ chức sẽ trao Huy chương Vàng và Huy chương Bạc cho các tiết mục xuất sắc./.

 

 
Festival Múa rối Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh

Lần đầu tiên, Festival Múa rối Việt Nam sẽ được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh từ 16 – 18/8.

Đây là hoạt động do Công ty Sirenis Viet tổ chức dưới sự giám sát, hướng dẫn của Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, và sự tham gia và phối hợp thực hiện của nhiều nhà hát hai miền Nam, Bắc như: Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, Nhà hát Cánh diều, Nhà hát Múa rối Hải Phòng, Soul Music & Performing Arts Academy…

Thông qua các hoạt động, Ban Tổ chức mong muốn sẽ giới thiệu và đưa loại hình nghệ thuật múa rối đến gần hơn với công chúng phương nam, với du khách quốc tế; đồng thời góp phần vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này. Đặc biệt, NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL sẽ là người chỉ đạo nghệ thuật và tổng đạo diễn chương trình. Ông cũng là người đã dẫn dắt và đưa Nhà hát Múa rối Việt Nam nói riêng, múa rối Việt Nam nói chung tới với nhiều liên hoan nghệ thuật múa rối quốc tế. Theo đó, Festival Múa rối Việt Nam sẽ có 1 sân khấu chính và 5 sân khấu phụ được dựng trên phố đi bộ, chương trình là tổng hòa của các loại hình của múa rối như rối cạn, rối nước, rối dây, rối que… kết hợp múa rối cùng loại hình nghệ thuật khác tạo sự hấp dẫn cho khán giả.

NSND Vương Duy Biên cho rằng nếu làm tốt, Festival Múa rối Việt Nam sẽ trở thành một trong những hoạt động góp phần thu hút du khách đến thành phố mang tên Bác. Đồng thời Ban tổ chức sẽ ý kiến lãnh đạo TP Hồ Chí Minh để có thể tổ chức sự kiện hằng năm.

Được biết, đêm khai mạc Ban Tổ chức sẽ dành phần lớn khán đài để mời các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, các em từ những mái ấm, nhà mở tại TP Hồ Chí Minh tham dự; trao các suất học bổng và hỗ trợ sửa chữa 10 căn nhà cho những trường hợp đặc biệt khó khăn./.

 

 
Chuyên gia UNESCO khảo sát Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

Ngày 9/8, đoàn chuyên gia UNESCO do ông Guy Martini, cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng, bàn về các giải pháp xây dựng kế hoạch phát triển Công viên địa chất Non nước Cao Bằng theo các tiêu chí UNESCO.

Trước đó, Đoàn chuyên gia Quốc tế mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tiến hành khảo sát, kiểm tra, tái thẩm định, đánh giá thực hiện các tiêu chí của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Theo đánh giá của đoàn chuyên gia UNESCO, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực Công viên địa chất đáp ứng được 50% yêu cầu đặt ra. Đoàn cũng đánh giá cao công tác quản lý, quảng bá, bảo tồn các di sản thuộc CVĐC Non nước Cao Bằng. Công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh di sản đa dạng, phong phú; hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được thiết kế đẹp, chắc chắn; công tác đảm bảo an toàn cho du khách tham quan được tỉnh chú trọng và quan tâm.

Cùng với những kết quả đã đạt được trên đây, tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đang tồn tại một số hạn chế cần khắc phục ngay trong thời gian tới. Ông Guy Martini, cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đề nghị Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý các di sản; bố trí biển chỉ dẫn đến các điểm di sản; bãi đỗ xe tại các điểm cần sơn, kẻ vạch chỉ dẫn rõ ràng; sớm thay thế vật liệu làm biển chỉ dẫn tại các điểm di sản bằng vật liệu dễ vệ sinh, chống tia cực tím, tránh tình trạng mưa ẩm; giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tại các điểm di sản; quản lý tốt và nhân rộng mô hình du lịch homestay; nâng cao hơn nữa chất lượng cơ sở hạ tầng tuyến du lịch phía Đông, phía Bắc thuộc các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Hạ Lang, Trùng Khánh; xây dựng điểm dừng chân ngắm cảnh tại đèo Mã Phục…

Cũng tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị đoàn chuyên gia UNESCO giúp tỉnh sớm hoàn thiện kế hoạch tổng thể, chi tiết để khắc phục những hạn chế trong bảo vệ và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; đề xuất các nội dung xây dựng kế hoạch tổng thể, lộ trình chi tiết các nhóm công việc liên quan đến xây dựng Công viên địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng, giai đoạn 2018 – 2022./.

 

 
Triển lãm Mỹ thuật khu vực VII – Đông Nam bộ lần thứ 23

Từ ngày 28/8 đến 3/9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Thuận, Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức Triển lãm Mỹ thuật khu vực VII – Đông Nam bộ lần thứ 23 năm 2018.

Tại Triển lãm sẽ trưng bày, giới thiệu 145 tác phẩm của 130 tác giả của 9 tỉnh Đông Nam bộ. Trong đó, Ninh Thuận có 8 tác phẩm; Lâm Đồng 15; Đắk Nông 11; Bình Phước 10; Bình Dương 29; Tây Ninh 14; Đồng Nai 24; Bà Rịa – Vũng Tàu 13; Bình Thuận 21.

Chất liệu chủ đạo mà các nghệ sĩ tạo hình mang đến triển lãm là: Acrylic, sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, gò nhôm, gò đồng, giấy gió, lụa, tổng hợp, phấn tiên.

Theo đó, Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ chọn ra 6 tác phẩm xuất sắc, gồm: 01 giải A, 01 giải B, 01 giải C và 03 giải khuyến khích để trao cho các tác giả đạt giải thưởng.

