1/ Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo việc gia tăng bất ngờ chủ nghĩa bảo hộ

Trong dự báo mùa Đông đưa ra ngày 3/5, Ủy ban các vấn đề kinh tế EU nhận định kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm 2018 và 2% trong năm 2019, giống với mức dự báo đưa ra hồi tháng 2.

Tuy nhiên, các chính sách mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong đó có việc cắt giảm thuế mạnh đã gây ra mối đe dọa thực sự đối với nền kinh tế châu Âu.

Ủy viên các vấn đề kinh tế EU Pierre Moscovici nhấn mạnh nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng kinh tế lạc quan trên chính là chủ nghĩa bảo hộ.

Bên cạnh đó, ủy ban trên cũng cảnh báo kinh tế Anh sẽ tăng trưởng chậm chạp trong bối cảnh nước này sắp rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, cho rằng kinh tế Anh sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm 2018, thấp hơn so với mức 2,3% của EU.

Thậm chí trong năm 2019 – năm chính thức diễn ra cuộc “ly hôn” giữa EU và Anh – tăng trưởng kinh tế của “xứ sở sương mù” còn thấp hơn nữa, xuống chỉ còn 1,2%./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Ngày 09/5

2/ WTO ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại căng thẳng thương mại gia tăng

Ngày 8/5, 41 thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về những căng thẳng thương mại đang ngày càng gia tăng và những nguy cơ xuất phát từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.

Tuyên bố được đưa ra tại một cuộc họp của Đại hội đồng WTO đã kêu gọi chính phủ các nước giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và hợp tác, bao gồm việc giải quyết tranh chấp thông qua các cơ quan của WTO.

Tuyên bố nhấn mạnh quan ngại của các nước thành viên trước sự gia tăng những căng thẳng thương mại cũng như những nguy cơ đối với hệ thống thương mại đa phương và thương mại thế giới.

Văn kiện này đồng thời kêu gọi các nước thành viên WTO tránh thực thi các biện pháp bảo hộ cũng như những hành động làm leo thang căng thẳng.

Các nước thành viên trên, bao gồm các quốc gia đang phát triển và phát triển, cũng nhấn mạnh hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc được hợp nhất trong WTO giữ vai trò then chốt đối với các nền kinh tế cũng như sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Các nước đồng thời kêu gọi hành động để giải quyết những thách thức lớn mà WTO đang phải đối mặt, bao gồm vượt qua những khó khăn trong việc hoàn tất các cuộc thương lượng và giải quyết những quan điểm khác biệt về thương mại và phát triển.

Cùng ngày, cũng tại cuộc họp của Đại hội đồng WTO, Đại diện Trung Quốc tại WTO Trương Hướng Thần cho rằng Mỹ đã phản đối cơ chế ra quyết định dựa trên đồng thuận của WTO bằng cách gây khó khăn cho quy trình tuyển chọn các thành viên mới của Cơ quan phúc thẩm.

Cơ quan phúc thẩm, do Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm, gồm 7 thành viên là những chuyên gia pháp lý và thương mại quốc tế có kinh nghiệm lâu năm. Tuy nhiên, hiện chỉ 4 trong số 7 thành viên làm việc kể từ khi Washington từ chối tiến hành quy trình tuyển chọn các thành viên mới.

Trong phát biểu của mình, ông Trương Hướng Thần cảnh báo nếu quy trình tuyển chọn không được tiến hành, chức năng của Cơ quan phúc thẩm sẽ bị tê liệt, khiến toàn bộ hệ thống giải quyết tranh chấp rơi vào khủng hoảng.

Quan chức này nhận định hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đang đối mặt với khoảng thời gian khó khăn nhất kể từ khi được thành lập, nhấn mạnh nếu không có hệ thống này, các quy tắc thương mại của WTO sẽ không còn phát huy hiệu quả và niềm tin cũng như uy tín của hệ thống thương mại đa phương sẽ bị suy yếu.

Trước đó, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo đã cảnh báo mặc dù thế giới có thể đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt năm 2018 và 2019, song tiến bộ quan trọng này có thể nhanh chóng bị hủy hoại nếu các chính phủ chỉ dựa vào các chính sách thương mại hạn chế, đặc biệt các biện pháp trả đũa thương mại leo thang không thể kiểm soát nổi./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

 

3/ Cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực logistics giữa Việt Nam và Trung Quốc

Chiều 8/5, tại thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Bộ Công Thương Việt Nam và chính quyền thành phố Trùng Khánh đã phối hợp tổ chức “Tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại và logistics giữa Việt Nam và Trung Quốc (Trùng Khánh)”.

Tham dự tọa đàm có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh, Phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Lưu Quế Bình, đại diện các bộ, ngành, địa phương và hơn 200 doanh nghiệp của hai nước.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh năm 2017 chứng kiến bước phát triển tích cực trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc; hợp tác trên các lĩnh vực đạt nhiều thành quả nổi bật, trong đó kim ngạch thương mại song phương vượt 100 tỷ USD, người dân hai nước qua lại đạt 10 triệu lượt người.

Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đứng thứ 8 trên toàn thế giới.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đứng thứ 8 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đại sứ khẳng định Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao và đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng chất lượng và tính bền vững; ưu tiên và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng sạch, nông nghiệp sinh học hữu cơ, kinh tế số…

Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trùng Khánh đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, quan tâm lợi ích của người lao động, an sinh xã hội và hoạt động cộng đồng tại Việt Nam.

Việt Nam mong muốn phía Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh mà Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như hàng nông sản, thịt lợn, sữa, tạo thuận lợi thông quan và quá cảnh cho hàng hóa Việt Nam, từng bước đưa quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển theo hướng lành mạnh, cân bằng hơn.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá tọa đàm là dịp để Bộ Công Thương và các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại nói chung và hợp tác trong lĩnh vực logistics (hậu cần và kho vận) đầy tiềm năng giữa Việt Nam-Trùng Khánh nói riêng.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, thị trường dịch vụ logistics, Việt Nam có tiềm năng rất lớn với tốc độ tăng trưởng nhanh (trung bình từ 20-25%/năm).

Theo chỉ số Năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016 Việt Nam xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định với tuyến vận tải container đường sắt hướng Nam nối Trùng Khánh với Việt Nam qua Bằng Tường thuộc tỉnh Quảng Tây, Tây Nam Trung Quốc, có chiều dài 1.400km và thời gian vận chuyển giảm xuống còn 45 giờ trên toàn tuyến, hàng hóa đến và đi từ Hà Nội hoặc Trùng Khánh sẽ được vận chuyển nhanh chóng đến Thành phố Hồ Chí Minh rồi tỏa ra các nước ASEAN hoặc các tỉnh, thành phố của Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng, nếu hợp tác, quản lý và khai thác tốt, tuyến đường này sẽ mở ra cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực logistics giữa doanh nghiệp hai bên, cung cấp thêm một sự lựa chọn hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa, trong đó bao gồm các mặt hàng hoa quả nhiệt đới, nông sản, thủy hải sản xuất khẩu giữa Việt Nam với các tỉnh, thành phố sâu trong nội địa Trung Quốc cũng như các nước châu Âu, Tây Á và ngược lại.

Giới thiệu về tuyến vận tải hướng Nam nối thành phố Trùng Khánh với Việt Nam và các nước ASEAN, Phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Lưu Quế Bình cho biết vận tải đa phương thức kết hợp đường sắt và đường biển; vận tải đường bộ qua biên giới và liên vận đường sắt quốc tế là ba hình thức tổ chức vận tải chính của tuyến đường hướng Nam, góp phần kết nối Trùng Khánh, các địa phương phía Tây Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN; hy vọng doanh nghiệp hai bên tăng cường niềm tin và quyết tâm để tìm kiếm và thúc đẩy các cơ hội hợp tác.

Cũng tại buổi tọa đàm, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai bên, Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam và Phòng Thương mại thành phố Trùng Khánh đã ký Thỏa thuận về tăng cường hợp tác logistics; nhiều doanh nghiệp hai bên đã ký kết các thỏa thuận, chương trình hợp tác cụ thể trong thời gian tới.

Ngoài ra, đại diện hơn 200 doanh nghiệp hai nước cũng tiến hành gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và liên kết trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và logistics./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

 

Ngày 11/5

4/ Doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng để tham nhập thị trường xuất khẩu

Nhằm mang đến những cái nhìn cụ thể, những “việc cần làm” để giúp doanh nghiệp (DN) Việt xây dựng chiến lược nhằm xuất khẩu sản phẩm lâu dài, ổn định, ngày 10/5, tại Hà Nội, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) phối hợp cùng các đơn vị đã tổ chức Hội thảo “Cơ hội thị trường cho DN Việt giai đoạn hội nhập mới và kết nối thị trường”.

Đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng – DN vẫn gặp khó

Lâu nay, nhiều DN nhỏ Việt Nam về nông sản, thực phẩm, thường chỉ xuất nguyên liệu thô hay làm gia công là chính nên không bị “xét giấy” thông hành, căn cước. Người nông dân và DN nhỏ cũng chưa hiểu hết về tiêu chuẩn. Tại sao DN nhỏ và vừa Việt Nam muốn xuất khẩu nhưng lại ít coi trọng và chưa thực hành nhiều về tiêu chuẩn chất lượng, một loại luật chơi phổ quát mà thế giới đã có những quy định chung là câu hỏi được đặt ra?

Ông Robert Kurilo – Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm xuất khẩu Nga tại Hà Nội – cho hay, nhiều công ty Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tiêu chuẩn của phía Nga. Đây là một việc quan trọng mà công ty ở Việt Nam nên tăng cường chất lượng sản phẩm của mình để có thể tiếp cận thị trường được thị trường này.

Theo các chuyên gia, những yếu tố nền tảng mà DN Việt cần xây dựng để có thể thâm nhập thị trường và phát triển bền vững là phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm, phải nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu… Đây là các yêu tố căn cơ để thúc đẩy nông sản, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khó khăn của hầu hết các DN vừa và nhỏ.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – đánh giá: Các DN nhỏ gặp khó khăn trong việc thay đổi công nghệ cũng như việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt chuẩn quốc tế vào được các hệ thống phân phối của nước ngoài. Thời gian qua Bộ Công Thương cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều chương trình về nâng cao năng suất chất lượng cho các DN vừa và nhỏ. Theo đó, Bộ Công Thương đã có các chương trình Khuyến công để hỗ trợ các DN ở khu vực nông thôn chế biến ra những sản phẩm nông nghiệp nông thôn bằng cách tư vấn về công nghệ, cung cấp hỗ trợ chuyển giao công nghệ…

…Và cơ hội thị trường cho DN Việt

Tại hội thảo, các DN đã được cập nhật Bộ Tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập. Đây là Bộ Tiêu chí vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận chính thức. Bộ Tiêu chí này dựa trên sự kế thừa các quy định, thực hành hiện có tại Việt Nam, được diễn giải và đảm bảo giám sát quá trình áp dụng tuân thủ các quy định về công nhận, chứng nhận quốc tế có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ông Phạm Công Tạc nhận định, trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành một vấn nạn, việc giải cứu nông sản diễn ra thường xuyên. Có một hiện tượng là người bán và người mua không tin nhau. Như vậy, giữa khâu sản xuất, người cung ứng, người tiêu thụ có 1 khoảng trống. Do đó, Bộ Tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng lao – Chuẩn hội nhập – là một trong những công cụ để có kết nối lại lòng tin giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, ông Phạm Công Tạc cho hay, để người mua và người bán hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau thì cần có phông văn hóa của người tham gia vào từ quá trình sản xuất, đóng gói và mang ra thị trường. Việc này cần thời gian lâu dài.

Còn theo bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội cho hay, trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa Việt cần thiết phải thể hiện sự cam kết chất lượng đẳng cấp về tiêu chuẩn đối với các đối tác quốc tế. Đối với thị trường thế giới, chúng ta không thể nói một cách chung chung là hàng của chúng tôi là tốt nhất mà cần đưa ra tham chiếu là ta theo tiêu chuẩn nào. Đây là cách tư duy phù hợp với thị trường thế giới. Và bộ Tiêu chí này, nhắm tới thị trường thế giới.

Cũng theo bà Vũ Kim Hạnh, mới đây, Thủ tướng ký nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế cho nghị định 38/2012/NĐ-CP đã đưa ra những thay đổi cơ bản về quan điểm quản lý an toàn thực phẩm, trong đó có điều khoản Chấp nhận các hệ thống quan lý chất lượng có nguồn gốc từ khối tư nhân. Do vậy, đối với các DN đã được chứng nhận và trao giấy chứng nhận và trao Bộ tiêu chí này sẽ giúp tăng thêm lợi thế, sức lực cho DN Việt Nam về sức cạnh tranh trên thị trường không chỉ trong nước và thế giới.

Đánh giá cao công tác tổ chức của Hội, bà Lê Việt Nga cũng đề nghị Hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cũng như các cơ quan chức năng ngành Công Thương thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ hàng thực phẩm, bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối trên cả nước; thực hiện các chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cũng đề nghị các DN cần nâng cao tính chủ động trong sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN mình; đẩy mạnh công tác truyền thông, marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường một cách bền vững, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và thế giới.

Nguồn: Báo Công Thương

 

 

5/ Mỹ khiếu nại lên WTO về việc Ấn Độ không báo cáo việc trợ giá cho gạo và lúa mì

Nước Mỹ mới đây đã đưa vụ việc Ấn Độ ra Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), cho rằng nước này đã “báo cáo sót một cách nghiêm trọng” trong vấn đề trợ giá cho lúa mì và gạo.

Trong một tuyên bố chung giữa đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue được đưa ra ngày 4/5, hai quan chức cấp cao của Mỹ cho biết nước này đã nộp thông báo lên Ủy ban Nông nghiệp của WTO (COA) để phản đối hành vi trợ giá cho lúa mì và gạo của Ấn Độ.

Đây là lần đầu tiên từ trước đến này, COA nhận được khiếu nại liên quan đến việc một quốc gia đang sử dụng các biện pháp vi phạm Hiệp định Nông nghiệp của WTO.

Theo tính toán từ phía Mỹ, Ấn Độ đã “báo cáo chưa đầy đủ, một cách trầm trọng” về các biện pháp trợ giá cho lúa mì và gạo của nước này. Bảng thông báo phát đi cho biết “Khi tính toán dựa trên phương pháp trong Hiệp định WTO về Nông nghiệp, các biện pháp trợ giá của Ấn Độ cho sản phẩm gạo và lúa mì đã vượt xa mức trợ giá được cho phép để không làm bóp méo thị trường”.

Trong thông báo phát đi, Mỹ cũng cho biết nước này hi vọng sẽ thảo luận kỹ hơn về các chính sách mà Ấn Độ áp dụng cũng như cơ chế báo cáo của nước này lên WTO trong cuộc họp COA lần tới, dự kiến diễn ra vào tháng 6/2018.

Ông Lighthizer cho biết, Mỹ kỳ vọng các đối tác của mình phải tuân thủ các quy định về cơ chế báo cáo mà các nước đã cam kết khi gia nhập WTO.

“Báo cáo chính xác và cải thiện tính minh bạch cho các chương trình trợ cấp là một bước đi quan trọng để đảm bảo rằng, các đối tác thương mại vẫn đang bám theo các cam kết của họ với WTO, và giúp cho hệ thống thương mại đa phương đạt được các kết quả tốt đẹp theo định hướng thị trường”.

Mỹ là nơi mà nền sản xuất nông nghiệp có năng suất cao nhất và cạnh tranh nhất trên thế giới, với việc giao thương hàng hóa được tự do và công bằng. Vì vậy, người nông dân Mỹ luôn hưởng lợi trên thị trường thế giới, ông Perdue cho biết.

Ông còn nói thêm, “Ấn Độ đang là một thị trường rộng lớn, và chúng tôi mong muốn hàng hóa của Mỹ có thể tiếp cận nhiều hơn nữa thị trường này. Nhưng Ân Độ cần phải minh bạch hóa các tập quán kinh doanh của mình. Để cho thương mại được tự do và công bằng, tất cả các bên phải tuân thủ các cam kết của mình tại WTO”.

Chi tiết các vấn đề mà Mỹ than phiền lên WTO bao gồm: sản lượng sản xuất được sử dụng trong tính toán ra mức trợ giá chưa chính xác, loại trừ các khoản thưởng ở cấp độ nhà nước ra khỏi tính toán về mức giá áp dụng, chưa có thông tin về tổng giá trị sản lượng lúa mì và gạo trong các bản công bố thông tin, và vấn đề về quy đổi tỷ giá.

Nguồn: Economics Times – TQ

 

Ngày 14/5

6/ Đàm phán, sửa đổi NAFTA chưa đạt được kết quả cuối cùng

Ngày 11/5, các đoàn đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Canada và Mexico thống nhất sẽ sớm tiếp tục nối lại các vòng đàm phán sau khi kết thúc một tuần làm việc quan trọng mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Sau cuộc họp kéo dài 30 phút ngày 11/5, các chính trị gia cấp cao của Mexico và Canada tham gia đàm phán đều cho biết các bên vẫn tồn tại nhiều khác biệt lớn.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết các quan chức 3 bên sẽ ở lại làm việc trong khi các bộ trưởng sẽ trở về nước để tham vấn.

Phát biểu trước báo giới, bà Freeland khẳng định hoạt động đàm phán sẽ sớm được nối lại và sẽ kéo dài cho tới khi các bên thống nhất được một thỏa thuận tốt.

Áp lực thời gian đang gia tăng sau khi Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Paul Ryan tuyên bố các bên cần thống nhất được một văn bản thỏa thuận mới trước ngày 17/5 này để có thể được thông qua tại Quốc hội Mỹ trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết ông mong muốn sớm đạt được một thỏa thuận nhằm tránh những vấn đề chính trị có thể làm thay đổi tình hình như cuộc bầu cử tổng thống Mexico vào ngày 1/7 tới hay cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới.

Trong một thông báo mới đưa ra, ông Lighthizer cho biết Mỹ sẵn sàng tiếp tục làm việc với các bên còn lại, tuy nhiên không nêu rõ thời hạn cụ thể.

Vòng đàm phán ngày 11/5 là vòng đầu tiên có cả 3 quan chức cấp cao của các nước thành viên NAFTA gồm Ngoại trưởng Canada Freeland, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo, và Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer.

Việc các bên không thể đạt được thỏa thuận nhanh chóng đã thêm một lần nữa cho thấy tương lai bất ổn của thỏa thuận này.

Vấn đề mấu chốt hiện đang nằm ở những bất đồng trong lĩnh vực tự động. Phía Mexico vẫn chưa đồng thuận với đề xuất của Mỹ về giới hạn tổng sản phẩm tự động sản xuất trong khu vực NAFTA.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico cũng khẳng định sẽ không để áp lực về mặt thời gian làm ảnh hưởng tới chất lượng của thỏa thuận sửa đổi.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp với các lãnh đạo của ngành tự động ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho rằng các bên vẫn đang cố gắng thỏa thuận để xem có thể sửa đổi hiệp định mà ông cho là cực kỳ tồi tệ này hay không.

