Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tuyên bố không thích TPP

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa viết trên Twitter rằng ông không thích thỏa thuận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với nước Mỹ.

“Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chúng tôi quay trở lại TPP, tôi lại không thích thỏa thuận dành cho Mỹ”, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 17/4.

Tổng thống Trump nói rằng “quá nhiều vấn đề” có thể xảy ra nếu gia nhập TPP mà lại không có đường ra nếu như hiệp định không hiệu quả. “Những thỏa thuận song phương hiệu quả, sinh lợi và tốt hơn nhiều cho những người lao động của chúng tôi, Cứ xem Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đối xử với Mỹ như thế nào là biết”, ông Trump nói thêm.

Hiệp định TPP ban đầu gồm 12 nước trong đó có Mỹ – nhưng không có Hàn Quốc như Tổng thống Trump nói.

Trước đó, hôm 12/4, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đã yêu cầu các cố vấn kinh tế hàng đầu xem xét về khả năng tái gia nhập vào thỏa thuận thương mại khổng lồ khu vực Thái Bình Dương. Theo Phó phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Cố vấn Kinh tế trưởng, Larry Kudlow, và Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, cân nhắc về việc cố gắng tái gia nhập vào thỏa thuận TPP..

Tổng thống Trump cũng cho biết chỉ gia nhập TPP khi thỏa thuận dành cho Mỹ thật sự tốt hơn những gì được đề nghị cho chính quyền Tổng thống Barack Obama trước đây.

Trong khi đó, các quốc gia thành viên TPP cho biết họ phản đối bất kỳ quy trình thương lượng nào để làm thỏa lòng Mỹ, nếu Mỹ quyết định quay trở lại với thỏa thuận trong tương lai.

Các Bộ trưởng từ Nhật Bản, Australia và Malaysia hoan nghênh việc Tổng thống Trump chỉ đạo các quan chức cân nhắc khả năng quay trở lại với TPP. Tuy nhiên, họ cũng lên tiếng phản đối với việc thay đổi thỏa thuận. “Chúng tôi hoan nghênh Mỹ trở lại, nhưng tôi không nhận thấy sự cần thiết của việc tái thương lượng thỏa thuận TPP-11”, Bộ trưởng Thương mại Australia, Steven Ciobo, nói hôm 13/4.

Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng phụ trách về TPP của Nhật Bản, cũng cho biết sẽ rất khó để thay đổi thỏa thuân, gọi đây là một thỏa thuận đã cân bằng. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế của Malaysia, Mustapa Mohamed, cũng ủng hộ nhận định trên, cho rằng việc tái thương lượng sẽ tác động đến sự cân bằng lợi ích của các bên tham gia.

Sau sự rút lui của Mỹ, 11 nước còn lại (gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Australia và Việt Nam) đã tích cực đàm phán và sửa đổi để đưa ra Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP (hay còn gọi là TPP-11).

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

 

PLý do Mỹ nghiên cứu cuộc chiến thương mại với Nhật Bản thập kỉ 1980

Nhà Trắng đang nghiên cứu chiến tranh thương mại đối với Nhật Bản trong thập kỉ 1980 và 1990 để rút ra bài học cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Wall Street Journal số mới ra, hai thời kỳ này có quá nhiều khác biệt và vì thế rất khó để Mỹ rút ra được điểm chung.

Giới chức thương mại Mỹ ngưỡng mộ việc Ronald Reagan sử dụng thuế ép buộc Nhật Bản mở cửa thị trường bán dẫn và hạn chế xuất khẩu sắt, thép vào thị trường Mỹ. Đại diện Thương mại đương nhiệm Robert Lighthizer, lúc đó mới chỉ là quan chức thương mại cấp trung của Mỹ, là người tham gia thực thi chiến lược này.

Cũng như Trung Quốc ngày nay, Nhật Bản thời kì đó đạt thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Nhật Bản còn có điểm tương đồng khác với Trung Quốc là đều sử dụng chính sách thương mại để hậu thuẫn các công ty nội địa vươn tới vị thế toàn cầu, bằng mọi cách thu nạp công nghệ của Mỹ.

Công cụ chủ yếu Mỹ sử dụng để buộc Nhật Bản thay đổi hành xử là Khoản 301 Luật Thương mại 1974. Đây cũng chính là điểm chính quyền Trump đang áp dụng để đối đầu với Trung Quốc. Điều khoản này tạo cho Tổng thống quyền lực rộng rãi để đáp trả bằng thuế và các biện pháp khác trong tranh chấp thương mại.

Clyde Prestowitz, một nhân vật nổi bật của đảng Cộng hòa về thương mại, nói: “Lần cuối cùng Khoản 301 được dùng tới là nhằm vào Nhật Bản và nó phát huy được hiệu quả”. Thế nhưng, chính ông này cũng tỏ ra nghi ngờ chiến thuật đó có khả năng phát huy tác dụng một lần nữa, bởi “Trung Quốc là một trường hợp khác”.