Dưới góc nhìn của các tác giả, thông qua các tác phẩm sẽ khắc họa nên bức tranh đa dạng, phản ánh đời sống, những nét sinh hoạt văn hóa của vùng Đông Nam Bộ. Qua đó, giúp người xem có thể biết thêm sự phong phú, đa sắc màu, những nét tương đồng và khác biệt của các tỉnh, trong khu vực Đông Nam Bộ.

Triển lãm cũng là dịp để công chúng yêu nghệ thuật có cơ hội thưởng lãm tác phẩm nghệ thuật tạo hình, đồng thời, qua triển lãm giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về vùng đất, con người Bình Thuận, và thành phố biển Phan Thiết xinh đẹp.

 

 
Tổ chức “Tết Trung thu năm 2018” trên địa bàn thành phố Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND tổ chức hoạt động “Tết Trung thu năm 2018” cho trẻ em trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tổ chức Tết Trung thu vui tươi, đầm ấm cho trẻ em trên địa bàn, đặc biệt là trẻ em sống trong các gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em tại các địa bàn khó khăn; thu hút các em than gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, bộ ích và an toàn để trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần; Đồng thời tăng cường, đa dạng hóa công tác truyền thông, vận động, huy động nguồn lực của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong dịp Tết Trung thu, tập trung tuyên truyền theo chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”.

Các hoạt động trọng tâm bao gồm : tổ chức đêm hội Trung thu cấp thành phố với tên gọi “Đêm hội Trăng rằm 2018” vào 20/9/2018 tại Quận Hoàng Mai; Tổ chức các hoạt động thăm hỏi tặng quà cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em trong các gia đình nghèo, các Trung tâm, Trường, Làng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố; Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí; Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội; Huy động các nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động nhân dịp Tết Trung thu….

Đây cũng là dịp để biểu dương kịp thời những tấm gương người tốt việc tốt nhận đỡ đầu, giúp đỡ, ủng hộ trẻ em sống trong các gia đình nghèo, trẻ em có hòa cảnh đặc biệt.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tăng cường tuyên truyền các thông điệp về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đồng thời chỉ đạo và tổ chức các hoạt động kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ chơi, văn hóa phẩm cho trẻ trong dịp Trung thu nhằm đảm bảo tính giáo dục và an toàn cho trẻ; song hành với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí như chương trình văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động thể dục, thể thao như bóng đá, cầu lông, bơi lội… phù hợp với lứa tuổi, sự phát triển về thể lực, trí tuệ, tinh thần của trẻ em./.

 

 
Hội chợ Sách cũ tháng 8

Kỷ niệm 73 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Hội sách cũ Hà Nội tổ chức “Hội chợ sách cũ Hà Nội tháng 8-2017” tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Nói đến sách cũ, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến những quyển sách nhuốm màu thời gian chứa đựng những kiến thức cũ, hay hoài niệm về một thời quá khứ. Nhưng đối với người yêu đọc, thì sách cũ chứa trong nó không chỉ là kiến thức mà còn là những giá trị văn hóa, là một phép thử của thời gian đối với giá trị của từng cuốn sách.

Tiếp nối các kỳ Hội chợ Sách cũ trong năm, từ ngày 16-19/8, các đơn vị chuyên kinh doanh sách cũ tại Hà Nội gồm: Sách cũ giá rẻ, Nhà sách Triệu Hải, Sách cũ Kim Mã, Sách cũ Quận Hai Bà Trưng, Sách cũ Phúc Cương, Nhà sách Thái Hà, Sách cũ Bạch Mai, Sách cũ Duy Minh lại tiếp tục trở thành cầu nối giúp nhiều độc giả yêu sách cũ tìm được những cuốn sách giá trị thuộc các lĩnh vực: văn học, lịch sử, văn hóa, đời sống, kinh doanh, quân sự, chính trị, luật, khoa học, thiếu nhi, ngoại văn…

Đặc biệt, Hội chợ sách cũ Hà Nội lần này sẽ tổ chức trưng bày sách báo từ năm 1946 viết về Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Đây là dịp để độc giả có thể tìm kiếm được những nguồn tư liệu quý giá về một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước:  Tờ QUÂN VIỆT BẮC 1952 – 1955; Tờ VĂN NGHỆ số 18 – 1963; Tờ NHÂN DÂN số ra ngày 2/9/1952; Tờ CỨU QUỐC số ra 813 năm 1949;…

 

 
Khai mạc triển lãm tư liệu linh vật Nghê Việt tại Đà Nẵng

Triển lãm tư liệu linh vật Nghê Việt trưng bày 200 hình ảnh, tư liệu linh vật Nghê diễn ra từ ngày 15-30/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Chiều 15/8, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức lễ khai mạc Triển lãm tư liệu linh vật Nghê Việt. Nghê là linh vật đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa của người Việt, Nghê được khắc trên bia đá, vẽ trên đồ thờ, chạm trên kiến trúc, được tô, đắp chầu trước cổng… Nghê xuất hiện trong không gian tôn giáo, tín ngưỡng như chùa, đình, đền, miếu. Nghê cũng xuất hiện trong cung điện, lăng tẩm…

Ban tổ chức Triển lãm đã chọn lọc trưng bày 200 hình ảnh, tư liệu linh vật Nghê kèm theo các diễn giải gồm các nội dung: Nguồn gốc; đặc điểm tạo hình; phân loại linh vật Nghê Việt; linh vật Nghê của Việt Nam so sánh với linh vật một số quốc gia. Các hình ảnh về Nghê chốn chùa chiền; chốn cung vua, phủ chúa; lăng tẩm, đền miếu; đình làng và các hiện vật bảo tàng. Bên cạnh đó là một số sản phẩm phiên bản tượng linh vật Nghê thế kỷ XVII, Di tích Quốc gia đặc biệt đền Vua Đinh Tiên Hoàng, Hoa Lư, Ninh Bình.

