Công bố 10 sự kiện CNTT-Truyền thông tiêu biểu 2017

Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) chính thức công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2017, hôm nay 28/12.

1 – Nhà mạng khai trương và đồng loạt triển khai 4G

Ngày 18/4/2017, Viettel chính thức khai trương mạng 4G. Trước đó, tháng 11/2016, VNPT tuyên bố cung cấp dịch vụ 4G đầu tiên ở Việt Nam tại huyện đảo Phú Quốc để phục vụ người dân và du khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang..

2 – Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận bỏ Điều 292 Bộ luật Hình sự liên quan đến cung cấp dịch vụ trực tuyến

3 – 20 năm Internet Việt Nam

Tháng 12/2017 đánh dấu mốc 20 Năm Interrnet có mặt tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.

4 – Dự thảo Luật An ninh mạng được trình quốc hội và gây nhiều tranh cãi

Sau 14 lần chỉnh sửa, Dự thảo Luật An ninh mạngViệt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được đánh giá là đã hoàn thiện và chi tiết hơn.

5 – Việt Nam mạnh tay với Google và Facebook

Trong năm 2017 Bộ TT&TT đã nhiều lần làm việc với Google và Facebook để bàn về việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.

6 – Bitcoin khuấy đảo thị trường tiền ảo tại Việt Nam

Năm 2017 đồng tiền ảo bitcoin đã làm khuynh đảo thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, sau 8 năm ra đời. Nếu như ở thời điểm đầu năm 1 bitcoin chỉ có giá chưa đầy 1000 USD thì đến cuối năm con số này đã tăng hàng ngàn %, đỉnh điểm giữa tháng 12 ghi nhận mức giá lên tới hơn 19.700 USD, sau đó liên tục đi xuống và một số sàn giao dịch quốc tế đã phải đóng cửa tạm thời khi đồng tiền này xuống dưới 11.000 USD.

7 – Chuyển đổi thành công mã vùng điện thoại cố định

Từ 11/2/2017 đến 31/8/2017, 59 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã được quy hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại mới. Việc chuyển đổi mã vùng điện thoại này đã được tiến hành xong.

8 – Bkav ra mắt Bphone 2017

Ngày 8/8/2017, Tập đoàn Công nghệ BKAV đã ra mắt Bphone 2017. Sau khá nhiều lời bàn ra tán vào, cả khen, cả chê, BKAV vẫn theo đuổi “cuộc chơi” sản xuất smartphone.

9 – Thu hồi 24,3 triệu Sim kích hoạt sẵn

Đến đầu tháng 12/2017, cả 4 nhà mạng lớn đều đã có hệ thống chặn lọc tin nhắn rác thông minh, dự kiến sẽ triển khai trong dịp cuối năm nay để chặn đứng tin nhắn rác. Theo thông tin từ Thanh tra Bộ TT&TT, đã có 24,3 triệu SIM kích hoạt sẵn bị thu hồi trong năm 2017.
10 – Jack Ma đến Việt Nam thúc đẩy thanh toán điện tử

Ngày 6/11/2017, tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba đã có phiên đối thoại xoay quanh những kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc và câu chuyện toàn cầu hoá.

VNPT hợp tác với Thông tấn xã triển khai dịch vụ trên mạng viễn thông, Internet

Ngày 04/01/2018 tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã chính thức ký kết Thỏa thuận Hợp tác.

Việc hợp tác nhằm mục tiêu củng cố hợp tác song phương, hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược nhằm khai thác và phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực hoạt động của hai bên, cùng phát triển các hoạt động hợp tác đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, cung cấp sản phẩm dịch vụ, liên kết kinh doanh, hỗ trợ mở rộng và phát triển các lĩnh vực hoạt động cũng như hợp tác triển khai các chương trình truyền thông, an sinh xã hội.

Theo đó, hai bên sẽ cùng hợp tác triển khai một số dịch vụ trên mạng viễn thông, Internet; Cùng khai thác kinh doanh trên một số kênh thông tin điện tử của TTXVN và cùng tổ chức thực hiện một số sự kiện truyền thông, các chương trình an sinh xã hội hướng tới cộng đồng.

Hai bên cũng sẽ phối hợp xây dựng một chuyên mục phát sóng định kỳ hàng tuần trên Trung tâm truyền hình Thông tấn-Vnews của TTXVN.

Tập đoàn VNPT sẽ cung cấp sản phẩm, dịch vụ với mức giá cạnh tranh, hỗ trợ kỹ thuật cho TTXVN với chất lượng tốt nhất; Tư vấn và hỗ trợ TTXVN trong việc triển khai các công nghệ mới phục vụ cho hoạt động báo chí và sự phát triển của TTXVN theo từng thời kỳ. Tùy theo đề nghị cụ thể của TTXVN, VNPT sẽ tư vấn phương án tối ưu giải quyết các vấn đề liên quan tới đầu tư hạ tầng công nghệ, hợp tác kinh doanh cho TTXVN.

Về phía TTXVN sẽ ưu tiên sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin do Tập đoàn VNPT cung cấp và khuyến khích phóng viên, biên tập viên, cán bộ viên chức của TTXVN sử dụng sản phẩm, dịch vụ của VNPT.

Chính thức khởi động “Hệ tri thức Việt số hóa”

Đúng 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 01/01/2018, tại Hà Nội, đề án “Hệ tri thức Việt số hoá” đã được chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với mục tiêu “Chia sẻ tri thức – Cổ vũ sáng tạo – Kết nối cộng đồng – Vì tương lai Việt Nam”.

Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017. Được hiện thực hóa tại https://itrithuc.vn/, Hệ tri thức Việt số hóa hứa hẹn sẽ tạo ra một hệ sinh thái toàn diện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, IoT, trí thông minh nhân tạo…, đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực từ khoa học, giáo dục, giao thông, tài chính, sản xuất, y tế… Đây chính là nền tảng kiến tạo những cơ hội lớn, thực tiễn cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Đề án được khởi động vào dịp đầu năm mới nhằm lan tỏa thông điệp “Mọi ý tưởng, từng phím gõ đều vì cộng đồng”, từ đây, người Việt Nam có thể chung tay cùng xây dựng hệ tri thức Việt số hóa, mọi nguồn lực trong xã hội có thể cùng tham gia phổ biến tri thức tới người dân một cách thuận tiện, hiệu quả, đơn giản.

Để đảm bảo vận hành ổn định xuyên suốt đề án; cập nhật các công nghệ mới nhất cho việc thu thập, gạn lọc và chuẩn hóa dữ liệu, tri thức nói chung, bên cạnh sự đóng góp tích cực từ các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong toàn xã hội, đội ngũ phát triển sẽ tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm song song với hoàn thiện các API, hạ tầng để các Doanh nghiệp, các Công ty khởi nghiệp có thể dễ dàng tham gia, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên từ hệ sinh thái Hệ tri thức Việt số hóa.

Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Facebook

Chiều ngày 11/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có buổi tiếp ông Damian Yeo, Giám đốc chính sách và nhóm pháp lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Facebook. Tham dự buổi tiếp có đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT.

Về phía Facebook còn có bà Helena Lersch – Quản lý Chính sách công của dịch vụ chia sẻ ảnh Instagram của Facebook tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; ông James Quisumbinh – Giám đốc Pháp lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay 70% dân số ở Việt Nam sử dụng Internet và 53 triệu người sử dụng mạng xã hội, mạng Facebook… Bộ trưởng ghi nhận sự hợp tác bước đầu của Facebook trong thời gian vừa qua đối với những vấn đề Chính phủ Việt Nam quan ngại và một số đề nghị của Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội Facebook, trong đó tập trung gỡ bỏ tài khoản giả mạo của các tổ chức, cá nhân và các nội dung rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; Cơ chế thông tin liên lạc, phối hợp giữa đầu mối của Bộ với Facebook đã có nhiều tiến triển. Bước đầu đã tạo được cơ chế liên lạc, trao đổi thông suốt, nhanh hơn, đến trực tiếp đại diện của Facebook tại Đông Nam Á.

Tại buổi tiếp, ông Damian Yeo – Giám đốc chính sách và nhóm pháp lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương rất vinh dự được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã dành thời gian tiếp đoàn. Cá nhân ông rất ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ rất khao khát sử dụng Internet, đồng thời cam kết hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam cùng xây dựng môi trường Internet phát triển lành mạnh, tập trung rà soát, xử lý thông tin xấu độc trên phạm vi toàn cầu, trong đó có đề xuất của Bộ TT&TT Việt Nam.

Sắp phát hành Bộ tem “Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân”

Chiều 12/1/2018, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn Quốc gia về tem bưu chính đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng để góp ý kiến cho 02 bộ tem bưu chính phát hành năm 2018, gồm: Bộ tem “Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968-2018) và Bộ tem “Phòng, chống tác hại của thuốc lá”.

Theo đó, Bộ tem “Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968-2018), gồm 1 mẫu. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược lịch sử to lớn, mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi.

Sau khi hoàn thiện theo góp ý, dự kiến, Bộ tem “Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968-2018)” sẽ được phát hành trước tết Mậu Tuất 2018.

Cũng tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã cho ý kiến về Bộ tem “Phòng, chống tác hại của thuốc lá”, gồm 1 mẫu. Nhằm tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá, giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra, ngày 25/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”. Theo đó, giai đoạn 2 của chiến lược từ năm 2016 -2020 là: Tiếp tục tăng cường thực thi quy định môi trường không khói thuốc lá; thực hiện các nghiên cứu, đánh giá về tỉ lệ sử dụng thuốc lá, tiếp xúc thụ động với khói thuốc; giám sát, đánh giá việc thực hiện các quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ các sản phẩm thuốc lá, kinh doanh bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá. Để hưởng ứng chiến dịch này, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế Bộ tem “Phòng, chống tác hại của thuốc lá”./.

Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Đoàn công tác cấp cao Google

Sáng ngày 17/1/2018, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có buổi tiếp Đoàn công tác cấp cao Google do bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách Công và Quan hệ Chính phủ, Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương làm Trưởng đoàn nhân dịp Đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Tham dự buổi tiếp có đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã ghi nhận và đánh giá cao thiện chí của Google và đây được xem là bước khởi đầu để hai bên (giữa Google với Bộ TT&TT) trong thời gian qua đã hiểu nhau, chia sẻ thông tin với nhau trên cơ sở tuân thủ thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt sau cuộc làm việc vào tháng 3/2017 với bà Ann Lavin, hai bên đã thiết lập cơ chế dành riêng cho Việt Nam về việc xử lý các yêu cầu của Bộ TT&TT đối với việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên YouTube.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2017, Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 6423/7410 video clip khỏi YouTube, 6 trò chơi khỏi Google Play do vi phạm pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, Google đã gỡ ứng dụng một số trò chơi có nội dung phản động, chống phá Việt Nam khỏi Google Play, đồng thời gỡ bỏ 6 video giới thiệu trò chơi này trên YouTube. Google đã gỡ ứng dụng của 5 trò chơi điện tử G1 chưa có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản theo quy định khỏi Google Play.

Tại buổi tiếp, bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách Công và Quan hệ Chính phủ, Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương  cho biết: Sau cuộc làm việc với Bộ TT&TT năm 2017, hai bên đã hiểu biết nhau tốt hơn và đã hợp tác tốt hơn. Bà Ann Lavin cam kết, Google đi đến quốc gia nào thì đều phải tuân thủ pháp luật nước sở tại, trong đó có Việt Nam. “Chúng tôi rất hy vọng được đóng góp một vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế và đóng góp cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Bởi vậy, chúng tôi hiểu sâu sắc đó là nghĩa vụ tôn trọng và tuân thủ pháp luật nước sở tại Việt Nam nên việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết để tuân thủ. Mục đích của chuyến làm việc lần này của Đoàn tại Việt Nam cũng như vậy nhằm mục đích tìm hiểu pháp luật Việt Nam, làm việc với các đơn vị có liên quan của Việt Nam để Google hiểu rõ hơn và hợp tác tốt hơn với Việt Nam trong thời gian tới”, bà Ann Lavin khẳng định.

Về vấn đề an toàn – an ninh thông tin, Google cam kết hợp tác và cam kết bảo vệ người sử dụng. Trong năm qua, Google đã cử một chuyên gia đến Việt Nam để tư vấn về an toàn thông tin, chia sẻ thông tin với Chính phủ Việt Nam. Đối với vấn đề Việt Nam quan tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Google đã thấy được tiềm năng của người Việt Nam và cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế số; đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể tiếp cận thế giới tốt hơn. Đồng thời, hỗ trợ các nhà lập trình, start-up trong năm 2018 tiếp cận 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ để tập huấn, đào tạo họ tiếp cận với thế giới. Và với cộng đồng các nhà lập trình, Google sẽ hỗ trợ tập huấn giúp họ lập trình và đào tạo tới các đối tượng trẻ hơn để các em tiếp cận với công nghệ này – bà Ann Lavin khẳng định tiếp tục hợp tác với Việt Nam phát triển trong lĩnh vực này./

 

70% thiết bị IoT tại Việt Nam có nguy cơ mất an toàn thông tin mạng

Sáng ngày 18/1/2018, tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội thảo “An toàn thông tin 4.0: Thực trạng và sáng kiến”. Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, đại diện các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành, Sở TT&TT một số địa phương, các doanh nghiệp như CMC, Bkav, Vinaphone. Ngoài ra còn có Phó Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam và diễn giả khách mời – ông Mikko Hypponen- Giám đốc nghiên cứu Tập đoàn bảo mật F-Secure.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông (Bộ TT&TT) nhận định: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ của IoT bên cạnh việc mang lại những lợi ích to lớn về khả năng kết nối và chia sẻ thông tin cũng mang đến nhiều nguy cơ, rủi ro trong việc đảm bảo an toàn thông tin (ATTT). Tại Việt Nam, từ năm 2010 đã có Quy hoạch phát triển ATTT số quốc gia đến năm 2020. Kế hoạch bảo đảm ATTT mạng giai đoạn 2016-2020 đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhằm phát triển khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất ATTT.

Tại Việt Nam, có khá nhiều doanh nghiệp viễn thông, CNTT tham gia sản xuất thiết bị IoT. Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam cũng như thế giới có nhiều thiết bị trôi nổi không đảm bảo ATTT, các lỗ hổng bị khai thác, tấn công. Có tới 70% thiết bị IoT có nguy cơ bị tấn công mạng. Theo thống kê của Cục ATTT, trong 316 ngàn camera giám sát được kết nối và công khai trên mạng Internet thì có hơn 147 ngàn thiết bị có lỗ hổng, chiếm 65%; Thiết bị router Việt Nam có khoảng 28 ngàn địa chỉ của thiết bị IoT đã bị tấn công bằng mã độc mirai và các biến thể mirai. Đây là nguy cơ rất lớn đối với Việt Nam.

Đối với nhà sản xuất thiết bị IoT, cần phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn ATTT; Bắt buộc người sử dụng thay đổi mật khẩu khi sử dụng thiết bị; Tự động hóa việc cập nhật phần mềm, gói bảo mật; Coi ATTT cho thiết bị IoT là lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh.

Trong những năm gần đây, cứ 18 tháng sức mạnh tính toán của các thiết bị lại tăng lên gấp đôi và giá cũng giảm đi nhiều. Với chipset, các thiết bị thông thường như máy nướng bánh mì, máy giặt cũng trở nên thông minh. Máy nướng bánh mì (toaster) trở nên thông minh không phải vì người sử dụng muốn mà vì nhà sản xuất cần thu thập dữ liệu của người dùng phục vụ cho việc bán hàng và marketing.

Do đó, cuộc cách mạng IoT đang diễn ra không phụ thuộc vào ý thích của chúng ta. Trong cuộc cách mạng ấy, các thiết bị ngốc nghếch cũng trở thành thiết bị IoT. Một khi các thiết bị đã được kết nối với Internet, chúng sẽ có nguy cơ bị tấn công, mất an toàn thông tin.

Và ông Hypponen dự đoán, sẽ diễn ra cuộc chiến giữa con người và máy móc, robot. Máy móc sẽ khiến nhiều người thất nghiệp. Và nhiều người sẽ nổi giận và đập phá máy móc.

Cũng tại Hội thảo, Cục ATTT đã chủ trì Tọa đàm bàn về những thực trạng và sáng kiến về ATTT 4.0 với sự tham gia tích cực, sôi nổi của các đại biểu tham dự Hội thảo.

 

VinaPhone đồng hành với “Huyền thoại bảo mật thế giới” trong hội thảo về An toàn thông tin

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Việc áp dụng rộng rãi những tiến bộ của CNTT-TT, như IoT, điện toán đám mây, công nghệ thực tế – ảo… vào mọi hoạt động của xã hội từ cuộc sống hàng ngày, công việc, chính phủ điện tử, thành phố thông minh hay tới các hệ thống công nghiệp… đã làm mờ đi ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo.
Tuy nhiên, mặt trái của thế giới kết nối đó là rất nhiều các nguy cơ và rủi ro mất ATTT tiềm ẩn trong sự phát triển quá nhanh của công nghệ. Với mong muốn phác thảo về thực trạng ATTT tại Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay để cùng nhau chia sẻ, thảo luận đưa ra được các sáng kiến và phương hướng chung tay vì một không gian mạng an toàn hơn, Cục ATTT đã phối hợp cùng Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone và Tập đoàn bảo mật F-secure tổ chức Hội thảo: “An toàn thông tin 4.0 – Thực trạng và sáng kiến”.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng có tham luận từ các góc nhìn của nhiều chuyên gia nhằm khuyến nghị giải pháp đảm bảo ATTT cho IoT theo nhiều hướng tiếp cận, bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp sản xuất thiết bị và phát triển giải pháp bảo đảm ATTT cho IoT; nhà cung cấp hạ tầng mạng viễn thông, Internet; và người sử dụng thiết bị IoT là cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone cho biết: “Bên cạnh viện hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật về đảm bảo an toàn thông tin, VinaPhone luôn xác định con người là yếu tổ then chốt. Ông Tuấn cũng khẳng định thêm tại hội thảo, thời gian tới nhà mạng sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa với mục tiêu đảm bảo trải nghiệm người dùng một cách tốt nhất và an toàn nhất./.

 

65% người dân Việt Nam đã sử dụng truyền hình số

Đây là kết quả đáng ghi nhận sau khi giai đoạn 1 và 2 của Đề án Số hoá truyền hình được triển khai. Chiều 19/1, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam đã phối hợp với Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) tổ chức Hội thảo triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Việt Nam đã tiến hành xong giai đoạn 1, giai đoạn 2 của Đề án Số hoá truyền hình. Theo báo cáo của Ban thường trực Đề án, tính đến hết năm 2017, đã có tổng cộng 34 tỉnh thành trên cả nước ngừng phát sóng truyền hình tương tự.

Số người dân đang sử dụng truyền hình số mặt đất chiếm khoảng 65% dân số Việt Nam. Theo đánh giá của Chính phủ, việc triển khai giai đoạn 1 và 2 của Đề án đạt yêu cầu, cơ bản hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra.

Duy trì song song truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết: “Nếu sử dụng truyền hình cáp, Internet, truyền hình vệ tinh, chi phí truyền dẫn hình ảnh chất lượng cao độ phân giải HD sẽ rất đắt đỏ. Điều này không phù hợp với khả năng chi tiêu của nhiều hộ gia đình. Chính vì vậy, chúng ta bắt buộc phải phát triển truyền hình số mặt đất dù ở một số địa phương, tỷ lệ người dùng là rất nhỏ”.

Trong thực tế ở khu vực Tây Nguyên, nhiều hộ gia đình không bắt sóng truyền hình số mặt đất phát lại bởi chất lượng kém, số kênh ít. Thay vào đó, họ mua đầu thu truyền hình vệ tinh của Trung Quốc với giá vài trăm ngàn nhưng có thể xem tới 70 kênh. Điều này thể hiện rõ nhu cầu của người xem, đồng thời cho thấy sự cần thiết của việc kết hợp giữa truyền hình mặt đất và truyền hình vệ tinh tại những khu vực có địa hình phức tạp.

Bộ TT&TT đang đề nghị với Chính phủ điều chỉnh lại Đề án 2451. Theo đó, giai đoạn 3, giai đoạn 4 của Đề án sẽ hướng tới việc tối ưu hoá phủ sóng truyền hình số mặt đất, kết hợp với phủ sóng truyền hình số vệ tinh. Bộ TT&TT cũng mong muốn tận dụng nguồn từ quỹ dịch vụ viễn thông công ích đễ hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất và vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước./.

 

Phát động cuộc thi Vô địch tin học văn phòng thế giới 2018

Ban Tổ chức quốc gia cuộc thi Vô địch tin học văn phòng thế giới 2018 (MOSWC) đã chính thức phát động cuộc thi tại khu vực phía Nam.

Trải qua 8 mùa giải tại Việt Nam, từ con số khiêm tốn chỉ hơn 30 trường đại học, cao đẳng tham dự mùa giải đầu tiên (2010), đến năm 2017, cuộc thi đã thu hút hơn 500 trường THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học tham dự và tiếp cận hơn 3 triệu học sinh, sinh viên trên toàn quốc và tăng gần 50% so với năm 2016.

Theo ban tổ chức, cuộc thi đã được phát động tới tất cả các Sở giáo dục và đào tạo 63 tỉnh thành và toàn bộ các trường THCS, THPT, đại học và cao đẳng trong cả nước. Riêng tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cuộc thi do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ – Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh phụ trách thực hiện.

Với ý nghĩa to lớn của cuộc thi quốc gia, đặc biệt mong muốn tuổi trẻ Việt Nam tiếp tục phát huy sức mạnh tại các đấu trường trí tuệ quốc tế, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chính thức đồng hành tổ chức cuộc thi MOSWC tại Việt Nam cùng IIG Việt Nam.

3 thí sinh đạt giải Nhất quốc gia ở 3 nội dung thi sẽ trở thành Đại sứ MOS 2018 của Việt Nam tham gia tranh tài tại Vòng Chung kết thế giới được tổ chức tại Orlando, Florida Hoa Kỳ từ 29/7/2018.

 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chi trả lương hưu, trợ cấp

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng. Đây là nỗ lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng cũng như trong việc quản lý thông tin người hưởng trên hệ thống CNTT, đồng thời thể hiện sự quyết tâm trong cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH.

Báo cáo kết quả ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2018 của BHXH Việt Nam cho thấy, từ năm 2016, ngành BHXH đã hoàn thành việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống tiếp nhận hồ sơ của bộ phận “Một cửa” với các hệ thống phần mềm nghiệp vụ ngành thông qua trục tích hợp dữ liệu ngành BHXH (SOA). Cũng trong giai đoạn 2016-2017, ngành BHXH đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành theo mô hình tập trung tại BHXH Việt Nam.

Kết quả, hiện 100% các đơn vị thuộc ngành BHXH đã ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, xử lý văn bản thông qua hệ thống quản lý văn bản điều hành. Đặc biệt, hệ thống đã đảm bảo 100% các văn bản nội bộ đi/đến được gửi và xử lý điện tử; 50% các văn bản đi/đến Bộ, ngành được chuyển song song trên môi trường mạng và qua đường bưu chính; 100% các văn bản không mật gửi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ dưới dạng điện tử…

Trước đó, trong cuộc khảo sát tại Trung tâm Công nghệ Thông tin (BHXH Việt Nam) và BHXH thành phố Hà Nội,  Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội – Bùi Sỹ Lợi – cũng cho hay, ngành BHXH đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Các chính sách an sinh xã hội cơ bản hoàn thiện trên 4 trụ cột chính: Phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục và đảm bảo các dịch vụ xã hội tối thiểu cơ bản; chính sách BHXH đang trong quá trình cải cách; được đầu tư về cơ sở vật chất đã và đang tạo điều kiện cho ngành BHXH phát triển. Nhưng đồng thời với đó là phải cải cách bộ máy, quá trình cắt giảm thủ tục hành chính nhưng không được tăng biên chế, cơ sở hạ tầng của ngành còn nhiều khó khăn,…

Theo đánh giá của ông Bùi Sỹ Lợi, BHXH Việt Nam đã có bước tiến bộ trong ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, đây là bước đi đúng, mang lại nhiều hiệu quả. Trong thời đại công nghiệp 4.0 càng đòi hỏi phải phát triển CNTT, cải cách thủ tục hành chính nên rất cần đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện làm việc đáp ứng cải cách mới, đặc biệt đầu tư phần mềm CNTT. “Giai đoạn 2019-2021, phương án chi phí của BHXH vẫn tập trung vào cải cách hành chính, ứng dụng CNTT và quan trọng nhất là phát triển đối tượng tham gia BHXH” – ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh./.

 

Nghiên cứu dữ liệu sóng não sẽ mang lại doanh thu khổng lồ

Tại Hội thảo “Dữ liệu sóng não” do ban Quản lý khu Công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc tổ chức sáng 23/01/2018 tại Hà Nội, bà Tara – chuyên gia nghiên cứu thần kinh học – khẳng định hiện nay việc nghiên cứu về thần kinh có nhu cầu rất lớn.

Chủ tịch Sapien Labs, một tổ chức phi lợi nhuận xây dựng kho dữ liệu mở và các công cụ phân tích dữ liệu về bộ não con người – bà Tara cũng cho biết lĩnh vực này còn rất nhiều hạn chế, bởi chủ yếu thực hiện trên động vật, trong khi não động vật và não người là hoàn toàn khác nhau.

Còn các nghiên cứu trên bệnh nhân cũng được tiến hành theo phương pháp hỏi loại trừ, nên rất khó để có thông tin chính xác. “Những hạn chế này là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam có thể tham gia phát triển lĩnh vực nghiên cứu này”, bà Tara nói.

Theo bà Tara, hiện Sapien Labs đang sử dụng thiết bị cầm tay Emotiv EPOC có chi phí thấp nhất trên thị trường và một số thiết bị khác của EEG tầm trung có giá dưới 2.000 USD. Các thiết bị này có thể đo toàn bộ hoạt động thần kinh trên bề mặt của não, cung cấp hình ảnh về sự thay đổi trong mô hình hoạt động của não ở mức độ mili giây.

Không giống như bất kỳ công nghệ nào khác, các hệ thống này có thể dễ dàng di chuyển và cho phép đo hoạt động của bộ não con người trong môi trường tự nhiên, chứ không phải trong môi trường phòng thí nghiệm. Ưu điểm này đã mở rộng phạm vi thử nghiệm và ứng dụng lên nhiều lần. Bà Tara khẳng định Sapien Labs sẵn sàng hợp tác với các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam về lĩnh vực nghiên cứu dữ liệu sóng não – một lĩnh vực có thể đem lại lợi nhuận khổng lồ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Quỳnh, phó ban Quản lý khu CNC Hoà Lạc cho biết, khu CNC Hoà Lạc – bộ KH&CN sẽ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để Sapien Labs hợp tác với khu CNC Hoà Lạc và các viện nghiên cứu, trường đại học cùng triển khai hoạt động nghiên cứu về sóng não – một lĩnh vực đã góp phần nâng cao thể chất, sự thông minh, sáng tạo của con người.

Trước đó hồi đầu tháng 8/2017, công ty ông nghệ DTT và EMOTIV – công ty tiên phong trên thế giới trong việc phát triển thiết bị đeo trên người đo điện não đồ, đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc thành lập chương trình chuỗi phòng thí nghiệm về dữ liệu sóng não (Neuro Lab) tại Việt Nam. Theo đó, EMOTIV cùng với Sapien Labs sẽ hợp tác với DTT nghiên cứu điện não đồ (EEG), mở ra những hướng ứng dụng trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, tiếp thị và các công nghệ tương tác não – máy tính.

Lần đầu tiên có câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử

Câu lạc bộ này trực thuộc Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam, được thành lập với hy vọng sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

Theo ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) nhận định, sau hơn 10 năm triển khai, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã trở thành một dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) quan trọng và ngày càng phổ biến trong lĩnh vực khai, nộp thuế qua mạng, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử, hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử… góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

Chữ ký số được xác định là giải pháp quan trọng để đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, tính xác thực trong các giao dịch điện tử. Đặc biệt, các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số mang tính pháp lý và được pháp luật bảo hộ, phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng như các hoạt động phát triển thương mại điện tử.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT) đánh giá, sự ra đời Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC) là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực chữ ký số, xác thực điện tử và giao dịch điện tử, đồng thời là cầu nối giữa các doanh nghiệp với chính quyền, với khách hàng để ứng dụng rộng rãi hơn dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Hiện, thị trường cung cấp dịch vụ chứng thực số trên cả nước đang cung cấp cho khoảng 600.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chứng thực số với trên 70.000 chứng thư số đang hoạt động, chủ yếu trong các lĩnh vực kê khai thuế qua mạng, hải quan điện tử và bảo hiểm xã hội điện tử.

Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam hiện tại có 7 thành viên sáng lập là Bkav, FPT, NACENCOMM, NEWCA, @SmartSign, Viettel-CA, VNPT. Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách BKAV được bầu làm Chủ nhiệm lâm thời của Câu lạc bộ./.

Samsung Việt Nam cam kết đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam

Sáng ngày 30/1/2018, tại trụ sở Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã có buổi tiếp ông Lee Chul Hee – Phó Tổng Giám đốc Công ty Samsung Electronics Việt Nam Bắc Ninh và ông Choi Yun Beom – Phó Tổng Giám đốc Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.

Tại buổi tiếp, ông Lee Chul Hee đã gửi lời cảm ơn trân trọng nhất đến Bộ TT&TT vì những hỗ trợ của Bộ đối với Samsung Việt Nam trong năm qua. Đồng thời, ông Lee Chul Hee cũng thông báo tới Thứ trưởng về những kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Samsung trong năm 2017.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao những kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Samsung tại Việt Nam trong năm 2017. Thứ trưởng bày tỏ vui mừng vì hầu hết sản phẩm của Samsung được bày bán trên thế giới đều được sản xuất tại Việt Nam. Thứ trưởng mong muốn Samsung sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực CNTT.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng hoan nghênh Samsung và những doanh nghiệp FDI khác tiếp tục có những ý kiến đóng góp về cơ chế, chính sách đối với Chính phủ, với Bộ TT&TT để những chính sách này thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển, đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam../.

Phiên họp lần hai của APT chuẩn bị cho Hội nghị toàn quyền của ITU (PP18-2)

Ngày 30/1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên minh viễn thông Châu Á Thái Bình Dương (APT) tổ chức cuộc họp lần thứ 2 chuẩn bị cho Hội nghị toàn quyền của ITU (PP18-2) và Hội thảo đào tạo chuẩn bị cho Hội nghị toàn quyền.

Tham gia hai sự kiện có khoảng 90 đại biểu đến từ 18 nước thành viên, 4 thành viên liên kết (APNIC, ISOC, GSMA, doanh nghiệp), các tổ chức quốc tế và tổ chức khu vực (ITU, ATU, CITEL, ICANN…). Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm tham dự và phát biểu khai mạc tại cuộc họp.

Cuộc họp lần 2 của APT chuẩn bị cho PP-18 (PP18-2) do Việt Nam đăng cai là bước tiếp theo để thảo luận các nội dung chính, các vấn đề quan tâm từ phía các nước thành viên để xây dựng đề xuất chung của khu vực APT. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm cơ quan quản lý về Viễn thông, Công nghệ thông tin và truyền thông của các nước là thành viên ITU trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các tổ chức quốc tế, giới nghiên cứu, các hãng sản xuất và nhà khai thác trong khu vực, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông trong nước.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: Năm 2018 là năm diễn ra Hội nghị toàn quyền (PP-18) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tại Dubai. Đây là hội nghị cấp cao nhất của ITU nhằm xây dựng chính sách và kế hoạch chiến lược của Liên minh giai đoạn tới; đưa ra các định hướng liên quan đến vấn đề quản lý, vận hành trong ITU; bầu cử Ban Lãnh đạo ITU và một số vị trí của cơ quan điều hành giai đoạn tới.

Song song với các hoạt động hỗ trợ các chương trình của APT và ITU, Việt Nam cũng đã cử các cán bộ cao cấp có kiến thức và kinh nghiệm để tham gia làm việc với các vị trí khác nhau tại APT và ITU như ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Việt Nam và là thành viên của Hội đồng vô tuyến (RRB) của ITU trong 4 năm qua. Năm nay, Việt Nam tiếp tục đề cử ông Đoàn Quang Hoan tham gia RBB để tiếp tục nhiệm kỳ 4 năm công tác tại đây, và hy vọng nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên.

Học viện Công nghệ BCVT ký kết biên bản hợp tác toàn diện với Samsung Electronics

Ngày 9/2, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam đã tổ chức Lễ ký biên bản hợp tác toàn diện giai đoạn 2018 – 2020. Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Vũ Văn San; Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Shim Won Hwan.

Đây là hoạt động nối tiếp thành công của Biên bản hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn 2014 -2017. Thông qua sự kiện, hai bên nâng tầm hợp tác lên một bước phát triển mới nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của một tổ chức nghiên cứu, đào tạo hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực ICT và một doanh nghiệp của hãng công nghệ lớn trên thế giới tại Việt Nam.

Theo đó, từ năm 2018 đến hết năm 2020, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác triển khai những hoạt động trọng tâm bao gồm 5 nội dung: Samsung sẽ tiếp tục cung cấp 20 suất học bổng mỗi năm cho sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Hỗ trợ Học viện nâng cao điều kiện cơ sở vật chất của Phòng Lab và Phòng thực hành Samsung đã tài trợ giai đoạn 2014 – 2017; Samsung tiếp tục tài trợ cho các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ của Học viện nếu đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí về sản phẩm nghiên cứu của Samsung; Phối hợp với Học viện thiết kế và triển khai chương trình đào tạo, phát triển ứng dụng Java, Android và ứng dụng thuật toán và ưu tiên tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp tại Học viện ứng tuyển và làm việc tại các công ty thành viên của Tổ hợp Samsung Việt Nam.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu trong thời gian tới, Học viện sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình hợp tác này ở các lĩnh vực khác để Học viện trở thành điểm kết nối, trung chuyển mang lại các lợi ích thiết thực cho các cơ quan quản lý Nhà nước – Doanh nghiệp – Trường đại học và người lao động; đồng thời phát huy các thế mạnh của mình để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nguồn nhân lực ICT cũng như sự phát triển của Ngành.

170 website bị tấn công trong dịp Tết Nguyên đán 2018

Ngày 21-2, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hệ thống kỹ thuật của Cục đã ghi nhận khoảng 170 website đặt tại Việt Nam bị tấn công trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua.

Trong số này, có 55 website có tên miền .vn, 10 website của các cơ quan, tổ chức nhà nước (.gov.vn), 98 website có tên miền .com bị tấn công. Hình thức tấn công chủ yếu là thay đổi giao diện, tấn công chèn mã độc hại vào mã nguồn website.

Bên cạnh đó, có tổng số gần 116.000 (115.134) địa chỉ IP của Việt Nam tiếp tục nằm trong các mạng máy tính “ma”, giảm đáng kể so với số liệu tuần trước Tết (khoảng 234.838).

CMC Telecom đưa chứng chỉ PCI DSS đầu tiên và duy nhất về Việt Nam

Tháng 1/2018, Crossbow Labs đã cấp chứng chỉ PCI DSS 3.2 cho CMC Telecom, ghi nhận đây là hệ thống Data Center đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đạt chuẩn bảo mật mới nhất này.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của an ninh thông tin, CMC Telecom đã và đang tiếp tục đầu tư toàn diện cho bài toán này và PCI DSS là một trong những hạng mục trong tốp đầu. Chỉ sau tháng khai trương, Data Center mới của CMC Telecom đã chính thức được Tổ chức Đánh giá chất lượng quốc tế Crossbow Labs cấp chứng chỉ bảo mật thanh toán PCI DSS phiên bản mới nhất (PCI DSS 3.2).

PCI DSS (Payment Card Industry Data Security Standard) là tiêu chuẩn an ninh thông tin bắt buộc dành cho các doanh nghiệp lưu trữ, truyền tải và xử lý thẻ thanh toán. Tiêu chuẩn này do Hội đồng Tiêu chuẩn bảo mật PCI Security Standards Council thiết lập, quản lý bởi 5 tổ chức thanh toán quốc tế uy tín gồm Visa, Master Card, American Express, Discover Financial Services và JCB International.

Để đạt được chứng chỉ này, các đơn vị phải tuân thủ 12 yêu cầu khắt khe dành cho hệ thống gồm quy trình xử lý dữ liệu, kiểm soát xâm nhập, chính sách an ninh thông tin…, nhằm đảm bảo an toàn cho dữ liệu thẻ trong suốt quá trình xử lý và lưu trữ tại các ngân hàng hoặc các đơn vị có chức năng thanh toán trực tuyến.

Data Center mới khai trương ngày 7/12/2017 của CMC Telecom đạt tiêu chuẩn Tier 3, có diện tích 1.200m2 với sức chứa hơn 220 rack. Để được công nhận chứng chỉ PCI DSS, CMC Telecom phải tuân theo quy trình bảo mật thông tin hà khắc về kiểm soát vào – ra, hệ thống giám sát camera không điểm chết kèm dữ liệu lưu trữ 90 ngày, quản trị phòng ngừa rủi ro cho hệ thống, quy trình quản lý, lưu trữ và hủy bỏ thông tin nghiêm ngặt.

Khi sử dụng Data Center đạt chứng chỉ PCI DSS của CMC Telecom, những tổ chức liên quan đến thanh toán thẻ như ngân hàng, ví điện tử, cổng thanh toán, website thương mại điện tử,..  sẽ hạn chế được các lỗ hổng bảo mật cùng rủi ro bị đánh cắp thông tin, đồng thời tăng cường bảo vệ dữ liệu lưu trên thẻ và giao dịch thanh toán thẻ cho khách hàng trên những hệ thống liên quan. Khi đã có hạ tầng bảo mật đảm bảo tiêu chuẩn PCI DSS, khách hàng có thể yên tâm tập trung nguồn lực để phát triển các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Đối tác chiến lược của CMC Telecom là TIME dotCom hiện cũng là một trong những tập đoàn viễn thông uy tín tại châu Á sở hữu các Data Center đạt chuẩn PCI DSS.

Chứng chỉ tầm quốc tế PCI DSS 3.2 một lần nữa khẳng định cam kết và quyết tâm của CMC Telecom trong sứ mệnh làm hài lòng khách hàng bằng những dịch vụ tối ưu, mà cụ thể là việc áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu cao nhất, đưa khách hàng tiếp cận và hội nhập thành công cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Sao Khuê 2018 – Phát hiện và thúc đẩy những công nghệ mới

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa chính thức phát động Chương trình Danh hiệu Sao Khuê 2018 – Danh hiệu uy tín nhất của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam.

Năm 2018 là năm thứ 15 Chương trình Danh hiệu Sao Khuê được tổ chức. Trải qua 14 năm tổ chức, đến nay, Sao Khuê đã trở thành danh hiệu uy tín nhất của ngành CNTT Việt Nam, được cộng đồng doanh nghiệp và thị trường CNTT Việt Nam tin tưởng và đánh giá cao. Các sản phẩm, dịch vụ đạt Danh hiệu Sao Khuê luôn có chất lượng cao, hiệu quả vượt trội, được thị trường tin tưởng, chiếm ưu thế trong cạnh tranh lớn, góp phần thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam với nhiều thành tựu lớn trong hơn 1 thập kỷ qua.

Hiện nay, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trung bình từ 20 – 35% giai đoạn 2000 – 2010, 10 – 15% giai đoạn 2011 – 2016, luôn cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP của cả nước. Doanh thu ngành phần mềm, nội dung số trong năm 2016 đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng gấp trên 76 lần so với năm 2000. Vị thế của Việt Nam trên bản đồ CNTT quốc tế đã được khẳng định và ngày càng cải thiện. Việt Nam đang đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Việt Nam cũng được đánh giá là 1 trong 6 quốc gia hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm.

Do đó, chương trình Danh hiệu Sao Khuê sẽ giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, Chương trình Danh hiệu Sao Khuê 2018 mở thêm hạng mục Danh hiệu Sao Khuê dành cho các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ CNTT tiêu biểu trong xu hướng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: AI, IoT, Big Data, RPA, VR, AR, in 3D. Đây đang là những xu hướng công nghệ được giới công nghệ trên toàn thế giới tập trung nghiên cứu và phát triển.

Theo kế hoạch, các doanh nghiệp có thể đăng ký các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tham gia Chương trình từ nay đến hết ngày 5/3/2018. Công tác bình chọn sẽ diễn ra trong tháng 3/2018. Lễ công bố và trao Danh hiệu Sao Khuê lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 4/2018. Chi tiết về Hồ sơ và hướng dẫn tham dự có trên website: www.danhhieusaokhue.vn.

 

“Nguy cơ sự cố mất an toàn thông tin mạng do IoT đang gia tăng nhanh chóng”

Nhận định IoT mang lại nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là trong vấn đề an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, nguy cơ sự cố mất an toàn thông tin (ATTT) mạng do IoT đang gia tăng nhanh chóng.

Ngày 7/3/2018, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam phối hợp tổ chức cho các thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố, các đơn vị CNTT của các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố trên toàn quốc tham gia chương trình đào tạo huấn luyện an toàn thông tin theo chuẩn quốc tế và tham dự Diễn tập quốc tế APCERT năm 2018.

Có chủ đề “Lộ lột dữ liệu do mã độc trên IoT (Data breach via malware on IoT)”, về phía quốc tế, diễn tập APCERT 2018 có các trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (CERT) thuộc Hiệp hội các Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính châu Á – Thái Bình Dương (APCERT) đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm các CERT từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Úc, Ấn Độ, Mông Cổ, HongKong, New Zealand, Sri Lanka, Bangladesh… và các nước ASEAN.

Tại Việt Nam, diễn tập APCERT 2018 được tiến hành tại các địa điểm thuộc 3 khu vực miền Bắc (tại Hà Nội), miền Trung (tại Đà Nẵng) và miền Nam (tại TP.HCM), với sự góp mặt của khoảng 300 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo và các cán bộ kỹ thuật an toàn mạng từ các đơn vị thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố và các cơ quan, đơn vị nhà nước, các hiệp hội, tổ chức, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các đơn vị tham gia diễn tập theo sự điều phối cung của VNCERT.

Theo VNCERT, với chủ đề “Lộ lột dữ liệu do mã độc trên IoT”, đây chính là diễn tập phòng chống xâm nhập dữ liệu trái phép bằng mã độc trên Internet kết nối vạn vật. Chủ đề này được đặt ra phù hợp với tình hình thực tế khi IoT đang bùng nổ sự phát triển và kéo theo đó là các sự cố an toàn mạng do mã độc trên IoT đang ngày càng phổ biến với mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp.

Thông qua diễn tập, các đội tham gia sẽ được trau dồi thêm các kỹ năng thu thập, xác minh, phân tích hành vi mã độc; xác định nguồn gốc, kẻ tấn công; xây dựng biện pháp xử lý, khôi phục hệ thống và cảnh báo các đơn vị liên quan. Đối với các lãnh đạo, cán bộ đảm nhiệm công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng của các bộ, ngành, các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia diễn tập cũng được tích lũy và tự hoàn thiện nhiều kỹ năng ứng cứu sự cố mã độc, nhất là mã độc phát tán qua thiết bị IoT gây lộ lọt dữ liệu.

Đối với cơ quan, đơn vị Việt Nam tham gia diễn tập APCERT 2018, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị các đơn vị tham gia tích cực, tập trung cùng phân tích, xử lý các tình huống, đối phó với tấn công mã độc trên IoT được giả định trong diễn tập; thực hành quy trình tham gia ứng cứu sự cố trong mạng lưới; thực hành việc phối hợp giữa các đơn vị chuyên trách về an toàn mạng với VNCERT và giữa các đơn vị với nhau; nâng cao khả năng sẵn sàng trước các tấn công mạng, bảo vệ hệ thống mạng, hệ thống có thiết bị IoT hoặc liên quan; nâng cao ý thức, trình độ cho cán bộ kỹ thuật, nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn thông tin.

Xác định 4 đội tới Hong Kong dự thi lập trình ứng dụng di động

Có 4 đội của Việt Nam sẽ sang Hong Kong vào cuối tháng Ba để tham dự vòng chung kết Cuộc thi lập trình quốc tế App Jamming Summit.

Cuộc thi này dành cho các nhà phát triển ứng dụng từ 8-16 tuổi, sử dụng phần mềm App Inventor trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, đây là năm đầu tiên Học viện Sáng tạo Công nghệ Teky tổ chức cuộc thi này.

Với chủ đề cuộc thi là “Phát triển bền vững,” tiêu chí đánh giá của cuộc thi dựa vào ý tưởng, ứng dụng vào thực tế, giao diện thân thiện và dễ dàng sử dụng. AppJamming Vietnam 2018 đã thu hút gần 200 lượt thí sinh quan tâm đăng ký vòng sơ loại từ các trường tiểu học và trung học cả nước.

Theo Ban tổ chức, các ý tưởng của ứng dụng năm nay tập trung nhiều vào việc bảo vệ sức khỏe con người như ứng dụng tìm nơi hút thuốc công cộng hay hướng dẫn những địa điểm cai thuốc. Ngoài ra, có các ứng dụng như kiểm tra kiến thức về sử dụng đồ tái chế, tìm kiếm thức ăn phù hợp sức khỏe con người…

Thêm vào đó, những ứng dụng trò chơi giúp trẻ em hiểu về trách nhiệm bảo vệ môi trường như trò chơi lái xe dọn rác, mua các đồ dùng tái chế hay các hoạt động mỗi ngày như tắt đèn khi không cần thiết, tái chế rác thải… nhằm giúp môi trường xanh hơn.

Tại vòng chung kết cuộc thi “Lập trình ứng dụng di động AppJamming Vietnam 2018” diễn ra vào ngày 3/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại Hà Nội vào ngày hôm qua (4/3), có bốn đội đã xuất sắc giành chuyến đi Hongkong là Super TEKY, Crazy Appentor, The Banana Developer và UPGRADE TEKY.

Anh Kiều Mạnh Tiến, đại diện Học viện TEKY cho hay, dù là năm đầu tổ chức tại Việt Nam nhưng cuộc thi đã thu hút hàng trăm lượt thí sinh đăng ký và nhiều phụ huynh quan tâm. Điều này thể hiện việc đầu tư học công nghệ cho trẻ em ngay từ nhỏ đã được cộng đồng chú ý.

“Cuộc thi cũng là cơ hội để học sinh thể hiện tối đa khả năng sáng tạo và niềm đam mê về công nghệ nói chung và lập trình nói riêng, giúp trẻ phát triển toàn diện kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và năng lực tương tác xã hội nhằm chuẩn bị hành trang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,” anh Tiến cho biết./.

 

Hội thảo “Giới thiệu Hệ thống chia sẻ dữ liệu vệ tinh Vietnam DataCube”

Ngày 6/3/2018 tại Hà Nội, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Giới thiệu hệ thống Chia sẻ Dữ liệu vệ tinh Vietnam DataCube”. Đây cũng là dịp quan trọng ra mắt hệ thống chia sẻ dữ liệu vệ tinh mở và miễn phí (hệ thống Vietnam DataCube) cho các cơ quan ứng dụng Việt Nam sau một thời gian phát triển tại VNSC dưới sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Là thành viên chính thức của CEOS từ năm 2013, Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các cơ quan vũ trụ các nước trên Thế giới để phát triển Vietnam DataCube. Cụ thể, hệ thống Vietnam DataCube được hình thành và phát triển dựa trên sự hội nhập và hợp tác quốc tế giữa Việt Nam (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với các đối tác chính là Australia (CSIRO – Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung), Hoa Kỳ (USGS – Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Công ty IMSG), Nhật Bản (JAXA – Cơ quan Nghiên cứu và phát triển Hàng không vũ trụ Nhật Bản), Pháp (CNES – Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp).