Thời xưa, bên cạnh việc trả đũa Nhật Bản, Mỹ cũng sử dụng Khoản 301 để gây sức ép với Ấn Độ. Washington đe dọa áp thuế trừ khi New Delhi tự do hóa thị trường bảo hiểm được bảo vệ chặt. Ấn Độ lúc đó rất cương quyết, từ chối đàm phán. Bộ trưởng Tài chính nước này tại thời điểm đó tuyên bố “Mỹ không có quyền quyết định những vấn đề chính sách của Ấn Độ”. Mỹ sau đó buộc phải thoái lui.

Trung Quốc ngày nay giống với Ấn Độ và khác Nhật Bản thời kì trước. Như Ấn Độ, Trung Quốc cũng là nước lớn, có truyền thống dân tộc chủ nghĩa. Lãnh đạo Trung Quốc tin rằng họ được giao định mệnh để khẳng định vị thế Trung Quốc là người lãnh đạo thế giới và đang trong tiến trình xây dựng quân đội đẳng cấp quốc tế.

Trong khi đó, Nhật Bản là nước nhỏ hơn, tham vọng toàn cầu hầu như bị tước bỏ hết sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhật Bản lệ thuộc vào Washington trong vấn đề an ninh. Dù bực bội và tỏ ý trì hoãn, nhưng cuối cùng Nhật Bản buộc phải chấp nhận các yêu sách của Washington.

Một trong những lý do, như ông Prestowitz khẳng định, là “Nhật Bản cần Mỹ bảo vệ trước Trung Quốc”. Trên thực tế, Nhật Bản chưa bao giờ trả đũa các hành động thương mại nhằm vào Mỹ bằng cách áp thuế đối với hàng hóa Mỹ và nói thẳng ra là Tokyo thậm chí chưa bao giờ đe dọa trả đũa.

Trung Quốc ngày nay không như vậy. Chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi chính quyền Trump đe dọa áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu 50 tỷ USD, Trung Quốc cho công bố danh sách các hàng hóa Mỹ có giá trị tương ứng 50 tỷ USD bị áp thuế. Khi ông Trump bổ sung thêm gói áp thuế hàng hóa 100 tỷ USD nhập từ Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cam kết Bắc Kinh “đã chuẩn bị đáp trả mạnh mẽ kĩ càng”.

Nhật Bản xuống thang xung đột thương mại bằng cách cho phép các công ty ô tô và điện tử thành công nhất của mình xây dựng các nhà máy ở Mỹ. Các công ty Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào các tổ hợp ở Mỹ và ngày nay trực tiếp thuê mướn hàng chục nghìn lao động Mỹ và hình thức đầu tư đó đã gây dựng được nhiều đồng minh chính trị hữu ích cho Tokyo, nhất là số thuộc đảng Cộng hòa.

Cánh cửa đó không mở ra với Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ năm 2017 đứng ở mức 29 tỉ USD, giảm khoảng 1/3 so với năm 2016. Mỹ ngày một siết chặt việc Trung Quốc mua lại các công ty bán dẫn và công nghệ khác với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Trung Quốc đang tìm cách đáp trả bằng việc đánh vào các hàng hóa nhạy cảm chính trị thuộc diện cấm vận, nhất là máy bay và sản phẩm nông nghiệp.

Ý định của Trung Quốc là sẽ khiến chiến tranh thương mại phải trả giá rất đắt để từ đó buộc Mỹ phải thoái lui, ngay cả khi cuộc chiến này gây hại tới kinh tế Trung Quốc. Trong cuộc chiến với Trung Quốc, các nhà vận động hành lang Mỹ hiện tập trung vào những mối nguy tiềm tàng đối với nông dân Mỹ – nhóm đối tượng có sức mạnh và sự cảm thông về mặt chính trị vốn là lực lượng hậu thuẫn mạnh cho ông Trump. Tổng thống Mỹ hồi tuần trước khẳng định chính quyền sẽ đưa ra kế hoạch bảo vệ nông dân, nhưng không cho biết chi tiết.

Các Tổng thống Mỹ lâu nay vẫn đánh giá quá cao ưu thế của Mỹ trong chiến tranh thương mại. Đầu những năm 1880, Tổng thống Thomas Jefferson áp cấm vận xuất khẩu nhằm vào Anh để buộc Anh phải dừng đe dọa các tàu Mỹ, với niềm tin biện pháp này sẽ hủy hoại kinh tế Anh. Nhưng kế hoạch này gây ra tác động ngược. Khi thương mại sụp đổ, Mỹ là bên thua cuộc.

Mickey Kantor, cựu Đại diện thương mại Mỹ dưới thời Bill Clinton, người từng thúc đẩy đàm phán với Nhật Bản trong những năm 1990, cho rằng bài học lớn nhất cần được rút ra là phải nhất quán trong việc định ra mục tiêu và chiến lược.

Nguồn: TTXVN

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85