Qua các tư liệu và hiện vật trưng bày trong Triển lãm, người xem thấy được sự tài hoa của cha ông ta trong việc sáng tạo ra các tác phẩm linh vật Nghê phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam; sự tương đồng và khác biệt với linh vật của các quốc gia trong khu vực.

Theo Ban tổ chức, trong thời gian qua, Nghê dường như đã bị lãng quên, bị người Việt thay thế bằng những linh vật mang biểu tượng không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Nguy hại hơn, những linh vật mang biểu tượng văn hóa nước ngoài lại được sao chép, nhân rộng, bày đặt khắp nơi từ công sở đến di tích, từ tư gia đến nơi công cộng. Chỉ trong vòng mấy chục năm qua, biểu tượng, linh vật của nước ngoài đã bị nhiều người trong chúng ta nhầm lẫm là linh vật của người Việt.

Trước thực trạng đó, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngày 8/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng sản phẩm, biểu tượng, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Mới đây, ngày 3/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục ban hành Công văn số 1313/BVHTTDL-MTNATL về việc tượng, biểu tượng đặt tại cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Song hành với việc thực hiện Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 113/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, trong 4 năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy Ban nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố cùng các cơ quan truyền thông đã thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng làm lành mạnh hóa môi trường thẩm mỹ, bảo tồn phát huy các giá trị di sản.

 

 
Hội thảo khoa học “Thư viện Việt Nam hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0”

Nhiều ý kiến, tham luận thiết thực nhằm phát triển ngành thư viện Việt Nam đã được trình bày tại Hội thảo khoa học “Thư viện Việt Nam hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0”.

Hội thảo do Hội Thư viện Việt Nam tổ chức diễn ra vào ngày 15/8/2018 tại Thư Viện Khoa học Tổng hợp TP. Đà Nẵng (số 46 Bạch Đằng).

Tới dự Hội thảo có Bà Vũ Dương Thuý Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bà Kiều Thuý Nga – Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư Viện Việt Nam; Đại tá Nguyễn Văn Toàn – Phó Cục trưởng Cục công tác chính trị, Bộ Công An; Trung tá Mạc Thùy Dương – Phó Giám đốc Thư viện Quân đội;…

Xuyên suốt chủ đề “Thư viện Việt Nam hướng tới Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Hội thảo đã nhận được những ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận rất thiết thực của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia thư viện trong cả nước. Trong đó, có nhiều tham luận, nghiên cứu xoay quanh chủ đề này được các nhà khoa học, các chuyên gia thư viện chia sẻ tại Hội thảo như: Thư viện trong cách mạng công nghiệp 4.0 – TS.Vũ Dương Thuý Ngà (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL); Sáng kiến Tầm nhìn toàn cầu của IFLA – Ths. Kiều Thuý Nga (Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam); Ngành Thư viện Việt Nam hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0 – GS.TS Nguyễn Duy Hoan (Đại học Thái Nguyên); Thực trạng, giải pháp phát triển hoạt động thư viện trong Công an nhân dân thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. (Ths. Đỗ Thu thơm, Phó Giám đốc Thư viện Bộ Công an).

Phát biểu Bế mạc Hội Thảo, Ths. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư Viện Việt Nam đặc biệt cảm ơn những ý kiến phát biểu, tham luận, trao đổi tại hội thảo lần này, với những nhận thức mới, nhận diện mới về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng to lớn trong lĩnh vực thư viện; cũng như các thuận lợi, khó khăn và giải pháp khả thi, để ngành thư viện Việt Nam sẽ có bước tiếp cận và sự chuẩn bị mạnh mẽ hơn, quyết liệt và đầy đủ hơn, để chúng ta sẵn sàng đồng hành và từng bước phục vụ bạn đọc trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tương lai…

 

 
Khai mạc “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam”

Chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương giữa Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2018), tối 17/8, tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã diễn ra lễ khai mạc “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” và “Chương trình giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản” lần thứ 16 năm 2018.

Đây là dịp để mở rộng quan hệ, giao lưu hợp tác giữa tỉnh Quảng Nam với các đối tác Nhật Bản trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đầu tư thương mại, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, lao động việc làm, cũng như tăng cường việc quảng bá, giới thiệu đến du khách và bạn bè quốc tế về một tỉnh Quảng Nam năng động, tích cực hội nhập và nhiều tiềm năng phát triển.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc có mối quan hệ từ lâu đời với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, truyền thống, giá trị nhân văn. Thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973, đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào tháng 3/2014, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất.

Tỉnh Quảng Nam được biết đến là một trong những nơi khởi nguồn cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam cách đây hơn 400 năm trước với mối quan hệ giao thương nhộn nhịp tại thương cảng Hội An cũng như mối lương duyên giữa công chúa Công nữ Ngọc Hoa cùng thương nhân Araki Sotaro.

Tiếp nối và phát triển mối quan hệ tốt đẹp đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã chủ động và tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đối tác, địa phương của Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực.

Tỉnh đã tiếp nhận hàng chục triệu đô la Mỹ từ nguồn viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản, hàng trăm nghìn đô la Mỹ viện trợ nhân đạo, phát triển cộng đồng thông qua các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản.

