54/ Quốc hội Anh thông qua dự luật Brexit

Tối 13-3 (rạng sáng 14-3,  giờ VN), hai viện Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Kết quả này chính thức mở đường cho chính phủ của Thủ tướng Theresa May thông báo với các nhà lãnh đạo EU về kế hoạch rời khối này.

Với tỉ lệ 274-11, Thượng viện Anh đã thông qua dự luật Brexit được Hạ viện Anh thông qua và chuyển trả lại trước đó cùng ngày, phủ quyết việc trao thêm quyền cho Nghị viện liên quan đến vấn đề Brexit cũng như đảm bảo quyền cho công dân EU ở Anh.

Trước đó cùng ngày, với tỉ lệ 335-287, các nghị sĩ Hạ viện đã nhất trí phủ quyết những thay đổi trong dự luật Brexit được Thượng viện đề nghị bổ sung hồi đầu tháng này, sau khi chính phủ London khẳng định cần không bị hạn chế trong thương lượng để có thể có thỏa thuận tốt với EU.

Hai điều khoản mà Thượng viện yêu cầu gồm quyền được phủ quyết của các nghị sĩ Anh đối với kết quả đàm phán cuối cùng của Thủ tướng May và EU và quyền của các công dân EU tại Anh sau Brexit đã không được bổ sung vào trong dự luật Brexit sau khi Hạ viện phủ quyết. Thượng viện Anh cuối cùng đồng ý rút lại đề xuất của mình.

“Đây là kết quả thất vọng với những ai hiểu biết về tầm quan trọng sống còn của việc kiểm soát Brexit ở tầm Quốc hội”, nữ nghị sĩ Anna Soubry, thuộc phe bảo thủ, chống lại Brexit, nhận định.

Dự kiến dự luật Brexit có thể được Nữ Hoàng Anh phê chuẩn sớm nhất trong ngày hôm nay (14-3), giúp Thủ tướng May sẵn sàng khởi động tiến trình đàm phán dự kiến kéo dài 2 năm với EU, theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Sau khi Quốc hội Anh thông qua dự luật Brexit, Thủ tướng Theresa May sẽ phải chính thức thông báo với lãnh đạo các nước EU ý định của London rời khối này theo kết quả trưng cầu ý dân hồi năm ngoái.

Văn phòng của bà May cho biết Thủ tướng sẽ kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon vào tuần cuối cùng của tháng 3, để Anh và EU chính thức bước vào tiến trình đàm phán Brexit.

Kết quả bỏ phiếu ở Quốc hội Anh diễn ra chỉ vài giờ sau lời kêu gọi của Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon sớm khởi động tiến trình yêu cầu Chính phủ liên hiệp Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới về khả năng rời khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

Thủ tướng Anh Theresa May đã chỉ trích mạnh mẽ lời kêu gọi của bà Thủ hiến Scotland, cho rằng đảng Dân tộc Scotland có cái nhìn “phiến diện” khi đưa ra đề xuất rời khỏi Vương quốc Anh.

Bà May nêu rõ: thay vì “chơi trò chơi chính trị với tương lai đất nước”, chính quyền Scotland nên tập trung nâng chất lượng hoạt động chính phủ, đảm bảo người dân Scotland được hưởng các dịch vụ công tốt. Bà May nhấn mạnh: “Chính trị không phải là một trò chơi”.

Trước đó, nữ Thủ hiến Sturgeon tuyên bố sẽ nỗ lực tìm kiếm sự cho phép của Quốc hội Scotland trong việc nhất trí với Chính phủ liên hiệp Anh về tiến trình và thủ tục cho phép Scotland tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập.

Bà Sturgeon bày tỏ mong muốn cuộc trưng cầu ý dân lần 2 này sẽ được tổ chức vào giữa mùa Thu năm 2018 và mùa Xuân năm 2019 trước khi nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Theo quan điểm của Thủ hiến Sturgeon, điều quan trọng là Scotland có thể thực hiện quyền lựa chọn tương lai của riêng mình vào thời điểm phù hợp khi các sự lựa chọn đã rõ ràng hơn, song vẫn phải đảm bảo trước khi quá muộn để quyết định đi hay ở lại Vương quốc Anh.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199