Hệ thống Vietnam Data Cube được phát triển nhằm đem tới cho người dùng dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất Việt Nam một cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh cũng như công cụ khai thác miễn phí có khả năng: Giảm thiểu thời gian và kiến thức chuyên môn cần thiết để sử dụng dữ liệu vệ tinh; Phân tích chuỗi thời gian hiệu quả để hỗ trợ các ứng dụng thay đổi lớp phủ, rừng, hiện trạng sử dụng đất; Sử dụng nhiều bộ dữ liệu vệ tinh với nhau; Hỗ trợ khách hàng và hỗ trợ người dùng Việt Nam v.v. Đồng thời, Vietnam Data Cube cũng hướng tới tầm nhìn là nâng cao năng lực của người dùng để ứng dụng dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất tại Việt Nam, qua đó đóng góp vào các chương trình ưu tiên toàn cầu, như các chương trình trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UN-SDG) và các thỏa thuận Paris và Sendai.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các báo cáo giới thiệu về DataCube và các ứng dụng cụ thể tại các quốc gia trên Thế giới; Giới thiệu về Vietnam DataCube với công tác phục vụ giám sát rừng, lúa và nước; Nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám vệ tinh cho lưu vực sông Mê Kông cũng như Nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám vệ tinh tại Viện điều tra quy hoạch rừng (FIPI) .v.v.

Các báo cáo của đại biểu quốc tế và các chia sẻ của đại biểu Việt Nam đều khẳng định hệ thống Vietnam DataCube sẽ không chỉ là một địa chỉ tin cậy chia sẻ dữ liệu vệ tinh mở và miễn phí cho người sử dụng Việt Nam mà còn là một công cụ hữu dụng với khả năng phân tích mạnh, giúp thực hiện các ứng dụng ảnh vệ tinh ở Việt Nam được dễ dàng hơn./.

 

Synology: Giải pháp lưu trữ dữ liệu qua mạng (NAS) hiện đại hàng đầu Việt Nam

Synology, công ty hàng đầu thế giới về thiết bị lưu trữ dữ liệu qua mạng (Network Attached Storage – NAS) chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam với việc tung ra những sản phẩm tối tân nhất nhằm thay đổi hoàn toàn cách thức người dùng về quản trị dữ liệu, thực hiện hoạt động giám sát cũng như quản lý mạng trong kỷ nguyên đám mây.

Được thiết kế cho cả hai nhóm người dùng cá nhân và doanh nghiệp ở mọi quy mô, các sản phẩm của Synology đã xác lập những chuẩn mực mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bằng việc tận dụng triệt để ưu thế công nghệ tối tân, Synology hướng tới mục tiêu hỗ trợ người dùng lưu trữ và sao lưu dữ liệu tập trung, chia sẻ file nhanh chóng, tức thì, thực thi các giải pháp giám sát chuyên nghiệp và quản lý mạng theo những cách đáng tin cậy với chi phí hợp lý. Hơn thế nữa, Synology cam kết cung ứng các sản phẩm với các tính năng cấp tiến và hệ thống dịch vụ chăm sóc khách hàng đẳng cấp hàng đầu.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Mike Chen, Giám đốc Marketing của Synology chia sẻ: “Khách hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực từ việc sử dụng các sản phẩm của Synology. JetStar Pacific, Holiday Inn, Unilever là những ví dụ điển hình về các doanh nghiệp đạt được hiệu quả bảo đảm an ninh tốt hơn cũng như nâng cao hiệu suất thông qua sử dụng các giải pháp của chúng tôi. Việt Nam hiện được coi là một trong những quốc gia có tiềm năng nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực phát triển CNTT. Nhận thấy những triển vọng tươi sáng tại Việt Nam, chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của thị trường”.

Theo đó, doanh thu của Synology tại Việt Nam đã tăng 8 lần trong vòng 4 năm qua với mức tăng trưởng hàng năm đạt ít nhất 30%, và vẫn đang trên đà tăng trưởng. Công ty cũng đã tung ra sản phẩm router thứ hai tại Việt Nam – thiết bị RT2600ac đang được nhiều khách hàng trên thế giới ưa chuộng. Một điểm đáng chú ý khác là với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, thị trường Việt Nam có nhu cầu rất lớn đối với các giải pháp giám sát. Chỉ trong năm ngoái, số lượng cấp phép giám sát đã tăng trưởng đầy ấn tượng với con số 500%.

Với những phản hồi tích cực từ thị trường, Synology đang tiếp tục dành nhiều tài nguyên hơn nữa cho thị trường Việt Nam nhằm gia tăng nhận biết thương hiệu, thúc đẩy hợp tác với nhiều phân khúc khách hàng và tiến hành Việt hóa sản phẩm, hướng tới sản xuất các sản phẩm ngày càng thân thiện hơn với người dùng trong nước và đáp ứng nhu cầu người dùng cá nhân và doanh nghiệp nội địa thuộc các lĩnh vực khác nhau./.

 

Đón đầu xu thế phát triển Internet công nghiệp

Chiều 20/3, tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc, FPT đã ký thỏa thuận hợp tác với GE Digital nhằm thương mại hóa các giải pháp phần mềm. Đồng thời, hai bên cũng đã ký kết thỏa thuận triển khai Chương trình Đào tạo Predix – chương trình sử dụng nền tảng phát triển ứng dụng điện toán đám mây tiên tiến của GE Digital.

Theo thỏa thuận, FPT Software sẽ chính thức trở thành nhà phân phối ủy quyền các sản phẩm và dịch vụ của GE Digital tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các giải pháp tự động hóa, hệ thống quản lý sản xuất cũng như các giải pháp quản trị hiệu năng. FPT Software sẽ tư vấn, triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, hàng tiên dùng đóng gói, công nghiệp nặng và năng lượng. Hai bên cũng sẽ hợp tác triển khai các hoạt động bán hàng, sau bán hàng và hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng tại Việt Nam, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Công nghiệp phần mềm sẽ trở thành ngành có giá trị nhất, có cơ hội lớn nhất, dự kiến với quy mô doanh thu của ngành này  trong 10 năm tới sẽ đạt con số 6,8 nghìn tỷ USD. Các DN công nghiệp chắc chắn sẽ phải tìm cách để làm chủ các hoạt động của họ thông qua việc sử dụng các giải pháp công nghệ để phân tích và sử dụng hiệu quả những dữ liệu mà họ đang sở hữu.

“Trong chuyến sang VN lần này, tôi cũng đã gặp gỡ lãnh đạo Petrolimex. Nếu Petrolimex chỉ cần tăng được 1-2% hiệu quả hoạt động thì lợi nhuận của họ có thể tăng lên khủng khiếp” – ông Bill Ruh nói.

Theo ông Bill Ruh, thỏa thuận hợp tác giữa FPT và GE sẽ giúp các DN chuyển đổi và đón đầu xu hướng công nghiệp Internet của vạn vật (IIoT). FPT và GE hợp tác để làm nên sự thay đổi, giống như Google đã làm thay đổi ngành quảng cáo, Netflix đã làn thay đổi ngành giải trí. GE và FPT sẽ giúp các công ty chuyển đổi và đón đầu xu hướng IoT.

Những năm gần đây, FPT Software đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ IoT hàng đầu, với lượng khách hàng trong nhiều lĩnh vực ngày càng tăng, từ những start-up tới những doanh nghiệp nằm trong bảng xếp hạng Fortune 500. FPT Software sở hữu đội ngũ hàng trăm chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực IoT trong cả hai nền tảng: phần mềm và phần cứng./.

 

Việt Nam – Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ICT

Sáng ngày 22/3/2018, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Khoa học, CNTT&TT Hàn Quốc, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Cục xúc tiến công nghiệp CNTT Quốc gia Hàn Quốc (NIPA) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn hợp tác CNTT&TT Việt Nam – Hàn Quốc năm 2018. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng và Bộ trưởng Bộ Khoa học, CNTT&TT Hàn Quốc You Young Min đã tham dự Diễn đàn và chứng kiến ký kết hợp tác giữa một số doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.

Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và tin cậy lẫn nhau, đến nay, hợp tác trong lĩnh vực CNTT&TT đã được Chính phủ và doanh nghiệp hai nước tiếp tục thúc đẩy và mở rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực Viễn thông, an toàn thông tin, Công nghiệp CNTT và Chính phủ điện tử. Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ trong việc đào tào nguồn nhân lực, trao đổi chuyên gia, xây dựng chính sách, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới.

Thông qua Diễn đàn, các đại biểu tham dự từ cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp sẽ có những chia sẻ, thảo luận một cách thiết thực nhằm tiếp tục mở ra các cơ hội, hoạt động hợp tác cụ thể giữa hai nước trong lĩnh vực CNTT&TT, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam – Hàn Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học, CNTT&TT Hàn Quốc You Young Min vui mừng phát biểu, Diễn đàn CNTT&TT Việt Nam – Hàn Quốc có ý nghĩa to lớn với sự quan tâm của Chính phủ, doanh nghiệp 2 nước nhằm đáp ứng thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Bộ trưởng You Young Min tin tưởng, sự hợp tác giữa hai nước và các doanh nghiệp là nền móng để đối phó với những biến đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn hợp tác ICT Việt Nam – Hàn Quốc năm 2018, doanh nghiệp CNTT&TT hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác.

Đại diện Tập đoàn Sam Sung, đại diện Cục xúc tiến công nghiệp CNTT Quốc gia Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai mạng 5G.  Theo đó, mạng 5G là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G, được coi là chìa khóa để chúng ta đi vào thế giới Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT); kế hoạch tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam – Hàn Quốc, mở thêm những cơ hội mới trong trao đổi, hợp tác về CNTT giữa hai quốc gia, từ đó thúc đẩy sự phát triển song phương cho các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam và Hàn Quốc./.

Hội thảo phát triển nguồn thu và ứng dụng công nghệ số

Chiều ngày 22/3/2018, tại Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo phát triển nguồn thu và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình – Thách thức và cơ hội. Dự hội thảo có đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát triển nguồn thu là một trong những thức lớn đối với các Đài Phát thanh và Truyền hình trong cả nước. Tổng doanh thu trên lĩnh vực phát thanh, truyền hình trong nước năm 2017 đạt trên 10.500 nghìn tỷ đồng. Trong đó doanh thu về quảng cáo đạt 8.900 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh thu quảng cáo không đồng đều giữa các Đài Phát thanh và Truyền hình cả nước. Hiện nay nhiều Đài gặp phải khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan tới lĩnh vực phát thanh, truyền hình; thu hút nguồn nhân lực có chất lượng; khó khăn trong sản xuất các chương trình chất lượng cao và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào việc cung cấp nội dung đã tạo ra những thách thức mới cũng như sự tiếp cận của người dân đang chuyển từ bị động sang chủ động, cũng như sự cạnh tranh quảng cáo của các mạng xã hội, trên Internet.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình đã đưa ra các nhận định, dự báo tình hình kinh tế cũng như hoạt động của ngành phát thanh, truyền hình vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở đó các ý kiến cũng đề xuất, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có những kiến nghị với Chính phủ, Nhà nước tiếp tục có những chính sách tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn để các Đài Phát thanh và Truyền hình mở rộng chương trình có thu; chính sách ưu đãi về thuế và các chính sách liên quan tới ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình trong thời gian tới./.

 

Việt Nam – Hàn Quốc ký bản ghi nhớ hợp tác trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0

Sáng 23/3/2018, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cùng chứng kiến lễ ký kết 6 văn kiện hợp tác trong 6 lĩnh vực quan trọng, gồm: thương mại, lao động, thông tin, công nghiệp, giao thông, và xây dựng.

1. Biên bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm giữa Bộ Lao động thương binh xã hội và Bộ việc làm và lao động Đại hàn Dân quốc.

2. Bản ghi nhớ hợp tác về chương trình hành động trong lĩnh vực hợp tác về thương mại giai đoạn 2018 – 2020 nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỉ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng.

3. Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp hỗ trợ Hàn Quốc – Việt Nam giữa Bộ Công nghiệp Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc và Bộ Công thương Việt Nam.

4. Bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam và Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông nước Đại hàn Dân quốc về đẩy mạnh hợp tác chung trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

5. Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Đất đai cơ sở hạ tầng và giao thông Hàn Quốc về hợp tác trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và công nghệ vận tải.

6. Bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng và phát triển đô thị Hàn Quốc – Việt Nam giữa Bộ Giao thông Quốc thổ Hàn Quốc và Bộ Xây dựng Việt Nam.

Đảm bảo an toàn thông tin phục vụ phát triển CPĐT và chính quyền điện tử các cấp

Dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 30/3, tại TP. Điện Biên Phủ, Cục An toàn thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông cùng UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị tập huấn đảm bảo an toàn thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử các cấp khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Hội nghị thu hút sự quan tâm, tham gia của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, cán bộ quản lý ngành Thông tin và Truyền thông 15 tỉnh miền núi phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Theo ghi nhận của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) riêng trong năm 2017 đã có hơn 13.000 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam. Các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các cơ quan Chính phủ, các hệ thống thông tin quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy việc bảo đảm an toàn thông tin phải song hành cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thông tin mạng, gắn kết giữa bảo đảm an toàn thông tin với phát triển Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử các cấp. Nhất là trong giai đoạn hiện nay các cuộc tấn công mạng đang có sự gia tăng cả về số lượng và quy mô; diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Thứ trưởng đề nghị Cục An toàn thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh dự hội nghị tăng cường phối hợp chặt chẽ, hình thành mạng lưới các đơn vị chuyên trách về CNTT, an toàn thông tin để trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng nhu hỗ trợ trong thực hiện nhiệm vụ; Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an toàn thông tin; tham mưu tốt cho lãnh đạo các tỉnh để có gắn kết chặt chẽ trong triển khai các nhiệm vụ ứng dụng và phát triển CNTT với bảo đảm an toàn thông tin.

Tại Hội nghị, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật ngành Thông tin và Truyền thông được tiếp thu nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin trong phát triển Chính phủ điện tử; tham gia diễn tập bảo đảm an toàn thông tin khu vực để nâng cao năng lực phối hợp; ngăn chặn, nhận diện và nhanh chóng khắc phục sự cố mất an toàn thông tin…

Được biết, hội nghị này là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hoạt động về an toàn thông tin cho các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại 7 vùng kinh tế trên toàn quốc./.

 

Việt Nam – Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác phát triển chính phủ điện tử

Sáng ngày 30/3/2018, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Nội vụ Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn hợp tác Chính phủ điện tử Việt Nam – Hàn Quốc. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã phát biểu khai mạc. Tham dự còn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk. Về phía Việt Nam có đại diện các Sở TT&TT một số tỉnh khu vực phía Bắc, đại diện các doanh nghiệp CNTT. Về phía Hàn Quốc có đại diện Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc; Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc; Cơ quan Thông tin quốc gia Hàn Quốc…

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhận định, “Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển Chính phủ điện tử là một trong những nhiệm vụ ưu tiên”,  gắn liền với hoạt động cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ hiện đại, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Theo đánh giá của Liên Hợp quốc năm 2016, chỉ số sẵn sàng Chính phủ điện tử Việt Nam được cải thiện 10 bậc, từ thứ hạng 99/123 (năm 2014) lên thứ hạng 89/123 quốc gia (năm 2016).

Tại Diễn đàn, đại diện Bộ Nội vụ Hàn Quốc đã chia sẻ những kinh nghiệm phát triển chính phủ điện tử của nước này trong những năm qua. Theo đó, từ năm 1967 đến 1994, Hàn Quốc đã số hóa các văn bản hành chính quan trọng như bất động sản, an sinh xã hội. Giai đoạn từ 1995-2002, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tốc độ cao và quan trọng nhất là ban hành Luật Chính phủ điện tử năm 2001.  Luật Chính phủ điện tử quy định rõ nghĩa vụ phối hợp chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các Bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ là cơ quan được giao quản lý chính phủ điện tử. Các Bộ ngành khác phải có nghĩa vụ phối hợp và chia sẻ dữ liệu.

Để chính phủ điện tử thực sự phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân, Hàn Quốc đã xây dựng nhiều kênh để thu hút sự tham gia của người dân vào quá trình vận hành chính phủ điện tử. Đó là cổng điện tử idea.epeople,go.kr nơi người dân đưa ra những góp ý, thảo luận, tham gia khảo sát về chính phủ điện tử. Website gwanghwamoon1st.go.kr đã nhận được hơn 180 nghìn góp ý của người dân về chính phủ điện tử chỉ trong 50 ngày.

Về kế hoạch phát triển chính phủ trong tương lai, đại diện Bộ Nội vụ Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ phát triển theo con đường thông minh hóa với hệ thống dịch vụ được cung cấp ngày càng đa dạng. Chính phủ sẽ tiến tới chủ động cung cấp thông tin cho người dân như cảnh báo về thiên tai, dịch bệnh, đồng thời, quản lý tốt thông tin cá nhân và tránh xâm phạm thông tin cá nhân là một vấn đề quan trọng khi phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu.

Cũng tại Diễn đàn, đại diện Cục Tin học hóa Bộ TT&TT Việt Nam đã có bài tham luận về Hiện trạng và kế hoạch phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam./.

Việt Nam – Cu Ba tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông

Ngày 29/3/2018, tại Havana, Cộng hòa Cuba, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Cuba của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng đã cùng với Lãnh đạo Bộ Truyền thông Cuba ký Bản Ghi nhớ (MoU) về hợp tác trong lĩnh vực bưu chính viễn thông.

Bản ghi nhớ nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác lâu dài và bền vững trên cơ sở bình đẳng, có đi có lại và cùng có lợi, phù hợp với luật pháp và quy định của mỗi nước.

Cụ thể, hai bên sẽ khuyến khích thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp của hai nước trong các lĩnh vực: bưu chính, viễn thông, công nghiệp và ứng dụng CNTT, an toàn thông tin mạng… Về hình thức hợp tác, hai bên thống nhất sẽ tăng cường chia sẻ thông tin về chính sách, khuôn khổ pháp lý, hợp tác nâng cao năng lực và đào tạo, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước triển khai các dự án hợp tác về thương mại và đầu tư./.

Cisco đột phá công nghệ với giải pháp mạng có thể học hỏi, thích ứng và phát triển

Ngày 3/4, Cisco đã chính thức công bố giải pháp mạng có chủ đích tại sự kiện Cisco Connect 2018. Đây được coi là sự kiện công nghệ hàng đầu được tổ chức tại các nước trong khu vực ASEAN.

Được thiết kế trực quan, giải pháp mạng mới của Cisco có thể nhận ra chủ đích, giảm thiểu các mối đe dọa thông qua mã hóa, và học hỏi theo thời gian, mở ra cơ hội và tăng cường sự nhanh nhạy cho doanh nghiệp.

Với giải pháp này, Cisco muốn tạo ra một hệ thống trực quan có thể dự đoán được các hành động, ngăn chặn các mối đe dọa an ninh theo dấu vết và tiếp tục phát triển và học hỏi. Giải pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp mở ra những cơ hội mới và giải quyết các thách thức trước đây không thể giải quyết được trong kỷ nguyên kết nối ngày càng tăng và công nghệ ngày càng phân tán nhiều hơn.

Mạng chưa bao giờ được xem là yếu tố tối quan trọng đối với thành công của doanh nghiệp, nhưng cũng chưa bao giờ chịu nhiều áp lực đến vậy“, Giám đốc Điều hành Chuck Robbins của Cisco chia sẻ. ”Bằng cách xây dựng mạng trực quan hơn, chúng tôi muốn tạo ra một nền tảng thông minh với mức độ bảo mật cao cho ngày nay và cho tương lai giúp thúc đẩy các doanh nghiệp tiến lên phía trước và tạo ra những cơ hội mới cho con người và các tổ chức mọi nơi“.

Bộ phân tích lưu lượng mã hoá của Cisco giải quyết được thách thức an ninh mạng trước đây được xem là không thể giải quyết được“, Phó Chủ tich cấp cao kiêm Tổng Giám đốc bộ phận Mạng và Bảo mật David Goeckeler nói. ”Bộ phân tích lưu lượng mã hoá sử dụng thông tin mạng Talos của Cisco để phát hiện các dấu hiệu tấn công đã từng biết đến ngay cả trong lưu lượng đã được mã hóa, giúp đảm bảo an ninh đồng thời duy tri tính riêng tư”.

Cisco đã phân tích lượng dữ liệu giá trị lớn bằng cách cung cấp cho ngành CNTT những thông tin nhằm phát hiện bất thường và lường trước các vấn đề có thể xảy ra trong thời gian thực mà không ảnh hưởng đến tính riêng tư. Bằng việc tự động hóa mạng, nhúng máy học và phân tích ở mức độ cơ bản, công ty biến những thứ không thể quản lý thành có thể quản lý được và cho phép ngành CNTT tập trung vào các nhu cầu kinh doanh chiến lược.

Hiện đã có 75 doanh nghiệp và tổ chức hàng đầu trên thế giới đang tiến hành chạy thử các giải pháp mạng thế hệ tiếp theo này bao gồm DB Systel GmbH, Đại học Khoa học Ứng dụng Jade, NASA, Công ty du thuyền Royal Caribbean, Scentsy, UZ Leuven và Wipro.

Bên lề sự kiện Cisco Connect 2018, diễn ra cuộc gặp gỡ báo chí, đại diện lãnh đạo Cisco chia sẻ, việc cạnh tranh và phát triển trong môi trường hiện nay đòi hỏi mạng phải vận hành nhanh và linh hoạt hơn bao giờ hết. Mạng được thiết kế có chủ đích, nhận được thông tin từ bối cảnh đồng thời tích hợp bảo mật xuyên suốt, liên tục học hỏi và tối ưu hóa nhằm đáp ứng mọi yêu cầu từ các doanh nghiệp. Cisco với công nghệ đột phá đã giới thiệu những phát kiến mới về giải pháp mạng giúp cho các kỹ sư CNTT chủ động và công việc trở nên hiệu quả hơn./.

Xuất hiện nhiều nguy cơ mới đe dọa an ninh quốc gia từ không gian mạng

Ngày 5/4/2018, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo – Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật (Security World) với chủ đề “Tăng cường bảo mật dữ liệu và an toàn, an ninh mạng trong thế giới kết nối”. Hội thảo do Cục An ninh mạng, Bộ Công an, phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG Việt Nam) tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ Công an và sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ban Cơ yếu Chính phủ.

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Tài chính, các Giám đốc Công nghệ thông tin (CIOs) và Giám đốc An ninh thông tin (CSOs) các doanh nghiệp CNTT và an toàn thông tin Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Hoàng Phước Thuận – Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an nhận định: Trong những năm qua, bên cạnh những nhân tố tích cực, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó dự báo, tác động đến hòa bình, ổn định của mỗi quốc gia. “Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT đã làm xuất hiện nhiều nguy cơ mới đe dọa an ninh các quốc gia từ không gian mạng”.

Cục trưởng Hoàng Phước Thuận cảnh báo, hoạt động tấn công, xâm nhập hệ thống mạng thông tin, đánh cắp, làm thay đổi hoặc phá hoại các thông tin, dữ liệu trong hầu hết các lĩnh vực là mối lo ngại thường trực đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các cuộc tấn công mạng, phát tán thông tin sai lệch mang màu sắc chính trị liên tục diễn ra tác động không nhỏ đến an ninh và chính trường của nhiều quốc gia.

Không gian mạng đã và đang trở thành môi trường thuận lợi để các cá nhân, tổ chức khủng bố liên lạc, tuyển mộ lực lượng, gây quỹ, truyền bá tư tưởng chống đối cực đoan, kích động sự hận thù và bạo lực. Phòng chống tấn công mạng, tội phạm mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng và ứng phó với những nguy cơ mới đến từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, được nhiều quốc gia xác định là nội dung cốt lõi trong bảo vệ, phát triển đất nước, Trung tướng Hoàng Phước Thuận nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, ông Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng Bộ Công an đã có báo cáo quan trọng với chủ đề “Xây dựng quy tắc ứng xử vì một không gian mạng an toàn và lành mạnh”. Cục trưởng Cục An ninh mạng nhận định: Tình hình lộ bí mật nhà nước, lộ thông tin cá nhân của người dùng Internet diễn ra đáng lo ngại. Mỗi năm, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên Internet. Thực tế có thể còn vượt xa con số đã phát hiện do tính chất nặc danh, khó phát hiện của môi trường mạng dẫn tới những hậu quả khôn lường. Thông tin cá nhân, dữ liệu về tài khoản của người sử dụng mạng không được bảo vệ và bị lạm dụng vào mục đích thương mại, chính trị, thể hiện rõ nhất là vụ 50 triệu tài khoản của Facebook đã bị chia sẻ trái phép cho Công ty Cambridge Anlytica để sử dụng vì mục đích thương mại và chính trị, dẫn đến Mỹ và Liên minh châu Âu phải mở cuộc điều tra khẩn.

Sự thiếu lành mạnh và sự nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng gây nhiều thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2017, Việt Nam đứng trong Top 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia khách mời đến từ các công ty như Huawei, Samsung … đã có các bài tham luận đề cập đến các chủ đề như: Hướng tới nền kinh tế di động thế hệ kế tiếp (Samsung), Nguy cơ an ninh mạng từ hệ thống IoT và các dự báo cho Việt Nam (Huawei)….

Hội nghị Nhóm Thông tin vô tuyến của APT lần thứ 23

Bộ TT&TT phối hợp với Tổ chức Viễn thông khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APT) tổ chức Hội nghị Nhóm Thông tin vô tuyến của APT lần thứ 23 (AWG-23). Hội nghị đã thu hút sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới về thông tin vô tuyến đến từ các quốc gia thành viên của APT cùng nhiều doanh nghiệp viễn thông có tên tuổi trong nước và quốc tế như: VNPT, Viettel, GSMA, Ericsson, Huawei, Samsung, Qualcom.

Hội nghị AWG là Hội nghị chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến quản lý tần số, các ứng dụng và công nghệ thông tin vô tuyến của Cộng đồng thông tin khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APT). Kết quả nghiên cứu của AWG là các báo cáo và khuyến nghị giúp ích cho các thành viên của APT và cả các khu vực khác trên thế giới trong việc sử dụng hiệu quả tần số và triển khai các hệ thống thông tin vô tuyến; điển hình như Khuyến nghị về quy hoạch băng tần 700 MHz, báo cáo về chuyển đổi công nghệ GSM sang di động băng rộng.

Là thành viên của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam luôn thể hiện vai trò là một cơ quan quản lý uy tín, có đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của quốc tế và khu vực. Cùng với việc ông Lê Văn Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện hiện là Phó Chủ tịch của AWG, Đoàn Việt Nam, trong những năm gần đây đã tích cực tham gia và xây dựng nhiều nội dung đóng góp vào các hoạt động nghiên cứu của AWG. Hội nghị AWG-23 được tổ chức tại Việt Nam lần này góp phần khẳng định hơn nữa sự tích cực và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực về quản lý tần số và thông tin vô tuyến. Các thông tin, kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của Hội nghị sẽ giúp cơ quan quản lý tần số các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu xây dựng chính sách, định hướng chiến lược cho các hệ thống di động băng rộng, thông tin vô tuyến trong tương lai.

Hội thảo Chính sách và giải pháp chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động

Sáng ngày 12/4, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo Chính sách và giải pháp chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã tham dự và phát biểu tại Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của đại diện nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan trong lĩnh vực chữ ký số.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trong nước và nước ngoài trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất với các chuyên gia trong lĩnh vực này, từ đó tiếp tục đẩy mạnh việc sử  dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, cụ thể là đẩy mạnh việc cá nhân sử dụng chữ ký số tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp và toàn xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn thông tin cho các ứng dụng là điều kiện tiên quyết và không thể thiếu. Để làm được việc này, trước hết cần có cơ chế và hình thức xác thực điện tử an toàn.

Thứ trưởng cũng cho biết: Dịch vụ chứng thực chữ ký số và các ứng dụng sử dụng chữ ký số bắt đầu phát triển tại Việt Nam từ năm 2009. Đến nay, trên cả nước có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, đã cấp hơn 800.000 chứng thư số công cộng đang hoạt động để phục vụ việc kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội điện tử. Cùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã cấp hơn 600.000 chứng thư số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính  trị – xã hội.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng đại diện các doanh nghiệp được lắng nghe các tham luận và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Đồng thời trao đổi, giải đáp thắc mắc về khó khăn của doanh nghiệp trong việc triển khai dịch vụ chữ ký số trong thực tế; qua đó đưa ra các ý kiến đóng góp phát triển dịch vụ chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động trong tương lai gần.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao những chia sẻ và đóng góp trong Hội thảo, đồng thời bày tỏ vui mừng vì hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hội thảo đều rất quan tâm, chú trọng và mong muốn sớm áp dụng chữ ký số cho doanh nghiệp, sẵn sàng chung tay khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải để đưa chữ ký số phát triển rộng rãi và phổ biến hơn tại Việt Nam./.

Trao giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng

Năm nay, Giải thưởng Quả cầu vàng được xét trao cho chín tài năng trẻ khoa học công nghệ xuất sắc thuộc năm lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ y-dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.

Phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật lần thứ 19 được trao cho 20 nữ sinh ở bốn lĩnh vực công nghệ thông tin, điện, điện tử và cơ khí – những ngành học mà sinh viên nữ còn hạn chế và cần được khuyến khích.

Phần thưởng lần này được chọn từ 102 hồ sơ của 28 trường đại học, học viện, 15 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Y Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đảng ủy ngoài nước tại Nhật Bản, Đảng ủy ngoài nước tại Hàn Quốc, Đại sứ quán tại Anh. Trong đó, nhiều gương mặt xuất sắc đạt Giải thưởng Quả cầu vàng như tiến sỹ Nguyễn Thị Ánh Dương, nghiên cứu viên Phòng Tuyến trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; phó giáo sư, tiến sỹ Trần Xuân Bách, giảng viên cao cấp, Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội…

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn mong muốn các tài năng trẻ, nữ sinh viên kỹ thuật tiêu biểu tiếp tục nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu với tinh thần sáng tạo, đam mê khoa học; không ngừng phấn đấu trong học tập, công tác đoàn, lan tỏa tinh thần ham học hỏi trong đông đảo đoàn viên, thanh niên Việt Nam.

Đánh giá cao ý nghĩa của Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng và Phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết Bộ luôn chủ động tạo ra các sân chơi, vườn ươm khoa học; tạo cơ chế, chính sách cho các nhà khoa học trẻ tham gia nghiên cứu các đề tài mới, có tính sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tiễn; hỗ trợ kinh phí tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị quốc tế, tiếp cận với công nghệ mới của thế giới.

Hệ tri thức Việt số hóa chính thức vận hành vào ngày đầu năm mới

Thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 01/01/2018 cho hay, đề án Hệ tri thức Việt số hoá đã được chính thức khởi động với mục tiêu “Chia sẻ tri thức – Cổ vũ sáng tạo – Kết nối cộng đồng – Vì tương lai Việt Nam.”

Cấu trúc Hệ tri thức Việt số hóa bao gồm bốn hợp phần chính tạo nên một hệ sinh thái đa dạng lần đầu tiên được phát triển tại Việt Nam, gồm: hợp phần Dữ liệu mở tập hợp các thông tin và dữ liệu công bố công khai các các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Hợp phần Hệ tri thức tập hợp tri thức của thế giới được dịch sang tiếng Việt và tri thức của người Việt Nam được hệ thống hóa và được cấu trúc tạo thuận lợi cho người dân học tập, nghiên cứu ở các trình độ khác nhau.

Ở Hợp phần Ngân hàng hỏi đáp, nơi người dân có thể đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời tin cậy từ nhiều nguồn thông tin, cho phép người dùng tương tác với nhiều mạng xã hội và diễn đàn khác nhau. Cuối cùng là hợp phần Kho ứng dụng do các doanh nghiệp và cá nhân phát triển trên nền tảng kho dữ liệu khổng lồ của Hệ tri thức Việt số hóa và sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để tạo ra các giá trị gia tăng đáp ứng các yêu cầu đa dạng của người dùng.

Dẫn chứng từ những cơ hội và thách thức mà Việt Nam đang đối mặt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (đầu mối chủ trì triển khai đề án) cho hay, “việc tạo lập, chia sẻ, khai thác và sử dụng Hệ tri thức Việt số hóa một cách sâu rộng trong xã hội là tiền đề để nâng cao trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân, năng lực đổi mới sáng tạo ở các ngành, các lĩnh vực trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.”

Là một trong những đơn vị đầu tiên tình nguyện tham gia đề án, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel cho hay, tri thức được sinh ra trong một hoàn cảnh cụ thể và vì thế nó có giá trị trong một hoàn cảnh cụ thể. Đó là lý do, người Việt Nam cần tự tay xây dựng hệ tri thức Việt Nam. ”Thời đại ngày nay, khó nhất là việc phát hiện vấn đề. Một câu hỏi đúng đôi khi có giá trị hơn cả một câu trả lời. Bởi vậy, hệ tri thức Việt Nam ghi nhận sự đóng góp ngay từ những người đặt câu hỏi. Hệ tri thức Việt Nam được xây dựng bởi cả những người chưa biết,” ông Hùng nói.

Hiện, trên itrithuc.vn, góc tôn vinh các tổ chức đóng góp kho tri thức Việt hiện đã có sự góp mặt của nhiều cơ quan, doanh nghiệp như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, thành phố Đà Nẵng, Tập đoàn Viettel, Công ty cổ phần Công nghệ DTT, Công ty cổ phần VCCorp, Thái Hà Books.

9 tài năng trẻ được nhận giải thưởng Quả cầu vàng

Ngày 27-12, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng và phần thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật năm 2017”.

Giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng nhằm tôn vinh các đoàn viên, thanh niên có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác; đồng thời tạo động lực và thúc đẩy phong trào thi đua học tập, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và đời sống, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau gần 4 tháng phát động, cơ quan thường trực giải thưởng Quả cầu vàng đã nhận được 58 hồ sơ của 21 đơn vị. Hội đồng bình chọn đã bình chọn 9 tài năng trẻ có thành tích xuất sắc để trao giải, thuộc 5 lĩnh vực: Công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ y – dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.

Cũng tại buổi lễ, Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, trao phần thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật 2017” cho 20 nữ sinh viên được lựa chọn từ 44 hồ sơ của 28 trường đại học, học viện. Đây là lần thứ 19 phần thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật” được trao cho các sinh viên thuộc 4 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện, điện tử và cơ khí. Phần thưởng nhằm khuyến khích nữ sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu ở các ngành kỹ thuật, góp phần đào tạo nguồn cán bộ khoa học kỹ thuật nữ trẻ…

Liên kết hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Qua hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Bộ KH&CN tổ chức ở TPHCM mới đây cho thấy, TPHCM có đầy đủ tiềm năng, cơ sở để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo… Tuy nhiên, vẫn phải cần sự liên kết tốt hơn.

Hạ tầng tốt nhưng cần liên kết

TPHCM với Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm Công nghệ sinh sinh học, Viện Khoa học công nghệ tính toán, 45 trường đại học, 30 trường cao đẳng, trên 125 phòng thí nghiệm và hơn 245 tổ chức KH&CN… là cơ sở để liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

TPHCM còn có nguồn nhân lực KH&CN chiếm trên 25%, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm 50%, số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) và doanh nghiệp KH&CN lần lượt chiếm 42% và 15% cả nước. Ngân sách chi cho hoạt động KH&CN giai đoạn 2016 – 2017 là 2.436 tỷ đồng (tương đương gần 2% tổng chi ngân sách của thành phố) cũng là tiềm lực khá mạnh để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), xây dựng hệ sinh thái ĐMST trên địa bàn TPHCM.

Đó là chưa nói đến trên 760 startup đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% số lượng startup cả nước. Có hơn 46% (tương đương 350 startup) đã và đang tham gia chương trình hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn thành phố. Theo Sở KH&CN TPHCM, quá trình liên kết cũng đã diễn ra như kết nối với các quỹ đầu tư để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp IDG, Dragon Capital, Spring…; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các cuộc thi ĐMST và hợp tác tốt với đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon của Bộ KH&CN nhằm thiết kế các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST theo chuẩn quốc tế; tổ chức đào tạo – tư vấn, trao đổi chuyên gia cố vấn và giới thiệu trên 20 dự án khởi nghiệp ĐMST có khả năng gọi vốn cao.

Để phát triển hệ sinh thái ĐMST, rất cần sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau để cùng đổi mới và phát triển. Vì vậy, Sở KH&CN TPHCM khẳng định rằng, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối hợp tác quốc tế, tăng cường sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST nhằm giúp các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; giúp hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển.

 

CNTT là nền tảng cho việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Đó là chia sẻ của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam tại buổi tọa đàm với chủ đề “Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam”, do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức mới đây, tại Hà Nội.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam nên bắt đầu tạo nền tảng cho sự tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 từ công nghệ thông tin (CNTT). CNTT phải là hạ tầng của hạ tầng, trên cơ sở đó tiếp cận các sáng kiến, biến thành các lợi ích kinh tế thật sự.

Hiện nay, Chính phủ, cơ quan nhà nước, những người quyết định về chính sách đã bắt đầu ý thức rất rõ về câu chuyện phải bắt đầu từ nền tảng CNTT. Nhu cầu ứng dụng CNTT hiện nay cũng đã trở thành những nhu cầu thực tiễn từ cơ quan nhà nước cho đến doanh nghiệp, người dân chứ không phải nhu cầu theo phong trào.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Trần Đình Thiên, các doanh nghiệp Việt Nam có độ nhạy bén và tư duy tốt, có đủ khả năng ứng biến tiếp cận CMCN 4.0, tuy nhiên cần phải có chiến lược cụ thể.

Trong CMCN 4.0 với nhiều ứng dụng công nghệ, sức lao động của con người đã được giải phóng. Điển hình như với loại hình taxi công nghệ thì không cần đến bộ máy quản lý như taxi truyền thống. Theo đó, nếu doanh nghiệp không năng động thì sẽ bị đào thải.

Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiến nhanh, tiến mạnh hơn trong thời gian tới, ông Bình cho rằng vấn đề nhận thức rất quan trọng, đặc biệt là cần có tư tưởng cởi mở với các phát kiến mới. Tuy nhiên, vấn đề phải làm được là vai trò của quản lý nhà nước và tất cả các bộ, ngành đều phải vào cuộc một cách thực sự.

 

Cấu trúc Hệ tri thức Việt số hóa

Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa là một cách hiệu quả trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Mọi tổ chức, cá nhân, trước hết là lớp trẻ, đội ngũ trí thức, cộng đồng công nghệ thông tin hãy cùng chung tay phát triển Hệ tri thức Việt số hóa. Hãy cùng nhau khơi dậy, lan tỏa tinh thần ham học hỏi, ý thức cộng đồng, khí thế “Bình dân học vụ” trên không gian mạng, trong toàn xã hội để góp phần phổ biến, sáng tạo tri thức, nâng tầm trí tuệ Việt Nam.

Cấu trúc Hệ tri thức Việt số hóa bao gồm 4 hợp phần.

Hợp phần Dữ liệu mở: Tập hợp các thông tin và dữ liệu công bố công khai của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Hợp phần Hệ tri thức: Tập hợp tri thức của thế giới được dịch sang tiếng Việt và tri thức của người Việt Nam được hệ thống hóa và được cấu trúc tạo thuận lợi cho người dân học tập, nghiên cứu ở các trình độ khác nhau.

Hợp phần Ngân hàng hỏi đáp: Nơi mọi người đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời tin cậy từ nhiều nguồn thông tin, cho phép người dùng tương tác với nhiều mạng xã hội và diễn đàn khác nhau.
Hợp phần Kho ứng dụng do các doanh nghiệp và cá nhân phát triển trên nền tảng kho dữ liệu khổng lồ của Hệ tri thức Việt số hóa và sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, để tạo ra các giá trị gia tăng đáp ứng các yêu cầu đa dạng của người dùng.

Các thông tin, hoạt động và kết quả phát triển của Hệ tri thức Việt số hóa và cách thức tham gia, khai thác được thường xuyên cập nhật tại đại chỉ https://itrithuc.vn. Với đầu số 1001 miễn phí trên mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone, bất cứ ai cũng có thể đặt câu hỏi tìm hiểu tri thức trên Hệ tri thức Việt số hóa./.

 

Đẩy mạnh kết nối, thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao công nghệ

Năm 2017 đã có nhiều hoạt động chuyển giao và đổi mới công nghệ; đưa nhanh ứng dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ vào thực tiễn cuộc sống để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Khai trương 4 Điểm kết nối cung cầu công nghệ: Điểm kết nối cung cầu công nghệ Toàn cầu tại Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch; Không gian kết nối cung cầu công nghệ tại Đại học quốc gia Hà Nội; Điểm kết nối cung cầu công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh và Điểm kết nối cung cầu công nghệ khu vực Bắc Trung Bộ tại Nghệ An.

Tại các điểm kết nối đã tổ chức nhiều cuộc tư vấn, kết nối cung cầu công nghệ cho doanh nghiệp trong nước với nước ngoài, giữa các chuyên gia công nghệ với các doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn, kết nối chuyển giao công nghệ: công nghệ Rào chắn dạng xoay, hàng rào an toàn trong thi công đường bộ; Công nghệ tiết kiệm điện năng tiêu thụ dựa trên nguyên lý làm mịn tần số dòng, triệt tiêu sóng hài; công nghệ Ngôn ngữ và nền tảng V-SYS cho các hệ thống thông minh “Internet of Things” (IoT); Công nghệ phân tách màng phẳng ứng dụng trong xử lý nước thải công nghiệp, đây là thế hệ công nghệ xử lý nước thải thứ 3 và cũng là thế hệ công nghệ xử lý nước thải mới nhất hiện nay; Giải pháp quản lý nguồn nước dựa trên nền tảng IoT, đây là giải pháp tổng thể quản lý theo thời gian thực các thông số của nguồn nước như lưu lượng, chất lượng nguồn nước, tình trạng hoạt động của hệ thống trang thiết bị; công nghệ tăng cường thực tế ảo cho phép con người tương tác với thế giới thực thông qua một môi trường ảo được mô phỏng trên một thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại, tablet,..), công nghệ có khả năng ứng dụng trong các ngành như: Bán lẻ, thiết kế nội thất, giáo dục…

Từ kết quả hoạt động của các Điểm kết nối cung cầu công nghệ sẽ tạo tính lan tỏa và kết nối cao của hệ thống hạ tầng phục vụ cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; đưa nhanh ứng dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ vào thực tiễn cuộc sống để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Hai tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm KHCNVN được lọt vào danh mục ACI năm 2017

Trong đợt xét duyệt tháng 12/2017, Cơ sở dữ liệu khoa học Trung tâm Trích dẫn ASEAN (ASEAN Citation Index) đã chấp nhận 03 tạp chí khoa học của Việt Nam đạt chuẩn ACI, trong đó có 2 tạp chí do Viện Hàn lâm KHCNVN xuất bản (Tạp chí Khoa học và Công nghệ và Tạp chí Khoa học trái đất).

Trung tâm Trích dẫn ASEAN (Asean Citation Index-ACI) là một cơ sở dữ liệu chung cho toàn bộ khu vực ASEAN, làm cầu nối giữa các Trung tâm Trích dẫn quốc gia (National Citation Index – NCI) của các nước thành viên với các cơ sở dữ liệu quốc tế như ISI, SCI hay Scopus. ACI có chức năng lưu trữ, tìm kiếm bài báo và trích dẫn, giúp phân loại và đánh giá chất lượng tạp chí khoa học của các nước ASEAN tương tự như Trung tâm Trích dẫn Thái lan (TCI) hay các Trung tâm Trích dẫn quốc gia (NCI) khác. Nhưng để có mặt trong cơ sở dữ liệu này, các tạp chí khoa học cần phải đạt những tiêu chuẩn cao hơn về hình thức và nội dung, tiệm cận với tiêu chuẩn của Scopus.

Trung tâm Trích dẫn ACI được thành lập và có ban điều hành từ năm 2013, chính thức xét duyệt tạp chí từ năm 2014, do Quỹ Nghiên cứu khoa học Thái Lan tài trợ đến hết năm 2016; từ năm 2017 kinh phí sẽ do các nước thành viên đóng góp. Chủ tịch ACI là Giáo sư Narongrit Sombatsompop; ban điều hành gồm thành viên các nước ASEAN, mỗi nước được cử hai người do Bộ Giáo dục của nước đó giới thiệu. Mỗi năm ACI mở một đợt xét duyệt với hạn chót là ngày 15/11. Những tạp chí có trong danh mục Scopus hay ISI đương nhiên được chấp nhận, những tạp chí khác sẽ được xét duyệt theo các tiêu chí của ACI.
Trong đợt xét duyệt tháng 12/2017, Việt Nam có 3 tạp chí được chấp nhận đạt chuẩn ACI, trong đó 2 tạp chí của Viện HLKHCNVN là: Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Vietnam Journal of Science and Technology) và Tạp chí Khoa học trái đất (Vietnam Journal of Earth Sciences) đạt điểm loại cao. Bốn tạp chí đạt chuẩn ACI của các đơn vị khác ngoài VAST gồm: 2 tạp chí đạt đợt xét năm 2015 là Journal of Economic Development của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Journal of Economics and Development của Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, 1 tạp chí đạt đợt 2016 là Biomedical Research and Therapy của Trường ĐHKHTN, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, và Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt (Dalat University Journal of Science) đạt năm nay cùng với 2 tạp chí của Viện HLKHCNVN. Với số lượng 6 tạp chí được ACI chấp nhận, Việt Nam chỉ hơn Brunei (1), Campuchia (1), Myanmar (1) và  Lào (0).

Viện Hàn lâm KHCNVN hiện có 12 tạp chí khoa học, trong đó có 3 tạp chí đã đạt chuẩn Scopus đang phấn đấu để có thể đạt thêm chuẩn ISI. 6 trên 9 tạp chí còn lại đang đang thực hiện dự án nâng cao chất lượng để có thể đạt chuẩn Scopus.

GS.TSKH. Nguyễn Xuân Phúc – Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ cho biết, từ 5 năm lại đây các cơ quan quản lý khoa học Việt Nam đang cố gắng hỗ trợ để sớm có các tạp chí khoa học bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc các thứ tiếng khác với chất lượng khoa học ngày càng cao để hội nhập quốc tế và sớm có mặt trong danh mục tạp chí của ISI hoặc Scopus. Cùng với Viện HLKHCNVN, các trường đại học thuộc Bộ GD-ĐT, 2 Đại học Quốc gia và  Viện HLKHXHVN cũng đang phấn đấu không ngừng để đạt được điều đó. Tuy nhiên đó là cả một chặng đường dài và vất vả. Nhìn vào con số thống kê số tạp chí khoa học Việt Nam được đưa vào danh mục ISI/Scopus hay ngay cả ACI so với các nước trong khu vực thì Việt Nam có tỷ lệ rất thấp.

“Có nhiều con đường để có thể đi đến thành công và việc hai tạp chí Vietnam Journal of Science and Technology (Tạp chí Khoa học và Công nghệ) và Vietnam Journal of Earth Sciences (Tạp chí Khoa học trái đất) của VAST được lọt vào danh mục ACI có thể coi là thành công bước đầu trong việc đưa các tạp chí của VAST vươn ra khu vực các nước ASEAN và là nền tảng để vươn ra thế giới với mục tiêu đạt chuẩn Scopus”, GS. TS. Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm./.

 

Khoa học và công nghệ giúp năng suất lúa Việt Nam đứng đầu ASEAN

Khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Hiện, năng suất lúa của Việt Nam đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới…

Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của đơn vị này ngày 9/1 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của cơ quan quản lý, khoa học và công nghệ đã đóng góp tích cực vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện, trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới sử dụng giống của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh. Số lượng máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp tăng 1,5-2% so với năm 2016. Xuất hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản, sản xuất theo chuỗi giá trị như: Chuỗi sản xuất nuôi tôm, cá tra, nuôi giống tôm hùm. Điển hình là chuỗi sản xuất tôm từ khâu giống (Công ty Việt Úc), thức ăn cho tôm (Công ty Tôm King). Các tập đoàn, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như Tập đoàn TH True Milk…

Ở lĩnh vực cơ khí và chế tạo, một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Tiêu biểu như hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) với tiêu chuẩn của châu Âu được đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu; Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải phát triển chuỗi sản xuất các linh kiện, chi tiết thiết bị hỗ trợ, lắp ráp các loại xe buýt đến 80 chỗ với tỷ lệ nội địa hoá đến 40%…Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than khai thác bình quân 14%/năm. Ngành tài chính, ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, ngân hàng điện tử… Với quốc phòng, an ninh, có tới 87% các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất. Nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật đã tham gia các cuộc diễn tập hiệp đồng tác chiến, đáp ứng các yêu cầu tác chiến..

Theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, có 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do đơn vị này quản lý được chuyển sang cơ chế hậu kiểm, giúp cắt giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu từ 13 ngày xuống còn 1 ngày.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã phát triển rộng khắp với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm; 30 cơ sở ươm tạo (BI); 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA), góp phần thúc đẩy số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh với hơn 3.000 doanh nghiệp, gần gấp đôi số lượng năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Số lượng và giá trị các thương vụ đầu tư đã tăng đáng kể.

Trong năm 2018, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ khoa học gắn với doanh nghiệp, phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm của quốc gia có tiềm năng xuất khẩu, giá trị kinh tế cao; tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao phục vụ phát triển nông nghiệp, tập trung vào các mặt hàng nông nghiệp chủ lực xuất khẩu.

Cùng lúc, nhà quản lý sẽ triển khai thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập…/.

 

Phát triển khoa học và công nghệ trên 4 trụ cột

Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra sáng 9/1.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các nhà khoa học phải có trách nhiệm trong việc chuyển đổi mô hình phát triển của nền kinh tế, đồng thời khẳng định thời gian tới Thủ tướng sẽ có chính sách tháo gỡ khó khăn cho nghiên cứu khoa học.

Một dấu ấn lớn nhất trong năm vừa qua là lần đầu tiên Chỉ số sáng tạo của Việt Nam tăng lên 12 bậc, từ vị trí 59 lên vị trí 47 trong 127 nước và nền kinh tế và là nước dẫn đầu trong các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Một nhà khoa học nhận xét, năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo được cảm hứng, động lực, quyết tâm và kích hoạt được tiềm năng nghiên cứu khoa học cũng như khởi nghiệp sáng tạo trong giới khoa học cũng như của người dân.

Để minh chứng cho điều nay, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đã chuyển một món quà của nông dân Đồng Tháp tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đó là “cây xoài nhà tôi” – một sản phẩm ứng dụng tiến bộ khoa học và cũng là hành động trao niềm tin cho xã hội về sản xuất sạch của nông dân Đồng Tháp.

Bày tỏ sự ấn tượng về Hà Giang đang sử dụng khoa học công nghệ làm đòn bẩy trong phát triển nông nghiệp, hay phong trào khởi nghiệp sáng tạo ở Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các Sở Khoa học và Công nghệ khác trong tham mưu cho các tỉnh, thành ủy về ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và về cách mạng công nghiệp 4.0.

Với tinh thần thẳng thắn, Thủ tướng đã chỉ ra 4 trụ cột, 3 đột phá và 5 lưu ý đối với sự phát triển của khoa học công nghệ nước nhà hiện nay đó là giới khoa học phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhất là những mô hình sản xuất nông nghiệp có năng suất thấp đi cùng với việc phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa cho dù tinh thần quốc gia khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã phát triển rộng với sự ra đời của hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Từ đó, Thủ tướng tái khẳng định yêu cầu phải tập trung phục vụ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, cũng như phải coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo.

Vì thế, trong 3 mũi đột phá của ngành khoa học và công nghệ, Thủ tướng yêu cầu cần phải có đột phá về thể chế, chính sách, trong đó cần xóa bỏ tư duy hành chính hóa, quy hoạch hóa khoa học công nghệ và tư duy thành lập mới tổ chức khoa học công nghệ phải theo quy hoạch. Đi cùng phải có thể chế, cơ chế thuận lợi cho các nhà nghiên cứu khoa học về sử dụng kinh phí.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học công nghệ theo hướng phải quan tâm chính đến các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng; đồng thời phải làm sao để trí thức ở cả trong và ngoài nước ủng hộ và đi theo Đảng, Nhà nước bởi con người là quan trọng nhất.

Đề cập đến 5 lưu ý đối với ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phải quan tâm tới phẩm chất của cán bộ khoa học. Cơ chế thoáng nhưng phải khắc phục được bệnh thành tích, buôn thần, bán thánh trong khoa học công nghệ cũng như bệnh không thiết thực, không đi vào cuộc sống của khoa học công nghệ; đồng thời phải dây dựng Bộ và các tổ chức khoa học công nghệ khỏe mạnh cả tư chất, thể chất cũng như phẩm chất.

Hoạt động khoa học công nghệ trong nền kinh tế có nhiều kết quả nổi bật

Sáng ngày 09/01/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động Khoa học và Công nghệ năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự Hội nghị cùng đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Lãnh đạo 63 Sở KH&CN; đại diện một số viện, trường, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp có nhiều thành tựu trong hoạt động KH&CN.

Năm 2017, Bộ KH&CN đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực, trọng điểm quốc gia theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp thiết thực để thúc đẩy phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng hiệu quả vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dich bệnh và khám chữa bệnh.

“KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới: Lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ 2 thế giới…” Thứ trưởng Phạm Công Tạc thông tin.

Đặc biệt, trong năm 2017 điểm nhấn về các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được phát triển theo chuỗi giá trị với sự tham gia ngày càng đông đảo của các tập đoàn, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, kết quả hoạt động KH&CN đã đóng góp vào thành tích hoàn thành vượt mức chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) là 9,4%. Trong lĩnh vực dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 được đẩy mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế, đạt vị trí cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2017, cũng đánh dấu sự hợp tác giữa các Bộ, ngành được thúc đẩy tích cực. Dấu ấn khoa học công nghệ trong các lĩnh vực công nghiệp, y tế, nông nghiệp… được đánh giá khởi sắc với những kết quả nổi bật; điểm sáng trong hoạt động KH&CN địa phương năm 2017 là việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN, ứng dụng công nghệ cao để phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị. Hầu hết các địa phương đều có dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao với quy mô khác nhau, chủ yếu bằng công nghệ trong nước.

Với tinh thần đó, Bộ KH&CN tiếp tục thực hiện phương châm: “Kỷ cương – Liêm chính – Hành động – Sáng tạo – Hiệu quả” được vận dụng thiết thực vào trong điều kiện của những người làm quản lý cũng như những người trực tiếp làm KHCN trên cả nước./.

An toàn thông tin 4.0 – Thực trạng và sáng kiến

Ngày 18/01/2018, tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo: “An toàn thông tin 4.0 – Thực trạng và sáng kiến”.

Hội thảo được tổ chức với mong muốn phác thảo về thực trạng an toàn thông tin tại Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay, từ đó cùng nhau chia sẻ, thảo luận đưa ra được các sáng kiến và phương hướng chung tay vì một không gian mạng an toàn hơn.

Đặc biệt, trong hội thảo sẽ có sự xuất diện và trình bày tham luận của ông Mikko Hypponen, một trong những “huyền thoại” của làng bảo mật của thế giới. Mikko Hypponen là một trong những chuyên gia đầu tiên đưa ra khái niệm Anti Virus trên thế giới từ những năm đầu của thập niên 1980. Tạp chí Foreign Policy danh tiếng đã từng xếp hạng ông tại vị trí thứ 61 trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới”. Năm 2007, tạp chí PC World của Mỹ cũng xếp ông vào danh sách “50 người có ảnh hưởng nhất tới Internet”.

Theo Cục An toàn thông tin, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến cho Việt Nam vô vàn cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Việc áp dụng rộng rãi những tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông như IoT, điện toán đám mây, công nghệ thực tế – ảo… vào mọi hoạt động của xã hội từ cuộc sống hàng ngày, công việc, chính phủ điện tử, thành phố thông minh hay tới các hệ thống điều khiển công nghiệp,… đã làm mờ đi ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo. Tuy nhiên, mặt trái của thế giới kết nối đó là rất nhiều các nguy cơ và rủi ro mất an toàn thông tin tiềm ẩn trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ./.

Kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ

Với làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, việc kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ là điều cần được đẩy mạnh. Ngày 12/01/2018, tại Hà Nội, Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ (TSC) – Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) phối hợp với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hanoi) tổ chức chương trình Hội thảo: “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực Khoa học và công nghệ” nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển nghành công nghiệp mới ASEAN – NHẬT BẢN”.

Chương trình nhằm hỗ trợ xúc tiến giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, nâng cao năng lực quản trị và phát triển tài sản trí tuệ của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, học tập kinh nghiệm quản trị đổi mới sản xuất và quản trị Doanh nghiệp của Nhật Bản, để từ đó xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của Doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Hironobu Kitagawa – trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội cho biết: Tổ chức JETRO đang thực hiện các chương trình để hình thành nên các mạng lưới kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ mới giữa ASEAN và Nhật Bản như lĩnh vực kỹ thuật số, IoT,… thông qua đó thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Một trong những hoạt động của chương trình này là tổ chức các sự kiện thông qua đó để giới thiệu với các nhà kinh doanh, nhà đầu tư của Nhật Bản cũng như các nước ASEAN về công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay cũng như các ý tưởng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp, thông qua đó để tìm kiếm, tạo ra những cơ hội để có thể triển khai các hoạt động kinh doanh mới cũng như có khả năng để khởi nghiệp.

Ông Hironobu Kitagawa cho biết thêm, chúng tôi đã tổ chức những sự kiện này tại Bangkok, Jakarta, Manila, Kualalumpur. Việt Nam và Lào là nơi thứ 5 chúng tôi tổ chức sự kiện này. Trong sự kiện ở tất cả các quốc gia nói trên như hoạt động tạo dựng về mạng lưới kinh doanh giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp của các quốc gia này đã được triển khai tích cực. Chính vì thế trong sự kiện ngày hôm nay, là một cơ hội tốt để chúng ta có thể tạo dựng được kết nối kinh doanh cũng như sự hợp tác mới trong lĩnh vực này.

“Từ trước tới nay, đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong thời đại ngày nay, tôi nghĩ rằng điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 quốc gia. Chính vì vậy, chúng tôi hi vọng rằng sự kiện ngày hôm nay sẽ có những đóng góp, động lực nhất định để tạo ra hợp tác mới trong thời gian tới”. Ông Hironobu Kitagawa chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Trúc – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ cho biết: Mới đây, Bộ KH&CN đã tổ chức tổng kết năm 2017, chuẩn bị kế hoạch năm 2018, Thủ tướng và Phó thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp tham dự và điều hành cũng như góp ý để lên kế hoạch cho năm 2018 trong đó tập trung vào phát triển, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển đất nước.

“Chúng tôi đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch chuyển giao công nghệ, xây dựng sàn giao dịch công nghệ. Để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, chuyển giao các ý tưởng sáng tạo, kết quả nghiên cứu và các thiết bị máy móc để phát triển năng suất và chất lượng cho doanh nghiệp Việt Nam”. Ông Nguyễn Văn Trúc cho biết.

Diễn giả của chương trình là các chuyên gia đến từ JETRO HANOI, Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Trường Đại Học Ngoại Thương và Đại diện các Doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thành công các đổi mới sáng tạo, các nghiên cứu và công nghệ mới trong việc điều hành, hoạt động và phát triển doanh nghiệp đã cùng chia sẻ về các vấn đề xung quanh: Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp – viễn cảnh và thách thức; giới thiệu về Digital Marketing tại Việt Nam; Thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam; …

Hội thảo sẽ là cơ hội hữu ích trong việc tạo ra cơ hội kinh doanh mới, đóng góp cho sự phát triển hơn nữa mối quan hệ giao lưu – hợp tác kinh tế giữa Việt Nam – Nhật Bản.

Đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn sáng chế giữa Việt Nam – Hàn Quốc

Việc ký kết Kế hoạch hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) sẽ giúp hai bên đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn sáng chế, đồng thời KIPO sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong các vấn đề chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực…

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết tại cuộc họp và ký kế hoạch hợp tác của lãnh đạo hai Cơ quan Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam và Hàn Quốc ngày 16/01/2018 tại Hà Nội.

Trao đổi về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm và thảo luận kế hoạch hợp tác trong năm 2018, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, hệ thống SHTT của Việt Nam đang có những nỗ lực nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu ngày càng tăng của xã hội trong công tác bảo hộ, thực thi và khai thác quyền SHTT. Dù đã đạt được các thành quả đáng ghi nhận, nhưng hiện nay Cục SHTT đang phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là việc tồn đọng đơn, sự lạc hậu của hệ thống công nghệ thông tin và hạn chế trong việc cung cấp các dịch vụ SHTT để hỗ trợ thương mại hóa, khai thác quyền SHTT phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để giải quyết những thách thức nêu trên, thời gian tới Cục SHTT sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng các yêu cầu nội tại của Việt Nam và cam kết quốc tế trong các FTAs; Xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia để định hướng cho hoạt động của Cục SHTT nói riêng và hệ thống SHTT của Việt Nam nói chung trong giai đoạn tới; Thực hiện cải cách hệ thống quản lý SHTT nhằm nâng cao năng lực của hệ thống xác lập quyền và cung cấp các dịch vụ SHTT để hỗ trợ việc sử dụng tài sản trí tuệ như một công cụ đắc lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế – xã hội. Cục trưởng cũng đề nghị KIPO xem xét, hỗ trợ Cục SHTT trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.

“Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác có hiệu quả mà KIPO dành cho Việt Nam, sự hợp tác giữa hai Cơ quan là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc”, ông Đinh Hữu Phí phát biểu.

Chủ tịch Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) Sung Yunmo cũng cho biết, NOIP và KIPO đã thiết lập quan hệ hợp tác từ năm 1998 và là đối tác duy nhất trên thế giới ngoài nhóm năm cơ quan SHTT lớn nhất thế giới mà KIPO có quan hệ hợp tác trong 20 năm.

“Trong thời gian qua, hai bên mới chỉ tập trung hợp tác trong việc phát triển nguồn nhân lực và trao đổi thông tin. Trong năm 2018, chúng tôi mong muốn hợp tác giữa hai cơ quan trở nên thiết thực hơn nữa trong các vấn đề về SHTT”, ông Sung Yunmo nhấn mạnh.

Theo đó, ông Sung Yunmo đề nghị phía Việt Nam xem xét, ký kết Chương trình PPH để thẩm định nhanh các đơn sáng chế của nhau, ủng hộ việc mở Văn phòng đại diện của WIPO tại Hàn Quốc và việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa các Cơ quan SHTT của ASEAN và KIPO.

Ghi nhận các đề xuất của KIPO, ông Đinh Hữu Phí cho biết sẽ phản hồi tích cực đối với đề xuất của KIPO, đồng thời ủng hộ các đề xuất khác của KIPO và đề nghị KIPO cũng hỗ trợ trong các hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong các vấn đề chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực và tự động hóa cơ quan SHTT. Phía KIPO đã chấp thuận các đề xuất của Việt Nam.

Ứng dụng thành tựu mới của Cách mạng công nghiệp 4.0

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục đào tạo và nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao; nắm bắt và nghiên cứu, ứng dụng những xu hướng và thành tựu mới của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về xu hướng vận động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao cố gắng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời xây dựng Báo cáo đánh giá xu hướng vận động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tham mưu, tư vấn về các xu thế phát triển khoa học và công nghệ mũi nhọn, tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại; làm cơ sở để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng các nhiệm vụ, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên cơ sở báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục đào tạo và nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao; nắm bắt và nghiên cứu, ứng dụng những xu hướng và thành tựu mới của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, các cơ chế chính sách và giải pháp có tính đột phá để khai thác, huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ, khuyến khích và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đãi ngộ, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

Xây dựng, hoàn thiện chính sách và định hướng ưu tiên phát triển đối với các lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ nền tảng như: trí tuệ nhân tạo và robot, phân tích dữ liệu lớn, Internet vạn vật, chuỗi khối, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ chế tạo cộng và in 3D, công nghệ thần kinh, sinh học tổng hợp, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ; đồng thời đẩy mạnh bảo mật, bảo hộ sở hữu trí tuệ và an ninh mạng; lựa chọn những nội dung phù hợp trong báo cáo của Viện để tiếp tục tổ chức triển khai nghiên cứu chuyên sâu các chuyên đề ứng dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng. Báo  cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai vào quý IV năm 2018.

 

Đổi mới công nghệ – Cơ hội cho doanh nghiệp

Thông qua hệ thống các chương trình quốc gia, các quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ mới, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để có thể triển khai các dự án sản xuất, sẵn sàng trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Bộ KH&CN, chủ trương đổi mới công nghệ tại các DN đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, thời gian qua, đã có nhiều chương trình KH&CN quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm hỗ trợ các tổ chức, trong đó có DN đổi mới công nghệ như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Chương trình hỗ trợ phát triển DN KH&CN và tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020…

Đặc biệt, là việc thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với khoản ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Quỹ có chức năng cho vay với lãi suất ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho DN nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Đến nay Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ, chủ yếu từ các DN vừa và nhỏ thuộc nhóm công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời, quỹ cũng tiến hành tư vấn giúp các DN bước đầu xây dựng thành công gần 300 nhiệm vụ; đưa ra xem xét, tuyển chọn được 85 đề tài, dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3.674 tỷ đồng, trong đó vốn do DN đầu tư khoảng 2.639 tỷ đồng (chiếm 72%), hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 1.035 tỷ đồng (chiếm 28%). Căn cứ vào mục tiêu các dự án và cam kết của DN thì mức tăng trưởng của các DN sẽ đạt 12-18%/năm sau khi thực hiện đổi mới công nghệ.

Nâng cao sức cạnh tranh

Lựa chọn, lấy DN làm trung tâm để đầu tư, đổi mới và ứng dụng KH&CN, đã giúp nhiều DN tạo ra được các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Điển hình, với sự hỗ trợ kinh phí hơn 7 tỷ đồng thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt” từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (tỉnh Bến Tre) đã nghiên cứu thành công quy trình chiết tách tinh dầu dừa tinh khiết (công nghệ VCO) với năng suất 3.000 lít/ lô sản xuất, đạt tiêu chuẩn quốc tế của Hiệp hội Dừa châu Á – Thái Bình Dương. Dầu dừa tinh khiết được sản xuất theo công nghệ VCO có giá trị thương mại gấp 4 lần so với sản phẩm sản xuất theo công nghệ tinh luyện cũ, góp phần nâng cao chuỗi giá trị cây dừa tỉnh Bến Tre.

Cũng dưới sự hỗ trợ của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Hà Nội) đã chế tạo thành công hệ thống chiếu sáng chuyên dụng tiết kiệm năng lượng phù hợp với chu kỳ phát triển sinh học của một số loại cây hoa và cây có quả nhằm điều khiển thời gian ra hoa, kết trái và thời vụ thu hoạch, đặc biệt hiệu quả cho những loại hoa và cây có quả trái vụ. Sản phẩm đã được nhiều địa phương áp dụng như: Bình Thuận, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Tây Ninh…

Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, kinh phí từ Quỹ Phát triển KH&CN của DN đã được sử dụng hiệu quả cho hoạt động KH&CN. Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, số trích lập Quỹ phát triển KH&CN của 31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2017 ước thực hiện là 2.276 tỷ đồng, số sử dụng trong năm là 1.483 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy các DN đang ngày càng quan tâm hơn đến việc đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

Đẩy mạnh kết nối cung cầu, phát triển thị trường KH&CN

Phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam còn rất nhiều nút thắt, rào cản, khó khăn cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các khung pháp lý về mặt thể chế cũng như định hướng phát triển thị trường KH&CN.

Sáng 18/01/2018, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị phát triển thị trường KH&CN.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cơ quan xây dựng chính sách và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, cá nhân nghiên cứu KH&CN ở trong và ngoài nước, hoạt động phát triển thị trường KH&CN đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cùng với môi trường pháp lý được cải thiện và năng lực nguồn cung và nguồn cầu công nghệ tăng lên, từ cả phía các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mạng lưới các tổ chức trung gian được hình thành, đa dạng về các loại hình, từ các tổ chức truyền thống như khu công nghệ cao, công viên phần mềm, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ, sàn giao dịch công nghệ, các sự kiện kết nối cung cầu cho đến các tổ chức mới như tổ chức thúc đẩy kinh doanh, không gian làm việc chung.

Hiện nay, trong hệ thống trung gian, chúng ta có 4 khu công nghệ cao là Khu CNC Hòa Lạc, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và khu công nghệ cao sinh học Đồng Nai, 08 công viên phần mềm, 13 khu nông nghiệp ứng dụng, 09 cơ sở ươm tạo CNC và ươm tạo doanh nghiệp CNC, 15 sàn giao dịch công nghệ, 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố. Về việc tổ chức trung gian kiểu mới, chúng ta có hơn 20 cơ sở ươm tạo hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, công nghệ gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, 07 tổ chức thúc đẩy kinh doanh 20 khu làm việc chung, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn gồm Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Đây là mô hình khá mới trên thế giới và hoàn toàn mới ở Việt Nam, đang hoạt động tương đối hiệu quả trong việc đem đến những hỗ trợ toàn diện và tập trung hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác phát triển thị trường KH&CN vẫn còn gặp những khó khăn, ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết thêm, Nghị quyết TW6 Khóa XI năm 2012 khẳng định vạch ra quan điểm đường lối, phát triển KH&CN nói chung, xác định tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định định hướng phát triển KH&CN là trọng tâm. Trên cơ sở quan điểm của Đảng và Nhà nước, Luật KH&CN năm 2013 ra đời là dấu mốc quan trọng để đồng bộ hóa các quy định cụ thể nhằm phát triển KH&CN nói riêng và phát triển KT-XH nói chung. Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 đã quy định cụ thể, bổ sung các nội dung về định hướng phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe trao đổi về các vấn đề xung quanh như: Kinh nghiệm, mô hình, cơ chế chính sách phát triển sàn giao dịch công nghệ Trung Quốc, Sàn giao dịch công nghệ từ kinh nghiệm Thượng Hải đến thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh, Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng – hiện trạng, thách thức và triển vọng trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, Thực trạng hoạt động và mô hình sàn giao dịch công nghệ quốc gia trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ trong trường đại học, giải pháp phát triển sàn giao dịch công nghệ Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hỗ trợ doanh nghiệp về đo lường nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế

Việt Nam đang hướng đến mục tiêu hạ tầng đo lường quốc gia của Việt Nam thuộc nhóm ASEAN 5 và ít nhất 500 doanh nghiệp triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm đo lường vào năm 2025.

Thông tin trên nằm trong “Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đang được Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện, chuẩn bị trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế được triển khai dựa trên tinh thần của Nghị quyết số 297/2016/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015 – 2020 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2018.

Đề án lấy doanh nghiệp làm trung tâm để tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Trần Quý Giầu – Phó Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), đề án được xây dựng nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp đặt trọng tâm vào việc Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách về đo lường, tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực và đưa hạ tầng đo lường quốc gia của Việt Nam vào tốp đầu các nước trong khu vực ASEAN, gắn kết hạ tầng đo lường quốc gia với hoạt động đo lường của doanh nghiệp; Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, chủ động triển khai thực hiện cơ chế, chính sách để đổi mới hoạt động đo lường, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đo lường của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ.

Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia về đo lường trong các lĩnh vực đo: độ dài, khối lượng, lực – độ cứng, áp suất, dung tích – lưu lượng, hóa lý – mẫu chuẩn, điện, điện từ trường, thời gian – tần số, nhiệt độ, quang học, âm thanh – rung động; ưu tiên phục vụ lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, dịch vụ logistics, trang thiết bị y tế, quan trắc và bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, các giải pháp khoa học và công nghệ chủ chốt về đo lường để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Giao lưu “Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2017 nâng tầm doanh nghiệp Việt”

14h30 ngày 26/1, Chất lượng Việt Nam online tổ chức Giao lưu trực tuyến ‘Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2017 nâng tầm doanh nghiệp Việt’.

Với bề dày 20 năm triển khai và hoạt động, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) đã và đang ngày càng nâng cao vị thế, uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đóng góp tích cực cho phong trào năng suất và chất lượng trong hai thập niên qua, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong những năm gần đây càng có nhiều doanh nghiệp lớn, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước tham dự và đạt giải. Chất lượng hồ sơ tham dự ngày càng được hoàn thiện, các doanh nghiệp đăng ký tham dự và đạt giải đều là những doanh nghiệp xứng đáng, áp dụng thành công các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến, có những thành tích sản xuất kinh doanh thực sự nổi bật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Năm 2017 có 145 doanh nghiệp đăng ký tham dự GTCLQG, sau khi đánh giá, xem xét, Hội đồng sơ tuyển tại các địa phương và Hội đồng Quốc gia đã lựa chọn được 79 doanh nghiệp đủ điều kiện để đề xuất Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng chính phủ tặng GTCLQG 2017 cho các doanh nghiệp trên, trong đó dự kiến có 59 doanh nghiệp sẽ được tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia và 20 doanh nghiệp sẽ được tặng Giải Bạc Chất lượng Quốc gia.

Đặc biệt, Việt Nam có 4 doanh nghiệp đạt giải thưởng Chất lượng Quóc tế châu Á – Thái Bình Dương – GPEA năm 2017 trong số 24 doanh nghiệp được đề cử từ các nước hai bên bờ Thái Bình Dương hoặc các nước châu Á.

Nhằm chia sẻ và tôn vinh những đóng góp và thành công của các doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc Gia, Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương; khích lệ những doanh nghiệp Việt đang nỗ lực phấn đấu hoàn thiện mình để vươn tới sự phát triển bền vững về hệ thống quản trị cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời thông tin về tình hình trao giải và quảng bá ý nghĩa to lớn của Giải thưởng với hoạt động của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Không để 4.0 “hù dọa” một cách quá mức

Nên tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hết sức thận trọng, tỉnh táo. Không chối bỏ nhưng cũng không để nó “hù dọa” một cách quá mức – ý kiến của ông Đàm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng với Ngân hàng Nhà nước xây dựng các chính sách để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; đầu tư cho các nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, đổi mới công nghệ tại các tập đoàn, doanh nghiệp…. Đây là một trong số những công việc cụ thể Bộ KH&CN thể hiện “vai” của mình đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thông tin trên được ông Đàm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao – Bộ KH&CN đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ Quý IV/2017. Buổi họp báo được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cùng sự tham dự đại diện một số đơn vị chức năng thuộc bộ.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, năm 2018, nhiều nhiệm vụ quan trọng sẽ được ngành KH&CN tập trung triển khai. Một trong số đó là chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc CMCN4.0.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cách mà Việt Nam đang tham gia cũng dành được nhiều sự quan tâm của báo giới.

ông Dương cho rằng, quan điểm của Bộ khi tham mưu cho Chính phủ là Việt Nam nên tiếp cận cuộc Cách mạng 4.0 hết sức thận trọng, tỉnh táo. Không chối bỏ nhưng cũng không để nó “hù dọa” một cách quá mức.

Khi chưa có nghiên cứu thấu đáo tuyệt đối không đưa ra những khuyến nghị với Chính phủ theo cách không chuẩn xác, bởi rất có thể sẽ gây hoang mang đối với xã hội hoặc đưa ra những chính sách không phù hợp” – ông Dương cho biết.

Liên quan đến chiến lược cụ thể tiếp cận với Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Đàm Bạch Dương cho biết, Bộ KH&CN là đầu mối đốc thúc các bộ ngành (theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với Việt Nam. Nhiệm vụ được giao cụ thể cho từng bộ theo chức năng riêng phải đưa ra sản phẩm chủ lực của mình cũng như chính sách ứng xử với cuộc cách mạng này). Bên cạnh đó, Bộ KH&CN còn nhiệm vụ cụ thể riêng, cụ thể:

- Đến cuối năm 2018, Bộ KH&CN phải báo cáo Chính phủ về hiện trạng công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng 4.0 để biết Việt Nam đang ở đâu và có cách tiếp cận phù hợp.

- Thứ hai là, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để phục vụ khối doanh nghiệp – khối rất quan trọng tham gia vào cuộc cách mạng 4.0.

- Thứ ba là thông qua các chương trình KH&CN trọng điểm hỗ trợ các nhà quản lý.

“Mới đây Bộ KH&CN đã tiếp nhận đề nghị của Vinatex hỗ trợ triển khai nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với toàn bộ Tập đoàn Dệt May, đặc biệt là các xu hướng công nghệ mới nhất để họ có thể tính toán và đưa ra quyết định con đường đi cho ngành” – ông Đàm Bạch Dương thông tin và nhấn mạnh với những nhiệm vụ cụ thể và phù hợp Bộ KH&CN sẽ nỗ lực hết sức để có đánh giá một cách khách quan, phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

CMCN 4.0: Việt Nam ‘bước đi’ thận trọng nhưng quyết liệt”

Việt Nam đã có những “bước đi” đầu tiên và cách tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 một cách thận trọng nhưng quyết liệt.

Thông tin về vai trò, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong việc triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Đàm Bạch Dương cho biết, cuộc CMCN 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa – vật lý – sinh học với sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, tạo ra những tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với Việt Nam.

Với vai trò là cơ quan được giao làm đầu mối thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ KH&CN xác định phương pháp triển khai là phải làm rõ nội hàm, nhận thức, hiểu rõ đúng bản chất từ đó xác định được hướng tiếp cận đúng, đặc biệt là phương án ứng xử phù hợp đối với cơ hội và thách thức của cuộc CMCN 4.0; không triển khai theo phong trào mà phải triển khai một cách thực chất, lồng ghép với những chiến lược, chương trình đã có, đảm bảo phù hợp với những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Muốn làm tốt nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) cần nhiều yếu tố như: cơ chế, chính sách sát thực tế, khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) tham gia; vốn, đất, nguồn nhân lực… và nhất là vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN).

Hiện nay NNCNC được phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương. Cùng với những thương hiệu như Vineco, TH, Vinamilk, đã xuất hiện nhiều tên tuổi mới như Công ty Ca-cao Intercontinental Coporation (CIC) với hơn 1.000 ha trồng ca-cao ứng dụng toàn bộ hệ thống tưới nhỏ giọt của I-xra-en vào vùng đất cằn cỗi ở huyện Ea súp (Ðác Lắc), Công ty sữa Nutifood đầu tư vào lĩnh vực cà-phê, Pan Group đầu tư hoa tươi công nghệ cao xuất khẩu đi Nhật Bản.

Để khoa học và công nghệ phát huy vai trò đòn bẩy trong sản xuất, nhiều chuyên gia đều cho rằng, cần huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách hỗ trợ thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ KH&CN về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững nhằm ứng phó và thích nghi biến đổi khí hậu. Các tổ chức KH&CN cần quyết liệt đổi mới trong triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH&CN vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thành lập trung tâm, viện nghiên cứu; tham gia thực hiện các nhiệm vụ có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như các đơn vị nghiên cứu công lập. Hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những tổ chức KH&CN để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp. Có cơ chế hỗ trợ nhập khẩu công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Từng bước có những chính sách, biện pháp khắc phục tình trạng phân tán ở các cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển NNCNC, mang tri thức và tiến bộ KH&CN từ nhà khoa học đến với nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn, thay đổi tập quán làm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Sự liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nông dân nâng cao thu nhập và nhà khoa học có động lực để nghiên cứu, phát triển KH&CN cao.

Đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa. Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa; chịu trách nhiệm chủ trì, điều phối chung; tổng hợp, theo dõi và đánh giá mức độ phát triển của Hệ tri thức Việt số hóa; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa với mục tiêu xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa thông qua việc tổng hợp, hệ thống hóa, việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực, trước hết là hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như pháp luật, y tế, kỹ thuật sản xuất…

Bên cạnh đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút mọi người dân và doanh nghiệp tham gia, với vai trò vừa khai thác vừa đóng góp để làm giàu các tài nguyên tri thức số hóa của Việt Nam.

Đồng thời, khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê khoa học và công nghệ, khát vọng sáng tạo, cống hiến của mọi người, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức và các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc tạo lập, làm giàu và phổ biến tri thức; từng bước góp phần phát triển công nghiệp nội dung số của Việt Nam, định hướng việc sử dụng tri thức của người dùng trên môi trường mạng.

Tăng cường đóng góp dữ liệu, đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa, Phó Thủ tướng giao các bộ, cơ quan chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đóng góp các thông tin, dữ liệu công khai đối với các hoạt động chuyên ngành vào Hệ tri thức Việt số hóa theo nội dung nêu tại Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa và công văn số 186/BKHCN-TTKHCN ngày 19/1/2018 của Bộ KH&CN.

Đại diện Bộ KH&CN cho biết, trong lễ khởi động Hệ tri thức Việt số hóa, đã có 30 đơn vị tham gia ký kết gồm các bộ, ngành, địa phương, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ thông tin,… Hiện Ban Điều hành Đề án (tạm thời) đang tiếp tục hoàn thiện khung và đưa các nội dung tải lên Hệ tri thức Việt số hóa. Phần dữ liệu mở là nơi tập hợp dữ liệu được công bố từ các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp có thể khai thác dữ liệu trong phần này để tạo ra giá trị riêng.

Theo kế hoạch, năm 2018, sẽ tạo lập và phát triển nội dung đa dạng của Hệ tri thức Việt số hóa. Mở rộng xây dựng các ứng dụng trong tất cả lĩnh vực trên quy mô toàn quốc. Đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa trên website, ứng dụng di động, ứng dụng thông minh, Internet vạn vật, tài nguyên giáo dục mở, dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông,…

Từ năm 2019, sẽ tiếp tục phát triển và thúc đẩy khai thác sâu Hệ tri thức Việt số hóa để trở thành một hệ sinh thái số do người Việt làm chủ, có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam và được sử dụng phổ biến trong xã hội.

Tăng cường Hợp tác về chỉ dẫn địa lý với Vụ Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN CHDCND Lào

Ngày 04/02/2018, trong khuôn khổ chuyến công tác của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tại nước CHDCND Lào, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí và Vụ trưởng Vụ Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Lào Khanlasy Keobounphanh đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chỉ dẫn địa lý giữa Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nước CHXHCN Việt Nam và Vụ Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nước CHDCND Lào.

Tới dự và chứng kiến lễ ký có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lào Boviengkham Vongdala, cùng đông đảo các cán bộ lãnh đạo và đại diện các đơn vị trực thuộc hai Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Lào.

Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chỉ dẫn địa lý giữa Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nước CHXHCN Việt Nam và Vụ Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nước CHDCND Lào là một bước phát triển hơn nữa của hợp tác song phương giữa Việt Nam và Lào về sở hữu trí tuệ. Với đặc điểm có nhiều đặc sản địa phương, đẩy mạnh hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang nhận được sự quan tâm của xã hội và ưu tiên trong chính sách sở hữu trí tuệ quốc gia của Việt Nam và Lào. Đến nay, Việt Nam đã có 63 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp như gạo, hoa quả, trà, cà phê, nước mắm, v.v., trong khi đó, hệ thống chỉ dẫn địa lý non trẻ của Lào cũng đang tích cực xem xét để có thể bảo hộ được sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đầu tiên, gạo nếp Khao Kai Noy.

Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ, Việt Nam sẽ hỗ trợ Lào nâng cao năng lực của hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý, thông qua việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển sản phẩm, hoàn thiện hệ thống đăng ký chỉ dẫn địa lý, đào tạo cán bộ, đồng thời tham vấn lẫn nhau đối với các vấn đề khu vực và quốc tế liên quan đến chỉ dẫn địa lý mà hai bên cùng quan tâm. Đặc biệt, hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo hộ lẫn nhau chỉ dẫn địa lý của mỗi nước, bao gồm việc đẩy nhanh quá trình đăng ký và tiến hành các biện pháp thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Các nội dung hợp tác này được đánh giá sẽ đem lại những giá trị thiết thực và ý nghĩa cho hệ thống sở hữu trí tuệ hai nước, hỗ trợ thương mại của doanh nghiệp hai nước đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ Khoa học và Công nghệ, củng cố tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Lào.

Trong thời gian công tác tại Lào, sáng ngày 05/2/2018, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cũng đã có buổi làm việc với Vụ trưởng Vụ Sở hữu trí tuệ Lào Khanlasy Keobounphanh. Tại buổi gặp, Vụ trưởng Khanlasy Keobounphanh đã bày tỏ sự biết ơn của Vụ Sở hữu trí tuệ Lào đối với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam vì sự hỗ trợ, giúp đỡ chí tình trong nhiều năm qua, góp phần giúp Lào từng bước đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ. Vụ trưởng Khanlasy Keobounphanh cũng cho biết hết sức vui mừng khi hai bên ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chỉ dẫn địa lý, và hi vọng Lào sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Việt Nam trong nội dung quan trọng và ý nghĩa này. Về phần mình, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cũng gửi lời chúc mừng trước sự phát triển của Vụ Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nước CHDCND Lào nói riêng, và của hệ thống sở hữu trí tuệ của Lào nói chung. Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ luôn ủng hộ các bạn Lào trong khả năng tốt nhất của mình. Tiếp đó, hai bên thảo luận và thống nhất các hoạt động hợp tác cụ thể sẽ được triển khai trong năm 2018, trong đó Việt Nam sẽ giúp Lào về chỉ dẫn địa lý, giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ và xây dựng giáo trình giảng dạy về sở hữu trí tuệ./.

 

Việt Nam tăng điểm trong Chỉ số Sở hữu Trí tuệ Quốc tế của Hoa Kỳ

Ngày 27/2, Trung tâm Chính sách Đổi mới Toàn cầu (GIPC) thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết đã công bố Chỉ số Sở hữu Trí tuệ (IP) Quốc tế hàng năm lần thứ 6, phân tích tình hình sở hữu trí tuệ ở 50 nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Báo cáo xếp hạng các nền kinh tế dựa trên 40 chỉ số riêng biệt để đánh giá hoạt động có vai trò quan trọng đối với sự phát triển sáng tạo liên quan đến bằng sáng chế, thương hiệu, bản quyền và bảo hộ bí mật thương mại.

Theo đó, tổng điểm của Việt Nam tăng từ 30% trên tổng điểm có thể đạt được (10,34 trên thang điểm 35) trong ấn bản lần thứ 5 lên 33% (13,19 trên thang điểm 40) trong ấn bản lần thứ 6. Sự tăng điểm này phản ánh Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 cũng như những kết quả tích cực đạt được thông qua các chỉ số mới.

Ông Patrick Kilbride, Phó Chủ tịch GIPC cho biết “Việt Nam đã có một số bước đi tích cực hướng tới tăng cường khung sở hữu trí tuệ nhằm cạnh tranh bình đẳng hơn với các nước Đông Nam Á, thể hiện bằng sự tăng điểm trên Chỉ số Sở hữu Trí tuệ của Phòng Thương mại Hoa Kỳ năm 2018.”

Theo ông Patrick Kilbride, với việc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam có thể tận dụng đà tăng trưởng tích cực này để trở thành nước dẫn đầu trong khu vực, kích thích các nguồn lực trong nước đổi mới và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu.”

Trong khi đó, ông David Hirschmann, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GIPC cho biết, kết quả của Chỉ số năm nay thể hiện cam kết toàn cầu ngày càng tăng đối với quá trình đổi mới và sáng tạo chi phối bởi sở hữu trí tuệ. Đa số các quốc gia đã từng bước tăng cường hệ thống sở hữu trí tuệ và xây dựng môi trường khuyến khích các nhà sáng tạo đưa ý tưởng ra thị trường.

“Trong khi một nhóm các nước đứng đầu lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ luôn đạt thứ hạng cao thì khoảng cách dẫn đầu đã dần thu hẹp trong cuộc đua toàn cầu về sở hữu trí tuệ,” ông David Hirschmann nói.

Lãnh đạo GIPC cũng hy vọng các chính phủ sẽ sử dụng Chỉ số này như một kế hoạch chi tiết để cải thiện hệ sinh thái sở hữu trí tuệ, nền kinh tế tri thức và tăng tính cạnh tranh.

Chỉ số cho thấy phần lớn các nền kinh tế được lấy làm chuẩn đang xây dựng nền tảng chính sách sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn. Ví dụ như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đều có các chương trình dài hạn nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thực thi quyền sở hữu trí tuệ./.

 

Nhiều giải pháp công nghệ 4.0 của Viettel được trình diễn ở MWC 2018

Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) là đại diện duy nhất của Việt Nam tổ chức gian hàng triển lãm tại hội nghị Mobile World Congress 2018 (MWC 2018), được tổ chức từ 26/2 – 1/3 tại Barcelona (Tây Ban Nha).

Đây là lần thứ tư Viettel có mặt tại sự kiện thường niên lớn nhất của ngành di động thế giới.

Chủ đề MWC 2018 là “Kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn”. Viettel đem tới triển lãm 8 sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu do Tập đoàn tự nghiên cứu phát triển thuộc nhiều lĩnh vực (giáo dục, Mobile finance, an ninh mạng, du lịch, các giải pháp bảo vệ người dùng…) đã được triển khai thành công tại Việt Nam và nhiều thị trường quốc tế.

Trong 8 sản phẩm này, không thể không nhắc tới sản phẩm tiêu biểu, đó là Data monitoring Viettel (Hệ thống giám sát chất lượng mạng di động Data monitoring), Hệ thống phát hiện bất thường mạng viễn thông (TAD), Giải pháp bảo mật Viettel Mobile security (VMS), Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS 3.0…

Data monitoring hơn các sản phẩm tương tự trên thị trường quốc tế ở mặt công nghệ, bởi Viettel làm chủ cả phần DPI (Deep Packet Inspection – phân tích sâu dữ liệu các gói tin), phần xử lý dữ liệu lớn (Big data) và chứa cả những tri thức viễn thông của một nhà mạng hàng đầu thế giới. Trong khi đó, các sản phẩm tương tự ngoài thị trường chỉ mạnh về một trong ba công nghệ trên.

Ngoài Data monitoring, Viettel cũng “trình làng” nhóm sản phẩm đang bảo vệ hơn 90 triệu khách hàng tại 9 quốc gia và 3 châu lục mà Viettel đang kinh doanh, đó là Hệ thống phát hiện bất thường mạng viễn thông (TAD) bảo vệ sự an toàn cho mạng lõi báo hiệu viễn thông, giúp thuê bao di động tránh khỏi các nguy cơ bị theo dõi vị trí, nghe trộm, giả mạo số di động, đánh cắp tiền trong tài khoản…

Các giải pháp bảo vệ khách hàng của Viettel không cần quan tâm đến thiết bị đầu cuối là gì, bởi bản chất là nhà mạng nhìn các dấu hiệu bất thường trên hệ thống để xử lý. Đây là lợi thế rất lớn của Viettel khi tiếp cận nhóm thị trường châu Á và châu Phi – những nơi người dân chưa có điều kiện sử dụng smartphone.

Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS 3.0 là sản phẩm mang tính cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu sản xuất thiết bị viễn thông của Viettel, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia sản xuất OCS lớn nhất thế giới.

Hệ thống của Viettel có dung lượng tới 24 triệu đầu số/site – lớn nhất thế giới (hệ thống lớn nhất triển khai thành công trước đó là 12 triệu đầu số/site). Tính năng đặc biệt nhất mà vOCS 3.0 có là khả năng thiết kế cho mỗi khách hàng một gói cước riêng biệt – tính năng cá nhân hoá cực kỳ quan trọng trong thời đại 4.0. Hiện tại, hệ thống này đã đươc triển khai tại 6 quốc gia, quản lý 140 triệu thuê bao.

Bên cạnh đó các sản phẩm khác Viettel mang tới MWC 2018 như Bankplus, VR (du lịch thực tế ảo), mạng xã hội học tập trực tuyến Viettel… cũng gây được sự chú ý và quan tâm lớn của khách hàng quốc tế.

MWC hằng năm thu hút 200 quốc gia (trong đó 60% đến từ thị trường châu Âu, 18% đến từ châu Mỹ và 15% đến từ châu Á…), hơn 2.200 gian hàng triển lãm và 3.800 cơ quan truyền thông quốc tế.

Xây dựng chiến lược tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang tạo ra những bước ngoặt phát triển cho các cá nhân, doanh nghiệp và các quốc gia trên thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp, các chương trình hành động mạnh mẽ mới có thể bắt kịp làn sóng của cuộc CMCN 4.0.

Theo ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ), cuộc CMCN 4.0 dựa trên nền tảng tích hợp chặt chẽ của hệ thống kết nối số hóa – vật lý – sinh học với sự đột phá của in-tơ-nét kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Cuộc cách mạng này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, tạo ra những tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. Do hiện trạng trình độ công nghệ, kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia khác nhau, cho nên hướng phát triển, ứng xử của mỗi quốc gia với cuộc CMCN 4.0 cũng khác nhau.

Tại Việt Nam, thuật ngữ cuộc CMCN 4.0 gần đây được nhắc nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng thực tế còn nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa quan tâm, thiếu đầu tư để có thể bắt kịp làn sóng mới này. Số liệu khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho thấy, tại 275 cơ quan, đơn vị được khảo sát chỉ có 35,2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho CMCN 4.0; 58,7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì; 6,1% chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào cho những cơ hội và tác động của CMCN 4.0. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn có suy nghĩ là không thể bắt kịp được cuộc CMCN 4.0, bởi vậy không quan tâm các mô hình kinh doanh kiểu mới. Cuộc CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, do đó đã mang đến cho Việt Nam nhiều thách thức, cũng như nguy cơ bị tụt hậu xa hơn do lao động chi phí thấp không còn là lợi thế cạnh tranh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết, Việt Nam đã bỏ lỡ ba cuộc CMCN trước đây nhưng không nên bỏ lỡ cuộc CMCN 4.0. Nếu Việt Nam không đón được làn sóng của cuộc CMCN 4.0 có thể làm cho nhiều ngành, nghề biến mất, nhiều lao động thất nghiệp… Đây là cuộc cách mạng tất yếu mà con người chỉ có thể chọn cách tham gia hoặc bị loại khỏi cuộc chơi.

Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong đó đã giao cho mỗi bộ, ngành căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình, thực hiện các công việc cũng như đưa ra các sản phẩm chủ lực của ngành, những chính sách ứng phó với CMCN 4.0. Bộ KH&CN cho rằng, nếu mỗi bộ, ngành tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức trong cuộc CMCN 4.0, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến và sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nếu không thì khoảng cách với các nước đi trước sẽ tiếp tục gia tăng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia, trên cơ sở chiến lược này, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng chiến lược cho mình và từ đó tung nguồn lực vào những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, có lợi thế tốt nhất, có tác động to lớn và mạnh nhất. Nhất là trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, cần có các chương trình hành động căn bản, cụ thể bao gồm: Các kế hoạch của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh thế giới đã thay đổi; hoạt động đầu tư về hạ tầng phải chú ý đến vấn đề thông minh; hoạt động sản xuất, kinh doanh phải chuyển đổi số hóa ngay ở mọi công đoạn để có được lợi thế kinh doanh trên thị trường. Trong cuộc CMCN 4.0 cần nhất sự chủ động và sáng tạo, tức là các cá nhân, đơn vị cần nhận diện đúng, đủ về cuộc cách mạng này, đồng thời sáng tạo trong cách tiếp cận, phù hợp với nguồn lực của quốc gia và doanh nghiệp. Việc xây dựng chiến lược trong thời điểm hiện nay là một việc khó nhưng nếu không xây dựng chiến lược khó có thể hiểu đúng, đi đúng trong CMCN 4.0.

Viettel đưa các giải pháp công nghệ 4.0 tham dự Hội nghị Di động thế giới 2018

Chủ đề MWC 2018 là “Kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn (Creating a better future). Đây cũng là mục tiêu mà Viettel luôn hướng đến sáng tạo vì con người. Bởi vậy, các sản phẩm của Viettel được thiết kế xuất phát từ sự quan tâm, thấu hiểu và cá thể hóa theo nhu cầu riêng của từng đối tượng khách hàng, giúp họ có cuộc sống ngày càng thuận tiện và tốt hơn.

8 sản phẩm Viettel mang đến sân chơi của ngành di động thế giới lần này gồm:

Data Monitoring: Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công Hệ thống giám sát chất lượng mạng di động Data Monitoring. Trước đó, các nhà mạng không thể tự đo được chất lượng mạng lưới mà phụ thuộc vào các báo cáo của hệ thống NMS truyền thống, tức là lệ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị mạng lưới.

Nhờ hệ thống này, Viettel hiểu trải nghiệm của từng khách hàng về dịch vụ của mình, từ đó có thể tìm ra giải pháp tối ưu hoá mạng lưới và thiết kế dịch vụ phù hợp với thói quen, sở thích của từng khách hàng. Ngoài ra, nhờ làm chủ công nghệ nên sản phẩm của Viettel linh hoạt, gọn nhẹ hơn khi hoàn toàn chủ động trong công tác nâng cấp, khắc phục lỗi phát sinh và có giá cạnh tranh.