Trên lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp: tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư tại tỉnh khoảng 20 dự án với tổng vốn đầu tư trên 720 triệu đô la, hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam hiện có hơn 1.400 lao động đang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. Vào năm 2017, Quảng Nam đã chính thức ký kết quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Nagasaki . Đến nay, hai tỉnh đã duy trì và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác theo hướng tích cực, đạt nhiều kết quả.

Sự kiện “Những Ngày Văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam” và “Chương trình Giao lưu Văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 16, 2018” với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật được đầu tư công phu, mang âm hưởng trữ tình, nồng nhiệt thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước do các nghệ sĩ, ca sĩ của Việt Nam và Nhật Bản thực hiện.

Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động: gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản, Hội thảo Xây dựng và Phát triển đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường, Tọa đàm kinh nghiệm giáo dục Nhật Bản, Tọa đàm giao lưu hữu nghị Quảng Nam – Nhật Bản, các gian hàng trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực và gian hàng về phái cử lao động làm việc tại Nhật Bản,…”, ông Thanh cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, thông qua sự kiện này, tỉnh Quảng Nam và các đối tác Nhật Bản tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản đi vào chiều sâu, hiệu quả và ngày càng bền chặt.

Trong lúc đó, Ngài Umeda Kunio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Tháng 11/2017, nhân hội nghị cấp cao APEC 2017, tỉnh Nagasaki đã trao tặng mô hình Châu Ấn thuyền cho TP Hội An. Sau khi APEC 2017 kết thúc, nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Shinzo Abe đã tới thăm TP Hội An tràn ngập ánh đèn lồng, và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo người dân TP Hội An.

”Đoàn đại biểu Nhật Bản trong đó có Thủ tướng Shinzo Abe đã được thưởng thức những món ăn rất ngon của Hội An và có những giây phút tuyệt vời. Một lần nữa, tôi xin gửi lời cảm ơn lòng hiếu khách của tỉnh Quảng Nam, UBND TP Hội An và đông đảo người dân thành phố”, Đại sứ Umeda Kunio nhớ lại.

Đại sứ Umeda Kunio cho rằng, đây là một sự kiện đặc biệt. Sự kiện còn có sự tham gia của đại diện 5 địa phương đến từ Nhật Bản như thành phố Sakai – tỉnh Osaka, thành phố Oda (tỉnh Shimane), thành phố Matsusaka (tỉnh Mie), tỉnh Nagasaki, thành phố Minamiboso (tỉnh Chiba).

Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật của Nhật Bản, trong đó có ca sĩ Ueno Yuuka – Đại sứ thiện chí du lịch tại ”sự kiện giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản”, vận động viên Judo Nishiyama Masashi từng đạt huy chương đồng hạng 90kg tại Olympic London 2012…

Đại sứ Umeda Kunio chia sẻ, để nâng cao sức hút của di sản thế giới Hội An, cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản luôn tăng cường liên kết với TP Hội An. Ví dụ như: Công ty Nikken Sekkei Civil đã phác thảo ”quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố”, qua đó thể hiện hình ảnh tuyệt vời của Hội An trong tương lai.

Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực trong công tác cải thiện chất lượng nước khu vực Chùa Cầu thông qua viện trợ không hoàn lại. Công ty Takara tiếp tục hợp tác cùng TP Hội An và công ty TOTO trong việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng.

Ngoài ra, hai tình nguyện viên của JICA – chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa , kiến trúc cũng đang tích cực hoạt động tại Hội An.

”Qua những hoạt động như trên, có thể thấy Nhật Bản mong muốn tăng cường quan hệ cũng như liên kết với Hội An để nâng cao sức hút của Hội An”, Đại sứ Umeda Kunio cho biết.

 

 
Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2016

Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016 sẽ chính thức khai mạc vào chiều 30/8 tại Hà Nội.

Sự kiện do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) phối hợp với các cơ quan tổ chức nhằm giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật tác phẩm của 13 tác giả trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh đã vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc, có nội dung tư tưởng sâu sắc, có giá trị nghệ thuật cao, tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, góp phần vào sự nghiệp phát triển VHNT nước nhà.

Trong số 18 tác giả có tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 95 tác giả có tác phẩm được tặng giải thưởng Nhà nước năm 2016, giới mỹ thuật, nhiếp ảnh vinh dự và tự hào có 2 tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (phóng viên ảnh Lương Nghĩa Dũng, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo), 11 tác giả được tặng giải thưởng Nhà nước (hoạ sĩ: Nguyễn Bích, Cổ Tấn Long Châu, Bửu Chỉ, Lê Lam, Đỗ Sơn, nhà điêu khắc Phan Gia Hương, Nguyễn Văn Quế; nhà nhiếp ảnh: Nguyễn Hữu Cấy, Hứa Thanh Kiểm, Lâm Tấn Tài, Mầu Hoàng Thiết).

Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016 sẽ mở cửa đón công chúng tới tham quan thưởng lãm trong thời gian từ 30/8 – 08/9/2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội)./.

 

 
Chương trình nghệ thuật ‘Giữ trọn niềm tin với Đảng’

Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 73 năm ngày Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 (1945-2018), 73 năm Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945-19/8/2018), 13 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2018).

Tối 19/8, tại Hà Nội, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) phối hợp với Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức chương trình nghệ thuật “Giữ trọn niềm tin với Đảng.”

Chương trình do các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc quân đội và Nhà hát Công an nhân dân (CAND) biểu diễn với các ca khúc ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Lời ca, tiếng hát trong chương trình thể hiện ngọn lửa hồng truyền thống của lực lượng Quân đội nhân dân (QĐND) và CAND nguyện tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, giương cao ngọn cờ cách mạng, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển.

