111/ FDI với thị trường và đối tác
Trong 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã tiếp nhận vốn đầu tư của các doanh nghiệp trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thông qua kênh FDI, không những trên 160 tỷ USD vốn đầu tư quốc tế đã chảy vào các tỉnh, thành phố, hình thành gần 20.000 doanh nghiệp FDI, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, mà còn tác động tích cực đến việc giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau thông qua quá trình hợp tác cùng có lợi giữa người Việt Nam với nhiều dân tộc trên thế giới.
Châu Á là thị trường thu hút FDI hàng đầu, chiếm trên 70% tổng vốn FDI tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Singapore chiếm 80% vốn FDI đăng ký của châu Á.
Tính đến cuối năm 2016, Hàn Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 52 tỷ USD. FDI của Hàn Quốc tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây do liên tiếp có các dự án hàng tỷ USD của nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào công nghệ cao để tận dụng ưu đãi về thuế, đất đai và nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhưng tiền công chỉ khoảng 1/3 của Hàn Quốc. Với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, sự ổn định kinh tế, xã hội, điều kiện làm việc và sinh sống tại Việt Nam ngày càng được cải thiện, Việt Nam đã đón hàng vạn người Hàn Quốc đến lập nghiệp khá thành công.
Các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam vào đầu thời kỳ đổi mới và hội nhập. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy, hóa chất, khách sạn, hạ tầng khu công nghiệp từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX và tiếp tục mở rộng đầu tư vào nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế như lọc hóa dầu, siêu thị, logistic. Gần đây, khi Việt Nam chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đã đến đầu tư khá thành công ở nhiều địa phương. Nhật Bản có vốn đầu tư đăng ký gần 40 tỷ USD.
Doanh nghiệp Đài Loan tiến hành nhiều dự án đầu tư vào công nghiệp thực phẩm, xe máy, cơ khí chế tạo, hạ tầng khu công nghiệp, điển hình là Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Liên hợp sắt thép tại Hà Tĩnh; đang đứng trong tốp đầu của các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với gần 34 tỷ USD vốn đăng ký.
Hồng Kông đầu tư tại Việt Nam hàng trăm dự án quy mô nhỏ và trung bình vào may mặc, công nghiệp chế tạo, khách sạn, văn phòng cho thuê và dịch vụ, với vốn đăng ký đạt 17,2 tỷ USD.
Trung Quốc đã tăng nhanh vốn đầu tư tại Việt Nam trong những năm gần đây, đạt trên 12 tỷ USD vốn đăng ký, tập trung vào sản xuất, phân phối điện, khí, nước và bất động sản. Một số dự án lớn như Nhà máy Điện than Vĩnh Tân 1 vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Bình Thuận, dự án xây dựng các nhà máy sợi, dệt may tại các tỉnh phía Bắc có quy mô hơn 1 tỷ USD. Trung Quốc chủ trương tăng cường đầu tư ra nước ngoài, nên có thể từ vị trí thứ 9 hiện nay trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong những năm sắp đến.
ASEAN có 7 nước đã đầu tư vào Việt Nam, nhưng chỉ Singapore, Malaysia và Thái Lan là đáng kể. Singapore có vốn đăng ký trên 37,5 tỷ USD tại Việt Nam, đầu tư vào ngành chế tạo, khách sạn, cảng biển, bất động sản, đồ uống. Singapore đã hợp tác rất có hiệu quả với Việt Nam thành lập các khu công nghiệp VSIP bắt đầu ở Bình Dương, đến nay đã mở rộng ra nhiều địa phương. Nhiều nhà đầu tư từ Singapore là chi nhánh công ty xuyên quốc gia (TNCs) của nước khác
Malaysia đã đầu tư tại Việt Nam với vốn đăng ký trên 14 tỷ USD tập trung vào sản xuất và phân phối điện, khí đốt và điều hòa không khí, lớn nhất là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 vốn đầu tư 2,4 tỷ USD.
Thái Lan đạt 8,4 tỷ USD vốn đăng ký tại Việt Nam, đầu tư vào chế tạo, hóa chất, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, chế biến thức ăn gia súc, chăn nuôi và bán lẻ. Hai năm gần đây, một số tập đoàn Thái Lan đã mua lại siêu thị lớn làm gia tăng thị phần của hàng hóa nước này trên thị trường Việt Nam.
FDI của các tập đoàn kinh tế lớn đã gia tăng nhanh chóng trong mười năm gần đây, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập WTO, tiềm lực kinh tế khá hơn, cơ sở hạ tầng được xây dựng tốt hơn.
Đầu tư của Mỹ và EU vào Việt Nam còn ít so với FDI của họ trên thế giới và vào các nước ASEAN. Mỹ – cường quốc kinh tế số 1 và là nhà đầu tư lớn nhất thế giới chỉ có gần 12 tỷ USD vốn đăng ký tại Việt Nam, chưa đạt được kỳ vọng của cả hai bên khi quan hệ giữa hai nước đã được bình thường hóa gần 1/4 thế kỷ, kim ngạch thương mại từ khi Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt Nam – Hoa Kỳ có hiệu lực năm 2001 đã tăng rất nhanh, quan hệ chính trị cũng đang phát triển tích cực.