Nhóm sản phẩm đang bảo vệ  hơn 90 triệu khách hàng tại 9 quốc gia và 3 châu lục mà Viettel đang kinh doanh: Hệ thống phát hiện bất thường mạng viễn thông (TAD) bảo vệ sự an toàn cho mạng lõi báo hiệu viễn thông, giúp thuê bao di động tránh khỏi các nguy cơ bị theo dõi vị trí, nghe trộm, giả mạo số di động, đánh cắp tiền trong tài khoản,… Những biện pháp phòng chống của TAD chỉ có một số ít những nhà mạng trên thế giới đã triển khai. TAD tự tin vươn ra quốc tế với những lợi thế của sản phẩm như tính thực tế, cập nhật cao, hiểu sâu về nhà mạng khi đang ứng dụng trên mạng lưới Viettel…;

Giải pháp bảo mật Viettel Mobile Security (VMS) dành cho thiết bị di động, chủ động bảo vệ thiết bị, ngăn chặn mã độc từ xa, trước khi kẻ xấu tiếp cận đến thiết bị. Các giải pháp bảo vệ khách hàng của Viettel không cần quan tâm đến thiết bị đầu cuối là gì, bởi bản chất là nhà mạng nhìn các dấu hiệu bất thường trên hệ thống để xử lý, đây là lợi thế rất lớn của Viettel khi tiếp cận nhóm thị trường Châu Á và Châu Phi – những nơi người dân chưa có điều kiện sử dụng smartphone.

Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS 3.0 là sản phẩm mang tính cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu sản xuất thiết bị viễn thông của Viettel, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia sản xuất OCS lớn nhất thế giới. Hệ thống của Viettel có dung lượng tới 24 triệu đầu số/site – lớn nhất thế giới (hệ thống lớn nhất triển khai thành công trước đó là 12 triệu đầu số/site). Tính năng đặc biệt nhất mà vOCS 3.0 có là khả năng thiết kế cho mỗi khách hàng một gói cước riêng biệt – tính năng cá nhân hoá cực kỳ quan trọng trong thời đại 4.0. Hiện tại, hệ thống này đã đươc triển khai tại 6 quốc gia, quản lý 140 triệu thuê bao.

Các sản phẩm khác Viettel mang tới MWC 2018 như: Bankplus, VR (du lịch thực tế ảo), mạng xã hội học tập trực tuyến Viettel…

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Tầm nhìn dài hạn, lộ trình thích hợp

Với việc từng bước tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), Việt Nam đang tiến vào một sân chơi lớn với nhiều cơ hội cũng như thách thức khắc nghiệt, đòi hỏi phải có những bước đi thích hợp và tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt, cần có những giải pháp cụ thể để chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa lợi thế, giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này.

Không dễ tiếp cận 

Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) cho biết: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có sự khác biệt với các cuộc cách mạng công nghiệp trước ở tốc độ, quy mô và phạm vi tác động. Công nghiệp 4.0 ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực và tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, nếu như ở nhiều quốc gia khác, Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức thì với Việt Nam, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. Là nước đi sau, nhân cơ hội “đi tắt đón đầu”, Việt Nam có thể thay đổi mô thức quản lý và mô thức phát triển nền kinh tế. Nếu sự thay đổi này đi đúng hướng, Việt Nam có cơ hội rất lớn để bứt phá. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, nguồn nhân lực, chính sách và hạ tầng. Việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 rất khó khăn do trình độ công nghệ của Việt Nam ở mức vừa phải và không đồng đều.

Thách thức được nhắc tới nhiều nhất hiện nay là nguy cơ thất nghiệp của lao động Việt Nam sẽ tăng lên. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế, so với các nước trong khu vực, Việt Nam sẽ là nước chịu nhiều tác động nhất trong lĩnh vực lao động với hơn 80% lực lượng lao động của Việt Nam có nguy cơ bị thất nghiệp. Theo ông Đàm Bạch Dương, mức độ ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 với từng ngành kinh tế sẽ ở mức khác nhau. Trong đó, bị tác động nhiều nhất là các ngành như may mặc, điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công nghiệp 4.0 cũng mang lại cơ hội cho những ngành khác. Ví dụ, ngành Du lịch có thể tận dụng được nhiều cơ hội thông qua du lịch thông minh, internet vạn vật.

Mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp hiện nay cũng là một trở ngại không nhỏ. Một cuộc khảo sát do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội thực hiện với 2.000 hội viên cho thấy, về chiến lược, có đến 79% số doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa có động thái gì để đón làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Thủ tướng đã giao mỗi bộ, ngành thực hiện các phần việc cụ thể cũng như đưa ra các sản phẩm chủ lực của ngành, những chính sách đáp ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước câu hỏi liệu Bộ KH-CN có chậm trễ trong việc tư vấn cho Chính phủ về Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ KH-CN cho rằng: Tất cả định hướng công nghệ, Nghị quyết của Đảng cũng như chiến lược dài hạn của Việt Nam từ trước đến nay đều bám sát việc chuyển đổi số hóa hạ tầng công nghệ thông tin, chiến lược công nghiệp…, phù hợp với bối cảnh thế giới. Văn kiện Đại hội Đảng cũng xác định, Việt Nam cần tập trung vào cách mạng KH-CN và đặc biệt là cách mạng số hóa. Việc tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra theo hướng cẩn thận, thấu đáo và làm rõ nội hàm, tuyên truyền để người dân hiểu biết thêm về vấn đề này. Chúng ta sẽ không vội vàng đưa ra hướng đi khi chưa nắm rõ”, ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Hiện nay, các bộ, ngành đã có sự chuẩn bị ở mức độ khác nhau trong tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Đàm Bạch Dương cho biết, có những bộ, ngành chuẩn bị tương đối kỹ như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành chưa cho thấy rõ sự chuyển động. Đối với các doanh nghiệp, Bộ KH-CN đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành chủ quản nhiệm vụ nghiên cứu kỹ lưỡng để đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp và các công nghệ liên quan đến công nghiệp 4.0, từ đó có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có nhiều chính sách có thể chưa trực diện, nhưng liên quan rất nhiều đến công nghiệp 4.0 đã được triển khai, như Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước, Đề án số hóa của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chương trình đổi mới công nghệ của Bộ KH-CN, Đề án tri thức Việt số hóa… Ngoài ra, Bộ cũng đang phối hợp với một số bộ, ngành và địa phương để triển khai thí điểm một số mô hình, như phối hợp với Bắc Ninh xây dựng thành phố thông minh, phối hợp với Hà Nam xây dựng nông nghiệp công nghệ cao…

Năm 2018, Bộ KH-CN tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị quyết về Cách mạng công nghiệp 4.0 để trình Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng đã giao Bộ KH-CN triển khai chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cuộc cách mạng này./.

Đào tạo nhân lực trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Giáo dục và đào tạo con người Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là nội dung chính được đem ra thảo luận tại Hội nghị cách mạng công nghiệp 4.0 và đào tạo STEM vừa khai mạc tại TP Hồ Chí Minh trong ngày 8-3.

Hội nghị do Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ) và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Đây là lần thứ 6 liên tiếp hội nghị được tổ chức luân phiên tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Năm nay, hội nghị kéo dài 2 ngày 8-3 và 9-3 với các phiên trao đổi toàn thể, các hội thảo.

Tại hội nghị, các chuyên gia đào tạo đến từ nhiều quốc gia khác nhau cùng trao đổi về xu hướng chuyển dịch sang số hóa, phát triển tư duy doanh nhân, chuẩn bị cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông trước thi theo đuổi khối ngành khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học ở bậc đại học. Khối ngành đào tạo STEM gồm lĩnh lực khoa học, công Nghệ, kỹ thuật, toán học đứng sau sự phát triển của nền kinh tế thế giới và khu vực Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành trọng tâm của cách mạng toàn cầu.

Các chuyên gia cùng thảo luận cách giúp sinh viên hứng thú với các môn học thuộc khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), hỗ trợ các nhà giáo dục và xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp cách mạng công nghiệp 4.0 tất cả các khía cạnh từ lúc sinh viên được đào tạo cho đến lúc tham gia lực lượng lao động, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào các công nghệ mới về sinh học và số hóa, bao gồm trí thông minh nhân tạo, robot, các phương tiện vận chuyển tự hành, cộng nghệ nano, công nghệ thần kinh, điện toán lượng tử, thành phố thông minh và internet vạn vật./.

Thủ tướng mong muốn phát triển các “sản phẩm” hợp tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia

Trong khuôn khổ chuyến thăm Australia, chiều 15/3, tại Canberra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) và dự Triển lãm Đổi mới sáng tạo với chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp, cơ hội mới cho Australia và Việt Nam” tại CSIRO.

Phát biểu tại CSIRO, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về các thành tựu của tổ chức này, trong đó có những nghiên cứu quan trọng về công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, môi trường, y tế, sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, đóng góp lớn cho nền kinh tế Australia với doanh thu gần 5 tỷ USD mỗi năm từ các công trình nghiên cứu…

Thủ tướng hoan nghênh CSIRO và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hợp tác tốt trong tổ chức sự kiện này cũng như triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tinh thần Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Australia vừa công bố tháng 11/2017.

Khoa học-công nghệ là chìa khóa cho sự phát triển của các nước trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Việt Nam và Australia với những điểm mạnh bổ sung cho nhau có thể hợp tác để tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hình tương lai của các ngành công nghiệp mới.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị CSIRO tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong nâng cao năng lực ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, sử dụng công nghệ cao.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp thu những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, tổ chức thực hiện có hiệu quả ở Việt Nam thời gian tới. Thủ tướng mong muốn sự hợp tác này thành công và chuyển giao được những công nghệ cần thiết trong cuộc cách mạng khoa học-công nghệ hiện nay, chuyển giao cho Việt Nam nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao, góp phần đưa Việt Nam phát triển cùng Australia.

* Triển lãm Đổi mới sáng tạo với chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp, cơ hội mới cho Australia và Việt Nam” đã nêu bật các cơ hội mới về phát triển kinh tế cho Australia – Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cho thấy năng lực nghiên cứu của Australia và Việt Nam trong ngành công nghiệp mới nổi của cách mạng công nghiệp 4.0; nhấn mạnh cơ hội đầu tư, thương mại song phương và các lĩnh vực tiềm năng; tăng cường quan hệ giữa Australia và Việt Nam thông qua Đối tác đổi mới sáng tạo.

Triển lãm lần này là sự tiếp nối thành công của sự kiện trình diễn về đổi mới sáng tạo trong thời gian diễn ra APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ở sự kiện tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Ngoại giao Australia, bà Julie Bishop đã tuyên bố đổi mới sáng tạo là một trụ cột mới trong quan hệ Đối tác chiến lược và sẽ góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa Australia và Việt Nam.

Đón đầu giải mã công nghệ

Muốn nhanh chóng bắt kịp được các nước phát triển về khoa học và công nghệ (KH&CN), Việt Nam cần chú trọng hoạt động giải mã công nghệ (GMCN), tiến tới làm chủ công nghệ, cao hơn nữa là sáng tạo công nghệ mới.

Lợi ích lớn

Việc nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy công cụ CNC ở Việt Nam là một ví dụ về việc ứng dụng GMCN đúng đắn. Hiện nay, sản phẩm máy CNC trong nước có giá thành giảm tới 30% so với nhập ngoại. Máy CNC có thể tự động gia công, chế tạo các chi tiết có độ chính xác cao, hình dáng phức tạp.

Thực tế, GMCN đã được nhiều nước trên thế giới chú trọng phát triển. Chẳng hạn, Singapore tạo mọi điều kiện để các hãng lớn chuyển giao công nghệ cho các kỹ sư, chuyên gia trong nước. Nhờ đó, quốc gia này đã có vị trí cao trên bản đồ công nghệ thế giới.

Vai trò của GMCN đã được khẳng định, nhưng tại Việt Nam, hoạt động này vẫn còn khiêm tốn. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn thiên về nhập khẩu thiết bị, máy móc hơn là đi sâu vào phần công nghệ để nghiên cứu và tiến tới làm chủ, sáng tạo công nghệ. Các giao dịch mua bán công nghệ ở dạng tài sản trí tuệ, bí quyết công nghệ rất hạn chế. Theo báo cáo của Bộ KH&CN, giai đoạn từ năm 2010-2017, chỉ có 115 hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Cần chính sách hỗ trợ

Tại Việt Nam, GMCN được nhắc đến trong Quyết định số 1069/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách khuyến khích thực sự lại chưa được cụ thể hóa. Trong khi đó, việc miễn, giảm thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) nói chung và GMCN nói riêng… là chính sách đã được áp dụng tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Hơn nữa, DN nhỏ và vừa hiện chiếm tới 98% tổng số DN Việt Nam, khó có đủ điều kiện tài chính để đầu tư công nghệ. Rõ ràng, với số tiền hàng chục nghìn USD, thậm chí, hàng chục triệu USD để nhập công nghệ dưới dạng sáng chế, thiết kế, giải pháp công nghệ, bí quyết kỹ thuật, thực sự là một vấn đề nan giải đối với DN.

Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật với các phòng thí nghiệm, trang thiết bị chuyên dụng, nguồn nhân lực chất lượng cao gồm đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật giỏi. Bên cạnh đó, DN, tổ chức KH&CN cần chủ động, phối hợp để xác định nhu cầu công nghệ trong nước; tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài về Việt Nam, nâng cao năng lực KH&CN để có thể GMCN. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược về GMCN đối với sản phẩm chủ lực như cơ khí chế tạo, cơ điện tử, tự động hóa công nghiệp, công nghệ thông tin… nhằm nghiên cứu, cải tiến, tạo ra sản phẩm công nghệ phù hợp.

 

Triển lãm ENTECH Vietnam 2018 khuyến khích sản phẩm năng lượng sạch

Triển lãm quốc tế về công nghệ môi trường và năng lượng (ENTECH Vietnam 2018) sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn, SECC, số 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP Hồ Chí Minh từ ngày 9 đến 11-5-2018.

Với chủ đề “Công nghệ và sản phẩm xanh – Hành động cho tương lai”, ENTECH Vietnam 2018 là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nước có công nghệ môi trường và năng lượng tiên tiến tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam nói riêng, khu vực ASEAN nói chung. Triển lãm cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm công nghệ và đối tác nước ngoài nhằm nâng cao khả năng, trình độ chuyên môn cho các dự án năng lượng, môi trường trong nước.

Các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ tham gia trưng bày thuộc các lĩnh vực: Xử lý chất thải công nghiệp, xử lý môi trường phục vụ sinh hoạt, tái chế, tái sử dụng và thu hồi chất thải sinh hoạt, khai thác và bảo vệ nguồn nước ngầm trong sinh hoạt…

Việt Nam – Pháp ký hợp tác về công nghệ vũ trụ và sở hữu trí tuệ

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, ngày 26/3, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký Ý định thư hợp tác với Tập đoàn Airbus Defence và Space SAS về công nghệ vũ trụ; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI) trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Pháp Francois de Rugy và đại diện lãnh đạo cấp cao hai bên.

Việc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam ký hợp tác với Tập đoàn Airbus Defence và Space về công nghệ vũ trụ và Cục Sở hữu trí tuệ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với INPI, đã mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai nước trong lĩnh vực vũ trụ và sở hữu trí tuệ, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội hai nước.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Airbus Defence và Space SAS là tập đoàn đi đầu trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, vận hành và cung cấp dịch vụ về hệ thống vệ tinh quan sát trái đất. Trên cơ sở tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và sử dụng vệ tinh trong nghiên cứu khoa học, theo Ý định thư được ký kết hai bên nhất trí về một số biện pháp để thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới. Theo đó, hai bên sẽ trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan trong lĩnh vực quan sát trái đất, tổ chức các sự kiện khoa học và công nghệ như hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong năm 2018 và 2019.

Còn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp được bắt đầu từ ngày 19/7/1994 với việc Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Viện Sở hữu công nghiệp Pháp ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Với việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác mới, cơ quan sở hữu trí tuệ của hai nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong các các lĩnh vực: Trao đổi thông tin tư liệu sở hữu công nghiệp; tăng cường bảo hộ chỉ dẫn địa lý; định giá và xây dựng biểu đồ sáng chế; thương mại hóa tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo cán bộ và các chủ thể liên quan; trao đổi thông tin thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm./.

Thúc đẩy hợp tác đầu tư, tăng cường kết nối cung cầu công nghệ

TechDemo 2018 được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Thông tin từ Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, hoạt động Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ 2018 (TechDemo 2018) được tổ chức với quy mô quốc tế là một chuỗi sự kiện được tiến hành từ đầu năm 2018 với các hoạt động như điều tra khảo sát nhu cầu công nghệ, nguồn cung công nghệ; tư vấn kỹ thuật, tư vấn tiếp nhận công nghệ; tổ chức các buổi kết nối trực tiếp cung – cầu công nghệ trong và ngoài nước.

Các hoạt động trên hướng đến mục tiêu: Thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài; tăng cường kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp với các viện trường trong và ngoài nước.

Đối với hoạt động Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN sẽ tập trung vào mục tiêu nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ đối với các doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ.

Kế hoạch tổ chức hoạt động Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ quốc tế và Hội nghị Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ toàn quốc năm 2018 sẽ diễn ra tại Thành phố Cần Thơ trong tháng 10/2018.

Trong tháng 10 sẽ diễn ra 9 hoạt động chính trong chuỗi sự kiện trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ quốc tế 2018, đó là: Lễ khai mạc “Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ quốc tế 2018”; trình diễn, giới thiệu công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp, các viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; tư vấn công nghệ, cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất; tư vấn kết nối tài chính – công nghệ; tọa đàm chuyên sâu về công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, vật liệu mới; diễn đàn quốc tế chính sách phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại; Hội thảo quốc tế Kết nối chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tôn vinh doanh nghiệp đổi mới công nghệ và Lễ bế mạc Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ quốc tế 2018.

Trong khuôn khổ hoạt động của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ toàn quốc năm 2018 sẽ có 3 sự kiện chính: Hội thảo về thúc đẩy hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc thù theo quy mô vùng; Hội nghị về hoạt động của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ lần thứ 11 năm 2018 và Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.

Trước đó, TechDemo 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng đã có trên 500 sản phẩm/quy trình/công nghệ/thiết bị nghiên cứu của gần 150 doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH&CN trong và ngoài nước. TechDemo 2017 cũng thu hút 2000 đại biểu tham dự cùng hàng nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm các thiết bị KH&CN.

Trong chuỗi hoạt động của sự kiện, Ban tổ chức đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: Hoạt động tư vấn kỹ thuật, cải tiến công nghệ; Kết nối tài chính và công nghệ; Diễn đàn kết nối Công nghệ xanh – Nông nghiệp sạch; Hội thảo công nghệ bức xạ tiên tiến; Hội thảo truyền thông về Ứng dụng và Đổi mới công nghệ; Hội thảo quốc tế về xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường; Tọa đàm về liên kết ứng dụng và phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị tại các vùng kinh tế trọng điểm…

Về kết nối cung – cầu công nghệ, các bên tham gia TechDemo 2017 đã trao đổi, thống nhất, xác định được 12 hợp đồng hợp tác Chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị hơn 200 tỉ đồng.

Thương mại hóa công nghệ: Cần hỗ trợ từ cơ quan quản lý

Thương mại hóa công nghệ luôn là thách thức đối với các nhà khoa học bởi nhiều nguyên nhân, từ việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các sản phẩm mới, tâm lý e ngại của người tiêu dùng đến việc thiếu nguồn lực tài chính… Vì vậy, cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước để các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào cuộc sống.

Nhớ lại những ngày đầu thương mại hóa công nghệ, ông Nguyễn Bình Phương – Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Công nghệ nano STV – cho biết, dù sáng chế gel nano bạc là sản phẩm có thể thay thế hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch hơn nhưng khi đưa ra thị trường gặp vô vàn khó khăn vì không ai chịu ứng dụng. “Năm 2016, chúng tôi đã đến một số vùng trồng cam ở Hưng Yên và phải thuyết phục người nông dân bằng cách đặt vấn đề sẽ mua lại sản phẩm cây trồng nếu dùng gel nano bạc cây bị hỏng. Sau vụ đầu thử nghiệm thành công, họ mới sẵn sàng ứng dụng sản phẩm” – ông Nguyễn Bình Phương kể lại.

Sản phẩm gel nano bạc chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về các sản phẩm nghiên cứu phải trải qua khi mở “cánh cửa” tiếp cận thị trường. Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức trong các doanh nghiệp (DN), nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 12-15% kết quả nghiên cứu này được ứng dụng vào thực tế.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hiện có tình trạng nhiều viện nghiên cứu, trường đại học có sản phẩm nghiên cứu hữu ích, có tính thực tiễn cao nhưng không có địa chỉ để chuyển giao. Trong khi, các DN cần sản phẩm lại đi tìm kiếm, mua của nước ngoài với giá đắt, gây lãng phí cả ngoại tệ, thời gian và chất xám của nguồn lực trong nước. Trong khi đó khả năng trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng.

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh – cho biết, có một hạn chế kéo dài và là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành KH&CN, đó là chậm đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, dù các cấp, các ngành đều quan tâm đưa KH&CN vào sản xuất, nhưng vẫn thiếu khâu quan trọng mang tính quyết định là cơ chế, chính sách để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách, Bộ sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu với DN.

Nhiều chuyên gia chia sẻ, thời gian qua, kinh phí đầu tư cho KH&CN mới chỉ chú trọng đến nghiên cứu và phát triển mà chưa quan tâm nhiều đến khâu thử nghiệm, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Nói cách khác, các nhà khoa học đang thiếu điều kiện để hoàn thiện công nghệ từ các đề tài nghiên cứu và thiếu thông tin về nhu cầu của DN. Mặc dù, đã có một số quỹ hỗ trợ, nhưng việc tiếp cận còn khó khăn, thủ tục phức tạp.

Bên cạnh đó, khi đứng trước lựa chọn nhập khẩu công nghệ nước ngoài hay mua trong nước, các DN thường trăn trở với bài toán về giá thành, chất lượng, hiệu quả giữa công nghệ trong nước và công nghệ nhập khẩu. Do vậy, để khuyến khích các DN mua công nghệ trong nước, cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ như hỗ trợ vốn vay, miễn giảm thuế đối với các DN trong quá trình thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới…

Doanh nghiệp Việt mới tiếp cận CMCN 4.0 ở mức trung bình

Các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài với năng lực công nghệ, tài chính mạnh đã có sự chuẩn bị tốt để ứng dụng những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, tuy nhiên, với DN nội, đặc biệt là DN vừa và nhỏ mức độ tiếp cận mới chỉ ở mức trung bình.

Ngày 12/4, trong khuôn khổ Dự án: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp thông qua sáng tạo và đổi mới công nghệ trong bối cảnh CMCN 4.0”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo – Trình diễn CMCN 4.0: Internet vạn vật – Người máy – Trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm hỗ trợ tuyên truyền, thúc đẩy nhận thức của cộng đồng DN Việt Nam về sự chuyển đổi tất yếu về phương thức sản xuất, kinh doanh liên quan đến cuộc CMCN 4.0 nói chung và Internet vạn vật (IoT) nói riêng.

Đồng thời, đây là kênh kết nối các đối tác trong nước và ngoài nước, cung cấp các giải pháp ứng dụng với tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo… cho cộng đồng DN Việt.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0 hứa hẹn sẽ mang lại cho cộng đồng DN Việt Nam những cơ hội làm ăn mới, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực như: Sản xuất – tự động hóa, giao thông, tài chính-ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp…

Theo đó, khi thích ứng với cuộc cách mạng này, các DN sẽ nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất-vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, theo ông Vinh: “CMCN 4.0 không thể hiện qua những khái niệm chung chung mà cần có những đánh giá, nghiên cứu sâu để tìm ra ảnh hưởng cụ thể đến nguồn nhân lực cũng như cơ hội cho các DN trong từng ngành, lĩnh vực. Các nghiên cứu này sau khi công bố rộng rãi sẽ giúp các DN thấy được sự cần thiết của việc ứng dụng KHCN trong hoạt động của mình”.

Ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: “Chính phủ đã và đang thể hiện rõ tinh thần quyết liệt hành động đưa đất nước có những bước đi đột phá nhằm vươn lên, nắm bắt những cơ hội do CMCN 4.0 mang lại và bắt nhịp cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới”, ông Chiến nói.

Về phía các DN, theo ông Chiến, tuy nhận thức của họ về CMCN 4.0 đã được nâng cao thông qua các kênh truyền thông, hội nghị, hội thảo… nhưng vẫn còn khá mơ hồ về những bước đi cụ thể trong việc thay đổi quy trình sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực.

“Các DN có vốn đầu tư nước ngoài với năng lực công nghệ rất mạnh đã có sự chuẩn bị tốt để ứng dụng những công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0. Tuy nhiên, với DN nội, đặc biệt là DN vừa và nhỏ mức độ tiếp cận mới chỉ ở mức trung bình”, ông Chiến cho biết.

Ông Chiến cũng cho biết, hiện Bộ KH&CN đã có nhiều hoạt động, chính sách hỗ trợ cụ thể với từng, tỉnh, thành phố có tiềm năng. Bộ cũng đang xây dựng các dự án ứng dụng KHCN cấp quốc gia để có những hỗ trợ cụ thể cho các DN thông qua nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học. Hiện Bộ đang phối hợp với chuyên gia, tập hợp ý tưởng, đề xuất, sau đó làm việc với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng các khung chương trình từ nay đến năm 2025. Trong đó, các công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, in 3D, chuỗi khối blockchain… đều được đưa vào làm đối tượng nghiên cứu triển khai ứng dụng trong thực tiễn.

Tuy nhiên, theo ông Chiến, các bộ, ngành sẽ tích cực hỗ trợ, khai thông các cơ chế chính sách ban đầu nhưng nỗ lực chính phải là các DN, đặc biệt các tập đoàn lớn là những nhân tố cốt lõi dẫn dắt tạo ra sự phát triển mạnh mẽ đối với việc ứng dụng công nghệ.

Dự án: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp thông qua sáng tạo và đổi mới công nghệ trong bối cảnh CMCN 4.0” được VCCI triển khai từ đầu năm 2018, gồm nhiều hoạt động như: Tổ chức các hội thảo, tuyên truyền, đi sâu vào các giải pháp công nghệ thực tiễn ứng dụng trong từng ngành, lĩnh vực; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực tiếp cận với CMCN 4.0; nhân rộng mô hình DN đã và đang thực hiện các mô hình giải pháp công nghệ; làm cầu nối giữa các công ty công nghệ với các DN có nhu cầu để hiện thực hóa các công nghệ đó trong thực tiễn sản xuất kinh doanh; hướng dẫn các DN tham quan, học hỏi các mô hình tiên tiến trên thế giới…

Dự án được thực hiện nhằm tăng cường truyền tải thông tin và thúc đẩy DN ứng dựng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao nâng lực cạnh tranh của DN nội trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới./.

Hà Nội đón hơn 220 ngàn lượt khách dịp Tết Dương lịch

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2018, từ 30/12/2017 – 1/1/2018, trong thủ đô Hà Nội đón hơn 200 ngàn lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016.

Dự kiến 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2018, từ 30/12/2017 – 1/1/2018, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 228.900 lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: khách quốc tế đến ước đạt 68.900 lượt khách, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2017, khách du lịch quốc tế có lưu trú đến Hà Nội ước đạt 53.000 lượt khách, tăng 39% so với cùng kỳ 2017; khách du lịch nội địa ước đạt khoảng 160.000 lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ 2017; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 755 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 7 ngày 24 -  30/12/2017, thủ đô Hà Nội đón 486.666 lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: khách quốc tế đến đạt 136.666 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016, khách du lịch quốc tế có lưu trú đến Hà Nội đạt 105.128 lượt khách, tăng 29% so với cùng kỳ 2016; khách du lịch nội địa đạt khoảng 350.000 lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ 2016; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.569 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn Thành phố, dịp lễ Noel và Tết Dương lịch năm nay, tình hình đón khách của các đơn vị tăng khá. Tiêu biểu như: Công ty Lữ hành Hanoitourist đón khoảng 819 lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017 (trong đó khách du lịch đến khoảng 506 lượt khách, khách du lịch đi du lịch nước ngoài ước tính 313 lượt khách); Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist tại Hà Nội đón khoảng 860 lượt khách, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước; Chi nhánh Công ty CP Dịch vụ Du lịch Bến Thành tại Hà Nội ước đón 550 lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; Công ty CP Quản lý điểm đến Châu Á ước đón 130 lượt khách, tăng 47,72% so với cùng kỳ năm trước,… Một số doanh nghiệp do đặc thù riêng của thị trường khách mà doanh nghiệp phục vụ nên lượng khách có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước như: Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trọng điểm ước đón khoảng 480 lượt khách, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; Công ty  TNHH Du lịch Sang trọng Việt Nam, ước đón khoảng 80 lượt khách, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước,…

Trước đợt nghỉ Tết Dương lịch 1 tuần, việc đặt phòng ở các khách sạn từ 2 sao trở xuống trên địa bàn Thành phố vẫn diễn ra bình thường. Đối với các khách sạn ở phân khúc 3 đến 5 sao, công suất phòng bình quân đạt hơn 70%, trong đó có nhiều cơ sở đạt trên 90%.

Ngoài ra, hoạt động thông tin, hỗ trợ khách du lịch của Sở từ ngày 30/12/2017 đến 01/01/2018 đã cung cấp thông tin cho 142 lượt khách du lịch về tuyến điểm du lịch, chỉ dẫn đường đi, thời gian tổ chức các sự kiện xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố đi bộ, ….; và không tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị, đề nghị giải quyết nào của người dân và khách du lịch liên quan đến môi trường du lịch, an ninh, an toàn cho khách du lịch.

Phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.

Mục tiêu Đề án nhằm phát triển mạng đường bay quốc tế giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ma-lai-xia, Nga, Đức, Úc, Pháp, Anh và Ấn Độ cũng như các thị trường tiềm năng khác như Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Nam Phi… của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài để thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.

Phát triển hoạt động hàng không với hoạt động du lịch để đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy vai trò doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa về du lịch; toàn ngành du lịch phải có sự đột phá trong phát triển du lịch, đến năm 2020, Việt Nam thu hút được 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế, tổng giá trị du lịch đóng góp từ 10 đến 12% GDP và giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD.

Đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở đường bay mới từ Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Huế, Cần Thơ… đến Trùng Khánh, Đại Liên, Hải Khẩu, Vũ Hán, Ninh Ba, Hải Nam, Tây An, Trường Xuân, Phúc Châu, Quế Lâm, Quý Dương, Cáp Nhĩ Tân, Lan Châu, Thẩm Dương, Hạ Môn, Tây Song Bản Nạp, Trịnh Châu…; tăng tải cung ứng (tăng tần suất, sử dụng tàu bay thân rộng) trên các đường bay tới các cảng hàng không cửa ngõ tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Côn Minh, Thành Đô.

Xác định sản phẩm du lịch cho thị trường Trung Quốc là du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp phục vụ khách đi theo kỳ nghỉ dài ngày và đi bằng đường hàng không; sản phẩm du lịch tham quan khám phá thành phố và ẩm thực, du lịch văn hóa gắn với các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long cho hầu hết nhóm khách.

Về định hướng phát triển đường bay đến Nga, Bộ Giao thông vận tải tổ chức trao đổi ý kiến với Nhà chức trách hàng không Nga để bổ sung các thỏa thuận liên quan đến mở rộng Bảng đường bay khai thác được phép đến các thành phố tại Nga và nước thứ ba.

Đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mở mới đường bay đến Ê-ka-te-rin-buốc, Vla-đi-vốt-tốc; mở mới đường bay giữa Đà Nẵng và Nga; khai thác lại đường bay Nha Trang đến Mat-xcơ-va; tăng tải cung ứng trên các đường bay hiện tại từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến Mát-xcơ-va.

Xác định sản phẩm du lịch Việt Nam cho khách du lịch Nga là du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp, sản phẩm thể thao du lịch biển, khám phá thành phố kết hợp giải trí, mua sắm.

Về định hướng phát triển đường bay đến Hoa Kỳ, Vietnam Airlines mở mới đường bay thẳng đến Hoa Kỳ với lựa chọn ban đầu là một điểm tại bờ Tây nước Hoa Kỳ (Xan Fran-xít-cô hoặc Lốt An-ge-lét) vào năm 2018. Xác định sản phẩm du lịch Việt Nam cho khách du lịch Hoa Kỳ là du lịch về thăm chiến trường xưa, du lịch thăm thân, du lịch nghỉ dưỡng và nghỉ dưỡng biển đảo, sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, sản phẩm du lịch miệt vườn.

QHTT phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Ngày 27/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2098/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Khu du lịch quốc gia Núi Sam trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh.

Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia (Khu DLQG) Núi Sam thuộc địa phận phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Phía Đông Bắc giáp phường Châu Phú A, phía Đông Nam giáp phường Châu Phú B, phía Tây Bắc giáp kênh Vĩnh Tế, phía Tây Nam giáp đất nông nghiệp, diện tích dự kiến tập trung phát triển thành Khu DLQG Núi Sam là 1.487 ha.

Quan điểm phát triển Khu DLQG Núi Sam dựa trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về du lịch văn hóa – tâm linh, kết hợp đầu tư khai thác phát triển các loại hình du lịch vui chơi giải trí, khám phá, thể thao và nghỉ dưỡng để trở thành điểm đến du lịch có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao và khắc phục được tính thời vụ trong hoạt động du lịch. Khu DLQG Núi Sam phát triển trong không gian kết nối với thành phố Châu Đốc, các tỉnh tiềm năng du lịch quan trọng khác của tỉnh An Giang. Đồng thời, chú trọng liên kết với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, với Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế của An Giang.

Mục tiêu đến năm 2025, Khu DLQG Núi Sam đón khoảng 6 triệu lượt khách trong đó có khoảng 800 ngàn lượt lưu trú, phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng trên 1 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch năm 2025 đạt trên 2.600 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt trên 6.000 tỷ đồng, từ đó tạo việc làm cho trên 5.000 lao động trực tiếp tính đến năm 2025 và trên 9.000 lao động trực tiếp cho năm 2030.

Quy hoạch xác định, thị trường khách du lịch nội địa là thị trường khách chính tập trung khai thác thị trường khách du lịch văn hóa – tâm linh, lễ hội từng bước mở rộng thị trường khách vui chơi giải trí, khám phá, thể thao và nghỉ dưỡng. Chú trọng khai thác có hiệu quả khách du lịch nội vùng đồng bằng sông Cửu Long, khách du lịch đến từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng Tây Nguyên đi theo đoàn lớn. Thị trường khách quốc tế tập trung thu hút thị trường khách quốc tế đến từ các nước thuộc tiểu vùng Mê Kông mở rộng đi qua các cửa khẩu quốc tế của An Giang và các tỉnh lân cận.

Về phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh, trong đó mục đích chính là việc hành hương, lễ Bà Chúa Xứ, thăm lăng Thoại Ngọc Hầu và các điểm di tích khác. Bên cạnh đó, phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như: du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, cắm trại, dịch vụ vui chơi giải trí. Đồng thời, các sản phẩm du lịch liên kết với các địa bàn khác kết hợp thăm quan, mua sắm tại cửa khẩu Tịnh Biên, chợ biên giới Vĩnh Ngươn; đua bò vùng Bảy Núi; tham quan Núi Cấm; khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp; rùng tràm Trà Sư; khu di tích Nhà mồ Ba Chúc, khu du lịch Búng Bình Thiên.

Tổ chức không gian phát triển Khu DLQG Núi Sam tập trung vào 8 phân khu chức năng chính: phân khu đô thị cũ để bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống Châu Đốc; phân khu công trình công cộng, nhà ở kết hợp dịch vụ du lịch; phân khu công viên văn hóa du lịch, vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng phục vụ du khách; phân khu du lịch sinh thái kết hợp dịch vụ phục vụ khách du lịch; phân khu cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng của khách du lịch; phân khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; phân khu nghỉ dưỡng kết hợp nông nghiệp sạch (Eco-Farm) du lịch văn hóa – tâm linh, lễ hội Núi Sam.

Về định hướng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, quy hoạch đề ra phát triển buồng lưu trú cho khách du lịch đồng thời với việc đầu tư nâng cấp chất lượng cơ sở lưu trú hiện có, bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Hình thành các khu lưu trú du lịch có chất lượng cao gắn với không gian sinh thái (khu biệt thự cao cấp, khu nghỉ dưỡng sinh thái), gắn với sông nước hướng tới dòng khách có khả năng chi trả cao. Ưu tiên phát triển loại hình cơ sở lưu trú homestay.

Phát triển bền vững “đặc khu thiên nhiên” vùng biển

Hệ thống “đặc khu thiên nhiên” bao gồm các khu vực có một số danh hiệu thiên nhiên cấp quốc gia và quốc tế đang có tại các vùng ven biển và hải đảo Việt Nam và là tiềm năng mạnh mẽ để phát triển kinh tế.

Vùng di sản của vịnh hạ Long được UNESCO công nhận có diện tích 434 km2, bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông). Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Các danh hiệu địa lý nói chung và vùng biển nói riêng đã rất hữu ích. Đặc biệt là những vùng có danh hiệu quốc tế trên bờ và trên biển như vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, Mỹ Sơn… mang lại hiệu quả phát triển kinh tế to lớn sau khi nhận danh hiệu quốc tế của UNESCO. Tuy vậy, việc lượng giá kinh tế chưa đầy đủ và các mô hình quản lý vẫn còn nhiều bất cập cần được khắc phục để các “đặc khu thiên nhiên” đóng góp quan trọng hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Hiện Việt Nam có 6 khu vực ven biển và hải đảo được Ủy ban Sinh quyển và Con người (MAB) thuộc UNESCO công nhận. Gồm Rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), Quần đảo Cát Bà (2004), Ven biển Châu thổ sông Hồng (2004), Ven biển và đảo Kiên Giang (2006), Cù lao Chàm (2009), Mũi Cà Mau (2009).

Khu bảo tồn đất ngập nước ven biển do UNESCO công nhận theo Công ước Ramsar – là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước, với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay, cũng như trong tương lai, công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng. Trong đó Khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar ven biển Xuân Thủy công nhận năm 1989, Cà Mau (2012), Côn Đảo (2014).

Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới (World”s Most Beautiful Bays – WMBB) đã công nhận 3 vịnh của Việt Nam là: Vịnh Hạ Long (2003), Vịnh Nha Trang (2005), Vịnh Lăng Cô (2009. Riêng Vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích danh thắng cấp Quốc gia với diện tích 1553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo.

Phát động cuộc thi Ảnh nghệ thuật Du lịch toàn quốc lần 8

Ngày 10/01/2018, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), Tạp chí Du lịch (Tổng cục Du lịch) đã phát động tổ chức Cuộc thi ảnh nghệ thuật Du lịch toàn quốc lần thứ 8 mang chủ đề “Tôi yêu Việt Nam”.

Cuộc thi được sự phối hợp và bảo trợ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, diễn ra từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2018.

Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật Du lịch toàn quốc được tổ chức từ năm 1990, với quy mô ngày càng mở rộng và chất lượng ngày càng nâng cao. Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Du lịch toàn quốc lần thứ 8 là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 58 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2018).

Đây cũng là một hoạt động quan trọng nhằm tăng cường kho tư liệu ảnh phục vụ các hoạt động xúc tiến, quảng bá Du lịch Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của du lịch, thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam cũng như thúc đẩy các hoạt động du lịch nội địa góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Du lịch toàn quốc lần thứ 8 hứa hẹn quy tụ nhiều tác phẩm đặc sắc, có đề tài đa dạng, phản ánh vẻ đẹp đất nước, cuộc sống, con người Việt Nam thông qua lăng kính du lịch. Đối tượng dự thi là tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước; người nước ngoài đang công tác, sinh sống tại Việt Nam; không giới hạn độ tuổi. Ban Tổ chức cuộc thi hy vọng sẽ nhận được nhiều tác phẩm ảnh xuất sắc, những góc nhìn mới mẻ về đất nước, con người, văn hóa… Việt Nam; thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, gắn với chủ đề “Tôi yêu Việt Nam” của các nghệ sỹ nhiếp ảnh, du khách, những người yêu thích du lịch và nhiếp ảnh.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Du lịch toàn quốc lần thứ 8 nhằm mục đích khuyến khích tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam và nước ngoài; người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam để ghi lại những khoảnh khắc, trải nghiệm qua mỗi chuyến đi và đặc biệt là cảm nhận sâu sắc của mỗi cá nhân về sự đặc sắc, phong phú, đa dạng của cuộc sống, của tài nguyên du lịch, cảnh quan thiên nhiên…. Trên mọi miền đất nước Việt Nam”.

Ban Tổ chức sẽ trao 01 giải Nhất, gồm Huy chương Vàng của Hội NSNAVN, kèm tiền thưởng của Ban Tổ chức 15.000.000 đồng và 01 tour du lịch nước ngoài của nhà tài trợ. Ngoài ra còn có 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 05 giải Khuyến khích và các giải phụ cho 01 tác phẩm ảnh có số lượng Like nhiều nhất và 01 giải cho tác phẩm ảnh có số lượng Share nhiều nhất trên fanpage Tạp chí Du lịch (https://www.facebook.com/VietnamTourismReview).  Các tác phẩm đạt giải và chọn trưng bày triển lãm được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cấp Bằng chứng nhận và được tính điểm cấp khu vực theo Quy chế của Hội. Các tác phẩm đạt giải được Tổng cục Du lịch tặng Giấy khen.

Lễ trao giải thưởng và triển lãm ảnh dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 7/2018

Du lịch Việt Nam nâng cao hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế

Năm 2017, những người làm công tác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã nỗ lực, sáng tạo, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Trong đó, du lịch thực sự tạo dấu ấn với những điểm sáng nổi bật, đóng góp lớn vào GDP cả nước, từng bước khẳng định vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn, xứng đáng với kỳ vọng của toàn xã hội. Không chỉ ghi dấu ấn với du lịch, văn hóa truyền thống của Việt Nam tiếp tục được bạn bè quốc tế vinh danh với hai di sản văn hóa phi vật thể.

Năm 2018, ngành Du lịch Việt Nam sẽ tập trung giải quyết những điểm “nghẽn” để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đúng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Những người làm văn hóa sẽ tiếp tục chung sức cùng nhân dân – chủ nhân của di sản trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản để di sản thực sự trở thành tài sản…

Tập trung giải quyết 4 điểm “nghẽn”

Tại Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu rõ: Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã giao cho ngành Du lịch chỉ tiêu tăng trưởng 15-17 triệu lượt khách quốc tế. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng rất quan trọng. Ngành Du lịch sẽ phấn đấu đạt mục tiêu được giao, đạt ít nhất 16-17 triệu lượt khách quốc tế, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong năm 2017. Trong năm 2018, ngành Du lịch dự kiến phục vụ khoảng 78 triệu khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng tương đương 27,5 tỷ USD.

Hiện nay, du lịch được coi là xu hướng tất yếu và là được xác định là ngành “công nghiệp không khói” mang về một nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chặng đường phát triển của ngành Du lịch nước ta vẫn còn đối diện nhiều thách thức để theo kịp tốc độ của một số nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia…Với mức tăng trưởng 16 -17 triệu lượt khách quốc tế, Việt Nam sẽ đuổi kịp Indonesia về mức độ tăng trưởng khách quốc tế./.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực VHTTDL

Chiều 15/1, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện đã tiếp thân mật ngài Mitazono Satoshi – Thống đốc tỉnh Kagoshima (Nhật Bản).

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ vui mừng được tiếp đón ngài Thống đốc cùng đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tạo điều kiện cho Bộ VHTTDL xây dựng mối quan hệ thân thiết và chặt chẽ với các Bộ ngành và địa phương của Nhật Bản.

Bộ trưởng khẳng định, Nhật Bản luôn luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực trong đó có VHTTDL. Hiện nay, Nhật Bản là nước đứng thứ 3 trong danh sách các nước có lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đông nhất. Cùng với đó, khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản trong năm 2017 cũng tăng gần 40%.

Về lĩnh vực Văn hóa và Thể thao, Nhật Bản cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều trong thời gian qua. Đặc biệt, chuẩn bị cho Olympic 2020 sắp tới, hiện nay các đội tuyển của Việt Nam cũng đang lên kế hoạch sang Nhật Bản để tập huấn. Về Văn hóa, đây là lĩnh vực mà hai nước Việt Nam và Nhật Bản phối hợp rất chặt chẽ và có hiệu quả.

Bộ trưởng chia sẻ: “Cá nhân tôi rất thích du lịch đến Nhật Bản bởi con người nơi đây rất thân thiện, hệ thống giao thông đi lại khắp đất nước Nhật Bản cũng khá thuận lợi. Đặc biệt là ẩm thực của Nhật Bản rất phù hợp với người Việt Nam.”

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, ngài Thống đốc sau khi trở về quê hương sẽ giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến người dân tỉnh Kagoshima. Ngược lại, về phần mình, Bộ VHTTDL cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy quảng bá về hình ảnh và đất nước, con người Nhật Bản đến người dân Việt Nam.

Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã dành thời gian quý báu để đón tiếp đoàn, ngài Mitazono Satoshi – Thống đốc tỉnh Kagoshima hy vọng được tiếp đón Bộ trưởng tại quê hương mình trong thời gian gần nhất.

Ngài Mitazono Satoshi chia sẻ, tỉnh Kagoshima là một địa điểm du lịch rất nổi tiếng của đất nước Nhật Bản khi may mắn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều đảo đẹp và phong phú về ẩm thực. Theo đó, vào năm 2017, khi Nhật Bản tổ chức hội thi ẩm thực toàn quốc thì món thịt bò của tỉnh đạt giải cao nhất.

Cùng với đó, Kagoshima cũng may mắn được thiên nhiên ban tặng suối nước nóng nên thu hút được rất nhiều khách du lịch. Theo thống kê, có khoảng 500.000 khách quốc tế đến thăm quan, du lịch tại tỉnh mỗi năm. Lượng khách du lịch Việt Nam đến tỉnh cũng tăng 80% trong năm vừa qua.

Ngài Mitazono Satoshi cho biết thêm, về vị trí địa lý thì Kagoshima là tỉnh có khoảng cách gần đất nước Việt Nam nhất so với các địa phương trong toàn nước Nhật Bản. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 22 chuyến bay từ Kagoshima đến Tokyo và ngược lại. Cùng với đó, Kagoshima cũng là tỉnh được chọn để tổ chức một số môn thi đấu tại Olympic 2020.

Ngài Mitazono Satoshi bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ tạo điều kiện để tỉnh xây dựng mối quan hệ thân thiết với Bộ VHTTDL. Qua đó, Kagoshima sẽ phấn đấu bằng mọi cách để là một trong những điểm đến lý tưởng nhất của khách du lịch  Việt Nam khi đến Nhật Bản.

Bắt nhịp mô hình “du lịch thông minh”

Trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng, ngành du lịch thế giới đứng trước yêu cầu nhanh chóng phát triển theo mô hình “du lịch thông minh”. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Du lịch thông minh hiểu một cách khái quát nhất là việc áp dụng công nghệ thông tin nhằm tạo ra và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho du khách thông qua sử dụng các ứng dụng trực tuyến như cấp visa, đặt phòng, tìm đường, lựa chọn điểm đến…

Ở khía cạnh vĩ mô, có thể thấy Nghị định số 07/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25/1/2017 về quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (e-visa) cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (danh sách có 40 nước, thời gian thí điểm 2 năm; sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP bổ sung 6 nước) là một trong những bước đột phá tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam.

Tiếp đó, nắm bắt xu thế của cuộc cách mạng 4.0, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng này.

Chỉ thị 16 đặt ra yêu cầu các ngành, các cấp phải nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng lợi thế, trong đó, du lịch cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số, quản trị thông minh.

Đây là những cơ sở pháp lý để các địa phương, doanh nghiệp triển khai các giải pháp cụ thể trong du lịch. Ở đây có thể nêu những ví dụ cụ thể.

