44/ Xuất khẩu tăng mạnh nhờ các FTA

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy việc hội nhập quốc tế và triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua giúp hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng và liên tục được mở rộng qua các năm. Ngoài thị trường truyền thống như Mỹ, EU, xuất khẩu sang khu vực ASEAN, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ… đã tăng mạnh sau khi FTA được ký kết.

Tăng trưởng 2 con số

Số liệu mới nhất do Bộ Công Thương tổng hợp, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 đạt 13 tỉ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ, nâng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên 27,3 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, cho biết việc tham gia hội nhập, cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giúp tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam từ sau năm 2000 đến nay tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu tăng từ 14,5 tỉ USD năm 2000 lên 39,8 tỉ USD năm 2006, tăng bình quân 18,4%/năm. Trong giai đoạn từ 2000-2016, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức 2 con số, quy mô thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD cũng liên tục mở rộng.

Nếu năm 2010, Việt Nam xếp thứ 39 thế giới về xuất khẩu thì năm 2013 đã vươn lên vị trí 34 và trong khối ASEAN, Việt Nam xếp thứ 5 cả về xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Các mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh qua các năm nhờ FTA gồm dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm đồ gỗ, thủy sản…

Đồng thời, việc tham gia các FTA có tác động tích cực đến việc mở rộng thị phần của Việt Nam trên các thị trường có liên quan, thể hiện rõ nhất tại các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản. Thực tế, thị phần của hàng Việt Nam ở những thị trường này đã tăng mạnh và giữ được mức tăng ổn định ngay sau khi FTA có hiệu lực.

Có điều, cấu trúc hàng hóa xuất khẩu chưa thật sự có bước đột phá đặc biệt sau khi một số FTA được ký do xuất khẩu của nước ta chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên (dầu thô, than đá), nông sản chế biến thô (thủy sản, gạo, hạt tiêu, cao su, chè, sắn, tiêu, điều…) và mặt hàng sử dụng nhiều lao động (dệt may, giày dép, các sản phẩm gỗ, túi xách, ví, vali, mũ, ô dù). Phải đến gần đây, theo ông Trần Thanh Hải, ngày càng có nhiều hàng hóa của Việt Nam có giá trị gia tăng cao được xuất khẩu sang thị trường đã ký FTA (Ấn Độ, Hàn Quốc…) như điện thoại di động, máy vi tính, điện tử và linh kiện, sản phẩm hóa chất, sản phẩm từ chất dẻo…

Chưa tận dụng hết ưu đãi

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tham gia các FTA giúp doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế nhưng nhiều DN vẫn chưa tận dụng hết ưu đãi. Cụ thể, nhiều DN không biết tới sự tồn tại của các ưu đãi, chưa hiểu hoặc chưa thực sự quan tâm đến ưu đãi thuế quan. Một số DN ngần ngại về tính phức tạp của quy tắc xuất xứ theo các FTA phải tuân thủ. Trong khi đó, một số mặt hàng được xóa bỏ thuế quan theo cam kết nhưng đáp ứng quy tắc xuất xứ rất khó nên không tận dụng được ưu đãi thuế.

Bộ Công Thương cho biết tỉ lệ xuất khẩu hàng hóa sang các nước sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi trong các FTA tăng dần qua các năm nhưng vẫn tương đối thấp. Chỉ riêng Hàn Quốc là thị trường được DN tận dụng nhiều nhất trên 40% khi FTA Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực, trong khi các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật chỉ ở mức trên 30%…

Trong khi đó, thách thức đến từ nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước do tác động từ các FTA lại không nhỏ. Đặc biệt từ năm 2015, khi FTA với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc có các cam kết bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu, có thời điểm xóa bỏ thuế quan cuối cùng vào năm 2018. Khi đó, những ngành chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan cao và rộng bao gồm: ô tô, xe máy, ngành điện tử, sản phẩm nhựa, phôi thép, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bánh kẹo, chăn nuôi…

Như mặt hàng ô tô, cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu ô tô sẽ về 0% năm 2018 và với thị trường Trung Quốc thuế nhập khẩu sẽ về 50% vào năm 2020. Lúc này, chỉ tính riêng trong khu vực ASEAN, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia đã có ngành ô tô rất phát triển là thách thức rất lớn đối với ngành sản xuất ô tô trong nước. Khả năng nhập khẩu các mặt hàng ô tô và linh kiện sẽ tăng trong các năm tới đây.

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích từ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập chính thức cuối năm 2015, Việt Nam đã trở thành thị trường lớn được các DN, nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật, Trung Quốc “nhảy vào” khai thác. Họ có ưu thế là gắn với những ưu đãi từ các FTA và hàng hóa nhập khẩu bằng 0% đã đặt ra bài toán không nhỏ cho hàng hóa Việt trên sân nhà và cạnh tranh của DN nội địa.

Theo nhiều chuyên gia, các cam kết cắt giảm thuế trong các FTA đã ký sẽ là cơ sở thuận lợi cho Việt Nam trong việc đàm phán với các nước có cơ cấu kinh tế bổ sung với nước ta như Nhật, EU, Mỹ… góp phần thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao hiệu quả hội nhập. Bởi dù cấu trúc hàng hóa xuất khẩu chưa thực sự có bước đột phá đặc biệt nhưng bước đầu đã có sự dịch chuyển tích cực trong cơ cấu xuất khẩu với các mặt hàng chế biến cao và đòi hỏi trình độ công nghệ cao hơn. Đây cũng là tiền đề giúp Việt Nam có bước chuyển biến mạnh hơn trong việc chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu khi tham gia các FTA thế hệ mới.

Nguồn: Người lao động

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199