Tuy nhiên, ông Trump cũng không nhắc tới liệu các bên có thể đạt được thỏa thuận trước thời hạn 17/5 như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan yêu cầu hay không./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

 

7/ Trang bị kiến thức cần thiết về CPTPP cho doanh nghiệp

CPTPP sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp về cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, cơ hội phát triển cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, cơ hội hợp tác đầu tư…

Để trang bị cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang những kiến thức cần thiết về Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới của Việt Nam cũng như những tác động mà CPTPP mang lại, sáng 11/5, UBND tỉnh An Giang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức buổi tập huấn với chủ đề “Đánh giá tác động từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới của Việt Nam. Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp An Giang”.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia tập trung chia sẻ những sách về thuế, hợp đồng thương mại… sẽ ảnh hưởng, tác động đến doanh nghiệp Việt Nam nói cung và các doanh nghiệp trong tỉnh An Giang nói riêng, nhất là làm sao để doanh nghiệp An Giang được hưởng những ưu đãi thuế quan trọng từ Hiệp định CPTPP mang li.

Theo bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA,Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nội dung chính của CPTPP là các nước tham gia CPTPP sẽ cắt giảm thuế quan theo lộ trình, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hợp tác đầu tư và tự do di chuyển vốn đầu tư, hợp tác lao động và tự do di chuyển lao động, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

CPTPP sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp về cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, cơ hội phát triển cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, cơ hội hợp tác đầu tư và học hỏi kinh nghiệm quản lý, tiếp thu công nghệ hiện đại.

“Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường thế giới thì phải đáp ứng yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy chuẩn kỹ thuật…

Nếu không làm được điều đó, doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên “sân nhà” do hàng hóa nước ngoài nhập vào với chất lượng tốt và giá rẻ. Vì vậy, tùy theo lĩnh vực kinh doanh mà cần có chiến lược phù hợp”, bà Phùng Thị Lan Phương khuyến cáo

Đánh giá về chính sách thuế quan khi tham gia CPTPP, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, khi tham gia CPTPP, các quốc gia phải có chính sách thuế quan cân bằng.

Chẳng hạn, khi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu một mặt hàng nào đó thì các quốc gia khác cũng phải giảm thuế đối với mặt hàng đó của Việt Nam khi nhập khẩu vào quốc gia đó.

Đồng thời, khi doanh nghiệp muốn thâm nhập vào thị trường của quốc gia trong khối phải tìm hiểu kỹ về thuế quan, ưu đãi… và hướng vào sản xuất hàng hóa thuộc các ngành hưởng ưu đãi.

Doanh nghiệp phải biết liên kết và thương mại hóa dòng sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường các nước trong khối. Ông Châu Việt Bắc cũng lưu ý, về thể chế pháp lý, nếu các doanh nghiệp không chủ động nắm bắt thông tin, không tự “hoàn thiện” mình thì rất dễ dẫn đến những trách chấp về thương mại, vi phạm hợp đồng.

Nhất là tranh chấp thương mại với các đối tác nước ngoài qua các giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu,…

Để tận dụng tốt đa lợi thế mà CPTPP mang lại, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại được trong bối cảnh hiện nay thì bắt buộc phải tự nâng cao năng lực và đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp không biết ứng dụng công nghệ sẽ tự đào thải mình.

Cùng với đó, các thể chế, chính sách thuế cũng cần có tính ổn định và các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình chứ không trông chờ vào sự giúp đỡ của tỉnh hay Chính phủ.

An Giang hiện có hơn 8.000 doanh nghiệp, nhưng đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời gian qua, tỉnh An Giang đã có nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thuế, lãi suất… tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, khi tham gia vào sân chơi mới này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn bộc lộ hạn chế về quy mô, vốn, năng lực quản trị, trình độ khoa học công nghệ… Bởi vậy, giải pháp liên kết các doanh nghiệp tạo thành chuỗi giá trị sẽ nâng cao sức cạnh tranh, nhất là khi dòng thế về 0%.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải biết liên kết và thương mại hóa dòng sản phẩm khi định vào một thị trường nào đó.

Hiện Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động truyền thông, giới thiệu các hiệp định ký kết, nhưng ở cấp cơ sở vẫn còn hạn chế trong hướng dẫn Hiệp định.

Vì vậy, ông Lê Văn Nưng cho biết, thời gian tới, An Giang sẽ phối hợp với các đơn vị để phối hợp với truyền thông, tổ chức diễn đàn, mời chuyên gia, cơ quan nhà nước để phổ biến các kiến thức về ưu đãi thuế trong CPTPP cho doanh nghiệp.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tiếp cận thông tin về thị trường để phù hợp với Hiệp định đã ký kết./.

Nguồn: TTXVN/Bnews

Ngày 16/5

8/ WTO khẳng định EU tiếp tục trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus

Ngày 15/5, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra phán quyết rằng Liên minh châu Âu (EU) đã phớt lờ yêu cầu ngừng mọi khoản trợ cấp dành cho hãng chế tạo máy bay Airbus, động thái khiến Mỹ cảnh báo trừng phạt đối với các sản phẩm của châu Âu nếu như khu vực này không chấm dứt các hành động làm tổn hại đến lợi ích của Washington.

Thông báo của WTO nêu rõ EU đã không dỡ bỏ trợ cấp dành cho máy bay A380 lớn nhất thế giới và máy bay A350 mới của châu Âu.

Điều này đã gây thiệt hại cho hãng Boeing và các lao động làm việc trong ngành hàng không vũ trụ của Mỹ.

Tuy nhiên, các bên tham gia tranh chấp lại cho rằng WTO đã thu hẹp phạm vi của tranh chấp khi bác các khiếu nại về ảnh hưởng của trợ cấp đối với một số chương trình máy bay khác của Airbus với lý do chúng đã diễn ra quá lâu.

Phán quyết của WTO được xem là thắng lợi lớn của Mỹ và hãng chế tạo máy bay Boeing. Mặc dù không mang tính ràng buộc pháp lý, song phán quyết sẽ mở đường cho Mỹ tiến hành các biện pháp đáp trả với việc đánh thuế nhằm vào sản phẩm của Airbus./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

 

 

9/ Hàn Quốc kiện Mỹ vì đánh thuế sản phẩm máy giặt và pin năng lượng mặt trời

Hàn Quốc vừa đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm phản đối các mức đánh thuế của Mỹ đối với máy giặt và các sản phẩm năng lượng Mặt Trời nhập khẩu từ đất nước Đông Á này.

Trong tuyên bố ngày 14/5, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thông báo đã chính thức đệ đơn kiện nói trên sau khi không đạt được thỏa thuận với Chính phủ Mỹ xung quanh các biện pháp siết chặt nhập khẩu của Washington trong suốt 3 tháng đàm phán mà không có vai trò trung gian của WTO.

Theo quy định của WTO, hai bên sẽ có 60 ngày thảo luận về bất đồng thương mại trên, trong đó Hàn Quốc sẽ đề xuất Mỹ hủy bỏ các biện pháp áp thuế. Tuy nhiên, nếu tiến trình này không đạt kết quả, phía Seoul sẽ đề nghị WTO thành lập ủy ban dàn xếp tranh chấp, gồm các chuyên gia thương mại của WTO.

Cũng theo thông báo, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhấn mạnh sẽ phản ứng thích đáng trước các biện pháp siết chặt nhập khẩu bất hợp lý từ các đối tác thương mại lớn nhằm vào các doanh nghiệp của nước này.

Theo biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ, có hiệu lực từ tháng 2, mức thuế 20% sẽ được áp dụng đối với 1,2 triệu máy giặt nhập khẩu lần đầu tiên trong năm đầu tiên, trong khi các lô hàng nhập khẩu sau đó sẽ phải chịu thuế 50%.

Riêng sản phẩm tấm pin và môđun năng lượng Mặt Trời trên 2,5 gigawatt sẽ chịu mức thuế nhập khẩu 30% trong năm đầu tiên.

Phía Mỹ đưa ra biện pháp này nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa trước thực trạng gia tăng mạnh hoạt động nhập khẩu các mặt hàng trên, tác động hoặc đe dọa tới ngành sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho rằng Washington không làm rõ được mối liên hệ giữa việc gia tăng các đơn hàng nhập khẩu của Hàn Quốc và mối đe dọa nghiêm trọng tới ngành công nghiệp Mỹ.

Hồi tháng 4 vừa qua, Seoul cũng đã thông báo kế hoạch hoãn áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ trị giá 480 triệu USD sau khi Washington công bố các biện pháp đánh thuế mới nhằm vào máy giặt và các sản phẩm năng lượng Mặt Trời nhập khẩu từ Hàn Quốc./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

 

Ngày 17/5

10/ Nhật Bản xem xét biện pháp thuế đáp trả Mỹ tăng thuế đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu

Theo đài truyền hình NHK, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch trong tuần này thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kế hoạch nâng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Việc thông báo với WTO là một thủ tục cần thiết theo các quy định thương mại toàn cầu.

Giới phân tích nhận định động thái trên có thể là một phần trong các nỗ lực của Tokyo để Washington đưa Nhật Bản vào danh sách các nước được miễn áp dụng các mức tăng thuế của Mỹ. Các mức thuế Nhật Bản dự định áp đặt với hàng xuất khẩu của Mỹ có trị giá tương đương các mức thuế mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản.

Một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đang cân nhắc hành động dựa trên các quy định của WTO, song chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có áp dụng các biện pháp thuế đáp trả Mỹ hay không. Tokyo hiện đang nghiên cứu tác động của chính sách thuế của Mỹ đối với các công ty Nhật Bản.

Nhật Bản là quốc gia đồng minh duy nhất của Mỹ không được miễn trừ trong quyết định thuế mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tokyo tỏ ra thận trọng đối với khả năng tham gia cuộc chiến pháp lý giữa Trung Quốc và EU với Mỹ tại WTO bởi Nhật Bản có quan hệ quốc phòng mật thiết với Mỹ. Tuy nhiên, một số quan chức Nhật Bản cho biết nước này không loại trừ khả năng đưa tranh cãi thương mại với Mỹ ra WTO.

Hiện đang bùng nổ những tranh cãi thương mại giữa Mỹ và các đối tác xoay quanh các mức thuế mới mà Washington công bố áp đặt đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu. Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Nga đã khiếu nại lên WTO về vấn đề này.

Tổng thống Trump đã ra lệnh tạm hoãn áp dụng các mức thuế nhập khẩu mới này đối với một số đối tác trong khi tiến hành thảo luận để tìm kiếm một giải pháp dài hạn hơn. Ngoài EU được miễn trừ đến ngày 31/5, có 6 nước khác được tạm thời miễn trừ gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Ngày 18/5

11/ Việt Nam nhấn mạnh nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình

Ngày 17/5, tại trụ sở LHQ (New York), dưới sự chủ trì của Tổng thống Ba Lan, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 5/2018, HĐBA LHQ đã tổ chức buổi thảo luận mở với chủ đề “Đề cao luật pháp quốc tế trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” với sự tham gia của trên 70 nước thành viên LHQ.

Chánh Văn phòng Tổng thư ký LHQ Luiza Ribeiro Viotti, Thẩm phán Tòa án Công lý quốc tế Hisashi Owada, Chánh án Cơ chế quốc tế của các Tòa hình sự Theodor Meron đã tham dự và trình bày báo cáo tại cuộc họp.

Các nước tham dự cuộc thảo luận đều khẳng định luật pháp quốc tế là nền tảng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, là cơ sở của hòa bình, an ninh quốc tế. Tuy nhiên luật pháp quốc tế đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng, như chính trị cường quyền, các hành động đơn phương, áp đặt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước… Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là HĐBA LHQ, cần tiếp tục đề cao và tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, thực hiện các nghị quyết của HĐBA LHQ.

Nhiều nước nhấn mạnh vai trò của Tòa án Công lý Quốc tế và các cơ chế pháp lý quốc tế khác, việc tuân thủ các phán quyết của tòa trong việc giải quyết các tranh chấp, ngăn chặn xung đột và bảo vệ hòa bình. Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng HĐBA cần tăng cường hợp tác và phát huy vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực trong việc xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột, và giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Phát biểu tại cuộc thảo luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, đây là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, được quy định rõ tại Chương VI Hiến chương LHQ, trong đó có các biện pháp và tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Đại sứ cũng nêu bật vai trò và đóng góp của ASEAN trong duy trì môi trường hòa bình, đối thoại và hợp tác ở khu vực, thúc đẩy hòa bình giải quyết tranh chấp tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và Công ước Luật biển LHQ, thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và ràng buộc pháp lý.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định là ứng cử viên ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam cam kết tiếp tục đề cao luật pháp quốc tế, đóng góp tích cực vào việc thực hiện sứ mệnh của HĐBA LHQ là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

 

12/ Đức hỗ trợ Việt Nam ứng dụng mạng lưới điện thông minh

Theo chủ trương đầu tư dự án “Ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả (SGRE- EE)” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức vừa được Chính phủ ký Quyết định 519/QĐ- TTg phê duyệt có tổng vốn đầu tư là gần 5,3 triệu Euro, trong đó Chính phủ Đức viện trợ không hoàn lại 5 tỷ Euro, số còn lại do Bộ Công Thương bố trí. Dự án thực hiện trong 4 năm (2018- 2022) trên toàn quốc.

Kết quả chủ yếu của dự án nhằm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc thúc đẩy và hỗ trợ phát triển các dạng nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện và lưới điện thông minh tại Việt Nam. Qua đó góp phần đạt được các mục tiêu của Chính phủ đề ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (PDP), Chiến lược tăng trưởng Xanh (GGS) cũng như kế hoạch Hành động Tăng trưởng Xanh (GGAP) nhằm đảm bảo cung ứng điện nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện gắn liền với phát triển bền vững ngành điện, ngành năng lượng.

Bên cạnh đó, dự án cũng tăng cường năng lực về công nghệ lưới điện thông minh và nâng cao năng lực chuyên môn phát triển năng lượng tái tạo cho các cán bộ chuyên môn tại các đơn vị quản lý nhà nước, các chuyên gia tại các đơn vị trong ngành điện, hình thành mạng lưới chuyên gia về lưới điện thông minh. Đẩy mạnh hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp giữa Việt Nam và Đức để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng. Thiết lập các mạng lưới hợp tác và trao đổi kinh nghiệm quốc tế giữa các nhà xây dựng chính sách, các nhà quản lý, các đơn vị phát triển dự án.

Việc hợp tác công nghệ tập giữa DN Đức và Việt Nam cũng trung vào các giải pháp công nghệ hiện đại nhất, kết nối và vận hành năng lượng tái tạo với xu hướng của các sản phẩm và dịch vụ để xây dựng ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, vận hành các nguồn năng lượng tái tạo để tối ưu hoá việc sử dụng năng lượng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi công hàm thông báo chính thức cho phía Đức biết về quyết định thống nhất đầu tư trên của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Công Thương lưu ý các ý kiến góp ý của các cơ quan để hoàn thiện, thẩm định, phê duyệt Văn kiện dự án và quyết định đầu tư dự án theo quy định hiện hành.

Nguồn: Báo Công Thương

 

13/ Liên minh Á-Âu ký thỏa thuận thương mại tạm thời với Iran

Ngày 17/5, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga đứng đầu đã ký một thỏa thuận thương mại tạm thời với Iran, theo đó giảm mức thuế quan đối với hàng trăm mặt hàng hóa nhập khẩu giữa hai bên, đồng thời đặt ra mục tiêu xúc tiến các cuộc đàm phán trong vòng 3 năm để thành lập khu vực thương mại tự do.

Lễ ký thỏa thuận nói trên diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, theo đó các công ty giao dịch với quốc gia Hồi giáo này cũng sẽ gánh chịu các biện pháp trừng phạt của Washington.

Bộ Kinh tế Kazakhstan cho biết theo thỏa thuận thương mại tạm thời này, Iran sẽ giảm thuế cho 246 mặt hàng, từ thực phẩm đến sản phẩm công nghiệp của EAEU, trong khi EAEU cũng có động thái tương tự đối với 175 hàng hóa nhập khẩu từ Tehran.

Ngoài Nga, các thành viên của EAEU còn có Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgystan.

Cũng liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) bảo vệ các doanh nghiệp của khối, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đang làm ăn với Iran trước nguy cơ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.

Theo nhà lãnh đạo nước Pháp, các doanh nghiệp mang tầm cỡ quốc tế có lợi ích rải rác ở nhiều nước, sẽ tự đưa ra quyết định sau khi cân nhắc lợi ích của bản thân.

Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với đề cuất của Ủy ban châu Âu (EC), đó là bảo vệ và bồi thường cho các công ty của EU có thể bị Mỹ trừng phạt vì còn giao dịch làm ăn với Iran.

Ông Macron đã đưa ra tuyên bố trên trước khi tới Bulgaria tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU.

Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các nước EU đều nhất trí thỏa thuận hạt nhân này “không hoàn hảo,” song nhấn mạnh thỏa thuận này cần phải được duy trì bất chấp việc Mỹ rút khỏi.

Bà cho biết các nước EU đã nhất trí xúc tiến các cuộc thương lượng với Iran về các vấn đề khác như chương trình tên lửa của quốc gia Hồi giáo này.

Bà Merkel đưa ra tuyên bố trên sau khi tới Sofia để tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến khai mạc ngày 17/5.

Dự kiến trong hai ngày, Hội nghị thượng đỉnh EU với sự tham dự của lãnh đạo 28 nước thành viên và sáu nước vùng Balkan, sẽ thảo luận về mối quan hệ hợp tác kinh tế cũng như những thách thức mà khu vực này đang phải đối mặt./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

 

14/ Liên minh Á-Âu và Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác

Ngày 17/5, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác về kinh tế và thương mại. Đây là thỏa thuận quan trọng đầu tiên đạt được giữa hai bên. Văn kiện được ký tại Diễn đàn kinh tế Astana diễn ra cùng ngày tại Astana (Kazakhstan).

EAEU và Trung Quốc nhất trí hợp tác trên 13 lĩnh vực như hải quan, thương mại, thương mại điện tử, quyền sở hữu trí tuệ nhân tạo, hợp tác ngành…

Hai bên cũng thống nhất tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin lẫn nhau nhằm tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục thông quan và giảm chi phí giao dịch hàng hóa.

Thỏa thuận được cho là sẽ tiếp tục giảm các rào cản thương mại phi thuế quan, tạo môi trường thuận lợi hơn cho phát triển ngành công nghiệp cũng như thúc đẩy sự phát triển của quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai bên. Dự kiến, văn kiện này sẽ có hiệu lực sớm nhất vào đầu năm 2019.

Tháng 10/2016, EAEU và Trung Quốc đã khởi động các cuộc thương lượng về hợp tác kinh tế và thương mại, trong đó có 5 vòng đàm phán, 3 cuộc họp của các nhóm làm việc chung và 2 cuộc tham vấn cấp bộ đã được tổ chức trong 1 năm.

Được thành lập vào năm 2015, EAEU bao gồm Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia và Kyrgyzstan./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

 

Ngày 22/5

15/ Ngoại trưởng G20 cam kết hợp tác trong các vấn đề toàn cầu

Ngày 21/5, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina với chủ đề chính là chủ nghĩa đa phương, vai trò của các thể chế trong công tác quản trị toàn cầu và an ninh mạng.

