58/ IMF hối thúc G20 hợp tác để bảo vệ thương mại và giảm tình trạng mất cân đối

Dưới sức ép từ xu hướng bảo hộ gia tăng ở nhiều nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ, IMF cho rằng hợp tác quốc tế là cần thiết để thương mại tiếp tục là động lực tăng trưởng, góp phần đưa hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói. IMF nhận định đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, song cảnh báo các chính sách hướng nội và các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt có thể đe dọa đến đà tăng trưởng này.

Trong một báo cáo về triển vọng và rủi ro đối với kinh tế toàn cầu được công bố trước khi diễn ra hội nghị các bộ trưởng tài chính G20 tuần này tại Baden-Baden của Đức, IMF cho rằng các nước có thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại cần phối hợp với các nước bị thâm hụt để giảm bớt tình trạng mất cân đối này. Một cam kết mạnh về một hệ thống thương mại theo luật có ý nghĩa quan trọng và các biện pháp bảo hộ cũng như các chính sách quốc gia làm méo mó thương mại và đầu tư.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng điều quan trọng nhất là các nước phải cùng nhau tránh việc tự gây hại cho mình và cần tránh thực hiện các chính sách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại, nhập cư và các dòng chảy tiền vốn, và phải chia sẻ các công nghệ cho nhau.

Nhưng dù lo ngại về các chính sách đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, IMF cho rằng triển vọng kinh tế của toàn cầu đang có sự cải thiện, một phần nhờ sự khởi sắc của hoạt động chế tạo và các dòng chảy thương mại. IMF không điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới nhất được công bố tháng 1/2017 là 3,4% năm 2017 và 3,6% năm 2018, so với mức 3,1% năm 2016. Tuy nhiên, dự báo của IMF được đưa ra với giả định không có sự xáo trộn lớn về thương mại do các chính sách bảo hộ.

Thể chế tài chính này nhận định triển vọng tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu đã được cải thiện đáng kể, song cảnh báo các quốc gia này sẽ tiếp tục phải gánh chịu những tàn dư của khủng hoảng tài chính toàn cầu, như nợ doanh nghiệp cao hay mức tăng trưởng năng suất thấp. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi vẫn được đánh giá là động lực chính giúp thúc đẩy và củng cố triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khi tiếp tục đóng góp hơn 3/4 mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong năm 2017.

Để có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực, IMF kêu gọi các nước thành viên G20 duy trì khung thương mại đa phương cởi mở, cũng như hoàn tất các cải cách trong quy chế tài chính và củng cố cấu trúc tài chính quốc tế. IMF cũng nhắc lại kêu gọi các nước G20 sử dụng các công cụ có trong tay để thúc đẩy nhu cầu và tăng trưởng, riêng với với các nước gần đạt đến công suất tối đa như Mỹ và Đức, các chính sách kích thích cần tập trung nâng cao năng suất và củng cố lực lượng lao động.

Nguồn: TTXVN

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199