Đà Nẵng phát triển Khoa khọc và Công nghệ hướng đến “Thành phố thông minh”

Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị xác định: Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, xã hội của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Trên cơ sở Nghị quyết quan trọng này, các cấp uỷ, chính quyền và ngành chức năng TP.Đà Nẵng đang tập trung nhiều giải pháp nhằm triển khai, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Riêng trên lĩnh vực Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hiện Sở KH&CN thành phố đang bắt tay vào xây dựng chiến lược với nhiều tham vọng, trong đó có việc sẽ hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như mục tiêu Nghị quyết mà Bộ Chính trị đã nêu ra.

Trao đổi về vấn đề này, ông Thái Bá Cảnh – Giám đốc Sở KH&CN TP.Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng đã có những bước đi tích cực để thực hiện chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Chính phủ. Theo đó, về cơ bản trước mắt, Đà Nẵng đã đạt một số thành công nhất định trong việc xây dựng TP, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về sáng tạo khởi nghiệp.

Theo ông Cảnh, mục tiêu mà Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị lần này đặt ra vừa là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Đà Nẵng xây dựng nơi đây thành Trung tâm của vùng và khu vực Đông Nam Á. Đà Nẵng đang dần hình thành được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các vườn ươm, các nơi làm việc chung và một số mô hình hợp tác công tư tạo động lực cho sự sáng tạo khởi nghiệp, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều trường đại học tại Đà Nẵng cũng đã tham gia tích cực vào những mô hình này.

“Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng đang được hình thành và phát triển, tuy nhiên vẫn chưa toàn diện vì thiếu cơ chế tài chính cũng như chưa có quỹ sáng tạo khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, sự hỗ trợ của nhà nước còn chưa nhiều. Cơ chế tài chính chung trong sáng tạo khởi nghiệp có nhiều sự rủi ro. Những thách thức này đòi hỏi Đà Nẵng phải vượt qua để có thể phát triển nơi đây thành trung tâm sáng tạo khởi nghiệp”- ông Thái Bá Cảnh chia sẻ thêm.

Cũng liên quan đến mục tiêu mà Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đặt ra đối với TP.Đà Nẵng, trong đó có vấn đề phát triển của nền kinh tế thông minh, theo ông Thái Bá Cảnh, hiện TP đang tập trung các chuyên gia liên quan để đưa ra chiến lược thí điểm cho việc sáng tạo khởi nghiệp của TP từ nay đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.

Theo đó, có ba nội dung trọng tâm mà TP quan tâm, đó là tiếp tục xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới tốt hơn và tiếp tục thu hút, tạo điều kiện cho quỹ đầu tư mạo hiểm có mặt tại Đà Nẵng, đồng thời xây dựng các các chính sách khuyến khích cho nghiên cứu khoa học để dần lan tỏa phong trào sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên, học sinh. Về nội dung này, Sở KH&CN TP sẽ lên kế hoạch cho chương trình liên kết vùng để thu hút sáng tạo khởi nghiệp trong vùng về với Đà Nẵng, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng với quốc tế.

Nội dung thứ hai là chú trọng đào tạo các ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sinh học tại các trường đại học của Đà Nẵng nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Thứ ba là tập trung đầu tư tiềm lực cho khoa học công nghệ, đầu tư kinh phí cho nghiên cứu quản lý nhà nước, hướng đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, từ đó mới thực hiện được tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 43.

Đối với vấn đề ứng dụng thực tế công nghệ 4.0, ông Cảnh khẳng định, do đây là xu thế của thế giới và Việt Nam cũng đang ở trong xu thế này. Vì thế, hiện Sở KH&CN TP đang khuyến khích các nghiên cứu liên quan đến công nghệ 4.0, trong đó có việc khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, TP đang lập đề án trình Chính phủ có chủ trương đầu tư cho Trung tâm công nghệ sinh học nhằm phục vụ công nghệ sinh học biển của miền Nam Trung Bộ. Riêng trong nghiên cứu khoa học, Sở KH&CN cũng sẽ đưa ra 4 chương trình nghiên cứu khoa học và huy động nhiều nhà khoa học trên địa bàn nghiên cứu những nhu cầu mà TP đang cần, nhất là trong nghiên cứu những đổi mới của doanh nghiệp và khuyến khích cho đổi mới sáng tạo, giúp các doanh nghiệp có thể đứng vững trên thị trường. Đó là những hướng đi chính để phát triển KH&CN.

Chia sẻ thêm về nhiệm vụ tập trung cho đầu tư và phát triển khoa học công nghệ của TP nhằm đón bắt xu thế phát triển công nghệ và xây dựng thành phố thông minh trong thời gian tới, ông Thái Bá Cảnh cho biết, với thuận lợi là nhờ Đà Nẵng có môi trường kinh doanh thuận lợi và là một thành phố mà nhiều người ưa chuộng để sáng tạo khởi nghiệp. Cạnh đó, cùng với những nỗ lực trong thời gian qua của các cấp, các ngành TP, hiện Đà Nẵng đã có một hệ thống các trường đại học công và tư khá hiện đại và tiên tiến; sinh viên học tại Đà Nẵng đến từ nhiều vùng, địa phương của cả nước. Đây chính là điều kiện để Đà Nẵng tiếp tục thu hút các tiềm năng sáng tạo khởi nghiệp đến với TP cũng như nguồn nhân lực thuận lợi cho các nhà đầu tư tại đây.

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong việc xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính. Vì thế, việc giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư tại Đà Nẵng thời gian qua rất thuận lợi. Đặc biệt, hiện Sở KH&CN cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP cũng đã ứng dụng công nghệ 4.0 với việc thí điểm Chatbot trong cung cấp thông tin dịch vụ công trên địa bàn thành phố; triển khai ứng dụng App Store hoặc Google Play trong Hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động tại Bảo tàng Đà Nẵng để hỗ trợ cho ngành du lịch… Đây chính là nền tảng để tới đây Sở KH&CN tiếp tục kết nối cùng với các sở, ban, ngành khác nhằm hỗ trợ nhau trong công việc, để cùng hội nhập công nghệ 4.0 trong xây dựng, đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố xứng tầm khu vực mà Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị kỳ vọng./.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100