Bế mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019

Tối 20-5, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2019 đã bế mạc sau 10 ngày tranh giải với sự tham gia của gần 300 diễn viên, nhạc công và các thành phần sáng tạo đến từ 11 đơn vị Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước, cùng sự cổ vũ của hàng nghìn lượt khán giả tới xem tại Nhà hát Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa.

Đại diện cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tổ chức Liên hoan đã trao hai Huy chương Vàng, bốn Huy chương Bạc cho các vở diễn; 27 Huy chương Vàng, 49 Huy chương Bạc cho các vai diễn và một giải cho mỗi thành phần sáng tạo xuất sắc: tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ tại Liên hoan.

Đến dự Lễ Bế mạc có các đại biểu, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa – những đơn vị tổ chức Liên hoan; đại diện các cơ quan, ban, ngành tại tỉnh Thanh Hóa cùng đông đảo nghệ sĩ, diễn viên của các đơn vị nghệ thuật và khán giả Thanh Hóa…

Phát biểu tổng kết Liên hoan, PGS, TS Trần Trí Trắc – Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật ghi nhận: “Bằng tất cả thanh – sắc – thục – tinh – khí – thần của một đời, các nghệ sĩ đã “đốt cháy” mình dưới ánh đèn sân khấu và đã thắp lên ánh sáng huyền diệu của hình tượng tuồng, hình tượng dân ca kịch dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng từ thể tài chính kịch tâm lý xã hội, chính kịch sinh hoạt tả thực, chính kịch anh hùng ca đến bi kịch và bi hài kịch. Hầu hết các vở diễn đều được đồng nghiệp thừa nhận là sạch sẽ, suôn sẻ, chuyên nghiệp…”.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ những nhìn nhận hết sức khách quan: “Tuy nhiên Liên hoan cũng không nhiều tác phẩm có câu chuyện mới mẻ, độc đáo mà phần lớn chỉ là những câu chuyện quen thuộc đã nghe, đã biết, đã thấy ở lịch sử, ở truyền thanh, truyền hình hoặc đơn vị nào đó đã diễn, đã biểu hiện theo thể loại khác. Vẫn còn vở kết cấu thiếu chặt chẽ – logic, lớp thừa – lớp thiếu, lớp dài – lớp ngắn, lớp thiếu tinh tế; có vở thiếu thi pháp cơ bản của kịch hát dân tộc, nên đã tạo ra thực trạng “kịch nói cắm tuồng”, “kịch nói cắm dân ca”; có vở lại dùng ngôn từ đương đại và đôi chỗ cục cằn thiếu thẩm mỹ…”

Tuy vậy, nhìn chung Liên hoan đã có được những ngày hội của nghề nghiệp trong gặp gỡ, giao lưu và quảng bá tới đồng nghiệp cùng người xem xứ Thanh. Đó là những kết quả của sáng tạo nghệ thuật và những nỗ lực vượt qua khó khăn của mỗi đơn vị nghệ thuật truyền thống.

Về các giải thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao hai Huy chương Vàng cho hai vở diễn: Chói rạng sơn hà (Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định) và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư(Nhà hát Tuồng Việt Nam); bốn Huy chương Bạc cho các vở: Quan khiêng võng (Nhà hát Tuồng Đào Tấn), Trung thần (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Hoạn lộ (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), Cái mẻ kho (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế – Đoàn Ca kịch 2).

Về giải thưởng dành cho diễn viên: có 27 diễn viên đạt Huy chương Vàng và 49 diễn viên đạt Huy chương Bạc.

Ngoài ra Ban Tổ chức còn trao một giải cho mỗi thành phần sáng tạo xuất sắc nhất đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo mang lại hiệu quả cao cho vở diễn tham gia Liên hoan, đó là: Tác giả xuất sắc – Nguyễn Sỹ Chức (vở Chói rạng sơn hà – Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định); Đạo diễn xuất sắc – NSND Hoài Huệ (vở Chói rạng sơn hà – Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định); Nhạc sĩ xuất sắc – NSƯT Cao Đình Lưu (vở Triết vương Trịnh Tùng – Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa); Họa sĩ xuất sắc – Nguyễn Hoàng Phong (vở Chói rạng sơn hà – Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định).

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137