Du lịch kết hợp… làm nông ở Hà Giang

Với nhiều phần thưởng hấp dẫn cùng nguồn vốn ưu đãi có lãi suất rất thấp, Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức đã và đang mở ra nhiều cơ hội biến ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của các bạn trẻ trở thành hiện thực.

Du lịch và trồng rau

Dẫn chúng tôi len lỏi qua những bụi rậm mới phát quang, chị Hoàng Thị Hảo hồ hởi giới thiệu khu đất rộng khoảng 1 ha vừa thuê dài hạn tại thôn Cao Bành (xã Phương Thiện, TP Hà Giang). Không lâu nữa, nơi đây từ một mảnh đất để hoang sẽ trở thành khu nông trại công nghệ cao, thân thiện với môi trường nằm trong dự án “Green Blessing – Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm” (GB) của nhóm tác giả Hoàng Thị Hảo, Khúc Ngọc Huy, Định Hồng Diệp và Bùi Xuân Trường, đã giành Giải nhất của Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” lần thứ nhất, năm 2018.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, chị Hảo cho biết: Đây là mô hình khép kín theo định dạng “từ trang trại tới bàn ăn” kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Theo đó, vừa nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, vừa cung cấp sản phẩm, thực phẩm hữu cơ cho cả người dân và du khách, đồng thời nâng cao nhận thức, đẩy mạnh chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững và du lịch có trách nhiệm tại tỉnh Hà Giang.

Theo nhà khởi nghiệp SN 1987, GB sẽ được phát triển theo hai nhánh sản phẩm chính gồm “GB Family” và “GB Community”. Đối với “GB Family”, khách hàng sẽ được mời trực tiếp đến nông trại, tham quan và thuê một mảnh đất để đặt hàng trồng những loại rau yêu thích. Trong quá trình trồng trọt, khách hàng có thể theo dõi qua hệ thống camera truyền hình trực tiếp tại vườn, kiểm tra chất lượng sản phẩm, thanh toán và nhận hàng qua ứng dụng thông minh…

Trong khi đó, “GB Community” là một vườn rau chung, nơi khách hàng có thể trực tiếp tham quan, chăm sóc, thu hái hoặc mua rau. Cùng với lượng khách du lịch thập phương, vườn rau này còn có khả năng cung cấp nông sản cho đối tượng khách đặt rau theo ngày, theo tuần mà cụ thể là cửa hàng, trường học. “Hiện tại, mô hình này đang cung cấp rau cho chuỗi nhà hàng của tôi tại nông trại và TP Hà Giang. Không những vậy, đây còn là nguồn rau dự phòng trong trường hợp rau của “GB Family” bị sâu bệnh hoặc ảnh hưởng từ thời tiết xấu. Tất cả đều được giao hàng miễn phí tới tận tay người tiêu dùng”, chị Hảo khẳng định.

Rảo bước theo nữ doanh nhân 8x đến các khu vực thử nghiệm mô hình thú vị nêu trên, chúng tôi bắt gặp hàng chục khách du lịch cả trong nước và quốc tế đang thích thú trải nghiệm một phần chương trình “Một ngày làm nông dân”. Chị chia sẻ: “Thời gian tới, khi khu tổ hợp vườn rau hoàn thiện, khách du lịch sẽ được mặc những bộ trang phục dân tộc địa phương, trực tiếp ra đồng cùng bà con nông dân vỡ đất, cày bừa, nhổ cỏ, ươm giống, trồng cây, chăm tưới và thu hoạch mang về bếp cộng đồng chế biến rồi cùng thưởng thức”.

Tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” lần thứ nhất được chính thức phát động vào tháng 3-2018, diễn ra trong sáu tháng với ba vòng thi. Bên cạnh Giải nhất của nhóm chị Hảo với phần thưởng 50 triệu đồng tiền mặt cùng lượng vốn vay một tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm, Cuộc thi cũng đã trao hai Giải nhì, ba Giải ba và bốn Giải khuyến khích.

Trong đó, có nhiều dự án mang tính khả thi cao, hiện đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mang lại doanh thu và lợi nhuận cao như: “Sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ gạo tím thảo dược VH1″ của nhóm tác giả Phạm Văn Nam, Lê Minh Trí và Nguyễn Thị Dung (Thanh Hóa); “Sản xuất và chế biến sản phẩm từ củ ấu” của tác giả Nguyễn Anh Thy (Đồng Tháp)…

Tiếp nối thành công từ lần tổ chức đầu tiên, năm nay, Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” năm 2019. Đối tượng tham gia Cuộc thi là cá nhân hoặc nhóm thanh niên Việt Nam tuổi từ 18-35, có ý tưởng, sáng kiến khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực nông nghiệp với tính mới, khả thi, chưa đoạt giải trong các kỳ thi khởi nghiệp cấp quốc gia nào khác.

Ban Tổ chức sẽ trao một Giải nhất, hai Giải nhì, ba Giải ba và bốn Giải khuyến khích. Đồng chí Ngô Văn Cương, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn cho biết thêm: cùng với phần thưởng tiền mặt và nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất rất thấp, các bạn trẻ giành giải thưởng của Cuộc thi còn có cơ hội được tiếp cận với các doanh nghiệp thành công, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Ngay trong quá trình tham gia thi, thanh niên đam mê khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp sẽ được trau dồi các kiến thức về khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh… Ngoài ra, các doanh nghiệp ở lĩnh vực này cũng có cơ hội tiếp cận, nắm bắt kịp thời những ý tưởng hay, sáng tạo cũng như các mô hình kinh doanh tiềm năng từ giới trẻ. Nói cách khác, Cuộc thi chính là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp”, đồng chí Cương khẳng định.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137