Trong cuộc họp kín này, các ngoại trưởng G20 cũng thảo luận những cơ chế để đạt được một sự phát triển công bằng và bền vững ở cấp độ toàn cầu, các thách thức hiện nay của công nghệ thông tin, an ninh mạng và những thay đổi về mô hình trong thương mại và di cư.

Các nước thành viên G20 đã đánh giá về bức tranh địa chính trị quốc tế trong bối cảnh xuất hiện những căng thẳng giữa một số cường quốc trên thế giới, và nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong các vấn đề nổi cộm như cuộc chiến chống khủng bố và biến đổi khí hậu.

Hội nghị cũng nhất trí cho rằng cần phải tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong các mối quan hệ ngoại giao và thương mại, đặc biệt nhấn mạnh tới các biện pháp giúp cho các bên có thể linh hoạt hơn trước các tình huống thực tiễn xảy ra khủng hoảng tài chính.

Argentina cũng nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên G20 trong việc xử lý cuộc khủng hoảng tài chính mới đây buộc Buenos Aires phải viện tới sự trợ giúp tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng như những chính sách cải tổ nền kinh tế mà chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri đang tiến hành.

Cuộc họp cũng đánh giá tích cực cuộc đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giải quyết những bất đồng mà hai bên có thể chấp nhận được và tránh để xảy ra một cuộc chiến thương mại.

Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh cam kết giữ vững một hệ thống thương mại tự do và tìm kiếm các cuộc thương lượng với các nước có mối liên kết thương mại.

Ngoại trưởng Argentina khẳng định, các cuộc thảo luận trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra một cách cởi mở và thẳng thắn cũng như là một cuộc đối thoại xây dựng nhằm tìm kiếm giải pháp tốt nhất để xử lý trên tinh thần hợp tác và tập thể các thách thức của thế kỷ 21.

Đây là cuộc họp ngoại trưởng đầu tiên và là cuộc họp cấp bộ trưởng thứ 3 trong loạt các sự kiện do Argentina đăng cai với tư cách là nước chủ nhà hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Với tư cách là nước chủ nhà của các hội nghị G20, Tổng thống Argentina đã đề nghị ngoại trưởng các nước trong nhóm tập trung các cuộc thảo luận lần này vào các giải pháp cụ thể để đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu, đồng thời cũng chú trọng tới những vấn đề liên quan trực tiếp tới người dân và những nhu cầu cần thiết của họ để đem lại sự công bằng và bền vững.

Nguồn: baoquocte.vn

 

16/ EU đàm phán về thương mại tự do với Australia và New Zealand

Ngày 22/5, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cho phép khởi động các cuộc đàm phán với Australia và New Zealand về một thỏa thuận tự do thương mại.

Động thái thể hiện mong muốn của EU thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Mỹ ngày càng gia tăng.

Ông Emil Karanikolov, Bộ trưởng Kinh tế Bulgaria, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho biết quyết định tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Australia và New Zealand là lời nhắc với thế giới về cam kết mở cửa, thương mại tự do và hợp tác toàn cầu của EU.

Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom khẳng định các thỏa thuận tự do thương mại nếu đạt được sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Bà Malmstrom nhận định việc khởi động các cuộc đàm phán với các đối tác có chung lập trường sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều nước đang bị cuốn theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

EU khẳng định các thỏa thuận thương mại tự do sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và chế tạo, không phải nông nghiệp. Lưu ý này được đưa ra trong bối cảnh dấy lên quan ngại thịt và các sản phẩm từ sữa của các nước châu Đại Dương sẽ tràn vào EU.

Quyết định khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Australia và New Zealand được đưa ra trong cuộc gặp của các bộ trưởng thương mại EU. Dự kiến cũng trong khuôn khổ cuộc gặp này, giới chức EU cũng sẽ thảo luận về cuộc tranh cãi thương mại hiện nay với Mỹ./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

 

Ngày 23/5

17/ EU nhất trí phương pháp tiếp cận mới đối với các FTA

Ngày 22/5, Bộ trưởng thương mại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí với phương pháp tiếp cận mới trong việc ký kết và phê chuẩn các hiệp định tự do thương mại (FTA), theo đó một hiệp định có thể được phê chuẩn mà không cần ý kiến của nghị viện các quốc gia thành viên. Mục đích của việc này là nhằm tăng tốc các cuộc đàm phán thương mại của EU với các đối tác.

Cách tiếp cận mới này cho phép EU tránh được trường hợp các hiệp định đang trong quá trình đàm phán có thể bị chặn bởi chỉ một nghị viện của một quốc gia hoặc thậm chí chỉ một vùng của quốc gia đó như trường hợp Hiệp định Kinh tế và thương mại toàn diện giữa EU và Canada (CETA) .

Phản đối một số quy định của CETA, nghị viện của vùng nói tiếng Pháp của Bỉ Wallonie đã nhiều lần chặn việc ký kết hiệp định này vào cuối năm 2016, hành động trên đã gây ra một sự cố ngoại giao giữa EU với Canada.

Cách tiếp cận mới của châu Âu cũng là bước tiếp theo của quyết định được Tòa Công lý châu Âu (ECJ) đưa ra vào năm 2017 liên quan tới thẩm quyền của EU và các nước thành viên trong vấn đề thương mại.

ECJ đánh giá phần lớn các chủ đề được đàm phán trong khuôn khổ một FTA là thuộc thẩm quyền độc quyền của EU, ngoại trừ một vài điều khoản liên quan đến đầu tư.

Trong tương lai, Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất việc chia tách các hiệp định thương mại thành hai phần: một phần gồm các quy định thuần túy về thương mại sẽ chỉ cần Nghị viện châu Âu thông qua để đi vào thực hiện, còn lại là thỏa thuận về đầu tư thì phải được tất cả nghị viện các quốc gia thành viên của EU thông qua.

Trong thông cáo của mình, Hội đồng châu Âu nhấn mạnh tùy trường hợp mà các nước thành viên có quyền quyết định chia nhỏ các hiệp định thương mại dựa trên nội dung cụ thể của chúng.

Các FTA gần đây nhất mà EU đã hoàn tất đàm phán hiện vẫn cần phải có được sự phê chuẩn của Nghị viện các nước thành viên sau một cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu và các thủ tục này cần rất nhiều thời gian. Cụ thể, trường hợp FTA với Hàn Quốc phải cần tới 4 năm rưỡi để được phê chuẩn.

Hiện nay, các FTA mà EU đàm phán với các đối tác vấp phải sự phản đối ngày một gia tăng của người dân châu Âu, dẫn tới khả năng một hiệp định không chắc chắn được toàn bộ các Nghị viện các quốc gia và vùng của châu Âu phê chuẩn./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

 

18/ Diễn đàn APEC thành lập nhóm xây dựng tầm nhìn sau năm 2020

Ngày 21/5, tại Trung tâm hội nghị quốc tế, thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea – nền kinh tế chủ nhà của Năm APEC 2018, Nhóm xây dựng Tầm nhìn Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã chính thức được thành lập theo thỏa thuận tại Tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng tháng 11/2017.

Nhóm bao gồm đại diện của 21 nền kinh tế thành viên, là các quan chức cao cấp, đại sứ, giáo sư, đại diện các tập đoàn hàng đầu khu vực… Nhóm sẽ hoạt động trong hai năm từ 2018 – 2019, với nhiệm vụ chính là khuyến nghị mục tiêu, các trụ cột và lĩnh vực hợp tác của APEC trong giai đoạn sau năm 2020, khi APEC hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư (từ 1994 – 2020). Trong gần 25 năm qua, các Mục tiêu Bogor đã trở thành định hướng chủ đạo của hợp tác APEC.

Ngay sau khi thành lập, Nhóm đã tiến hành cuộc họp đầu tiên. Các thành viên đánh giá cao vai trò khởi xướng và đóng góp của Việt Nam trong việc thành lập Nhóm, nhấn mạnh đây là một dấu mốc quan trọng chuẩn bị cho APEC chuyển mình bước vào giai đoạn phát triển mới, mang lại lợi ích thiết thực hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Cựu Ngoại trưởng Peru, Đại sứ Allan Wagner-Tizón đã được bầu làm Chủ tịch của Nhóm và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, đại diện của Việt Nam, được lựa chọn làm Phó Chủ tịch Nhóm. Cuộc họp nhất trí sẽ hoàn tất các khuyến nghị về Tầm nhìn APEC sau năm 2020 để báo cáo lên Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2019 tại Chile. Cuộc họp lần hai của Nhóm sẽ diễn ra vào tháng Tám năm nay tại Papua New Guinea.

Đây là lần đầu tiên Papua New Guinea, một quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, đăng cai các hoạt động của Diễn đàn APEC. Nền kinh tế chủ nhà đã tích cực phối hợp với Việt Nam, phát huy những kết quả đạt được của Năm APEC Việt Nam 2017, nhất là các sáng kiến về xây dựng Tầm nhìn APEC, phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hợp tác chung.

Nguồn: baoquocte.vn

 

Ngày 24/5

19/ Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp Israel tọa đàm giải pháp đô thị thông minh

Đại sứ Việt Nam tại Israel Cao Trần Quốc Hải và Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshear cùng tham dự tọa đàm.

Phát biểu chào mừng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sáng kiến tổ chức tọa đàm của Bộ Ngoại giao Israel cũng như sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, doanh nghiệp Israel, cho rằng tọa đàm sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên và hy vọng sau tọa đàm sẽ có thêm nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam và đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững; cung cấp dịch vụ, chất lượng sống tốt hơn cho người dân; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hơn của chính quyền và người dân tham gia ý kiến nhiều hơn đối với hoạt động quản lý, giám sát và đóng góp vào sự phát triển thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu trở thành thành phố thông minh, thành phố khởi nghiệp và rất mong muốn nhận được sự chia sẻ và học tập từ Israel về công nghệ, tầm nhìn và khả năng kết nối, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào cuộc sống và tạo động lực cho sự phát triển trên nền tảng đô thị thông minh.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố mong muốn những giải pháp công nghệ, những tiện ích mà đô thị thông minh mang lại phải phục vụ trước hết cho cuộc sống người dân, tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp và là nền tảng để cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng của từng cá nhân và của tất cả người dân.

Sau khi nghe Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức giới thiệu về định hướng phát triển đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia, đến từ các công ty chuyên cung cấp giải pháp về công nghệ thông minh hàng đầu của Israel như Mekorot, JLM Bio City, Ebyt Systems, Giv Solutions, Fluence… đã giới thiệu các giải pháp về đô thị thông minh và xây dựng các dự án hợp thành của đô thị thông minh.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đã thảo luận tích cực về tầm nhìn, khả năng kết nối, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong xây dựng, quản lý và phát triển đô thị thông minh, tập trung vào các lĩnh vực quản lý nước, xử lý nước thải, quản lý giao thông đô thị, quản lý năng lượng tiết kiệm, công nghệ sinh học, y tế, giải pháp xử lý tình huống khẩn cấp…

Theo ông Dương Anh Đức, đề án xây dựng đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2020, xây dựng các nền tảng để chuẩn bị đưa 4 trung tâm vào hoạt động thí điểm, bao gồm: trung tâm dữ liệu chung, hệ sinh thái dữ liệu mở; trung tâm mô phỏng dự báo chiến lược phát triển kinh tế xã hội; trung tâm điều hành thông minh; trung tâm an ninh mạng.

Giai đoạn từ năm 2020-2025 sẽ triển khai, hoàn thiện, vận hành và khai thác 4 trung tâm nói trên. Giai đoạn sau năm 2025, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện nâng cấp, trên tinh thần lấy người dân là trung tâm trong các hoạt động, nâng cao chất lượng sống của người dân và hiệu năng điều hành của chính quyền.

Sau đó, đoàn đại biểu cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh đã tìm hiểu hệ thống thiết bị tương tác với người sử dụng của Tập đoàn MER; thăm Trung tâm điều hành cảnh sát Jerusalem.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đã gặp một số doanh nghiệp khởi nghiệp hàng đầu của Israel, trao đổi hoạt động xây dựng hệ thống sinh thái khởi nghiệp sáng tạo./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+


Ngày 25/5

20/ Hàn Quốc và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã nhất trí khởi động đàm phánthương mại

Chính phủ Hàn Quốc ngày 25/5 thông báo nước này cùng 4 thành viên của Mercosur bao gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay đã ký một thỏa thuận khởi động tiến trình đàm phán tại Seoul.

Thông cáo chung của Hàn Quốc và Mercosur cho biết quyết định này thể hiện một bước lớn hướng tới làm sâu sắc thêm mối quan hệ quan trọng giữa các thành viên Mercosur và Hàn Quốc. Theo đó, tăng cường quan hệ thông qua các dòng chảy thương mại và đầu tư đáp ứng lợi ích chung thúc đẩy sự thịnh vượng cũng như cam kết chung của hai bên đối với tự do thương mại và mở cửa nền kinh tế.

Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, nếu đạt được thỏa thuận thương mại, Hàn Quốc kỳ vọng sẽ mở rộng hệ thống Thỏa thuận thương mại tự do của nước này ở khắp khu vực Bắc Mỹ và Trung Mỹ. Hàn Quốc dự định thúc đẩy xuất khẩu ôtô, các phụ tùng và linh kiện điện tử của ô tô sang các nước Mercosur.

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang các nước thuộc Mercosur trong năm 2017 là 6,6 tỷ USD, tăng 20,6% so với năm trước đó với hàng hóa phần lớn là các linh kiện điện tử và ô tô. Trong khi đó, nước này nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 4,52 tỷ USD từ Nam Mỹ phần lớn là nông sản và thép.

Khối Mercosur là thị trường gồm 290 triệu dân, chiếm 45% dân số cả khu vực Nam Mỹ, với quy mô nền kinh tế khoảng 2.700 tỷ USD, chiếm 52% Tổng sản phẩm quốc nội của khu vực này.

Năm 2003, từ sau khi ký Hiệp định Tự do thương mại (FTA) với Chile, Hàn Quốc đã tập trung mở rộng các thỏa thuận thương mại tự do với nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Hiện Seoul đã ký FTA với nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc, cũng như 6 quốc gia ở khu vực Trung Mỹ./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

 

Ngày 28/5

21/ Vấn đề Brexit: Liên minh châu Âu kêu gọi Anh phải có sự nhượng bộ

Ngày 26/5, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về việc Anh rời khỏi khối này hay còn gọi là Brexit, ông Michel Barnier, cảnh báo Anh rằng việc không đạt được nhất trí về thỏa thuận liên quan đến vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (CJUE) đối với Anh hậu Brexit đồng nghĩa sẽ không có một thỏa thuận và giai đoạn chuyển tiếp nào.

Ông Barnier mô tả những trì hoãn của Anh trong việc giải thích rõ ràng về kiểu quan hệ thương mại giữa Anh-EU mà London mong muốn giống như “một trò chơi trốn tìm.”

Ông Barnier cũng phản đối việc Anh chỉ trích các quan điểm của EU, đồng thời kêu gọi London phải thừa nhận rằng Anh không thể giữ lại nhiều đặc điểm của một thành viên EU hậu Brexit.

Trưởng đoàn đàm phán EU cho biết ông sẵn sàng đàm phán thúc đẩy 3 vấn đề then chốt mà hiện vẫn tồn tại nhiều bất đồng, trong bối cảnh chỉ còn 10 tháng nữa là Anh chính thức rời EU.

Các vấn đề vẫn chưa tìm được tiếng nói chung bao gồm cách giải quyết các tranh cãi trong tương lai xung quanh thỏa thuận liên quan đến vai trò của CJUE đối với Anh, vấn đề đường biên giới giữa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh, và khuôn khổ cho các mối quan hệ trong tương lai giữa hai bên.

Những phát biểu có phần cứng rắn của ông Barnier được đưa ra trong bối cảnh phái đoàn đàm phán của EU về Brexit vừa có các cuộc thảo luận với các quan chức Anh ở thủ đô Brussels (Bỉ).

Sau các cuộc đàm phán, giới chức EU đã bác bỏ các đề xuất của London hướng tới các mối quan hệ gần gũi với EU trong tương lai, cũng như đề xuất nhằm giúp tránh một “biên giới cứng” giữa Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland.

EU đã đặt ra thời hạn hoàn tất thỏa thuận “ly hôn” với Anh vào tháng 10 tới để Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu có đủ thời gian để thông qua thỏa thuận này trước thời điểm Anh chính thức rời EU dự kiến vào ngày 29/3/2019.

Tuy nhiên, đàm phán về vấn đề biên giới với Ireland vẫn không có tiến triển nào mới kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh EU hồi cuối tháng Ba vừa qua và đây được coi là nội dung chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào tháng Sáu tới, cuộc họp mang tính chất “bản lề” hướng tới việc nỗ lực đạt được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 10./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

22/ Các Bộ trưởng thương APEC cam kết đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ

Ngày 26/5, hội nghị các Bộ trưởng Thương mại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã bế mạc mà không đạt được đồng thuận về vấn đề hệ thống thương mại đa phương.

Sau hai ngày họp tại Papua New Guinea, ngày 26/5, hội nghị các Bộ trưởng Thương mại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã bế mạc mà không đạt được đồng thuận về vấn đề hệ thống thương mại đa phương.

Các Bộ trưởng Thương mại APEC đã ra một tuyên bố chung bao quát các lĩnh vực thảo luận quan trọng như thúc đẩy nền kinh tế số, tăng cường hội nhập khu vực…Tuy nhiên, các Bộ trưởng không đạt được sự nhất trí về vấn đề hệ thống thương mại đa phương.

Do vậy, ông Rimbink Pato, Bộ trưởng Các vấn đề đối ngoại và thương mại của Papua New Guinea, đảm trách Chủ tịch hội nghị, đã ra một tuyên bố riêng đánh giá về quan điểm chung của các nền kinh tế APEC.

Theo tuyên bố này, các Bộ trưởng Thương mại APEC nhấn mạnh rằng tự do thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại đóng vai trò cốt lõi để đạt được tăng trưởng bền vững trên toàn cầu.

Các Bộ trưởng vẫn cam kết tiếp tục thúc đẩy các thị trường mở cửa và tự do, đấu tranh chống và giảm chủ nghĩa bảo hộ.

Các tuyên bố này sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo APEC xem xét trước thềm hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 11 tới tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea./.

Nguồn: TTXVN/Bnews

 

Ngày 04/6

23/ Việt Nam thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ắc quy chì dùng trên xe mô tô, xe gắn máy

Ngày 23/4/2018, Việt Nam thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ắc quy chì dùng trên xe mô tô, xe gắn máy. Quy chuẩn này quy định về yêu cầu kỹ thuật và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật đối với ắc quy chì – axít dùng để khởi động, chiếu sáng và cho các thiết bị phụ trợ sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy (sau đây gọi tắt là ắc quy). Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu ắc quy, sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy và các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Mục đích của Dự thảo nhằm bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn của con người.Thời gian dự kiến thông qua vào 30/6/2018. Thời gian dự kiến có hiệu vào tháng 9/2018. Hạn cuối cùng để các nước thành tham gia góp ý kiến vào 23/6/2018.

