56/ Thu hút FDI một cách “khôn ngoan”?

Tại Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… các DN nội địa đã biết kết nối và hợp tác để cùng nhau hưởng lợi rất nhiều khi tham gia chuỗi sản xuất của các DN FDI cũng như của các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư tại những quốc gia này.

Mới đây, trong một chủ đề liên quan đến công nghiệp hóa và FDI, Gs. Trần Văn Thọ, đại học Wasade Nhật Bản, chỉ ra rằng hầu hết dự án FDI tại Việt Nam đều do công ty nước ngoài bỏ vốn 100%, liên doanh với vốn bản xứ rất ít.

Cụ thể, lũy kế tất cả dự án từ đầu năm 1988 đến cuối năm 2015, đến 80% dự án FDI là 100% vốn nước ngoài. Trong giai đoạn gần đây, số dự án liên doanh thậm chí còn ít hơn.

DN Việt ít hưởng lợi từ FDI

“Do dự án FDI phần lớn là 100% vốn nước ngoài và còn thiếu sự liên kết hàng dọc với DN Việt Nam, dẫn tới trong nền kinh tế có sự phân hóa giữa hai khu vực: khu vực FDI và khu vực DN trong nước. Đây là hiện tượng gây ra cơ cấu hai tầng khiến kinh tế khó phát triển bền vững. Tôi đã từng cảnh báo rất nhiều lần về vấn đề này”, Gs. Thọ nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, phân tích, riêng ngành công nghiệp chế tạo, thiết bị điện tử – viễn thông với gần 100% là các DN FDI đã trở thành nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất và hướng vào xuất khẩu mạnh nhất của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa thấp nhất.

Theo ông Thành, tính bình quân các nước đang phát triển, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI, giá trị gia tăng nội địa chiếm khoảng 75%, trong đó các DN nội đóng góp 40 – 50%. Ở Việt Nam, khu vực FDI tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) năm 2012 là 103,0 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu 63,9 tỷ USD (không kể dầu thô). Nhưng tổng giá trị gia tăng (GTGT) của các DN FDI công nghiệp năm 2012 có 28,2 tỷ USD.

“Vậy, GTGT công nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm 44% kim ngạch xuất khẩu và 27% GTSXCN. Có thể nói, nền công nghiệp Việt Nam đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất trong “đường cong nụ cười”. GTGT cao rơi vào các khâu đầu là nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế và khâu cuối là tiếp thị, phân phối, còn GTGT thấp nằm ở giữa là công đoạn lắp ráp, gia công”, ông Thành nhận định.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng Việt Nam thu hút FDI trong suốt giai đoạn vừa qua chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành này.

Song, sau gần 30 năm cơ cấu, bản chất của FDI vào lĩnh vực công nghiệp chưa có thay đổi đáng kể về chất lượng, đóng góp của FDI vào phát triển bền vững ngành công nghiệp còn ở mức khiêm tốn.

“FDI góp phần mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh về chi phí lao động rẻ và tài nguyên, tập trung ở những khâu có giá trị gia tăng thấp”, bà Tuệ Anh cho biết.

Trong lĩnh vực công nghiệp, mặc dù đã thu hút được một số tập đoàn lớn đa và xuyên quốc gia như SamSung, LG, Canon… có năng lực về công nghệ, song số tập đoàn có hoạt động R&D còn ít và chủ yếu vẫn thực hiện khâu lắp ráp tại Việt Nam để tận dụng lợi thế chi phí lao động rẻ. SamSung hay Intel sau rất nhiều năm đầu tư tại Việt Nam, đến nay, Việt Nam chưa có nhà cung cấp linh phụ kiện cấp 1, cấp 2 nào cho những DN này, thay vào đó, thường cung cấp các phụ kiện đơn giản như bao bì, nilong.

Chiến lược thu hút FDI

Gs. Trần Văn Thọ cũng đề cập một nỗi lo nữa là nhiều nước xung quanh Việt Nam thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ ba, thứ tư và thứ năm nên phần lớn đã tham gia xuất khẩu công nghệ, tư bản, tri thức quản lý và kinh doanh.

Nhật Bản đã bắt đầu cung cấp FDI từ thập niên 1960 và tăng nhiều từ đầu thập niên 1970. Hàn Quốc, Đài Loan chuyển từ nước nhập khẩu sang nước xuất khẩu công nghệ và tư bản từ giữa thập niên 1980. Từ cuối thập niên 1990, Malaysia, Thái Lan và sau đó là Trung Quốc cũng tham gia cung cấp FDI.

