Thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo tại các kỳ liên hoan sân khấu

Những năm qua, các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức đều đặn, thường xuyên theo định kỳ. Ðiều này là cần thiết, bởi qua mỗi liên hoan, diện mạo sân khấu ở từng loại hình phần nào sẽ được thể hiện, nhìn nhận một cách rõ nét hơn.

Qua đó giúp các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật có cái nhìn toàn diện về thực trạng hoạt động của sân khấu đương đại nước nhà, để kịp thời có giải pháp phát huy thành tựu và khắc phục bất cập, nhất là khi hoạt động sân khấu hiện tại đang có những xu hướng phát triển mới, hội nhập quốc tế và đa dạng hóa phương thức quản lý theo hướng tự chủ, xã hội hóa. Các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp còn là nơi các đạo diễn, nhà viết kịch và nghệ sĩ, diễn viên gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật… Liên hoan như chính tên gọi, trước hết là phải vui, vui vì những lý do như vậy.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp dường như kém vui hơn và thường ì xèo đến bất tận câu chuyện giải thưởng, tạo nên tranh cãi, ảnh hưởng giữa các bạn nghề với nhau, giữa ban tổ chức, hội đồng giám khảo với các đoàn, các nhà hát. Bất cập đầu tiên nằm ở quy định giải thưởng vở diễn không vượt quá một phần ba tổng số vở tham gia, trong đó số lượng Huy chương vàng được trao cho các vở diễn không được vượt quá một phần ba tổng cơ cấu giải thưởng.

Quy định này hoàn toàn mang tính hành chính chủ quan và quá nguyên tắc, không xuất phát từ tinh thần liên hoan là nhìn nhận, đánh giá về giá trị nghệ thuật. Giải thưởng Huy chương vàng, Huy chương bạc là sự ghi nhận, đánh giá, rất khó để phân phối theo cơ cấu kiểu hành chính. Liên hoan chưa diễn ra, sao lại áp đặt quy định bao trùm như vậy, làm sao biết được số lượng vở diễn có giá trị cao về nghệ thuật cần được trao giải để đưa ra tỷ lệ phần trăm có tính áp đặt như vậy? Quy định này dễ dẫn đến tình trạng sẽ có vở diễn xứng đáng đoạt giải cao thì lại bị đánh đồng với vở diễn có chất lượng chuyên môn thấp hơn. Ngược lại, có những vở diễn chất lượng chuyên môn không thật sự đạt được các tiêu chí cần có, tuy có nổi hơn so với những vở cùng tham gia liên hoan, nhưng hội đồng giám khảo vẫn phải cố “gán” cho Huy chương vàng để khỏi “phí tiêu chuẩn”.

Các vấn đề nêu trên là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng kéo dài từ nhiều năm nay ở các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Ðó là các đơn vị nghệ thuật “chạy đua” với nhau tìm chọn tác giả, đạo diễn có tên tuổi và uy tín với các nhà quản lý ngành văn hóa cũng như Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam để hy vọng vở diễn của họ sẽ tạo được sự chú ý và nể nang từ phía hội đồng giám khảo để có giải. Cho nên mới có việc một đạo diễn, một tác giả có nhiều vở diễn chính thức hoặc bán chính thức dưới hình thức cố vấn trong một kỳ liên hoan. Có những đoàn, những nhà hát còn chọn hướng đi phục dựng lại kịch bản cũ của các tác giả nổi tiếng cho an toàn với mục tiêu giành giải. Cũng vì vậy, hầu như liên hoan sân khấu nào trong những năm gần đây cũng bị dư luận báo chí và giới phê bình “kêu ca” ít vở mới, thiếu vắng sự xuất hiện của các tác giả, đạo diễn mới, từ đó phần nào dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu sáng tạo, trẻ hóa của đội ngũ những người làm nghề. Trong khi, hằng năm, số lượng đạo diễn, biên kịch tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo dù ít cũng khoảng 30 đến 40 người.

Để giải quyết tình trạng trao giải như kiểu phân phối, sao cho đủ số lượng Huy chương vàng, Huy chương bạc và việc một đạo diễn hay tác giả có nhiều vở diễn trong một kỳ liên hoan, nên chăng các liên hoan sân khấu chỉ nên chọn trao giải Huy chương cho những tác phẩm thật sự xứng đáng có sức thuyết phục cao. Thậm chí chấp nhận có liên hoan không có Huy chương vàng hoặc Huy chương bạc. Cơ cấu giải thưởng như vậy không liên quan tới số tác phẩm tham gia liên hoan mà chỉ nhìn nhận trên cơ sở đánh giá về chất lượng nghệ thuật, tư tưởng và sự sáng tạo, tìm tòi đổi mới. Ðiều quan trọng hơn, bệnh thành tích cũng sẽ được hạn chế. Sự ganh đua vì vậy cũng nhẹ nhàng hơn, các đơn vị nghệ thuật và bạn nghề đến với liên hoan sân khấu thật sự với tâm thế giao lưu, trao đổi nghề nghiệp là chính. Những tiêu cực, nỗi buồn không có giải cũng được hạn chế hơn khi mà các vở diễn không bị so đo như thi đấu thể thao. Tất nhiên, vì vậy sự nhìn nhận về chất lượng vở diễn sẽ tập trung hơn, trọng trách của hội đồng giám khảo nặng nề hơn, thể hiện trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp rõ ràng hơn. Cũng nên gọi những thành viên hội đồng giám khảo, cầm cân nảy mực ở các kỳ liên hoan sân khấu là hội đồng nghệ thuật. Bởi họ là những người có uy tín, trình độ chuyên môn, đủ khả năng đánh giá, nhìn nhận về chất lượng nghệ thuật một cách có trách nhiệm, chỉ ra được những thành tựu, hạn chế từ thực trạng hoạt động sân khấu ở từng thời điểm một cách khoa học, thuyết phục… Hy vọng những kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc sắp tới sẽ thật sự đúng như bản chất của những cuộc giao lưu, trao đổi nghề nghiệp và tôn vinh sự sáng tạo trong lĩnh vực sân khấu.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137