Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hình thái xã hội 5.0 – Chủ đề thảo luận tại Hội nghị các Bộ trưởng khoa học và công nghệ tại Nhật Bản

Trong các ngày từ 01-03/10/2017, Diễn đàn quốc tế thường niên lần thứ 14 về Khoa học và Công nghệ với Xã hội (STS Forum 2017) đã được tổ chức tại thành phố Kyoto, Nhật Bản. Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản Shinzo Abe, Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Arkady Dvorkovich đã tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn. Đây là sự kiện quốc tế thu hút sự quan tâm của đông đảo giới hàn lâm, công nghiệp và Chính phủ các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Hội nghị bàn tròn các Bộ trưởng khoa học và công nghệ lần thứ 14 với chủ đề “Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hình thái xã hội tương lai – Xã hội 5.0  lấy con người làm trung tâm” đã được tổ chức với sự tham dự của đại diện 31 quốc gia và 7 nước quan sát viên.

Khái niệm “Xã hội 5.0” do Nhật Bản khởi xướng và lần đầu xuất hiện tại Kế hoạch cơ bản lần thứ năm về phát triển khoa học và công nghệ của nước này. “Xã hội 5.0” (Society 5.0) là hình thái xã hội tiên tiến lấy con người làm trung tâm, nơi không gian ảo và thực được tích hợp và  hiện thực hóa thông qua ứng dụng tiến bộ của các công nghệ mà Nhật Bản có thế mạnh như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ robot và dữ liệu lớn. Đó là hình thái xã hội siêu thông minh khi hàng hóa và dịch vụ đến với mọi người vào bất kỳ thời điểm, bất kỳ vị trí địa lý nào không phân biệt khu vực, tuổi tác, giới tính, ngôn ngữ hay các rào cản khác nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng đồng thời vẫn giải quyết được các thách thức xã hội. Mục tiêu của Xã hội 5.0 thực chất hướng tới sự trường thọ của con người, sống lâu – sống khỏe (long life – healthy life), với một hệ thống phúc lợi xã hội hiệu suất cao dựa trên nền tảng công nghệ siêu thông minh.

Quá trình tiến tới Xã hội 5.0 dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ được xem là thách thức chung của cả các quốc gia phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, viễn cảnh xã hội tương lai của mỗi nước phụ thuộc vào nhu cầu và thực tế bối cảnh kinh tế – xã hội của từng nước. Do vậy, các quốc gia không những cần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) mà còn cần tăng cường hoạt động truyền bá và đẩy mạnh ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ nhằm xây dựng một xã hội tương lai đủ năng lực giải quyết được các vấn đề khác nhau của quốc gia mình. Bên cạnh đó, để cùng chia sẻ lợi ích của khoa học và công nghệ thế giới, mỗi quốc gia cần tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các nỗ lực hợp tác quốc tế trên toàn cầu.

Tại Hội nghị bàn tròn các Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ lần thứ 14, các quốc gia đã thảo luận về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hình thái xã hội tương lai, các thách thức xã hội mà quốc gia mình phải đối mặt và giải pháp vượt qua thách thức. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh đã đại diện đoàn Việt Nam phát biểu về các cơ hội, thách thức và giải pháp ứng phó của Việt Nam trước các tác động của làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và  Xã hội 5.0. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Cần tăng cường hợp tác và đối thoại quốc tế nhằm đảm bảo rằng chúng ta sẽ chia sẻ được lợi ích và tránh được các rủi ro mà công nghệ số và tự động hóa mang lại. Cuối cùng, chúng ta nên nhớ một điều cơ bản: con người luôn là chủ thể, là nguồn gốc và là mục tiêu duy nhất của mọi sự phát triển công nghệ”./.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201