Đưa Lý Sơn-Sa Huỳnh trở thành Công viên địa chất toàn cầu

Hồ sơ “Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh” để trình UNESCO sẽ được hoàn thiện vào tháng 11/2019.

Chiều 1/3, tại TP Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh.

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Từ tháng 1/2018, Viện khoa học địa chất và khoáng sản phối hợp Ban quản lý (BQL) Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh tiến hành 11 đợt khảo sát địa chất khoáng sản, địa mạo cảnh quan, địa văn hóa tại 9 huyện, thành phố tỉnh Quảng Ngãi với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế như Pháp, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc.

Số  điểm khảo sát là 1.130 điểm ở Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh, lấy mẫu 189 mẫu lát mỏng, 100 mẫu địa hóa, 69 mẫu giã đãi. Khảo sát thực địa 90 điểm trên 3 tuyến: Quảng Ngãi-Dung Quất, Quảng Ngãi-Sa Huỳnh, Quảng Ngãi-Trà Bồng và huyện đảo Lý Sơn.

Qua khảo sát cho thấy, Quảng Ngãi tập hợp nhiều giá trị địa mạo độc đáo, tạo nên cảnh quan kỳ thú. Có thể phân ra 4 cụm di sản địa mạo, trong đó Cụm di sản đảo Lý Sơn có nhiều thắng cảnh đẹp, là bảo tàng tự nhiên về núi lửa, san hô và điều kiện cổ môi trường.

Cụm di sản ven biển phía Bắc Quảng Ngãi gồm bãi biển đẹp, các vách bazan dạng cột, các bậc thềm mài mòn và ngấn nước biển. Cụm di sản phía Nam Quảng Ngãi có di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, đầm nước ngọt, nước mặn, bãi biển với những mũi đá nhô ra biển. Cò cụm di sản khu vực Trà Bồng với thác nước, núi, đèo hùng vĩ.

Về văn hóa, Quảng Ngãi có các di sản văn hóa đa dạng, lâu đời, gồm di tích khảo cổ, di tích văn hóa Chămpa… Ngoài ra, Quảng Ngãi còn lưu giữ truyện dân gian, lễ hội truyền thống, kỹ năng canh tác, nghề thủ công, tri thức bản địa.

Năm 2019, BQL Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh tiếp tục hoàn chỉnh định tuyến du lịch, thiết kế nội dung biển bảng giới thiệu các điểm di sản; quảng bá hình ảnh.

Đáng chú ý là sẽ triển khai chiến dịch truyền thông rộng khắp và tổ chức hội thảo khoa học quốc tế vào giữa năm 2019. Hồ sơ “Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh” để trình UNESCO sẽ được hoàn thiện vào tháng 11/2019.

Tại hội nghị, các chuyên gia nước ngoài và trong nước cho rằng cần nâng nhận thức của các cấp chính quyền trong việc xác định giá trị của di sản; có biện pháp khoanh vùng bảo vệ, đồng thời, tuyên truyền cộng đồng trong khu vực Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh tích cực tham gia bảo vệ và khai thác di sản có hiệu quả…

TS. Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu GGN khẳng định: Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh hoàn toàn có đầy đủ tiềm năng và triển vọng để trong tương lai trở thành thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.

Theo ông Martini, vấn đề quan trọng nhất là chính quyền và  sở ngành các cấp của tỉnh cần nhận thức rõ các hoat động, hạng mục công viên địa chất phải triển khai ngay; xác định khối lượng công việc, nhu cầu kinh phí để đưa vào sử dụng, khai thác 81 điểm. Ông Martini cho rằng, đây không phải là vấn đề đơn giản vì rất tốn kém về kinh phí và thời gian

Các chuyên gia cũng khẩn thiết đề nghị chính quyền quan tâm xử lý rác thải, bảo vệ môi trường trong khu vực công viên địa chất, ít nhất là tại 81 điểm tham quan. Có như vậy mới bảo vệ và phát huy được giá trị của công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100