Mã thông báo: G/TBT/N/VNM/120

Nguồn:Trang tin Tổng cục TCĐCL

 

24/ Việt Nam thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ắc quy sử dụng cho xe đạp điện

Ngày 23/4/2018, Việt Nam thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ắc quy sử dụng cho xe đạp điện. Quy chuẩn này quy định về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đối với ắc quy cung cấp năng lượng cho hệ thống động lực của xe đạp điện (sau đây gọi tắt là ắc quy). Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ắc quy, sản xuất, lắp ráp xe đạp điện và các cơ quan, tổ chức liên quan đến quản lý, thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Mục đích của Dự thảo nhằm bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn của con người.Thời gian dự kiến thông qua vào 01/12/2018. Thời gian dự kiến có hiệu vào 01/1/2019. Hạn cuối cùng để các nước thành tham gia góp ý kiến vào 23/6/2018.

Mã thông báo: G/TBT/N/VNM/121

Nguồn:Trang tin Tổng cục TCĐCL

 

Ngày 11/6

25/ Việt Nam thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận sử dụng

Ngày 23/4/2018, Việt Nam thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật và việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách thành phố từ 17 chỗ trở lên (bao gồm cả chỗ dành cho người khuyết tật) để người khuyết tật tiếp cận sử dụng (sau đây gọi tắt là xe). Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu xe, linh kiện của xe và các Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe, linh kiện của xe. Mục đích của Dự thảo nhằm bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn của con người.Thời gian dự kiến thông qua vào 30/6/2018. Thời gian dự kiến có hiệu vào 09/2019. Hạn cuối cùng để các nước thành tham gia góp ý kiến vào 23/6/2018.

Mã thông báo: G/TBT/N/VNM/122

Nguồn:Trang tin Tổng cục TCĐCL

 

26/ Việt Nam thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận sử dụng

Ngày 23/4/2018, Việt Nam thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật và việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách thành phố từ 17 chỗ trở lên (bao gồm cả chỗ dành cho người khuyết tật) để người khuyết tật tiếp cận sử dụng (sau đây gọi tắt là xe). Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu xe, linh kiện của xe và các Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe, linh kiện của xe. Mục đích của Dự thảo nhằm bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn của con người.Thời gian dự kiến thông qua vào 30/6/2018. Thời gian dự kiến có hiệu vào 09/2019. Hạn cuối cùng để các nước thành tham gia góp ý kiến vào 23/6/2018.

Mã thông báo: G/TBT/N/VNM/122

Nguồn:Trang tin Tổng cục TCĐCL

 

27/ Tìm giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Miền Trung Việt Nam và ASEAN

Trong 2 ngày 8 và 9/6 tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch bền vững ở miền Trung Việt Nam và ASEAN” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả trong lĩnh vực du lịch đến từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippin, Sri Lanka….

Hội thảo nhằm đánh giá lại thực trạng phát triển du lịch tại khu vực miền Trung Việt Nam và các nước ASEAN thông qua những bài học, kinh nghiệm thực tế từ những điểm đến du lịch của các địa phương trong ASEAN. Từ đó đưa ra các giải pháp, đề xuất phát triển bền vững từng điểm đến cũng như trong liên kết toàn khu vực.

Nội dung của hội thảo tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính bao gồm thực tiễn và kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, khu vực ASEAN và trên thế giới; Khai thác và bảo tồn di sản văn hóa, bản sắc văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch bền vững; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh phát triển du lịch bền vững; thực trạng và những vấn đề đặt ra cho du lịch bền vững miền Trung Việt Nam trong bối cảnh hợp tác và cạnh tranh toàn cầu; Giải pháp phát triển du lịch bền vững khu vực miền Trung Việt Nam.

Nguồn nhân lực du lịch là yếu tố được nhiều đại biểu tham gia hội thảo quan tâm hơn cả để phát triển du lịch bền vững khu vực ASEAN. Theo Thạc sĩ Christina G.Aquino, đại học Lyceum Philippin, cần phải có sự thừa nhận lẫn nhau về nhân lực trong khối ASEAN. Cần phải tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia du lịch đủ năng lực cần thiết để duy trì phát triển du lịch ở bất kỳ điểm đến nào trong khu vực ASEAN. Tiếng Anh được chọn làm ngôn ngữ chung cho đội ngũ chuyên gia này. Để làm được điều này các quốc gia cần phải đạt được Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA-TP) được xác định trong Tầm nhìn 2020 của Cộng đồng ASEAN.

Giáo sư Joseph Lema, Đại học Stockton thì đặt vấn đề về ứng dụng của công nghệ đối với nhân sự du lịch bởi ngày càng có nhiều du khách áp dụng và chấp nhận các công nghệ mới từ đơn giản đến phức tạp để tăng thêm trải nghiệm trong chuyến du lịch của họ. Giáo sư Joseph Lema cho rằng để duy trì một lực lượng lao động mang tính cạnh tranh thì việc phát triển các kỹ năng truyền tải nhằm thực hiện và dẫn dắt sự thay đổi là điều cần thiết. Các khía cạnh của dịch vụ tự định hướng xuất hiện cho phép du khách có sự kiểm soát các trải nghiệm của họ tốt hơn.

Còn tại khu vực miền Trung Việt Nam, nhìn từ mô hình Khu dự trữ sinh quyền thế giới Cù Lao Chàm thì vấn đề và giải pháp ở đây liên quan đến tài chính bền vững. Theo Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, để vận hành hiệu quả một khu bảo tồn biển, cần rất nhiều nguồn tài trợ, trong đó giải pháp huy động nguồn lực tài chính bền vững là một trong những tài trợ quan trọng nhất. Thực tiễn quản lý tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam cho thấy, để duy trì nguồn tài chính bền vững cho hoạt động bảo tồn biển, cần phát huy các giá trị, hiểu được nhu cầu sử dụng dịch vụ sinh thái và thực hiện nguyên tắc người sử dụng dịch vụ phải trả tiền. Thêm vào đó, nguồn tài chính thu được từ các dịch vụ sinh thái cần được ưu tiên để tái đầu tư phục hồi hệ sinh thái của khu bảo tồn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi về du lịch cộng đồng trong phát triển du lịch nông thôn, kết hợp di sản với cảnh quan bản địa trong các dự án du lịch nông thôn, vai trò của ẩm thực, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đối với phát triển du lịch, khai thác du lịch tri thức, tác động của các mô hình homestay đối với du lịch, phát triển du lịch y tế cho người già, và vai trò của các khách sạn trong du lịch bền vững.

Sau thời gian hội thảo, các đại biểu đã thực hiện nghiên cứu thực địa tại khu Dự trữ sinh quyền Cù Lao Chàm.

Nguồn: Báo Công Thương

 

Ngày 13/6

28/ IFC cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong việc triển khai các dự án hợp tác công tư (PPP).

“Thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và phối hợp chặt chẽ cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trong việc đưa các nội dung Bản ghi nhớ mà hai bên đã ký kết thành các dự án trên thực tế”.

Đó là khẳng định của ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi làm việc với ông Kyle Kelhofer, Giám đốc cao cấp IFC khu vực Việt Nam – Lào-Campuchia, diễn ra chiều 12/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Trần Vĩnh Tuyến cảm ơn các hoạt động của IFC tại Việt Nam trong việc hỗ trợ tài chính, tư vấn kỹ thuật và giúp huy động nguồn đầu tư nước ngoài, nhất là từ khu vực tư nhân. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, IFC đã có nhiều hoạt động tích cực để triển khai nội dung Bản ghi nhớ mà UBND thành phố và IFC ký hồi tháng 12/2017, đặc biệt trong dự án xây dựng chương trình đánh giá tín nhiệm tín dụng của thành phố và tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ chuyên môn về thành phố xanh.

Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, vốn và công nghệ là 2 yếu tố mà thành phố đặc biệt cần trong quá trình xây dựng, phát triển thành một đô thị thông minh, chính vì vậy, thành phố rất mong nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn từ IFC trong công tác tìm, huy động các nguồn tài chính và các nhà đầu tư có đủ kinh nghiệm và trình độ công nghệ để giúp thành phố phát triển theo đúng định hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Trân trọng những ý kiến của ông Kely Kelhofer, lãnh đạo thành phố cho rằng, các vấn đề mà IFC quan tâm như xây dựng thành phố xanh, xử lý rác thải, chất thải, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng… cũng là những thách thức mà thành phố đang quan tâm giải quyết. Thành phố mong muốn IFC hỗ trợ thành phố giải quyết các vấn đề đó thông qua hoạt động tư vấn dự án, giới thiệu kết nối các nhà đầu tư, triển khai và quản lý hiệu quả các dự án cụ thể.

Thay mặt đoàn công tác IFC, ông Kyle Kelhofer đánh giá cao ý nghĩa Bản ghi nhớ giữa thành phố và IFC đã ký, tạo cơ sở và tiền đề cho hai bên triển khai các hoạt động hợp tác hiệu quả; đồng thời cảm ơn các sở, ngành, đơn vị chức năng của thành phố đã tích cực cùng IFC triển khai những chương trình hợp tác giữa hai bên.

Ghi nhận tiến độ tích cực trong triển khai chương trình đánh giá tín nhiệm tín dụng của thành phố, ông Kyle Kelhofer khẳng định, việc đánh giá tín nhiệm tín dụng của thành phố là một hoạt động rất có ý nghĩa, thể hiện giá trị tín nhiệm của thành phố, giúp thành phố hướng đến việc phát hành trái phiếu tín dụng của mình và tiếp nhận những nguồn vốn cho phát triển từ nhà đầu tư không cần sự bảo lãnh của Chính phủ.

Bên cạnh đó, IFC cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ thành phố trong việc triển khai các dự án hợp tác công tư (PPP), để chứng minh Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh có thể tận dụng những kinh nghiệm quốc tế để thu hút đa dạng các nguồn tài chính cho quá trình đầu tư phát triển.

Đánh giá cao sự phát triển năng động của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Kyle Kelhofer nhấn mạnh, IFC có đủ nguồn nhân lực có kinh nghiệm để hỗ trợ thành phố xây dựng các công trình xanh. IFC mong muốn những thành công của Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực sử dụng PPP, huy động tài chính từ tín nhiệm tài chính hay xây dựng công trình đô thị xanh, sẽ trở thành hình mẫu phát triển cho các đô thị lớn của Việt Nam và cả châu Á./.

Nguồn: TTXVN

 

Ngày 19/6

29/ Thương viện Mỹ thông qua luật áp đặt lệnh cấm đối với hãng điện tử ZTE

Ngày 18/6, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia, mở đường áp dụng lệnh cấm đối với tập đoàn điện tử viễn thông khổng lồ Trung Quốc ZTE.

Dự luật quốc phòng trên đã được thông qua với tỷ lệ phiếu 85-10, và sẽ còn chờ Hạ viện xem xét thông qua trước khi chuyển sang Nhà Trắng để Tổng thống Trump ký bán hành luật.

Các nhà lập pháp Mỹ coi ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia và lo ngại các sản phẩm điện tử viễn thông của hãng này có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp Mỹ và thực hiện các cuộc tấn công trên mạng.

Tháng Tư vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành lệnh cấm bảy năm đối với các công ty Mỹ đang kinh doanh với ZTE, nhưng đến táng 5, Tổng thống Trump cho biết ông đang làm việc để cứu cho ZTE khỏi bị phá sản.

Trong dự Luật vừa được thông qua có một điều khoản cấm các cơ quan công quyền Mỹ mua hoặc trợ cấp cho các thiết bị từ ZTE và một tập đoàn viễn thông Trung Quốc khác là Huawei./.

Nguồn: Vietnam+

 

Ngày 28/6

30/ Phát triển kinh tế số: Việt Nam vẫn thiếu chiến lược tầm quốc gia

Các khảo sát cho thấy, mặc dù đã có những văn bản hướng dẫn, nhưng thực tế vẫn còn nằm rải rác và chưa có một Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số.

Kinh tế số được xác định là một trong những trụ cột tất yếu và có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho mỗi quốc gia trong trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhiều giải pháp công nghệ trong các lĩnh vực được ra đời, mang lại những lợi ích to lớn mà các giai đoạn trước không có được.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng: “Kinh tế số đang tạo ra những xu hướng mới và nhu cầu mới. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng, khai thác tối đa lợi ích và chuẩn bị tốt nhất đối với những thay đổi cần thiết để xây dựng kinh tế số trong thời gian tới”, ông Hưng nói.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho hay, phát triển kinh tế số không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam.

Lĩnh vực này đặc biệt vì nó diễn ra quá nhanh và tác động quá lớn nên rất nhiều quốc gia bắt tay vào xây dựng định hướng và chiến lược phát triển chung, dù trước đây họ chưa có ý tưởng phát triển kinh tế số.

“Nhu cầu phát triển của xã hội, thị trường và nền kinh tế đang buộc chúng ta cần thiết phải nhanh chóng có định hướng, chiến lược cho phát triển kinh tế số của Việt Nam”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, cùng với nhiều chính sách khác, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chú trọng xây dựng nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh…

Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có định hướng, nhưng các định hướng này còn rời rạc trên các văn bản khác nhau và chưa có định hướng, chiến lược chung Quốc gia.

Do vậy, việc xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh nhằm tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là một nhiệm vụ cấp thiết.

Ông Hải cho rằng: “Nhiệm vụ của chúng ta là kết nối các định hướng lại thành bức tranh tổng thể cho phát triển kinh tế số Việt Nam và tiếp tục hoàn thiện nó, tạo sự kết nối để có sức mạnh cộng hưởng của tất cả các định hướng này”.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, hiện có tới 53% dân số Việt Nam kết nối Internet, 131% dân số sử dụng hệ thống viễn thông…

Doanh số thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ qua các năm phát triển nhanh và mạnh với mức tăng trưởng trung bình 25%/năm. Năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, 2016 đạt 5,1 tỷ USD, năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD và dự kiến năm 2020 đạt 10 tỷ USD.

Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam phát triển KTS. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thành công còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

“Khi xây dựng Đề án phát triển kinh tế số, định hướng chiến lược chung Quốc gia, chúng tôi khá khó khăn khi tìm cách tiếp cận.

Rất nhiều nội dung đã được thảo luận như các nhóm về pháp lý, công nghệ, hạ tầng, nhưng khi xem lại các vấn đề thì thấy rằng, nếu nhóm ra các nhóm như vậy sẽ không giải quyết được vì mỗi nhóm vấn đề sẽ liên quan đến nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp khác nhau”.

Vì vậy, trước mắt cách tiếp cận là đưa ra các nhóm vấn đề trực diện nhất để phối hợp triển khai là: nhóm hạ tầng cơ sở và thể chế, nhóm công nghệ, nhóm thanh toán…; trong đó nhóm thanh toán là vấn đề rất lớn vì nó đang kìm hãm sự phát triển kinh tế số…

Tuy nhiên, nhóm vấn đề về nhân lực là quan trọng nhất và cần giải quyết cấp bách”, ông Hải cho hay.

Từ kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế số mà Diễn đàn Kinh tế Thế gới (WEF) đã tham khảo tại Đan Mạch, bà Kelly Ommundsen, Trưởng nhóm cộng đồng, Sáng kiến Kinh tế số và Hệ thống xã hội WEF khuyến cáo, Việt Nam phát triển kinh tế số không chỉ dừng lại ở từng cá nhân, quốc gia mà phải đánh giá trên tổng thể vai trò của cả khu vực.

Ví như đánh giá tổng thể xu hướng phát triển kinh tế số của ASEAN như thế nào để đặt Việt Nam trong bối cảnh chung đó thì mới xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế số hiệu quả.

Tuy nhiên, điều quan trọng để xây dựng chiến lược kinh tế số thành công thì Việt Nam phải kết nối được các Bộ, ngành trong tổng thể hệ thống…/.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

 

Tin tiếng Việt trên tbt-mocst.vn

từ tháng 7-8/2018 (Phạm Thị Băng Tâm)

Ngày 16/7

31/ Chiến tranh thương mại khi nào kết thúc?

Quan sát những diễn biến được gọi là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước, đặc biệt là đợt thuế đánh lên hàng hóa của nhau mới tuần trước giữa Mỹ và Trung Quốc, người ta có thể rút ra hai kết luận sơ khởi. Mỹ là nước khơi mào cuộc chiến và Mỹ cũng sẽ là nước hoặc chủ động hoặc bị đẩy vào thế phải kết thúc. Vấn đề là khi nào?

Trước hết chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhằm tìm lại công bằng cho thương mại giữa Mỹ với các nước – theo cách ông ta hiểu. Điều đó có nghĩa nước nào muốn bán hàng cho Mỹ phải mua hàng của Mỹ cho tương đương; bán nhiều hơn mua (tức Mỹ chịu thâm hụt mậu dịch) là không xong. Để giải quyết sự “bất công” Trump chủ trương áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nước muốn trừng phạt để họ vừa bán hàng không được và dân Mỹ quay sang mua hàng rẻ hơn của doanh nghiệp Mỹ. Chính vì thế Trump từng tuyên bố, chiến tranh thương mại dễ thắng lắm!

Cách hiểu thương mại quốc tế hiện đại như thế có nhiều lỗ hổng mà chúng ta sẽ bàn sau, nhưng trước mắt đã khiến Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm ngoái, rồi năm nay bắt đầu đánh thuế trừng phạt lên nhiều mặt hàng, không phải công bố một lần rồi thôi mà hết mặt hàng này đến mặt hàng khác, hết nước này đến nước khác trong khi để mở khả năng thương lượng để tự các nước hạn chế lượng hàng bán vào Mỹ. Đầu tiên là thuế mang tính trừng phạt đánh lên máy giặt và tấm pin mặt trời. Sau đó là thuế nhôm, thép và đến cuối tuần trước sắc thuế 25% đánh lên lượng hàng hóa trị giá 34 tỉ đô la Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, như ti vi màn hình phẳng, linh kiện máy bay và dụng cụ y tế bắt đầu có hiệu lực.

Hiện nay là giai đoạn Tổng thống Donald Trump khuếch trương những thắng lợi ban đầu trên truyền thông như nhờ thuế nhập khẩu máy giặt tăng lên 20% mà hãng Whirlpool của Mỹ bán được hàng, tuyển thêm công nhân, giá cổ phiếu tăng. Tuy nhiên, tin tốt lành kiểu đó không nhiều trong khi Trump ngày càng gặp phải sự trả đũa của các đối tác ngoại thương, sự chống đối của giới kinh tế gia trong nước và sự thua thiệt của các doanh nghiệp Mỹ bị tác động xấu bởi các đợt thuế.

Điểm yếu nhất trong chính sách dùng thuế để tạo lợi thế trong ngoại thương, theo nhà kinh tế Paul Krugman viết trên tờ New York Times, nằm ở chỗ, khác với thập niên 1960 khi hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng hóa đã hoàn chỉnh như xe hơi, hàng hóa giao thương ngày nay chủ yếu là hàng trung gian, được dùng làm đầu vào để sản xuất hàng nội địa. Cho nên Mỹ càng đánh thuế lên hàng nhập khẩu thì càng gây khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ trong khi nền kinh tế hưởng lợi không được bao nhiêu.

