08/6/2022

TP.HCM: Nỗ lực thu hút nhân tài ngành Văn hóa, Thể dục thể thao

Hàng bao năm nay, TP.HCM đã thực hiện nhiều chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt ở những lĩnh vực có nhu cầu, trong đó có ngành Văn hóa, Thể dục và thể thao. Và mặc dù TP đã “đỏ mắt tìm nhân tài” nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Vì sao?

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ VHTTDL về Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo, báo cáo về nội dung chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng nhân lực văn hóa, Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa, TP.HCM có 2 giai đoạn thực hiện: Từ 2006-2015 và từ 2016-2020. Giai đoạn đầu, để thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành Văn hóa và Thông tin, TP đã không ngừng tìm kiếm tài năng trẻ, chủ động hợp tác với các trường đào tạo chuyên ngành nghệ thuật ở nước ngoài. Năm 2007, UBND TP đã thực hiện một số chương trình đào tạo dài hạn, như: Giới thiệu 2 viên chức Nhà hát Giao hưởng – Nhạc và Vũ kịch TP.HCM đào tạo cử nhân Biên đạo múa tại Hà Lan trong 2 năm; đào tạo 1 nhân sự trẻ cử nhân Thanh nhạc tại Pháp 6 năm; giới thiệu 10 học sinh của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đào tạo trung cấp múa tại Trung Quốc 6 năm; giới thiệu 8 học sinh Đoàn Nghệ thuật Xiếc (nay là Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) đào tạo tạo nguồn Trung cấp xiếc tại Hà Nội 5 năm; giới thiệu 6 học sinh của Nhà hát Bông Sen đào tạo trung cấp nhạc cụ 6 năm.

Các chương trình đào tạo dài hạn nguồn nhân lực trẻ nêu trên đã cung cấp lực lượng viên chức diễn viên có trình độ chuyên môn bài bản, kỹ năng nghề nghiệp tốt, yêu nghề, là lực lượng nòng cốt của các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cũng đăng ký đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài (Nga, New Zealand, Trung Quốc, Australia) đối với 6 công chức viên chức các chuyên ngành như tiến sĩ Chỉ huy dàn nhạc, tiến sĩ sáng tác Giao hưởng, thạc sĩ Thanh nhạc, tiến sĩ Bảo tàng học, thạc sĩ Quản lý giáo dục; 18 nhân sự trung cấp nghệ thuật cải lương.

Giai đoạn từ 2016-2020, thực hiện Quyết định của UBND TP về Chương trình nhánh nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, TDTT TP.HCM giai đoạn 2016-2020, Sở VH&TT đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu và chuyên gia, cán bộ khoa học lĩnh vực di sản văn hóa, văn hóa, nghệ thuật và TDTT, bao gồm: 3 tiến sĩ và 9 thạc sĩ các ngành Lịch sử, Bảo tồn, Bảo tàng, Văn hóa học, Sử học và sân khấu; đã tổ chức đào tạo theo hình thức truyền nghề 5 lớp nghệ thuật Hát bội, mời chuyên gia nước ngoài về huấn luyện quốc tế tại các Nhà hát…

Tuy nhiên, để lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao phát triển tương xứng với tầm vóc của một đô thị đặc biệt, hướng đến mục tiêu phát triển TP thành trung tâm văn hóa nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực, có thị trường mỹ thuật, sân khấu – điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn, trung tâm văn hóa giải trí phát triển mạnh đứng đầu cả nước thì còn rất nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề cần khai thông. Trong đó, TP cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để có bước đột phá mới, có chính sách đãi ngộ thoả đáng, môi trường làm việc lành mạnh và chú trọng đầu tư phát triển cơ sở vật chất ngành văn hóa và thể thao.

Được biết, UBND TP đã ban hành Quy định về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt (để triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 của HĐND TP), đồng thời đã thành lập các Hội đồng thu hút… Đến năm 2021, UBND TP đã có Kế hoạch thu hút tài năng đặc biệt cho các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao… Tuy nhiên, Sở Nội vụ cho hay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, TP tập trung ưu tiên phòng, chống dịch và số lượng người nộp hồ sơ còn ít nên Kế hoạch thu hút bị ảnh hưởng tiến độ, chưa hoàn thành quy trình thu hút.

Ông Phạm Nhật Thời, Phó Trưởng phòng Phòng Công chức Viên chức Sở Nội vụ cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù để đẩy mạnh thu hút người có tài năng vào làm việc. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng dự thảo “Chiến lược quốc gia về thu hút và phát triển nhân tài”. Chiến lược này có quy mô và phạm vi áp dụng trong cả nước, trong đó có nhiều nội dung, chính sách đãi ngộ để thu hút, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ. Sau khi lấy ý kiến các Bộ – ngành, địa phương, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành và hướng dẫn thực hiện. TP cũng đang theo dõi và sẽ kịp thời triển khai Chiến lược trong phạm vi thẩm quyền, đồng thời sẽ nỗ lực xây dựng chính sách và kiến nghị Trung ương xem xét, có cơ chế phù hợp để đẩy mạnh thu hút, phát triển nhân tài, trong đó có nhân tài ngành văn hóa, thể dục thể thao.

Nguồn: baovanhoa.com.vn

http://baovanhoa.com.vn/van-hoa/chinh-sach-quan-ly/artmid/568/articleid/53491/tphcm-no-luc-thu-hut-nhan-tai-nganh-van-hoa-the-duc-the-thao

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100