Nhận thức rõ “mặt trận văn hóa” trong giai đoạn hiện nay

Văn hóa luôn được Ðảng ta xác định là một mặt trận trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, là nền tảng tinh thần của xã hội và mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy ở một số nơi, nhiều cấp, ngành, địa phương còn nhận thức mơ hồ và chưa đúng về vai trò quan trọng của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước.

Ngay từ năm 1943, trong bối cảnh đất nước chưa giành được độc lập, phải hoạt động bí mật, bản Ðề cương về cách mạng văn hóa Việt Nam của Ðảng đã xác định rõ vai trò của văn hóa, với ý nghĩa là một mặt trận của cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Sau này, trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa năm 1951 (đăng trên Báo Cứu quốc số 1986 ngày 5-1-1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975) và những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Ðảng ta đã chủ trương đổi mới tư duy, trong đó có tư duy lý luận về phát triển văn hóa. Ðây cũng là thời kỳ UNESCO phát động Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. Việc bổ sung, phát triển quan điểm của Ðảng về vai trò của văn hóa thời kỳ này thể hiện tầm tư duy bắt nhịp với xu thế thời đại. Việc ra đời Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện các quan điểm về văn hóa của Ðảng, đã định hướng phát triển văn hóa trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa IX (2004) đặc biệt nhấn mạnh quan điểm gắn kết ba lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. Quan điểm này tiếp tục được Ðại hội Ðảng lần thứ XI (2011) khẳng định và trình bày cụ thể trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011). Văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của phát triển. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện.

Như vậy, kế thừa và phát triển đường lối văn hóa của Ðảng trong các thời kỳ trước, quan điểm chỉ đạo của Ðảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người luôn được bổ sung, hoàn thiện trong suốt hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Một số nội dung chỉ đạo và quan điểm của Ðảng về văn hóa đã có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn và nhiệm vụ cách mạng cụ thể. Nhưng nội dung nhất quán, xuyên suốt các thời kỳ lịch sử cách mạng là việc Ðảng ta luôn xác định, văn hóa là một mặt trận, một bộ phận cấu thành của cách mạng Việt Nam. Ðây chính là nền tảng lý luận hết sức đúng đắn, tạo tiền đề và cơ sở vững chắc cho hoạt động văn hóa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta qua các thời kỳ.

Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới vừa qua cho thấy, văn hóa – nghệ thuật tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, góp phần làm thất bại mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Văn hóa Việt Nam với những giá trị cốt lõi của mình, một mặt tạo nên những thành lũy tiền đồn vững chắc trước những xung động mạnh mẽ của các trào lưu văn hóa thế giới, trước những tác động tiêu cực, không mong đợi từ quá trình mở cửa, hội nhập; một mặt khẳng định vị trí và dáng đứng của đất nước, của dân tộc trên trường quốc tế. Ðây chính là cơ sở thực tiễn để Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 9 khóa XI khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Nghị quyết Ðại hội lần thứ XII của Ðảng cũng nhấn mạnh tới định hướng lớn “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Như vậy, cùng với luận điểm quan trọng, phản ánh tinh thần thời đại, văn hóa luôn được Ðảng ta xác định là một mặt trận – bộ phận cấu thành sự nghiệp cách mạng nước ta. Thực tế những năm qua cho thấy ở một số nơi, nhiều cấp, ngành, địa phương còn những biểu hiện nhận thức mơ hồ, chưa triệt để, chưa thật đúng đắn về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và cần được các cấp ủy Ðảng quán triệt, chấn chỉnh.

Xác định văn hóa là một mặt trận, điều đó không đồng nghĩa là thừa nhận sự dàn trải trong chỉ đạo, thiếu trọng tâm trong xác định nhiệm vụ, thiếu cụ thể trong xác định trách nhiệm. Tính chất mặt trận của hoạt động văn hóa được quy định bởi yêu cầu nhiệm vụ, bởi tính chất phức tạp, cam go của thực tiễn đấu tranh trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa hiện nay. Tính chất mặt trận của hoạt động văn hóa khẳng định vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho mọi thắng lợi của nhân dân trên mặt trận này. Tính chất mặt trận của hoạt động văn hóa khẳng định yêu cầu tất yếu về sự lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp này. Tính chất mặt trận của hoạt động văn hóa không xóa nhòa trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, ngược lại cho thấy trách nhiệm cụ thể về vai trò lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị trên mặt trận không kém phần cam go, quyết liệt, vừa cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài này.

Văn hóa phản ánh đời sống xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và do đó phản ánh đời sống tinh thần, tư tưởng của đất nước, của dân tộc. Mặt khác, văn hóa với những đặc tính và giá trị cốt lõi của mình, là cội nguồn sức mạnh đưa đất nước vượt qua nghìn năm bị đô hộ, chiến thắng những thế lực xâm lược và tiếp tục vươn lên mạnh mẽ.

Nhiệm vụ đặt ra nhiều và nặng nề. Có việc phải làm trước, có việc phải làm sau. Mọi việc sẽ nửa vời nếu không dựa trên nền tảng lý luận, phương pháp luận đúng đắn và một quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Hơn lúc nào hết, cần nhất quán, kiên định quan điểm văn hóa là một mặt trận, một bộ phận cấu thành không thể tách rời của sự nghiệp cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện tốt quan điểm mặt trận văn hóa có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thành công mục tiêu “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, góp phần thực hiện thành công mục tiêu cách mạng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137