Hồi tháng 11/2017, TP. Đà Nẵng ra mắt ứng dụng Chatbot Danang Fanstaticity giúp người dùng có thể tra cứu mọi thông tin về du lịch Đà Nẵng (địa điểm, thời tiết, chỉ đường…) cùng nhiều tiện ích khác ngay trong ứng dụng tin nhắn mọi lúc, mọi nơi.

Sản phẩm được tích hợp ngay trên nền tảng mạng xã hội Facebook và tương thích được với điện thoại di động thông minh sử dụng hệ điều hành Android, IOS… có kết nối Internet thông qua 3G, Wifi.

Tại Hà Nội, ngày 11/1/2018, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đưa vào hoạt động hệ thống thuyết minh tự động với 8 ngôn ngữ tại 14 điểm trong di tích.

Ðể sử dụng dịch vụ này, du khách chỉ cần sử dụng thiết bị được cài đặt sẵn, có thể kết nối vào tai nghe rất tiện lợi và lựa chọn điểm cần thuyết minh theo nhu cầu.

Dịch vụ thông minh, tiện lợi này giúp bao phủ hết nhóm khách có nhu cầu tiếp xúc với thông tin về sản phẩm du lịch, không chỉ khách đi theo đoàn, mà cả các khách lẻ, nhiều quốc tịch. Qua đó việc quảng bá giá trị đa dạng của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiệu quả hơn..

Ngày 16/1/2018, Sở Du lịch Ninh Bình và Viễn thông Ninh Bình đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai mô hình du lịch thông minh tỉnh Ninh Bình.

Thỏa thuận tập trung vào một số giải pháp như xây dựng kho tích hợp dữ liệu du lịch, cổng thông tin du lịch, ứng dụng du lịch trên di động, bản đồ số du lịch, hệ thống quản lý lưu trú, phương tiện hỗ trợ thông tin du lịch, wifi công cộng miễn phí cho khách du lịch tại các điểm du lịch…

Đặc biệt, tiện ích thông minh ứng dụng trên di động dành cho du khách sẽ giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin, tìm kiếm bằng giọng nói, dịch chuyển ngôn ngữ, tạo lịch trình cá nhân hoá, tham quan 3D.

Như vậy có thể nói từ việc cấp visa điện tử đến ứng dụng nhiều tiện ích công nghệ thông tin cho du khách  là hướng đi mới của du lịch từ “áp lực” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sắc màu Nhật Bản 2018 và bài học làm du lịch

Đài Truyền hình VN (VTV) vừa phối hợp với Đài Truyền hình TBS Nhật Bản giới thiệu chương trình Sắc màu Nhật Bản 2018. Với năm thứ ba lên sóng, Sắc màu Nhật Bản 2018 sẽ lấy du lịch làm chủ đề chính cho 6 tập phát sóng.

Ông Hồ Kiên, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Đài THVN nhấn mạnh: “Hai năm qua, VTV và Đài Truyền hình TBS Nhật Bản đã hợp tác sản xuất các sêri chương trình giới thiệu về văn hóa của từng địa phương ở Nhật Bản, giúp khán giả VN có đầy đủ thông tin trên mỗi hành trình du lịch của mình. Sắc màu Nhật Bản giúp tăng cường hiểu biết của người dân VN về đất nước Nhật Bản, sẽ mở đầu cho năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản”. Với mỗi mùa lên sóng, Sắc màu Nhật Bản có cách tiếp cận và tạo được dấu ấn riêng. Nếu trong năm 2016, sêri này giới thiệu con người, cảnh quan Nhật Bản nói chung, năm 2017 tập trung vào chủ đề giao lưu ẩm thực Nhật – Việt thì năm nay Sắc màu Nhật Bản hứa hẹn sẽ là một hành trình du lịch thú vị, một món quà hấp dẫn đầu năm gửi đến khán giả Việt Nam.

Trong suốt hành trình của Sắc màu Nhật Bản, khán giả sẽ lần lượt đi qua 5 tỉnh Chiba, Shizuoka, Oita, Nagasaki và Yamanashi. Ở mỗi nơi, khán giả sẽ khám phá những cảnh sắc thiên nhiên đẹp bậc nhất Nhật Bản, những công trình nhân tạo được xếp hạng hàng đầu thế giới như: Tượng đại Phật khắc đá lớn nhất Nhật Bản ở Chiba; Vùng chè có sản lượng số 1 Nhật Bản – Shizuoka; Cây cầu đá Yabakei dài nhất Nhật Bản ở Oita; Cảnh đẹp về đêm đẹp nhất Nhật Bản ở Nagasaki và cuối cùng là vùng Phú Sĩ Ngũ Hồ ở Yamanashi – nơi có cảnh sắc mùa thu lá đỏ độc nhất vô nhị dưới chân núi lửa – một danh thắng bậc nhất mà ai cũng mong muốn một lần được đến trong đời. Với sự hợp tác sản xuất này, ê kíp làm phim của VTV không chỉ được tiếp cận những miền đất, con người của những địa danh tiêu biểu của Nhật Bản mà còn được thử nghiệm những công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại của ngành truyền hình Nhật Bản.

Bên cạnh vẻ đẹp vốn có của cảnh sắc thiên nhiên và các công trình nhân tạo được xếp hạng, Sắc màu Nhật Bản năm nay còn khai thác những yếu tố làm nổi bật sự độc đáo có một không hai của các địa danh. Đó là khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp được ê kíp ghi hình rất công phu ở Thánh địa tình yêu tại Shizuoka hay bên hồ Kawaguchi dưới chân núi Phú Sĩ ở Yamanashi; Khung cảnh cheo leo của mỏm Địa ngục ở Chiba hay hình ảnh công viên Huis Ten Bosch mang đậm nét văn hóa Hà Lan trên đất Nhật. Đây cũng là địa danh phản ánh sự giao lưu văn hóa, kinh tế sầm uất một thời ở vùng đất Nagasaki – nơi nhiều người chỉ biết đến là thành phố hứng chịu bom nguyên tử Mỹ năm 1945. Nhân vật trải nghiệm chính của Sắc màu Nhật Bản năm nay là MC Lê Anh – giảng viên khoa Du lịch Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN – người đã từng hàng chục lần đến xứ Phù Tang. Với bề dày kinh nghiệm và vốn hiểu biết phong phú về nước Nhật, Lê Anh sẽ giúp khán giả Việt Nam cảm nhận sâu sắc, gần gũi về đất nước Mặt trời mọc. Sắc mu Nhật B2018 gồm 6 tập, mỗi tập 30 phút, dự kiến phát sóng vào 16h20 thứSáu hằng tuần, bắt đầu từ19.01 trên kênh VTV3.

Người Việt Nam đi du lịch bằng tàu biển ngày càng nhiều

Theo số liệu từ Hiệp hội Các hãng du lịch tàu biển quốc tế (Cruise Lines International Association – CLIA), nhu cầu du lịch tàu biển nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã tăng 126% trong giai đoạn 2012-2016, được xem là mức tăng trưởng cao nhất trong các quốc gia thuộc khu vực châu Á.

Theo đó, nếu như năm 2012, Việt Nam chỉ có khoảng 158 hành khách đi du lịch bằng tàu biển thì đến năm 2016, con số này đã tăng lên 4.100 hành khách.

Mặc dù số lượng du khách Việt Nam chọn đi du lịch bằng du thuyền chỉ chiếm 0,1% trong tổng số lượng hành khách châu Á trong năm 2017 (Trung Quốc: 67,8%, Nhật: 7%, Singapore: 6,4%…) thế nhưng theo đánh giá của các hãng tàu, Việt Nam đang nổi lên như một tiềm năng mới. Bởi, theo thống kê của Boston Consulting Group tại khu vực Đông Nam Á, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện đang phát triển nhanh nhất. Dự tính đến năm 2020, tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, với khoảng 33 triệu người và chiếm khoảng 1/3 dân số.

Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu người Việt đi du lịch nghỉ dưỡng tại nước ngoài cũng sẽ tăng lên nhanh chóng, đưa Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn trong mắt các hãng tàu du lịch tàu nghỉ dưỡng cao cấp. Điều này lý giải vì sao các hãng tàu du lịch ngày càng “nhắm” đến thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Theo đó, chỉ riêng hãng tàu du lịch Princess Cruises, trong năm 2017, đã có 22 lượt tàu ghé Việt Nam qua các cảng biển Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nha Trang, Cái Lân (Hạ Long), Đà Nẵng với số lượng lên đến hơn 58.000 khách quốc tế. Tuy nhiên, không dừng lại ở đây, theo ông Farriek Tawfik, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Princess Cruises, hãng tàu này sẽ tăng số lượng các chuyến hải trình tàu nghỉ dưỡng ghé Việt Nam lên 31 lượt (với lượng khách quốc tế khoảng 80.000 người) vào năm 2018 này nhằm mục đích phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng bằng du thuyền ngày càng tăng tại Việt Nam. Hiện Princess Cruises được xem là hãng tàu du lịch 5 sao có tầm hoạt động lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với các chuyến hải trình du lịch bằng đường biển đến các điểm đến châu Âu và châu Á.

“Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến phổ biến với du khách từ Mỹ, Úc, châu Âu cũng như các nước châu Á, trong đó du ngoạn bằng du thuyền được xem là một trong những cách tốt nhất để khám phá một trong những vùng đất tuyệt vời của hành tinh này. Để đáp ứng nhu cầu trên, chúng tôi đã tăng cường đáng kể số lượng hải trình của mình nhằm mang đến cho du khách nhiều lựa chọn hành trình du ngoạn thú vị”, ông Farriek Tawfik cho biết.

Cũng theo ông Farriek Tawfik, thị trường Việt Nam đang có tốc độ gia tăng nhanh chóng. Theo đó, Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong danh sách các nước có lượng du thuyền cập bến nhiều nhất trong khu vực vào năm 2017 (đứng đầu là Nhật Bản với hơn 2.000 lượt/năm, Trung Quốc hơn 1.000 lượt, Hàn Quốc hơn 700 lượt, Thái Lan khoảng 500 lượt, Malaysia 460 lượt và Việt Nam 404 lượt, theo sau đó là Hồng Kông và Indonesia).

Trong tương lai, không chỉ Princess Cruises mà sẽ có nhiều hãng du thuyền khác khai thác thị trường Việt Nam hơn. Theo đó, việc các du thuyền đến Việt Nam nhiều hay không còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất tại các cảng mà các tàu cập bến.

Thử nghiệm kết nối tour du lịch đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Ngày 18/1, Tổng cục Du lịch đã tổ chức thử nghiệm tour du lịch theo “Lịch sử Việt Nam – Khám phá từ lòng đất”, kết nối du lịch với bảo tàng, nhà hát và di tích nổi bật của thủ đô Hà Nội.

Tham dự tour thử nghiệm có đại diện các doanh nghiệp lữ hành của thủ đô Hà Nội và một số cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông. Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về triển khai Kế hoạch tổ chức các chương trình nghệ thuật chất lượng cao và xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu bảo tồn & phát triển âm nhạc dân tộc và các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các tour du lịch theo chuyên đề nhằm kết nối sản phẩm, dịch vụ của bảo tàng, nhà hát với du lịch.

Theo Tổng cục Du lịch, sau một thời gian nghiên cứu và triển khai, các tour du lịch theo chuyên đề đã hoàn thành gồm: “Lịch sử Việt Nam – Khám phá từ lòng đất” và “Lịch sử Việt Nam – Bình minh trên các dòng sông”, “Mỹ thuật Việt Nam – Kho báu trong lòng Hà Nội” và “Làng quê Việt Nam – Một góc nhìn”.

Trong ngày 18/1, Tổng cục Du lịch đã triển khai việc thử nghiệm tour: “Lịch sử Việt Nam – Khám phá từ lòng đất” và “Lịch sử Việt Nam – Bình minh trên các dòng sông”, kết nối Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tham quan phố cổ, Nhà cổ Mã Mây, Đền Bạch Mã và thưởng thức ẩm thực đường phố. Dự kiến, trong ngày 19/1, tour du lịch “Mỹ thuật Việt Nam – Kho báu trong lòng Hà Nội” và “Làng quê Việt Nam — Một góc nhìn” sẽ được triển khai thử nghiệm với hành trình: tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Show Tâm hồn làng Việt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Việc triển khai thử nghiệm các tour du lịch chuyên đề này trước khi đi vào triển khai thực tiễn nhằm góp phần tăng cường xây dựng thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến với thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung./.

Quảng bá du lịch Việt Nam tại Tây Ban Nha

Trong 3 ngày (17-19/1/2018), Tổng cục Du lịch đã phối hợp cùng các doanh nghiệp lữ hành, Vietnam Airlines xây dựng gian hàng chung quảng bá du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch FITUR tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.

Tại đây, Tổng cục du lịch, Vietnam Airlines và các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng gian hàng, hợp thành một khu vực lớn đại diện cho Việt Nam trong hội chợ.

Song song với hoạt động quảng bá sản phẩm, gian hàng của Việt Nam đã truyền tải rộng rãi tới khách hàng quốc tế những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam xinh đẹp cùng nhiều thông tin hữu ích về du lịch Việt Nam. Khách tham quan còn có cơ hội tìm hiểu về chính sách miễn thị thực nhập cảnh, xuất cảnh cho công dân các nước châu Âu khi du lịch đến Việt Nam.

Khi đến với gian hàng của Vietnam Airlines, khách hàng, đối tác quốc tế có dịp tìm hiểu về các sản phẩm, dịch vụ nổi bật của Hãng, trọng tâm là tiêu chuẩn dịch vụ 4 sao, đội tàu bay hiện đại cùng những lợi ích vượt trội đến từ sự hợp tác toàn diện giữa Vietnam Airlines và Air France. Năm 2017 vừa qua, SkyTrax đã công nhận Vietnam Airlines là hãng hàng không 4 sao 2 năm liên tiếp. Đội tàu bay của Hãng đánh dấu 2 năm khai thác thành công dòng máy bay thân rộng thế hệ mới Airbus A350-900 và Boeing 787-9.

Hiện nay, hành khách có thể mua vé của Vietnam Airlines để bay giữa Việt Nam và Tây Ban Nha thông qua các điểm trung chuyển phổ biến là Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) và London (Anh). Trong đó, Vietnam Airlines vận chuyển giữa Việt Nam và Paris, Frankfurt, London, các hãng hàng không có hợp tác với Vietnam Airlines (như Air France, Air Europa, British Airways) vận chuyển giữa các điểm trung chuyển này và Tây Ban Nha.

Hội chợ du lịch FITUR được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1980, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu tham gia giới thiệu điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch. Hội chợ còn là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi cơ hội kinh doanh và thảo luận về những xu hướng du lịch mới nổi trên thế giới. Năm ngoái, FITUR ghi nhận sự tham dự của gần 10.000 doanh nghiệp từ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ và hơn 100.000 khách tham quan. Với việc tham gia hội chợ, Vietnam Airlines  mong muốn không chỉ quảng bá sản phẩm, dịch vụ của Hãng, mà còn đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng khách hàng Châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam./.

Khai mạc Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 47

Sáng nay (22/1/2018), tại khách sạn Shangri-La, Chiang Mai, Thái Lan đã diễn ra Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 47. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn dẫn đầu đoàn Việt Nam đã tham dự và đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao sự đón tiếp nồng hậu và công tác chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà Thái Lan dành cho các đại biểu tham dự Diễn đàn ATF 2018 tại thành phố Chiang Mai.

Tổng cục trưởng nhấn mạnh, sau một năm hợp tác tích cực giữa cơ quan du lịch các quốc gia ASEAN, có nhiều vấn đề cần thảo luận và đề ra định hướng hoạt động hợp tác thời gian tới để báo cáo các Bộ trưởng. Đồng thời tin tưởng rằng với sự hợp tác tích cực của các nước thành viên, Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp, thể hiện được tinh thần chủ đề ATF 2018 “Kết nối bền vững, Thịnh vượng không biên giới”.

Để chuẩn bị tốt nhất cho Diễn đàn ATF 2019 sẽ diễn ra tại Việt Nam, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ hy vọng sẽ nhận được những chia sẻ từ Thái Lan và tất cả các nước, đồng thời chào đón tất cả các đại biểu đến Việt Nam.

Phiên họp Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 47 sẽ diễn ra trong hai ngày 22-23/1. Các phiên họp sẽ tập trung xem xét báo cáo của 04 Ủy ban hợp tác du lịch ASEAN, bao gồm: Ủy ban Cạnh tranh du lịch ASEAN; Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN; Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN; và Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN (do Việt Nam làm Chủ tịch).

Tại Hội nghị, Ban Thư ký ASEAN sẽ trình bày một số nội dung liên quan tới kết quả du lịch tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 tổ chức tại Manila, Philippines (tháng 11/2017); kết quả mới nhất của việc triển khai ATSP giai đoạn 2016-2025; kết quả hoạt động du lịch ASEAN năm 2016 và năm 2017.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng nghe báo cáo về kết quả hợp tác với các tổ chức ASEAN khác cũng như hợp tác với các đối tác đối thoại ASEAN (bao gồm ASEAN+3, ASEAN – Ấn Độ, ASEAN – Nga) và các hoạt động đã triển khai trong khuôn khổ hợp tác du lịch tiểu vùng.

APPF họp về biến đổi khí hậu, văn hoá, du lịch và phát triển bền vững

Hợp tác nghị viện có ý nghĩa quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, thúc đẩy giao lưu văn hóa, du lịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này trong phiên họp về các vấn đề hợp tác phát triển tại Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF-26), sáng 20/1. Ba chủ đề được thảo luận là: Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; các nguồn lực cho phát triển bền vững; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực. Phiên họp do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì với sự tham gia của nghị sĩ các nước thành viên APPF.

Chia sẻ với các đại biểu về tầm nhìn, khát vọng chung của nhân loại được đề ra trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng là “mọi người dân đều tham gia và được thụ hưởng thành quả của phát triển”.

Với người dân, nhất là ở các vùng khó khăn, thành quả phát triển trực tiếp nhất là lương thực, giáo dục, y tế. Chỉ những tiêu chí đó thôi cũng đã cần nguồn lực lớn cả về con người, tài chính, khoa học, công nghệ với sự chung tay, chia sẻ giữa các quốc gia.

Khẳng định tầm quan trọng của văn hoá trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong quá trình đó, các giá trị tốt đẹp, di sản văn hoá của từng cộng đồng, dân tộc đã trở thành di sản văn hoá chung của nhân loại. Đồng thời mỗi dân tộc, quốc gia lại tiếp thu những nét tinh hoa từ bên ngoài được tiếp thu.

Sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, góp phần làm cho giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa trở lên thuận lợi hơn bao giờ hết. “Internet đã giúp một người ngồi ở bất kỳ đâu cũng có thể tìm hiểu ngay về cách thức nấu phở của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng tin tưởng APPF tiếp tục phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nghị viện và nhân dân các quốc gia thành viên. Có vai trò, tiếng nói ngày càng quan trọng trên các diễn đàn quốc tế, đóng góp ngày càng tích cực vào kiến tạo, gìn giữ hòa bình, hợp tác, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới vì một thế giới không còn chiến tranh, không còn đói nghèo. Để mỗi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được phát triển, phát huy giá trị của mình và vì một hành tinh mãi màu xanh.

Tăng cường hợp tác du lịch ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc

Trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ATF 2018 được tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan, sáng ngày 24/1 đã diễn ra Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN và ba nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) lần thứ 32.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu làm trưởng đoàn.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo về tình hình hợp tác du lịch ASEAN với ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bao gồm kết quả làm việc tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 (APT) lần thứ 20 và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+1 tổ chức tại Philippines (tháng 11/2017).

Đồng thời, ba nước đối tác cũng trình bày trước hội nghị tình hình hoạt động, hợp tác du lịch với các nước ASEAN trong thời gian qua. Trong đó có Kế hoạch hành động để triển khai Tuyên bố Chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN – Trung Quốc vì Hòa bình và Phồn vinh (2016-2020) đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 18 tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia (tháng 11/2015); Tình hình hợp tác để triển khai Tuyên bố về tầm nhìn hợp tác và hữu nghị ASEAN-Nhật Bản và các Kế hoạch triển khai đã được thông qua tại Tokyo, Nhật Bản (năm 2013); và các hoạt động hợp tác du lịch để triển khai Kế hoạch Hành động của Tuyên bố Chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN – Hàn Quốc vì Hòa bình và Phồn vinh (2016-2020) được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 17 diễn ra tại Kuala Lumpur (tháng 11/2015).

Thông qua Trung tâm ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Nhật Bản và ASEAN-Hàn Quốc, hỗ trợ của ba nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đối với du lịch ASEAN chủ yếu dưới dạng hỗ trợ kỹ thuật thông qua các khóa đào tạo về quảng bá xúc tiến du lịch (xây dựng trang web, đào tạo hướng dẫn viên, hội thảo kỹ thuật về thị trường, tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến), phát triển sản phẩm (như du lịch đường sông, du lịch tàu biển, du lịch di sản…) và các chương trình giao lưu, các khóa đào tạo tại ASEAN và các nước đối tác.

Dựa trên kết quả triển khai thực tế công tác hợp tác du lịch ASEAN+3 giai đoạn 2013-2017 liên quan tới các vấn đề: Xúc tiến Phát triển Du lịch Chất lượng; Xúc tiến và Tiếp thị Du lịch chung; Phát triển du lịch tàu biển; Thiết lập Cơ chế quản lý khủng hoảng truyền thông…, các đại biểu đã cùng thảo luận, đánh giá và xem xét dự thảo Kế hoạch hợp tác du lịch ASEAN+3 giai đoạn 2018-2020 để báo cáo các Bộ trưởng Du lịch ASEAN+3 thông qua vào ngày 26/1 tới.

Lần đầu tiên biên soạn Bách khoa Toàn thư về Du lịch

Ngày 25/1, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Ban biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Khoa học Nghiên cứu, Xây dựng cấu trúc vĩ mô, biên soạn mục từ Bách khoa Toàn thư chuyên ngành Du lịch.

Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại diện các vụ chức năng của Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội, các nguyên lãnh đạo Tổng cục Du lịch cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực Du lịch.

Ngày 15/2/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 238/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Chủ tịch Hội đồng. Tiếp đó, Chủ tịch Hội đồng đã ký quyết định thành lập Ban chủ nhiệm Đề án và Quyết định bổ nhiệm 37 Trưởng ban biên soạn Chuyên ngành.

Ngày 05/12/2016, Ban chủ nhiệm đề án đã có quyết định số 2483/QĐ-BCNĐA phê duyệt nhân sự Ban biên soạn BKTT chuyên ngành Du lịch, Thể dục Thể thao, Ẩm thực và Trang phục (Quyển 35), bao gồm GS.TS Nguyễn Văn Đính là Trưởng ban. Ban biên soạn BKTT chuyên ngành Du lịch có ba thành viên chính là: ông Vũ Thế Bình, TS Nguyễn Anh Tuấn, Th.S Vũ Quốc Trí và các thành viên là các nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực du lịch.

Theo ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch hiện nay là một ngành kinh tế hàng đầu của thế giới. Theo tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2016, thế giới đã có 1236 triệu người đi du lịch, doanh thu xuất khẩu của ngành Du lịch đã đạt 14.000 tỷ USD, trở thành ngành kinh tế thứ 3 thế giới (chỉ sau Dầu khí và Hóa chất). Ở nước ta, trong những năm qua Du lịch đã vươn lên thành một điểm sáng của kinh tế đất nước, được nhà nước quan tâm phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, ngành Du lịch còn nhiều điểm yếu, trong đó nhận thức về Du lịch của cả xã hội còn  thấp, hệ thống nhân lực của ngành còn yếu, tri thức về du lịch còn chưa được hệ thống, thiếu cập nhật và mức độ phổ cập thấp. Do vậy, việc biên soạn BKTT chuyên ngành Du lịch là rất cần thiết.

Ông Bình khẳng định, việc xây dựng BKTT chuyên ngành Du lịch nhằm mục đích: Chuẩn hóa tri thức cơ bản về ngành Du lịch, trong đó có hội nhập với tri thức Du lịch quốc tế, đảm bảo cho Du lịch Việt Nam hội tụ điều kiện để phát triển nhanh và bền vững; Cung cấp công cụ nhận thức chuyên ngành du lịch cho đội ngũ lao động trong ngành Du lịch và những người liên quan đến Du lịch; Phổ cập tri thức chuyên ngành du lịch cho cộng đồng dân cư và cho toàn xã hội.

Theo đề án, chương trình biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ được thực hiện trong 5 năm (2017-2021). Kế hoạch năm 2017 là các Ban biên soạn hoàn thành xây dựng đề cương quyển chuyên ngành và nội dung cơ bản của đề cương là cấu trúc vĩ mô – xây dựng Bảng mục từ của quyển chuyên ngành.

Ông Bình khẳng định, tuy là ngành kinh tế nhưng hoạt động của ngành Du lịch liên quan đến nhiều yếu tố xã hội, pháp luật, quan hệ quốc tế, an ninh, giao thông, thương mại, tài chính, tài nguyên môi trường, liên quan đến các loại hình dịch vụ như: lữ hành, lưu trú, vận chuyển, ẩm thực, văn nghệ…. Do vậy, khi xây dựng Luật Du lịch 2005, 2017, các khái niệm về Du lịch và các dạng hoạt động du lịch, các mối quan hệ trong hoạt động du lịch đã được sắp xếp theo  trình tự tương đối khoa học. Do vậy, cấu trúc vĩ mô của BKTT chuyên ngành Du lịch, Ban soạn thảo đã thiết kế dựa trên cấu trúc của Luật Du lịch để đảm bảo không bỏ sót bất cứ hoạt động quan trọng nào.

GS.TS Nguyễn Văn Đính – Trưởng ban biên soạn Quyển 35 cho biết, Du lịch có vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Do vậy, để hiểu một cách đầy đủ, đúng đắn về Du lịch là hết sức quan trọng. Chính vì vậy mà việc biên soạn cuốn BKTT về Du lịch là cần thiết. Đây là công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi tốn nhiều công sức và thời gian vì đây là lần đầu tiên Việt Nam biên soạn Bộ BKTT nói chung và Bách khoa toàn thư về Du lịch nói riêng. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhà khoa học đã được mời tham gia biên soạn. Riêng Quyển 35 đã có gần 20 nhà khoa học trực tiếp tham gia, ngoài ra còn có sự tham gia góp ý của nhiều nhà khoa học và chuyên gia khác.

Ấn tượng “Đêm Việt Nam” tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2018

Ngày 25/1, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Khum Kham Luang, Chiang Mai (Thái Lan), Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì tổ chức Chương trình Đêm Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN 2018.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Việt Nam tại Diễn đàn nhằm giới thiệu công tác chuẩn bị cho Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 diễn ra tại Hạ Long, Quảng Ninh vào tháng 1/2019, kết hợp quảng bá về du lịch Việt Nam nói chung, Hạ Long, Quảng Ninh nói riêng.

Tham dự chương trình Đêm Việt Nam có khoảng 700 khách mời, bao gồm Bộ trưởng, Trưởng đoàn Du lịch và Trưởng Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN và các nước đối tác, các tổ chức khu vực và quốc tế, các đại biểu tham dự Hội chợ TRAVEX, các hãng thông tấn, báo chí…

Với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, giới thiệu ẩm thực truyền thống Việt Nam, trình diễn thời trang áo dài, chương trình Đêm Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè, khách du lịch trong khu vực và quốc tế.

Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Diễn đàn du lịch ASEAN 2019

Đây là nội dung chính được công bố tại buổi họp báo diễn ra chiều ngày 24/1/2018 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Chiang Mai, Thái Lan.

Buổi họp báo do Tổng cục Du lịch phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tổ chức đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí quốc tế tại Chiang Mai và Thái Lan.

Tại đây, các cơ quan báo chí đã có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về tình hình phát triển, cơ chế chính sách và sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng của Việt Nam. Đáng chú ý là những thông tin mới nhất về Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 sẽ tổ chức tại Việt Nam.

Phát biểu trước báo chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cảm ơn sự đóng góp của các nhà báo cho sự thành công của du lịch Việt Nam trong những năm qua.

Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đăng cai Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019. Thông qua sự kiện quan trọng này, Việt Nam mong muốn sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Hiện Việt Nam đang tích cực triển khai các công tác chuẩn bị cho sự kiện ATF 2019 sẽ diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và luôn sẵn sàng chào đón tất cả các vị khách đến với Việt Nam, đến với ATF 2019.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng bày tỏ hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cơ quan báo chí, truyền thông để du lịch Việt Nam phát triển hơn nữa.

Chủ trì buổi họp báo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã giải đáp các câu hỏi của báo chí liên quan tới sự kiện ATF 2019, các chính sách về điểm đến và sản phẩm du lịch, môi trường du lịch của Việt Nam, chính sách visa của Việt Nam.

Nhiều phần quà hấp dẫn bao gồm vé máy bay khứ hồi Thái Lan – Việt Nam và các tour du lịch trọn gói từ các doanh nghiệp hàng không và du lịch đã được trao cho các đại biểu khách mời tham dự họp báo.

Diễn đàn Du lịch ASEAN 2018 chính thức khai mạc

Tối 24/1/2018, Lễ khai mạc Diễn đàn Du lịch ASEAN 2018 đã long trọng diễn ra tại Công viên Hoàng Gia Rajapruek, tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện dẫn đầu đã đến tham dự buổi lễ.

Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2018 với chủ đề “Kết nối bền vững, Thịnh vượng không biên giới” phản ánh nhận thức về một khu vực ASEAN như là cộng đồng mang lại cơ hội và sinh kế tốt hơn cho người dân thông qua sự phát triển du lịch bền vững. Bằng cách kết nối tất cả các lĩnh vực, các nước ASEAN đã tạo ra cơ hội về cả kinh tế và xã hội cho người dân, góp phần làm giảm khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.

Đồng thời, thông điệp cũng chỉ ra rằng các thành phố biên giới của các quốc gia đang được quản lý nhằm ngăn chặn và giảm thiểu các tác động xấu, đó chính là kết quả của sự kết nối kinh tế thịnh vượng và không biên giới.

ATF 2018 diễn ra từ ngày 22-26/1/2018 với chuỗi hoạt động quan trọng bao gồm các phiên họp cơ quan du lịch các quốc gia ASEAN, các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN và các nước đối tác; Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác; và Hội chợ Du lịch TRAVEX.

Trong khuôn khổ sự kiện này, Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động như xây dựng gian hàng du lịch chung tại Hội chợ; Họp báo; Chương trình Đêm Việt Nam nhằm giới thiệu về du lịch Việt Nam và vai trò đăng cai Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019.

Đại sứ quán Trung Quốc mở thêm cửa nhận hồ sơ cấp visa cho fan Việt sang cổ vũ U23

Đại sứ quán Trung Quốc vừa thông báo sẽ mở thêm 1 cửa chuyên tiếp nhận hồ sơ xin thị thực với công dân Việt Nam sang xem trận chung kết U23 giữa Việt Nam và Uzbekistan diễn ra chiều 27/1.

Sáng 24/1, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã ban  hành thông báo: Với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam xin cấp thị thực Trung Quốc để theo dõi trận chung kết U23 châu Á, Đại sứ quán mở thêm 1 cửa chuyên tiếp nhận hồ sơ xin thị thực với mục đích trên tại phòng visa. Thời gian từ ngày 24/1 đến ngày 26/1/2018.

Đại sứ quán Trung Quốc cho hay, ngoài thời gian nộp hồ sơ từ 8h30 đến 11h sáng như mọi khi, công dân Việt Nam có nguyện vọng đi xem giải đấu còn có thể nộp hồ sơ vào thời gian từ 15h đến 16h30.

Cũng trong sáng 24/1, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và đại diện Đại sứ quán (ĐSQ) Trung Quốc tại Hà Nội đã có buổi làm việc về việc hỗ trợ cấp phép bay cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á đang diễn ra tại Trung Quốc.

Đồng thời, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Việt Nam xem xét dành hỗ trợ đặc biệt trong việc giải quyết nhanh các thủ tục xin cấp thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc nhân dịp này.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam trong chiều tối 23/1 đã tung ra các tour du lịch Trung Quốc để phục vụ người hâm mộ Việt Nam sang xem trận chung kết. Lượng khách đặt tour tăng đột biến./.

Các quốc gia ASEAN đã triển khai hiệu quả Chiến lược du lịch ASEAN trong năm qua

Tiếp nối các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2018 tại Thái Lan, hôm nay (25/1/2018) Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã tham dự và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 21.

Trên cơ sở các báo cáo tại hội nghị, các Bộ trưởng đánh giá cao vai trò chủ động của các nước trong việc thực hiện các hoạt động của Chiến lược du lịch ASEAN (ATSP) giai đoạn 2016-2025 trong năm qua và khuyến khích các nước tiếp tục duy trì sự đóng góp của ngành du lịch ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu hội nhập ASEAN vào năm 2025.

Năm 2017, các quốc gia ASEAN đã triển khai hiệu quả Chiến lược ATSP 2016-2025 với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực, hướng tới năm 2018 với nhiều thuận lợi, đồng thời cũng sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng các nước thành viên đã xem xét và thông qua các nội dung về Kế hoạch hai năm (2018-2019) triển khai Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025; Tuyên bố chung về Du lịch và Ẩm thực; Tuyên bố ASEAN về Du lịch tàu biển. Đồng thời xem xét và thông qua Báo cáo của Phiên họp Cơ quan Du lịch Quốc gia (NTOs) ASEAN lần thứ 46 và 47.

Về công tác chuẩn bị ATF 2019, đại diện đoàn Việt Nam cho biết, Việt Nam đang tích cực triển khai các công tác chuẩn bị và sẵn sàng cho sự kiện ATF 2019 tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo thành phố Hạ Long – địa phương đăng cai sự kiện và người dân Việt Nam mong muốn được đón tiếp các Bộ trưởng, Trưởng đoàn và toàn thể đại biểu các nước ASEAN đến với Hạ Long, Việt Nam vào tháng 01/2019.

Để giới thiệu với các bạn bè quốc tế về du lịch Việt Nam nhân dịp ATF lần này, tối nay đoàn Việt Nam sẽ tổ chức chương trình Đêm Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Khum Kham Luang với các chương trình nghệ thuật và món ăn truyền thống đặc sắc.

Đảm bảo an toàn cho cổ động viên Việt Nam sang TQ cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam

Ngày 26/1/2018, Tổng cục Du lịch đã có Công văn số 77/TCDL-LH gửi các doanh nghiệp lữ hành quốc tế về việc tổ chức tour cho khách du lịch đi cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam tại Trung Quốc.

Công văn nêu rõ: Để đảm bảo an ninh, an toàn cho các cổ động viên Việt Nam sang Trung Quốc cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết bóng đá được tổ chức tại Thường Châu, Trung Quốc, Tổng cục Du lịch đề nghị các doanh nghiệp lữ hành quốc tế có tổ chức chương trình du lịch trên phải tuân thủ và hướng dẫn khách du lịch tuân thủ các quy định của nước sở tại để tránh phát sinh những vấn đề pháp lý đáng tiếc; ứng xử văn minh, không có các hành vi quá khích ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam.

Ngoài ra, nhắc nhở khách du lịch sử dụng các băng rôn cổ vũ có nội dung phù hợp, đúng quy định của Việt Nam và nước sở tại.

Đề nghị các doanh nghiệp lữ hành quốc tế quan tâm, nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

Nghĩa vụ của hướng dẫn viên khi đi hành nghề hướng dẫn du lịch

Nghĩa vụ của hướng dẫn viên khi đi hành nghề hướng dẫn du lịch là một trong những nội dung vừa được Tổng cục Du lịch hướng dẫn triển khai Luật Du lịch 2017.

Tổng cục Du lịch vừa ban hành công văn số 120/TCDL-LH gửi các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hướng dẫn triển khai Luật Du lịch 2017 trong lĩnh vực lữ hành và hướng dẫn du lịch.

Theo đó, điều kiện hành nghề hướng dẫn viên

Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, để được hành nghề hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa, người hành nghề hướng dẫn phải có đồng thời 3 điều kiện sau: 1. Có thẻ hướng dẫn viên du lịch; Có hợp đồng lao động lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch. Trong trường hợp không có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn, hướng dẫn viên phải là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 65 Luật Du lịch, việc tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp là quyền của hướng dẫn viên, hướng dẫn viên có quyền lựa chọn là thành viên của doanh nghiệp hoặc là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp; hướng dẫn viên là nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng có quyền lựa chọn tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.

Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch, cụ thể như sau:

Đối với hướng dẫn viên là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành (thể hiện qua hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng) – đáp ứng yêu cầu tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, khi thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch cho đoàn khách du lịch của doanh nghiệp này, hướng dẫn viên phải có văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đáp ứng điểm c khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch.

Đối với hướng dẫn viên là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch (thể hiện qua văn bản xác nhận của tổ chức xã hội – nghề nghiệp; hợp đồng lao động xác định thời hạn hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch) – đáp ứng yêu cầu tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, khi thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch cho đoàn khách du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khác, phải có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp đó. Hợp đồng hướng dẫn cũng là một loại hợp đồng nhưng là hợp đồng theo từng vụ việc, tuy nhiên, nội dung của hợp đồng hướng dẫn khác với nội dung của hợp đồng lao động quy đinh tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch ở nội dung công việc thực hiện thời gian thực hiện và các nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp ký hợp đồng hướng dẫn.

Các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng lao động như trách nhiệm đóng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm y tế và Luật việc làm.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch 2017, để được hành nghề hướng dẫn viên du lịch tại điểm, người hành nghề hướng dẫn phải có đồng thời 2 loại giấy tờ sau: 1. Thẻ hướng dẫn viên du lịch; 2. Có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Nghĩa vụ của hướng dẫn viên khi đi hành nghề hướng dẫn du lịch

Theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch 2017, khi hành nghề hướng dẫn du lịch, hướng dẫn viên phải mang theo các giấy tờ sau: 1.Đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch; 2. Hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa phải mang theo giấy tờ phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch và chương trình du lịch bằng tiếng Việt trong khi hành nghề. Trường hợp hướng dẫn khách du lịch quốc tế thì hướng dẫn viên du lịch phải mang theo chương trình du lịch bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

Như vậy, đối chiếu quy định tại khoản 3 Điều 58 và quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch 2017, qụy định tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch 2017 phục vụ công tác hậu kiểm, hướng dẫn viên không phải mang các giấy tờ chứng minh điều kiện hành nghề quy định tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch 2017.

Hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật Du lịch, giấy tờ chứng minh điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên quy định tại điểm d khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Du lịch là các văn bằng và chứng chỉ trong trường hợp người đề nghị không học chuyên ngành hướng dẫn du lịch. Như vậy, Luật Du lịch quy định việc thẩm định hồ sơ phải dựa vào văn bằng mà người đề nghị cấp thẻ nộp hồ sơ, không thẩm định bảng điểm của người nộp.

Quy định về tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch

Theo quy định của pháp luật hiện hành, quy định về cơ cấu tổ chức, nội dung hoạt động của Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP  ngày 21 tháng 04 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội, Nghị định số 33/2012/ND-CP ngày 13 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 04 năm 2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Điều 7 Luật Du lịch 2017. Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam để thu hút lực lượng hướng dẫn viên du lịch tham gia tổ chức Hội, góp phần thúc đẩy Du lịch phát triển.

Ấn tượng “Đêm Việt Nam” tại Thái Lan

Chương trình Đêm Việt Nam được tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan tối ngày 25/1/2018 đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè các nước ASEAN và quốc tế.

Chương trình có sự hiện diện của Bộ trưởng và Lãnh đạo Cơ quan du lịch các nước ASEAN và các nước đối tác; Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan; các đại biểu tham dự ATF 2018; người mua (buyers), người bán (sellers) tham dự Hội chợ TRAVEX 2018; các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế và bà con kiều bào Việt Nam tại Thái Lan.

Hình ảnh về đất nước Việt Nam tươi đẹp với nền văn hóa phong phú, đặc sắc được thể hiện qua phần trình diễn áo dài truyền thống của những cô gái Việt Nam cùng với các tiết mục biểu diễn văn nghệ mang đậm bản sắc của các dân tộc Việt Nam như múa dân tộc H’mông, dân tộc Dao, hát Văn, độc tấu nhạc cụ dân tộc… Các món ăn truyền thống của Việt Nam cũng hấp dẫn các đại biểu, khách mời tham dự chương trình.

Cùng với việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam, Đêm Việt Nam còn là dịp để Việt Nam giới thiệu và chào đón các vị khách quốc tế đến với sự kiện ATF 2019 được tổ chức tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào tháng 1/2019.

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, sau gần 10 năm, sang năm 2019 Việt Nam lại được vinh dự trở thành nước chủ nhà của ATF – sự kiện quan trọng trong hợp tác du lịch ASEAN. Thời gian qua, Du lịch Việt Nam đã nỗ lực hết mình cho một ASEAN đoàn kết, hội nhập và trên hết là một điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài khu vực.

Việt Nam cũng đang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Sau gần 10 năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng từ 4,3 triệu lượt năm 2008 lên gần 13 triệu năm 2017; tổng thu từ khách du lịch tăng từ khoảng 2,7 tỷ USD lên trên 23 tỷ USD. Năm 2017, Việt Nam đã được Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về lượng khách quốc tế đến cao nhất thế giới.

Bộ trưởng khẳng định, với vai trò đăng cai ATF 2019, du lịch Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cùng các thành viên ASEAN đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, với mục tiêu tăng cường du lịch nội khối, thu hút khách quốc tế, góp phần cho sự thịnh vượng chung của khu vực. Ý nghĩa, tầm quan trọng của sự hợp tác được thể hiện nổi bật, rõ nét trong chủ đề của Diễn đàn du lịch ASEAN 2019: ASEAN – Sức mạnh của sự đoàn kết (ASEAN: The Power of One).

Đêm Việt Nam là một trong những hoạt động trọng tâm của đoàn Việt Nam tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2018, tại Chiang Mai, Thái Lan.

Hơn 1 vạn người thành kính dâng hương hướng về đất Tổ nhân dịp đầu xuân mới

Cứ vào đầu xuân năm mới, nhiều người dân thập phương từ cụ già cho đến trẻ nhỏ lại về Đền Hùng (TP. Việt Trì, Phú Thọ) để thành kính dâng hương bái Tổ.

Ngày đầu năm mới, rất đông người dân ở khắp mọi miền đất nước về đây dâng hương, kính lễ với mong muốn cầu cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Thời tiết năm nay ấm áp, thuận lợi cho việc đi lại nên lượng du khách đến Đền Hùng cũng khá đông. Ước tính, trong những ngày đầu xuân, mỗi ngày Khu di tích lịch sử Đền Hùng đón hàng vạn lượt du khách đến dâng hương, tham quan.

Bà Hồ Thị Cúc, 68 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: đi lễ chùa là lúc con người có tinh thần thoải mái, thanh tịnh nhất, không vội vàng chen lấn, không tà uế. Bao nhiêu bộn bề của cuộc sống đời thường lùi lại phía sau khi đã qua cửa chùa có ông Thiện, ông Ác trấn giữ. Vì vậy mà đi lễ chùa luôn khiến người ta có tâm thế thong dong với chữ thiện, chữ tâm đặt lên hàng đầu.

Theo đánh giá của nhiều du khách, các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho đồng bào về dâng hương đã được ban quản lý khu di tích chuẩn bị khá chu đáo. Từ các dịch vụ thiết yếu, vệ sinh môi trường, cảnh quan được chỉnh trang sạch sẽ…

Trên núi có bốn đền là Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, có chùa Thiên Quang và lăng vua Hùng thứ Sáu. Hành trình của du khách là lên Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng, lăng vua Hùng và xuống đền Giếng ở chân núi là kết thúc cuộc hành trình.

Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Sau thời khắc chuyển sang năm mới, người dân thập phương từ người già cho đến trẻ nhỏ nô nức kéo về thành kính dâng hương bái Tổ. ước tính trong ngày hôm nay có khoảng hơn 1 vạn người về dân hương, tham quan. Về giao thông năm nay sẽ thực hiện phân luồng qua các hàng rào từ xa, tạo các không gian rộng rãi, thoải mái cho người dân và du khách đi lễ.

Việt Nam giành 14 Giải thưởng du lịch ASEAN

Chiều ngày 26/1/2018, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN 2018 tại Chiang Mai, Thái Lan đã diễn ra Lễ trao giải thưởng du lịch ASEAN. Việt Nam có 14 địa phương và doanh nghiệp giành giải thưởng.

Trong đó có 05 doanh nghiệp giành Giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN gồm: Khách sạn Four Season The Nam Hai (tỉnh Quảng Nam), Khách sạn Pilgrimage Village (TP. Huế), Khách sạn Six Senses Con Dao (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Khách sạn The Grand Hồ Tràm Strip (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Khách sạn Flamingo Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc).

05 Giải thưởng dành cho Cơ sở MICE ASEAN gồm: Khách sạn JW Marriott Hà Nội (TP. Hà Nội), Diamond Bay Resort and Spa (tỉnh Khánh Hòa), FLC Quy Nhơn Resort (tỉnh Bình Định), Khách sạn Mường Thanh Luxury Cần Thơ (TP. Cần Thơ) và Vinpearl Hạ Long Resort (tỉnh Quảng Ninh).

03 Giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN dành cho các thành phố: Huế, Hội An và Đà Lạt.

Và 01 Giải thưởng Du lịch bền vững ASEAN (ASTA) dành cho Làng Du lịch Thái Hải (TP. Thái Nguyên).

Sự hòa hợp trong ASEAN: Từ Chiang Mai đến Hạ Long

Chiều ngày 26/1/2018, tại khách sạn Shangri-La, Chiang Mai, Thái Lan, Việt Nam đã chính thức nhận cờ đăng cai Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 từ Thái Lan tại Lễ bế mạc ATF 2018. Màn trình diễn nghệ thuật ấn tượng mang tên “Sự hòa hợp trong ASEAN: Từ Chiang Mai đến Hạ Long” đã chính thức khép lại các hoạt động của ATF 2018.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chúc mừng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, đất nước và nhân dân Thái Lan, đặc biệt là tỉnh Chiang Mai đã tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN 2018. Đồng thời nhấn mạnh ATF 2018 là những trải nghiệm vô cùng đặc sắc, ấn tượng về nền văn hóa, đất nước và con người Thái Lan và cùng cảm nhận sự ấm áp của Du lịch ASEAN, thể hiện mục tiêu chủ đề Kết nối bền vững, vì sự Thịnh vượng chung của cả khu vực.

Những năm gần đây, Việt Nam đã được biết đến như là một điểm đến du lịch phát triển năng động, nổi bật với những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc; phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, kỳ thú; con người thân thiện, mến khách. Du lịch Việt Nam được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân. Năm 2017, Việt Nam đã đón 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 74 triệu lượt khách du lịch nội địa. Du lịch Việt Nam kết nối chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước đối tác vì mục tiêu phát triển thịnh vượng, bền vững chung.

Với vai trò đăng cai Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chào mừng tất cả các đại biểu đến với Việt Nam và tham dự ATF 2019 được tổ chức tại thành phố Hạ Long, nằm bên bờ vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên thế giới.

 

Hiệp hội PATA đề xuất tổ chức các sự kiện lớn tại Việt Nam

Tại cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện sáng ngày 26/1/2018 tại Chiang Mai, Thái Lan, Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch Châu Á-Thái Bình Dương (PATA) đã đề xuất Việt Nam đăng cai các sự kiện lớn của PATA trong thời gian tới.

Đáp lại đề xuất của Giám đốc điều hành PATA – ông Mario Hardy, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nhất trí về chủ trương và dự kiến sẽ nghiên cứu việc đăng cai một sự kiện lớn của PATA vào năm 2020.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng thông tin tới Giám đốc PATA về kết quả phát triển của du lịch Việt Nam trong năm qua với mức tăng trưởng là gần 30%, đồng thời đưa ra những định hướng phát triển du lịch và hợp tác với PATA trong thời gian tới. Bộ trưởng cho biết, hiện cơ sở hạ tầng giao thông và hệ thống cơ sở vật chất du lịch Việt Nam rất phát triển, trong năm 2017, du lịch Việt Nam đã giành nhiều giải thưởng quốc tế. Thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Với vai trò là Chủ tịch Chi hội PATA Việt Nam, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với những hỗ trợ của PATA dành cho Việt Nam trong thời gian qua. Thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển số lượng hội viên PATA, đồng thời tận dụng vị thế là thành viên của PATA để kết nối với các đối tác tham gia trong Hiệp hội này. Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng đề nghị phía PATA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch.