Những ca khúc như: “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng” “Khắc ghi lời Bác dạy”, “Lời ca dâng Bác”, “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”, “Vinh quang CAND Việt Nam”… được các nghệ sĩ trình bày với những cung bậc cảm xúc đầy tự hào, thể hiện tinh thần tiếp bước truyền thống anh hùng của lực lượng QĐND và CAND Việt Nam.

73 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, lực lượng QĐND và CAND đều đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong thời chiến cũng như thời bình, QĐND và CAND luôn đoàn kết, hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, làm tiền đề quan trọng để đất nước hội nhập và phát triển. QĐND và CAND đã trở thành điểm tựa bình yên, vững chắc của nhân dân.

 

 
Hà Nội tích cực phối hợp tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 5

UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 3597/UBND-KGVX về phân công nhiệm vụ các Sở, Ngành phục vụ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V diễn ra vào tháng 10 tới.

Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ V năm 2018 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 27/10 đến 31/10/2018, với khẩu hiệu “Điện ảnh – Hội nhập và phát triển bền vững”. Để thực hiện tốt các hoạt động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V,  trong Văn bản số 3597/UBND-KGVX ngày 07/8/2018 UBND Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan thường trực, tham mưu UBND Thành phố tổ chức các hoạt động phục vụ LHP; Đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố đảm bảo tiến độ, chất lượng các công việc theo quy định; Tham mưu, đề xuất UBND Thành phố phương án tổ chức Gala Diner chào mừng đại biểu, khách mời tham dự LHP.

Phối hợp với các đơn vị liên quan và Ban tổ chức LHP triển khai thực hiện công tác tuyên truyền nhằm quảng bá nội dung LHP; Chỉ đạo Trung tâm văn hóa Thành phố cung cấp cụm rạp do Thành phố quản lý để thực hiện các buổi chiếu phim trong khuôn khổ của LHP.

Sở Xây dựng đảm bảo vệ sinh môi trường, bố trí nhà vệ sinh lưu động, tăng cường chiếu sáng tại các điểm diễn ra LHP. Sở Y tế bố trí lực lượng bác sỹ, xe cứu thương thường trực tại LHP.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng báo đài của thành phố Hà Nội về nội dung trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ V.

Công an Thành phố xây dựng phương án đảm bảo an toàn, an ninh cho các đoàn đại biểu trong và ngoài nước tham dự Liên hoan phim; Phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội phân luồng, sắp xếp phương tiện giao thông tại các điểm diễn ra hoạt động chính của LHP và khu vực diễn ra các sự kiện của LHP; cấp phù hiệu xe đại biểu.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố đảm bảo lực lượng phương tiện xây dựng phương án phòng, chống cháy nổ tại khu vực tổ chức Lễ khai mạc, Bế mạc, Chương trinh Gala Diner và các buổi tổ chức sự kiện chiếu phim ngoài trời tại vườn hoa Lý Thái Tổ.

UBND quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ngành liên quan đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn tại buổi khai mạc, bế mạc LHP; Đảm bảo an ninh, trật tự các buổi tổ chức sự kiện và chiếu phim ngoài trời tại vườn hoa Lý Thái Tổ…

Với khẩu hiệu Điện ảnh – Hội nhập và phát triển bền vững, LHP quốc tế Hà Nội lần thứ V nhằm vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, sáng tạo, khuyến khích những tài năng mới của điện ảnh. Dự kiến Lễ Khai mạc LHP sẽ diễn ra vào 20h ngày 27/10/2018 và được truyền hình trực tiếp trên VTV2. Bế mạc  vào 20h ngày 31/10/2018 và được truyền hình trực tiếp trên VTV1. Lễ Khai mạc và Bế mạc của LHPQT Hà Nội lần thứ V được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội./.

 

 
Tuần phim Tây Ban Nha tại Đà Nẵng

Tuần phim sẽ giới thiệu 5 bộ phim có phụ đề tiếng Việt gồm: “Thị Mai”, “Bầy cừu và những chuyến tàu”, “Truman”, “Sống thật dễ khi ta nhắm mắt”, “Két 507” vào mùa thu năm nay.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản đồng ý chủ trương tổ chức tuần phim Tây Ban Nha tại Đà Nẵng từ ngày 8/9  – 12/9 tại Rạp Lê Độ, số 46 Trần Phú, quận Hải Châu.

Theo đó, tuần phim sẽ giới thiệu 5 bộ phim có phụ đề tiếng Việt gồm: “Thị Mai”, “Bầy cừu và những chuyến tàu”, “Truman”, “Sống thật dễ khi ta nhắm mắt”, “Két 507” vào mùa thu năm nay.

UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Ngoại vụ hướng dẫn, hỗ trợ Văn phòng Phó Lãnh sự danh dự Tây Ban Nha tại Đà Nẵng tổ chức Tuần phim theo đúng quy định.

 

 
Triển lãm ảnh giáo dục về hiểu biết quốc tế lần thứ 16

Ngày 22/8, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm ảnh giáo dục về hiểu biết quốc tế lần thứ 16.

Triển lãm giới thiệu hơn 100 bức ảnh được chụp bởi 3 nhiếp ảnh gia, 16 học sinh trung học đến từ Hàn Quốc và 1 nhiếp ảnh gia, 20 học sinh trung học đến từ Đà Nẵng – Việt Nam.

Các em học sinh tham gia Lớp nhiếp ảnh Giáo dục về sự hiểu biết quốc tế lần thứ 16 tại Đà Nẵng với chủ đề “Ánh sáng và màu sắc – mùa hè Việt Nam” do APCEIU phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức đã có 1 tuần học tập và trải nghiệm tại các tỉnh thành miền Trung như Huế, Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam).

