110/ 5 kịch bản cứu EU

Lãnh đạo 27 thành viên EU, không có Anh, sẽ có cuộc họp thượng đỉnh tại Rome nhân kỷ niệm 60 năm thành lập cộng đồng châu Âu. Điều trớ trêu là buổi lễ kỷ niệm này lại diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên đang đứng trước thử thách phải cứu vãn khối thị trường chung 500 triệu dân này.

Brexit – giọt nước tràn ly

Khách quan mà nói thì sự kiện Anh rời khỏi EU đã như một giọt nước tràn ly, làm bộc lộ những bất cập trong bộ máy cồng kềnh và tốn kém của EU cũng như những mâu thuẫn giữa các nước thành viên. Sự bất mãn của người dân trong khối đã dẫn tới khuynh hướng hoài nghi EU cũng như những phong trào đòi ly khai.

Trong nỗ lực cứu vãn sự tồn tại của khối, tại phiên họp Quốc hội châu Âu ở Brussels (Bỉ) hồi đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã công bố cuốn sách trắng đề ra năm kịch bản cho tương lai EU.

Cuốn sách trắng này là nỗ lực của EC nhằm hình thành một cuộc tranh luận rộng rãi về tương lai của khối thời kỳ hậu Brexit, và cũng nhằm tác động đến bản tuyên bố chung của các nước thành viên nhân hội nghị thượng đỉnh ngày 25-3.

Năm kịch bản được gọi lần lượt là “Tiếp tục duy trì”, “Không có gì ngoài một thị trường duy nhất”, “Ai muốn nhiều hơn thì làm nhiều hơn”, “Làm ít nhưng hiệu quả hơn” và “Làm cùng nhau nhiều hơn”.

Theo kịch bản thứ nhất “Tiếp tục duy trì” thì EU vẫn duy trì hoạt động như hiện nay nhưng sẽ có một số thay đổi nhỏ trong các chức năng. Kịch bản thứ hai “Không có gì ngoài một thị trường duy nhất” tập trung vào nhiệm vụ chính là thị trường chung của khối.

Nếu theo kịch bản này thì các doanh nghiệp trong khối sẽ phải đối mặt với tình trạng kiểm tra biên giới nhiều hơn và các thành viên EU sẽ trở lại với chính sách ngoại giao song phương. Giao dịch thương mại và hợp tác quốc phòng cũng sẽ khó khăn hơn.

Kịch bản thứ ba “Ai muốn nhiều hơn thì làm nhiều hơn” là một EU “nhiều tốc độ” dựa trên việc liên minh giữa các nước trong các lĩnh vực cụ thể như quốc phòng, an ninh nội bộ, thuế hoặc các vấn đề xã hội.

EC phỏng đoán rằng theo kịch bản này thì tất cả 27 thành viên đều phát triển trên một thị trường duy nhất, tuy sẽ dẫn đến sự khác biệt về quyền công dân và công tác quản trị khu vực đồng euro có thể không được hoàn thành.

Kịch bản thứ tư “Làm ít nhưng hiệu quả hơn”. “Làm ít” ở đây có nghĩa là “cùng nhau giải quyết tốt hơn những vấn đề ưu tiên”, tùy thuộc vào các nước trong khối thống nhất với nhau về các lĩnh vực mà họ muốn hợp tác hiệu quả hơn.

Kịch bản ưu thế

Kịch bản thứ năm “Làm cùng nhau nhiều hơn” là 27 nước EU sẽ sát cánh với nhau nhiều hơn trong mọi lĩnh vực. EU sẽ có được nhiều tài nguyên hơn, chẳng hạn như có khả năng tăng doanh thu thông qua thuế… EC thiên về kịch bản này trong việc quản trị khu vực đồng euro.

Theo kịch bản này thì EU sẽ có quyền hạn để nói thay cho cả châu Âu về thương mại và chính sách đối ngoại, có được vai trò lãnh đạo toàn cầu trong chống biến đổi khí hậu và các vấn đề nhân đạo.

Tuy Brussels sẽ có những quyết định “nhanh hơn và lớn hơn”, nhưng EC cũng thừa nhận là kịch bản này có nguy cơ bị một số nước cho rằng “EU thiếu tính hợp pháp”.

Ông Juncker khẳng định không thiên về một kịch bản nào, mục đích của EC là “lắng nghe ý kiến của các nhà hoạt động chính trị, nhân dân và cả thiểu số ít quan tâm đến những cuộc thảo luận về EU”.

Giới quan sát cho rằng Brussels thiên về kịch bản thứ năm. Vấn đề là liệu EU có thể tiến lên với những tốc độ khác nhau cho từng thành viên, vì các nước rất khác nhau về nhân lực, vật lực?

Tổ chức tư vấn tự do Open Europe thì cho rằng những chính phủ hoài nghi EU như Hungary và Ba Lan sẽ phản đối một mô hình chung vì họ coi đó là cách để các quốc gia chủ chốt và thân EU tạo thành một khuôn mẫu mà các quốc gia khác cuối cùng sẽ phải theo.

Trước những ý kiến trái chiều về cuốn sách trắng, Chủ tịch Jean-Claude Juncker nói rằng nếu như EU được ví như một con bệnh thì chỉ có một phương thuốc hữu hiệu để chữa trị là “quyết tâm cứu vãn liên minh của những người dân trong khối”.

Vào ngày 25-3-1957, lãnh đạo sáu nước Bỉ, Pháp, Ý, Luxembourg, Hà Lan, CHLB Đức đã ký kết Thỏa ước Rome về việc thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), mà cùng với Thỏa ước Maastricht là hai thỏa ước quan trọng nhất dẫn tới việc hình thành khối EU ngày nay.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200