Giám đốc PATA rất ấn tượng với những kết quả đạt được của du lịch Việt Nam và đánh giá cao những đóng góp của Chi hội PATA Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác PATA-Việt Nam, đồng thời mong muốn Việt Nam nâng cao vai trò quan trọng hơn nữa trong cơ chế PATA trong thời gian tới, trong đó đề nghị Việt Nam nghiên cứu khả năng đăng cai các sự kiện lớn của PATA trong năm 2020 như Hội chợ Du lịch mạo hiểm hoặc Hội nghị Thượng đỉnh PATA.

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh ngay từ đầu năm

Tiếp đà tăng trưởng của năm 2017, ngay từ tháng 1/2018 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng tới 42% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 01/2018 ước tính số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1.430.242 lượt, cao nhất từ trước đến nay, tăng 12,1% so với tháng 12/2017 và tăng 42,0% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không đạt 1.150.969 lượt, tăng 37,8% so với tháng 01/2017; khách đến bằng phương tiện đường biển đạt 34.759 lượt, tăng 89,5%; khách đến bằng phương tiện đường bộ đạt 244.514 lượt, tăng 58,9%.

So với tháng 01/2017, hầu hết các thị trường khách đều tăng, trong đó có Hồng Kông (+86,8%), Hàn Quốc (+84,0%), Trung Quốc (+69,0%), Phần Lan (+47,5%), Campuchia (+36,6%), Malaisia (+35,5%), Philippin (+32,8%), Nga (+26,9%), Đan Mạch (+24,1%) và Thụy Điển (+23,7%).

Ước tính số lượng khách du lịch nội địa trong tháng 01/2018 đạt 6,2 triệu lượt (trong đó, khách lưu trú đạt 3,0 triệu lượt); Tổng thu từ khách du lịch đạt 53.000 tỷ đồng, tăng 37,3% so với tháng 01/2017.

Việt Nam tham dự Hội chợ triển lãm du lịch SATTE 2018 tại Ấn Độ

Ngày 31/1, Hội chợ triển lãm du lịch quốc tế SATTE 2018 đã chính thức diễn ra tại trung tâm triển lãm Pragati Maidan ở trung tâm thủ đô New Delhi của Ấn Độ.

Đây là hội chợ du lịch hàng đầu của khu vực Nam Á và sẽ được tổ chức từ ngày 31/1-2/2, nhằm tạo cơ hội để nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng như các hãng hàng không, khách sạn, các đơn vị tổ chức tour gặp gỡ, tìm kiếm đối tác và cơ hội làm ăn.

Hội chợ lần này có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch Ấn Độ cũng như nước ngoài. Đoàn Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh do Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ, cùng với đại diện Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Trung tâm xúc tiến du lịch và các doanh nghiệp lữ hành Vietravel, Thiên Niên Kỷ, Victoriatour, Amega, Hanoi Tour đã tham gia và có gian hàng giới thiệu quảng bá hình ảnh các điểm du lịch của thành phố tới khách quốc tế tham dự hội chợ.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cũng đã đến tham quan gian hàng của Việt Nam tại hội chợ, động viên và chia sẻ thông tin với đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam. Hội chợ SATTE lần thứ 25 này đã trở thành nơi để nhiều quốc gia cũng như các doanh nghiệp du lịch trên toàn cầu tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Ấn Độ.

Bên cạnh hội chợ SATTE, chiều 31/1, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh do Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch Ấn Độ.

Tại buổi làm việc, ông Bùi Tá Hoàng Vũ đã thông báo về tình hình và chính sách phát triển du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Vũ cho biết lượng du khách Ấn Độ đến Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng rất ấn tượng và thành phố vẫn đang không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, trong đó có hệ thống các nhà hàng ẩm thực có thể đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của khách du lịch Ấn Độ.

Ông bày tỏ hy vọng cơ quan du lịch của hai nước cũng như hai thành phố New Delhi và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện cho người dân hai bên đi du lịch qua lại giữa hai nước.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Việt Nam cũng đang nỗ lực hết sức để sớm mở đường bay trực tiếp từ Thành phố Hồ Chí Minh tới New Delhi, đồng thời thông qua Tổng cục Du lịch Ấn Độ gửi lời mời chính thức tới các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch tham gia Hội chợ du lịch quốc tế tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phần mình, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ấn Độ Suman Billa cho biết Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Ông Billa hy vọng ngày càng có thêm nhiều người Việt Nam tới thăm Ấn Độ, chính vì vậy cần cần phải thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước vì điều này góp phần quan trọng vào sự gia tăng lượng khách du lịch qua lại giữa hai bên.

Tối cùng ngày, Đoàn Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Tại buổi làm việc, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết lượng du khách Ấn Độ tới Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2017 đạt khoảng 50.000 lượt người. Ông bày tỏ mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh ở thủ đô New Delhi nói riêng và toàn Ấn Độ nói chung.

Trong khi đó, Đại sứ Tôn Sinh Thành đã giới thiệu với Đoàn về tiềm năng du lịch của thị trường Ấn Độ cũng như những điểm cần lưu ý về thị trường này. Đại sứ nhất trí sẽ hỗ trợ cho các công ty du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của Việt Nam nói chung sang tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Đại sứ cũng cho biết sẽ cố gắng làm cầu nối cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam và Ấn Độ để hai bên có thể kết nối tốt được với nhau./.

Đón bằng của UNESCO ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tối 3/2, tại Miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tới dự có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng UNESCO Việt Nam; các nghệ nhân Hát Xoan và đông đảo nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được vinh danh là ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung… Phó Thủ tướng chúc mừng các phường Hát Xoan và cộng đồng dân cư tỉnh Phú Thọ, những tổ chức, cá nhân đã đóng góp trí tuệ, bằng những tấm lòng hiếu nghĩa hướng về tiên tổ, bằng trách nhiệm đối với thế hệ mai sau và chung sức bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chứa đựng giá trị nhân văn rất sâu sắc và độc đáo.

Tại buổi lễ, ông Mai-cơn Cróp, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam đã trao Bằng của UNESCO ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày 8/12/2017, tại đảo Jeju (Hàn Quốc), Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản văn hóa đầu tiên trên thế giới có sự chuyển đổi đặc biệt từ danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhân dịp này, tỉnh Phú Thọ đã thông qua chương trình hành động bảo vệ Hát Xoan Phú Thọ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại giai đoạn 2018-2023 với bảy nội dung trọng tâm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu này.

Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam -VITM 2018 sẽ có nhiều đổi mới

Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Hội chợ VITM 2018 sẽ có nhiều đổi mới để tạo sức hấp dẫn cho sự kiện thường niên này sau 5 lần tổ chức.

Sáng 5/2, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam lần thứ 6 (VITM Hà Nội 2018). Theo đó, Hội chợ năm nay sẽ diễn ra sớm hơn thường lệ, từ ngày 29/3 – 01/4/2018 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, 91 Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo Ban tổ chức, Hội chợ VITM năm 2018 sẽ khai mạc vào sáng ngày 29/3 tại Hội trường lớn nhà A1, Cung Văn hóa Hữu Nghị, 91 Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội và diễn ra đến hết ngày 1/4/2018.

Xác định du lịch trực tuyến là xu thế tất yếu và quan trọng trong kinh doanh du lịch, BTC VITM Hà Nội 2018 đã chọn “Du lịch trực tuyến, Du lịch Việt Nam hướng tới công nghệ 4.0” là chủ đề của Hội chợ năm nay. VITM 2018 sẽ tổ chức nhiều hoạt động và không gian triển lãm để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt những cơ hội kinh doanh trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Hoạt động du lịch trực tuyến tại VITM Hà Nội 2018 có 2 nội dung chính: Khu vực gian hàng trực tuyến với sự tham gia của khoảng 10 đơn vị kinh doanh du lịch trực tuyến và Tọa đàm về Du lịch trực tuyến – Xu thế tất yếu của Du lịch Việt Nam.

Điểm nổi bật của năm nay là số đơn vị đăng ký gian hàng quy mô lớn, được thiết kế công phu tăng lên đáng kể. Đó là gian hàng của Hàn Quốc (270m2),  Tp Hà Nội (180m2), Vietravel (252m2), Hanoi Redtours (126m2), Tổng Công ty Du lịch Hà Nội-Hanoitourist (90m2)… Theo thông báo của các đơn vị tham gia Hội chợ, các gian hàng năm nay sẽ được thiết kế hiện đại để hấp dẫn khách tham quan. Do mặt bằng tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội (Cung Văn hóa Hữu Nghị) tương đối hẹp, tổng số gian hàng tại VITM Hà Nội 2017 ước đạt 500 gian hàng.

Hiện tại đã có 18 nước và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia Hội chợ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Thailand, Cambodia, Indonesia, Malaysia, Nga, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Cuba, Maldives, Lào, Pháp, Anh, Đức, Úc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Vũ Thế Bình, BTC VITM Hà Nội 2018 dự kiến sẽ mời đoàn Buyers từ Mỹ và Tây Âu tới tham dự hội chợ. BTC bố trí một khu vực làm việc chuyên nghiệp để các đơn vị tham gia Hội chợ và các doanh nghiệp lữ hành trong nước tiếp xúc và làm việc với các Buyers (ngày 30/3). Đây là hoạt động thiết thực thu hút khách inbound đến Việt Nam.

Sau 05 lần tổ chức, Hội chợ VITM đã trở thành ngày hội thường niên của ngành Du lịch Việt Nam và tạo tiếng vang trong nước và trong khu vực./.

Du lịch cần tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn nữa

Ngày 22/2, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã đến thăm và làm việc với toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục Du lịch trong dịp đầu năm mới.

Ngành Du lịch cần tiếp tục tiến lên

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng đã ghi nhận những đóng góp, nỗ lực phấn đấu của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, công chức Tổng cục Du lịch đã góp phần làm nên những dấu ấn quan trọng của Du lịch trong năm 2017, giúp Du lịch cùng với Thể thao trở thành hai điểm sáng nhất của ngành VHTTDL và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Năm 2017 đã đánh dấu một năm Bộ VHTTDL đảm trách nhiều nhiệm vụ chưa từng có đối với công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực Du lịch, từ việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Nghị quyết 08 về Phát triển Du lịch trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017 cùng nhiều Nghị định, Thông tư triển khai Luật Du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 tăng trưởng ấn tượng gần 30%. Đến tháng 1/2018, lượng khách quốc tế cũng tăng trên 40% so với cùng kỳ, mở màn cho một năm mới hứa hẹn nhiều may mắn, thành công cho ngành Du lịch.

Bộ trưởng cho biết, những kết quả ấn tượng đó đã ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành trong thời gian qua. Tiếp đà tăng trưởng khách này, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Du lịch cần tiếp tục tiến lên, phấn đấu vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Du lịch là 15-16 triệu khách quốc tế trong năm 2018. “Thủ tướng giao cho ngành Du lịch trong năm 2018 đón 15-16 triệu khách quốc tế, song chúng ta cần đặt ra mục tiêu cao hơn để phấn đấu, thu hút ít nhất khoảng 16- 16,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng khoảng trên 20%”- Bộ trưởng giao nhiệm vụ. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ trưởng đề nghị ngành Du lịch cần theo dõi lượng khách từng tháng để có những điều chỉnh kịp thời về giải pháp.

Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng khẳng định, đây là công việc khó khăn và nhạy cảm, đòi hỏi ngành Du lịch dồn nhiều tâm sức. Tuy nhiên, những công việc quan trọng và khó khăn hơn như: tham mưu xây dựng Nghị quyết, Luật Du lịch, các Nghị định, Thông tư triển khai Luật… đều đã trải qua. Do vậy, ngay từ đầu năm 2018, ngành Du lịch cần sớm hoàn thành những đề án còn lại được giao như: Tái cơ cấu ngành Du lịch, Quỹ Hỗ trợ phát triển Du lịch, Điều chỉnh chiến lược và quy hoạch du lịch… để tập trung vào công tác tổ chức triển khai cụ thể trong thực tiễn.

Đối với lĩnh vực Lữ hành, Bộ trưởng cho biết, Luật Du lịch 2017 có nhiều quy định sửa đổi trong lĩnh vực này. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các bên liên quan thực hiện, đặc biệt đối với những quy định mới liên quan đến Hướng dẫn viên Du lịch. “Nếu thấy có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Du lịch, chúng ta cần có sự giải thích để công luận hiểu rõ và thực hiện. Ví dụ, đối với những quy định liên quan đến HDV, Luật Du lịch đề ra quy định để bảo vệ quyền lợi cho những HDV hành nghề nghiêm túc, đàng hoàng và cũng là bảo vệ quyền lợi của khách du lịch” – Bộ trưởng cho hay.

Đối với công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, Bộ trưởng yêu cầu ngành Du lịch cần triển khai sớm ngay từ đầu năm. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, các nước ASEAN, thị trường châu Âu, Tây Âu, Nga, Úc, Mỹ. Bộ trưởng yêu cầu cần giữ tốc độ tăng trưởng ổn định của những thị trường gần và quan trọng như Đông Bắc Á, ASEAN tiếp đến là các thị trường xa và tiềm năng như Tây Âu, Nga, Úc, Mỹ.

Ngoài ra, Bộ trưởng nhấn mạnh, văn hóa cần đi liền với Du lịch, do vậy công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở thị trường quốc tế cần mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Cảm ơn những ý kiến góp ý và chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, chính sự quan tâm và những ý kiến chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Bộ trưởng trong thời gian qua đã góp phần làm nên những thành công của ngành Du lịch trong năm 2017. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, toàn ngành Du lịch sẽ đồng lòng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Bộ trưởng giao cho, góp phần cùng ngành VHTTDL hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp cho sự phát triển của đất nước./.

Nhiều hoạt động hấp dẫn trong Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội

Từ ngày 23 – 26/3/2018, UBND thành phố Hà Nội và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trong Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Khai mạc Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản sẽ được tổ chức vào 20h00 ngày 23/3/2018 tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ với chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc mang màu sắc đặc trưng của hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.

Đến với lễ hội này người dân thủ đô và du khách sẽ được ngắm nhìn các loài hoa đặc trưng của hai nước. Dự kiến sẽ có khoảng 30 cây và 10.000 cành hoa Anh đào cùng một số cây cảnh nghệ thuật và các loài hoa đặc trưng của Việt Nam và Hà Nội được trưng bày tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ. Cùng với đó là không gian giới thiệu văn hóa Nhật Bản với các hoạt động trà đạo, cờ vây, cờ Shogi, trò chơi truyền thống Kendama… diễn ra tại khu vực nhà Bát giác vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ. Tại Cung Thiếu nhi Hà Nội sẽ là các gian hàng giới thiệu ẩm thực Nhật Bản và Việt Nam và hoạt động trình diễn múa Yosakoi của Nhật Bản sẽ được tổ chức tại không gian đường phố Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ…

Cùng với đó là các chương trình nghệ thuật truyền thống Hà Nội như ca trù, hát xẩm, múa bồng… tại sân khấu nhỏ vườn hoa phía sau khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ.

Trong khuôn khổ lễ hội cũng sẽ diễn ra Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản; Tổ chức các hoạt động giao lưu về giáo dục, y tế…

Trong những năm gần đây quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện, trong đó văn hóa là một trụ cột trong quan hệ này. Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản được tổ chức góp phần tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, nét đẹp văn hóa, đất nước và con người Nhật Bản với người dân Thủ đô, nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy và gắn kết giữa người dân hai nước đồng thời là dịp trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, kinh tế giữa Hà Nội và Nhật Bản

Ngày hội Hoa hồng Bulgaria và bạn bè năm 2018

“Ngày hội Hoa hồng Bulgaria và bạn bè” năm 2018 sẽ được tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây từ ngày 8-11/3/2018.

Nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Bulgaria ngày 03/03/2018 và kỷ niệm 68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Bulgaria, lần thứ hai tại Việt Nam, Đại Sứ quán nước Cộng hòa Bulgaria phối hợp với Công ty Cổ phần Chăm sóc sức khỏe Việt Nam (Vietmedicare) cùng một số đơn vị khác tổ chức tại Thủ đô Hà Nội chương trình “Ngày hội Hoa hồng Bulgaria và bạn bè”.

Sau những thất vọng về hồng héo, không được đẹp như kỳ vọng từ mùa lễ hội trước, Ban Tổ chức cam đoan khắc phục hạn chế với hơn 1.000 cây của hơn 100 giống hồng Bulgaria khác nhau được nhập về. Số cây này đang được chăm sóc và hãm để bung nở đúng dịp lễ hội tháng 3 này. Ngoài các cây hồng đến từ Bulgaria, những gốc hồng cổ của Việt Nam có độ tuổi từ vài chục năm trở lên, các cây hồng ngoại, hồng bonsai cũng được dịp khoe sắc trong suốt 4 ngày diễn ra lễ hội.

Trong 4 ngày diễn ra lễ hội, sẽ có nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc như bình chọn nữ hoàng hoa hồng; trình diễn thời trang áo dài, thời trang dân tộc Bulgaria; chương trình Bông hoa hồng nhí; nụ hôn lãng mạn nhất (Kiss of rose); bình chọn cây hồng đẹp nhất; vũ điệu hoa hồng; hoài niệm Bulgaria dành cho những người đã từng một thời làm việc, học tập và sinh sống tại đây cùng các tiết mục biểu diễn âm nhạc đường phố, ảo thuật…

Điều khác biệt trong lễ hội năm nay, các cây hồng được các nhà thiết kế cảnh quan trưng bày thành tác phẩm nghệ thuật đặc sắc như phố hoa hồng, ngôi nhà hoa hồng, khu vườn châu Âu…

Tránh tình trạng ùn tắc như mùa đầu tổ chức, năm nay, Ban Tổ chức đã lên kế hoạch tổ chức đảm bảo an ninh trật tự để hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp hoa như năm ngoái. Giá vé cũng giảm hơn so với năm ngoái, giá cố định 120.000đ/người./.

Hoàn thiện, trình Đề án Cơ cấu lại ngành Du lịch trong tháng 3/2018

Sáng 28/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch bàn về các Đề án: Cơ cấu lại ngành Du lịch; Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch; Quy chế trao tặng Giải thưởng Du lịch.

Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã trình bày nội dung Đề án Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn (sau đây gọi tắt là Đề án), Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Quyết định phê duyệt đề án của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, nội dung Đề án bao gồm các phần: Quan điểm, Mục tiêu, Nội dung, Tổ chức thực hiện. Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã góp ý chi tiết, cụ thể từng nội dung của Đề án. Bộ trưởng lưu ý, Đề án cần đưa ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể bằng những con số du khách trong nước và quốc tế đến Việt Nam trong từng giai đoạn 2020, năm 2015 và dự báo đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn sẽ gắn với nội dung ngành Du lịch cơ cấu lại như thế nào?.

Bộ trưởng đánh giá, Đề án được chuẩn bị cơ bản tốt, tuy nhiên Tổng cục Du lịch cần rà soát lại toàn bộ Đề án để đảm bảo nội dung đầy đủ, chuẩn xác, phù hợp, ngôn từ chặt chẽ.

Cảm ơn những ý kiến góp ý của Bộ trưởng, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng và các thành viên dự họp, Tổng cục Du lịch sẽ điều chỉnh hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ trưởng xem xét, đảm bảo trình Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn -trong tháng 3/2018.

Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương đã trình bày báo cáo về Đề án Quỹ Hỗ trợ phát triển Du lịch. Theo đó, thực hiện Quyết định số 1357/QĐ-TTg ngày 13/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Tổng cục Du lịch đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch.

Đến thời điểm này, Dự thảo Quyết định đã được đăng tải trên Cổng TTĐT Chính  phủ, Cổng TTĐT Bộ VHTTDL và của Tổng cục Du lịch. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch đã tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Bộ Tư  pháp. Đồng thời, tổ chức làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ trao đổi về mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quỹ.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cũng trình bày một số đề xuất của Tổng cục Du lịch về cơ cấu tổ chức của Quỹ, cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí của Quỹ. Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng đã đưa ra đánh giá, góp ý một số vấn đề còn vướng mắc, đồng thời lưu ý cần có cơ chế quản lý và sử dụng nguồn Quỹ chặt chẽ nhằm đảm bảo nguồn ngân sách của Nhà nước được chi đúng mục đích và hiệu quả. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Du lịch chỉnh sửa, hoàn thiện và trình Bộ trưởng xem xét trước khi trình Chính phủ.

Về Quy chế trao tặng Giải thưởng Du lịch, đại diện Tổng cục Du lịch đã báo cáo cụ thể về nội dung quy chế, đối tượng, cơ cấu giải thưởng theo hướng có nhiều đổi mới đột phá nhằm khắc phục những hạn chế, khiến cho Giải thưởng Du lịch trở nên hấp dẫn hơn. Bộ trưởng đã lắng nghe và cho ý kiến về quy trình, đối tượng và các hạng mục giải thưởng, trong đó lưu ý cần chú trọng nâng cao uy tín, thương hiệu của Giải thưởng, không nên thiên về số lượng của giải thưởng mà cần chọn ra những tên tuổi xứng đáng. Đồng thời, cần có giải pháp quảng bá, truyền thông mạnh mẽ để Giải thưởng Du lịch có sức lan tỏa lớn.

Ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Trong đó, Chính phủ quy định về điều kiện công nhận điểm, khu du lịch.

Cụ thể, Nghị định quy định điều kiện công nhận điểm du lịch như sau: 1- Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực; 2- Có kết cầu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch bao gồm: Có kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi; có điện, nước sạch; biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch; có dịch vụ ăn uống, mua sắm; 3- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường bao gồm: Có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày; công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch; có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch; nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm; có biện pháp thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường; áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định, điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia gồm: Có ít nhất 2 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực; có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch bao gồm: Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hàng từ 4 sao trở lên; có điều kiện quy định tại các điểm a, c, d khoản 2 Điều 12 Nghị định này.

Ngoài ra, khu du lịch phải có kết nối với hệ thống giao thông, viễn thông quốc gia; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường bao gồm: Có hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường; các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 4 Điều 12 Nghị định này.

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018

Theo kế hoạch UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2018 với chủ đề “Huyền thoại những cây cầu” sẽ diễn ra từ ngày 30/4 đến ngày 30/6 tại khu vực Cảng sông Hàn.

DIFF 2018 có 8 đội thi vào các ngày thứ Hai và thứ Bảy hằng tuần, theo lịch trình cụ thể: ngày 30/4/2018: đội Việt Nam – Ba Lan; ngày 26/5/2018: đội Pháp – Mỹ; ngày 2/6/2018: đội Ý – Hồng Kông; ngày 9/6/2018: đội Thụy Điển – Bồ Đào Nha; ngày 30/6/2018: chung kết trao giải 2 đội Nhất và Nhì. Tiêu chí đánh giá các màn trình diễn sẽ dựa vào ý tưởng, sự đa dạng và chủ đề; sự phong phú, đa dạng về màu sắc; tính độc đáo và chất lượng của màn trình diễn; quy mô và số lượng hiệu ứng; sự đồng bộ, ăn khớp giữa âm thanh (nhạc nền) và hình ảnh pháo hoa; bám sát chủ đề và thể hiện được ý nghĩa chủ đề của DIFF 2018.

Song song đó, các hoạt động phụ trợ quy mô lớn như Không gian Ẩm thực quốc tế, Lễ hội Bia sẽ được tổ chức lần lượt tại khu vực Công viên châu Á và Bà Nà Hills; tuyến đường Bạch Đằng, dọc hai bên bờ sông Hàn, bãi biển Mỹ Khê và Cung Thể thao Tiên Sơn là nơi phục vụ các hoạt động tương tác.

Hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch

Chiều 11-3, tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa; Lê Văn Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch, các địa phương trọng điểm du lịch… của 3 địa phương.

Phát biểu đề dẫn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn, nhấn mạnh: Hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch là cơ hội để lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các sở, ngành, đơn vị liên quan được lắng nghe và trao đổi nhiều ý tưởng, kinh nghiệm quý trong công tác quản lý và phát triển du lịch từ các lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia du lịch và nhất là các doanh nhân, doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Đồng chí cho rằng, Quảng Nam và Đà Nẵng có nhiều mô hình du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch hấp dẫn là bởi người làm du lịch đã biết thổi hồn vào từng sản phẩm. Do vậy, những chia sẻ đầy trách nhiệm của các địa phương kết hợp với việc tham quan thực tế, sẽ giúp Thanh Hóa áp dụng một cách hiệu quả, hợp lý trong quá trình hoạch định chiến lược phát triển du lịch thời gian tới.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị các địa phương đã cùng chia sẻ và trao đổi về tiềm năng, thế mạnh và kết quả phát triển du lịch trên địa bàn. Theo đó, bên cạnh 2 di sản văn hóa thế giới (phố cổ Hội An và nghệ thuật Bài Chòi) và 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm; tỉnh Quảng Nam còn một hệ thống di sản văn hóa và di sản tự nhiên phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt, quan điểm phát triển du lịch của tỉnh là đề cao công tác bảo tồn văn hóa; đồng thời, phát triển du lịch nhận được sự đồng thuận rất cao của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và người dân, từ đó, thu hút được nhiều nhà đầu tư tâm huyết, gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng… Đối với Đà Nẵng, thành phố hiện có trên 70 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch, trong đó nhiều dự án đã đi vào hoạt động, tiêu biểu nhất là Khu du lịch Bà Nà Hill. Đồng thời, với việc tổ chức thành công các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quy mô lớn (điển hình như APEC 2017, Lễ hội pháo hoa quốc tế…), Đà Nẵng định hướng phấn đấu trở thành trung tâm tổ chức sự kiện tầm quốc gia và quốc tế…

Cũng tại hội nghị, các địa phương bạn cũng đã chia sẻ nhiều giải pháp và kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư về thuế đất và giá thuê đất đối với các resort; xử lý nước thải, rác thải tại nguồn trong các khu, điểm du lịch và bảo đảm vệ sinh môi trường chung; xây dựng mô hình trung tâm hỗ trợ du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút sự tham gia và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong quảng bá du lịch; phát triển du lịch cộng đồng – làng nghề và cơ chế hỗ trợ người dân tham gia làm nghề, nhằm bảo vệ di sản và phục vụ các tour du lịch; xây dựng văn hóa du lịch cho các đối tượng trực tiếp tham gia kinh doanh du lịch và người dân; công tác đào tạo nhân lực có sự kết nối, phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, nhằm tạo ra môi trường thực hành cho người học…

Cũng nhân hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch, các Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND tỉnh Quảng Nam; giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và Sở Du lịch TP Đà Nẵng; giữa Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã được ký kết. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa đã tặng Quảng Nam và Đà Nẵng phiên bản Trống đồng Đông Sơn; cũng như nhận từ bạn các món quà lưu niệm ý nghĩa.

Trước đó, ngày 10 và sáng 11-3, đoàn công tác của tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thì làm trưởng đoàn, đã tiến hành khảo sát thực tế công tác quản lý, phát triển du lịch tại các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam như phố cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng Bích họa Tam Thanh, Đài tưởng niệm mẹ Việt Nam Anh hùng, hồ Phú Ninh… Theo kế hoạch, trong 2 ngày 12 và 13-3, đoàn sẽ tiến hành khảo sát thực tế công tác quản lý, phát triển du lịch tại TP Đà Nẵng, gồm Khu Du lịch Bà Nà Hill, Khu du lịch suối nước nóng núi Thần Tài, tour du lịch du thuyền trên sông Hàn về đêm, tham quan bán đảo Sơn Trà, bãi biển Mỹ Khê.

Khai mạc Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An – 2018

Tối 13/3, tại Vườn tượng An Hội, UBND TP. Hội An phối hợp cùng Công ty Tổ chức sự kiện ẩm thực Hội An (HACE) khai mạc Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An lần thứ 3 năm 2018.

Liên hoan năm nay có sự tham gia của 12 đầu bếp danh tiếng đến từ các quốc gia gồm Thụy Sỹ, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, quần đảo Cook (Cook Island), Nhật, Pháp, Trung Quốc, Ecuador, Pháp và Ý.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Trưởng ban Tổ chức liên hoan khẳng định, ẩm thực luôn là một trong những nét văn hóa đặc biệt, mang dấu ấn riêng biệt của từng quốc gia, là cầu nối giao lưu văn hóa cũng như thúc đẩy du lịch phát triển. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua chính quyền và cộng đồng doanh nhân Hội An luôn dành sự ưu tiên tập trung để duy trì và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực địa phương, thắp lên tình yêu đối với đất và người Hội An trong lòng du khách gần xa bằng những món ăn mang đậm hương vị Việt, thấm đậm hồn quê phố Hội.

Lễ hội lần này chúng ta tiếp tục giới thiệu, tăng cường quảng bá, khẳng định thương hiệu, hình ảnh văn hóa – du lịch, các món ăn ngon, tinh hoa văn hóa ẩm thực của TP.Hội An đến với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời tạo cơ hội để đầu bếp của các nhà hàng địa phương giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia ẩm thực quốc tế; qua đó góp phần nâng cao tay nghề, tăng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ ẩm thực phục vụ du khách” – ông Sơn nhấn mạnh.

Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An không chỉ giúp du khách có cơ hội hòa mình vào không khí ẩm thực của 12 đầu bếp thế giới, mà còn được cảm nhận trực tiếp cách các bếp trưởng tạo ra những tinh hoa của riêng mình với các hoạt động lý thú như: mua nguyên liệu tại chợ Hội An, chế biến món ăn đặc trưng, truyền thống các nước bằng chính những nguyên liệu địa phương; tham quan làng rau; diễn đàn ẩm thực với sự tham gia của các diễn giả – chuyên gia ẩm thực thế giới…

Trong khuôn khổ liên hoan, trước đó đã diễn ra chương trình nghệ thuật đường phố, diễu hành carnaval ẩm thực qua các cung đường phố cổ với nhiều hoạt động vui nhộn, thu hút rất đông người dân và du khách tham gia. Liên hoan sẽ kết thúc vào chiều 17/3.

Du lịch trực tuyến là chủ đề chính của Hội chợ VITM 2018

Tại buổi họp báo diễn ra chiều ngày 13/3/2018, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết chủ đề chính của Hội chợ du lịch quốc tế VITM năm nay là “Du lịch trực tuyến, Du lịch Việt Nam hướng tới công nghiệp 4.0″.

Theo đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực du lịch trực tuyến nhằm khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt những cơ hội kinh doanh trong kỷ nguyên kỹ thuật số như: khu vực gian hàng trực tuyến dành cho các doanh nghiệp đang kinh doanh du lịch trực tuyến và các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực du lịch; Tọa đàm về du lịch trực tuyến với sự tham gia của khoảng 1000 khách mời bao gồm các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp công nghệ thông tin, những người quan tâm đến du lịch trực tuyến và sinh viên các khoa du lịch tại Hà Nội.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội chợ VITM, ông Vũ Quốc Trí – Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch cho rằng đây là hoạt động thường niên không thể thiếu của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây. Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục ủng hộ Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong công tác tổ chức sự kiện, đồng thời phối hợp để xây dựng và quảng bá các sản phẩm và chính sách mới của du lịch Việt Nam tại Hội chợ.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, năm nay Tổng cục Du lịch sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị phổ biến và hướng dẫn triển khai Luật Du lịch 2017, Hội thảo về nâng cao hiệu quả trong xúc tiến du lịch, cùng với đó là Hội thảo về du lịch nông nghiệp.

Về quy mô hội chợ VITM 2018, ông Vũ Thế Bình cho biết tính tới thời điểm này đã có 679 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh/thành trong cả nước và từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia gian hàng tại hội chợ.

Song song với các hoạt động chuyên ngành còn có các hoạt động đáng chú ý như: Liên hoan ẩm thực đường phố quốc tế, các hoạt động văn hóa – nghệ thuật trong nước, quốc tế sẽ được tổ chức để phục vụ khách tham quan.

Hội chợ VITM 2018 sẽ diễn ra từ 29/3-1/4 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội – Cung Văn hóa Hữu nghị – 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời gian mở cửa tự do cho công chúng từ 12h00 ngày 29/3 đến hết ngày 01/4/2018.

34 triệu thuê bao di động phải bổ sung thông tin

Theo con số mà doanh nghiệp và nhà chức trách đưa ra, tính tới 15/3, vẫn còn ít nhất 34 triệu thuê bao cần phải thực hiện cập nhật lại thông tin.

Theo TTXVN, tại cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông với các nhà mạng diễn ra chiều 10/4, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, các doanh nghiệp viễn thông đã tiến hành rà soát thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình, trong đó các thuê bao có thông tin chính xác không cần phải đi đăng ký lại thông tin thuê bao và bổ sung ảnh chụp.

Tuy nhiên, với các thuê bao có thông tin còn thiếu, chưa chính xác, chưa có bản chụp chứng minh thư nhân dân trong cơ sở dữ liệu hoặc thông tin trên bản chụp chứng minh thư khác với thông tin trong bản khai, bản chụp chứng minh thư có dấu hiệu bị làm giả… đều phải cung cấp lại thông tin thuê bao và bổ sung ảnh chụp.

Theo con số mà doanh nghiệp và nhà chức trách đưa ra, tính tới 15/3, vẫn còn ít nhất 34 triệu thuê bao cần phải thực hiện cập nhật lại thông tin.

“Theo phản ánh của doanh nghiệp, nhiều khách hàng chưa nhận rõ được tầm quan trọng của việc có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác nên dù nhận được tin nhắn của nhà mạng cũng như giải thích của nhân viên doanh nghiệp nhưng vẫn không hợp tác,” ông Trung nói.

Tại cuộc họp, vấn đề có cần ảnh chụp hay không cũng được đưa ra. Tuy nhiên, phía Cục Viễn thông cho hay, không chỉ là thông tin đúng, mà phải đúng người sử dụng thuê bao. Để làm như vậy, thông tin kê khai hay chứng minh thư nhân dân là không thể chính xác, bởi chứng minh thư có thể đi mượn. Thậm chí, ở Thái Lan, không chỉ yêu cầu ảnh chụp, thuê bao còn phải lấy cả dấu vân tay.

Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, hồi tháng 1, đơn vị này phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Kết quả cho thấy, việc mua bán SIM kích hoạt sẵn còn diễn ra phổ biến. Điều này để thấy rằng, việc quản lý thông tin thuê bao còn khá lỏng lẻo.

Dừng thu hồi SIM kích hoạt sẵn

Về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, sau gần một năm triển khai, tổng số thuê bao có dấu hiệu nghi vấn là 28 triệu. Sau đó, có khoảng 4 triệu SIM chủ thuê bao đã đi đăng ký lại thông tin (sau khi nhận thông báo từ doanh nghiệp viễn thông) hoặc đã bị hủy, khóa (do hết thời hạn sử dụng…) khiến tổng số thuê bao bị khóa tài khoản, thu hồi là 24 triệu SIM.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, các tiêu chí về hành vi tiêu dùng đã bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều khiếu nại từ người sử dụng dịch vụ như thuê bao có thông tin đầy đủ, hợp lệ nhưng ít sử dụng vẫn bị khóa trong khi SIM phát tán tin nhắn rác với số lượng lớn (tiêu dùng vượt quá 3.000 đồng/tháng) lại không bị chặn.

Bên cạnh đó, các đại lý, điểm bán SIM đã nắm được lịch trình, tiêu chí cụ thể của việc lọc, khóa SIM và hoàn toàn có thể tìm cách lách.

Trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp viễn thông, giải pháp thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối đã được dừng lại để doanh nghiệp tập trung triển khai quy định của Nghị định 49,” đại diện Cục Viễn thông cho biết.

Lễ trao giải thưởng Du lịch Nhật Bản tại Hà Nội

Tối ngày 15/3/2018, tại Hà Nội, Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng Du lịch Nhật Bản nhằm ghi nhận và vinh danh các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp đã có những đóng góp phát triển du lịch Nhật Bản trong năm 2017.

Buổi lễ có sự hiện diện của ông Umeda Kunio – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Takahashi Ayumi – Trưởng đại diện JNTO cho biết sau hơn 1 năm khai trương và đi vào hoạt động, JNTO tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy các hoạt động của JNTO tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh, sự kiện này cũng là một trong những hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, hai nước vốn có tình hữu nghị lâu bền, hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch…

Ông cho biết, trong năm 2017, đã có hơn 300.000 khách Việt Nam sang Nhật Bản, tăng hơn 30% so với năm 2016. Việt Nam đã trở thành một thị trường quan trọng của Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á. Ông hi vọng trong thời gian tới, JNTO sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ, hỗ trợ hơn nữa để các hoạt động ngày càng sôi nổi hơn và sẽ ngày càng nhiều khách du lịch Việt Nam chọn Nhật Bản là điểm đến lý tưởng.

Đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện và vai trò của JNTO tại Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh trong thời gian qua, với chiến dịch quảng bá sôi nổi và tích cực tại Việt Nam cùng sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lữ hành và các hãng hàng không đã góp phần đưa ngày càng nhiều khách Việt Nam đi du lịch Nhật Bản. Phó Tổng cục trưởng tin tưởng rằng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng bền chặt, hợp tác du lịch hai bên sẽ phát triển mạnh hơn nữa để tăng lượng khách trao đổi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hai nước.

Tại buổi lễ, JNTO tại Việt Nam đã trao tặng giải thưởng “Doanh nghiệp lữ hành sáng tạo”, “Doanh nghiệp lữ hành ấn tượng”; “Đóng góp nổi bật”; “Hãng hàng không xuất sắc”; “Doanh nghiệp lữ hành bán tour nhiều nhất” với 3 hạng mục Vàng, Bạc, Đồng.

Đà Nẵng: Công bố giá vé xem trình diễn pháo hoa

Giá vé xem pháo hoa tại Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2018 (Da Nang International Firework Festival – DIFF 2018) có nhiều mệnh giá khác nhau, tùy theo khán đài và các đêm trình diễn.

Chiều 19/3, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã tổ chức phổ biến thông tin và công tác chuẩn bị lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF 2018 đến các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, khán đài B4 có giá thấp nhất 400.000 đồng/vé đối với đêm khai mạc và chung kết, 300.000 đồng/vé với các đêm còn lại; khán đài B3 có giá 600.000 đồng/vé với đêm khai mạc và chung kết, 400.000 đồng/vé với các đêm còn lại; khán đài B1, B2 có giá 800.000 đồng/vé với đêm khai mạc và chung kết, 600.000 đồng/vé với các đêm còn lại; khán đài A2, A3 có giá 1 triệu đồng/vé với đêm khai mạc và chung kết, 800.000 đồng/vé với các đêm còn lại. Riêng khán đài A1, VIP có giá 2 triệu đồng/vé trong đêm khai mạc và chung kết, 1 triệu đồng/vé với các đêm còn lại.

Người xem có thể mua vé tại các địa điểm như: Văn phòng kinh doanh Công ty CP dịch vụ cáp treo Bà Nà, 93 Nguyễn Văn Linh; Công ty TNHH Công viên châu Á, số 1 Phan Đăng Lưu; Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, 100 Núi Thành; Trung tâm hỗ trợ Du khách Đà Nẵng, 108 Bạch Đằng; Công ty Ngọc Phương Nghi, sảnh ngoài ga đến quốc nội, Sân bay quốc tế Đà Nẵng; Nhà hát Trưng Vương, số 35A Phan Châu Trinh. Ngoài ra, trong các đêm trình diễn, vẫn có một số điểm bán vé lưu động để phục vụ khách không mua được vé trước đó.

Lễ hội pháo hoa sẽ diễn ra trong 2 tháng, từ ngày 30/4 đến 30/6; mỗi đội tham gia trình diễn khoảng 20-22 phút tại khu vực cảng sông Hàn; địa điểm khán đài chính và sân khấu tại vỉa hè đường Trần Hưng Đạo – đối diện khu vực bắn pháo hoa.

Giới trẻ Việt Nam chung tay vì du lịch bền vững

Ngày 22/3, Dự án “Thế hệ trẻ Việt Nam chung tay vì du lịch bền vững” (Viet Youth on Sustainable Tourism- VYST) sẽ ra mắt và thông báo một số nội dung hoạt động.

VYST là một dự án được khởi xướng từ tháng 10/2017 và sẽ kết thúc vào tháng 8/2018, được bảo trợ bởi Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV). Với mục đích nâng cao nhận thức cho xã hội về tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững và truyền thông điệp ý nghĩa về trách nhiệm của từng cá nhân, đặc biệt là các bạn trẻ trong việc trở thành những đại sứ du lịch có trách nhiệm. Các hoạt động chính của dự án thực hiện bao gồm bảo vệ môi trường, hỗ trợ và giúp đỡ cải thiện kinh tế và cuộc sống của cộng đồng người dân ở các địa điểm du lịch, cũng như tôn trọng và giúp tôn vinh, quảng bá sự đa dạng văn hóa của Việt Nam và thế giới.

Tiềm năng hợp tác văn hóa giữa Việt – Nga còn rất lớn

Nhằm tìm giải pháp đẩy mạnh hợp tác văn hóa, cũng như chuẩn bị tổ chức các sự kiện văn hóa quan trọng, ngày 20/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức Hội thảo bàn tròn “Hợp tác văn hoá Việt – Nga: Thực trạng và triển vọng”.

Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh, đại diện Bộ Ngoại giao Nga, Bộ Văn hoá Nga và nhiều viện nghiên cứu về Việt Nam và ASEAN, cùng đông đảo nhà Việt Nam học, giáo viên và sinh viên khoa tiếng Việt của một số trường đại học của Nga và các cán bộ chủ chốt Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh rằng Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện. Bên cạnh các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, lĩnh vực văn hóa cũng được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy phát triển.

Hiện, hai nước đang tiến hành một loạt hoạt động hợp tác văn hóa như “Những ngày văn hóa Nga”, “Tuần lễ phim Nga” tại Việt Nam và ngược lại; giáo dục thanh niên về truyền thống hữu nghị hai nước; trao đổi đoàn trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông…đặc biệt sắp tới hai bên sẽ ký Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2019 – 2020. Đại sứ đề nghị các đại biểu tích cực trao đổi những biện pháp thiết thực nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động giao lưu văn hóa, giữa hai nước.

Chia sẽ ý kiến này, bà Elena Zubtsova – nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, nhấn mạnh: “Trong những năm vừa qua, đại đa số người Việt Nam không biết về nước Nga trong mỗi vấn đề, lĩnh vực khác nhau, còn ở Nga, người dân chỉ biết đến Việt Nam như là nơi có thể đi du lịch, nghỉ hè mà thôi, chứ không biết gì về văn hóa, tình hình chính trị, kinh tế của Việt Nam”. Theo bà, cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực truyền thông để giúp người dân nắm rõ tình hình của mỗi nước.

Nhiều cuốn sách viết về Việt Nam và sách dịch từ các tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam cũng được giới thiệu tại hội thảo. Điều đáng nói, phong trào học tiếng Việt ở Nga đang có chiều hướng tăng lên. Đây là tín hiệu tích cực trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam tại Nga. Cô Elena Chimenheva, giáo viên dạy tiếng Việt cho cán bộ ngoại giao Nga chia sẻ: “Bây giờ ở Nga có rất nhiều người muốn học tiếng Việt, muốn biết nhiều về Việt Nam.

Mặc dù tiếng Việt đối với người Nga hết sức phức tạp, nhưng cán bộ giảng dạy đang rất cố gắng truyền đạt những hiểu biết tiếng Việt, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam cho người học. Đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là làm sao ở nước Nga có nhiều sách giáo khoa tiếng Việt cho người nước ngoài, để sinh viên học tiếng Việt có cơ hội sang Việt Nam thực tập, đọc nhiều tác phẩm văn hóa Việt Nam, tham quan triển lãm, hội họa…”.

Kết luận hội thảo, Đại sứ Ngô Đức Mạnh đánh giá cao cả ý kiến của các đại biểu, đồng thời bày tỏ hy vọng những kinh nghiệm, sự hiểu biết và sáng kiến được trình bày hôm nay sẽ góp phần phát triển hơn nữa hợp tác văn hóa giữa hai nước.

Tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản

Trong khuôn khổ Chương trình Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, sáng ngày 23/3/2018, tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội tổ chức “Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản”.

Tham dự hội nghị, về phía Nhật Bản có ông Iijma Isao – Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; ông Umeda Kunio – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. Về phía Hà Nội có ông Nguyễn Đức Chung – Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND Thành phố; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và TP. Hà Nội cùng các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Đây là lần thứ 3 hội nghị được tổ chức và đã trở thành sự kiện thường niên nhằm giới thiệu môi trường, cơ hội đầu tư tại Hà Nội; thúc đẩy, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản vào Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh Nhật Bản hiện là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp và hỗ trợ ODA với 32 dự án và là quốc gia hiện đứng thứ 2 về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội. Trong những năm qua, Chính quyền TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm đến hoạt động thu hút đầu tư và cam kết tiên phong về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.

Trong 2 năm 2016 và 2017 đã có 226 dự án được cấp mới của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Hà Nội, với tổng số vốn đăng ký 981 triệu USD. Ông Nguyễn Đức Chung hi vọng hội nghị sẽ là cầu nối cho các doanh nghiệp hai nước trao đổi, thúc đẩy hợp tác đồng thời cũng là dịp để lắng nghe, tiếp nhận thông tin các yêu cầu, nguyện vọng từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.

Phát biểu tại hội nghị, ông Umeda Kunio – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản, năm 2018 sẽ có nhiều sự kiện được tổ chức tại hai nước. Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản được tổ chức trong điều kiện thuận lợi với sự phát triển kinh tế năng động và đầy tiềm năng của thành phố Hà Nội cũng như sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Tại hội nghị, UBND TP. Hà Nội đã giới thiệu với các đối tác Nhật Bản về tình hình hợp tác đầu tư, du lịch giữa hai bên; các chương trình, cơ hội hợp tác đầu tư tiềm năng và hấp dẫn của thành phố; kêu gọi xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục, môi trường…

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai bên trên các lĩnh vực như: Dự án nông nghiệp công nghệ cao; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế; hợp tác trong lĩnh vực du lịch; hợp tác trong lĩnh vực vận tải…

Việt Nam là thị trường lớn thứ 15 của du lịch Malaysia

Ngày 26/3, Cục Xúc tiến du lịch Malaysia tại Việt Nam thông báo sẽ tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM) từ ngày 29/3 đến 1/4.

Trong khuôn khổ VITM Hà Nội 2018, Cục Xúc tiến du lịch Malaysia kết hợp với Malaysia Airlines, Esperantotour, Goldentour, Hoang Viet Travel, CEO Travel và Vietravel giới thiệu đến khách tham quan những gói tour du lịch Malaysia với ưu đãi đặc biệt.

Cụ thể, khách tham quan có thể mua tour du lịch với các chương trình du lịch Kuala Lumpur – Melaka (6 ngày 5 đêm) của CEO Travel với giá từ 12,290 triệu đồng hay tour du lịch mua sắm Kuala Lumpur – Melaka – Johor (6 ngày 5 đêm) của Hoang Viet Travel với giá từ 9,990 triệu đồng.

Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines cũng mang đến mức ưu đãi vé máy bay khứ hồi đặc biệt, chặng Hà Nội – Kuala Lumpur giá chỉ từ 2,53 triệu đồng, Hà Nội – Penang/Langkawi từ 3,45 triệu đồng. Đồng thời, Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia cũng giới thiệu một sự kiện hấp dẫn sắp diễn ra – Lễ hội Mua sắm Giảm giá Malaysia Mega Sale Carnival, một trong ba mùa mua sắm được trông đợi nhất trong năm được chính phủ Malaysia đẩy mạnh quảng bá. Sự kiện này diễn ra từ ngày 15/5 đến 31/7 năm 2018. Một loạt các sự kiện giải trí và hoạt động hấp dẫn cho gia đình cũng được tổ chức cho khách du lịch tại các trung tâm mua sắm như Suria KLCC, Pavilion KL, Starhill Gallery và nhiều nơi khác.