Lớp nhiếp ảnh Giáo dục về sự hiểu biết quốc tế là dự án mới của APCEIU. Chương trình hướng đến các em học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với mục đích dạy các kỹ thuật nhiếp ảnh cơ bản, tạo điều kiện để các em thực hành bằng cách phóng to các khía cạnh văn hóa thông qua ống kính máy ảnh và sự hiểu biết của chính các em.

Đây cũng là dịp để các em học sinh tham gia, đánh giá và tôn vinh các di sản văn hóa và tự nhiên của Việt Nam. Các bức ảnh chụp được sẽ được phát triển và phổ biến như một nguồn tư liệu để khám phá các di sản của Việt Nam.

Đồng thời là cơ hội để các em học sinh Đà Nẵng – Việt Nam và Hàn Quốc được giao lưu, làm quen, trao đổi, học tập cũng như tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa của nhau, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

 

 
Nhiều hoạt động tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I

Ngày 23/8, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định số 1288/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I năm 2018 tại Đắk Nông.

Theo đó, trong khuôn khổ lễ hội ngoài chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc, sẽ có các hoạt động như: Triển lãm thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại Đắk Nông; Không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam; Lễ hội đường phố; Hội thảo Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông; Phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; trình diễn thời gian thổ cẩm …

Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy hoa văn, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng; đồng thời giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về hoa văn, trang phục truyền thống, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Đắk Nông trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Đây cũng là dịp tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên các dân tộc thiểu số trong tỉnh và cả nước giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó…

Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông lần thứ I sẽ được tổ chức tại Thị xã Gia Nghĩa từ ngày 27-30/12/2018.

 

 
“Miền hoa – Lan tỏa” trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Lễ hội hoa Tam Giác Mạch lần IV năm 2018 với chủ đề “Miền hoa – Lan tỏa” dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 03/11 tới tại Sân vận động huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Đến với lễ hội năm nay, du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh quan hùng vĩ của cao nguyên đá với sự mềm mại của những đồi hoa Tam Giác Mạch ngút ngàn nơi lưng chừng núi mà còn được trải nghiệm không gian đa sắc màu văn hóa của lễ hội như: Triển lãm ảnh công viên địa chất; tái hiện không gian văn hoá chợ; tham gia các hội thi “Bò đẹp”, hội thi hoa Tam Giác Mạch, ẩm thực bít tết; đắm mình trên con đường hoa tại Phố cổ Đồng Văn; tái hiện cuộc sinh hoạt của gia tộc họ Vương tại khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương và các hoạt động du lịch trải nghiệm khác vô cùng thú vị.

Lễ hội hoa Tam Giác Mạch lần thứ 4 năm 2018 do UBND 04 huyện thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc) cùng phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa và sức sống mãnh liệt của bà con các dân tộc sinh sống trên Cao nguyên đá. Đặc biệt, lễ hội năm nay còn chú trọng quảng bá các giá trị di sản văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Đồng Văn nói riêng và vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá nói chung. Đồng thời thông qua các hoạt động tại Lễ hội kêu gọi đầu tư nhằm từng bước đưa ngành du lịch trên địa bàn huyện ngày càng phát triển./

 

 
Khai mạc Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ IV năm 2018

Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ IV năm 2018 vừa chính thức khai mạc vào tối 25/8 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh.

Liên hoan năm nay có sự tham gia của trên 600 nghệ nhân, diễn viên, nghệ sỹ đến từ 24 câu lạc bộ của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (11 câu lạc bộ của Nghệ An, 13 câu lạc bộ của tỉnh Hà Tĩnh).

Trong 04 ngày diễn ra (từ 25 – 28/8), các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sỹ mang tới liên hoan 72 tiết mục được thể hiện dưới nhiều hình thức diễn xướng, tái hiện lại các không gian làng quê, các tập quán sinh hoạt, ngành nghề ở các địa phương, vùng miền.

Trong đêm khai mạc liên hoan, 04 câu lạc bộ dân ca ví, giặm, gồm: Sơn Hoà (Hương Sơn), Kỳ Lợi (Kỳ Anh), Thanh Văn (Thanh Chương), Nghi Long (Nghi Lộc) đã mang tới khan giả 12 tiết mục đặc sắc được thể hiện dưới nhiều hình thức, diễn sướng, đối ca, hát giao, múa hát…

Theo chương trình, sau hai ngày biểu diễn tại liên hoan, vào tối 26/8, 12 CLB dân ca sẽ đại diện cho các CLB dân ca của 2 tỉnh biểu diễn giao lưu tại thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và 2 huyện: Can Lộc, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức luân phiên tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh định kỳ 2 năm/lần. Đây là sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc sắc nhằm giữ gìn, tôn vinh và phát huy các giá trị di sản văn hóa đại diện của nhân loại đã được Unesco công nhận. Đây là dịp để các CLB, các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và những kỹ năng diễn xướng. Đồng thời biểu dương, ghi nhận và tôn vinh những người có công gìn giữ, trao truyền vốn di sản quý báu này. Qua đó, nhằm đẩy mạnh phong trào ca hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong các tầng lớp nhân dân.

Lễ tổng kết, trao giải và công diễn các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ IV năm 2018 dự kiến sẽ diễn ra vào tối 28/8/2018./.

 

 
Khai mạc Triển lãm giao lưu nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ các nước châu Á

Chiều 25/8 tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Khai mạc Triển lãm, giao lưu nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ các nước châu Á. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã đến dự lễ khai mạc và giao lưu với các nghệ sĩ.