Krugman đưa ra ví dụ: đánh thuế lên linh kiện ô tô nhập khẩu thì doanh nghiệp sản xuất linh kiện Mỹ sẽ bán được nhiều hàng hơn nên có thể thuê mướn thêm công nhân. Nhưng do giá linh kiện nói chung tăng nên sẽ gây khó khăn cho những nơi sử dụng linh kiện để làm ra hàng của chính họ nên sẽ phải tinh giảm hoạt động, sa thải công nhân.

Đợt thuế đầu năm 2018 đánh lên máy giặt là hàng hóa tiêu dùng nên giá máy giặt tăng, máy giặt Whirlpool của Mỹ bán chạy nhưng đáng tiếc cho đến nay 95% thuế mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng trung gian hay máy móc, trang thiết bị nên nếu Mỹ gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc một thì lại tạo ra những bài toán đau đầu cho doanh nghiệp Mỹ đến bội lần. Ngược lại phía Trung Quốc rất khôn; không những tập trung đánh thuế vào hàng tiêu dùng, nếu có áp thuế lên linh kiện hay nông sản thì chủ yếu là hàng xuất khẩu của các tiểu bang đang ủng hộ Trump.

Hay lấy một ví dụ khác, thuế đánh lên thép và nhôm nhập khẩu được một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ dự báo sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất hai mặt hàng này ở Mỹ mở rộng sản xuất, thuê mướn thêm 25.000 công nhân trong vòng ba năm tới. Nhưng cũng chính tổ chức này dự báo cứ thêm một công việc trong ngành nhôm thép thì sẽ có 16 công việc trong các ngành sản xuất có sử dụng nhôm thép bị mất đi, tính ra Mỹ sẽ mất 400.000 chỗ làm do thuế nhôm thép.

Một trường hợp điển hình là hãng sản xuất mô tô nổi tiếng Harley-Davidson. Biểu tượng của nền sản xuất Mỹ buộc phải tuyên bố sẽ chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi Mỹ để tránh mức thuế trừng phạt mà EU áp lên mô tô nhập khẩu của hãng này để trả đũa các sắc thuế của Trump. Họ tính toán rất cụ thể: thuế nhập khẩu xe tăng từ 6% lên 31% thì giá thành xe sẽ tăng chừng 2.200 đô la Mỹ mỗi chiếc. Nếu không tăng giá bán thì mỗi năm hãng sẽ lỗ chừng 100 triệu đô la; chi bằng chuyển qua làm xe ở Thái Lan, chẳng hạn.

Cách hiểu đơn giản hóa ngoại thương hiện đại của Trump cũng chưa tính đến những đặc điểm liên lập của các chuỗi sản xuất quốc tế. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu của Đại học Syracuse trong lĩnh vực máy tính và sản phẩm điện tử, các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc cung cấp đến 87% hàng hóa bị ảnh hưởng bởi thuế của Trump trong khi các doanh nghiệp thuần túy Trung Quốc chỉ cung cấp 13% sản phẩm. Hay một khảo sát khác của Fed chi nhánh San Francisco cho biết cứ một đô la chi ra để mua hàng “làm tại Trung Quốc” thì cũng có đến 55 xu chi ra cho các ngành dịch vụ liên quan cung ứng ngay tại Mỹ.

Cứ tưởng dưới áp lực của công luận và giới kinh doanh, Mỹ sẽ nhanh chóng thay đổi chính sách để chấm dứt cuộc chiến thương mại mà phần thắng không chắc chắn, phần thua thì đã rõ. Nhưng nên nhớ, thuế gây ồn ào là thế nhưng tổng cộng các mặt hàng bị ảnh hưởng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cán cân ngoại thương của Mỹ cũng như của các nước liên quan. Cộng hết các mức thuế trả đũa mà Trung Quốc và các nước khác dọa sẽ áp lên hàng Mỹ, lượng hàng bị tác động đến nay chừng 75 tỉ đôla Mỹ, một con số rất nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào năm ngoái là 1.550 tỉ đô la.

Hiện nay tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang xuống mức thấp nhất, các doanh nghiệp đang tuyển dụng, Trump đang tự hào nước Mỹ hiện vĩ đại hơn bao giờ hết nên không có lý do gì để Trump xuống thang trong thương mại.

Chỉ có điều, cuộc chiến tranh thương mại, do các phân tích nói trên, sẽ không mở rộng quy mô thêm nữa để thế giới bước vào giai đoạn “không có chiến tranh thương mại cũng không có ngoại thương trong hòa bình”.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Ngày 18/7

32/ Phát triển thị trường nội địa để giảm rủi ro

“Chiến tranh thương mại” là cụm từ được nhắc đến nhiều trong dòng thời sự những ngày qua. Tại cuộc họp giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cũng đã có  báo cáo Thủ tướng về dự báo những ảnh hưởng của việc Mỹ và Trung Quốc chính thức áp thuế nhập khẩu 25% trên 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của nhau mỗi năm tới Việt Nam.

Lãnh đạo ngành công thương cho rằng, việc Mỹ đánh thuế hàng hóa của Trung Quốc bắt đầu từ tuần qua có thể dẫn tới nguy cơ các sản phẩm được sản xuất tại thị trường đông dân nhất thế giới, trong đó có các mặt hàng mà Việt Nam chưa phòng vệ thương mại như da giày, dệt may, đồ gỗ… tràn vào nước ta.

Việc các nước tăng cường áp dụng biện pháp bảo hộ khiến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, thách thức đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là hiện hữu và nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng nên có thể bị ảnh hưởng từ các biến động kinh tế thế giới. Điểm khó trong cuộc chiến này là không ai biết nó sẽ kết thúc khi nào và do đó khó có thể đưa ra dự báo chuẩn xác để xây dựng chiến lược, kế sách ứng phó. Một số chuyên gia cho rằng mức độ ảnh hưởng, tác động cụ thể ra sao phải chờ thêm thời gian và cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ “vừa tích cực, vừa tiêu cực” đối với Việt Nam.

Sự dịch chuyển nhà máy sản xuất của các công ty từ Trung Quốc sang các quốc gia khác để tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang là xu hướng. Căng thẳng về thương mại Mỹ – Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm đầu tư từ Mỹ và là cú hích để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn.

Dẫu vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rủi ro bởi Mỹ và Trung Quốc cũng là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nên căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn chắc chắn tác động tới nước ta.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng những biện pháp bảo hộ, trả đũa qua lại nhau giữa các nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, nhất là về lâu dài. Ông lo lắng nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu nhiều hơn từ Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại này, khi hàng hoá nước này khó vào Mỹ, và chuyển hướng sang các thị trường khác. Rủi ro này được ông Lộc quan ngại, khi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ 2017. Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ khó khăn hơn khi một phần hàng hoá của nước láng giềng ở phía Bắc lẽ ra xuất khẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa.
Quay trở lại với cuộc họp giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm ngàng công thương, giải pháp ứng phó trước mắt của Việt Nam, theo người đứng đầu Cục Xuất nhập khẩu, là thực hiện đồng thời ba giải pháp như tổ chức tốt nguồn hàng; củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu và khâu tổ chức xuất khẩu.

Trên thực tế, tổ chức tốt nguồn hàng và củng cố, mở rộng thị trường cũng là những giải pháp mang tính căn cơ trước nay về phát triển thị trường nội địa. Và, trong mối lo ngại của các cơ quan quản lý nhà nước về việc hàng Trung Quốc sắp tới sẽ tràn vào Việt Nam mạnh mẽ thì những giải pháp về phát triển thị trường nội địa, quan tâm và chú trọng phục vụ người tiêu dùng trong nước càng cần phải được ưu tiên và triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

 

Ngày 20/7

33/ Các nước CPTPP bắt đầu đàm phán gia nhập cho các thành viên mới

Kyodo đưa tin ngày 19/7, các trưởng đoàn đàm phán thuộc 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhất trí khởi động tiến trình đàm phán gia nhập cho các thành viên tiềm năng mới vào năm 2019, sau khi hiệp định thương mại tự do này có hiệu lực.

Trong hai ngày nhóm họp từ ngày 18/7 ở khu nghỉ dưỡng Hakone gần thủ đô Tokyo, các nhà đàm phán kiểm tra tiến độ thực hiện các thủ tục trong nước để thông qua hiệp định, và thảo luận việc mở rộng trong tương lai khuôn khổ Hiệp định này.

Phát biểu với báo giới sau phiên họp, ông Kazuhisa Shibuya, quan chức cấp cao trong chính phủ Nhật Bản phụ trách CPTPP cho biết: “Chúng ta cần sớm khởi động các thủ tục sau khi hiệp định có hiệu lực.”

Theo ông, trưởng đoàn đàm phán của 11 nước thành viên Hiệp định có thể sẽ gặp nhau lần nữa trong trước cuối năm nay.

CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nước thành viên hoàn tất các thủ tục trong nước.

Mexico và Nhật Bản đã kết thúc quá trình phê chuẩn, trong khi 4 nước gồm Singapore, New Zealand, Australia và Việt Nam, có khả năng sẽ kết thúc quá trình này vào cuối năm nay.

Thái Lan, Indonesia, Colombia, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) được cho là sẵn sàng gia nhập TPP sửa đổi.

Anh, quốc gia quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc tham gia hiệp định này./.

Nguồn: TTXVN/ Việt Nam Plus

 

Ngày 23/7

34/ Mỹ: G7 nghiêm túc thực hiện đề xuất dỡ bỏ hàng rào thương mại

Ngày 22/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố các cường quốc công nghiệp thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đang triển khai nghiêm túc lời kêu gọi của ông yêu cầu các nước này dỡ bỏ thuế, hàng rào phi thuế quan và trợ cấp, đồng thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy vấn đề này trong các cuộc đàm phán sắp tới với ban lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu với báo giới sau khi hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết thúc, Bộ trưởng Mnuchin cho biết lập trường thương mại của Tổng thống Trump không phải là chính sách bảo hộ, mà là nền thương mại tự do và công bằng cho Mỹ.

Ông Mnuchin nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ ý tưởng rằng thương mại rất quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, nhưng điều đó cần phải diễn ra công bằng và có đi có lại.”

Ngoài ra, Bộ trưởng Mnuchin cũng cho hay ông không có các cuộc thảo luận riêng biệt với các quan chức Trung Quốc về thương mại tại hội nghị G20.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, bất cứ khi nào Trung Quốc muốn đàm phán về những thay đổi có ý nghĩa đối với các giao dịch thương mại, phía Mỹ luôn sẵn sàng.

Ông cũng cho rằng thương mại không phải là vấn đề trọng tâm tại các cuộc thảo luận G20, đồng thời trấn an các nhà đầu tư rằng không nên lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ.

Trước đó, trong thông cáo báo chí được đưa ra cuối hội nghị G20 diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, các Bộ trưởng Tài chính G20 cảnh báo rằng “những căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng” đã gây ra nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, các bộ trưởng còn nhấn mạnh “sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hành động nhằm giảm nhẹ các nguy cơ và tăng cường lòng tin.”

Trong thông cáo báo chí, các bộ trưởng G20 đã miêu tả mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay là “ổn”, song lưu ý rằng “về ngắn và trung hạn”, các nguy cơ đối với tăng trưởng sẽ “tăng.”

Những nguy cơ này bao gồm tình trạng tài chính ngày càng dễ bị tổn thương, các căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng, mất cân bằng toàn cầu, tăng trưởng bấp bênh và yếu về cấu trúc, đặc biệt ở một số nền kinh tế tiên tiến./.

Nguồn: TTXVN/ Việt Nam Plus

 

35/ G20: Căng thẳng thương mại gây rủi ro cho tăng trưởng toàn cầu

Ngày 22/7, trong thông cáo báo chí được đưa ra cuối hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, các Bộ trưởng Tài chính G20 đã cảnh báo rằng “những căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng” đã gây ra nguy cơ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng còn nhấn mạnh “sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hành động nhằm giảm nhẹ các nguy cơ và tăng cường lòng tin.”

Trong thông cáo báo chí, các bộ trưởng G20 đã miêu tả mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay là “ổn” song lưu ý rằng “về ngắn và trung hạn” các nguy cơ đối với tăng trưởng sẽ “tăng.”

Những nguy cơ này bao gồm tình trạng tài chính ngày càng dễ bị tổn thương, các căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng, mất cân bằng toàn cầu, tăng trưởng bấp bênh và yếu về cấu trúc, đặc biệt ở một số nền kinh tế tiên tiến.

Các bộ trưởng đã tái khẳng định những kết luận từ các nhà lãnh đạo G20 tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra Hamburg, Đức tháng Bảy năm ngoái, khi nhấn mạnh rằng thương mại là một động cơ tăng trưởng toàn cầu và tái khẳng định tầm quan trọng của các hiệp định thương mại đa phương.

Thông cáo báo chí có đoạn: “Chúng tôi… thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và các hành động nhằm giảm nhẹ nguy cơ và tăng cường lòng tin. Chúng tôi sẽ phối hợp nhằm tăng cường sự đóng góp của thương mại cho các nền kinh tế nước mình.”

Thông cáo báo chí cũng tái khẳng định các cam kết từ hội nghị cấp bộ trưởng tài chính G20 diễn ra tháng 3 vừa qua nhằm hạn chế sự phá giá cạnh tranh có thể có tác động bất lợi đến sự ổn định tài chính toàn cầu.

Phản ứng trước thông cáo báo chí trên, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã phát biểu phản đối tình trạng áp đặt thuế đáp trả nhau gần đây, đồng thời kêu gọi “giải quyết các xung đột thương mại thông qua sự hợp tác quốc tế mà không phải viện tới các biện pháp ngoại lệ”./.

Nguồn: TTXVN/ Việt Nam Plus

 

36/ Tiến trình đàm phán NAFTA vẫn khả quan bất chấp chính sách thuế mới của Mỹ

Các Bộ trưởng Tài chính của Mexico và Canada ngày 22/7 đã bày tỏ sự lạc quan về tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ.

Các Bộ trưởng Tài chính của Mexico và Canada ngày 22/7 đã bày tỏ sự lạc quan về tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ, ngay cả khi căng thẳng thương mại do việc áp thuế của Mỹ gây ra đã chi phối Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại Argentina vào cuối tuần trước.

Bộ trưởng Tài chính Mexico, Jose Antonio Gonzalez Anaya, cho biết, hiện vẫn còn một số vấn đề của NAFTA chưa được khép lại, song việc tái đàm phán có thể được hoàn tất trước khi ông Andres Manuel Lopez Obrador nhậm chức Tổng thống Mexico vào ngày 1/12.

Hiện Mexico đã sẵn sàng nhượng bộ, chấp nhận tăng đáng kể các tiêu chuẩn lao động và tiền lương cho công nhân trong lĩnh vực ô tô – vấn đề mà cả Canada và Mỹ đang thúc đẩy.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Canada, Bill Morneau, cho hay, ông cảm nhận được “sự lạc quan” từ người đồng cấp Mỹ Steven Mnuchin về việc xúc tiến NAFTA.

Ngoài ra, Bộ trưởng Mnuchin cũng đã đảm bảo với ông Morneau rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn nỗ lực duy trì một thỏa thuận ba bên bất chấp đề nghị của ông Trump triển khai các thỏa thuận song phương riêng rẽ.

Đại sứ Canada tại Mỹ, David MacNaughton, mới đây thông báo, vòng tái đàm phán NAFTA mới sẽ tiếp tục trong vài tuần tới, đồng thời cho biết một thỏa thuận mới về ô tô có thể mở khóa cho các cuộc tái đàm phán vốn bị dừng lại từ cuối tháng Năm vừa qua.

Tại một cuộc họp báo sau khi Hội nghị Bộ trưởng tài chính G20 kết thúc, ông Mnuchin đã bày tỏ hy vọng rằng sẽ đạt được NAFTA trong tương lai gần.

Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đe dọa rút Mỹ khỏi NAFTA vốn đã tồn tại hơn 20 năm trước khi chính thức yêu cầu đàm phán sửa đổi và nâng cấp nội dung hiệp định.

Dù các quan chức tham gia đàm phán đã nỗ lực để đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử Tổng thống Mexico ngày 1/7, nhưng những yêu cầu “khó” của phía Mỹ như tăng lượng ô tô thuộc diện miễn thuế đã cản trở đáng kể tiến trình này.

Hoạt động đàm phán càng thêm bế tắc sau khi Mỹ tuyên bố áp dụng các biện pháp áp thuế nhập khẩu nhôm và thép mới với nhiều đối tác thương mại, trong đó có cả Canada và Mexico, và vấp phải những biện pháp đáp trả của các nước này.

Nguồn: Bnews

 

Ngày 25/7

37/ Liên minh Thái Bình Dương kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 13 của Liên minh Thái Bình Dương (PA) – gồm các nước Peru, Chile, Colombia và Mexico – đã khai mạc ngày 23/7 tại thành phố cảng Puerto Vallarta của Mexico, với lời kêu gọi tăng cường hội nhập và thúc đẩy thương mại tự do, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto nhấn mạnh PA là một trong những mô hình tiêu biểu về hội nhập khu vực trên thế giới với mục tiêu thúc đẩy khả năng cạnh tranh khu vực, sự hòa nhập xã hội, khắc phục tình trạng bất bình đẳng và tăng cường đoàn kết giữa các nước thành viên.

Tại hội nghị lần này, các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục thảo luận về các mục tiêu của Tầm nhìn chiến lược 2030 của khối nhằm đạt được sự hội nhập cao hơn và mang tính toàn cầu hơn, trong đó miễn thuế 100% đối với hàng hóa lưu thông trong khối.

PA cũng đặt mục tiêu đa dạng hóa quan hệ và hợp tác với các khối kinh tế trên toàn cầu như Liên minh châu Âu (EU), khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đại diện các nước thành viên thống nhất tăng cường thị trường nội khối, hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và xem xét sự tiến bộ trong đàm phán với 4 nước ứng cử viên trở thành đối tác của liên minh gồm Australia, Canada, New Zealand và Singapore.

Với việc chuyển đổi Australia, Canada, New Zealand và Singapore sang quy chế các nước đối tác và công nhận thêm Croatia, Slovenia và Litva là các nước quan sát viên, PA hiện có 55 nước quan sát viên.

Thành lập vào tháng 4/2011, PA là một thị trường với 230 triệu người tiêu dùng, chiếm 57% kim ngạch ngoại thương, 38% tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và 36% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Mỹ Latinh./.

Nguồn: TTXVN/ Việt Nam Plus

 

38/ Cuộc chiến thương mại: Mối đe dọa hay nước cờ của Donald Trump?

Những căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các nước, đặc biệt là Trung Quốc ngày càng tăng cao khi chỉ còn vài tháng nữa là tới cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các thị trường chao đảo khi ông tuyên bố sẽ áp mức thuế lên tới 500 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, bất chấp các hậu quả có thể kéo theo cả về kinh tế và chính trị. Phát biểu với CNBC, ông Trump nói: “Tôi sẽ không làm điều này vì các mục đích chính trị. Tôi làm vì những điều đúng cho đất nước của chúng ta”.

Rủi ro trước bầu cử giữa kỳ

Các nhà phân tích thị trường, các chuyên gia công nghiệp, các nhà kinh tế trưởng đều cảnh báo, những hậu quả về kinh tế từ chính sách thuế của ông Trump sẽ chỉ căng thẳng thêm trong những tháng tới và nó có thể lên đến đỉnh điểm trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ.