Vấn đề mà Gs. Trần Văn Thọ trăn trở, đó là DN của những nước thuộc thế hệ thứ tư hay thứ năm đa phần chưa kịp xác lập văn hóa kinh doanh, văn hóa DN và trình độ công nghệ còn hạn chế, danh tiếng chưa có hoặc chưa lớn nên dễ có những hành động gây tác động xấu đến nước họ đầu tư. Việt Nam du nhập nguồn lực từ các nước đó dễ gây ảnh hưởng bất lợi cho phát triển bền vững.

Thực tế, nhìn cơ cấu các quốc gia, các lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam hiện nay cho thấy phần lớn FDI là những công ty của các nước thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ tư và có cả Malaysia, Trung Quốc là những nước thuộc thế hệ thứ năm, nghĩa là khoảng cách phát triển giữa họ với Việt Nam không lớn.

Gs. Thọ đánh giá, trong 10 nước đầu tư nhiều nhất, chỉ có Nhật Bản, quốc gia công nghiệp đầu tiên ở châu Á, là có vai trò đáng kể. Các dự án FDI của các nước thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ tư và thứ năm (chỉ tính 6 nước và vùng lãnh thổ nằm trong Top 10) chiếm 54% kim ngạch đầu tư lũy kế cho đến cuối năm 2015. Nếu kể cả các nước nằm ngoài Top 10 (như Thái Lan chẳng hạn), tỷ lệ của thế hệ thứ tư và thứ năm còn lớn hơn nữa.

Đồng thời, trong tổng nguồn vốn đầu tư của xã hội, kể cả vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng do Nhà nước thực hiện, tỷ lệ của FDI tại Việt Nam rất cao nếu so với kinh nghiệm các nước, kể cả các nước trong thế hệ công nghiệp hóa thứ năm như Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc. Từ thập niên 1980, Malaysia và Thái Lan được xem là những nước phát triển nhờ FDI chủ đạo, song tỷ lệ của FDI trong tổng vốn cố định của họ thấp hơn Việt Nam nhiều.

Vì vậy, theo các chuyên gia, chiến lược thu hút FDI thời gian tới cần phải nhắm đến một chiến lược FDI “khôn ngoan”, nghĩa là Việt Nam phải thay đổi chính sách FDI với đầu tư nước ngoài, phải trả lời câu hỏi thu hút ai, cái gì, vào đâu? Chuyển sang chính sách FDI có chất lượng hơn là số lượng, có điều kiện để thu hút FDI có tính chọn lọc nhiều hơn.

Một chuyên gia kinh tế chia sẻ trọng tâm mục tiêu cuối cùng của thu hút FDI là nâng cao năng lực của DN trong nước của Việt Nam, nếu DN trong nước không đủ năng lực tiếp thu được những tiến bộ công nghệ từ FDI thì khó thành công, nếu không nói là thất bại”.

Gs. Trần Văn Thọ, Đại học Wasade Nhật Bản

Việt Nam cần nghiên cứu và tạo điều kiện để DN FDI chuyển dịch chất lượng sản phẩm lên cao hơn. Đó là kết quả từ chuyến đi điều tra thực tế của tôi tại các khu công nghiệp ở Việt Nam vào tháng 8 năm 2016. Chính phủ nên đối thoại với các tập đoàn lớn sản xuất máy in, xe máy, xe hơi… để biết cần có chính sách gì nhằm khuyến khích họ mở rộng và nâng cao sản xuất tại nước.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn FDI quốc tế và trong khu vực diễn ra linh hoạt hơn theo xu hướng hội nhập, Việt Nam cần đổi mới tư duy mạnh mẽ để khai thác hiệu quả nguồn vốn này phục vụ cho mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam theo hướng nhanh và bền vững. Chiến lược thu hút FDI trong điều kiện mới bên cạnh định hướng thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, nhà đầu tư còn cần coi trọng đầu ra của chiến lược, đặc biệt tạo được liên kết sản xuất giữa DN FDI với DN trong nước, tạo cơ hội cho DN trong nước tham gia mạng sản xuất của DN.

TS. Nguyễn Kế Tuấn, – Đại học Kinh tế quốc dân

Trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu những năm gần đây, các DN có vốn FDI đóng góp hơn 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là những mặt hàng gia công, lắp ráp đơn giản (điện thoại, máy tính, quần áo, giày dép…). Hơn nữa, sự liên kết giữa các DN FDI và các DN nội địa còn hạn chế. Do vậy, chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng hàng hóa và công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Nguồn: Việt Báo

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199