Triển lãm giao lưu nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ các nước châu Á là một hoạt động nghệ thuật kết nối nghệ sĩ các nước châu Á và ASEAN đã được Bộ VHTTDL tổ chức liên tục trong mấy năm gần đây. Đây cũng là dịp để giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên, phong tục tập quán của Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đồng thời tạo điệu kiện để nghệ sĩ các nước châu Á có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi nghề nghiệp và sáng tác tác phẩm.

Trong Triển lãm giao lưu năm 2018, Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức triển lãm, giao lưu giữa 5 nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ 10 nước châu Á: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ Việt Nam và các nghệ sĩ các nước châu Á cùng giao lưu, tìm hiểu, trao đổi học thuật và thắt chặt tình hữu nghị giữa nghệ sĩ các quốc gia trong khu vực.

Chương trình triển lãm giao lưu diễn ra với hai nội dung: 22 nghệ sĩ thực hiện chương trình giao lưu sáng tác tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình (từ ngày 21-24/8) và Triển lãm tại Hà Nội sẽ trưng bày các tác phẩm là kết quả của chương trình giao lưu sáng tác. Triển lãm diễn ra từ ngày 25/8-3/9/2018 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định, Triển lãm giao lưu với các nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ 10 nước châu Á là hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc do Bộ VHTTDL tổ chức tại Ninh Bình và Hà Nội. Triển lãm giới thiệu những tác phẩm sáng tác về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam; về vùng đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Thông qua triển lãm sẽ góp phần tăng cường hiểu biết, đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia châu Á, thắt chặt tình hữu nghị giữa các nghệ sĩ, các quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế./.

 

 
Chương trình nghệ thuật đặc biệt tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chương trình nghệ thuật đặc biệt tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh vị tướng huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam mang tên “Bài ca huyền thoại Võ Nguyên Giáp” vừa diễn ra vào tối 25/8 tại Trung tâm Văn hóa huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bài ca huyền thoại Võ Nguyên Giáp” do UBND huyện Lệ Thủy tổ chức nhân kỷ niệm 107 năm ngày sinh (25/8/1911 – 25/8/2018) và 5 năm ngày mất (4/10/2013 – 4/10/2018) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây cũng là dịp để người dân tưởng niệm, tôn vinh cuộc đời cách mạng, tri ân những công lao to lớn của biểu tượng anh hùng, biểu tượng văn hóa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bài ca huyền thoại Võ Nguyên Giáp” gồm 5 chương: Quê hương, tuổi thơ; Đại tướng huyền thoại; Đại tướng về thăm quê; Khúc tưởng niệm và Nhịp sống hôm nay. Xuyên suốt chương trình là các làn điệu dân ca hò khoan Lệ Thủy và những ca khúc ca ngợi, tri ân công lao của Đại tướng.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bài ca huyền thoại Võ Nguyên Giáp” góp phần vinh danh, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hò khoan Lệ Thủy; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng, khắc ghi sự hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ cha ông đi trước cho độc lập, tự do của đất nước hôm nay, gìn giữ, phát huy thành quả cách mạng vĩ đại và giá trị văn hóa của quê hương, dân tộc./.

 

 
Khám phá “Chợ phiên vùng cao xứ Lạng” tại Hà Nội

Từ ngày 31/8 – 30/9, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 9 với chủ đề “Vui Tết Độc lập”.

Đây là chuỗi hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 73 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2018). Đồng thời, nhằm tôn vinh, giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung”; góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc và tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ, từng bước hoàn thiện các sản phẩm du lịch và mở đầu cho mùa du lịch cao điểm năm 2018.

Các hoạt động có sự tham gia của hơn 200 đồng bào, nghệ sỹ, diễn viên, sinh viên, gồm: 13 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Khơ Mú (Điện Biên), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Tày (Thái Nguyên), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Dao (Tp. Hà Nội), dân tộc Tà ÔiCơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Raglai(Ninh Thuận), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Chăm (Ninh Thuận), dân tộc Khmer (Sóc Trăng); huy động thêm 04 dân tộc tham gia lễ hội, hoạt động gồm dân tộc Nùng, Mông (Lạng Sơn), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk); Cùng sự tham gia của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Làng cổ Đường lâm…

Điểm nhấn hoạt động tháng 9 là không gian “Chợ phiên vùng cao xứ Lạng” tái hiện không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa tỉnh Lạng Sơn, nơi mua bán, trao đổi hàng hoá và là nơi gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hoá với bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hoá dân tộc. “Chợ phiên vùng cao xứ Lạng” sẽ diễn ra từ ngày 31/8 đến 03/9, tại Chợ vùng cao, Khu các làng dân tộc.

Tại Phiên chợ sẽ giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, tạo không khí đậm nét chợ vùng cao ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do cộng đồng dân tộc Mông, Nùng, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú giới thiệu tới du khách.

Sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống của các dân tộc Lạng Sơn với chảo thắng cố nghi ngút khói, những món ăn hấp dẫn lợn quay, vịt quay, giã bánh dày; những điệu khèn mừng vui Tết độc lập cùng với hoạt động múa sư tử của nhóm nghệ nhân dân tộc Nùng… Tất cả sẽ tạo nên một không khí nhộn nhịp, hồ hởi, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc và du khách với phiên chợ vui Tết Độc lập trong dịp Quốc khánh 02/9.

Đặc biệt, giới thiệu nghệ thuật múa sư tử mèo của dân tộc Nùng – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận; tái hiện Lễ cưới của dân tộc Nùng và Lễ Giải hạn nối số của dân tộc Mông tỉnh Lạng Sơn.

