103/ Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bia

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh bia đang “chạy đua” đầu tư trang, thiết bị, công nghệ, tăng sản lượng lẫn chất lượng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thị trường tiềm năng

Với mức thu nhập trung bình và nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao, Việt Nam đang dần trở thành một trong những thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhất trên thế giới. Người Việt cũng ngày càng chú trọng hơn tới chất lượng của các mặt hàng, đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn, tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất trong và ngoài nước.
Với sản lượng tiêu thụ bia năm 2016 đạt 3,8 tỷ lít, Việt Nam đã trở thành quốc gia tiêu thụ bia dẫn đầu khu vực ASEAN, đứng thứ ba ở châu Á. Tính trung bình mỗi người Việt uống khoảng 41 lít bia/năm, khiến sản lượng ngành bia Việt Nam trong 10 năm qua luôn tăng trưởng từ 5 đến 10%/ năm.

Thị trường bia Việt Nam hiện đang nằm dưới sự chi phối của các thương hiệu bia trong nước như Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Nhưng điều này có thể sẽ nhanh chóng thay đổi trước sự mở rộng liên tục của các hãng bia ngoại khi hàng loạt các “ông lớn” trong ngành bia đều tuyên bố tăng công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sự kiện Công ty Anheuser-Busch InBev (Bỉ) khánh thành nhà máy bia Budweiser có công suất 50 triệu lít/năm tại tỉnh Bình Dương vào năm 2015 và đã nâng công suất lên 100 triệu lít/ năm mới đây được đánh giá là một trong những khẳng định sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng thức uống có cồn ở Việt Nam.

Xác định Việt Nam là thị trường quan trọng bậc nhất tại khu vực Đông – Nam Á, Công ty Sapporo (Nhật Bản) sở hữu thương hiệu bia Sapporo đã không ngừng mở rộng đầu tư nhà máy cũng như mạnh tay chi cho quảng cáo thương hiệu tại Việt Nam. Mới đây, Sapporo đã nâng công suất của nhà máy bia tại tỉnh Long An từ 40 triệu lít lên 100 triệu lít/năm. Tuy nhiên, do thị phần còn khiêm tốn, Sapporo đang hướng tới việc thâu tóm (mua lại) phần lớn cổ phần tại Sabeco và Habeco để đẩy mạnh doanh số bán hàng, mở rộng mạng lưới phân phối trên cả nước.

Một trong những lý do khiến nhiều người tin rằng thị phần bia sẽ nhanh chóng nghiêng về phía các hãng bia ngoại nằm ở việc Chính phủ đã có chủ trương bán phần lớn số cổ phần của Sabeco và Habeco trong thời gian tới. Đây là hai hãng bia chiếm hơn 60% thị phần bia ở nước ta. Điều này lại càng tạo thêm động lực cho nhiều hãng bia trên thế giới muốn nhảy vào thị trường Việt Nam.

Ngay lập tức, Công ty Thai Beverage (Thái-lan) “đánh tiếng” mua phần vốn tại Sabeco với giá gần 1 tỷ USD. Hãng bia Carlsberg (Đan Mạch) cũng thể hiện tham vọng muốn mua trọn phần sở hữu của Nhà nước tại Habeco. Nguyên nhân được cho là do lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ bia tại Việt Nam được đánh giá còn nhiều cơ hội mang lại lợi nhuận khủng vì nền kinh tế đang phát triển và có cơ cấu dân số trẻ, văn hóa uống bia trong giao tiếp rất đặc thù của người Việt.

Thách thức ngay trên sân nhà

Trong những năm gần đây, sự xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu bia quốc tế tại Việt Nam đã khiến cho sự cạnh tranh trên thị trường bia ngày càng trở nên khốc liệt, đặc biệt là trong phân khúc bia cao cấp. Có thể thấy, thị trường bia Việt Nam đang trở nên chật chội hơn khi đã có hơn 30 hãng bia lớn trên thế giới góp mặt. Đến nay, bia ngoại không chỉ đơn thuần được nhập khẩu mà DN nước ngoài còn tìm đến Việt Nam để xây dựng nhà máy và sản xuất nhằm mục đích tiếp cận thị trường nội địa hiệu quả hơn và tận dụng lợi thế về chính sách thuế.

Trước sự tấn công mạnh mẽ của các thương hiệu ngoại, đương nhiên các nhà sản xuất bia “nội” không thể ngồi yên nhường thị phần cho những “kẻ mới”. Trong năm qua, để ứng phó với Anheuser-Busch InBev và Sapporo, Sabeco và Habeco đã tập trung mở rộng thị trường phân phối xuống tận các khu vực nông thôn. Hiện tại, năng lực sản xuất của Sabeco và các công ty con, công ty liên kết là khoảng 1,7 tỷ lít/năm, còn Habeco với hệ thống của mình có năng lực sản xuất hơn 900 triệu lít/năm.

Theo Tổng Giám đốc Habeco Nguyễn Hồng Linh, trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với sự góp mặt của các hãng bia lớn trên thế giới, hơn lúc nào hết đòi hỏi các DN sản xuất bia Việt Nam phải đa dạng hóa sản phẩm theo hướng cho ra đời các sản phẩm cao cấp, cận cao cấp với bao bì, mẫu mã đẹp, hiện đại và tiện ích. Hiện Habeco là một trong những DN dẫn đầu ngành sản xuất bia tại Việt Nam với sản lượng bia mỗi năm đạt gần 700 triệu lít, chiếm gần 25% sản lượng tiêu thụ nội địa của toàn hệ thống cùng gần 700 nhà phân phối chính trải rộng trên cả nước.

Trong phân khúc trung và cao cấp, sản lượng tiêu thụ của các loại bia Hà Nội tiếp tục tăng trưởng và chiếm ưu thế trên thị trường. Có được thành công đó, phần nhiều là do sự đổi mới tư duy, không ngừng sáng tạo trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường của ban lãnh đạo cũng như tập thể cán bộ, công nhân viên Habeco.

Nhìn vào thực tế của thị trường bia trong nước, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt cho rằng, trước đây bia Việt Nam gần như độc chiếm thị trường, song thời gian gần đây thị phần của các DN bia “nội” có xu hướng giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do mở cửa hội nhập, đồng thời bia ngoại phát triển mạnh do là những thương hiệu mạnh, tài chính tốt, kinh nghiệm quảng cáo và tiếp thị giỏi,…

Mặc dù có lợi thế truyền thống sử dụng bia “nội” của người tiêu dùng nhưng bia Việt cần nỗ lực nhiều hơn để nâng cao chất lượng, giá cả cạnh tranh nhằm giữ vững thị trường. Bởi cũng như ngành bán lẻ, việc mua số lượng lớn cổ phần các công ty bia nội để tham gia ngay vào thị trường là chiến lược đúng hướng mà các tập đoàn nước ngoài đang nhắm đến. Không những sở hữu được mấy chục nhà máy bia với công suất lớn với khối tài sản hấp dẫn mà các hãng bia ngoại còn nhắm đến hệ thống phân phối rộng khắp, lâu đời của các hãng bia trong nước.

Nguồn: Báo Nhân dân

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200