131/ Doanh nghiệp muốn chuyển giao công nghệ nông nghiệp từ Thụy Sỹ

Tại buổi làm việc với một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản hôm nay, 30-3, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho hay, ngành nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều thách thức như ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, cạnh tranh gay gắt trong quá trình hội nhập… nhưng khó khăn lớn nhất lại đến từ khâu chế biến, thương mại, tổ chức sản xuất và xây dựng thương hiệu.

“10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay mới chỉ xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế đơn giản”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và cho biết thêm, tại Hưng Yên và Bắc Giang có hai loại quả là nhãn và vải thiều có giá trị xuất khẩu mỗi năm khoảng 2.000-5.000 tỉ đồng nhưng hai quả này chỉ chín trong vòng 1 tháng. Chính vì vậy nhiều lúc vào chính vụ xảy ra tình trạng bán tống bán tháo, trong khi nếu chế biến sau thu hoạch thì có thể để được cả năm.

Dù hiện nay quả vải đã thử áp dụng các công nghệ bảo quản của Israel hay Nhật Bản, quả vải có thể để được cả năm nhưng khi ăn mùi vị rất khác, khó ăn, lạnh và vỏ vải thiều bị thâm. “Tôi mong muốn tìm kiếm công nghệ bảo quản quả vải để vẫn giữ được hương vị, dù chỉ cần 15 ngày thôi cũng tốt rồi. Đồng thời Bắc Giang cũng muốn tìm kiếm công nghệ bóc tách quả vải, sấy khô và ép nước”, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods từ Nghệ An cho hay, ngành rau củ quả đóng góp khoảng 2 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu trong năm 2016 và dư địa có thể đạt khoảng 10 tỉ đô la Mỹ nếu đầu tư đúng mức, đặc biệt đối với cây chanh leo là cây có lợi thế trồng ở Việt Nam và thị trường nhập khẩu tiêu thụ rất lớn. Hiện nay Thụy Sĩ là khách hàng chiếm tới 70% thị phần xuất khẩu của Nafoods. Do đó, công ty này mong muốn tìm hiểu công nghệ của Thụy Sĩ để đầu tư thiết bị đóng gói chanh leo tươi.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva cho hay, các doanh nghiệp Thụy Sĩ rất quan tâm tới thị trường nông nghiệp Việt Nam và họ sẵn sàng đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Hơn nữa, họ không chỉ bán sản phẩm mà còn chuyển giao công nghệ và điều chỉnh công nghệ dựa theo nhu cầu của khách hàng.

Ví dụ các công ty của Thụy Sĩ có thể hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam như Công ty Buhler chuyên sản xuất các máy móc cơ khí, chế biến ngũ cốc, gạo cà phê; Công ty Bucher chuyên sản xuất, chế tạo thiết bị chế biến các loại nông sản, chiết xuất dược liệu để làm rượu, ép trái cây; Công ty Tetra Pak sản xuất dây chuyền chế biến thực phẩm, dây chuyền sản xuất bao bì máy nghiền phụ phẩm nông nghiệp, đóng gói chế biến, dịch vụ; Công ty Swisslog cung cấp dây chuyền kho lạnh… Đây thường là các tập đoàn gia đình, có những tập đoàn có tuổi đời lên tới 200 năm. Ngoài ra, các công ty Việt Nam có thể liên kết với các viện nông nghiệp để chuyển giao công nghệ sản xuất.

Sau khi nghe nhu cầu của doanh nghiệp và lãnh đạo các địa phương, ông Dũng cho biết sẽ tiếp tục tìm hiểu các công ty Thụy Sĩ có các sản phẩm cung cấp phù hợp với điều kiện và yêu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn: Kinh tế Sài Gòn

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199