5/ Chấp nhận thương mại công bằng – “hồ sơ đẹp” cho hàng hóa vào EU

Chứng nhận thương mại công bằng sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam dễ dàng xâm nhập vào thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, đồng thời cũng là cơ hội để một số nhóm mặt hàng tiếp cận thị trường EU dễ hơn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực

Số lượng còn khiêm tốn

Thương mại công bằng là một phong trào quốc tế áp dụng nguyên tắc bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh, tôn trọng môi trường sống bền vững. Đây là một chứng nhận quốc tế do Tổ chức nhãn hiệu thương mại công bằng quốc tế điều phối.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), chương trình thương mại công bằng là một chuỗi khép kín từ nhà XK, nhà NK, DN chế biến, phân phối đến tay người tiêu dùng với các tiêu chuẩn rất chặt chẽ. Để tham gia chương trình này, DN hay các hợp tác xã phải đóng phí cho các tổ chức nước ngoài và được chứng nhận. Hằng năm, các tổ chức này đều cử người sang tận nơi để kiểm tra, nếu DN vi phạm sẽ bị dừng cấp chứng nhận.

Để được cấp chứng nhận, sản phẩm của DN phải được sản xuất theo nguyên tắc thân thiện môi trường, phát triển bền vững và phải đảm bảo không có sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các nhà sản xuất và người lao động.

Hiện nay, chứng nhận này đã được trao cho DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cà phê, chè, thủ công mỹ nghệ. Song số lượng DN đạt được chứng nhận này hiện còn khá kiêm tốn. Công ty cà phê Nguyễn Huy Hùng (tỉnh Kon Tum) là một trong 2 DN cà phê đầu tiên đạt chứng nhận thương mại công bằng ở Việt Nam. Theo ông Đào Duy Tùng, Phó giám đốc DN này, khi các đối tác nước ngoài biết sản phẩm của công ty có chứng nhận thương mại công bằng thì khả năng ký kết hợp đồng thành công rất cao. Ví dụ, các nhà NK của châu Âu, Mỹ ngày càng khắt khe hơn về tiêu chuẩn của hàng hóa vì thế nên họ tin tưởng những DN có chứng nhận thương mại công bằng.

Trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ, cũng đã có một số DN đạt được chứng nhận thương mại công bằng. Ông Đỗ Văn Thà, thôn Phương La, xã Thanh Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình cho biết, được hỗ trợ từ Trung tâm Craft Link, các sản phẩm như khăn mặt, hàng tơ tằm của nhóm đã được XK sang nhiều thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Úc, Italia… Nhiều DN Nhật Bản, EU về tận làng xem xét việc tuân thủ các tiêu chí về thương mại công bằng của các nhóm làng nghề để quyết định đặt hàng. Đồng quan điểm này, ông Lê Bá Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội XK hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho hay, các nhà NK EU rất quan tâm đến hàng thủ công mỹ nghệ có chứng nhận thương mại công bằng trên thế giới với sức mua tăng khoảng 13%/năm.

Khó đáp ứng các tiêu chí

Với những chia sẻ của DN, có thể thấy, chứng nhận thương mại công bằng đã mang lại cho DN rất nhiều lợi ích trong việc tiếp cận thị trường, đối tác NK, đồng thời đây cũng là kênh giúp DN gia tăng kim ngạch XK, mở rộng thị trường, nhất là những thị trường khó tính như EU, Mỹ.

Trên thực tế, người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng trả giá cao cho một mặt hàng nếu mặt hàng đó có nguồn gốc rõ ràng, không có tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường. Do vậy, giới chuyên gia nhận định, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được ký kết sẽ tạo cơ hội áp dụng thương mại công bằng, giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng châu Âu.

Cơ hội là vậy nhưng theo phản ánh từ phía DN, họ đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí thương mại công bằng. Là một tổ chức phi lợi nhuận và công bằng thương mại, Trung tâm Craft Link đang hỗ trợ cho 70 nhóm ở Việt Nam đáp ứng được 10 tiêu chí về thương mại công bằng. Tuy nhiên, bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc Trung tâm này cho biết, khó khăn nhất là điều kiện sản xuất của các nhóm phải đầu tư nhiều về xưởng sản xuất, công cụ để giúp họ làm ra sản phẩm nhưng vẫn an toàn cho môi trường…, như vậy mới XK được.

Còn theo ông Đỗ Văn Thà, trong 10 tiêu chí, khó đáp ứng lớn nhất là tiêu chí về môi trường. Trở ngại lớn nhất với làng nghề khi sản xuất là nước thải nhuộm, bông bay… rất khó xử lý. “Chúng tôi đề nghị Nhà nước và nhân dân, các tổ chức xã hội kết hợp cùng làm mới đảm bảo môi trường an toàn”, ông Thà đề xuất.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không thể phủ nhận, các DN, hợp tác xã sản xuất chè, cà phê, thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít, sẽ vấp phải nhiều khó khăn nếu muốn đạt được chứng nhận thương mại công bằng. Chưa kể, các DN phải thực hiện quy trình thủ tục bằng tiếng Anh. Điều này đòi hỏi DN phải am hiểu quy trình thương mại quốc tế và phải mất công cho các thủ tục dịch thuật, công chứng.

(Nguồn: Báo Hải quan)

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199