Nhiều hiện vật bảo tàng có nguy cơ thành sắt vụn

Sau 44 năm, nhiều hiện vật trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên-Huế đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, trong khi công tác duy tu, bảo dưỡng không được thực hiện thường xuyên do thiếu kinh phí và kinh nghiệm.

Khu trưng bày hiện vật ngoài trời tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên-Huế có nhiều cỗ xe tăng đồ sộ gồm xe tăng M113, tăng M84, thiết giáp chở quân, pháo tự hành “vua chiến trường” M107 – một trong bốn khẩu pháo ít ỏi được trưng bày trên các bảo tàng khắp cả nước… Tất cả đều là những cỗ máy phục vụ chiến tranh của Mỹ đưa sang tăng cường sức mạnh cho quân đội Việt Nam cộng hòa. Những cỗ xe tăng, thiết giáp, pháp tự hành này đều đã tham gia nhiều cuộc càn quét, giết hại cán bộ, chiến sĩ, đồng bào gây ra nhiều tội ác trên chiến trường Trị Thiên.

Theo tư liệu của Bảo tàng, trong ngày 26-3-1975, khi bị quân giải phóng truy đuổi, binh lính quân đội Việt Nam cộng hòa đã vất bỏ hàng chục xe tăng thiết giáp, pháo, ô tô, xe máy để tháo chạy. Sau ngày giải phóng, chính quyền địa phương đã đưa một số ít trong kho chiến lợi phẩm này ra trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế. Khi đưa về, số vũ khí này phần lớn đều còn nguyên vẹn, từ màu sơn, máy móc. Tất cả đều được lái về bảo tàng. Nhưng sau một thời gian dài không được duy tu, bảo dưỡng, phần lớn hiện vật đều bị hư hỏng, gỉ sét, có những bộ phận trên xe đã bị tháo trộm. Số còn lại thì bị mục nát. Cán bộ bảo tàng phải nhặt gỗ, thép để chống, giữ cho hiện vật không bị đổ sụp xuống bệ.

Ông Jame, khách du lịch đến từ Hà Lan góp ý: “Ở đây tôi thấy có vũ khí của Liên Xô và vũ khí của Mỹ. Vũ khí Liên Xô trông mới hơn. Còn của Mỹ thì… tôi không thể hình dung trước đây nó đáng sợ như thế nào, vì đã quá cũ kĩ và bị hư hỏng rất nặng”.

Đau xót không kém, ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên-Huế thừa nhận: “Sau 44 năm trưng bày, số hiện vật chiến tranh nói trên chưa nhận được sự quan tâm tương xứng, một phần do nhận thức, một phần do kinh phí cấp hằng năm không đủ để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng. Hơn nữa là kinh nghiệm của bảo tàng trong việc bảo dưỡng số hiện vật này không có, nên hiện vật ngày càng xuống cấp. Thậm chí, trong gần nửa thế kỷ qua, dù bị phơi ngoài trời, nhưng chúng vẫn chưa được sơn sửa lại lần nào. Mới đây, sau nhiều năm tự “thắt lưng buộc bụng”, Bảo tàng dành được một ít kinh phí để thuê chuyên gia bảo dưỡng, sơn lại hệ thống hiện vật pháo của bộ đội ta, riêng về các cỗ xe tăng, do chi phí quá lớn nên Bảo tàng chưa thực hiện được”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, suốt thời gian qua Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên-Huế tạm “đứng chân” trên đất của di tích kinh thành Huế nên luôn trong tâm thế sẽ bị di dời. Bởi vậy, khu trưng bày hiện vật ngoài trời của Bảo tàng chưa được đầu tư hệ thống mái che, điều này cũng đã gây tác động rất lớn đến độ bền, tuổi thọ cuả hiện vật.

Theo kế hoạch, dự kiến tỉnh Thừa Thiên – Huế tới đây có thể sẽ cho chuyển Bảo tàng lịch sử đến vị trí khác. Tuy nhiên, dù đặt ở vị trí nào thì số hiện vật này cũng cần phải được duy tu, bảo dưỡng kịp thời, để tránh bị gỉ sét, hư hại hơn nữa. Trong thời gian chờ chuyển, đã đến lúc bảo tàng cần có dự án tu bổ cấp thiết cho số hiện vật kể trên trước khi quá muộn. Có vậy bảo tàng mới có đủ hiện vật để tiếp tục trưng bày, giới thiệu về văn hóa, lịch sử của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng như ở Thừa Thiên-Huế.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137