82. Tắt sóng truyền hình analog tại 15 tỉnh từ 1/7

Theo kế hoạch, 15 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog (tương tự mặt đất) từ ngày 1/7/2017. 7 tỉnh khu vực Nam Bộ thuộc giai đoạn 3 sẽ tắt sóng analog từ ngày 31/12/2017.

Đó là thông tin được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại hội thảo về kinh nghiệm, giải pháp triển khai số hoá truyền hình mặt đất tại Hà Nội, chiều 21/3.

Hội thảo nhằm chia sẻ những khó khăn của các Đài phát thanh truyền hình địa phương trong việc triển khai số hóa truyền hình mặt đất; làm rõ mong muốn và cam kết của các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khi tham gia thị trường dịch vụ truyền dẫn phát sóng; thông tin các định hướng chính sách của Bộ Thông tin và Truyền thông trước mắt và dài hạn.

Báo cáo tại hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, theo Quyết định 2451/QĐ-TTg, Đề án số hóa truyền hình được thực hiện theo 4 giai đoạn. Đến nay đề án số hóa truyền hình đã hoàn thành việc số hoá truyền hình của giai đoạn I, gồm 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM) và 8 tỉnh thuộc giai đoạn II (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang).

Ước tính, dân số thuộc địa bàn chuyển đổi theo giai đoạn I và một phần giai đoạn II đã chiếm gần 50% dân số cả nước.

Theo kế hoạch, 15 tỉnh còn lại của giai đoạn II sẽ tắt sóng truyền hình analog (tương tự mặt đất) từ ngày 1/7/2017. 7 tỉnh khu vực Nam Bộ thuộc giai đoạn 3 sẽ tắt sóng analog từ ngày 31/12/2017.

Tại hội thảo, đại diện các đài PTTH địa phương đã thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu-chi ngân sách hạn hẹp. Với các tỉnh có địa hình trung du, miền núi, vùng cao thì việc tiến hành phủ sóng số mặt đất bảo đảm 95% cư dân triển khai theo kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất là khó khả thi.

Do đó, để thúc đẩy việc triển khai số hóa truyền hình mặt đất hiệu quả hơn trong thời gian tới, đề nghị Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam có cơ chế hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách đầu thu vệ tinh tại các vùng mà sóng số mặt đất không phủ tới.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đánh giá, Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đến thời điểm này đã đi được một nửa chặng đường và đạt được các bước đầu rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, trước mắt, các địa phương vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cả về mặt kinh tế.

Về kinh phí truyền dẫn phát sóng các kênh thiết yếu, Thứ trưởng nêu rõ, trách nhiệm chính vẫn thuộc về các địa phương. Do kinh phí hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích có hạn nên các đài PTTH địa phương cần chủ động tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác.

“Kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng chỉ khi nào chúng ta có khả năng chuyển sang truyền hình số mặt đất phát quảng bá, chúng ta mới có thể cạnh tranh với truyền hình trả tiền, bổ sung, cung cấp nhiều kênh có các tính năng tương tác. Khi chúng ta chuyển sang số hóa truyền hình, cơ sở hạ tầng, năng lượng, chi phí khai thác, bảo hành chắc chắn sẽ thấp hơn analog”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255