38. Cần lập bản đồ mở về quan trắc dữ liệu nước biển

Với việc “thủ phạm” gây ra thảm họa cá chết tại 4 tỉnh miền Trung đã được xác nhận chính thức là Formosa, vấn đề lớn hơn đặt ra là làm thế nào để ngăn ngừa, phòng tránh và xử lý các hiểm họa môi trường tương tự.

Tại các nước phát triển, công nghệ cao đã được áp dụng triệt để vào nhiệm vụ trọng yếu này. Nhưng còn ở Việt Nam, có hay không khả năng hỗ trợ của giới công nghệ trong nước trong việc ngăn ngừa, phòng tránh hiểm họa môi trường, và nếu có thì mức độ hỗ trợ đến đâu?

Từ góc độ tiếp cận này, ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty DTT Technology đã có nhiều chia sẻ thẳng thắn với VietNamNet, về những gì mà công nghệ có thể làm và không thể làm, cũng như sự cần thiết của một Quy hoạch tổng thể từ phía Chính phủ trong vấn đề đảm bảo môi trường sinh thái

- Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ tân tiến vào quan trắc, giám sát các hệ thống xử lý nước thải nói riêng và quan trắc môi trường nói chung đã được làm khá mạnh. Vậy còn tại Việt Nam thì sao, thưa ông? Chúng ta đã và sắp có những dự án như vậy hay chưa?

- Trên thực tế, năng lực công nghệ tại thời điểm này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu ngăn ngừa, cảnh báo các thảm họa môi trường, bởi công nghệ đã chuyển từ bước xử lý thông tin (Information Technology) trên máy tính đơn thuần sang công nghệ để hoạt động (Operation Technology), và sự giao thoa giữa IT với OT chính là xu hướng IoT – Internet của vạn vật mà chúng ta đang nói đến rất nhiều. Hơn bao giờ hết, con người đã có thể số hóa các cảm biến với chi phí đủ rẻ để ứng dụng chúng vào mọi mặt đời sống.

Thời gian qua, chúng tôi (DTT Technology) đã tiến hành số hóa hệ thống giám sát xử lý nước thải cho một nhà máy công nghệ hàng đầu tại TP.HCM, theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình xử lý nước thải của nhà máy này bằng phần mềm và báo cáo kết quả liên tục cho họ.

Thông thường, bất kể nhà máy nào, kể cả Formosa, đều phải có những chỉ tiêu về xử lý nước thải cam kết với Chính phủ VN. Họ sẽ trình những cam kết này với phía VN, đồng thời cũng có hệ thống tự giảm sát để đảm bảo kết quả đầu ra đúng như cam kết. Bộ TN&MT và Bộ Công thương thường là các cơ quan giám sát và phải có trách nhiệm đảm bảo là kết quả đầu ra của doanh nghiệp đúng như vậy. Các mẫu kết quả được lấy để phân tích và nếu phát hiện sai so với cam kết, doanh nghiệp sẽ bị phạt. Càng những doanh nghiệp quốc tế, quy mô lớn thì càng sợ bị phạt vì ảnh hưởng đến uy tín của họ.

Đối với đối tác của chúng tôi, họ yêu cầu phát triển một phần mềm để liên tục theo dõi dòng nước thải ra, xem nó có tuân thủ các tiêu chí cam kết hay không. Trước đây, những việc lấy mẫu, giám sát này phải làm bằng tay, nhưng nay, với các cảm biến số, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết được những gì bất thường để cảnh báo cho người quản lý. Dù vậy, với dự án này, chúng tôi phải phụ thuộc vào thiết bị phần cứng do đối tác cung cấp, và những thiết bị này thường có giá thành rất đắt.

Một dự án khác chúng tôi cũng đang xúc tiến là quản lý hệ thống nước sạch cho 8 tỉnh miền Bắc. Đây là một dự án do World Bank tài trợ khoảng 200 triệu USD cho Trung tâm Nước sạch Việt Nam để xây dựng các trung tâm nước sạch trên toàn khu vực miền Bắc. Vấn đề đặt ra là khi xây dựng như vậy thì các trung tâm có đạt chuẩn hay không, và trong quá trình sử dụng có vấn đề gì hay không. Hệ thống DTT phát triển sử dụng ĐTDĐ, cho phép những người hữu trách đến nơi và giám sát các trạm nước sạch ấy, báo cáo về Trung tâm Nước sạch Việt Nam (đặt tại Bộ NN&PTNT) những vấn đề như tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, người dân có phản ánh gì hay không…Trong thời gian tới, dự án dự định mở rộng tiếp ra 32 tỉnh khác. Dù dự án này chưa tận dụng hết IoT nhưng ít nhất thì việc ứng dụng công nghệ cũng giúp cho khâu quản lý các công trình nước sạch được minh bạch, rõ ràng hơn rất nhiều.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199