Hiện, Việt Nam là thị trường lớn thứ 15 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có khách du lịch đến Malaysia. Năm 2017, tổng cộng 248.927 lượt du khách Việt Nam đến Malaysia, tăng 14,8% so với năm 2016. Tháng 1/2018, Malaysia cũng đón tiếp 22.060 khách du lịch Việt Nam, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước.

Khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam năm 2018

Thực hiện Chương trình Phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, được sự ủng hộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, sáng 29/3, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam năm 2018 (VITM) tại Hà Nội.

Tới dự Lễ khai mạc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Đại sứ một số nước, cùng các đại diện: tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý du lịch, tổ chức xúc tiến du lịch, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế…

Phát biểu về công tác chuẩn bị Hội chợ, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức VITM năm 2018 cho biết, từ năm 2013 đã tổ chức Hội chợ VITM thường niên với quy mô và chất lượng ngày một cao hơn.

Hội chợ năm nay có sự tham gia của trên 670 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, dịch vụ du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, 45 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Chủ đề của Hội chợ năm nay là “Du lịch trực tuyến – Du lịch Việt Nam hướng tới Công nghiệp 4.0”. Chủ đề này thể hiện sự hưởng ứng mạnh mẽ của ngành Du lịch với chủ trương phát triển nhanh ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển kinh tế của Chính phủ, khẳng định du lịch sẽ là một trong những ngành ứng dụng nhanh và thành công công nghệ thông tin trong mọi hoạt động.

Phát biểu khai mạc Hội chợ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự tăng trưởng của du lịch trong thời gian gần đây. Du lịch trong khu vực và Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ.

“Du lịch không chỉ là ngành kinh tế quan trọng, được xác định là một trong số ít các ngành trở thành kinh tế phát triển mà Du lịch còn là cầu nối để người dân gặp gỡ, trao đổi, tăng cường tình hữu nghị, để thế giới thịnh vượng và những điều tốt đẹp nhất được chia sẻ” -  Phó Thủ tướng nhận định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá cao sự hợp tác của chính phủ và nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế thời gian qua, các cấp chính quyền đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo môi trường thân thiện để các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Hội chợ VITM 2018 với chủ đề “Du lịch trực tuyến –Du lịch Việt Nam hướng tới công nghiệp 4.0” sẽ tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin để tăng cường kết nối, phát triển thành công hơn nữa.

Quảng bá, xúc tiến du lịch tại VITM Hà Nội 2018

Từ 29/3 – 01/4, Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại Hội chợ Du lịch quốc tế – VITM Hà Nội 2018 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô.

VITM Hà Nội 2018 với chủ đề “Du lịch trực tuyến, du lịch Việt Nam hướng tới công nghệ 4.0”. Hội chợ có khoảng 500 gian hàng của trên 600 doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch của 45 tỉnh, thành trong cả nước và 21 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tham gia Hội chợ năm nay, Ban Quản lý hướng tới chủ đề “Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam nơi hội tụ, lan tỏa văn hóa Việt”. Trong đó, điểm nhấn giới thiệu và quảng bá Khu các làng dân tộc với chức năng là trung tâm hoạt động văn hóa – du lịch của cộng đồng 54 dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, xúc tiến bán sản phẩm du lịch trực tiếp tại Khu các làng dân tộc năm 2018, nhằm tăng cường lượng khách, thu phí tham quan hiệu quả.

Đồng thời, góp phần thúc đẩy việc thu hút các đối tác, các tổ chức văn hóa sự kiện, công ty lữ hành đến đầu tư, liên kết xã hội hóa các sản phẩm du lịch, văn hóa,…từng bước hình thành điểm đến ấn tượng Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Gian hàng của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam giới thiệu, quảng bá hình ảnh hoạt động, sự kiện, các điểm trải nghiệm, chương trình khung hoạt động năm 2018, sản phẩm du lịch, thông tin về dịch vụ (ẩm thực, mua sắm, cắm trại, homestay,…),…

Bên cạnh đó, sự tham gia trình diễn của đồng bào các dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng (Raglai, Ê Đê, Khmer) tạo điểm nhấn góp phần làm không gian của Làng thêm phần sinh động, đặc sắc thu hút sự quan tâm của khách tham gia Hội chợ.

Đây là năm thứ 3 Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tham gia Hội chợ VITM Hà Nội. Thông qua Hội chợ, nhiều đối tác, công ty lữ hành, du khách trong và ngoài nước biết thêm về Làng, tạo cơ hội tìm hiểu, mở rộng thêm nhiều đối tác đến với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong thời gian tới.

Triển lãm quảng bá du lịch, văn hóa Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ

Triển lãm là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa tổ chức gian hàng triển lãm quảng bá du lịch, văn hóa và ẩm thực Việt Nam tại Triển lãm Du lịch Quốc tế Ankara lần thứ 3. Đây là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong 4 ngày diễn ra Triển lãm, gian hàng của Việt Nam đã trưng bày các ấn phẩm quảng bá du lịch, văn hóa, con người Việt Nam, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và trình chiếu video giới thiệu nét đẹp du lịch và sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam.

Ngoài ra, gian hàng còn trưng bày ảnh đẹp phong cảnh ba miền đất nước, các đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, nghệ thuật tranh đông hồ, sơn mài, rối nước, giới thiệu ẩm thực phong phú của Việt Nam (phở, nem, bánh xèo, trà xanh, cà phê…), trang phục dân tộc Việt Nam (áo dài nam và nữ, trang phục miền núi… ), biểu diễn võ thuật Việt Nam…

Gian hàng đã thu hút sự quan tâm chú ý của hàng nghìn lượt khách tham quan. Các tổ chức và doanh nghiệp lữ hành rất quan tâm đến khả năng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực du lịch. Đa số khách sở tại dành nhiều thời gian tại gian hàng để hỏi và tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch hấp dẫn, nét văn hóa truyền thống và ẩm thực đặc trưng của Việt Nam.

Đặc biệt, nhiều vị khách đến bày tỏ lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ngưỡng mộ tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Người. Thêm vào đó, màn biểu diễn võ thuật Việt Nam trên nền nhạc trống hào hùng đã gây ấn tượng mạnh và hấp dẫn khách tham quan. Ban tổ chức đã đề nghị Đại sứ quán tăng suất biểu diễn trong suốt thời gian triển lãm.

Gian hàng Việt Nam tại Triển lãm Du lịch Quốc tế Ankara 2018 đã góp phần nâng cao hiểu biết của sở tại về du lịch và văn hóa Việt Nam, tăng cường giao lưu nhân dân, và mở ra nhiều cơ hội cho  phát triển hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.

Lễ hội Holi – Sắc màu Ấn Độ 2018

Lễ hội Holi – Sắc màu Ấn Độ 2018 sẽ diễn ra vào lúc 16 giờ, thứ sáu, ngày 30-3, tại Trung tâm văn hóa Ấn Độ, 63 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Holi là lễ hội bột màu truyền thống của Ấn Độ, là một dịp vui khi mọi người cùng nhau quây quần ăn uống và chúc tụng trong bầu không gian tràn ngập màu sắc. Điểm nhấn độc đáo trong lễ hội chính là việc mọi người cùng nhau vui đùa, ném những túi bột màu sặc sỡ vào nhau. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, kết thúc mùa đông và khởi đầu một mùa xuân mới.

Tại lễ hội, khán giả sẽ được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: Nghi lễ Thắp đèn truyền thống, chương trình biểu diễn Âm nhạc Giao hòa Ấn Độ, góc chụp ảnh; giới thiệu ẩm thực…

Lễ hội sẽ tạo nên một không gian đầy màu sắc, góp phần giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của đất nước Ấn Độ đến với bạn bè Việt Nam. Qua đó, nâng cao tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Lễ hội Holi miễn phí vào cửa cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, người tham gia cần mặc trang phục phù hợp để hòa mình vào sắc màu. Khi tham gia, mọi người đăng ký qua link https://goo.gl/NYiNxi hoặc liên hệ trực tiếp qua số điện thoại: 024 3633 2083 hoặc email: culture@indembassy.com.vn.

Trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế ITE 2018

Trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, tổ chức trên 300 gian hàng và nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh ITE HCMC 2018 lần thứ 14. Đây là thông tin được Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh công bố tại buổi họp báo diễn ra vào sáng ngày 30/3/2018 tại Hà Nội.

Theo ban tổ chức, hội chợ ITE HCMC 2018 diễn ra từ ngày 6-8/9/2018 tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Sài Gòn (SECC). Hội chợ lần này sẽ tập trung mở rộng thị phần khách du lịch quốc tế tại bốn thị trường trọng điểm là Bắc Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Năm nay, ITE 2018 mở rộng cả về quy mô và chất lượng với sự tham dự của nhiều hãng hàng không, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, các công ty lữ hành và các tập đoàn lớn trên thế giới.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của du lịch TP Hồ Chí Minh năm nay là tập trung xúc tiến khách du lịch inbound, vì vậy việc đón tiếp trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự ITE HCMC 2018 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy du lịch TP Hồ Chí Minh, du lịch Việt Nam cũng như khu vực sông Mê Kông phát triển.

Hội chợ ITE 2018 được kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 300 người mua quốc tế, 30.000 lượt khách tham quan, mức tăng trưởng quy mô từ 20% so với năm 2017.

Trong khuôn khổ hội chợ sẽ có nhiều hoạt động như Chương trình Người mua và báo chí, Lễ khai mạc – Gala Dinner “Tinh hoa ẩm thực Việt”, Hội thảo “Giới thiệu những điểm du lịch nóng bỏng tại Việt Nam”, Hội thảo giới thiệu các thị trường khách du lịch trọng điểm, Giải thưởng ITE HCMC 2018, Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam – Trung Quốc, Hội thảo thị trường khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Tây Âu, Hội nghị nâng cao công tác xúc tiến du lịch do Tổng cục Du lịch chủ trì, Triển lãm ảnh du lịch “Việt Nam-Hành trình tuyệt vời”.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) khẳng định: Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi về chính sách như miễn visa, thí điểm cấp thị thực điện tử. Cùng với Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2018 đang diễn ra, Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC 2018 sẽ là nền tảng lý tưởng để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, quảng bá điểm đến và kích cầu du lịch.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2004, đến nay Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh đã trở thành sự kiện thương mại du lịch quốc tế có uy tín và lớn nhất khu vực Hạ nguồn sông Mê Kông. Tại ITE HCMC 2017, đã có trên 14.000 lượt khách thương mại tham gia hội chợ, trên 16.000 lượt khách tham quan và tổ chức hơn 5.200 buổi họp mặt giữa các doanh nghiệp.

Tại buổi họp báo, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã thông tin thêm về Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 12-15/4/2018 tại Công viên 23/9, TP Hồ Chí Minh.

Hà Giang tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc năm 2018

Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái toàn quốc lần thứ 6 năm 2018 sẽ được tổ chức tại tỉnh Hà Giang trong 2 ngày 13 và 14/5/2018 với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Liên hoan là dịp giới thiệu, tôn vinh, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Then, đàn Tính – một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày- Nùng – Thái; đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người cùng những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc Việt Nam tới du khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Liên hoan còn tạo cơ hội cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày – Nùng – Thái gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, phát huy những giá trị, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Liên hoan năm nay có sự tham gia của 16 tỉnh: TP. Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Nông, Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính sẽ diễn ra vào 20h ngày 13/5/2018 tại Quảng trường 26/3 (thành phố Hà Giang). Với sự tham gia trình diễn của các nghệ nhân Then tiêu biểu đến từ các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở Trung ương và các địa phương, chương trình nhằm làm nổi bật nghệ thuật hát Then, đàn Tính của ba dân tộc Tày – Nùng – Thái trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc.

Trong khuôn khổ liên hoan, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao hấp dẫn cũng sẽ được tổ chức như: trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm và triển lãm ảnh về chủ đề “Di sản văn hóa Then các dân tộc Tày- Nùng – Thái Việt Nam và tỉnh Hà Giang” và giới thiệu nghề dệt vải truyền thống các dân tộc Tày – Nùng – Thái; biểu diễn, giới thiệu di sản hát Then, đàn Tính; tổ chức Giải Marathon quốc tế “chạy trên Cung đường Hạnh phúc”; các hoạt động du lịch trải nghiệm…

Hát Then, đàn Tính là di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo, gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn… và một số tỉnh Tây Nguyên như Đắk Nông, Lâm Đồng… Theo quan niệm dân gian, then có nghĩa là Thiên (trời), được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, hát then được biểu diễn trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn… Trải qua thời gian, hát Then, đàn Tính được lưu giữ, phát triển thành một không gian văn hóa đồ sộ về khối lượng, phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Giới thiệu du lịch Campuchia tại Hà Nội

Nhân dịp đoàn công tác Bộ Du lịch Campuchia tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2018, chiều ngày 31/3, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình giới thiệu du lịch Campuchia.

Theo đại diện Bộ Du lịch Campuchia, đất nước này có diện tích 181.035 km². Phnôm Pênh là thủ đô cũng là thành phố lớn nhất của Campuchia. Dân số gần 16 triệu người (2016) với GDP bình quân đầu người khoảng 1.308 USD (2017).

Du lịch Campuchia trong những năm gần đây phát triển tốt. Năm 2011, Campuchia đón gần 3 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên đạt hơn 5,6 triệu lượt khách. Các thị trường khách chính của Campuchia là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, một số nước Tây Âu…

Campuchia có nhiều phong cảnh đẹp nổi tiếng, tập trung ở một số thành phố lớn như Phnôm Pênh, Siem Riệp… với các kỳ quan, thắng cảnh Angkor, Banteay Srei, Koh Ker, chùa Bạc… hàng năm thu hút đông khách tham quan. Đặc biệt điểm nhấn độc đáo là hình ảnh mặt trời mọc trên đỉnh Angkor Wat chỉ có vào tháng 3, 6 và 12.

Nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc được tổ chức như lễ hội Chual Chnam Thmey (tháng 4) – Lễ hội truyền thống của Campuchia với lễ hội té nước đầy thú vị; lễ cày bừa hoàng gia đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp của mùa trồng lúa…

Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch phát triển hiện đại với sự đầu tư của các nhà đầu tư lớn, 3 sân bay quốc tế lớn hiện đại (Phnôm Pênh, Siêm Riệp và Sihanouk) phục vụ du khách đến.

Tại chương trình giới thiệu du lịch Campuchia, nhiều thông tin đã được giải đáp và chia sẻ với các doanh nghiệp lữ hành và báo chí về đường sá giao thông, các cách di chuyển nhanh nhất kết nối Việt Nam và Campuchia, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành đưa khách sang Campuchia…

Bế mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2018

Sau 4 ngày diễn ra sôi nổi, sáng ngày 1/4/2018 tại cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, đã long trọng diễn ra Lễ bế mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2018.

Với chủ đề “Du lịch trực tuyến – Du lịch Việt Nam hướng tới công nghiệp 4.0” VITM Hà Nội 2018 đã thực sự trở thành ngày hội của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Hội chợ thu hút 675 doanh nghiệp với 502 gian hàng, trong đó có 112 gian của các doanh nghiệp và cơ quan xúc tiến của 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong những ngày diễn ra hội chợ có khoảng 60 nghìn lượt người đến thăm quan và mua các sản phẩm du lịch. Theo thống kê của 21 công ty lữ hành lớn tham dự hội chợ, đã có 29.300 khách đăng ký tour mua tour du lịch nội địa và quốc tế bán được tại Hội chợ. Doanh thu của các đơn vị này ước đạt 245 tỷ đồng. Hưởng ứng mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch của VITM Hà Nội 2018, hai hãng hàng không hàng đầu Việt Nam là Vietnam Airlines và Jetstar đã tổ chức bán trực tiếp vé máy bay khuyến mại cho du khách đến tham gia Hội chợ.

VITM Hà Nội 2018 đã xây dựng hình ảnh của mình với các gian hàng có quy mô lớn, thiết kế ấn tượng như: Vietravel, Saigontourist, tập đoàn Flamingo, khu gian hàng ẩm thực…. Các gian quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia được đầu tư công phu, mang đặc trưng của mỗi quốc gia đã gây ấn tượng đối với khách tham quan.

Tại Hội chợ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức Lễ vinh danh các doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự phát triển du lịch như: Nghệ nhân nấu ăn hàng đầu Việt Nam, Giám đốc lữ hành, Giám đốc khách sạn tiêu biểu, Sản phẩm du lịch độc đáo, đặc biệt đã vinh danh 12 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu đưa khách du lịch ra nước ngoài năm 2017.

Trong khuôn khổ của VITM Hà Nội 2018 đã diễn ra 18 sự kiện bao gồm hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp báo về các vấn đề chuyên môn của ngành du lịch như: Diễn đàn Du lịch trực tuyến, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển Ẩm thực truyền thống Việt Nam”, Diễn đàn Khởi nghiệp Du lịch, và nhiều chương trình xúc tiến du lịch với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, các sự kiện được tổ chức bởi Tổng cục Du lịch, các Sở quản lý du lịch và nhiều cơ quan có liên quan.

Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho các đơn vị tham gia hội chợ: Giải thưởng gian hàng có quy mô lớn nhất; Giải thưởng gian hàng có thiết kế ấn tượng nhất; Giải thưởng doanh nghiệp tham gia kích cầu hiệu quả nhất.

Cùng với đó, Ban Tổ chức đã vinh danh các đơn vị đồng hành, tài trợ cho VITM Hà Nội 2018 là: Nhà tài trợ kim cương – Công ty Bia Sài Gòn Bình Tây; Đơn vị vận chuyển chính thức cho hội chợ – Vietnam Airlines; Đơn vị tích cực hỗ trợ Ban tổ chức trong các hoạt động tại hội chợ – Khoa Du lịch (Viện Đại học Mở Hà Nội).

Thúc đẩy lượng khách trao đổi giữa Việt Nam và Đài Loan

Nhằm tăng cường trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và Đài Loan, tối ngày 2/4/2018, Cục Du lịch Đài Loan đã tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Đài Loan tại Hà Nội, đây là sự kiện bên lề Hội chợ VITM 2018.

Được biết, đoàn xúc tiến du lịch Đài Loan sang Việt Nam lần này có số lượng doanh nghiệp tham gia đông nhất từ trước tới nay với 46 đại diện đến từ 23 doanh nghiệp.

Tham gia hội chợ VITM 2018 cũng như tại chương trình này, ngoài các thông tin quảng bá về du lịch Đài Loan, chính sách về visa, các điểm đến cũng như sản phẩm du lịch mới, đoàn xúc tiến còn mang theo những nét đặc sắc của ẩm thực Đài Loan cũng như những tiết mục văn nghệ hấp dẫn giới thiệu tới doanh nghiệp lữ hành và công chúng Việt Nam.

Đến tham dự và phát biểu tại chương trình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu đánh giá cao sự thành công của du lịch Đài Loan trong năm qua, đặc biệt trong việc thu hút khách Việt Nam, với mức tăng trưởng lên tới hơn 94%. Lượng khách trao đổi giữa Việt Nam và Đài Loan ngày càng tăng đã minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả về du lịch giữa hai bên. Phó Tổng cục trưởng hy vọng với tinh thần hợp tác tích cực giữa cơ quan xúc tiến du lịch hai bên, cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, thời gian tới khách du lịch qua lại giữa hai bên sẽ tiếp tục tăng cao.

Cảm ơn sự ủng hộ của Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng như sự hợp tác của các doanh nghiệp du lịch và báo chí Việt Nam, ông Thạch Thụy Kỳ – Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cho biết sẽ nỗ lực cùng với Văn phòng xúc tiến du lịch Đài Loan tại Việt Nam và các doanh nghiệp phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao nhằm thúc đẩy hơn nữa lượng khách trao đổi giữa hai bên.

Tài chính xanh và rủi ro môi trường của Việt Nam

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khái niệm “tài chính xanh” là cung cấp tài chính nhằm tạo ra một trái đất tồn tại bền vững, bao hàm các dịch vụ tài chính, định chế tài chính, sáng kiến và chính sách ở tầm quốc gia, các sản phẩm tài chính (trái phiếu, cổ phiếu, bảo hiểm…) giúp dòng tiền đổ vào các dự án kinh tế nhằm cải thiện môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Nói ngắn gọn, tài chính xanh là “bẻ” dòng tiền từ các sản phẩm, định chế tài chính vào các dự án “xanh” và bền vững. Nó cũng bao hàm việc buộc các doanh nghiệp phải công bố mình đã làm gì với môi trường, công khai mức độ tác động đến môi trường từ các dự án kinh doanh của doanh nghiệp…

Một ví dụ về tài chính xanh là vào tháng 11/2017, HSBC đã cam kết sẽ dành 100 tỷ USD để tài trợ cho các dự án làm giảm khí thải, công nghệ giảm khí carbon và tăng tính bền vững của môi trường. Ngân hàng này cũng cam kết giảm cho vay cho các lĩnh vực tạo ra khí carbon như các nhà máy điện đốt bằng than và gia tăng công bố thông tin về “rủi ro khí hậu” của các khoản cho vay của mình. Trước đó, trong tháng 7, JP Morgan cam kết sẽ dành 200 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch.

Quỹ đầu tư Henderson, một trong những quỹ đầu tư đầu tiên của Anh tham gia vào lĩnh vực tài chính xanh và phát triển bền vững hơn 10 năm qua cho biết, chính các nhà đầu tư hiện nay đang đòi hỏi Quỹ phải có các sản phẩm đầu tư xanh, đầu tư bền vững.

“Điều này cũng tương tự như cách mà người ta chịu trả thêm tiền để ăn thực phẩm hữu cơ vậy”, một đại diện của Quỹ nói.

Điều này cũng không quá lạ với người Việt Nam, khi mà khái niệm khởi nghiệp nông nghiệp sạch, khởi nghiệp xanh… đang nở rộ. Nhiều người làm việc trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính đã bỏ nghề để đi trồng rau, trồng lúa sạch, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch.

Trong khi đó, trên bình diện toàn cầu, trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững đã là khái niệm phổ biến trong những năm qua. Rất nhiều sàn chứng khoán lớn của thế giới đã gia nhập sáng kiến Thị trường chứng khoán bền vững (Sustainable Stock Exchange Initiative), bao gồm 2 Sở Giao dịch chứng khoán của Việt Nam.

Bốn trụ cột của khái niệm thị trường chứng khoán bền vững bao gồm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm tài chính xanh, gia tăng công bố thông tin về tác động môi trường, “xanh hóa” thị trường tài chính (bao gồm cung cấp kiến thức cho nhà đầu tư, đưa ra các chuẩn mực và thước đo về tài chính xanh…) và đối thoại xanh (giữa nhà đầu tư với công ty phát hành chứng khoán)./.

300 tỷ đồng cho dự án Trường Sơn xanh

Dự án Trường Sơn Xanh do Tổ chức USAID tài trợ hỗ trợ tỉnh Thừa ThiênHuế và Quảng Nam trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học có giá trị toàn cầu tại khu vực này,đồng thời giúp cải thiện và đa dạng hóa sinh kế cho các cộng đồng địa phương và người dân tộcthiểu số.

Dự án sẽ được triển khai trong 5 năm tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nông Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Núi Thành.

Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy chuyển đổi áp dụng các phương thức sử dụng đất tiên tiến để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tăng khả năng phục hồi nhằm bảo vệ con người, cảnh quang rừng và đa dạng sinh học, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh.

Các kết quả mong đợi chính bao gồm cải thiện sinh kế cho 20.000 người dân sống phụ thuộc vàorừng; cải thiện đa dạng sinh học cho 400.000ha rừng tự nhiên; huy động ít nhất 20 triệu đô la từ các nguồn lực nhà nước và tư nhân để phát triển sinh kế bền vững và bảo tồn rừng; cũng như tránh và/hoặc loại bỏ phát thải khoảng bảy triệu tấn các-bon đio-xit vào khí quyển.

Quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin về môi trường

Tổng cục Môi trường vừa công bố Quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thống nhất từ trung ương đến địa phương thông qua đường dây nóng.

Quy trình này quy định việc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quy trình này không quy định đối với các thông tin phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (thanh tra, kiểm tra, giải quyết thủ tục hành chính,…)

Việc tiếp nhận thông tin được thực hiện thông qua một trong các hình thức gọi điện thoại, gửi tin nhắn, gửi thư điện tử. Các nội dung của thông tin phản ánh, kiến nghị gồm: thông tin của tổ chức, cá nhân phản ánh, kiến nghị (họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử) và thông tin mô tả vụ việc gây ô nhiễm (tên tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm; thời gian xảy ra hoặc phát hiện vụ việc, sự cố ô nhiễm môi trường; địa điểm, vị trí của vụ việc, sự cố ô nhiễm môi trường; mô tả loại hình ô nhiễm; tính chất, mức độ vụ việc, sự cố ô nhiễm môi trường; phạm vi gây ô nhiễm; mô tả hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; những bằng chứng kèm theo: ảnh, video, bản ghi âm, tài liệu,…).

Đối với những vụ việc, sự cố ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, Tổng cục Môi trường hướng dẫn tổ chức, cá nhân để phản ánh trực tiếp qua đường dây nóng của Sở Tài nguyên và Môi trường. Danh mục đường dây nóng cấp địa phương được ban hành kèm theo Quy trình và có thể tra cứu trực tiếp tại địa chỉ http://www.duongdaynong.vea.gov.vn.

Thời hạn xác minh thông tin được thực hiện trong thời gian không quá 24 giờ. Việc xử lý thông tin phải được hoàn thành trong 48 giờ kể từ khi nhận được kết quả xác minh thông tin là chính xác hoặc thực hiện theo chế độ Khẩn đối với những trường hợp vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp.

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTNMT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thống nhất từ trung ương đến địa phương thông qua đường dây nóng.

Thành lập Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén (Cao Bằng)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định thành lập Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Việc thành lập Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén nhằm bảo tồn các hệ sinh thái đặc trưng, đa dạng sinh học; trong đó, đặc biệt là bảo tồn 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý, hiếm; bảo tồn các giá trị văn hoá, danh lam thắng cảnh, môi trường sinh thái thông qua các chương trình, dự án; bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng để nâng cao chất lượng và độ che phủ của rừng từ 84% năm 2016 lên 95% vào năm 2030, tạo không gian sống cho các loài động, thực vật;…

Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén có tổng diện tích tự nhiên 10.593,5 ha thuộc địa bàn 5 xã, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng: xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc.

Nhiệm vụ của Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén là bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đồng thời khoanh nuôi phục hồi, làm giàu rừng tự nhiên, gây ươm các loài cây bản địa, đặc hữu quý hiếm để trồng rừng mới, nâng cao độ che phủ và đảm bảo an ninh môi trường; nâng cao khả năng phòng hộ của rừng về giữ nước, hạn chế xói mòn, lũ lụt, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân vùng hạ lưu.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách về dịch vụ môi trường, tổ chức nghiên cứu khoa học về bảo tồn, tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển các nguồn gien quý, hiếm; cứu hộ động vật hoang dã; nghiên cứu khoa học; đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Đồng thời, khai thác các tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái, cảnh quan, dịch vụ môi trường và các giá trị đa dạng sinh học để tăng nguồn thu cho Vườn quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội trong vùng.

Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén có 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu dịch vụ hành chính. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 4.035,5 ha, tại Tiểu khu 338, 352 xã Thành Công; Tiểu khu 333, 334 xã Quang Thành; Tiểu khu 327, 337 xã Phan Thanh; Tiểu khu 321, 322 thị trấn Tĩnh Túc. Phân khu này có nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và á nhiệt đới núi trung bình; hệ sinh thái rừng lùn hay còn gọi là “rừng rêu” kiểu rừng của khí hậu ôn đới đặc trưng của miền Bắc Việt Nam; các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm.

Vùng đệm Vườn quốc gia có diện tích 8.276,1 ha, trên địa bàn 42 thôn thuộc 6 xã và 1 thị trấn (xã Phan Thanh, Thành Công, Quang Thành, Hưng Đạo, Vũ Nông, Thể Dục và thị trấn Tĩnh Túc), huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Các chương trình hoạt động chủ yếu của Vườn quốc gia gồm: Chương trình bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; chương trình phục hồi sinh thái rừng; chương trình nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ bảo tồn; chương trình phát triển du lịch và giáo dục môi trường; chi trả dịch vụ môi trường rừng; chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đệm

Khả năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam

Với tư duy cởi mở, Việt Nam có thể có những điều chỉnh cần thiết đối với phát triển công nghệ tái tạo, năng lượng tái tạo để cùng quốc tế bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu vì Việt Nam vốn là nước nhạy cảm với biến đổi khí hậu và đang rất quan tâm đến vấn đề này.

Nhu cầu tất yếu

“Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững” là chủ đề phiên thảo luận song song trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế 2018 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với tổ chức với USAID, Konrad, các Đại sứ quán Nhật Bản và Úc tại Việt Nam. Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, nằm trong chuỗi sự kiện “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 2”.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, sinh học… là nhu cầu tất yếu của Việt Nam.

Ngoài ra, việc phát triển năng lượng xanh ngày nay đang là xu thế mới, làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các chính sách phát triển năng lượng xanh hướng tới việc phát triển “nền kinh tế cacbon thấp”, bền vững và thân thiện với môi trường.

Cần giải pháp cụ thể

Tham dự và phát biểu tham luận, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phân tích và thảo luận về bức tranh phát triển năng lượng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay; tìm các giải pháp cho Việt Nam trong tình hình xu thế cán cân năng lượng nghiêng dần sang nhập khẩu ngày càng tăng.

Cho rằng than đá đang tạo ra hiệu ứng nhà kính và là nguồn năng lượng “bẩn”, ông John Kerry – Cựu ngoại trưởng Mỹ lấy ví dụ về việc Hà Nội từng có hơn 190 ngày chất lượng không khí dưới chuẩn, thậm chí có đến 23.000 người mắc bệnh hô hấp, ung thư…

Trước thực tế biến đổi khí hậu, theo ông John Kerry giải pháp sử dụng năng lượng thông minh là quyết định phù hợp đắn cho tương lai. “Việt Nam có thể tiết kiệm hàng chục tỉ USD. Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để phát triển năng lượng sạch hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới và cần có những giải pháp cụ thể đẩy nhanh việc phát triển năng lượng tái tạo, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt”, ông John Kerry nói.

Về giải pháp cụ thể, theo ông John Kerry, Việt Nam cần đầu tư sử dụng điện từ năng lượng mặt trời, điện gió, khí đốt, nhiệt điện và có những chính sách cởi mở, tạo ra lộ trình năng lượng mặt trời trong cách tiếp cận tổng thể; các giải pháp cụ thể, huy động cơ chế đầu tư, tài chính, những phương án thông minh để phát triển năng lượng tái tạo.

… và bước tiến dài

Cùng chung quan điểm, các chuyên gia đều nhận định, Việt Nam có rất nhiều cơ hội nhờ có đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, có cường độ bức xạ cao nhất là khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và nam Bộ. Có nhiều cánh đồng gió tốc độ lớn tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu. Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã đặt mục tiêu sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo đến năm 2020 là 5%, năm 2050 là 11%.

Theo dự báo, tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam ngày càng tăng lên. Cụ thể, đến năm 2020, năng lượng điện Mặt Trời sẽ tăng lên khoảng 800 MW, đến năm 2030, tỷ lệ điện gió tăng 6.000 MW, điện Mặt Trời là 12.000 MW và điện sinh khối 2.000 MW. Tuy nhiên, để có thể biến tiềm năng năng lượng tái tạo thành năng lượng thương mại là cả một bước dài.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ Việt Nam đang xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than, nhưng với tư duy cởi mở, Việt Nam có thể điều chỉnh cần thiết với xu thế phát triển công nghệ tái tạo, năng lượng tái tạo để cùng quốc tế bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu vì Việt Nam vốn là nước nhạy cảm với biến đổi khí hậu và đang rất quan tâm đến vấn đề này.

Đề xuất Bộ tiêu chí kinh tế xanh áp dụng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức họp các Hội đồng đánh giá, nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất bộ tiêu chí kinh tế xanh áp dụng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường”.

Đây là đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ do PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) làm chủ nhiệm.

Theo nghiên cứu, trước đây tiêu chí, chỉ số Phát triển bền vững được nghiên cứu và ban hành ở nhiều quốc gia, tuy nhiêu sau hơn 20 năm thực hiện, tính khả thi của bộ tiêu chí, chỉ số này còn thấp, chủ yếu vẫn dừng lại ở nhận thức.  Kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh LHQ về Phát triển bền vững (Rio+20) tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil) đã có sự nhìn nhận lại với sự đồng thuận cao của các nước để thực hiện phát triển bền vững, trước hết phải chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, chuyển từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh, tăng trưởng xanh để đạt tới mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ.

Ở Việt Nam, đến nay đã có một số bộ tiêu chí, chỉ tiêu liên quan đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã được ban hành ở cấp độ quốc gia cũng như địa phương. Bao gồm: bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường trong Chiến lược phát triển bền vững quốc gia, bộ chỉ tiêu phát triển bền vững địa phương, hệ thống các chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tài nguyên và môi trường; và các tiêu chí, chỉ số có liên quan được phản ánh trong các chiến lược cụ thể của các lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhận định, việc thực hiện nghiên cứu đề xuất Bộ tiêu chí kinh tế xanh áp dụng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là hoàn toàn phù hợp với quan điểm, giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Việc thực hiện nghiên cứu đề xuất Bộ tiêu chí cũng đảm bảo tính mới và có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trong bối cảnh Việt Nam đang cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đảm bảo tính hiệu quả và bền vững có sức cạnh tranh trên thị trường, nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.

Tăng cường năng lực về quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị tại Việt Nam

Bộ Xây dựng Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa tổng kết các hoạt động của Dự án “Tăng cường năng lực về quản lý tổng hợp chất thải rắn (CTR) đô thị tại Việt Nam”. Dự án do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, kéo dài trong 4 năm (từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2018), có mục tiêu quản lý tổng hợp CTR được thiết lập trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo chiến lược quốc gia.

Sau 4 năm, Dự án đã hỗ trợ Bộ Xây dựng triển khai nhiều nội dung quan trọng, như rà soát các chính sách, quy định, khung thể chế và các tiêu chuẩn về quản lý CTR đô thị; Đánh giá các công nghệ truyền thống và hiện đại trên phương diện xử lý, quản lý, đồng thời đưa ra đề xuất về các tiêu chí lựa chọn công nghệ phù hợp; Hướng dẫn lập quy hoạch xây dựng các cơ sở xử lý CTR đô thị; Tăng cường năng lực kiểm tra và giám sát thực hiện quản lý CTR đô thị tại các địa phương; Thu thập dữ liệu nhằm tăng cường quản lý CTR đô thị tại cấp Trung ương, phân tích và đánh giá các vấn đề tồn tại; Nghiên cứu các mô hình đầu tư, quản lý áp dụng cho đầu tư xây dựng, quản lý các khu liên hợp xử lý…

Đến nay, Dự án đã hoàn thành 6 tài liệu hướng dẫn và được triển khai thực tế. Theo Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Naoki Kakioka, Dự án đã mở ra chương mới với những yêu cầu lớn hơn về vai trò của các bên liên quan trong quản lý CTR tại Việt Nam.

Cùng với đó, nhiều địa phương đã chủ động kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTR và đưa vào vận hành. Hà Nội là một điển hình, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ lệ xử lý CTR bằng công nghệ hiện đại, đồng thời giảm tỷ lệ rác chôn lấp còn 30%; Phấn đấu đến năm 2019 sẽ có nhà máy đốt rác chuyển thành năng lượng. Hiện, Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện do Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng Nhật Bản (NEDO) tài trợ, áp dụng công nghệ tiên tiến, biến chất thải công nghiệp thành nhiên liệu chạy máy phát điện đã được vận hành…

Việt Nam thúc đẩy áp dụng bộ chỉ số môi trường

Qua 1 năm thí điểm thực hiện tại một số địa phương, bộ chỉ số môi trường đã đạt được những kết quả nhất định. Tổng cục Môi trường đang xem xét, chỉnh sửa bộ chỉ số này để áp dụng rộng rãi hơn.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, bộ chỉ số xếp hạng công tác BVMT được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới nhằm đo lường, theo dõi, đánh giá, giám sát việc thực hiện phát triển kinh tế và BVMT. Bộ chỉ số được Tổng cục Môi trường xây dựng trên cơ sở các mục tiêu, áp dụng cho từng địa phương cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả trên thực tế.

Bộ chỉ số sẽ giúp các địa phương tự đánh giá hiệu quả công tác bảo vệ môi trường từ đó có thể tự điều chỉnh, nâng cao công tác BVMT ở địa phương mình.  Bên cạnh đó, bộ chỉ số giúp cho Chính phủ, Bộ TN&MT có cái nhìn tổng quan, chính xác tình hình BVMT ở các địa phương để đưa ra các chính sách điều chỉnh phù hợp với tính hình thực tế.

Bộ chỉ số có 4 mục tiêu chính về BVMT như bảo vệ chất lượng môi trường sống; bảo vệ sức sống hệ sinh thái; bảo vệ hệ thống khí hậu; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về BVMT. Từ đó xác định 9 mục tiêu cụ thể về BVMT, 17 chính sách để thực hiện các mục tiêu BVMT và hình thành bộ chỉ số với 26 chỉ số thành phần thể hiện kết quả thực hiện mục tiêu, chính sách về BVMT.

24 tiêu chí xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

Bộ Xây dựng và ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BXD ngày 5/1/2018 nêu rõ 24 chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh (TTX), áp dụng cho thực tiễn phát triển của các đô thị tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Các chỉ tiêu được xây dựng theo quan điểm quản lý dựa trên kết quả thực hiện, áp dụng cho từng nội dung cụ thể. Kết quả thực hiện hàng năm được so sánh đối với năm cơ sở để từ đó, đánh giá và đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần được ưu tiên cho những năm tiếp theo. Các chỉ tiêu được chia theo 4 nhóm (kinh tế, môi trường, xã hội và thể chế). Trong đó, có 5 chỉ tiêu nhóm kinh tế, 10 chỉ tiêu nhóm môi trường, 4 chỉ tiêu nhóm xã hội, 5 chỉ tiêu nhóm thể chế.

Các chỉ tiêu về kinh tế giúp đánh giá hiệu quả tăng trưởng kinh tế thông qua sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Các chỉ tiêu môi trường nhằm đánh giá về chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị, mức độ áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, BVMT và giảm thiểu ô nhiễm, phát thải khí nhà kính trong phát triển đô thị. Các chỉ tiêu xã hội giúp đánh giá hiệu quả nâng cao chất lượng và điều kiện sống của người dân đô thị. Các chỉ tiêu thể chế giúp đánh giá về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị đối với công tác xây dựng đô thị TTX.

Các chỉ tiêu giám sát về TTX đã được đề ra trong Chiến lược quốc gia về TTX như nồng độ ô nhiễm môi trường, lượng phát thải CO2 và khí nhà kính, tỷ lệ tiêu thụ năng lượng… là rất cần thiết. Tuy nhiên, để giám sát các chỉ tiêu trên trong lĩnh vực đô thị đòi hỏi có các trang thiết bị chuyên dụng đồng bộ, cũng như năng lực phân tích tổng hợp của cán bộ. Hiện tại, cũng chưa có phương pháp đánh giá phát thải khí nhà kính áp dụng cho các đô thị Việt Nam. Do đó, các chỉ tiêu đã được cân nhắc, lựa chọn phù hợp với thực tiễn các đô thị trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Chiến lược quốc gia về TTX, nhưng đồng thời, cũng đảm bảo điều kiện thực hiện, sử dụng tối đa hệ thống quản lý nhà nước hiện có của các đô thị.

Hướng tiếp cận mới quản lý dựa trên kết quả thông qua việc quản lý giám sát các chỉ tiêu thực hiện hàng năm sẽ hỗ trợ hữu hiệu cho chính quyền đô thị trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu TTX. Đồng thời, các chương trình dự án hướng tới TTX cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng mới cho các ngành kinh tế, đầu tư, năng lượng, đặc biệt là nâng cao chất lượng đời sống cho người dân đô thị. Mặc dù, việc hiện thực hóa các mục tiêu đô thị TTX còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chắc chắn đây là con đường ngắn nhất hướng tới sự phát triển bền vững

Năm 2018 với 4 chương trình công tác về môi trường

Tổng cục Môi trường vừa đề ra Chương trình công tác năm 2018 của Tổng cục. Trong đó, tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học; kiện toàn tổ chức bộ máy của Tổng cục Môi trường; tăng cường nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường; cải cách thủ tục hành chính.

Theo chương trình công tác, năm 2018, Tổng cục Môi trường hướng trọng tâm vào 4 nội dung: xây dựng văn bản pháp luật; thanh kiểm tra, rà soát các dự án có nguồn thải lớn và quan trắc môi trường.

Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về môi trường

Tổng cục Môi trường tập trung xây dựng và trình ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật về môi trường gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT và các luật có liên quan; Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật BVMT; Đề án kiểm soát đặc biệt các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, danh mục các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao không khuyến khích đầu tư… Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai việc rà soát, đề xuất, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về BVMT bảo đảm thống nhất, đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội gắn với nhiệm vụ BVMT và hội nhập quốc tế; nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư cho BVMT, đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “Người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí” để tập trung đầu tư trở lại cho BVMT.

Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra năm 2018; vận hành đường dây nóng về môi trường

Thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp và kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg trên địa bàn trên địa bàn một số tỉnh/TP; Thanh tra đột xuất và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, vận hành Đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của Trung ương và địa phương nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn đến mức thấp nhất các sự cố môi trường có thể xảy ra.

Rà soát kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn có nguy cơ gây sự cố môi trường, gây ô nhiễm môi trường

Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường, kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước, làm sạch sau trong quá trình thu hút triển khai dự án đầu tư; Tổ chức triển khai thực hiện Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao ngay sau khi được ban hành; Triển khai hệ thống tiêu chuẩn về môi trường nhằm lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, không cấp phép cho các dự án không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; Xây dựng và hoàn thành phương án triển khai công tác điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải…

Thực hiện các chương trình quan trắc, lập các báo cáo về môi trường

Tập trung thực hiện tốt chương trình quan trắc định kỳ, xây dựng báo cáo môi trường quốc gia năm 2018; thực hiện đánh giá, xếp hạng kết quả BVMT của các địa phương thông qua Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả BVMT của các địa phương. Cùng với đó, Tổng cục Môi trường sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, các sự kiện, hội nghị, hội thảo về BVMT; triển khai đúng tiến độ, đảm bảo nội dung, chất lượng sản phẩm của các nhiệm vụ, dự án, đề tài trong kế hoạch năm 2018.

Cụ thể hóa thực hiện các nhiệm vụ cấp bách về vấn đề môi trường

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 1195 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực môi trường.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho dừng thực hiện các nhiệm vụ: “Xây dựng, trình ban hành Quy chế bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản”; “Xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu giữa các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Công an”; “Trình sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan nhằm quy định việc bố trí cán bộ chuyên trách quản lý môi trường ở các xã có làng nghề gây ô nhiễm môi trường”; “Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách về chế độ tiền lương hoặc tiền phụ cấp cho cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về quản lý môi trường cấp xã”.

Chuyển việc chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Rà soát, bổ sung các quy định vế kiếm soát chặt chỗ hoạt động nhập khẩu phế liệu ngay từ giai đoạn cấp phép”; “Rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu được phép nhập khẩu” sang cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

Đối với việc “Rà soát, bổ sung các quy định về kiểm soát chặt chẽ hoạt động tạm nhập, tái xuất và xuất khẩu phế liệu ngay từ giai đoạn cấp phép” và “Xây dựng Danh mục chi tiết các loại phương tiện giao thông tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng khí hỏa lòng, khí thiên nhiên, điện, nhiên liệu hỗn hợp, nhiên liệu sinh học trong nước chưa sản xuất được” giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, thực hiện.

Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Thông tin và Truyền thông, giao Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện việc cấp phép điều chỉnh tôn chỉ, mục đích, nội dung của kênh truyền hình về môi trường thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đối với các Bộ trưởng Bộ: Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công An và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ tướng đề nghị tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ chưa hoàn thành được giao tại Nghị quyết sổ 35/NQ-CP ngàv 18 tháng 3 năm 2013 của Chinh phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực môi trường và Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2013 về việc phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP; chủ động báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương tăng tốc xóa lò vôi thủ công

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc xóa lò vôi thủ công, các tỉnh đã khẩn trương xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng và thực hiện nghiêm túc theo lộ trình đã ban hành. Đến nay đã có gần 60 tỉnh ban hành kế hoạch và đang gấp rút triển khai.

Tại Thanh Hóa: Theo kế hoạch, đến ngày 31-12-2020, các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện xóa bỏ hoàn toàn các lò vôi thủ công; ưu tiên, khuyến khích phát triển các dự án đầu tư sản xuất vôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, góp phần giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, đảm bảo an toàn môi trường lao động và đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội; địa bàn đầu tư gồm cụm khu vực 11 huyện miền núi, cụm các huyện Tĩnh Gia, Yên Định và Nông Cống.

Theo đó, lộ trình thực hiện là không cấp phép đầu tư xây dựng mới các lò vôi thủ công hoặc các lò liên hoàn; xóa bỏ 50% số lò vôi thủ công hiện có trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 và xóa bỏ hoàn toàn trước ngày 31/12/2020. Hiện nay, trên địa bản tỉnh có 39 cơ sở sản xuất vôi với sản lượng hơn 404.000 tấn/năm, được phân bố trên địa bàn 4 huyện, thị xã, thành phố, gồm: 38 cơ sở sản xuất vôi thủ công (lò gián đoạn) với tổng sản lượng hơn 4.000 tấn/năm tại các huyện Nông Cống, TP Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc, thị xã Bỉm Sơn, các lò vôi thu công này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn cho người lao động; và 1 nhà máy vôi công nghiệp với công suất thiết kế là 400.000 tấn/năm tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn.

Tại Quảng Ninh: Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh vẫn còn 64 cơ sở sản xuất tập trung ở 4 địa phương: Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên và Uông Bí. Trong đó có 6 cơ sở đã dừng hoạt động sản xuất (Đông Triều: 2 cơ sở; Uông Bí: 4 cơ sở). Các lò sản xuất vôi đã được đầu tư là lò đứng thủ công liên hoàn, công suất thiết kế mỗi lò khoảng 3.000 tấn/lò/năm. Tổng công suất thiết kế ước đạt trên 250.000 tấn/năm. Phần lớn các lò vôi thủ công do các hộ gia đình tự góp vốn đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ môi trường cho người dân

Xác định bảo vệ môi trường (BVMT) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường cho mỗi tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2017, Sở đã tổ chức 5 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về TN&MT cho hơn 1.400 cán bộ, công chức phòng TN&MT, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, chủ tịch UBND, công chức địa chính cấp xã trong toàn tỉnh; tuyên truyền về quản lý, BVMT biển; tổ chức 23 lớp tập huấn về thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong chương trình xây dựng nông thôn mới cho các xã đã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới; hướng dẫn tổ chức tuyên truyền về Ngày Môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…

Cùng với đó, phòng chức năng của Sở tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường, triển khai việc thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Kết quả, đã đôn đốc 201 đơn vị khai thác khoáng sản ký 6,58 tỷ đồng quỹ cải tạo phục hồi môi trường, thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp 207 đơn vị với số tiền 602 triệu đồng. Tổ chức giám sát môi trường tại 90/90 cơ sở sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM và đề án BVMT, qua đó, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 15 đơn vị với số tiền phạt trên 666 triệu đồng. Đặc biệt, Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND cấp huyện, xã có liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu, hành vi vi phạm. Qua kiểm tra đã xử lý và đề nghị UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính đối 10 đơn vị, với số tiền phạt hơn 1,8 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn dưới nhiều hình thức như, mít tinh, diễu hành, ra quân làm sạch đường làng, ngõ xóm; ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh, các cuộc thi, hội thảo về môi trường… từ đó hình thành thói quen, tập quán tốt của mỗi tổ chức, người dân trong công tác BVMT. Bên cạnh đó, không ngừng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực môi trường…

Phát động Ngày Chủ nhật Xanh trong năm 2018

Năm 2018, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cơ sở tổ chức thực hiện; chủ động báo cáo Thường trực tỉnh, thành ủy, UBND thành phố, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức ra quân Ngày Chủ nhật Xanh.