“Chúng ta đã thấy những lời phàn nàn từ các công ty. Và đến thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ, chúng ta sẽ nghe thêm nhiều lời phàn nàn từ các thống đốc, các thị trưởng, các thành viên Quốc hội về chi phí giá cả tăng, cùng nhiều vấn đề khác”, Carlos Gutierrez, Bộ trưởng Thương mại dưới thời Tổng thống George W. Bush nói với Politico.

Sẽ phải mất nhiều tháng để hầu hết người tiêu dùng cảm nhận được tác động của các chính sách thuế mà ông Trump đang và dự định sẽ áp dụng. Càng đến gần cuộc bầu cử, người tiêu dùng sẽ càng thấy rõ tất cả mọi thứ từ hàng tạp phẩm đến các thiết bị dụng cụ bắt đầu tăng giá đối với các nhà bán lẻ lớn trên khắp nước Mỹ.

Tất nhiên, Đảng Dân chủ sẽ không bỏ qua cơ hội sử dụng chính vấn đề này như một lá bài chính trị nhằm giành lại thế kiểm soát trong Quốc hội trước đảng Cộng hòa.

Vì “Nước Mỹ trước tiên”?

Tổng thống Trump nói rằng ông đơn giản chỉ thực hiện những gì mà mình đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, đó là “thẳng tay” với các đối tác thương mại, thậm chí là các đồng minh thân thiết và đặt “Nước Mỹ trước tiên”.

Từ tháng 3/2018, ông đã áp thuế đối với hầu hết các sản phẩm thép và alumin nhập khẩu, và đặc biệt, áp mức thuế 34 tỷ USD đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Đổi lại các nước cũng đã có sự đáp trả tương xứng với mọi mặt hàng từ nông sản của Mỹ, rượu whisky bourbon Kentucky tới xe Harley-Davidson.

Ông Trump và đảng Cộng hòa của ông có thể sẽ sớm đối mặt với những hậu quả khi các công ty trong những tháng tới bắt đầu báo cáo về doanh thu giảm, đánh giá lại chuỗi cung cấp của mình, thậm chí xem xét lại các khoản đầu tư. Theo các chuyên gia, tất cả những yếu tố này sẽ tác động trực tiếp tới nền kinh tế, dẫn tới sự giảm tốc, thậm chí là suy giảm kinh tế Mỹ.

Một phân tích mới từ Tax Foundation cho thấy, nếu tất cả các chính sách thuế đang được đề xuất hiện nay có hiệu lực, nó sẽ khiến GDP lâu dài của Mỹ giảm khoảng 0,47% – tương đương 118 tỷ USD – trong dài hạn và có thể làm mất hơn 364.000 việc làm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng đã cảnh báo, căng thẳng thương mại có thể khiến sản lượng toàn cầu giảm 400 tỷ USD đến năm 2020 và Mỹ “đặc biệt dễ tổn thương” đối với những tác động của sự giảm tốc toàn cầu.

Người tiêu dùng Mỹ cũng là nạn nhân

Giá cả tăng sẽ thay đổi theo sản phẩm từ quy mô vài cent một thùng bia cho tới 6.000 USD cho một chiếc xe ô tô, nếu chính quyền Mỹ thực hiện các chính sách thuế đặc biệt đối với xe ô tô mà nước này đã đe dọa.

Ngay cả nếu ông Trunp không thực hiện các biện pháp thuế bổ sung nào, thì những gì mà ông Trump từng tuyên bố sẽ vẫn gây ra sự bất ổn. Nó sẽ khiến một số công ty bắt đầu “thu hồi” các khoản đầu tư về nghiên cứu và phát triển. Họ sợ rằng nếu họ phát triển sản phẩm cho các thị trường nước ngoài, thì các thị trường này có thể sẽ không thể tiếp cận được với họ trong 6 tháng hoặc 1 năm.

Lĩnh vực nông nghiệp lại đặc biệt “dễ tổn thương”: các nước như Mexico đã bắt đầu đa dạng hóa các thị trường nhập khẩu của mình bằng cách mua thêm ngũ cốc và đậu nành từ Brazil thay vì Mỹ.

“Nếu những căng thẳng hiện nay leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, thì những nạn nhân vô tội chính là người tiêu dùng Mỹ. Đó là điều mà chúng ta muốn tránh”, Matthew Shay, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Hiệp hội bán lẻ quốc gia (National Retail Federation) cho biết.

Mối đe dọa hay nước cờ?

Theo cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông Trump vẫn có sự ủng hộ nhất định về vấn đề thuế quan. Khoảng 73% các cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa hoặc có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa phản hồi trong cuộc khảo sát của Pew Research tuần trước rằng, họ cảm thấy tăng thuế sẽ có lợi cho nước Mỹ.

Trong khi đó, 77% cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ lại cảm thấy điều ngược lại.

Tuy nhiên, kết quả tổng quan thì không được tích cực như vậy. Có tới 49% số người tham gia khảo sát cho rằng, các chính sách thuế mà ông Trump muốn áp dụng là điều tồi tệ đối với nước Mỹ, tăng 4 điểm % so với cuộc khảo sát tương tự hồi tháng 5.

Nếu những căng thẳng thương mại hiện nay leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, thì đây có thể sẽ là vết trượt chính trị lớn của Tổng thống Donald Trump cũng như đảng Cộng hòa, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới.

Đảng Dân chủ cố chỉ ra một nền kinh tế Mỹ đang bị những chính sách của ông Trump tàn phá. Còn Nhà Trắng thì phản bác rằng, những lợi ích về lâu dài của nước Mỹ là đáng để đánh đổi.

Khó mà nhận định được những chính sách thương mại, thuế quan mà ông Trump theo đuổi sẽ thành công hay thất bại. Cần lưu ý rằng, chính slogan “Nước Mỹ trước tiên” đã giúp ông Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Trump không phải là một chính trị gia kỳ cựu. Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, người ta biết đến Donald Trump là một tỷ phú. Tỷ phú có thể là thước đo cho một doanh nhân thành công, nhưng nó có đảm bảo sự thành công trong chính sách kinh tế, thương mại hay thuế quan của một Tổng thống hay không, thì thời gian sẽ cho ta câu trả lời./.

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp

39/ Tổng thống Trump muốn EU và Mỹ dỡ bỏ thuế thương mại nhằm vào nhau

Sputniknews đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/7 đã đề xuất với Liên minh châu Âu (EU) hủy bỏ toàn bộ “thuế, rào cản và trợ giá” của hai bên để tạo ra thương mại công bằng.

Trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump viết: “Ngày mai (lãnh đạo) EU sẽ đến Washington để thương lượng một thỏa thuận về thương mại. Tôi có một ý tưởng cho họ. Cả Mỹ và EU bỏ tất cả thuế, rào cản và trợ giá. Điều đó cuối cùng sẽ được gọi là thị trường tự do và thương mại tự do.”

Tổng thống Trump sẽ tổ chức cuộc đàm phán thương mại với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker trong ngày 25/7.

Phát biểu họp báo cùng ngày 24/7, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan đã bày tỏ hy vọng những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU sẽ kết thúc bằng việc cả hai bên giảm bớt các rào cản thương mại.

Quan hệ thương mại Mỹ-EU trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Trump áp mức thuế cao lên các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu hồi tháng Sáu.

Đáp lại, EU đã áp đặt những rào cản riêng đối với các mặt hàng của Mỹ sau khi ông Trump dỡ bỏ sắc lệnh miễn trừ các mức thuế cao này dành cho EU./.

Nguồn: Việt Nam Plus

 

40/ Tranh cãi thương mại: ai đúng, ai sai?

Chiến tranh thương mại đã dẫn tới những tranh cãi không ngớt về những khái niệm cơ bản trong ngoại thương. Nguyên do là bởi những chính sách liên quan hiện nay của chính quyền ông Donald Trump đều ít nhiều xuất phát từ cách hiểu những khái niệm này.

Thâm hụt thương mại – xấu hay bình thường?

Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump rất ghét thâm hụt mậu dịch. Ông tuyên bố, mỗi năm Mỹ “mất” 800 tỉ đô la, “không phải nửa triệu hay 12 xu, mỗi năm chúng ta thiệt mất 800 tỉ đô la trong thương mại”. Phần “mất” lớn nhất là rót cho Trung Quốc, mỗi năm, theo ông, chừng 500 tỉ đô la mặc dù con số chính thức thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá 375 tỉ đô la/năm. Từ lâu quan điểm của ông Trump về thâm hụt thương mại cho đây là điều xấu, gây cản trở cho tăng trưởng kinh tế; giảm thâm hụt sẽ tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ và thuế là công cụ tốt nhất để san bằng thâm hụt.

Hầu hết các nhà kinh tế trên thế giới đều không cho khoản thâm hụt thương mại là “mất”, không ai nghĩ thâm hụt thương mại là thiệt hại. Sự khác biệt giữa xuất và nhập chỉ là thước đo lượng hàng hóa và dịch vụ dịch chuyển qua biên giới, nó có thể phản ánh nhiều yếu tố vĩ mô như xu hướng đầu tư nước ngoài, tỷ giá và mức độ tăng trưởng GDP khác nhau.

Lấy ví dụ Việt Nam, trong một thời gian dài, chịu thâm hụt thương mại khá lớn; ngoại tệ ở đâu ra để chúng ta đi mua hàng hóa của nước ngoài nhiều hơn hàng hóa xuất đi? Cán cân thanh toán của một nước chủ yếu gồm tài khoản vãng lai (chủ yếu là mua bán với nước ngoài) và tài khoản vốn (chủ yếu là đầu tư nước ngoài, vốn vay…). Thâm hụt thương mại làm tài khoản vãng lai bị hụt nhưng sẽ được bù đắp nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài rót vào tài khoản vốn.

Có thể lý giải: những năm thâm hụt là do các dự án đầu tư nước ngoài phải nhập đủ loại máy móc, thiết bị, nguyên liệu để triển khai. Đến nay thương mại có lúc thặng dư là bởi các dự án FDI đã đi vào hoạt động, đã có hàng bán ra nước ngoài. Vậy thâm hụt thương mại trong trường hợp này có gì là xấu và nay thặng dư cũng không có gì là mừng vì có thể xem đây là dấu hiệu đầu tư đã bão hòa!

Với Mỹ, do đồng tiền trong ngoại thương là đô la Mỹ nên càng có nhiều thuận lợi hơn nước khác trong việc bù đắp thâm hụt. Với Việt Nam hay các nước khác, để bù đắp cho thâm hụt phải trông cậy vào dòng vốn FDI nhưng Mỹ thì không cần. Thiếu tiền trong tài khoản vãng lai, họ chỉ việc bán trái phiếu để vay vốn giá rẻ khắp thế giới bù vào – tất cả đều tính bằng đô la Mỹ. Với các nước khác thâm hụt thương mại lâu dài có thể gây sức ép lên tỷ giá nhưng với Mỹ thì không, đâu có vấn đề tỷ giá đâu mà lo.

Thế nhưng đây cũng chính là lý do một số nhà kinh tế nói, với Mỹ, thâm hụt thương mại là dấu hiệu xấu: Mỹ đang vay của tương lai để mua của thế giới về ăn tiêu chứ không chịu đầu tư vào sản xuất. Với nước khác thâm hụt thương mại là sức ép để điều chỉnh nhằm tìm sự cân bằng còn Mỹ do không chịu sức ép nào nên cứ thoải mái nhập hàng từ khắp nơi chứ không chịu nâng mức tiết kiệm.

Thuế – vũ khí đắt giá?

Để giải quyết thâm hụt thương mại, chính quyền ông Trump cho rằng thuế là vũ khí hiệu quả nhất bởi nâng thuế nhập khẩu sẽ làm nản chí hàng nhập khẩu, khuyến khích dân chúng mua hàng nội địa. Các nhà kinh tế Mỹ lại cho rằng tỷ giá mới là yếu tố quan trọng nên trước đó Mỹ tìm cách ép Trung Quốc phải nâng giá đồng tiền họ lên, chứ không phải phá giá. Giá đồng tiền mạnh lên, người dân sẽ thấy mua hàng nhập khẩu có lợi hơn thì tự khắc vấn đề thâm hụt thương mại được giải quyết.

Thực tế cho thấy thuế và các hàng rào khác không có tác dụng gì lên thâm hụt hay thặng dư trong ngoại thương. Những nước có hàng rào thuế thấp nhất như Singapore hay Thụy Sỹ lại có thặng dư thương mại lớn trong khi những nước áp thuế cao như Brazil hay Ấn Độ lại bị thâm hụt mậu dịch.

Với một nước cụ thể, áp thuế lên 100 mặt hàng này thì nhập khẩu của 100 mặt hàng đó có thể giảm nhưng dân chúng lại chuyển qua nhập 100 mặt hàng khác, không có thuế nên cuối cùng về tổng thể, thuế sẽ không tạo ra sự thay đổi gì nhiều. Thuế nhắm vào một nước xuất khẩu nào đó có thể giảm kim ngạch mua bán với nước đó nhưng kim ngạch mua bán với nước khác sẽ tăng lên để bù vào. Còn áp thuế lên hết mọi mặt hàng, với mọi nước sẽ làm giảm cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu, tác động xấu lên năng suất và làm tăng lạm phát.

Mỹ nhập nhiều hơn Trung Quốc nên đủ “bài” để “tố”

Một lập luận cũng thường gặp nữa, lần này không xuất phát từ kinh tế gia của hai phe chống và ủng hộ Trump mà từ những người quan sát. Có người cho rằng do Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc nhập từ Mỹ (năm 2016, Mỹ bán qua Trung Quốc 115,6 tỉ đô la và mua từ Trung Quốc 462,6 tỉ đô la hàng hóa) nên Mỹ có thể đánh thuế lên 34 tỉ đô la hàng nhập rồi dọa đánh thêm 200 tỉ đô la nữa chứ Trung Quốc có trả đũa thì đánh đến 115,6 tỉ là hết. Với cán cân thương mại như thế Mỹ có thể dọa đánh thuế lên đến 462,6 tỉ đô la trị giá hàng hóa chứ không phải đùa.

Lập luận này nghe qua rất hợp lý và chính xác nhưng đã bỏ qua yếu tố thuế gây hại chính bản thân nước áp dụng như thế nào. Giả thử Mỹ đánh thuế trừng phạt lên mọi mặt hàng nhập từ Trung Quốc thì đúng là họ có lượng hàng nhiều hơn phía Trung Quốc đến 4 lần để dọa nhưng vì thế cũng sẽ chịu thiệt hại gián tiếp gấp 4 lần.

Trong đợt áp thuế đầu tiên, đến 95% hàng hóa nhập từ Trung Quốc là đầu vào của các ngành sản xuất khác ở Mỹ nên thuế tăng, tức giá thành đầu vào tăng sẽ gây khó khăn cho những nhà sản xuất này. Còn tính chung toàn bộ hàng nhập khẩu thì có đến 60% là hàng trung gian cho nên thuế sẽ tác động trực tiếp lên hàng loạt doanh nghiệp Mỹ, từ đó tác động xấu lên công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, áp thuế lên hàng hóa của nhau thì người tiêu dùng cả hai bên đều bị thiệt thòi nhưng tiêu dùng Mỹ thiệt thòi gần 4 lần tiêu dùng Trung Quốc. Nhìn từ phía xuất khẩu, đúng là nhà xuất khẩu Trung Quốc chịu nhiều sức ép hơn nhưng chỉ cần Trung Quốc phá giá đồng tiền của nước họ để tìm lại sức cạnh tranh cho hàng hóa thì coi như hóa giải vũ khí thuế của Mỹ.

Một yếu tố khác, quan trọng hơn là trong tổng số 462,6 tỉ đô la hàng hóa mà Mỹ mua của Trung Quốc vào năm 2016 chỉ có một tỷ trọng nhỏ là hàng thuần Trung Quốc, còn lại là hàng của các nước khác đang sản xuất tại Trung Quốc để bán đi khắp thế giới như điện thoại iPhone của chính nước Mỹ. Áp thuế như vậy khác nào bắn vào chân mình.

Với cuộc tranh cãi về các khái niệm cơ bản trong ngoại thương, rất khó phân định ai đúng ai sai. Mới nhìn qua thì hầu như mọi kinh tế gia có tiếng đều chê bai chính sách của ông Trump nhưng cũng có người nói, lập luận theo cách hiểu truyền thống đã kéo dài hàng chục năm nay, kéo theo hàng triệu công nhân Mỹ mất việc. Nay Trump có thể nói sai lý thuyết nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang xuống mức thấp nhất, tăng trưởng GDP lại cao nhất thì lý giải như thế nào?

Thực tế cho thấy sau khi Mỹ dọa đánh thuế lên thêm 200 tỉ đô la hàng hóa nữa thì phía Trung Quốc giữ thái độ im lặng, dè chừng chứ không tuyên bố trả đũa ngay nữa. Có thể họ đang tìm cách hạn chế thiệt hại, đã hiển hiện trên thị trường chứng khoán, tỷ giá và xu hướng dòng vốn chuyển đi nơi khác.

Có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới biết rốt cuộc ai đúng ai sai hay đúng ra, ai có thần kinh thép cứng hơn đối thủ trong cuộc đối đầu này.

Biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ sản xuất Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể leo thang thì việc chuẩn bị một kịch bản ứng phó cũng là điều nên làm với Việt Nam (VN). TBKTSG ghi nhận ý kiến của chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt.

1. Sửa soạn các động tác thích hợp khi có tình trạng khẩn cấp

Các luật thương mại đều cho phép quốc gia bảo vệ thị trường của mình khi đối tác hoặc vi phạm hiệp định WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) hoặc trường hợp khẩn cấp bảo vệ sản xuất nội địa, đưa ra các biện pháp tạm thời để tự bảo vệ mình. WTO có điều khoản về trường hợp có thể có biện pháp đáp trả trong ba trường hợp khi:

Nước đối tác bán phá giá hàng dư thừa dưới giá bán ở nước họ. •

Nước đối tác bù lỗ sản xuất. •

Nước chủ nhà cần có biện pháp khẩn cấp tạm thời hạn chế nhập khẩu nhằm • bảo vệ sản xuất nội địa. (https://www.wto.org/english/thewto_e/whatis_e/tif_e/agrm8_e.htm)

Các vấn đề tranh chấp khác như bù lỗ sản xuất, phá giá hàng hóa có thể phải thông qua trao đổi giữa hai nước và xét xử của WTO, trừ trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu như có cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ và nếu như Trung Quốc (TQ) tuồn hàng sang Việt Nam để tiêu thụ hàng bị ế, do không thể xuất sang Mỹ hoặc do Mỹ đánh thuế nhập khẩu cao hàng hóa có mác TQ nên cần dùng mác Việt Nam để xuất, thì đó là tình trạng khẩn cấp cho phép Việt Nam có biện pháp khẩn cấp để bảo vệ sản xuất của nước mình. Vấn đề là xác định khi nào điều này xảy ra.

2. Nên coi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và TQ là tình trạng khẩn cấp. Trước khi hành động, phải báo cho phía TQ và WTO lý do có chứng cớ thống kê đầy đủ.

