130/ Hướng đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EFTA

Ngày 29/3 tại Hà Nội, Chủ tịch Thượng viện Thụy Sĩ cho biết, Thụy Sỹ luôn ủng hộ các bên tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA), hướng đến một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao, có tính đến lợi ích của nhau.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) Thụy Sĩ Ivo Bischofberger thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28 tới 31/3. Trong cuộc hội đàm sáng 29/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Thụy Sỹ là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2015.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn Thụy Sỹ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch, nhà hàng-khách sạn.

Chủ tịch Thượng viện Thụy Sĩ Ivo Bischofberger cho biết, chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các cơ quan lập pháp hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Thụy Sỹ và Việt Nam.

Khẳng định Thụy Sĩ rất quan tâm hợp tác song phương với Việt Nam, ông Ivo Bischofberger cho biết, ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Thụy Sĩ đã sát cánh với Việt Nam. Là 1 trong 4 nước trong EFTA, Thụy Sĩ luôn ủng hộ các bên tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -  EFTA, hướng đến một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao, có tính đến lợi ích của nhau, để sau khi ký kết, hiệp định này sẽ tạo hành lang pháp lý, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp các bên tham gia. Chủ tịch Ivo Bischofberger nhấn mạnh, các doanh nghiệp Thụy Sỹ rất quan tâm đầu tư tại Việt Nam.

Khẳng định hợp tác nghị viện là một trong những kênh hợp tác hiệu quả trong quan hệ Việt Nam – Thụy Sĩ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Ivo Bischofberger nhất trí tăng cường hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, các ủy ban, nhóm nghị sĩ hữu nghị để trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện, làm cơ sở phát triển quan hệ sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Ngoài ra, Việt Nam mong muốn Thụy Sĩ trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trong công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hỗ trợ đào tạo nghề

Cảm ơn Nghị viện và Chính phủ Thụy Sĩ đã cam kết viện trợ 90 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam giai đoạn 2017-2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ xây dựng các dự án để sử dụng nguồn ODA này một cách hiệu quả và kịp thời.

Hai bên nhất trí rằng, thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề có kết nối với các doanh nghiệp Thụy Sỹ đang đầu tư tại Việt Nam.

Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, gắn nghiên cứu khoa học – công nghệ với đào tạo tại các trường đại học, trung tâm nghiên cứu; tăng số học bổng, tạo điều kiện cho nhiều sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu, học tập trong các ngành luật, ngân hàng, kỹ thuật cao, du lịch… Thụy Sĩ khẳng định sẽ tổ chức các khóa đào tạo nghề cho Việt Nam.

Nguồn: Báo Tiền Phong

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199