72/ Tương lai của TPP sẽ được quyết định vào tháng Năm tại Việt Nam

Ngày 15/3, các nước tham gia ký kết TPP đã lần đầu tiên nhóm họp tại thành phố Viña del Mar (Vi-nha đên Ma) của Chile sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại đầy tham vọng này.

Hội nghị mang tên “Đối thoại cấp cao về đề xuất hội nhập châu Á-Thái Bình Dương” có sự tham gia của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia TPP cùng với đại diện của Trung Quốc, Hàn Quốc và Colombia. Mỹ chỉ cử Đại sứ nước này tại Chile là bà Carol Perez tới dự.

Phát biểu với báo giới sau khi hội nghị bế mạc, Ngoại trưởng nước chủ nhà Heraldo Muñoz cho biết các nước đều quan ngại về xu hướng bảo hộ thương mại hiện nay, đồng thời khẳng định cam kết hợp tác thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư, dịch vụ, hội nhập kinh tế và củng cố hệ thống thương mại quốc tế.

Cũng theo Ngoại trưởng Muñoz, 11 nước thành viên TPP trừ Mỹ đều cho rằng thỏa thuận này đóng vai trò quan trọng đối với tiến trình hội nhập châu Á-Thái Bình Dương và đề cập tới những định hướng mới có thể áp dụng trong tương lai. Ông đánh giá tích cực kết quả hội nghị, do Chile thúc đẩy. Ngoại trưởng Muñoz cũng thông báo các nước nhất trí tổ chức một hội nghị bộ trưởng để quyết định tương lai TPP vào tháng 5 tới đây trong khuôn khổ các sự kiện của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Việt Nam.

Cùng quan điểm trên, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray cho rằng các nước thành viên TPP khu vực châu Mỹ đã thống nhất tiếp tục hợp tác với các quốc gia thành viên TPP khác tại châu Á -Thái Bình Dương. Theo ông, việc Mỹ – một nước thành viên quan trọng của hiệp định này rút lui – đã mở ra các cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mexico nhấn mạnh các thỏa thuận thương mại mới đều phải đáp ứng 2 tiêu chí: đảm bảo các tiêu chuẩn về việc làm, môi trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và một số yêu cầu khác; và mọi thỏa thuận thay thế cần được đưa ra trong thời gian ngắn hạn.

Trong một thông cáo ngắn ra sau khi hội nghị kết thúc, Đại sứ Mỹ tại Chile, bà Carol Perez nhấn mạnh Nhà Trắng sẵn sàng đối thoại với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương và bày tỏ hy vọng tiếp tục là thành viên chủ chốt trong cộng đồng khu vực không chỉ riêng trong lĩnh vực thương mại. Bà Perez cho biết Chính phủ Mỹ có một lộ trình thương mại năng động, nhằm tăng cường trao đổi với tất cả các đối tác châu Á-Thái Bình Dương, thông qua các thỏa thuận cấp cao thúc đẩy tự do và công bằng trong thương mại, mở rộng nền kinh tế Mỹ va bảo vệ việc làm của các công dân Mỹ.

TPP bao gồm các thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Mỹ và 11 nước đối tác đạt được thỏa thuận TTP vào tháng 10/2015. Thỏa thuận này đang trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, TPP rơi vào tình trạng khó khăn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt này. Hiện nay, một số thành viên TPP bao gồm Australia, New Zealand, Chile và Singapore đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại không có Mỹ, được gọi là “TPP 11″ hoặc “TPP 12-1″.

Nguồn: VIETNAM+

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199