186/ Hợp chuẩn – yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối tác nhập khẩu, các doanh nghiệp (DN) thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam phải thực hiện nghiêm những yêu cầu hợp chuẩn về sức khỏe, an toàn, môi trường… mà đối tác đưa ra. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện hợp chuẩn của nhiều DN TCMN vẫn còn hạn chế bởi vướng rào cản luật pháp cũng như chi phí để duy trì hợp chuẩn.
Đối tác nhập khẩu yêu cầu cao về hợp chuẩn
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm hợp chuẩn cho ngành TCMN”, diễn ra ngày 11/4, ông Filip Graovac, Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á – cho biết, thời gian qua Quỹ châu Á đã cùng với VietCraft tiến hành khảo sát nhu cầu của 100 nhà nhập khẩu quốc tế và 356 DN xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam. Theo đó, tất cả các nhà nhập khẩu đều yêu cầu DN xuất khẩu phải đáp ứng được các tiêu chuẩn ngành về sức khỏe, an toàn, đồng thời ngày càng đề cao các tiêu chuẩn liên quan đến lao động và môi trường. Những tiêu chuẩn này là áp lực lớn đối với các DN xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam khi vừa phải đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu, vừa phải giữ giá thành thấp.
Liên quan đến thực trạng hợp chuẩn của các DN TCMN Việt Nam, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch VietCraft – cho biết, theo khảo sát của VietCraft, 73% DN hiểu về các quy định hợp chuẩn, trong đó 94% DN ở phía Nam và phía Bắc, miền Trung chỉ có khoảng 52%. Hầu hết DN (gần 50%) biết các quy định hợp chuẩn từ khách hàng, số còn lại biết từ các DN khác và thông qua các khóa đào tạo.
Với những thách thức kể trên, Quỹ châu Á đã tiến hành dự án “Hợp chuẩn cho ngành TCMN Việt Nam” do Chính phủ Úc tài trợ nhằm nâng cao năng lực cho Hiệp hội hàng TCMN Việt Nam, nâng cao tiêu chuẩn ngành và khuyến khích việc áp dụng những tiêu chuẩn này.
Mục tiêu dự án được thực hiện thông qua một loạt các hoạt động từ nghiên cứu tiêu chuẩn ngành đến xây dựng cẩm nang hợp chuẩn tập trung vào đồ gốm, sơn mài, và mây tre đan; hỗ trợ các DN TCMN xây dựng kế hoạch phát triển bao gồm thiết kế và tiếp thị/xây dựng thương hiệu; đồng thời vận động chính sách hướng tới hợp chuẩn trong nhiều lĩnh vực sản phẩm TCMN khác.
Trong suốt thời gian triển khai, trang web dự án www.hopchuanvietcraft.vn thường xuyên được cập nhật các thông tin/điều luật liên quan đến điều kiện làm việc, thủ tục xuất nhập khẩu, hướng dẫn tiếp cận các thị trường quốc tế khác nhau. Sau khoảng 1 năm hoạt động, trang web đã thu hút được hơn 18.000 lượt xem với hơn 54.000 lượt tải dữ liệu và nhiều phản hồi tích cực về tính hữu ích của trang web từ cả DN trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, cuốn cẩm nang hợp chuẩn do dự án xây dựng cũng nhận được không ít lời khen ngợi từ các DN xuất khẩu. Tuy nhiên số lượng tiêu chuẩn quốc tế liên tục tăng lên, cộng thêm số tiêu chuẩn vốn đã rất dài và phức tạp đang tồn tại, đã và đang gây không ít khó khăn cho các DN vừa và nhỏ trong việc chuẩn đoán khả năng hợp chuẩn của mình cũng như xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng hợp chuẩn. Do đó, Quỹ châu Á đã quyết định hỗ trợ VietCraft số hóa các tiêu chuẩn quốc tế thành bộ công cụ trực tuyến chuẩn đoán hợp chuẩn. Bộ công cụ này cho phép các DN TCMN Việt Nam có thể truy cập trực tuyến và chuẩn đoán khả năng hợp chuẩn của mình, đồng thời giúp họ có cơ hội kết nối trao đổi nhận tư vấn từ các chuyên gia dự án.
Nhiều vướng mắc khi triển khai hợp chuẩn cho DN
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song, ông Lê Bá Ngọc cho biết, hiện nay việc triển khai áp dụng hợp chuẩn của các DN Việt Nam vẫn đang gặp không ít khó khăn liên quan đến pháp luật và năng lực của DN Việt.
Về luật pháp, hiện hệ thống luật pháp Việt Nam chưa hoàn thiện, không đồng bộ và nằm rải rác. Nhiều mục khách hàng yêu cầu không có trong luật pháp Việt Nam; việc thực thi luật của các cơ quan thực thi còn kém; sản xuất hàng còn phụ thuộc nhiều vào làng nghề nên rất khó trong việc quản lý sản xuất và đáp ứng yêu cầu hợp chuẩn.
Về phía DN, hầu hết gặp khó khăn trong việc bố trí nhân sự phụ trách hợp chuẩn, các chi phí duy trì hợp chuẩn còn cao và đơn hàng của nhà nhập khẩu chưa đồng đều liên tục….
Để việc hợp chuẩn được triển khai đồng bộ, VietCraft đã đưa ra một số giải pháp khắc phục như: liên kết với các cá nhân, tổ chức đánh giá hợp chuẩn để tư vấn hỗ trợ DN xây dựng tài liệu và hồ sơ. Liên kết nhà cung cấp để có thể sử dụng 1 chứng chỉ của 1 nhà cung cấp xuất ủy thác cho nhiều nhà cung cấp. Thúc đẩy xúc tiến thương mại, ưu tiên các nhà máy hợp chuẩn cho khách hàng, tăng doanh số, giảm chi phí hợp chuẩn phân bổ và tăng hứng thú cho các nhà cung cấp.
Nguồn: Báo Công Thương
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199