Bộ TN&MT triển khai 2 nhiệm vụ về bền vững sinh thái

Để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 và hướng đến năm 2020, tại Nghị quyết số 19/2017/NĐ-CP, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì báo cáo thực hiện 2 nội dung trong nhóm nhiệm vụ về bền vững sinh thái, đó là GDP/Đơn vị năng lượng sử dụng và Kết quả về bảo vệ môi trường nằm trong chỉ số đổi mới sáng tạo. Sau 2 năm thực hiện, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường – đơn vị được giao nghiên cứu đề tài đã có các báo cáo khá rõ nét về vấn đề này.

* GDP trên mỗi đơn vị năng lượng đang tăng

Triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, với nhiệm vụ được giao là đánh giá chỉ số GDP/đơn vị năng lượng sử dụng và kết quả bảo vệ môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) đã thực hiện Đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng về tài nguyên và môi trường trong bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và đề xuất giải pháp cung cấp thông tin, số liệu chính thống, kịp thời về tài nguyên và môi trường trong Bộ chỉ số GII”. Mục tiêu chính của đề tài nhằm làm rõ phương pháp tính toán, nguồn số liệu của tổ chức quốc tế về chỉ số xếp hạng bền vững sinh thái trong bộ chỉ số GII; đánh giá thực trạng số liệu của Việt Nam về các bộ chỉ số này; đề xuất các giải pháp cung cấp thông tin, số liệu chính thống, kịp thời cho các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong đánh giá, xếp hạng, đồng thời, định hướng các giải pháp cải thiện điểm số xếp hạng các chỉ số của Việt Nam.

Về ý nghĩa, chỉ số GDP/Đơn vị năng lượng sử dụng phản ánh hiệu quả sử dụng năng lượng để tạo ra của cải vật chất của một quốc gia. Chỉ số này càng cao hiệu quả sử dụng năng lượng càng cao, đồng nghĩa với việc quốc gia tiêu tốn ít năng lượng hơn để tạo ra một đơn vị sản phẩm quốc nội GDP. Do đó, chỉ số này được xếp trong nhóm bền vững sinh thái.

Sau 2 năm nghiên cứu, với nguồn số liệu từ Bộ Công Thương, các bảng cân đối năng lượng, câu hỏi thống kê từ cơ quan năng lượng quốc tế IEA, kết quả khảo sát tại một số điểm của IEA, số liệu thống kê về GDP được thu thập, tính toán từ WorlBank cho thấy, GDP trên mỗi đơn vị năng lượng của Việt Nam đang có chiều hướng tăng dần qua các năm. Tốc độ tăng của GDP không theo kịp nhu cầu sử dụng năng lượng. Nói cách khác, hiệu suất sử dụng năng lượng của các ngành kinh tế Việt Nam chưa được cải thiện. Đây là một kết quả không mấy khả quan khi chúng ta đang tích cực đẩy mạnh chế biến sâu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản tự nhiên.

Qua kết quả nghiên cứu, Viện Chiến lược Chính sách TN&MT kiến nghị, chỉ số GDP/đơn vị năng lượng sử dụng có các số liệu thành phần tính toán phần lớn đều tổng hợp từ nguồn số liệu của các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương. Do đó, nghiên cứu đề xuất chuyển giao việc theo dõi, chủ trì thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, kết quả sẽ có tính chính xác cao cơn.

* Vấn đề môi trường còn nhiều thách thức

Với chỉ số “Kết quả về bảo vệ môi trường” (EPI), khung chỉ số này bao gồm 2 chỉ số thành phần chính phản ánh mục tiêu là: Sức khỏe môi trường gồm 3 nhóm chính sách: Chất lượng không khí; chất lượng nước và kim loại nặng và chỉ số Sức sống hệ sinh thái gồm 7 nhóm chính sách: Đa dạng sinh học và nơi cư trú; rừng; thủy sản; khí hậu và năng lượng; ô nhiễm Không khí; nguồn nước và nông nghiệp.

Cách tính chỉ số EPI được thực hiện dựa trên nguyên tắc tích hợp, tức là kết quả hoạt động môi trường được xác định thông qua đánh giá hàng loạt các chỉ tiêu dùng để đo kết quả thực hiện các chính sách liên quan. Các chỉ tiêu và các nhóm chính sách sẽ được tích hợp theo trọng số thành chỉ tiêu EPI tổng hợp, các trọng số sẽ đảm bảo phản ánh mức độ đóng góp của các chỉ thị.

Theo đó, kết quả phân tích đã được công bố cho thấy, Chỉ số EPI 2018 của Việt Nam đã có sự sụt giảm mạnh, hơn 12 điểm, từ 58,5 điểm năm 2016 giảm xuống thành 46,96 điểm năm 2018. Vì thế, xếp hạng của Việt Nam cũng tụt mạnh, ở vị trí 132/180 nước được đánh giá. Một số chỉ số thành phần sụt giảm đáng kể được chỉ ra là độ che phủ cây xanh và nước sạch vệ sinh môi trường.

Đối với chỉ số “Kết quả bảo vệ môi trường”, đây là một chỉ số tổng hợp phức tạp với nhiều chỉ số thành phần và chỉ tiêu theo dõi nhiều lĩnh vực khác nhau. Các số liệu này có thể kiểm chứng được nhưng cũng có thể không kiểm chứng được trong thời gian ngắn. Do đó, để có thể cải thiện thứ hạng của các chỉ số cần có các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, cần nâng cao chất lượng hệ thống đánh giá môi trường phù hợp với thông lệ quốc tế, thống nhất về phương pháp luận và các phương pháp đánh giá. Trong dài hạn, cần sự tham gia và phối hợp giữa các Bộ, ngành theo trách nhiệm quản lý liên quan để có thể để xây dựng và thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là một bộ công cụ đánh giá xế hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được đưa ra năm 2007 bởi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell, Hoa Kỳ.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu ghi nhận vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo như là một động lực cho tăng trưởng kinh tế và phúc lợi. Chỉ số này nhằm mục đích nắm bắt các khía cạnh đa chiều của đổi mới, sáng tạo và có thể dùng chung đánh giá cho cả nền kinh tế phát triển hoặc đang phát triển. Điều này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp hướng đến một phân tích toàn diện hơn về động lực và kết quả đổi mới, sáng tạo.

Công bố Báo cáo xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu năm 2018 cho thấy, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 2 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Thứ hạng này đã cải thiện tăng 2 bậc so với năm 2017, tăng 14 bậc so với năm 21016.

Minh Thư-Cổng thông tin -BTNMT

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137