Ngoài ra, còn có các hoạt động chuyên đề, hoạt động cuối tuần: Chương trình “Ly cà phê Ban Mê”; Chương trình biểu diễn nghệ thuật Xiếc đặc sắc cuả Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Không gian “Tuổi thơ với chợ quê; Các hoạt động trải nghiệm “Trung Thu cho em; Dự kiến Tổng kết hoạt động “Ngày hè của em” và tổ chức các hoạt động du lịch chào đón năm học mới; Chương trình ca, múa, nhạc “Hát về tuổi thơ tôi; Chương trình biểu diễn “Làng quê tuổi thơ tôi”.

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch… nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của 13 đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

 

 
Hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số – Thực trạng và giải pháp”

Sáng 28/8, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã dự và chủ trì Hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số – Thực trạng và giải pháp”.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); đại diện các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, các nhà xuất bản; các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện người sử dụng thư viện và các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Văn hóa đọc – một bộ phận của Văn hóa – là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ, có nhân cách và thượng tôn pháp luật để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại – xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức và đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0”.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển đã đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc trong điều kiện Internet và công nghệ truyền thông đang ngày càng phát triển. Đó là vấn đề đặt ra để Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số – thực trạng và giải pháp” với mục đích đánh giá thực trạng nhu cầu đọc, xu hướng đọc của bạn đọc hiện nay cùng với việc đưa ra các giải pháp cho phát triển văn hóa đọc, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.

Trong buổi Hội thảo này, Bộ VHTTDL mong muốn nhận được ý kiến và tham luận trình bày của các nhà nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các cơ quan xuất bản, các nhà cung cấp giải pháp và những người trực tiếp làm công tác thư viện cùng trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp cho phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, ngày 15 tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Đây là bước cụ thể hóa thực hiện Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2020 với mục tiêu “Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”, góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước” mà Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI của Đảng đã đặt ra.

Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15 tháng 3 năm 2017; ngày 22 tháng 5 năm 2018, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1874/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số – Thực trạng và giải pháp”.

Theo đó, hơn 10 tham luận đã được trình bày tại Hội thảo gồm: Tài liệu số trong công tác phục vụ bạn đọc: Thực trạng và giải pháp tại thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh; Giải pháp ứng dụng phần mềm nguồn mở cho mạng lưới thư viện huyện trên địa bàn tỉnh Bình Định nhằm thức đẩy văn hóa đọc trong kỷ nguyên số; Một số ý kiến đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cải thiện dịch vụ thư viện; Tìm hiểu phát triển của web cùng “Thế hệ thư viện” tương ứng và đề xuất mô hình thư viện đại học Việt Nam trong kỷ nguyên số; Thư viện trường Đại học Bách khoa Hà Nội phục vụ bạn đọc đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học; Thực trạng nhu cầu đọc, xu hướng đọc hiện nay và giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc trong kỷ nguyên số; Ảnh hưởng của thư viện đến văn hóa đọc và nhận thức về bản quyền trong sinh viên; Ý kiến chia sẻ về thông tin, dịch vụ thư viện trong nghiên cứu vĩ mô ở Việt Nam trong thời kỳcách mạng công nghiệp 4.0; Chuyển thói quen đọc sang smart phone- thay đổi thói quen đọc tạp chí điện tử của sinh viên đại học.

Các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề: Nhận dạng các tác động tích cực, thuận lợi và những hoạt động mang tính thách thức của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông đến văn hóa đọc nói chung, hoạt động thư viện nói riêng; Thực trạng vốn tài liệu điện tử/tài liệu số và các dịch vụ phục vụ người sử dụng của thư viện và những giải pháp phát triển văn hóa đọc tại các thư viện; giải pháp trong quản lý và tổ chức hoạt động nhằm triển khai kế hoạch của địa phương, Bộ ngành nhằm thực hiện các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc đã được đặt ra trong Đề án phát triển văn hóa đọc… đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm và mô hình hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển văn hóa đọc…

Hội thảo được tổ chức nhằm nhận dạng thực trạng, các cơ hội và thách thức trong việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông phát triển; nhu cầu đọc, xu hướng đọc và các yêu cầu đặt ra đối với các sản phẩm dịch vụ thư viện trong kỷ nguyên số. Thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ thu thập các dữ liệu để góp phần xây dựng những định hướng, giải pháp cụ thể trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc và hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số.

 

 
Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III sẽ diễn ra tại Cần Thơ

Với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ – Bảo tồn và phát triển”, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 4/2020 tại Cần Thơ.

Theo đó, Festival có sự tham gia của 21 tỉnh, thành Nam Bộ. Từ nay cho đến khi diễn ra Festival, Cần Thơ sẽ tổ chức nhiều hoạt động liên quan như: Cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bài bản tổ nhạc Tài tử Nam Bộ, Cuộc thi sáng tác bài ca vọng cổ và chập cải lương, Chương trình khai mạc với chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật dân tộc Việt”, Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử, Lễ hội chợ nổi “Sông nước Cửu Long”…

Việc tổ chức Festival nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, đồng thời tôn vinh những đóng góp của các soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ đối với việc bảo tồn, phát triển và truyền bá nghệ thuật này. Từ đó từng bước đưa Festival Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành sự kiện văn hoá được tổ chức theo định kỳ, mang đậm bản sắc văn hoá của vùng đất Nam Bộ. Đồng thời tạo sự kết nối với các di sản thiên nhiên và di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại tại Việt Nam.

Trước đó, Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản chấp thuận và tạo điều kiện thuận lợi để Cần Thơ tổ chức thành công sự kiện văn hóa quy mô quốc gia này.

Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã được UNESCO chính thức ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan ngày 5/12/2013./.

 

 
 

 

Pages: 1 2 3 4 5 6

 
 
 
EMC Đã kết nối EMC