3. Ra lệnh hoặc ra luật cấm hẳn các công ty VN (hoặc đăng ký ở VN) nhập sắt thép hay hàng hóa tương tự để dùng mác VN xuất sang nước khác. Vi phạm có thể bị phạt nặng và đi tù, kể cả đóng cửa hãng. Điều này cần biện pháp khẩn cấp.

4. Xác định tình trạng phá giá tuồn hàng bằng cách tăng cường công tác thống kê hải quan, nhằm theo dõi đơn giá và lượng từng mặt hàng từng tuần.

Nếu biết rõ Trung Quốc giảm giá, cần phải đánh thuế nhập tương đương với mức giảm giá. Như vậy ngành thống kê hải quan phải xem xét kỹ lưỡng hai thứ. Lượng từng loại mặt hàng nhập vào và đơn giá của những mặt hàng hàng ấy. Thí dụ, nếu giá giảm 5% và lượng tăng 5% trong một tháng thì phải sẵn sàng hành động.

5. Biện pháp đối sách cần sửa soạn, công bố rộng rãi và áp dụng trong trường hợp khẩn cấp khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chính thức xảy ra.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

 

41/ Cơ chế một cửa nhưng vẫn phải đảm bảo chống gian lận thương mại

Sáng 24/7, hội nghị toàn quốc chuyên đề về “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại” đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban chỉ đạo quốc gia 1899) cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.

Đây là Hội nghị nằm trong chuỗi các hội nghị chuyên đề như hội nghị toàn quốc về logistics, thúc đẩy xuất khẩu, các hội nghị liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4…, với “mẫu số chung” là thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, tìm kiếm giải pháp cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động vận tải và thương mại; phục vụ tốt hơn, thực chất hơn cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiết kiệm hàng trăm triệu USD 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đánh giá các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực và thực hiện được một khối lượng công việc lớn liên quan đến thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành.

Tính trung bình, chi phí thông quan cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Tính tới cuối năm 2017, tiết kiệm được 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ đối với hàng nhập khẩu.

Theo Bộ Tài chính, hiện có 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.

Về cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 10/06, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là 28.509 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 14.392 C/O.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính. Doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Tuy nhiên, việc các bộ, ngành triển khai thực hiện các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia chưa phải là cao (53 thủ tục) trong khi mục tiêu đến cuối năm là khá lớn (143 thủ tục).

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất.

Khi thực hiện một số thủ tục vẫn ở tình trạng “nửa vời,” bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy. Thậm chí, trong khi thực hiện, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp.

Năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu.

Tạo thuận lợi nhưng vẫn cần chống gian lận thương mại 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế với mục tiêu vào nhóm đầu ASEAN, hướng đến tiêu chuẩn OECD.

“Ngành nào chưa làm tốt, phải làm tốt hơn, địa phương nào chưa cải cách mạnh hơn cho hội nhập, tạo thuận lợi thương mại thì phải rà lại, xem lại để quán triệt chủ trương quan trọng này,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Từ các ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị Ủy ban 1899 chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến tại Hội nghị, nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện 2 dự thảo văn bản nêu trên, tạo nền tảng pháp lý thúc đẩy cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại tốt hơn nữa, nhanh hơn nữa.

Theo đó, trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động trong tháng 8/2018 và trình Chính phủ ban hành Nghị định trong tháng 9/2018. Đây được xem là sản phẩm quan trọng của Hội nghị.

Trong Nghị định và Kế hoạch hành động, phải đề xuất cải cách mang tính đột phá sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, đặc biệt công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để tháo gỡ các tồn tại, bất cập, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế và khu vực. Đây chính là động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến yêu cầu bên cạnh tạo thuận lợi thương mại, cần phải kiểm soát, chống gian lận thương mại, buôn lậu, bảo vệ sức khỏe người dân, kể cả hàng xuất và hàng nhập.

Do đó, không thể thiếu chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận thương mại.

Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao Ủy ban chỉ đạo quốc gia 1899, các cấp, các ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng, chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề quan trọng để triển khai các nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng biểu dương sự cố gắng tích cực của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) với tư cách vừa là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia 1899 đã có đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Cùng với Bộ Tài chính, Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương sự quyết tâm của các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế trong việc phối hợp với Bộ Tài chính triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đối với Bộ, ngành mình được giao.

Bộ, ngành nào không được biểu dương hôm nay tức là bộ, ngành đó còn gây phiền hà cho sản xuất, kinh doanh, chưa thực hiện tốt chủ trương mà Chính phủ giao cho các ngành, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp phải cộng tác chung tay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ thúc đẩy phát triển và tăng trưởng bền vững, đặc biệt thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 19 của Chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh, không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa. Phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15% nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).

Các Bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch hành động nêu trên để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành “không ôm giữ ở bộ, ngành mình những điều kiện không cần thiết để giải phóng sức sản xuất.”

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Ủy ban 1899, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thường xuyên quan tâm chỉ đạo, giám sát việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trên địa bàn địa phương mình.

Thủ tướng mong muốn, Việt Nam phải là nơi thực thi tốt những cam kết quốc tế. Đến Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch có môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất để mọi người cảm thấy thoải mái, thuận lợi như về nhà mình.

Thủ tướng kỳ vọng sau Hội nghị này sẽ có chuyển biến mới về thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại./.

Nguồn: TTXVN/ Việt Nam Plus

 

Ngày 27/7

42/ Thủ tướng: Tạo thuận lợi để ký kết Hiệp định EVFTA vào cuối năm nay

Sáng 26/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu, đang thăm làm việc tại Việt Nam. 

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Chủ tịch Bernd Lange thăm Việt Nam và cho biết đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Đoàn Ủy ban Thương mại quốc tế – Nghị viện châu Âu, giải quyết các vấn đề tồn đọng, thúc đẩy các biện pháp hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU cũng như sớm ký kết EVFTA.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng về quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam-EU thời gian qua, nhất là trong hợp tác thương mại và đầu tư với mức tăng trưởng cao. Các doanh nghiệp EU đều có kết quả kinh doanh thuận lợi hiệu quả tại Việt Nam.

Đánh giá cao uy tín, vai trò và sự hỗ trợ của Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết, trong công cuộc đẩy mạnh cải cách hành chính tại Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng luôn lắng nghe các ý kiến tư vấn của cơ quan này.

Chủ tịch INTA Bernd Lange nhấn mạnh chuyến công tác lần này nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-EU. Ông Bernd Lange chúc mừng Việt Nam về những kết quả tích cực của nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, nhất là mức tăng trên 7% nửa đầu năm nay.

Chủ tịch INTA cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có vai trò tích cực trong thu hút đầu tư, không chỉ tạo sự ổn định mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho cả hai bên. Cho biết các văn kiện của Hiệp định này đang được các cơ quan chức năng Việt Nam và EU hoàn tất, ông Bernd Lange cho rằng, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình này để sớm ký kết vào cuối năm nay.

Cùng với đó, hai bên cần thúc đẩy việc tuyên truyền, giúp các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao nhận thức về Hiệp định, các cơ hội và lợi ích có thể mang lại từ Hiệp định này, từ đó có những biện pháp chủ động tham gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác với EU. Bên cạnh Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA) đã đưa vào thực thi, Thủ tướng cho rằng, việc hai bên ký kết Hiệp định thương mại tự do thời gian tới sẽ là dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ hai bên lên một tầm cao mới.

Thủ tướng cho rằng, cả Việt Nam và EU đều tin tưởng Hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao sẽ mang lại lợi ích thiết thực nhất cho doanh nghiệp và người dân hai bên.

Cảm ơn ông Bernd Lange nói riêng cũng như Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và các cơ quan liên quan đã luôn quan tâm, tạo thuận lợi cho việc đàm phán Hiệp định EVFTA, Thủ tướng cho rằng đây là thời cơ vàng để hai bên ký kết hiệp định và mong muốn hai bên sẽ tiếp tục phối hợp, tạo thuận lợi để ký kết Hiệp định vào cuối năm nay./.

Nguồn: TTXVN/ Việt Nam Plus 

43/ WTO: Chủ nghĩa bảo hộ gây phương hại lớn đến kinh tế toàn cầu

Ngày 25/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo cảnh báo những hậu quả lớn của các biện pháp đáp trả bằng thuế quan giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới dù chưa nhìn thấy ngay song sẽ xảy đến trong tương lai và phương hại kinh tế toàn cầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc, ông Azevedo bày tỏ quan ngại rằng những hàng rào thương mại có thể trở thành một trạng thái “bình thường mới” trong quan hệ thương mại quốc tế. Điều này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có lời đáp khẩn cấp.

Những tuyên bố của Tổng Giám đốc WTO được đưa ra trong bối cảnh 164 quốc gia thành viên WTO vừa công bố một báo cáo cho hay các biện pháp hạn chế thương mại đang gia tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Azevedo nhấn mạnh tác động tiêu cực của các biện pháp ngăn cản tự do thương mại đang được áp dụng dù chưa thấy được ngay song sẽ tới.

Báo cáo của WTO cho biết trong giai đoạn từ giữa tháng 10/2017 đến giữa tháng 5/2018, các nước thành viên WTO đã áp đặt 75 biện pháp hạn chế thương mại mới, tức trung bình mỗi tháng có 11 biện pháp được đưa ra. Con số này của giai đoạn cùng kỳ 2016-2017 là 9.

Hiện WTO cũng đang đối mặt với sức ép cải tổ khi những quy định của tổ chức này đã không còn đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn thương mại thế giới đã thay đổi nhanh chóng./.

Nguồn: TTXVN/ Việt Nam Plus

 

Ngày 03/8

44/ Sau những hàng rào thương mại, Australia cân nhắc kiện Ấn Độ lên WTO

Tân Hoa xã đưa tin Chính phủ Australia đang cân nhắc khởi kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về những hàng rào thương mại do Ấn Độ đặt ra.

Phát biểu tại một hội nghị Ngành Ngũ cốc Australia hôm 1/8, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo mô tả một loạt mức thuế nhập khẩu thương mại do Ấn Độ áp đặt là “những diễn biến rất đáng thất vọng.”

Ông Ciobo nhấn mạnh Chính phủ Australia quyết tâm bảo vệ nông dân nước này.

Ông Ciobo nói: “Trong cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ, tôi đã nhấn mạnh rằng Australia đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm đang gia tăng của Ấn Độ. Tuy nhiên các nhà xuất khẩu Australia cũng mong muốn một sự đảm bảo để có thể tăng cường đầu tư nhằm mở rộng và gia tăng xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.”

“Mặc dù một số hoạt động thương mại diễn ra trong khuôn khổ các quy định của WTO, song vẫn có những nghi ngờ về các biện pháp khác và chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với… các đối tác thương mại bị ảnh hưởng nhằm đánh giá triển vọng của một vụ kiện thành công,” ông Ciobo nói thêm./.

Nguồn: Việt Nam Plus

 

Ngày 08/8

45/ Mỹ yêu cầu WTO cho phép trừng phạt thương mại với Indonesia

Mỹ đã yêu cầu WTO cho phép Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với Indonesia sau khi WTO ra phán quyết nghiêng về phía Mỹ trong một tranh chấp thương mại.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 6/8, Mỹ đã yêu cầu WTO cho phép Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với Indonesia sau khi WTO ra phán quyết nghiêng về phía Mỹ trong một tranh chấp thương mại với “quốc gia vạn đảo”.

Năm ngoái, cả Mỹ và New Zealand đều “thắng” trong vụ kiện lên WTO về việc Indonesia đưa ra các quy định giới hạn nhập khẩu đối với thực phẩm, trái cây, thịt bò và các sản phẩm gia súc, gia cầm… Sau đó, Indonesia cũng thua khi kháng cáo.

Trong một thông báo, Mỹ cho biết Indonesia đã không thực hiện phán quyết của WTO, do đó Washington đang theo đuổi các biện pháp trừng phạt để lấy tiền bồi thường thiệt hại cho phía Mỹ.

Theo một ước tính và phân tích sơ bộ, chính sách giới hạn nhập khẩu của Jakarta đã khiến các doanh nghiệp Mỹ thiệt hại tới 350 triệu USD trong năm 2017.

Tuy nhiên, Oke Nurwan, một quan chức của Bộ Thương mại Indonesia, khẳng định nước này đã thực thi phán quyết của WTO và những quy định về nhập khẩu thực phẩm của Indonesia đã được điều chỉnh.

Thông thường tiến trình đòi bồi thường cần mất nhiều năm và hiện “quốc gia vạn đảo” đang vận động hành lang để Mỹ đưa quốc gia này vào danh sách các nước được hưởng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), dự kiến sẽ giúp giảm thuế cho lượng hàng hóa xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD của Indonesia.

Hồi tháng Bảy, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita cho biết sẽ nước này sẽ hạ hàng rào thương mại đối với mặt hàng táo Mỹ như một phần trong nỗ lực để thương lượng về GSP với Washington.

Trong khi đó, tin tức cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/8 tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ áp đặt với Iran là “các biện pháp hà khắc nhất từ trước đến nay”.

Ông Trump nêu rõ đến tháng 11 tới các biện pháp này sẽ được nâng lên một mức khác, đồng thời nhấn mạnh “bất kỳ ai làm ăn với Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ”.

Trước đó ngày 6/8, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp, theo đó áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký giữa Tehran và nhóm P5+1.

Sắc lệnh nêu rõ chính sách của Washington là “gây sức ép tối đa về kinh tế” đối với Iran. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn để ngỏ khả năng đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran đồng thời sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran “bất kỳ lúc nào”.

Phản ứng về động thái trên của Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng ngày 6/8 tuyên bố Iran sẽ khiến Mỹ phải “hối tiếc” vì đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với nước cộng hòa Hồi giáo này.

Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước, nhà lãnh đạo Iran cho rằng đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump đàm phán trực tiếp với Tehran là một “chiêu trò” và chỉ nhằm gây chia rẽ ở Iran.

Ông Rouhani nhấn mạnh việc “đàm phán trong khi áp đặt trừng phạt không có ý nghĩa gì”, đồng thời cho rằng chính quyền Mỹ “không đáng tin cậy để tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào”./.

Nguồn: Bnews (theo Reuters)

 

Ngày 22/8

46/ Việt Nam thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đối với máy kéo dùng trong nông nghiệp

Ngày 05/7/2018, Việt Nam thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đối với máy kéo dùng trong nông nghiệp. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu về quản lý đảm bảo an toàn đối với máy kéo dùng trong nông nghiệp được phân loại theo nhóm 01.2 TCVN 1266-0: 2001. Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối và kinh doanh các loại máy kéo dùng trong nông nghiệp,các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chứng nhận, đánh giá sự phù hợp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Mục đích của Dự thảo nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Thời gian dự kiến thông qua vào tháng 12/2018. Thời gian dự kiến có hiệu vào tháng 7/2019. Hạn cuối cùng để các nước thành tham gia góp ý kiến vào ngày 03/9/2018.

Mã thông báo: G/TBT/N/VNM/132

Nguồn:Trang tin Tổng cục TCĐCL

Ngày 23/8

47/ Việt Nam thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đối với máy cắt cỏ cầm tay dùng trong nông nghiệp

Ngày 05/7/2018, Việt Nam thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đối với máy cắt cỏ cầm tay dùng trong nông nghiệp. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu về quản lý đảm bảo an toàn đối với máy cắt cỏ cầm tay dùng trong nông nghiệp. Quy chuẩn này không áp dụng đối với cắt cỏ cầm tay nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước trước ngày quy chuẩn này có hiệu lực thi hành. Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối và kinh doanh các loại máy cắt cỏ cầm tay dùng trong nông nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chứng nhận, đánh giá sự phù hợp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Mục đích của Dự thảo nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng.Thời gian dự kiến thông qua vào tháng 12/2018. Thời gian dự kiến có hiệu vào tháng 7/2019. Hạn cuối cùng để các nước thành tham gia góp ý kiến vào 03/9/2018. Thông tin chi tiết của Dự thảo xem tại:

Mã thông báo: G/TBT/N/VNM/131

Nguồn:Trang tin Tổng cục TCĐCL

 

Ngày 27/8

48/ Thổ Nhĩ Kỳ khiếu nại Mỹ lên WTO phản đối tăng thuế nhập khẩu

Ngày 20/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phản đối việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang gia tăng với một loạt các biện pháp trừng phạt và trả đũa thương mại.

Thông báo trên website chính thức, WTO nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các biện pháp này (của Mỹ) mâu thuẫn với hàng loạt điều khoản của Thỏa thuận về bảo vệ của WTO và Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) 1994.”

Giai đoạn đầu tiên của tiến trình này là yêu cầu các cuộc tham vấn song phương để giải quyết tranh chấp. Việc này có thể mất nhiều năm nếu các thẩm phán thương mại của WTO tham gia.

Căng thẳng giữa Ankara và Washington bùng phát liên quan đến phiên tòa xét xử mục sư người Mỹ Andrew Brunson, bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc khủng bố và gián điệp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thả mục sư này, đồng thời ra lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu nhằm trả đũa Ankara.

Quyết định của Mỹ đã khiến đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ sụt giá gần 20% trong ngày 10/8. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đáp trả thông qua các lệnh trừng phạt đối với các hàng hóa của Mỹ./.

Nguồn: TTXVN/ Việt Nam Plus

Ngày 28/8

49/ Trung Quốc khiếu nại lên WTO quyết định tăng thuế của Mỹ

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 23/8 thông báo nước này đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan tới việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Trước đó, cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố hành động của Washington vi phạm các nguyên tắc của WTO.

Washington ngày 23/8 quyết định chính thức áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với khối lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc có tổng trị giá 16 tỷ USD, chính thức hoàn tất kế hoạch áp thuế đối với khối hàng hóa tổng trị giá 50 tỷ USD nhập từ Trung Quốc.

Phản ứng trước hành động của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng áp dụng biện pháp tương tự đối với khối lượng hàng hóa của Mỹ trị giá 16 tỷ USD.

Việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu mới đối với hàng hóa Trung Quốc diễn ra chỉ một ngày sau khi các nhà đàm phán thương mại hai nước bắt đầu cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày 22 và 23/8 tại thủ đô Washington./.

Nguồn: TTXVN/ Việt Nam Plus

 

Ngày 29/8

50/ Kỳ vọng hoàn tất đàm phán FTA giữa EU và Mercosur khó thành hiện thực

Sự khác biệt trong nhiều vấn đề then chốt giữa EU và Mercosur có thể khiến kỳ vọng hoàn tất đàm phán thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương vào tháng Chín tới khó thành hiện thực.

Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Aloysio Nunes ngày 24/8 cho biết sự khác biệt trong nhiều vấn đề then chốt giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) có thể khiến kỳ vọng hoàn tất đàm phán thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương vào tháng Chín tới khó thành hiện thực.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Nunes nói rằng hai bên chưa đi đến thống nhất trong các lĩnh vực như xuất khẩu thịt bò, đường và ngành công nghiệp ô tô. Ngoài ra, các vấn đề về sở hữu trí tuệ, quy tắc xuất xứ và dịch vụ vận tải biển cũng cần phải được giải quyết.

