78/ Hội nghị G20: Khó tìm tiếng nói chung về tự do thương mại
Trong hai ngày 17 và 18/3 tại thành phố Baden-Baden, miền Nam nước Đức diễn ra hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).
Diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về nguy cơ một cuộc chiến thương mại do xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng tăng trên thế giới, cuộc gặp được xem là dịp để thảo luận những biện pháp có thể giúp tháo ngòi nổ cho nguy cơ này.
Đây là lần đầu tiên, chính phủ mới của Mỹ tham gia các cuộc thảo luận về trật tự kinh tế thế giới, với đại diện là tân Bộ trưởng Kinh tế Mỹ Steven Mnuchin.
Kể từ khi lên cầm quyền hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy những lập trường khác biệt về thương mại quốc tế. Dự kiến trong ngày hôm nay (18/3), các bộ trưởng sẽ ra thông cáo chung, trong đó xác định những định hướng kinh tế chính của các nền kinh tế lớn trên thế giới, cũng như thúc đẩy một số hồ sơ nóng hiện nay như cuộc chiến chống rửa tiền hay kiến trúc tài chính thế giới.
Theo các nhà phân tích, những lập trường của Mỹ – nền kinh tế hàng đầu thế giới, sẽ có tác động lớn trong việc định hướng nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Tuy nhiên, những bất đồng không dễ hóa giải giữa Mỹ và các nước tham dự khiến hội nghị rất ít khả năng đi tới một quyết định cụ thể nào và trách nhiệm sẽ thuộc về người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước G20.
Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin, sẽ không có nhượng bộ trong những vấn đề cơ bản, như thương mại hay cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ngay trước thềm cuộc họp, chính quyền Mỹ đã tuyên bố thẳng thừng bác bỏ bất kỳ tuyên bố chung nào lên án chủ nghĩa bảo hộ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều tuyên bố phản đối tự do thương mại, cho rằng chính điều này đang khiến hàng nghìn lao động tại Mỹ bị mất việc làm. Ông cũng thông báo một dự luật đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici, châu Âu hiểu lập trường của nước Mỹ, song truyền thống của G20 là khẳng định tự do thương mại và từ chối chủ nghĩa bảo hộ. Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng tăng cao liên quan vấn đề này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có chuyến thăm Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi giữa tuần đã nhất trí thúc đẩy tự do thương mại.
Về vấn đề khí hậu, Mỹ phản đối những gì được đề cập trong thỏa thuận Paris năm 2015 và chính phủ nước này hồi giữa tuần đã công bố dự thảo ngân sách trong đó cắt giảm ngân sách dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo Ủy viên châu Âu Moscovici, thỏa thuận Paris là một thỏa thuận mang tính lịch sử, không chỉ có ý nghĩa với riêng Liên minh châu Âu mà toàn thế giới. Vì thế không thể khiến cho thỏa thuận này bị đẩy lại phía sau.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin, trái với dự đoán, các cuộc thảo luận tại Đức lại diễn ra trong một bầu không khí khá xây dựng. Chính quyền Mỹ đã tỏ rõ thiện chí sẵn sàng tham gia các cuộc thương lượng về thương mại. Bài phát biểu của người đứng đầu Bộ Tài chính nước này được đánh giá là mang nhiều màu sắc hòa đàm, thay vì một cuộc chiến “một mất một còn”.
Trước đó, trong cuộc hội đàm bên lề với Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble, Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng tuyên bố, Mỹ không muốn khơi mào một cuộc chiến thương mại với các cường quốc kinh tế thế giới: “Điều mà chúng tôi mong muốn không phải là một cuộc chiến tranh thương mại, mà là đối phó với sự mất cân bằng trong các mối quan hệ thương mại. Nếu nhìn lại các chính sách kinh tế, chúng ta có thể thấy thương mại là một phần rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và mục tiêu của chúng ta là hợp tác vì lợi ích tương hỗ và công bằng. Với vai trò là các thị trường thương mại lớn nhất thế giới, chúng ta cần phải tập trung vào điều này”.
Trước thềm Hội nghị, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố bản theo dõi triển vọng và nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới, trong đó cảnh báo các chính sách hướng nội và các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt có thể đe dọa đến đà tăng trưởng. IMF kêu gọi hợp tác quốc tế để có thể duy trì những lợi ích của thương mại cũng như động lực tăng trưởng kinh tế, vốn đã giúp hàng triệu người dân trên thế giới thoát khỏi đói nghèo.
Trong thông điệp gửi đến Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên G20, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Christine cũng nhận định, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi, song khuyến cáo các nước cần có những chính sách hợp lý để tránh tự gây ra những tổn thương không đáng có: “Một điều không thể phủ nhận là tự do thương mại, tự do hàng hóa, dịch vụ, con người và vốn mang lại những lợi ích to lớn và chúng ta sẽ phải tiếp tục ủng hộ điều này. Theo tôi, một mặt, chúng ta cần tăng cường hợp tác quốc tế để có thể duy trì những lợi ích của tự do thương mại cũng như động lực tăng trưởng kinh tế, mặt khác các nước cũng cần có những chính sách hợp lý để tránh tự gây ra những tổn thương không đáng có”./.
Nguồn: VOV
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200