Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số: Không áp đặt văn hóa

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu chia sẻ bài học bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào thiểu số, xem đây là điểm tựa vững chắc giữ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt, không nên áp đặt văn hóa của dân tộc đông người vào văn hóa dân tộc thiểu số.

LO DI SẢN MÉO MÓ

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, ông Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số” tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá: một số nơi làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong khi một số nơi lạm dụng, khai thác không đúng thậm chí làm méo mó, biến dạng di sản.

TS Bàn Thị Quỳnh Dao (Viện Văn học) mang tới câu chuyện gia đình, rộng hơn là thực trạng nhiều dân tộc ít người. Bố chị Quỳnh Dao là tiến sĩ người Dao đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài, hai trong ba người con của ông đều đi theo con đường nghiên cứu văn hóa dân tộc mình. “Tôi luôn day dứt: ngôn ngữ, chữ mẹ đẻ là điều hai anh em tôi đang thiếu. Mỗi lần đi điền dã, nghiên cứu văn hóa người Dao với hơn chục nhóm Dao khác nhau đều có phương ngữ riêng nên chúng tôi đều cần phiên dịch”, chị kể.

Chị Dao lo sợ ngôn ngữ mất đi, văn hóa cũng theo đó mai một. Thực tế số người Dao còn đọc được chữ Nôm Dao không nhiều. Con nhà nòi như chị cũng không ngoại lệ, và mặc dù là nhà nghiên cứu nhưng chị Dao cũng không thể thành thạo một loại tiếng Dao nào của dân tộc. Chị cắt nghĩa một trong những nguyên nhân mai một do suốt thời thơ ấu đi học cho đến khi lập gia đình đều bị kỳ thị là người dân tộc nếu nói tiếng mẹ đẻ.

Thứ trưởng Thủy đồng cảm, bởi bố là người Kinh mẹ người Mường. Gia đình họ hàng bên mẹ đều người Mường nhưng thế hệ thứ ba trong gia đình chỉ nói tiếng Kinh. Chỉ tới dịp gia đình bà Thủy về quê, cả đại gia đình mới có dịp nói tiếng Mường.

TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai chỉ ra rằng trong vòng chục năm, phần lớn nét văn hóa đặc trưng của người Mông ở Lào Cai, Lai Châu, một phần ở Hà Giang bị quét sạch. Họ mất đi văn hóa Khèn Mông-tín hiệu và nghi thức giao lưu với thần linh, cộng đồng không còn. Một số nhà nghiên cứu khác cũng nhắc tới không gian sinh hoạt thay đổi, kéo dài hàng loạt mai một văn hóa về trang phục, nghi lễ, tri thức dân gian.

KHÔNG THỂ MÃI LẠC HẬU

PGS. TS Phạm Văn Lợi nêu quan điểm: Mọi thành tố văn hóa của mọi dân tộc đều mang giá trị riêng, xứng đáng để bảo tồn. “Tuy nhiên chúng ta có nên phát huy các thành tố văn hóa đó hay không thì phải xem nó còn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế văn hóa xã hội nữa không”, ông nói. Cộng đồng dân tộc thiểu số chịu tác động lớn của hội nhập, công nghiệp hóa cho nên chúng ta phải chấp nhận một số thành tố văn hóa có thể mất đi nếu chúng trở nên lạc hậu.

Thử làm phép tính: chục năm qua có cả trăm hội thảo, tọa đàm từ quốc tế và quốc gia tới cấp địa phương, GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia) nhận thấy từ lý thuyết tới thực tiễn còn cả khoảng trống bất cập. “Tôi nghĩ vấn đề bảo tồn suy cho cùng nằm ở con người. Chúng ta lúng túng ở hai cách thức gọt chân vừa giày hay đóng giày cho vừa chân”, ông nói. Ông cho rằng không nhiều người “cầm cờ” văn hóa ở Sở, Phòng Văn hóa-Thông tin địa phương lăn lộn với văn hóa, hoặc xuất thân từ cộng đồng đồng bào nên chưa thực sự hiểu rõ về văn hóa cộng đồng.

TS Phạm Văn Dương, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từng khảo sát sự thay đổi phong tục tập quán giữa nhóm Mông ở lại quê hương Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang với nhóm Mông di cư vào Tây Nguyên. Những nhóm người ở lại rõ ràng tiếp nối truyền thống cha ông nhiều hơn, tuy thế ông chỉ ra một số phong tục tập quán đang dần trở thành gánh nặng. “Nếu giữ đúng truyền thống, một năm người Mông phải thực hiện quá nhiều nghi lễ cúng bái rất tốn kém: Ốm mổ trâu, cưới xin tang ma cũng mổ trâu”, ông nói.

Một nhà nghiên cứu trẻ có thời gian dài trải nghiệm với đồng bào Tây Nguyên thốt lên: “Không thể để người Kinh ở nhà cao cửa rộng, còn đồng bào thiểu số ở chòi cheo leo trên cao được”. Phát biểu gần cuối hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa nhắc lại rằng người Kinh, dân tộc đông người không được coi thường người dân tộc thiểu số, ngược lại đồng bào cũng không nên tự ti mà phải tự hào với di sản của mình.

“Tôi cho rằng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số nghĩa là bảo vệ tính thống nhất trong đa dạng văn hóa, điểm tựa vững chắc bảo vệ nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Mỹ là quốc gia đa dạng dân tộc nhưng thống nhất, họ tự hào là người Mỹ. Chúng ta cũng có tinh thần tự hào là người Việt Nam”, PGS Bài nói. Tuy thế lâu nay các nhà quản lý, nhà nghiên cứu vẫn chưa thoát khỏi cái nhìn của người ngoài cuộc, chưa thực sự đầu tư và giúp cộng đồng nhận thức giá trị văn hóa thực sự để họ tự chọn lọc giá trị đặc sắc.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137