Trong số 24/28 nước EU đã đầu tư vào Việt Nam 24 tỷ USD vốn đăng ký thì Hà Lan, Anh, Pháp, Luxembourg và Đức chiếm tới 84,3%. Nhiều tập đoàn lớn của EU đã có mặt tại Việt Nam từ cách đây gần 30 năm để thăm dò, khai thác dầu khí, tiếp đó đầu tư vào ngành ô tô, xe máy, thực phẩm, bất động sản và siêu thị. Mặc dù quan hệ giữa Việt Nam với EU về kinh tế, thương mại và chính trị tiến triển thuận lợi, nhưng FDI của EU tại Việt Nam còn quá khiêm tốn.
FDI tại Việt Nam phần lớn do các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thực hiện, vốn đầu tư trung bình mỗi dự án trong 15 năm đầu dưới 10 triệu USD, tính chung 30 năm khoảng 15 triệu USD. Ưu thế của DNNVV là năng động, linh hoạt, đầu tư theo “bầy đàn”, khi doanh nghiệp đã kinh doanh có hiệu quả ở một địa phương thì lôi kéo bạn bè, bà con đến đó lập nghiệp. Một số DNNVV gắn với TNCs để làm công nghiệp hỗ trợ do có quan hệ truyền thống, tin cậy tại nước họ.
Tuy vậy, FDI của DNNVV có nhiều hạn chế, do vốn tự có không nhiều, nên dự án đầu tư muốn được triển khai lại phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, vì thế thường mất nhiều thời gian để thực hiện. Trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, kinh doanh khó khăn, thua lỗ thì DNNVV dễ ngừng hoạt động, thậm chí phá sản, không thể triển khai dự án mới do không sắp xếp được các khoản vay. Trong những năm gần đây, đã có hàng trăm chủ doanh nghiệp bỏ về nước, để lại công ty, nhà máy tại nhiều địa phương mà không làm thủ tục phá sản hoặc thanh lý, không thanh toán tiền công cho người lao động, không trả nợ cho ngân hàng, lãng phí đất đai.
Trên thế giới, FDI chủ yếu là hoạt động của TNCs. Quá trình biến đổi từ nền kinh tế lạc hậu thành tiền tiến, rút ngắn thời gian công nghiệp hóa để một số quốc gia tạo nên “Sự thần kỳ Đông Á” có nguyên nhân quan trọng là tiếp nhận vốn đầu tư và công nghệ từ TNCs hàng đầu thế giới, tăng thêm nội lực, biến công nghệ nước ngoài thành công nghệ trong nước nhờ nghiên cứu và phát triển (R&D).
FDI của các tập đoàn kinh tế lớn đã gia tăng nhanh chóng trong mười năm gần đây, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập WTO, tiềm lực kinh tế khá hơn, cơ sở hạ tầng được xây dựng tốt hơn.
Trong thăm dò và khai thác dầu khí có BP, BHP, Total, Mitsubishi; sản xuất ô tô có Toyota, Honda, Ford, Hyundai, Kia, Mercedes – Benz, Daewoo; sản xuất xe máy có Honda, Yamaha, Sym, Suzuki; công nghệ tin học có IBM, Intel, Samsung, Nokia, LG; nhiều tên tuổi lớn về khách sạn đã kinh doanh tại nước ta như Inter Contidential, Hyatt, Sheraton, Marriot, Sofitel, Metropole; các hãng đồ uống hàng đầu thế giới như Coca-cola, PepsiCo, Tiger, Carlsberg…
Samsung là tập đoàn nước ngoài đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam với vốn đăng ký 15 tỷ USD, phần lớn đã thực hiện. Do đó, Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của Tập đoàn để cung ứng smartphone, máy tính bảng, điện tử gia dụng cho thị trường thế giới, kéo theo hàng trăm nhà đầu tư vệ tinh.
Dự án nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam sắp được đưa vào vận hành có vốn đầu tư 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn/ năm là liên doanh gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Dầu hỏa Kuwait quốc tế, Công ty Idemitsu và Công ty hóa chất Mitsui.
Fomosa là tập đoàn lớn nhất Đài Loan vào Việt Nam từ giữa thập niên 90, đã hoàn thành xây dựng Khu liên hợp sắt thép quy mô lớn với cảng biển nước sâu có vốn đầu tư 9 tỷ USD.
LG với khoản đầu tư 3 tỷ USD xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất màn hình OLED dành cho các thiết bị di động.
Lotte sau khi hình thành chuỗi siêu thị Lotte Mart, đã mua lại Diamond Plaza, xây dựng Lotte Center Hà Nội và đang cùng các đối tác theo đuổi Dự án Thành phố thông minh, vốn đầu tư 2 tỷ USD tại TP.HCM.
Một số tập đoàn kinh tế lớn đã xây dựng trung tâm R&D tại Hà Nội, TP.HCM để tận dụng lợi thế của Việt Nam về chất xám của thế hệ trẻ.
Tuy vậy, so với một số quốc gia ASEAN như Thái Lan, Singapore, thì đầu tư của TNCs từ các nước G7 vào Việt Nam còn chưa nhiều, mặc dù từ năm 2007, khi tổng kết 20 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã chủ trương coi trọng tiếp nhận vốn đầu tư của TNCs công nghệ cao và dịch vụ hiện đại.
Từ năm 2002, Trung Quốc đã trở thành quốc gia hàng đầu về thu hút FDI. Đến nay, đã có 400 TNCs trong số 500 TNCs lớn nhất đã kinh doanh tại nước này. Không chỉ đầu tư, thương mại, nhiều tập đoàn còn chuyển đại bản doanh đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.
GS – TSKH Nguyễn Mại
Nguồn: http://baodautu.vn/
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199