Tại các sự kiện ra quân Ngày Chủ nhật Xanh sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong thanh thiếu niên và nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường; thành lập mới đội hình tình nguyện vì môi trường, mô hình điểm: vườn cây thanh niên, đường cây thanh niên, trồng hoa ven đường giao thông nông thôn nội đồng…

Thanh niên khu vực nông thôn sẽ tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại địa bàn khu vực nông thôn; Xây dựng các đội, nhóm thanh niên tình nguyện tuyên truyền vận động người dân ký cam kết tham gia bảo vệ môi trường. Cùng đó, triển khai các mô hình bảo vệ dòng sông quê hương; mô hình hỗ trợ nhân dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nơi ở; mô hình làng xã sáng – xanh – sạch – đẹp…

Ở khu vực đô thị, thanh niên triển khai các hoạt động phát tờ rơi, túi thân thiện với môi trường, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường tại các tuyến phố, khu vực lưu vực sông, trồng cây xanh đô thị…

Với thanh niên trong lực lượng vũ trang có thể tổ chức các hoạt động tình nguyện về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các mô hình hỗ trợ nhân dân, cộng đồng bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương; ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng các mô hình “Hàng cây biên giới”, “Trường Sa xanh”…

Nguồn ô nhiễm từ chăn nuôi vẫn ở mức báo động đỏ

Thực trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, hiện nay có khoảng 40% lượng chất thải trong chăn nuôi không qua xử lý được thải ra môi trường và khoảng 60% còn lại được xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn cho phép.

Tại hội thảo “Quản lý bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi – Thực trạng và giải pháp” do Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức vừa qua tại Hà Nội. TS. Hoàng Văn Thức – Phỏ Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, chăn nuôi lợn có khoảng 4 triệu hộ, chăn nuôi gia cầm khoảng 8 triệu hộ, với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc. Công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Đại diện Tổng cục Môi trường cũng kiến nghị, thời gian tới cần quản lý quy hoạch chăn nuôi theo lộ trình, xoá bỏ dứt điểm các loại hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực. Quy định chặt chẽ về quy trình thủ tục, yêu cầu kỹ thuật lưu giữ, quản lý và xử lý nhằm tái chế chất thải chăn nuôi thành thức ăn thuỷ sản hoặc phân bón; đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường riêng cho lĩnh vực chăn nuôi.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu tham dự hội thảo cũng có chung đánh giá cho rằng: một trong những bất cập hiện nay là vẫn chưa có quy định (gồm cả hướng dẫn) cụ thể về tái sử dụng nước thải chăn nuôi vào mục đích gì (trồng trọt, nuôi trồng thủy sản), quy định trong quản lý cơ sở chăn nuôi có sự sai khác về đối tượng quản lý. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi chưa được chú trọng… Theo các chuyên gia, giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi chính là đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, chế biến chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ để phục vụ phát triển nông nghiệp sạch.

Tham dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám thông tin, hiện nay Chính phủ giao cho bộ xây dựng dự án luật chăn nuôi và trồng trọt để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong kỳ họp tới vào tháng 5/2018. Hội thảo là dịp để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận ý kiến đóng góp, giúp xây dựng chính sách để công tác quản lý, bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả hơn.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay: dựa trên báo cáo và tham luận của đại biểu, cơ quan chuyên môn sẽ tổng hợp lại những kiến nghị trình Uỷ ban Thường vụ xem xét để kịp thời gửi Chính phủ nhằm chỉnh sửa, tiếp thu và có những điều chỉnh phù hợp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng cho biết, trong phiên họp thường vụ vào tháng 4/2018 Ủy ban Thường vụ dự kiến tổ chức phiên giải trình về vấn đề liên quan đến chất thải trong đó có chất thải chăn nuôi. Từ đó, sẽ đưa ra những giải pháp tháo gỡ hiệu quả chất thải chăn nuôi để vừa bảo vệ tốt môi trường, vừa đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long

Theo đề xuất của TP. Hạ Long (Quảng Ninh), thời gian tới, Tổ chức Khoa học – Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) sẽ hỗ trợ tỉnh mời chuyên gia tư vấn quốc tế tư vấn về quản lý du lịch bền vững và bảo vệ môi trường, giải quyết những thách thức phát triển tại Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long.

Cùng với đó, thời gian tới sẽ tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, giải quyết những thách thức về môi trường từ hoạt động của các du thuyền, đặc biệt là hoạt động xử lý nước thải tại Vịnh Hạ Long. Vấn đề này vừa được đưa ra tại cuộc họp lần thứ năm trong khuôn khổ Sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long – Cát Bà, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Với định hướng hỗ trợ kỹ thuật cho UNESCO trong công tác quản lý Vịnh Hạ Long, cũng như đề xuất mở rộng Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long bao gồm quần đảo Cát Bà, các doanh nghiệp du thuyền thảo luận phương thức thúc đẩy đầu tư tư nhân vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho hơn 500 tàu du lịch đang hoạt động tại Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà. Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra kết quả khảo sát ý kiến về sự cần thiết của hệ thống xử lý nước thải tại cảng Tuần Châu, cũng như tính khả thi của việc áp dụng nhãn “Bông Sen xanh” cho các tàu du lịch.

Năm 2017, USAID tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, trước hết để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào Liên minh, nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và bảo vệ Di sản; vận động ban hành các quy định chính sách thúc đẩy các hoạt động này. Bước tiếp theo là khẳng định giá trị của việc đề cử Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long mở rộng, thông qua đánh giá và tác động ở cấp độ quốc tế đối với công tác quản lý môi trường của Khu di sản.

Lễ bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu năm 2017

Chiều ngày 9/1, tại Bộ VHTTDL đã diễn ra Lễ bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2017 với 15 đề cử thuộc các lĩnh vực do ngành quản lý. Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm nhằm đánh giá và tôn vinh các sự kiện tiêu biểu của ngành VHTTDL. Cuộc bình chọn có sự tham gia của đông đảo phóng viên đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Theo đó, 15 đề cử của các lĩnh vực cụ thể: Lĩnh vực văn hóa gồm: Ấn tượng những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam; Hát Xoan Phú Thọ, Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Sáng kiến của Việt Nam về giải thưởng Điện ảnh ASEAN lần thứ I; Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2017 khẳng định thương hiệu là sự kiện văn hóa có sức hút mạnh mẽ với khách du lịch trong nước và quốc tế; Dấu ấn Việt Nam qua bộ phim “Kong: Skull Island”.

Ở lĩnh vực thể thao có các sự kiện: Bơi lội Việt Nam thi đấu xuất sắc và giới thiệu được nhiều gương mặt trẻ; Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 29; Đội tuyển Bóng đá nữ lần thứ 5 bước lên ngôi vô địch SEA Games; Thành tích ấn tượng của đội tuyển Điền kinh Việt Nam năm 2017; Lần đầu tiên Cử tạ Việt Nam giành 05 HCV trên đấu trường Cử tạ quốc tế.

Ở lĩnh vực du lịch gồm các sự kiện: Du lịch Việt Nam giành nhiều giải thưởng danh giá của tổ chức Du lịch thế giới; Khách quốc tế đến Việt Nam tăng kỷ lục trong năm 2017; Luật Du lịch 2017 được thông qua với nhiều nội dung thúc đẩy phát triển du lịch; Năm Du lịch quốc gia Lào Cai – Tây Bắc góp phần thu hút khách quốc tế đến với vùng Tây Bắc cao nhất từ trước đến nay; Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cũng tại Lễ bình chọn này, ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn Phòng, người phát ngôn của Bộ VHTTDL cho biết, trước khi diễn ra cuộc bình chọn này, ban tổ chức đã công bố 15 đề cử trên Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL để công chúng được bình chọn. Các đề cử có sự tham gia của các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch trên cả nước. Kết quả bình chọn trên Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL như sau: Hát Xoan Phú Thọ, Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã nhận được số phiếu cao nhất là 5372 phiếu bình chọn; sự kiện đứng thứ 2 là Khách quốc tế đến Việt Nam tăng kỷ lục năm 2017 (đạt 5273 phiếu) và đứng thứ 3 là sự kiện Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 29 với số phiếu bình chọn là 5257 phiếu.

Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018

Sáng 11/1, tại Bộ VHTTDL đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo khái quát tình hình thực hiện nhiệm vụ văn hóa, thể thao và du lịch năm 2017 cũng như các nhiệm vụ triển khai năm 2018. Báo cáo đã nêu bật những thành tích đạt được trong các lĩnh vực mà Bộ quản lý cũng như những khó khăn, tồn tại của ngành, trên cơ sở đó đưa ra những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong năm 2018.

Theo đó, trong năm 2017, về lĩnh vực văn hóa, gia đình: Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng, tôn vinh các giá trị văn hóa, góp phần hình thành sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và đất nước: Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản được UNESCO ghi danh là 26 di sản.

Công tác tuyên truyền và quảng bá cũng như ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh gắn với việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ VHTTDL đã phối hợp cùng với các địa phương trên cả nước tổ chức thành công các Ngày hội Văn hóa, Thể thao Du lịch đồng bào dân tộc thiểu số; Tổ chức triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong hoạt động văn hóa”. Nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa, thể thao du lịch đã được Bộ tổ chức thành công cùng 06 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017 được đánh giá cao. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX và giải thưởng phim ASEAN lần thứ Nhất được tổ chức thành công tại thành phố Đà Nẵng; Các hoạt động Tuần văn hóa như: Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên Bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã góp phần mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam giới thiệu rộng khắp thế giới.

Ở lĩnh vực gia đình, có nhiều hoạt động nổi bật như tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Chiến dịch truyền thông Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình…

Về lĩnh vực Thể dục thể thao (TDTT): trong năm 2017, hoạt động TDTT quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng với nhiều nội dung, hoạt động sôi nổi, phong phú gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Các chỉ tiêu về TDTT quần chúng có nhiều bước phát triển, thể hiện ở sự gia tăng về số lượng người tập TDTT thường xuyên (ước đạt 31,38%, tăng 1,85% so với năm 2016). Công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 được triển khai theo đúng kế hoạch (đến nay đã có 10.925/11.162 xã, phường tổ chức Đại hội; 235/713 huyện tổ chức Đại hội và 08/63 tỉnh, thành tổ chức Lễ Khai mạc Đại hội TDTT cấp tỉnh). Đã có 28 Hội thi, giải Thể thao quần chúng được tổ chức trong năm 2017, thu hút 10.325 VĐV, 1.667 HLV tham dự. Đoàn VĐV người khuyết tật Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 9 tại Malaysia giành 40 HCV, 61 HCB, 60 HCĐ, phá 10 kỷ lục của Đại hội, xếp thứ 4/11 quốc gia.

Đặc biệt, ở lĩnh vực Thể thao thành tích cao, trong năm 2017, các VĐV Việt Nam đã giành được 1.045 huy chương (425 HCV, 301 HCB và 319 HCĐ) trên đấu trường quốc tế. Trong đó có 46 HCV, 39 HCB, 31 HCĐ thế giới; 64 HCV, 50 HCB, 44 HCĐ châu Á; 315 HCV, 212 HCB, 244 HCĐ Đông Nam Á. 06 đội tuyển Bóng đá Việt Nam đều hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng loại, có mặt ở vòng chung kết Bóng đá châu Á gồm: Đội tuyển quốc gia, đội tuyển Futsal, đội tuyển Bóng đá nữ, U16, U19 và U23 quốc gia. Riêng tại SEA Games 29, đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành được 166 huy chương (58 HCV, 50 HCB, 60 HCĐ, phá 11 kỷ lục SEA Games và xếp thứ 3/11 quốc gia tham dự Đại hội. Bên cạnh đó, các VĐV Việt Nam cũng giành 13 HCV, 08 HCB và 19 HCĐ xếp vị trí thứ 09/65 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ 5.

Lĩnh vực Du lịch: Du lịch Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 2,9 triệu lượt khách, tương đương 29,1%; phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ đô la Mỹ, tăng 25% so với năm 2016. Đây có thể coi là kỳ tích tăng trưởng kỷ lục về tổng số khách quốc tế và mức tăng trưởng số lượng khách quốc tế trong một năm so với năm 2016. Với những kết quả trên, Du lịch Việt Nam đứng thứ 6/10 nước có tăng trưởng Du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Du lịch Việt Nam nhận được nhiều danh hiệu danh giá của giải thưởng du lịch toàn cầu.

Cùng với những kết quả đã đạt được, dự thảo Báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, bất cập ở từng lĩnh vực cụ thể: Về văn hóa: Công tác thể chế hóa xây dựng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; Nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ; Công tác quản lý lễ hội tại một số địa phương còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về tổ chức lễ hội; Văn hóa truyền thống của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, biến dạng… Về TDTT: Cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT cho người dân ở nhiều địa phương còn hạn chế; Đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên TDTT ở cơ sở còn thiếu; Kinh phí mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu cho VĐV các đội tuyển quốc gia còn nhiều khó khăn; Các chế độ, chính sách cho VĐV, HLV còn nhiều bất cập… Về Du lịch: Năng lực cạnh tranh còn thấp so với các nước trong khu vực; Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Du lịch và khả năng tiếp cận các công nghệ mới hiện đại trong quản lý còn thiếu chủ động…

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe 11 ý kiến tham luận từ 3 đầu cầu gồm: Sở VHTT Hà Nội, Sở VHTTDL Lào Cai, Tổng cục Du lịch, Tổng cục TDTT, Sở VHTTDL Phú Thọ, Sở Du lịch Khánh Hòa, Sở VHTT Thành phố Hồ Chí Minh, Sở VHTTDL Đắc Lắc… Các ý kiến nhằm bổ sung, khẳng định và đưa ra những kiến nghị, kinh nghiệm cũng như giải pháp trong việc triển khai thực hiện công tác năm 2018 của ngành VHTTDL.

Phát biểu tại Hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và đánh giá cao những thành tích, kết quả của ngành VHTTDL đạt được trong năm 2017. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cùng với thành công của du lịch, năm 2017, văn hóa, thể thao cũng đã gặt hái được nhiều thành công, nhiều cán bộ các cấp đã thể hiện sự nỗi lực, chăm chỉ và sáng tạo. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu ra những tồn tại, yếu kém, bất cập, đồng thời yêu cầu Bộ VHTTDL cần quyết liệt thực hiện, trong đó cần tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý văn hóa, gia đình. Để làm được điều này, cần phải quan tâm làm sao để có lộ trình, kế hoạch, hành động cụ thể:

Lĩnh vực văn hóa, Phó Thủ tướng cho rằng, văn hóa là lĩnh vực rộng, thành tựu văn hóa cũng không phải một sớm, một chiều mà có được. Bởi vậy, ngành VHTTDL cần nhận thức được điểm yếu của mình, quyết tâm ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội, phát huy những giá trị tốt đẹp. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các vấn đề hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa phải giải quyết một cách triệt để, quyết liệt, đơn cử như vấn đề tồn tại trong công tác lễ hội: “Ngay từ bây giờ, Bộ VHTTDL triển khai các đoàn kiểm tra đến các điểm nóng để đôn đốc, nhắc nhở. Làm sao để những tồn tại của năm 2017 không còn diễn ra trong năm 2018, kiên quyết với những hành vi làm sai lệch giá trị, bản chất của lễ hội. Việc có những hành vi làm khơi gợi lòng tham của mọi người là sai bản chất truyền thống của lễ hội. Chính vì thế, cần phải đặc biệt lưu ý đối với những hành động có lòng tham về vật chất từ đánh bạc cho đến phát lộc” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ VHTTDL sẽ xử lý nghiêm những tồn tại trong năm 2017 và tới đây Bộ sẽ chủ trì một hội nghị hẹp (hội nghị chuyên đề) để bàn về việc chấn chỉnh lễ hội. Đối với lĩnh vực TDTT, trong năm 2018 sẽ tập trung phát triển phong trào TDTT quần chúng, tạo điều kiện để phong trào ngày càng phát triển. Cụ thể, sẽ tập trung đầu tư phát triển thể thao trường học. Bên cạnh đó, ở lĩnh vực Thể thao thành tích cao, tập trung hướng tới ASIAD 18 với mục tiêu đạt từ 3-4 HCV. Đối với lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng, du lịch nước ta dù tăng trưởng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Cũng tại Hội nghị, Bộ VHTTDL đã công bố và trao các danh hiệu khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2017. Trong số 74 đơn vị được Bộ VHTTDL tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2017 có Tổng cục TDTT.

 

Lĩnh vực Thể thao có 03 sự kiện lọt vào Top 10 sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2017

Theo công bố của Bộ VHTTDL, 10 sự kiện văn hoa, thể thao, du ịch tiêu biểu năm 2017, lĩnh vực thể thao có 3 sự kiện được bình chọn đó là: Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 29; Đội tuyển Bóng đá nữ lần thứ 5 giành ngôi Vô địch SEA Games và thành tích ấn tượng của đội tuyển Điền kinh Việt Nam năm 2017.

Với tổng số 64 hồ sơ đề cử sự kiện từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở VHTTDL, Sở VH,TT, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố, trong đó lĩnh vực văn hóa có 42 hồ sơ đề cử, lĩnh vực thể thao có 11 hồ sơ đề cử, lĩnh vực Du lịch 11 hồ sơ đề cử, BTC đã lựa chọn ra 15 sự kiện tiêu biểu giới thiệu bình chọn qua 2 hình thức: tổ chức bình chọn qua mạng tại địa chỉ: http://sukienvhttdl.bvhttdl (diễn ra trong 6 ngày từ 3-9/1/2018 với sự tham gia của toàn thể độc giả trên cả nước) và tổ chức bình chọn trực tiếp (diễn ra ngày 9/1/2018) tại Bộ VHTTDL với sự tham gia của 150 phóng viên, nhà báo đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và Hà Nội. Kết quả, danh sách 10 sự kiện được bình chọn theo thứ tự như sau:

1. Hát Xoan Phú Thọ, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại;

2. Dấu ấn Việt Nam qua bộ phim Kong: Skull Island;

3. Ấn tượng “Những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam”;

4. Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 29;

5. Đội tuyển Bóng đá nữ  lần thứ 5 giành ngôi Vô địch SEA Games;

6. Thành tích ấn tượng của đội tuyển Điền kinh Việt Nam năm 2017.

7. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng kỷ lục trong năm 2017;

8. Luật Du lịch 2017 được thông qua với nhiều nội dung thúc đẩy phát triển du lịch

9. Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

10. Du lịch Việt Nam giành nhiều giải thưởng danh giá của Tổ chức Du lịch thế giới.

Năm 2018, toàn Ngành VHTTDL sẽ quyết liệt và thực hiện hiệu quả các mục tiêu đặt ra

Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại Hội nghị Tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao, Du lịch năm 2017 và triển khai công tác năm 2018 diễn ra vào sáng ngày 11/1, tại 3 điểm cầu: Hà Nội,Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 2017 đã qua, cùng với những thành tích đạt được, trên cả 4 lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vẫn còn những khó khăn, hạn chế, bất cập như: vấn đề công tác quản lý và tổ chức lễ hội; hoạt động nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang bị khủng hoảng lực lượng sáng tác. Công tác quản lý, cấp phép hoạt động nghệ thuật biểu diễn vẫn còn bất cập; tình trạng thiếu kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức hoạt động văn học, nghệ thuật tại một số địa phương vẫn xảy ra. Hệ thống thiết chế văn hóa hiện có tại một số đại phương từ tỉnh đến cơ sở thiếu kinh phí hoạt động, hiệu quả hoạt động thấp, một số bị sử dụng sai mục đích, bị bỏ hoang, xuống cấp; tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra khá phức tạp, nghiêm trọng ở một số nơi; Các chế độ chính sách, tiền công tiền thưởng đối với HLV, VĐV còn nhiều bất cập; Kinh phí tập luyện cũng như hệ thống cơ sở vật chất về TDTT còn nhiều khó khăn; Năng lực cạnh tranh,  môi trường kinh doanh du lịch chưa đáp ứng yêu cầu và chưa xứng với tiềm năng…

Trước những khó khăn, tồn tại trên, người đứng đầu ngành VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định toàn ngành sẽ hành động quyết liệt và hiệu quả, tập trung có trọng tâm trọng điểm để những tồn tại của năm 2017 sẽ không còn tái diễn trong năm 2018. Bộ sẽ xử lý nghiêm những sai phạm xảy ra. Trong đó, công tác lễ hội, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị triển khai công tác chuẩn bị lễ hội năm 2018 để công tác quản lý đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tập trung chỉ đạo trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, để khắc phục những tồn tại trong cấp phép bài hát, tổ chức thi hoa hậu và biểu diễn phản cảm…

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: trong năm 2018, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu ban hành, đề nghị ban hành các quy định, nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực do ngành quản lý; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020; xây dựng chính phủ điện tử theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP

Đặc biệt, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục quan tâm chú trọng tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam gắn với thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình”. Bộ trưởng chia sẻ, việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Bộ trưởng cho rằng, đây là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, bởi làm từ bây giờ nhưng kết quả, thành tích thì phải cần cả chục năm, thậm chí thế hệ sau mới thấy được. Bởi vậy, nhiều nơi, nhiều địa phương chưa nhận thức được sự cấp thiết để thực hiện. Bộ trưởng đề nghị các địa phương cùng bắt tay triển khai Nghị quyết này một cách quyết liệt.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức điều tra quốc gia về gia đình và tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Về lĩnh vực TDTT, trong năm 2018 sẽ tập trung hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sau khi được Quốc hội thông qua. Đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn cả nước, gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, tạo nền tảng cho thể thao thành tích cao phát triển. Phấn đấu năm 2018 đạt 31,5% số người tập luyện TDTT thường xuyên và số gia đình thể thao đạt 23,5%; Tập trung cho ASIAD 2018, phấn đấu giành từ 3-4 HCV.

Về lĩnh vực du lịch toàn ngành đặt mục tiêu đón gần 94 triệu lượt khách, trong đó đón từ 15-17 triệu khách du lịch nội địa.

Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2017, với sự quyết tâm, quyết liệt và tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình sẽ đạt được những kết quả to lớn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2018 đã đặt ra.

Thể thao Việt Nam phấn đấu giành được 3 – 4 HCV tại ASIAD 2018

Đây là một trong những nhiệm vụ lớn của năm 2018 mà Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện đã đề ra cho ngành Thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam tại Hội nghị Tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành VHTTDL diễn ra sáng 11/1.

Tập trung cao cho ASIAD 2018

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, bên cạnh với giành kết quả trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, năm 2018, ngành TDTT phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực thể thao quần chúng. Theo đó, việc triển khai thực hiện phải theo trọng tâm, trọng điểm, có mũi nhọn chứ không dàn trải như những năm trước. Vừa qua, Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT đã thống nhất phải tạo được hiệu quả thực sự trong thể thao học đường và bơi lội.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ của thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng trong năm tới, Tổng cục trưởng Tổng Cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, Tổng cục đề ra một số nhóm giải pháp cụ thể. Trước mắt, Tổng cục TDTT tập trung hoàn thiện Luật TDTT sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội thông qua vào kỳ hợp thứ 5 sắp tới.

Cũng theo ông Thắng, nhằm thúc đẩy TDTT quần chúng trong năm 2018, Tổng cục TDTT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Quân đội, Y tế…để tổ chức thành công Hội thao của các ngành này. Được biết, trong năm tới, Tổng cục TDTT đặt ra mục tiêu đạt 31,5% số người luyện tập TDTT thường xuyên và 23,5% số gia đình tập luyện TDTT.

Đối với TDTT thành tích cao, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cho rằng: “Để giành được kết quả cao tại ASIAD 2018, Tổng cục TDTT xác định việc đào tạo các VĐV có khả năng giành được HCV là nhiệm vụ then chốt. Xa hơn, việc đào tạo tài năng cũng để chuẩn bị cho cả SEA Games 30, 31…”

Nhiều kỷ lục thể thao được phá bởi VĐV Việt Nam

Trước đó, báo cáo kết quả năm 2017 của ngành TDTT cũng cho biết, trong năm qua, hoạt động thể dục thể thao (TDTT) quần chúng được tổ chức đa dạng với nhiều nội dung, hoạt động sôi nổi, phong phú gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” thu hút hàng triệu người tham gia.

Ngành TDTT đã chuẩn bị lực lượng vận động viên (VĐV) tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 9 tại Malaysia giành 40 HCV, 61 HCB, 60 HCĐ, phá 10 kỷ lục của Đại hội, xếp thứ 4/11 đoàn tham dự.

Ngoài ra, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV tham dự các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới được quan tâm và đầu tư đúng mức. Kết quả trong năm 2017, các VĐV Việt Nam đã giành được tổng số 1.045 huy chương, trong đó có 425 HCV, 301 HCB và 319 HCĐ.

6 đội tuyển bóng đá Việt Nam đều hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng loại, có mặt ở vòng chung kết bóng đá Châu Á, bao gồm đội tuyển quốc gia, đội tuyển Futsal, đội tuyển bóng đá nữ, đội tuyển U16, U19 và U23 bóng đá nam quốc gia. Đặc biệt, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thi đấu xuất sắc giành HCV tại SEA Games 29 tại Malaysia và Đội tuyển Bóng chuyền nữ lần đầu tiên giành HCĐ U23 Châu Á.

Chỉ tính riêng tại SEA Games 29, Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành được tổng cộng 166 huy chương các loại, trong đó 58 HCV, 50 HCB và 60 HCĐ, phá 11 kỷ lục SEA Games và xếp thứ 3/11 quốc gia tham dự. Cùng với đó, giành 13 HCV, 8 HCB và 19 HCĐ, xếp vị trí thứ 9/65 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại hội võ thuật và trong nhà Châu Á lần thứ 65./.

Đối thoại về sự phát triển Bóng đá Việt Nam

Chiều ngày 13/1, tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra buổi đối thoại “Vì sự phát triển Bóng đá Việt Nam” do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện vàThứ trưởng Lê Khánh Hải chủ trì. Buổi đối thoại có sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam, các chuyên gia, các nhà quản lý Bóng đá và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại buổi đối thoại, hàng loạt các câu hỏi mang tính sống còn của Bóng đá Việt Nam được đặt ra, trong đó tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính đó là: Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Bóng đá phong trào; Bóng đá học đường; Công tác đào tạo trẻ; Các hiện tượng tiêu cực trong thi đấu Bóng đá tại các giải thi đấu quốc gia và Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Các nhóm câu hỏi lần lượt được lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam giải đáp một cách có trách nhiệm, thẳng thắn, công khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Mở đầu trong các câu hỏi được đặt ra, đó là “Các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam có quá cao hay không?”. Câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo Bộ trực tiếp trả lời. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết “Các mục tiêu đặt ra trong chiến lược là phù hợp và không nhất thiết phải điều chỉnh. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện chiến lược, kết quả đạt được không như mong muốn. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về vấn đề này”.

Tiếp đến, Phó Thủ tướng nêu câu hỏi “Ngành Thể thao đã đốc thúc việc thực hiện Chiến lược như thế nào? Công tác kiểm tra, giám sát đã chặt chẽ chưa? Và có tiến hành kiểm điểm hay không?”. Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trả lời “Tổng cục TDTT đã phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị triển khai chiến lược. Chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi, trao đổi cùng Liên đoàn Bóng đá Viêt Nam về việc xây dựng các kế hoạch cũng như tiến hành kiểm điểm, đánh giá những kết quả và tồn tại của Bóng đá Việt Nam hàng năm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận đã chưa giám sát một cách quyết liệt và chưa có kiểm điểm kỹ càng từng nội dung cụ thể”. Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng khẳng định sẽ rút kinh nghiệm về vấn đề này.

Nội dung về Bóng đá phong trào và Bóng đá học đường đã được quan tâm phát triển. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ VHTTDL đã ký kết chương trình phối hợp, tuy nhiên việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả. Và một loạt những nguyên nhân được nêu ra như: Thiếu hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, đội ngũ giáo viên thiếu và yếu… Không thỏa đáng với câu trả lời của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam về vấn đề này, Phó Thủ tướng mong muốn có một câu trả lời rõ ràng: “Trong điều kiện chỉ có như vậy, thì có thể làm được Bóng đá học đường hay không?”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong vấn đề này, hai Bộ đã chưa phối hợp được chặt chẽ với nhau nên việc triển khai không hiệu quả. Bởi vậy, trong thời gian tới đề nghị: “Hai Bộ cần phối hợp chặt chẽ hơn trong lĩnh vực TDTT, trong đó có Bóng đá. Cùng ngồi lại với nhau, cùng rà soát xem còn gì khó khăn, có mắc mớ gì không để cùng giải quyết nhằm góp phần phát triển giáo dục đào tạo theo hướng Đức – Thể – Mỹ”.

Một trong những vấn đề được quan tâm tại buổi đối thoại đó là vấn đề tại sao các giải Bóng đá phong trào thì luôn hấp dẫn khán giả, trong khi các giải quốc gia thì lại ít người theo dõi, ít lôi cuốn được khán giả. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chính là không sạch, không đẹp, không trung thực. Các đồng chí có đồng ý không? Nếu đồng ý có quyết tâm làm sạch không? Tôi đề nghị tất cả các đơn vị liên quan đều phải trả lời câu hỏi này”.

Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn thừa nhận “Một trong những nguyên nhân chính khiến các giải đấu vắng khán giả chính là do Bóng đá chưa sạch là đúng và cho biết, Liên đoàn sẽ kiên quyết loại bỏ những hiện tượng đó vì đây là nền tảng cho Bóng đá phát triển”.

Về phía Tổng cục TDTT, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng cũng cho rằng, nguyên nhân chính khiến Bóng đá chưa thu hút khán giả chính là do Bóng đá chưa sạch. Tổng cục TDTT sẽ kiên quyết chấn chỉnh và làm Bóng đá sạch hơn.

Thống nhất với ý kiến của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Tổng cục TDTT, Thứ trưởng Lê khánh Hải nói: “Nhận định của Phó Thủ tướng là đúng. Thời gian qua, Bóng đá đã để mất niềm tin. Tới đây, Bộ sẽ kiên quyết chỉ đạo đề ra các giải pháp để xử lý vấn đề này. Chúng tôi sẽ làm tốt nhất trong các giải pháp đưa ra”.

Trưởng Ban tổ chức giải V.League Nguyễn Ngọc Minh cũng cam kết: “Chúng tôi sẽ tiếp thu nghiêm túc và kiên quyết loại bỏ các hành vi bạo lực, thưởng điểm, cho điểm trong các mùa giải tiếp theo”.

Bên cạnh những vấn đề trên, còn có rất nhiều câu hỏi xoay quanh những tồn tại, bất cập của Bóng đá Việt Nam được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và các chuyên gia, các nhà quản lý tiền nhiệm đặt câu hỏi tới các cơ quan có trách nhiệm đều được giải đáp một cách cởi mở, thẳng thắn trên tinh thần “nói thật, nói thẳng” như chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Những nội dung được trao đổi tại buổi tọa đàm sẽ được BTC tiếp thu một cách nghiêm túc nhằm hướng tới mục tiêu vì sự phát triển của Bóng đá Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chúc mừng và thưởng 200 triệu cho đội tuyển U23 Việt Nam

Ngay sau khi đội tuyển U23 Việt Nam cầm hòa đội tuyển Syria với tỷ số 0-0 trong trận đấu diễn ra tối 17/1 và giành vé vào tứ kết VCK U23 Châu Á, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã gửi thư chúc mừng và quyết định thưởng 200 triệu đồng cho đội tuyển U23 Việt Nam. Trang tin điện tử xin đăng tải toàn văn thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Thân gửi: Huấn luyện viên trưởng và toàn thể đội tuyển U23 Việt Nam

Thật vui mừng khi lần đầu tiên đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam giành vé vào tứ kết tại vòng chung kết Giải Bóng đá U23 châu Á sau khi hòa Syria trong trận đấu tối 17/1. Trước đó, đội cũng có 2 trận đấu đáng khen ngợi trước U23 Hàn Quốc và U23 Australia.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những nỗ lực của huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo cùng toàn thể cán bộ, huấn luyện viên, cầu thủ đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam.

Mong toàn đội tiếp tục phát huy tinh thần thi đấu quả cảm, đoàn kết, kỷ luật, nỗ lực trong các trận đấu sắp tới, mang lại niềm vui, hy vọng cho người hâm mộ Bóng đá nước nhà.

Chúc toàn đội mạnh khỏe và thành công!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chúc mừng U23 Việt Nam

Đội tuyển U23 Việt Nam chính thức giành vé vào tứ kết U23 châu Á khi cầm hòa U23 Syria trong trận đấu bảng diễn ra vào tối 17/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chúc mừng thầy trò HLV Park Hang Seo. Trang tin điện tử TDTT xin gửi tới quý độc giả toàn văn thư chúc mừng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Kính gửi: Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam.

Hôm nay, tôi rất vui mừng nhận được tin vui từ Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá U23 Châu Á, đội tuyển U23 Việt Nam của chúng ta đã thi đấu xuất sắc cả ba trận và vượt qua vòng đấu bảng, lần đầu tiên lọt vào vòng tứ kết của giải đấu này, mang lại niềm tự hào cho Tổ quốc, cho người hâm mộ cả nước, thể hiện nghị lực và ý chí vươn lên mạnh mẽ của thế hệ trẻ Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, tôi xin gửi lời chúc mừng và nhiệt liệt biểu dương toàn thể đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, nhất là cá nhân Huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang Seo. Tôi mong toàn Đoàn ta tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nêu cao tinh thần đoàn kết, kỷ luật, nỗ lực tập luyện, quyết tâm thi đấu giành thêm nhiều thành tích, vì màu cờ, sắc áo Việt Nam.

Chúc toàn Đoàn mạnh khỏe và thành công./.

Thân ái,

Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ, Nước CHXHCN Việt Nam

Thể thao Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra với tinh thần Quyết chiến – Quyết thắng

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam (UBOVN) tại Hội nghị Ban thường vụ, Ban chấp hành UBOVN năm 2018, vừa diễn ra chiều nay 19/1/2018 tại trụ sở Bộ VHTTDL.

Trong năm 2017, được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, UBOVN đã cùng với Tổng cục TDTT phối hợp chặt chẽ với các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia cũng như các bên có liên quan, hoàn thành tốt kế hoạch công tác đề ra. UBOVN đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình hoạt động thể thao, thực hiện tốt các nhiệm vụ về đối ngoại, tuyên truyền, giáo dục Olympic và thể thao cho mọi người cũng như chuẩn bị chu đáo các công việc cho đoàn TTVN tham dự các Đại hội thể thao quốc tế như: Đại hội thể thao châu á Mùa đông lần thứ 8 (Nhật Bản): Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thể thao của Việt Nam, đoàn TTVN đã cử 12 thành viên (6 cán bộ đoàn, 6 VĐV) tham dự 3 môn (trượt tuyết băng đồng, trượt tuyết đổ dốc, snowboarding) tại Đại hội. Mặc dù kết quả còn hạn chế nhưng đã tạo ra một sự phát triển mới đối với các môn thể thao mùa đông ở Việt Nam cũng như phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Đại hội thể thao đông nam á lần thứ 29 (Malaysia): Đoàn TTVN tham dự với 800 thành viên, tranh tài ở 32 môn thi đấu, đã xuất sắc giành 58 HCV, 50 HCB, 60 HCĐ và xếp hạng 3/11 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Đại hội thể thao Người khuyết tật đông nam á lần thứ 9 (Malaysia): UBOVN đã phối hợp với Hiệp hội Paralympic Việt Nam chuẩn bị các công việc cho đoàn, lãnh đạo đoàn, cán bộ quản lý… tham dự với 188 người (143 VĐV), đạt 40 HCV, 61 HCB, 60 HCĐ và xếp hạng 4 toàn đoàn. Đại hội thể thao Võ thuật châu á trong nhà lần thứ 5 (Turkmenistan): Đoàn TTVN tham dự với 300 thành viên đạt 13 HCV, 8 HCB, 19 HCĐ và xếp thứ 9 toàn đoàn.

Ngoài ra cũng phải kể đến các sự kiện thể thao quốc tế lớn khác, nhiều đội tuyển thể thao quốc gia tham dự các giải Vô địch khu vực, châu lục và thế giới cũng đạt được những thành tích xuất sắc. Riêng trong năm 2017, thể thao thành tích cao Việt Nam đã đạt được 1.045 huy chương các loại.

Tất cả những thành tích nổi bật trên có sự đóng góp không nhỏ của UBOVN.

Công tác TDTT quần chúng ngày càng được phát triển mạnh mẽ, đa dạng trên toàn quốc và ở nhiều đối tượng, vùng miền khác nhau, gắn liền với  cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Hơn 10 triệu người tham gia các hoạt động thể thao cho mọi người như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tổ chức tại Hà Nội, Sầm Sơn, Thanh Hóa; Giải thể thao dành cho học sinh tiểu học thành phố Hà Nội và nhiều giải thể thao quần chúng khác ở các địa phương trên cả nước.

Giáo dục đào tạo Olympic được nâng cao về số lượng và chất lượng, UBOVN đã sử dụng 100% nguồn kinh phí tài trợ tổ chức thành công 4 khóa học dành cho Huấn luyện viên các môn: Judo, Bóng chuyền, Xe đạp, Hockey; 2 Khóa học Quản lý Thể thao; Một Khóa học Quản lý Olympic nâng cao giảng và dậy bằng tiếng Anh; Một khóa học về tâm lý và các kỹ năng mềm, dinh dưỡng và Y học thể thao dành cho các cán bộ, HLV, VĐV tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Công tác xã hội hóa được UBOVN đẩy mạnh bằng việc ký Hợp đồng với Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam, Công Ty Cổ phần Động Lực, Công ty TNHH – CLB Bán Nguyệt CMG Asia, Tập đoàn Tân Hiệp Phát – Number one, Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, Công ty cổ phần Đại Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt, Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ nhựa Pha Lê, Công ty TNHH Y dược quốc tế IMC, Công ty TNHH Y tế Việt Nhật, Công ty FPT của Thái Lan, Công ty cồ phần Động Lực để tài trợ tiền và hiện vật.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Mạnh, Tổng Thư ký UBOVN cho biết: “năm 2017 là năm mở đầu của nhiệm kỳ mới, UBOVN đã luôn quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL để triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 với hiệu quả và chất lượng ngày càng cao hơn. Đặc biệt, trong năm đầu của nhiệm kỳ, UBOVN đã phát huy được vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của các ủy viên Ban Chấp hành, cán bộ nhân viên thường trực cũng như sự phối hợp tích cực của các tổ chức thành viên để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra”.

Năm 2018, UBOVN tiếp tục triển khai các hoạt động theo kế hoạch công tác đã được Ban thường vụ, Ban chấp hành thông qua và các chương trình do IOC, OCA tài trợ. Đặc biệt tập trung vào hai mảng lớn là thể thao thành tích cao với Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) lần thứ 18 tại Jakarta, Indonesia và chọn một số đơn vị tiêu biểu để thực hiện điểm phát triển phong trào thể thao quần chúng mạnh mẽ nhất là phong trào bơi cứu đuối.

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe các báo cáo: Báo cáo tóm tắt công tác chuẩn bị tham dự Đại hội thể thao quốc tế 2018: Đại hội thể thao châu á lần thứ 18, Đại hội Oylympic trẻ lần thứ 3, Đại hội thể thao Người khuyết tật châu á lần thứ 3; Báo cáo công tác triển khai thực hiện đề án tổ chức đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 8; Báo cáo đề án đăng cai Sea Games 31; Báo cáo công tác phòng chống Doping; Báo cáo công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ghi nhận và biểu dương những kết quả mà UBOVN đã đạt được trong năm 2017; yêu cầu trong năm 2018, UBOVN cần tiếp tục phối hợp với các Ban, ngành địa phương thực hiện đột phá ở hai mảng lĩnh vực chính là thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng.

Bộ trưởng yêu cầu, tất cả các đơn vị liên quan cần xác định rõ phương hướng, giải pháp và thực hiện bằng được chỉ tiêu đề ra về HCV tại ASIAD lần thứ 18, “phải nổi bật như thành tích Olympic hay đội U23 Việt Nam của chúng ta đã từng làm được”. Về thể thao quần chúng phải tổ chức nhiều giải thi đấu hơn nữa ở tất cả các đối tượng, các cấp nhằm kích thích phong trào rèn luyện thân thể trở thành tự giác, mọi người dân phải coi tập luyện thể thao hàng ngày là nhu cầu thiết yếu. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới việc chọn một số đơn vị điểm để đẩy mạnh hoạt động thể thao quần chúng, tăng cường công tác truyền thông vào các hoạt động điểm này để các địa phương khác lấy đó làm mục tiêu; chú trọng vào công tác phổ cập bơi cứu đuối, trách tai nạn thương tích hết sức đau lòng.

Hội nghị Ban thường vụ và Ban chấp hành UBOVN đã diễn ra trong một ngày và thu được nhiều kết quả tích cực./.

Bộ VHTTDL ủng hộ thành phố Hồ Chí Minh đăng cai SEA Games 31

Sáng nay (21/1), đoàn cán bộ Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh do bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UNNDTP dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện về dự thảo Đề án xin đăng cai SEA Games lần thứ 31 (2021) và Para Games lần thứ 11 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Tổng cục TDTT, Văn phòng Bộ, Tổng cục Du lịch…

Theo báo cáo của ông Mai Bá Hùng – Phó Giám đốc Sở VHTT thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo xin đăng cai SEA Gams 31 năm 2021 và Para Games lần thứ 11 năm 2021 tại thành phố Hồ Chí Minh đã được gấp rút hoàn tất và được Ban thường vụ Thành ủy thông qua. Theo đó, việc tổ chức SEA Games 31 sẽ trên tinh thần tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao đáp ứng các yêu cầu của Đại hội, hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng các công trình thể thao.

Đại hội dự kiến có 11 đoàn thể thao đến từ 11 quốc gia Đông Nam Á với gần 10.000 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên tham dự. Tổng số môn thể thao được tổ chức trong chương trình Đại hội gồm từ 30 đến 36 môn, thời gian dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 8 đến cuối tháng 9… Để chuẩn bị cho SEA Games 31, một trong những vấn đề quan trọng đó là thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo cho việc đăng cai tổ chức Đại hội. Trong đó, ngoài việc nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất sẵn có, thành phố sẽ tập trung xây dựng khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc với quy mô 180,731ha, có Nhà thi đấu với sức chứa 50.000 chỗ, SVĐ và nhiều công trình thể thao khác. Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp với 2 địa phương là Đồng Nai và Bình Dương để tổ chức một số môn thể thao như Đua thuyền, Xe đạp,.. Nguồn kinh phí đăng cai Đại hội được huy động từ các nguồn lực xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu mong muốn lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm, tạo điều kiện ủng hộ để thành phố Hồ Chí Minh có thể đăng cai SEA Games 31 và Para Games lần thứ 11 trong điều kiện tốt nhất. Thời gian chuẩn bị cho việc chuẩn bị đăng cai SEA Games 31 không có nhiều, chính vì vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu cũng đề xuất xin được chủ động giải quyết mọi công việc trong thẩm quyền và sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ để triển khai các công việc chuẩn bị cho Đại hội được tốt nhất. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu cũng kiến nghị với Bộ, Chính phủ cho thành phố Hồ Chí Minh một cơ chế đặc thù.

Theo ý kiến của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, Tổng cục TDTT hoàn toàn nhất trí với dự thảo Đề án xin đăng cai SEA Games 31 và ASEAN Para Games lần thứ 11. Về hệ thống cơ sở vật chất, ngoài việc xây dựng, nâng cấp những công trình thể thao hiện có, Tổng cục TDTT đề nghị thành phố Hồ Chí Minh cần bổ sung xây dựng khu khởi động cho các vận động viên. Bên cạnh đó, nếu thời gian chuẩn bị gấp rút, cần xem xét thời gian tổ chức Đại hội sao cho phù hợp…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Việc đăng cai SEA Games không chỉ là quyền mà là trách nhiệm của Việt Nam, là dịp để thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè khu vực”. Bộ trưởng cho rằng, đăng cai SEA Games cũng chính là thời điểm cố gắng tạo bước ngoặt cho Thể thao Việt Nam, trong đó có thể thao thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Thể thao Việt Nam đã, đang đứng đầu khu vực. Việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để thành phố Hồ Chí Minh phát triển về mọi mặt. Đây là cơ hội tốt để hoàn thiện hệ thống thiết chế thể thao hiện đại trên địa bàn Thành phố, đáp ứng yêu cầu giữ vững vị trí là một trung tâm thể thao mạnh của cả nước, có vị thế trong khu vực.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chúc mừng và thưởng nóng 2 tỷ đồng cho đội tuyển U23 Việt Nam

Ngay sau khi trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Qatar kết thúc với tỷ số 6-5, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã gửi thư chúc mừng đội tuyển U23 Việt Nam đã giành tấm vé vào trận Chung kết tại Vòng chung kết giải vô địch U23 châu Á. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện quyết định thưởng nóng 2 tỷ đồng cho tập thể đội tuyển U23 Việt Nam.

Trong thư chúc mừng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Khó có thể dùng từ ngữ nào diễn tả được hết niềm vui và tự hào mà Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đã mang đến cho tôi và người hâm mộ trong buổi chiều ngày hôm nay. Một buổi chiều thật đặc biệt, đánh dấu thời khắc bóng đá Việt Nam tiếp tục làm nên kỳ tích mà ngay cả trong giấc mơ đẹp nhất chúng ta cũng không thể mơ được.

Thắng thuyết phục, quả cảm, kiên cường, giành tấm vé vào trận Chung kết giải U23 Châu Á, U23 Việt Nam đã mang đến những giây phút cống hiến và thể hiện được phẩm chất của con người Việt Nam, luôn kiên trì vượt qua mọi khó khăn”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện biểu dương những kết quả đã đạt được của đội tuyển U23 Việt Nam “Một lần nữa thay mặt Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôi gửi lời cảm ơn và nhiệt liệt chúc mừng thành tích mà Huấn luyện viên Park Hang-seo và Đội tuyển U23 Việt Nam đã đạt được.

Mong toàn đội giữ gìn sức khỏe và có sự chuẩn bị tốt nhất cho trận chung kết.

Chúc toàn đội mạnh khỏe và thành công!”

Đề xuất thêm 4 tiêu chí đánh giá phong trào TDTT quần chúng

Sáng 23/1, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tiếp thu và giải trình các ý kiến của Đại biểu Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao (TDTT).

Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Trên cơ sở các ý kiến này, Tổng cục TDTT đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các chuyên gia về pháp luật về thể thao nghiên cứu hoàn thiện dự thảo.

Theo ông Vương Bích Thắng – Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, các ý kiến sửa đổi, bổ sung tập trung vào 10 nội dung cụ thể như: Một số chính sách khuyến khích xã hội hóa; Trách nhiệm của trường học trong việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc…

Về chỉ tiêu đánh giá phong trào thể dục thể thao quần chúng, hiện nay, Luật hiện hành chỉ quy định 2 chỉ tiêu số người tập luyện TDTT thường xuyên và số gia đình thể thao. Để đánh giá phong trào này thực chất và hiệu quả hơn, Dự án Luật lần này cũng bổ sung thêm 4 chỉ tiêu như: số cộng tác viên thể dục thể thao, số câu lạc bộ thể thao, số công trình thể thao, số giải thể thao tổ chức hằng năm.

Cùng với đó, Ban soạn thảo cũng bổ sung các đối tượng khu công nghiệp, khu chế xuất vào khoản 1, Điều 65 cụ thể như: “Trong quy hoạch xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao.

Cũng tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV diễn ra vừa qua, có 3 luồng ý kiến của Đại biểu về vấn đề đặt cược thể thao. Trong quá trình làm việc, tiếp thu ý kiến, Ban soạn thảo đã thống nhất quy định nội dung này vào Dự thảo Luật. Theo đó, Chính phủ sẽ quyết định Danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.

Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh đặc cược thể thao phải đảm bảo các nguyên tắc: Chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Chỉ được hoạt động khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Đồng tiền để đặt cược trả thưởng là Việt Nam đồng..

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đồng tình với nội dung của Ban soạn thảo về việc tiếp thu và giải trình các ý kiến của Đại biểu Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao. Bộ trưởng đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, sớm hoàn thiện để trình Chính phủ trong thời gian tới./.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97