Nét đẹp văn hóa của truyền thống lễ chùa ngày Tết

Lễ chùa đầu năm một nghi lễ tâm linh gắn với nhà Phật. Trải qua bề dày lịch sử, lễ chùa đầu năm trở thành nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và lan tỏa trong cộng đồng.

Trong xã hội hiện đại, lễ chùa đầu năm đã thay đổi so với quá khứ rất nhiều. Một trong những biến đổi đáng chú ý là nghi lễ này bị nhiều người hiểu không đúng, bằng những hiện tượng biến tướng phản cảm, làm mất đi giá trị nhân văn của truyền thống. Theo TS. Trần Trọng Dương, lễ chùa ngày nay thì đúng là quá nhiều “tệ nạn”. Người ta mang cái “tục tâm” vào chùa, đặt tiền thật, tiền giả lên ban tam bảo, đặt tiền lễ vào tay tượng, lòng tượng, (thậm chí đút cả vào miệng tượng), người ta hóa vàng trong chùa.

Những hành động phản cảm này xuất phát từ tâm lý thực dụng của người dân. Họ nghĩ đi cầu khấn Phật, cúng bái nhiều hiện vật thì “buôn một bán mười.” Chính những hành động đó làm mất sự tôn nghiêm của Phật giáo. Họ không hiểu sâu sa rằng, đến cửa Phật là tìm đến sự an lạc trong tâm thái. Đức Phật có thể ban cho họ sự thanh thản trong tâm hồn chứ không phải vị thần vạn năng, cho mọi người mọi thứ họ yêu cầu.

Lan truyền giá trị nhân văn

Trong quan niệm người Việt, đi chùa đầu năm mang ý nghĩa “tống cựu nghinh tân”, gạt bỏ những điều không tốt không hay của năm cũ và đón năm mới trong phước lành, thanh tịnh của nhà chùa. Đi chùa ngoài cầu chúc năm mới bình an và tốt đẹp, con người còn có cơ hội được trải nghiệm trong không gian tâm linh với mùi nhang khói, màu sắc của đèn và hoa tươi. Lễ chùa đầu năm con người muốn khởi đầu trong sự thanh thản, bình an.

Nghi lễ này đã tồn tại đến hàng ngàn năm lịch sử bởi những giá trị nhân văn từ đạo Phật. Phật không phải ngoại cầu, mà tìm trong bản thân mỗi chúng ta. Vậy nên, đi lễ chùa chỉ để khởi phát thiện tâm của mỗi con người. Chúng ta đến cửa Phật với tâm lành, ý thiện. Phật không ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta muốn nhưng dạy ta quy luật của cuộc đời.

Vì thế, bước chân chốn cửa Phật, chúng ta sẽ trân trọng cuộc sống, trân trọng và tận hưởng những gì mình đã có. Để những giá trị nhân văn của nghi lễ đi chùa đầu năm lan tỏa, mỗi người dân cần hiểu giáo lý cơ bản của Phật giáo, từ bỏ lòng tham, sự ồn ào của áp lực cuộc sống khi đặt chân vào cửa chùa. Thay vì những hành động thực dụng phản cảm, chúng ta có thể sáng tạo những giá trị nhân văn bằng cử chỉ đẹp nơi chùa chiền.

Vào thời khắc đất trời đã chuyển sang một năm mới cũng là lúc mọi ngôi chùa trên cả nước trở thành không gian mọi người gửi gắm tâm nguyện và tìm kiếm sự bình an. Đi chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp, rất cần mọi người giữ gìn và trân trọng.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97