Theo ông Nunes, EU đã không phản ứng với những động thái của Mercosur như khối này đã kỳ vọng. Trước đó, Mercosur yêu cầu tăng thời gian chuyển tiếp cho việc nhập khẩu xe ô tô và phụ tùng ô tô của châu Âu từ 10 năm lên 15 năm để hạn chế phần nào những tác động lên ngành công nghiệp của khối này. Đổi lại, Mercosur đã cung cấp một hạn ngạch khá “hào phóng” cho hàng nhập khẩu từ châu Âu trong quá trình chuyển tiếp trên.

Tuy nhiên, việc EU từ chối có cách tiếp cận cởi mở hơn đối với một số mặt hàng thực phẩm xuất khẩu của Mercosur vẫn là một trở ngại chính trên con đường hoàn thành thỏa thuận FTA song phương. Thỏa thuận này được đàm phán kể từ năm 1995 đến nay và đã phải trải qua một thời gian dài bị trì hoãn.

Bộ trưởng Nunes cho biết rất khó để có thể thay đổi hạn ngạch nhập khẩu 99.000 tấn thịt bò của Mercosur do EU đề xuất, dù con số này thấp hơn mức mà EU đưa ra vào năm 2004. Nhưng Mercosur kiên quyết yêu cầu lượng thịt nhập khẩu nằm trong hạn ngạch nêu trên sẽ không phải chịu thuế.

Sản phẩm đường của Mercosur cũng gặp phải vấn đề tương tự. Ông Nunes cho hay tuy khối này sẽ có hạn ngạch xuất khẩu đường khoảng 150.000 tấn/năm vào EU, nhưng Mercosur vẫn phải trả mức thuế 98 euro cho mỗi tấn. Điều này khiến cho mặt hàng đường xuất khẩu của Mercosur càng khó cạnh tranh trên thị trường châu Âu.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Nunes cũng cho biết Brexit (chỉ việc nước Anh rời khỏi EU) sẽ không ảnh hưởng đến thỏa thuận giữa EU và Mercosur. Thậm chí, Brexit có thể trở thành cơ sở cho một cuộc đàm phán trong tương lai giữa khối này với Vương quốc Anh.

Kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ bị đóng băng sau chiến thắng của ông Donald Trump hồi năm 2016, EU đã tiến hành đàm phán một loạt các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, Mexico, và tiếp đến là Mercosur. Khi tính về vấn đề giảm thuế, FTA với Mercosur có thể là thỏa thuận có “hời” nhất của EU cho đến nay, với khoản thuế được cắt giảm có thể lớn gấp ba lần so với khoản đạt được trong các thỏa thuận với Canada và Nhật Bản cộng lại.

Nguồn: Bnews

 

51/ EU thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo sửa đổi Quy định (EC)

Ngày 17/7/2018, EU thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo sửa đổi Quy định (EC) số 889/2008 quy định chi tiết việc thi hành Quy định Hội đồng (EC) số 834/2007 về sản xuất và ghi nhãn sản phẩm hữu cơ được thông báo cho WTO mã thông báo G/TBT/N/EU/585.

Cụ thể, Dự thảo sẽ sửa đổi danh sách các nguyên liệu đầu vào được phép sử dụng để sản xuất sản phẩm hữu cơ.  Quy định sẽ thông qua vào cuối tháng 9/2018 và sẽ có hiệu lực sau 20 ngày kể từ ngày đăng trên Công báo của EU. Hạn cuối cùng để các nước thành viên tham gia góp ý kiến vào 15/9/2018.

Thông tin chi tiết của Dự thảo xem tại:

https://members.wto.org/crnattachments/2018/TBT/EEC/18_3810_01_e.pdf

Mã thông báo: G/TBT/N/EU/585

Nguồn:Trang tin Tổng cục TCĐCL

 

52/ Hàn Quốc thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật đối với trạm sạc dành cho xe điện

Ngày 29/6/2018, Hàn Quốc thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật đối với trạm sạc dành cho xe điện. Dự thảo này quy định các thông số kỹ thuật, phương pháp thử nghiệm, các yêu cầu đối với việc phê chuẩn loại trạm sạc. Mục đích của dự thảo nhằm ngăn chặn các hành vi lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng. Chưa xác định thời gian dự kiến thông qua và thời gian dự kiến có hiệu lực. Các nước thành viên WTO có 60 ngày kể từ ngày thông báo để tham gia góp ý kiến

Thông tin chi tiết của Dự thảo xem tại:

ttps://members.wto.org/crnattachments/2018/TBT/KOR/18_3355_00_x.pdf

Mã thông báo: G/TBT/N/KOR/781

Nguồn:Trang tin Tổng cục TCĐCL

 

53/ Trung Quốc thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo sửa đổi số 3 Tiêu chuẩn quốc gia của xi măng portland nói chung

Ngày 10/7/2018, Trung Quốc thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo sửa đổi số 3 Tiêu chuẩn quốc gia của xi măng portland nói chung. Cụ thể sẽ hủy bỏ lớp 32.5R của xi măng Portland tổng hợp. Mục đích của dự thảo nhằm ngăn chặn các hành vi lừa đảo và bảo vệ người tiêu dùng. Thời gian dự kiến thông qua sau 90 ngày kể từ ngày thông báo cho Ban thư ký WTO. Thời gian dự kiến có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày thông qua. Hạn cuối cùng để các nước thành viên WTO tham gia góp ý kiến vào ngày 08/9/201. Thông tin chi tiết của Dự
thảo xem tại:

https://members.wto.org/crnattachments/2018/TBT/CHN/18_3692_00_x.pdf

Mã thông báo: G/TBT/N/CHN/1278

Nguồn:Trang tin Tổng cục TCĐCL

 

54/ Nhật Bản thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo Tổng quan về các sửa đổi đối với tiêu chuẩn nông nghiệp của Nhật Bản về thực vật hữu cơ, thực phẩm chế biến hữu cơ và chăn nuôi hữu cơ

Ngày 04/7/2018, Nhật Bản thông báo cho các nước thành viên WTO về việc đưa ra Dự thảo Tổng quan về các sửa đổi đối với tiêu chuẩn nông nghiệp của Nhật Bản về thực vật hữu cơ, thực phẩm chế biến hữu cơ và chăn nuôi hữu cơ. Cụ thể, Điều 5 sẽ được sửa đổi, các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đang áp dụng tiêu chuẩn tự nguyện tại thời điểm hiện tại, tuy nhiên sẽ xem xét thực hiện áp dụng tiêu chuẩn bắt buộc đối với các sản phẩm này. Mục đích của Dự thảo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Chưa xác định thời gian dự kiến thông qua và thời gian dự kiến có
hiệu lực. Hạn cuối cùng để các nước thành viên WTO tham gia góp ý kiến là ngày 03/9/2018. Thông tin chi tiết của Dự thảo xem tại:

https://members.wto.org/crnattachments/2018/TBT/JPN/18_3480_03_e.pdf

Mã thông báo: G/TBT/N/JPN/603

 

Ngày 31/8

55/ Gần 6.000 cơ quan hành chính nhà nước áp dụng TCVN ISO 9001:2008

Hoạt động triển khai xây dựng và áp dụng TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước được các địa phương triển khai mạnh mẽ, trong đó các Chi cục TCĐLCL đóng vai trò thúc đẩy hoạt động này.

Triển khai thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước (Quyết định 19), UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục lập kế hoạch và triển khai thực hiện Quyết định 19. Sở KH&CN và Chi cục đã đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện Quyết định này.

Thông tin từ Vụ Hợp chuẩn Hợp quy – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho thấy, các tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch triển khai xây dựng và áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 theo Quyết định 19.

Theo số liệu 50/63 Chi cục gửi về, tổng số các cơ quan thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 là 2.170, trong đó số cơ quan đã công bố áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 là 2.106, số cơ quan đang xây dựng, áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 là 59, số cơ quan chưa xây dựng, áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 là 5.

Ngoài các cơ quan thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008, các tỉnh, thành phố đã thực hiện xây dựng, áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 cho các cơ quan thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng. Đến nay, số lượng cơ quan thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng đã công bố áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 là 3.794.

ISO 9001:2008, các tỉnh, thành phố địa phương đã tiến hành kiểm tra hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn (kiểm tra tại trụ sở cơ quan và kiểm tra thông qua báo cáo)… Theo số liệu 50/63 Chi cục gửi về, đến nay các Chi cục TCĐLCL (Chi cục) đã tiến hành kiểm tra tại 2.428 cơ quan, trong đó có các một số đơn vị đã tiến hành kiểm tra 100% các cơ quan đã công bố áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 như Ninh Thuận.

Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số các đơn vị đã xây dựng, áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 đều thực hiện tốt việc duy trì HTQLCL, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những điểm không phù hợp, cụ thể: một số cơ quan đã xây dựng, áp dụng và được chứng nhận HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 nhưng không thực hiện duy trì hoặc duy trì ở mức độ hình thức; chưa thực hiện thường xuyên việc rà soát, sửa đổi thủ tục hành chính, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật vào HTQLCL; chưa thực hiện việc niêm yết quyết định công bố, bản công bố, danh mục thủ tục hành chính, các quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả… Nguyên nhân của những điểm không phù hợp này là do cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ đa số là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi; sự thay đổi của một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quy trình được xây dựng, áp dụng; việc đánh giá nội bộ còn mang tính hình thức, nội dung và chất lượng đánh giá còn hạn chế…

Hiện nay, một số Chi cục đã tham mưu cấp có thẩm quyền đưa hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì HTQLCL là một trong các tiêu chí chấm điểm thi đua giữa các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương (Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương …). Đây được xem là một giải pháp hữu hiệu để tăng tính hiệu lực và hiệu quả của hoạt động xây dựng và áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 vào các cơ quan hành chính nhà nước.

Hiện nay Bộ KH&CN đã công bố TCVN ISO 9001:2015 thay thế TCVN ISO 9001:2008.

Triển khai thực hiện lộ trình chuyển đổi áp dụng, các Chi cục đã và đang nghiên cứu để triển khai chuyển đổi áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 một cách tích cực.

Một số Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch chuyển đổi; gửi văn bản hướng dẫn lộ trình, kế hoạch chuyển đổi đến các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh, thành phố (Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Bắc Kạn…); xây dựng kế hoạch tập huấn chuyển đổi áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 cho các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Phú Yên…). Trong đó đáng lưu ý là tỉnh Trà Vinh đã sớm tiến hành chuyển đổi từ năm 2017; đến nay toàn tỉnh có 139 cơ quan hành chính và đơn vị đã xây dựng, cải tiến, chuyển đổi và áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015.

Bên cạnh việc triển khai áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 theo cách “truyền thống”, một số Chi cục đã xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 (ISO điện tử) trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước (TP. Hồ Chính Minh, Cà Mau, Long An..). Việc ứng dụng công nghệ thông tin này sẽ giúp các hoạt động ISO của cơ quan đã áp dụng được thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian cũng như công sức làm việc của đội ngũ cán bộ, chuyên viên phụ trách quản lý ISO.

Có thể nói, việc triển khai áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008, TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động cơ quan hành chính nhà nước đã xây dựng được các quy trình giải quyết công việc một cách khoa học; từng bước cải tiến phương pháp làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho từng cán bộ, công chức, phòng, ban giải quyết công việc thông suốt, kịp thời hiệu quả; hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực có thể xảy ra trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; góp phần tích cực trong việc thực hiện cơ chế “một cửa; một cửa liên thông” theo quy định của Chính phủ, đồng thời là công cụ hỗ trợ đắc lực phục vụ công tác cải cách hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn:Tổng cục TCĐLCL Việt Nam

 

56/ Đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh

Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ. Cuộc họp nhằm phân tích, đánh giá kết quả sau một năm rưỡi triển khai chương trình hành động của Chính phủ (tại Nghị quyết 27/NQ-CP) thực hiện các Nghị quyết 05 của T.Ư, Nghị quyết 24 của Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên BCĐ nhấn mạnh đến một số yếu tố mang tính động lực mới cho tăng trưởng, đó là đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo. Và điều quan trọng là các định hướng này phải được cụ thể hóa để đi vào cuộc sống.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những tồn tại về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện nay kìm hãm thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, vấn đề thể chế thị trường về yếu tố sản xuất chậm phát triển. Theo Thủ tướng, nguyên lý của tái cơ cấu nền kinh tế là phải phát huy vai trò của cả Nhà nước và cả thị trường. Thị trường phải có sức mạnh tự thân có thể tái cơ cấu nền kinh tế một cách tự nhiên. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tạo sự lành mạnh và đồng bộ, liên thông giữa các loại thị trường.

Về nhiệm vụ tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, động lực  để thực hiện tái cơ cấu là vai trò của thể chế, chính sách và pháp luật. Thứ hai là vai trò động lực của kinh tế tư nhân. Vai trò động lực của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do. “Không có thị trường mới trong tình trạng sản xuất của Việt Nam dư thừa thế này thì không thể phát triển được”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò động lực của khoa học công nghệ mà nền tảng là giáo dục đào tạo, đặc biệt là chiến lược 4.0.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, “phải xác định đây là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương”. Từ đó cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện thực chất, hiệu quả hơn, để tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Thủ tướng nhấn mạnh đây cũng là yếu tố quyết định nền kinh tế nước ta bước vào quỹ đạo phát triển bền vững, tránh tụt hậu.

Thủ tướng yêu cầu BCĐ tích cực hơn, đôn đốc phối hợp với các bộ, ngành, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn để tái cơ cấu đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn. Thủ tướng giao Bộ Công Thương cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm, thương hiệu mạnh, cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Nguồn: Báo Công an nhân dân

 

57/ Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban. Ủy viên Thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Các Ủy viên gồm: Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.

Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

Đồng thời, cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thành lập Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban (Tổ công tác) đặt tại Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ủy ban làm Tổ trưởng; Tổ phó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ.

Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, cơ quan: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo và chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT và một số chuyên gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong nước và quốc tế. Trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Văn phòng Chính phủ làm nhiệm vụ thường trực của Tổ công tác. Các thành viên của Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Quyết định 1072/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/8/2018 và thay thế Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 15/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin và Quyết định số 1075/QĐ-TTg ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 15/1/2014 về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.

Căn cứ Quyết định này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử của Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban.

Nguồn: cổng thông tin điện tử chính phủ

 

58/ Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường

Với mục tiêu chung phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp; Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp ; Xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường, thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường

Đề án phấn đấu đến năm 2025, sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); Thống nhất chung định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp bộ ngành, địa phương; Phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 10.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 50.000 doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; Triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 1000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường

Đến năm 2030 sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp; Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 20.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 100.000 doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân;  Ap dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 2000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Đề án sẽ tiến hành đổi mới, sửa đổi chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa….

Xem toàn văn tại đây

Nguồn:Tổng cục TCĐLCL Việt Nam

 

59/ Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Giải pháp hạn chế vấn nạn hàng giả

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, hiện nay truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Một khi vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hoá được xây dựng thành nếp quản lý tốt thì sẽ giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa có vai trò quan trọng

Tại Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại’, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói riêng và đời sống xã hội toàn dân nói chung.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc, chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành nghề cụ thể.

Cũng theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, yêu cầu mới của thị trường ngày càng đưa ra những điều kiện rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hoá như EU, Úc, Niu Di-lân, Trung Quốc trong cả sản xuất và thương mại. Điều này đã đưa yêu cầu truy xuất hàng hóa lên một tầm cao mới. Đối với Việt Nam, truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã góp phần thay đổi toàn diện tư duy quản lý liên quan đến sản xuất công nghiệp và thương mại.

“Đáp ứng được những yêu cầu khắt khe đó, chúng ta không những đẩy mạnh được giá trị các mặt hàng xuất khẩu mà còn phục vụ hữu ích cho công tác quản lý của các Bộ, ngành”, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.

Thứ trưởng khẳng định, một khi vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hoá được xây dựng thành nếp quản lý tốt thì sẽ giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái và cũng sẽ tạo cơ hội lớn cho việc ứng dụng các công nghệ số, công nghệ blockchain cũng như hình thành hàng loạt các công nghệ ứng dụng khác.

Cách mạng 4.0 sẽ đẩy truy xuất nguồn gốc thành xu thế thời đại

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thị Phương Ninh, Tổng Giám đốc Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải (COFIDEC) cho hay, truy xuất nguồn gốc là yếu tố nền tảng quan trọng để tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn để từ đó hình thành sự an tâm, tin tưởng và trung thành của khách hàng nhập khẩu với các sản phẩm và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Ninh, vấn đề truy xuất nguồn gốc hiện tại là tính trung thực của dữ liệu vẫn chưa được đảm bảo toàn diện trong quá trình vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc. Nguyên nhân nằm ở thời điểm phát sinh dữ liệu và ghi nhận diễn ra không đồng thời và cách thức lưu trữ truyền thống bằng hồ sơ nên dễ phát sinh sự nhầm lẫn, thay đổi thông tin. Hệ quả là các khách hàng nhập khẩu lẫn doanh nghiệp trong nước phải tiêu tốn rất nhiều công sức và tài chính để kiểm soát hệ thống truy xuất nguồn gốc truyền thống.

Trong khi đó, ông Lê Đại Dương – Giám đốc Công ty iShopgo cũng cho rằng, hiện cuộc cách mạng 4.0 đã bùng nổ với nhiều công nghệ tiên tiến và tính ứng dụng thực tiễn cao như công nghệ đám mây, blockchain. Do đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc nói riêng và mọi mặt của đời sống nói chung sẽ trở thành xu thế thời đại.

Cũng theo ông Dương, truy xuất nguồn gốc không phải dán tem đơn thuần mà cần phải quản lý được toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm. Phải hỗ trợ được giao thương, xuất nhập khẩu và buôn bán trao đổi thông tin thương mại. Bên cạnh đó, phải tạo được hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, đảm bảo thị trường lành mạnh, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

“Cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa và quy định bắt buộc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang lưu thông trên thị trường”, ông Dương kiến nghị.

Nguồn: vnmedia.vn

 

60/ Truy xuất nguồn gốc hàng hóa tạo thuận lợi thương mại

Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới song đã và đang được triển khai nhanh chóng.  Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại với sự tham gia của hơn 400 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm.

Hiện nay, truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói riêng và đời sống xã hội toàn dân nói chung.

Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới song đã và đang được triển khai nhanh chóng. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc, chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.

Do đó, Hội thảo diễn ra góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức để tận dụng tốt các cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của Việt Nam. Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp đối với hoạt động này để có hình thức quản lý phù hợp.

Hội thảo tập trung trao đổi về những yêu cầu và sự cần thiết của truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nội địa và xuất khẩu. Thực tế ứng dụng truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp. Liên kết hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Phiên thứ hai thảo luận các vấn đề xoay quanh truy xuất nguồn gốc góp phần tạo thuận lợi thương mại giữa các chuyên gia và đại biểu tham dự.

Thông qua việc chia sẻ, trao đổi và thảo luận từ các chuyên gia, góp phần thắt chặt mối liên kết, tương tác đa chiều giữa 4 đơn vị: “Nhà quản lý, doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu thụ”. Qua đó, tìm ra hướng hỗ trợ và định hướng các doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là đối với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Nguồn: Nongnghiep.vn