Tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương (Hà Nội)

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn về việc chủ trương lập quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ và phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội thông qua ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND TP Hà Nội chủ trì lập Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chùa Tây Phương là ngôi chùa có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Đặc biệt, đây là một di tích tiêu biểu nhất về mặt kiến trúc, điêu khắc và tạc tượng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 18. Năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Năm 2014, chùa Tây Phương nằm trong danh sách được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 2015, Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Tây Phương được tổ chức hàng năm từ ngày mùng 5 đến mùng 7/3 âm lịch./.

Nghệ thuật bài chòi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa, vào hồi 17 giờ 10 phút giờ địa phương (15 giờ 10 phút giờ Việt Nam) ngày 7/12 tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bài chòi là nghệ thuật trình diễn phổ biến ở khu vực Trung Bộ, từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Bài chòi kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, với hai hình thức chính là chơi bài chòi và trình diễn bài chòi.

Nghệ thuật bài chòi thường được lưu giữ và thực hành bởi các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn bài chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài. Ngày xưa, bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò giảng dạy bài bản và các kỹ năng ca hát, trình diễn cũng như cách làm thẻ bài cho các thế hệ sau này qua hình thức truyền miệng.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam đáp ứng những tiêu chí như một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng, là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân.

Việc ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi khuyến khích đối thoại, tăng mối liên kết giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật….

Hồ sơ đã mô tả chi tiết, rõ ràng những nỗ lực trong quá khứ và hiện tại để bảo vệ di sản và đảm bảo sự tồn tại của các cộng đồng, các nhóm người và các câu lạc bộ với sự hỗ trợ của Chính phủ. Cộng đồng tích cực đóng góp ý tưởng cho việc sưu tầm và tư liệu hóa di sản, điền vào các mẫu kiểm kê và tham gia vào tất cả các công đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử.

Nghệ thuật bài chòi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia trong giai đoạn 2014-2016, được kiểm kê và cập nhật hằng năm…

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201